Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tháng 4 năm 2020

Thứ tư - 29/04/2020 09:40
Những tháng đầu năm 2020 dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng rõ nét đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố, tháng 4/2020 là tháng đầu tiên sau nhiều năm chỉ số PTSX công nghiệp tăng trưởng âm so cùng kỳ
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất công nghiệp


Chỉ số phát triển sản xuất (PTSX) công nghiệp (IIP) tháng 4/2020 ước giảm 14,91% so với tháng trước và giảm 0,96% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh Covid-19 với diễn biến phức tạp trên toàn thế giới đã ảnh hưởng nhiều tới ngành công nghiệp Hải Phòng, khi hầu hết các ngành công nghiệp đều có chỉ số PTSX tháng 4/2020 ước giảm so với tháng cùng kỳ, trong đó: Ngành khai khoáng giảm mạnh chủ yếu do khối lượng khai thác cát, đá của các doanh nghiệp lớn đều sụt giảm đáng kể do thị trường xây dựng trong thời gian này không sôi động. Ngành chế biến, chế tạo (ngành chiếm trên 90% giá trị tăng thêm, quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng công nghiệp thành phố) dự kiến tháng 4/2020 giảm 1,27% so với cùng kỳ năm trước; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 8,67%; chỉ riêng ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,39%;
 

 Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số PTSX toàn ngành công nghiệp thành phố ước tăng 16,18% so với cùng kỳ, đây là tốc độ tăng 4 tháng so cùng kỳ thấp nhất trong 3 năm gần đây. Trong các ngành công nghiệp cấp I, ngành khai khoáng giảm 35,78%, làm giảm 0,08 điểm phần trăm mức tăng chung; chế biến, chế tạo tăng 16,51%, đóng góp 15,08 điểm phần trăm; sản xuất, phân phối điện tăng 17,28%, đóng góp 1,24 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,32%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm mức tăng chung.

* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2020 ước giảm 32,91% so với tháng trước và giảm 32,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ do tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như: sản xuất bia giảm 52,88%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 48,58%; sản xuất trang phục giảm 36,31%...

* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/4/2020 tăng 8,77% so với tháng trước và tăng 28,96% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất thiết bị truyền thông tăng 301,63%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 286,45%; sản xuất trang phục tăng 175,84%... 

* Một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất ước 4 tháng năm 2020 so với cùng kỳ: xe máy điện tăng 89,7%; ắc quy điện các loại tăng 52,86%; màn hình điện thoại tăng 95,96%; modun camera tăng 41,76%; thức ăn cho gia súc tăng 12,36%; phôi thép tăng 11,19%; đinh ghim dập tăng 10,03%; máy hút bụi tăng 3,67%; thùng bể chứa bằng kim loại tăng 4,73%; bia hơi giảm 48,53%; máy giặt giảm 24,26%; màn hình IVI giảm 23,08%; lốp xe giảm 24,67%; sắt thép các loại giảm 1,92%; xi măng Portland đen giảm 9,83%; quần áo các loại giảm 12,25%.

* Lao động của các doanh nghiệp tại thời điểm 30/4/2020 dự kiến giảm 2,3% so với tháng trước và giảm 4,7% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 6,6%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 8,8%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,7% so cùng kỳ. 

2. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
2.1. Nông nghiệp


* Trồng trọt
-  Sản xuất vụ Đông
Theo kết quả điều tra chính thức vụ Đông năm 2019, tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông trên địa bàn thành phố đạt 7.129,6 ha, bằng 95,71% (-319,6 ha) so với vụ Đông năm trước.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Xuân 2020 toàn thành phố đạt 36.705,5 ha, bằng 91,61% (-3.361,2 ha) so với vụ Xuân năm trước. 

* Chăn nuôi
Ước tính tháng 4/2020, số lượng đầu con gia súc, gia cầm toàn thành phố hiện có như sau: đàn trâu đạt 4,6 nghìn con, giảm 4,44% so với cùng kỳ năm trước, đàn bò đạt 10,8 nghìn con, giảm 10,34% (sản xuất chăn nuôi trâu, bò chủ yếu phục vụ nhu cầu thực phẩm nên đang có xu hướng giảm dần theo các năm). Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định và có xu hướng tăng, tổng đàn gia cầm ước đạt 8.534,5 nghìn con, tăng 4,26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà đạt 6.536,6 nghìn con, tăng 3,64%.
Tổng đàn lợn tháng 4/2020 ước đạt 137,4 nghìn con, bằng 42,23% so với cùng kỳ năm trước. Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm từ thịt lợn trên thị trường các cấp, ngành đã tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên người sản xuất, người tiêu dùng và nhà nước với mục tiêu để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững.
Trong tháng 4/2020 đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không xuất hiện dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm.

2.2. Lâm nghiệp

Ước tính tháng 4/2020, sản lượng gỗ khai thác đạt 162,5 m3, bằng 94,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 3.850 ste, bằng 93,9%, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 33 nghìn cây, bằng 97,1%. Ước tính 4 tháng/2020, sản lượng gỗ khai thác đạt 647,5 m3, bằng 94,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 15.510 ste, bằng 96,9%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 99 nghìn cây, bằng 97,1%.
Diện tích rừng giao khoán bảo vệ ổn định đạt trên 13 nghìn ha, tuy nhiên trong tháng xảy ra 01 vụ chặt phá rừng trái phép tại huyện Cát Hải với diện tích rừng bị chặt phá là 0,049 ha.

2.3. Thủy sản

Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 4/2020 ước đạt 15.459,3 tấn, tăng 923,6 tấn (+6,35%); ước tính 4 tháng/2020 sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 65.987,5 tấn, tăng  8.728 tấn (+15,24%) so với cùng kỳ năm trước. 

3. Đầu tư xây dựng
Dự tính vốn đầu tư thực hiện 4 tháng năm 2020
 
Dự tính 4 tháng năm 2020
(Tỷ đồng)
4 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước
(%)
Tổng số
1.783,5
98,32
Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh
1.458,8
94,12
Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện
   243,6
118,95
Vốn ngân sách nhà nước cấp xã
     81,1
136,84

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 15/4/2020 Hải Phòng có 719 dự án còn hiệu lực:
Tổng vốn đầu tư      :  18.019,13 triệu USD
Vốn điều lệ              :    6.428,40 triệu USD
Vốn Việt Nam góp  :       243,02 triệu USD
Nước ngoài góp       :    6.185,39 triệu USD
Tính từ đầu năm đến 15/4/2020 toàn thành phố có 25 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 121,1 triệu USD và 09 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 115,03 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 

4. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 năm 2020 ước đạt 8.281,5 tỷ đồng, giảm 17,32% so với tháng trước, giảm 21,65% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn 04 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 41.458,0 tỷ đồng, giảm 0,87% so với cùng kỳ năm trước. 

* Doanh thu chia theo ngành hoạt động
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ
   Ước tháng 4/2020
(Tỷ đồng)
 Cộng dồn 4 tháng/2020 (Tỷ đồng) Ước tháng 4/2020 so với tháng trước (%) Ước tháng 4/2020 so với tháng cùng kỳ năm trước (%) Cộng dồn 4 tháng/2020 so với cùng kỳ năm trước (%)
Tổng số 8.281,5 41.458,0 82,68 78,35 99,13
Bán lẻ hàng hóa 7.590,8 35.029,3 87,75 90,96 105,04
Dịch vụ lưu trú 40,5 329,6 57,80 28,82 65,57
Dịch vụ ăn uống 314,7 3.996,8 40,27 22,80 74,31
Du lịch lữ hành 0 37,6 0 0 61,43
Dịch vụ khác 335,5 2.064,7 66,35 48,87 81,53


5. Hoạt động lưu trú và lữ hành
 
 
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ tháng 4/2020 tiếp tục giảm mạnh. Tổng lượt khách tháng 4/2020 ước đạt 177,2 nghìn lượt, giảm 48,82% so với tháng trước và giảm 74,66% so với cùng tháng năm 2019; trong đó khách quốc tế đạt 15,5 nghìn lượt, giảm 59,66% so với tháng trước và giảm 78,40% so với cùng tháng năm trước. 

Cộng dồn 4 tháng/2020, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 1.570,1 nghìn lượt, giảm 32,86% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 176,2 nghìn lượt, giảm 36,44% so với cùng kỳ năm trước. 

6. Vận tải hàng hóa và hành khách
6.1. Vận tải hàng hoá


Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 4 năm 2020 ước đạt 12,5 triệu tấn, giảm 18,63% so với tháng trước và giảm 23,11% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 4 tháng đầu năm 2020 đạt 63,8 triệu tấn, tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước. 
Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 4 năm 2020 ước đạt 7.196,9 triệu tấn.km, giảm 15,72% so với tháng trước và giảm 12,06% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 4 tháng đầu năm 2020 đạt 32.700,8 triệu tấn, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. 

6.2. Vận tải hành khách

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 4 năm 2020 ước đạt 1,2 triệu lượt, giảm 72,17% so với tháng trước, giảm 78,82% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 4 tháng đầu năm 2020 đạt 16,7 triệu lượt, giảm 24,48% so với cùng kỳ năm trước. 
Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 4 năm 2020 đạt 50,4 triệu Hk.km, giảm 70,79% so với tháng trước và giảm 78,02% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 4 tháng đầu năm 2020 đạt 686,6 triệu Hk.km, giảm 24,15% so với cùng kỳ năm trước. 

6.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải

Doanh thu dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 4 năm 2020 ước đạt 1.996,8 tỷ đồng, giảm 16,78% so với tháng trước và giảm 19,9% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 4 tháng năm 2020 doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 9.801,2 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. 

6.4. Sân bay Cát Bi

Tháng 4 năm 2020 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 0,93 tỷ đồng, giảm 93,39% so với tháng trước; giảm 95,98% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 4 tháng/2020, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 66,93 tỷ đồng, giảm 29,95% so với cùng kỳ năm trước.

7. Hàng hoá thông qua cảng

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 4 năm 2020 ước đạt 9.357,87 nghìn TTQ, tăng 4,42% so với tháng trước và tăng 6,90% so với cùng kỳ năm trước. 
* Doanh thu cảng biển tháng 4 năm 2020 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 417,4 tỷ đồng, giảm 8,62% so với tháng trước, giảm 7,25% so với cùng kỳ. Doanh thu cảng biển 4 tháng đầu năm 2020 đạt 1.669,2 tỷ đồng, giảm 5,28% so với cùng kỳ năm 2019.

8. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hải Phòng tháng 4 năm 2020 giảm 1,11% so với tháng trước, tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,89% so với tháng 12/2019. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 5,20% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm có chỉ số giá tháng 4/2020 giảm so với tháng trước với mức giảm như sau: nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,39%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,48%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 2,26%; nhóm giao thông giảm 12,23%; và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,34%. 04 nhóm có chỉ số giá tăng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,81%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,10%. 02 nhóm còn lại là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số giá không thay đổi so với tháng trước. 

Nguyên nhân chính làm giảm CPI tháng 4 là do chỉ số giá xăng dầu diesel giảm 28,47% làm cho CPI chung giảm 0,99%; chỉ số giá gas giảm 19,06% làm cho CPI chung giảm 0,21%; chỉ số giá dầu hỏa giảm 30,44% làm cho CPI chung giảm 0,01%; chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 1,79% làm cho CPI chung giảm 0,04%... Bên cạnh đó cũng có yếu tố làm tăng CPI tháng 4 là chỉ số giá lương thực tăng 2,34% làm cho CPI chung tăng 0,08%; chỉ số giá thực phẩm tăng 0,96% làm cho CPI chung tăng 0,23%; 
* Chỉ số giá vàng 99,99% và Đô la Mỹ: 
- Chỉ số giá vàng tháng 4/2020 tăng 1,42% so với tháng trước, tăng 24,60% so với cùng tháng năm 2019, tăng 9,77% so với tháng 12/2019. Giá vàng bình quân tháng 4/2020 dao động ở mức 4,584 triệu đồng/chỉ, tăng 64.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2020 tăng 1,21% so với tháng trước, tăng 1,48% so với cùng tháng năm 2019, tăng 1,58% so với tháng 12/2019. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 4/2020 dao động ở mức 23.597 đồng/USD, tăng 282 đồng/USD.

9. Hoạt động tài chính, ngân hàng 
9.1. Tài chính


Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 4 năm 2020 ước đạt 6.020,7 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 1.520,7 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.500 tỷ đồng. Ước 4 tháng/2020 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 25.927,6 tỷ đồng, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 4 năm 2020, ước đạt 1.570,4 tỷ đồng; ước tháng 4/2020 đạt 4.719,5 tỷ đồng, bằng 85,7% so với cùng kỳ năm trước.

9.2. Ngân hàng

* Công tác huy động vốn:
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến hết tháng 4 năm 2020 đạt 216.384 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ năm trước, bằng 102,68% so với năm 2019.
* Công tác tín dụng:
Tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 4 năm 2020 ước đạt 127.385 tỷ đồng, tăng 7,62% so với cùng kỳ năm trước, bằng 98,69% so với năm 2019.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội


* Công tác Lao động, việc làm
Trong 04 tháng đầu năm, thành phố tổ chức được 02 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 55 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng 2.064 lượt lao động. Số lượng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là 3.803 người (giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2019), thành phố đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 3.679 người (tăng 2,3% so với cùng kỳ), với kinh phí hơn 67,5 tỷ đồng (tăng 10,3% so với cùng kỳ)
Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công; xảy ra 08 vụ tai nạn lao động làm 08 người chết.

* Công tác dạy nghề 
Tính đến tháng 4/2020 tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tại thời điểm báo cáo là 70 đơn vị (gồm 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 11 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp). 4 tháng đầu năm 2020 tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp đạt khoảng 12.000 học viên, đạt 23% kế hoạch năm và bằng 92% so với cùng kỳ năm 2019.  

* Công tác người có công
Bốn tháng đầu năm 2020, thành phố đã tiếp nhận và tiến hành giải quyết theo đúng chế độ đối với 1.122 đối tượng chính sách trên địa bàn như sau: trợ cấp một lần cho 811 người; trợ cấp hàng tháng 36 người; chế độ thờ cúng liệt sĩ 265 trường hợp, xác nhận miễn giảm tiền sử dụng đất theo Quyết định số 118/QĐ-TTg cho 10 trường hợp. Ngoài ra, thực hiện tiếp nhận và thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối cới 1.259 trường hợp; công nhận, đề nghị công nhận 118 người có công.

* Công tác giảm nghèo - Bảo trợ xã hội
Tình đến ngày 14/4/2020, số lượng các đối tượng được chăm sóc và nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội là 751 người (bằng 102,87% so với cùng kỳ năm 2019), tập trung được 108 lượt người người lang thang trên địa bàn (giảm 121 lượt người, tương ứng giảm 47,16% so với cùng kỳ). 
Bên cạnh đó, thành phố nghiên cứu, xem xét việc phân bổ kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn (phân chia thành các nhóm đối tượng: người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo). Triển khai thực hiện Nghị quyết số 53/2019/NQ-HĐND về nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và một số chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố.

* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Trong 4 tháng đầu năm 2020, thành phố đã tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện cho 1.804 lượt người (bằng 95,95% so với cùng kỳ), cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 78 người (bằng 82,98% so với cùng kỳ), điều trị Methadone toàn thành phố (tại 18 cơ sở) cho 3.931 người. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả đã tiến hành kiểm tra 69 buổi tại 248 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke...

2. Giáo dục - Đào tạo

Tháng 4/2020, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân thành phố về việc phòng chống dịch bệnh Covid-19. 
Ngày 21/4/2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành văn bản số 2993/UBND-VX về việc cho học sinh đi học trở lại sau thời gian nghỉ học do dịch Covid-19. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường, cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện các biện pháp khử khuẩn, vệ sinh lớp học, trường học trước khi đón học sinh đi học trở lại; thực hiện việc đo thân nhiệt, 100% học sinh đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn và các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định khi học sinh tới trường; bố trí lịch học 01 buổi/ngày; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các nhà trường, cơ sở giáo dục.

3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 

* Công tác y tế dự phòng
Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19
Trong tháng 4/2020, thành phố Hải Phòng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly xã hội 15 ngày (01/4-15/4/2020). Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cấp giấy chứng nhận năng lực xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV2 cho Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng, việc trang bị và tự vận hành máy xét nghiệm giúp thành phố chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch.

Từ ngày 16/4/2020, Hải Phòng thuộc nhóm thứ 2 (nhóm có nguy cơ), do vậy UBND thành phố đã ban hành công văn số 2808/UBND-VX ngày 15/4/2020 về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố không có trường hợp nào nhiễm virus gây bệnh Covid-19; các trường hợp nghi nhiễm hiện được cách ly, giám sát y tế chặt chẽ theo đúng quy định và hướng dẫn. Thực hiện Công văn số 3036/UBND-VX ngày 23/4/2020 của UBND thành phố, từ ngày 23/4/2020 người dân được đi lại bình thường, một số ngành kinh doanh thương mại, dịch vụ được hoạt động trở lại nhưng vẫn phải tuân thủ theo quy định phòng, chống dịch.

* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Tăng cường chỉ đạo Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm và các trung tâm y tế quận/huyện đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện kiểm tra đột xuất việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại những khu cách ly tập trung để phòng lây nhiễm dịch bệnh: Trung tâm hội nghị và Đào tạo cán bộ công đoàn, Ký túc xá Trường Cao đẳng Hàng Hải, trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, trường Cao đẳng Du lịch.

* Công tác phòng chống HIV/AIDS
Tính đến 01/4/2020, lũy tích người nhiễm HIV là 11.231 người, số người chuyển sang AIDS là 6.312 người, số người chết do AIDS là 5.310 người, và số người nhiễm HIV hiện còn sống là 5.921 người. So với cùng kỳ năm 2019, số người mới phát hiện tương đương, số ca chuyển sang AIDS giảm 03 trường hợp và số ca tử vong giảm 01 trường hợp.
Về việc thực hiện chương trình cai nghiện Methadone, tính đến tháng 4/2020, trên địa bàn toàn thành phố có tổng số bệnh nhân đang điều trị là 3.947 người, số bệnh nhân đạt liều duy trì là 3.670 người.

4. Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/3/2020 đến ngày 14/4/2020, toàn thành phố xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 05 người chết và 03 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 02 vụ, số người bị thương không đổi và số người chết giảm 01 người. Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. 
Cộng dồn từ đầu năm 2020 đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông đường bộ, không có tai nạn giao thông đường sắt, đường thủy. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 20 người và bị thương 04 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 04 vụ (tương ứng giảm 16%), số người chết giảm 02 người (tương ứng giảm 9,09%) và số người bị thương giảm 03 người (tương ứng giảm 42,86%).  

5. Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/3/2020 đến ngày 14/4/2020, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 02 vụ cháy, không gây thiệt hại về người. Các vụ cháy đang trong quá trình xác minh và thống kê giá trị thiệt hại về tài sản. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy giảm 06 vụ./.

Tác giả: Cục Thống kê Hải Phòng

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây