Điều tra doanh nghiệp năm 2020: cần sự đồng hành của mỗi doanh nghiệp
Phóng viên: Bắt đầu từ ngày 1/4/2020, Tổng cục Thống kê tiến hành triển khai điều tra doanh nghiệp năm 2020, xin ông cho biết mục đích của cuộc điều tra lần này?
Ông Nguyễn Trung Tiến: Mục đích của cuộc điều tra nhằm thu thập các thông tin cơ bản phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã của quốc gia...
Đặc biệt, thông tin từ điều tra doanh nghiệp năm 2020 sẽ dùng để tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia- được quy định trong Luật Thống kê; biên soạn báo cáo chính thức hàng năm của ngành Thống kê; tổng hợp và biên soạn ấn phẩm "Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2021" và “Sách Trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2021”. Thông tin từ cuộc điều tra này còn được sử dụng để đánh giá mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0 và chi phí dịch vụ logistic…
Phóng viên: Vậy, phương pháp thực hiện trong cuộc điều tra doanh nghiệp năm nay như thế nào và đâu là những điểm mới căn bản, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Tiến: Hàng năm, ngành Thống kê triển khai hàng chục cuộc điều tra thống kê, chưa kể các cuộc Tổng điều tra được tiến hành định kỳ trong thời hạn 5 năm hoặc 10 năm với quy mô lớn trên diện rộng, với các đối tượng, quy mô và độ phức tạp khác nhau.
Điều tra doanh nghiệp hàng năm là một trong những cuộc điều tra khó cả về tính chất phức tạp của thông tin thu thập, khó cả về tiếp cận đối tượng điều tra, với hàng chục loại phiếu áp dụng cho nhiều đối tượng doanh nghiệp và hợp tác xã khác nhau.
Câu hỏi trong điều tra doanh nghiệp liên quan đến các nội dung về lao động, tài sản, vốn, doanh thu…, liên quan đến nhiều phòng ban chức năng của doanh nghiệp, thông tin có tính nhạy cảm. Do vậy, điều tra viên tiếp cận doanh nghiệp để thu thập được thông tin luôn gặp nhiều khó khăn.
Những năm trước đây, điều tra doanh nghiệp được thực hiện theo hình thức điều tra gián tiếp hoặc trực tiếp bằng bảng hỏi giấy; điều tra viên liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để thu thập thông tin tại chỗ hoặc gửi bảng hỏi bằng giấy đến để doanh nghiệp trả lời. Tuy nhiên năm 2020, Tổng cục Thống kê thay đổi phương án điều tra doanh nghiệp để phù hợp với tình hình mới. Đó là, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích dữ liệu điều tra doanh nghiệp.
Theo đó, khâu điều tra thu thập thông tin được thực hiện bằng phương pháp điều tra trực tuyến, có nghĩa là doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin bằng bảng hỏi điều tra trực tuyến (webform). Điều này tạo ra một số thuận lợi là doanh nghiệp có thể chủ động cung cấp thông tin bằng hình thức trực tuyến, tiết kiệm nguồn lực, thông tin được cập nhật sẽ nhanh hơn. Từ đó, ngành Thống kê có thể xử lý, tổng hợp và công bố sớm kết quả điều tra…
Tuy nhiên, điều tra bằng hình thức trực tuyến cũng sẽ gặp một số bất cập. Đó là ngành thống kê phải xây dựng bài toán kỹ thuật về công nghệ thông tin và tiếp cận doanh nghiệp phức tạp hơn, phải đảm bảo tốc độ đường truyền, tính bảo mật, lưu trữ thông tin, tính khả dụng, đặc biệt công tác rà soát doanh nghiệp cần được coi trọng...
Trong điều tra doanh nghiệp các năm trước đây, ở rất nhiều địa phương, đặc biệt tại các thành phố lớn là nơi có số lượng doanh nghiệp nhiều, các điều tra viên thường phàn nàn về việc rất khó để tiếp cận doanh nghiệp, đặc biệt là chủ doanh nghiệp (đối tượng cung cấp thông tin theo quy định của phương án điều tra mới). Giờ đây, theo phương án điều tra năm 2020, các doanh nghiệp sẽ phải tự điền thông tin khai trên bảng hỏi trực tuyến.
Phóng viên: Theo phương án điều tra doanh nghiệp năm 2020, để thực hiện tốt việc thu thập thông tin, ngành Thống kê đã và đang phải thực hiện những công việc gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Tiến: Để thu thập đầy đủ về số lượng và chất lượng thông tin từ doanh nghiệp theo nội dung của bảng hỏi trực tuyến là thách thức không nhỏ đối với các điều tra viên của ngành thống kê. Thành công của điều tra doanh nghiệp lần này phụ thuộc khá nhiều vào sự hợp tác, đồng hành thực hiện cung cấp thông tin của doanh nghiệp theo Luật Thống kê.
Theo phương án điều tra doanh nghiệp năm 2020, có 18 loại phiếu điều tra dành cho các loại hình doanh nghiệp và hợp tác xã khác nhau. Hiện, Tổng cục Thống kê đang hoàn thiện các khâu thực hiện trong phương án nhằm triển khai phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp theo Luật Thống kê, bảo đảm tính bảo mật, kết nối thông tin thông suốt, đảm bảo các doanh nghiệp được hướng dẫn sẽ kê khai đầy đủ thông tin.
Bên cạnh đó, ngoài sự nỗ lực của ngành thống kê, sự phối hợp của các bộ, ngành thì các cấp lãnh đạo, quản lý tại các địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp tổ chức thực hiện. Đó là, tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp về ý thức chấp hành pháp luật trong việc cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, cũng như nâng cao vai trò quản lý của các cấp trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thực thi chế tài xử phạt vi phạm hành chính thực hiện Luật Thống kê của các doanh nghiệp. Đều này nhằm có được nguồn số liệu tin cậy, đầy đủ, phục vụ công tác quản lý, điều hành ở chính địa phương.
Với hình thức cung cấp thông tin trực tuyến, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, cung cấp thông tin điều tra thống kê của từng doanh nghiệp cần được phát huy. Thực tế, đa phần các doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành Luật Thống kê, thực hiện cung cấp thông tin cho điều tra viên. Song, cũng không ít doanh nghiệp cố tình trốn tránh, chây ỳ không cung cấp thông tin hoặc cung cấp chiếu lệ, không đầy đủ, không chính xác, kịp thời…
Phóng viên: Sẽ có không ít doanh nghiệp cố tình trốn tránh, chây ỳ không cung cấp thông tin hoặc cung cấp chiếu lệ, không đầy đủ, không chính xác, kịp thời… Vậy, theo ông chúng ta đã có chế tài gì để xử lý những doanh nghiệp này ?
Ông Nguyễn Trung Tiến: Để xử lý những trường hợp vi phạm này, Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê do Chính phủ ban hành ngày 1/7/2016 đã có những quy định cụ thể về vi phạm quy định trong các hoạt động điều tra thống kê.
Theo đó, tại Điều 5 Nghị định này đã chỉ rõ: Phạt cảnh cáo đối với hành vi trì hoãn việc thực hiện yêu cầu của điều tra viên thống kê theo quy định của phương án điều tra thống kê. Phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: nộp chậm phiếu, biểu điều tra thống kê theo phương pháp đối tượng điều tra tự ghi vào phiếu, biểu điều tra theo hướng dẫn của điều tra viên dưới 5 ngày so với thời hạn quy định của phương án điều tra thống kê; nộp không đủ phiếu, biểu điều tra thống kê theo phương pháp điều tra gián tiếp so với quy định của phương án điều tra thống kê; ghi không đủ các thông tin có phát sinh vào phiếu, biểu điều tra theo quy định của phương án điều tra thống kê.
Cùng với đó, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi nộp chậm phiếu, biểu điều tra thống kê theo phương pháp điều tra gián tiếp từ 5 ngày đến dưới 10 ngày so với thời gian quy định của phương án điều tra thống kê.
Điều 5 cũng nêu rõ, phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc thực hiện điều tra thống kê; khai man hoặc ép buộc người khác khai man thông tin trong điều tra thống kê; không cung cấp trực tuyến nội dung và số liệu điều tra tới thiết bị truy xuất theo yêu cầu của cơ quan tiến hành điều tra hoặc người thực hiện điều tra thống kê do phương án điều tra thống kê quy định.
Nghị định số 95/2016/NĐ-CP cũng quy định rất rõ thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra và thanh tra chuyên ngành thống kê… đối với các vi phạm về quy định trong các hoạt động điều tra thống kê.
Do đó, sự đồng hành, sẵn sàng cung cấp thông tin của mỗi doanh nghiệp sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng thông tin đầu ra của cuộc điều tra./.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Thúy Hiền
Nguồn tin: (TTXVN/Vietnam+) - https://www.vietnamplus.vn/dieu-tra-doanh-nghiep-nam-2020-can-su-dong-hanh-cua-moi-doanh-nghiep/631821.vnp
-
Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy sáng 8-4: Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao
10/04/2020 -
Kinh tế Hải Phòng: Vững vàng trong gian khó
10/04/2020 -
Thủ tướng họp Ban Chỉ đạo điều hành giá
21/04/2020 -
Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo giảm giá một số mặt hàng
22/04/2020 -
Hợp tác xã Việt Nam và một số nét khái quát
29/04/2020 -
Chỉ thị của Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng về một số giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19
27/03/2020 -
Hoàn thành Đại hội Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ Cục Thống kê nhiệm kỳ 2020-2022
16/03/2020 -
(TCTK) - Hội thảo xin ý kiến sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê Quốc gia
05/03/2020 -
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ điều tra doanh nghiệp năm 2020
05/03/2020 -
Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam năm 2019 - một năm nhìn lại
03/03/2020
- Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
- Thủy Nguyên phát huy tiềm lực sẵn sàng trở thành đô thị loại III
- Infographic tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
- Cục Thống kê triển khai hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã
- Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng