Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tháng 2/2020

Thứ bảy - 29/02/2020 16:56
Tính chung 02 tháng đầu năm 2020, chỉ số PTSX toàn ngành công nghiệp thành phố tăng 23,57% so với cùng kỳ. Trong các ngành công nghiệp cấp I, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 24,54%
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số phát triển sản xuất (PTSX) công nghiệp (IIP) tháng 02/2020 ước giảm 10,16% so với tháng trước và tăng 30,11% so với cùng kỳ năm trước. 
Tính chung 02 tháng đầu năm 2020, chỉ số PTSX toàn ngành công nghiệp thành phố tăng 23,57% so với cùng kỳ. Trong các ngành công nghiệp cấp I, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 24,54%, đóng góp lớn nhất với 21,24 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 17%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,77%, đóng góp tăng 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 31,3%, làm giảm 0,14 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung.
Trong 52 nhóm ngành kinh tế cấp 4 có 25 ngành có chỉ số PTSX công nghiệp tăng, trong đó: sản xuất thiết bị truyền thông tiếp tục là ngành có mức tăng cao nhất, tăng 123,36%; ngành sản xuất pin và ắc quy tăng 83,47%; ngành sản xuất mô tô xe máy với mức tăng 54,85%...
Có 27 ngành kinh tế cấp 4 giảm, trong đó: ngành sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 53,35%; chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản giảm 44,18%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ giảm 28,52%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 16,91%;...
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 kéo dài 7 ngày, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố lại đối diện với diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (Covid-19). Tuy nhiên chỉ số PTSX toàn ngành công nghiệp thành phố vẫn duy trì tốc độ tăng 23,57% so cùng kỳ nhờ sự đóng góp chủ yếu của những sản phẩm mới như ô tô, điện thoại thông minh (cùng kỳ năm 2019 chưa đi vào sản xuất).
Ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện 02 tháng/2020 tăng 17% so cùng kỳ, tháng 02/2020 dự tính là tháng có lịch đổ ải vụ Đông xuân kéo dài nên thủy điện phát cao để đảm bảo đủ nước đổ ải, điện huy động từ các nhà máy nhiệt điện sẽ giảm nên sản lượng điện sản xuất giảm so tháng 01 nhưng vẫn tăng nhẹ so cùng kỳ. 
Sản xuất sắt thép của các doanh nghiệp trên địa bàn 02 tháng năm 2020 tăng 20,41% so cùng kỳ, đây là kết quả tích cực nếu so với 2 năm gần đây (năm 2018 giảm 0,36% so cùng kỳ; năm 2019 giảm 2,13% so cùng kỳ). Do không bị ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu đầu vào từ vùng dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp đều chủ động sản xuất, bắt tay ngay vào sản xuất từ ngày đầu tiên của năm mới, đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cung cấp cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố (Vingroup, Eco 3, Coteccons…), đảm bảo đủ việc làm cho người lao động trong năm 2020.
Sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản 02 tháng/2020 tăng 19,14% so cùng kỳ, mặc dù thời điểm này đang xuất hiện dịch cúm gia cầm A/H5N6 nhưng với quy mô nhỏ ở một số địa phương nên dự tính trong tháng 02/2020 tình hình tiêu thụ thức ăn gia cầm chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19 chưa rõ rệt, song những ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất trên địa bàn thành phố cũng có dấu hiệu giảm sản lượng sản xuất trong tháng 02 và 02 tháng/2020:
Ngành sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng, sản xuất đồ điện dân dụng đều dự kiến sản xuất 02 tháng/2020 giảm so cùng kỳ chủ yếu do các doanh nghiệp của tập đoàn LG có thị trường nhập khẩu nguyên liệu chính từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không đủ nguyên liệu sản xuất và đơn hàng sụt giảm từ thị trường Trung Quốc.
Ngành sản xuất giày dép, may mặc cũng chịu ảnh hưởng do có tỷ lệ nhập khẩu nguyên, phụ liệu lớn từ Trung Quốc nên khi cấm biên do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp không có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất, khối lượng sản xuất sụt giảm đáng kể. Dự kiến chỉ số PTSX công nghiệp 02 tháng đầu năm 2020 đều đạt mức tăng thấp hơn các năm.
Sản xuất rượu bia, nước giải khát cũng nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh Covid-19, trước đó, ngành này cũng đã bị tác động từ Nghị định 100/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm hạn chế tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 01/01/2020. Dự báo sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia trong năm 2020 giảm đáng kể so với năm 2019.
Sản xuất xi măng không xuất khẩu được sang Trung Quốc tạo nên áp lực cho thị trường nội địa vốn đã chịu nhiều cạnh tranh, cung vượt quá cầu. Hai tháng đầu năm 2020 chỉ số sản xuất và tiêu thụ đều giảm so cùng kỳ. 
Một số ngành sản xuất như sản xuất máy văn phòng, sản xuất linh kiện ô tô, sản xuất máy phát điện... đều có xu hướng sẽ điều chỉnh giảm đơn hàng do thiếu nguyên liệu để sản xuất, một số doanh nghiệp do còn tồn kho nên đủ nguyên vật liệu sản xuất cho đến hết tháng 02/2020.
Nhìn chung, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn, ảnh hưởng đến lao động, việc làm và mục tiêu tăng trưởng công nghiệp thành phố trong năm 2020.
* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2020 ước giảm 7,0% so với tháng trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh so cùng kỳ: sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 26,3%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 17,5%; sản xuất săm, lốp cao su; đắp và tái chế lốp cao su giảm 36,2%; sản xuất sắt, thép, gang giảm 37,6%; sản xuất đồ chơi, trò chơi giảm 48,7%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 53,1%... 
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ ước tăng như: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 19,5%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 61,6%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện tăng 49,5%; sản xuất đồ gỗ xây dựng tăng 32,5%...
* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 29/02/2020 ước tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 27,01% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản tăng 417,99%; sản xuất trang phục tăng 223,22%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 265,61%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao tăng 233,67%…
Một số ngành có chỉ số tồn kho so với cùng kỳ giảm như: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản giảm 17,01%; sản xuất thuốc lá giảm 47,19%; sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 38,19%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ giảm 10,37%; sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động giảm 50%...
* Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 29/02/2020 tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 9,1%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 3,8%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,6%. 
Chia theo ngành cấp I: ngành khai khoáng tăng 1,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,2%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 7,8%; ngành cung cấp nước, quản lý, xử lý nước rác thải, nước thải tăng 0,2%. 
Trong 52 ngành cấp 4, một số ngành chỉ số sử dụng lao động tăng cao: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 22,4%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 14,6%, sản xuất trang phục tăng 14,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 2,1%.
Một số ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so cùng kỳ như: sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 9,4%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 2,7%, sản xuất kim loại giảm 2,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 13,6%.
* Một số sản phẩm công nghiệp ước 02 tháng năm 2020 so cùng kỳ: quần áo các loại đạt 19,87 triệu cái, tăng 2,88%; phân bón đạt 29,083 nghìn tấn, giảm 28,52%; màn hình khác đạt 1,753 triệu cái, tăng 12,39%; máy giặt đạt 217,87 nghìn cái, giảm 15,58%; lốp hơi mới bằng cao su đạt 291,09 nghìn cái, giảm 24,66%; sắt, thép các loại đạt 235,83 nghìn tấn, tăng 18,77%; xi măng Portland đen đạt 510,85 nghìn tấn, giảm 9,85%; điện sản xuất đạt 1.118,4 triệu Kwh, tăng 18,17%.
2. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Theo đánh giá tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (Covid-19) gây ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 03/02/2020, ngành nông nghiệp là ngành chịu tác động nặng nề nhất từ dịch Covid-19; xuất khẩu nông sản dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, nhất là các mặt hàng chủ lực là trái cây (thanh long, dưa hấu), sản phẩm từ chăn nuôi và thủy sản. Tuy nhiên, sản xuất ngành Nông nghiệp thành phố Hải Phòng trong ngắn hạn không chịu nhiều áp lực như các ngành sản xuất khác và một số tỉnh, thành phố khác.
2.1. Nông nghiệp
* Trồng trọt
-  Sản xuất vụ Đông
Đến nay toàn thành phố đã kết thúc sản xuất vụ Đông với tổng diện tích gieo trồng đạt 7.137,1 ha, thời tiết trong vụ sản xuất ấm, không xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, tương đối thuận lợi cho quá trình phát triển của cây trồng, tuy nhiên đợt mưa lớn và xuất hiện mưa đá rải rác trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên Đán vừa qua đã ít nhiều gây thiệt hại cho sản phẩm rau màu vụ Đông chuẩn bị thu hoạch phục vụ sau Tết.
Đánh giá sơ bộ sản xuất vụ Đông 2019: năng suất cây ngô ước đạt 53,42 tạ/ha, bằng 100,04% so với vụ Đông năm 2018; cây khoai lang ước đạt 114,8 tạ/ha, bằng 99,74%; đậu tương ước đạt 23,57 tạ/ha, bằng 109,27% và nhóm rau các loại ước đạt 231,12 tạ/ha, bằng 99,69%.
Tổng sản lượng cây rau các loại vụ Đông 2019 ước đạt 118.605,5 tấn, bằng 93,47% so với vụ Đông năm 2018; sản lượng cây ngô đạt 1.845 tấn, bằng 113,21%; sản lượng cây khoai lang đạt 3.377,3 tấn, bằng 75,49%;... 
- Sản xuất vụ Xuân
Sản xuất vụ Xuân 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết ấm, cùng với sự áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ dịch hại, công tác chuẩn bị mặt bằng được thực hiện tốt đảm bảo triển khai gieo trồng các loại cây trồng theo đúng khung thời vụ và kế hoạch đề ra.
Tính đến ngày 15 tháng 02 năm 2020, sau thời gian nghỉ Tết bà con nông dân trên địa bàn thành phố đã bắt đầu tập trung thực hiện gieo cấy lúa và cây trồng hằng năm vụ Xuân. Diện tích cây trồng trong vụ ước đạt 16.854 ha, trong đó: cây lúa đạt 12.450 ha, bằng 38,19% so tổng diện tích lúa vụ Xuân năm trước (trà xuân sớm đạt 1,8 nghìn ha); cây hàng năm khác ước đạt 4.404 ha (thuốc lào đạt 1.856,5 ha, ngô đạt 130 ha, khoai lang đạt 152 ha, rau các loại đạt 1.830,6 ha,...)
Đối với lúa vụ Xuân, cơ cấu giống chất lượng chiếm diện tích lớn do đó nguy cơ một số loài dịch hại sẽ xuất hiện sớm và có khả năng phát sinh gây hại nặng trên diện rộng. Để chủ động phát hiện sớm, tổ chức chỉ đạo phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại bảo vệ sản xuất vụ Xuân, các địa phương, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ đối với các bệnh rầy và bệnh lùn sọc đen; chuột; bệnh đạo ôn lá; bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt;...
* Chăn nuôi
Ước tính tháng 02 năm 2020, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm toàn thành phố như sau: chăn nuôi trâu, bò tiếp tục xu hướng giảm, đàn trâu ước đạt 4,61 nghìn con, giảm 7,06% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 10,85 nghìn con, giảm 12,53% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn ước đạt 121,14 nghìn con, giảm 69,17% so cùng kỳ năm trước, đến nay đàn lợn đang có dấu hiệu được phục hồi dần, tuy nhiên, tốc độ phục hồi còn chậm là do tâm lý người chăn nuôi vẫn còn e ngại từ đợt dịch tả lợn Châu Phi năm 2019. Nguồn cung con giống đầu vào vẫn hạn chế, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ không được khuyến khích tái đàn, chỉ thực hiện tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện...
Chăn nuôi gia cầm tháng 02/2020 phát triển khá ổn định. Tổng đàn gia cầm ước đạt 8.672,9 nghìn con, tăng 6,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước đạt  6.890 nghìn con, tăng 8,58%.
Nguồn cung lợn giống vẫn khan hiếm do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, giá lợn giống tháng 02/2020 tăng 5,96% so với tháng trước, giá thức ăn chăn nuôi trong tháng vẫn ổn định. Giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện đã giảm 2,06% so với tháng trước, tuy nhiên, vẫn cao so với bình quân chung các năm trước đây (giá lợn hơi giảm một phần do các tập đoàn lớn trong ngành chăn nuôi lợn đã tham gia bình ổn giá); giá thịt hơi gia cầm trong tháng cũng giảm so với tháng trước, trong đó giá gà ta ở mức 100 ngìn đồng/kg, giảm 0,95%; gà trắng 33,5 nghìn đồng/kg, giảm 16%; vịt 38,8 nghìn đồng/kg, giảm 10%. Nguyên nhân giá thịt hơi gia cầm và trứng gia cầm giảm do xu hướng giảm sau Tết và do ảnh hưởng lớn của dịch bệnh virus Covid-19, dịch cúm gia cầm A/H5N6 và dịch cúm A/H5N1 tại Trung Quốc. 
* Tình hình dịch bệnh:          
Tính đến hết ngày 24/02/2020, trên địa bàn thành phố đã phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại huyện Kiến Thụy (số hộ bị nhiễm là một hộ, tổng số vịt phải tiêu hủy là 3.770 con). Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, các cấp, ngành đã tăng cường chỉ đạo các địa phương hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm. 
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung kiểm tra thực địa và ra quyết định công bố hết dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên đàn lợn tại các địa phương, đơn vị. Để đảm bảo cho ngành chăn nuôi duy trì và phát triển ổn định cần tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tiếp tục sản xuất phát triển đàn lợn và vật nuôi khác..., tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. 
2.2. Lâm nghiệp
Ước tính tháng 02 năm 2020, sản lượng gỗ khai thác đạt 150 m3, bằng 93,75% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 3.995 ste, bằng 99,83%. Ước tính 02 tháng/2020, sản lượng gỗ khai thác đạt 315 m3, bằng 95,45% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 8.870 ste, bằng 99,08%. Các cấp ngành, cơ quan, đơn vị đồng loạt ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây mùa xuân đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” Xuân Canh Tý, số cây lâm nghiệp trồng phân tán 02 tháng/2020 ước đạt 29 nghìn cây, bằng 98,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thời tiết trong tháng vẫn trong giai đoạn nồm ẩm đặc trưng của mùa xuân, độ ẩm trong không khí tăng cao, tuy nhiên công tác phòng, chống cháy rừng vẫn luôn được các cấp ngành quan tâm chặt chẽ, nên trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng, chặt phá rừng.
2.3. Thủy sản
Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 02 năm 2020, ước đạt 13.765,7 tấn, tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước. Ước 02 tháng năm 2020, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 28.533,5 tấn, tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước.
* Nuôi trồng
Diện tích nuôi thủy sản 02 tháng/2020, ước đạt 7.964,6 ha, tăng 8,45% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 5.221,3 ha, tăng 5,17%; tôm các loại đạt 2.095,5 ha, tăng 1,15%; thủy sản khác đạt 647,8 ha, tăng 110,66%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch tháng 02/2020, ước đạt 6.253,5 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 3.929,8 tấn, giảm 0,9%; tôm các loại đạt 382,7 tấn, giảm 13,92%; thủy sản khác đạt 1.941 tấn, tăng 9,33%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch 02 tháng/2020 ước đạt 13.463,5 tấn, tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 8.916,4 tấn, tăng 1,15%; tôm các loại đạt 789,8 tấn, giảm 11,87%; thủy sản khác đạt 3.757,3 tấn, tăng 8,74%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng chủ yếu do đối tượng ngao nuôi bãi triều ven biển được mở rộng qui mô, diện tích thả nuôi tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các trại, cơ sở... sản xuất giống thủy sản vẫn duy trì sản xuất trong dịp Tết, sản lượng sản phẩm con giống của toàn thành trong tháng vẫn tăng trưởng ổn định. Sản lượng giống các loại sản xuất trong tháng 02/2020 ước đạt 373,0 triệu con, tăng 11,23%, lũy kế 02 tháng đầu năm 2020 ước đạt 630 triệu con, tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước. Giai đoạn hiện nay các trại sản xuất cá giống nước ngọt bắt đầu cho sinh sản sớm với đối tượng cá chép,…Các trại sản xuất giống nước mặn đã chủ động nhập 99 tôm sú mẹ về ương dưỡng, sinh sản... 
Thời tiết đầu tháng tuy có đợt mưa lớn trái mùa nhưng không kéo dài nên không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nuôi trồng thủy sản. Trong tháng có đợt không khí lạnh, tuy nhiên các cơ sở sản xuất thủy sản đã chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, chuẩn bị đầy đủ máy móc, vật tư, hóa chất và áp dụng các biện pháp kỹ thuật ổn định môi trường, đảm bảo sản xuất.
* Khai thác 
Tình hình thời thiết đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ngư trường vịnh Bắc Bộ có mưa to và dông, nhiệt độ nước biển giảm, tuy nhiên đợt mưa to trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán khi hầu hết tàu cá nghỉ hoạt động, không có phương tiện khai thác hoạt động xuyên Tết nên không ảnh hưởng đến sản lượng trong tháng. Bên cạnh đó dịch bệnh do virus Covid-19 đã hạn chế khả năng xuất khẩu sản phẩm của ngành khai thác biển nói chung tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung, vì vậy các đội tàu khai thác của thành phố đã chủ động xuất bán sản phẩm theo đường tiểu ngạch ngay trên biển nên sản lượng và doanh thu ngành khai thác vẫn giữ được mức ổn định.
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 02/2020 ước đạt 7.512,2 tấn, tăng 6,15% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 4.124,7 tấn, tăng 7,15%; tôm các loại đạt 672,6 tấn, tăng 3,7%; thủy sản khác đạt 2.714,9 tấn, tăng 5,27%. Ước tính 02 tháng đầu năm 2020, sản lượng thủy sản khai thác đạt 15.070 tấn, tăng 4,92% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 8.391,7 tấn, tăng 6,58%; tôm các loại đạt 1.373,1 tấn, tăng 2,41%; thủy sản khác đạt 5.305,2 tấn, tăng 3,05% (sản lượng khai thác biển chiếm đa số trong khai thác thủy sản với sản lượng ước đạt 14.364 tấn, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước).
 3. Đầu tư xây dựng
Nguồn vốn đầu tư công nói chung, trong đó nguồn ngân sách nhà nước được thành phố Hải Phòng thực hiện trong những năm vừa qua khá tốt và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ngoài việc tái cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, ưu tiên tập trung nguồn lực để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản, thành phố còn thực hiện tốt quy chế phân cấp quản lý vốn đầu tư công đối với các quận, huyện, giao các quận, huyện chủ động phân bổ chi tiết vốn đầu tư công cho phù hợp với mục tiêu, nhu cầu của địa phương. 
Ngay từ những tháng đầu năm 2020, thành phố Hải Phòng đã chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố về thực hiện các nhiệm vụ của thành phố năm 2020. Mặc dù đến thời điểm hiện tại kế hoạch bố trí vốn cho các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công của thành phố chưa có nhưng một số dự án trọng điểm chuyển tiếp vẫn được phía nhà thầu thi công, đảm bảo tiến độ. Dự kiến tháng 02/2020 vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý giảm so với cùng kỳ do một loạt các dự án với tổng mức đầu tư lớn đã được khánh thành và đưa vào hoạt động như dự án cầu Hoàng Văn Thụ; dự án xây dựng tuyến đường đôi tại huyện Vĩnh Bảo, nâng cấp đường nối từ cầu Lạng Am đến cầu Nhân Mục, cầu sông Hóa;…
Tình hình thực hiện một số dự án lớn đến thời điểm hiện nay:
- Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm với tổng mức đầu tư là 9.899 tỷ đồng, đã hoàn thành công trình cầu Hoàng Văn Thụ, đối với các gói thầu xây lắp công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc sông Cấm một số gói thầu vẫn tiếp tục thực hiện với khối lượng giảm đi nhiều.
- Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng với tổng mức đầu tư 5.342 tỷ đồng bao gồm vốn vay ưu đãi ODA là 3.414 tỷ đồng và vốn đối ứng của thành phố là 1.928 tỷ đồng với thời gian thực hiện dự án là 2011-2020. Dự án sẽ cơ bản hoàn thành công tác thi công trong tháng 02/2020.
- Dự án đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường chợ Con với tổng mức đầu tư là 1.1405,4 tỷ đồng gồm 2 công trình: công trình nút giao Nguyễn Văn Linh (bao gồm cầu vượt và vòng xuyến nút giao) đã được khánh thành vào 10/5/2019. Hợp phần đường trục của dự án cũng được khởi công cùng ngày dự kiến hoàn thành vào năm 2020. 
- Dự án xây dựng nút giao thông Nam cầu Bính với tổng mức đầu tư 1.483 tỷ đồng. Đây là nút giao đầu tiên tại Hải Phòng được thiết kế xây dựng với 3 tầng: tầng hầm, tầng mặt và cầu vượt. Công tác giải phóng mặt bằng của dự án đến thời điểm hiện tại hoàn thành đạt 99%. Từ ngày khởi công đến nay, nhà thầu đã thi công các hạng mục: hầm chui, cầu vượt các nhánh. Tổng khối lượng lũy kế đạt khoảng 86%. Thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt để dự án được thực hiện đảm bảo tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa tháng 5/2020.
* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 15/02/2020 Hải Phòng có 710 dự án còn hiệu lực:
Tổng vốn đầu tư      :  17.915,22 triệu USD
Vốn điều lệ              :    6.399,90 triệu USD
Vốn Việt Nam góp  :      243,03 triệu USD
Nước ngoài góp       :    6.156,87 triệu USD
Tính từ đầu năm đến 16/02/2020 toàn thành phố có 11 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 68,15 triệu USD và 03 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 72,99 triệu USD. Có 01 dự án chấm dứt thu hồi vốn.
4. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02 năm 2020 ước đạt 11.158,9 tỷ đồng, giảm 8,84% so với tháng trước và tăng 10,82% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 02 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 23.400,2 tỷ đồng, tăng 11,75% so với cùng kỳ năm trước. 
Tháng 02 năm 2020 là tháng sau Tết Nguyên đán, cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (Covid-19) gây ra nên doanh thu bán lẻ giảm 4,53%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh, giảm 28,14%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 18,11% so với tháng trước...
* Doanh thu chia theo ngành hoạt động
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 02 năm 2020 ước đạt 9.292,9 tỷ đồng, giảm 4,53% so với tháng trước, tăng 13,79% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 02 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 19.026,5 tỷ đồng, tăng 13,60% so với cùng kỳ năm trước;
Hầu hết các ngành hàng đều có ước tính doanh thu trong tháng 02 này giảm so với tháng trước, cụ thể là ngành hàng lương thực thực phẩm (giảm 5,17%); ngành may mặc (giảm 4,71%); ngành đồ dùng trang thiết bị gia đình (giảm 5,74%); vật phẩm văn hóa giáo dục (giảm 5,53%); gỗ và vật liệu xây dựng (giảm 5,13%); ô tô con (giảm 3,60%); phương tiện đi lại (giảm 1,82%); xăng dầu các loại (giảm 3,34%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (giảm 3,70%); hàng hóa khác (giảm 2,53%)... 
Tính chung 02 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 13,60%. Một số nhóm ngành hàng có mức tăng trưởng cao như: lương thực, thực phẩm tăng 13,01%; hàng may mặc tăng 13,02%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,88%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 14,40%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 4,94%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 20,05%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 7,99%; xăng dầu tăng 17,79%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 10,08%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 20,79%...
- Đối với ngành dịch vụ: do ảnh hưởng của dịch bệnh virus Covid-19 nên nhu cầu về các hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân thành phố giảm nhiều. Ngày 05 tháng 02 năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng có Công văn số 661/UBND-VX chỉ đạo một số nhiệm vụ để phòng, chống dịch Covid-19 như: tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, giảm quy mô các lễ hội đã khai mạc; tạm dừng đón khách du lịch, người từ các vùng có dịch đến Hải Phòng và tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch đến các vùng đang có dịch; hạn chế hoạt động đối với các rạp chiếu phim, quán karaoke, vũ trường, quán bar, các điểm du lịch, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Do vậy doanh thu các ngành lưu trú, ăn uống, lữ hành và dịch vụ khác trong tháng 02/2020 giảm đáng kể.
- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 02 năm 2020 ước đạt 101,0 tỷ đồng, giảm 14,37% so với tháng trước và giảm 9,74% so với cùng kỳ năm trước; 02 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 219 tỷ đồng, giảm 3,72% so với cùng kỳ. 
- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 02 năm 2020 ước đạt 1.205,6 tỷ đồng, giảm 29,09% so với tháng trước và tăng 0,41% so với cùng kỳ năm trước; 02 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 2.905,9 tỷ đồng, tăng 6,49% so với cùng kỳ. 
- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 02 năm 2020 ước đạt 14,1 tỷ đồng, giảm 5,39% so với tháng trước, giảm 4,84% so với cùng kỳ năm trước; 02 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 29,01 tỷ đồng, giảm 0,69% so với cùng kỳ. 
- Doanh thu dịch vụ khác tháng 02 năm 2020 ước đạt 545,26 tỷ đồng, giảm  19,17% so với tháng trước, giảm 5,20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu hoạt động bất động sản giảm 22,43%; doanh thu dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ (trừ lữ hành) giảm 11,86%; doanh thu giáo dục và đào tạo giảm 9,65%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 24,09%; hoạt động dịch vụ khác giảm 26,49% so với tháng trước.
Cộng dồn 02 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ dịch vụ khác đạt 1.219,8 tỷ đồng, tăng 1,18% so với cùng kỳ. 
5. Hoạt động lưu trú và lữ hành    
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ tháng 02/2020 giảm mạnh. Tổng lượt khách tháng 02/2020 ước đạt 469,43 nghìn lượt, giảm 18,11% so với tháng trước và giảm 9,42% so với cùng tháng năm 2019; trong đó khách quốc tế đạt 54,4 nghìn lượt, giảm 18,67% so với tháng trước và giảm 15,89% so với cùng tháng năm trước. 
Cộng dồn 02 tháng/2020, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 1.042,66 nghìn lượt, giảm 0,2% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 121,28 nghìn lượt, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước. 
Đối với hoạt động lữ hành, lượt khách lữ hành tháng 02 năm 2020 đạt 8,4 nghìn lượt, giảm 4,85% so với tháng trước và giảm 1,24% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 02 tháng/2020, lượt khách lữ hành đạt 17,3 nghìn lượt, tăng 5,89% so với cùng kỳ năm trước.
6. Vận tải hàng hóa và hành khách
6.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 02 năm 2020 ước đạt 17,7 triệu tấn, giảm 5,87% so với tháng trước và tăng 14,86% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 02 tháng đầu năm 2020 đạt 36,4 triệu tấn, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. 
Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 02 năm 2020 ước đạt 8.333,9 triệu tấn.km, giảm 5,71% so với tháng trước và tăng 13,39% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 02 tháng đầu năm 2020 đạt 17.172,3 triệu tấn, tăng 12,56% so với cùng kỳ năm trước. 
Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển tháng 02 giảm so với tháng trước do trong tháng các doanh nghiệp nhận được ít đơn hàng vận chuyển hơn. 
6.2. Vận tải hành khách
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 02 năm 2020 ước đạt 5,3 triệu lượt, giảm 12,19% so với tháng trước, giảm 3,63% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 02 tháng đầu năm 2020 đạt 11,3 triệu lượt, tăng 3,81% so với cùng kỳ năm trước. 
Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 02 năm 2020 đạt 220,4 triệu Hk.km, giảm 12,03% so với tháng trước và giảm 3,13% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 02 tháng đầu năm 2020 đạt 471 triệu Hk.km, tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước. 
Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển tháng 02 giảm so với tháng trước do nhu cầu đi lại giảm mạnh.
6.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 02 năm 2020 ước đạt 2.636,1 tỷ đồng, giảm 5,35% so với tháng trước và tăng 11,29% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 02 tháng năm 2020 doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 5421,2 tỷ đồng, tăng 12,37% so với cùng kỳ năm trước. 
6.4. Sân bay Cát Bi
Tháng 02 năm 2020 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 22,8 tỷ đồng, giảm 15,40% so với tháng trước; giảm 0,31% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 02 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 49,75 tỷ đồng, tăng 2,23% so với cùng kỳ năm trước.
Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 02 năm 2020 ước đạt 1.595 chuyến, giảm 8,39% so với tháng trước, tăng 25,79% so với cùng tháng năm trước. Trong đó chuyến bay ngoài nước tháng 02/2020 ước đạt 95 chuyến, giảm 30,66% so với tháng trước do các chuyến bay đi Trung Quốc và ngược lại bị hủy từ ngày 31/01 đến hết tháng 02 năm 2020. Cộng dồn 02 tháng đầu năm 2020, số lần máy bay hạ, cất cánh ước đạt 3.336 chuyến, tăng 26,94% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số hành khách tháng 02 năm 2020 ước đạt 207 nghìn lượt người, giảm 11,51% so với tháng trước, tăng 4,16% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 02 tháng đầu năm 2020, tổng số hành khách ước đạt 440,93 nghìn lượt người, tăng 7,12% so với cùng kỳ.
Tổng số hàng hóa tháng 02 năm 2020 ước đạt 1,45 nghìn tấn, giảm 3,20% so với tháng trước, tăng 39,16% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 02 tháng đầu năm 2020, tổng số hàng hóa ước đạt 2,94 nghìn tấn, tăng 2,57% so với cùng kỳ.
7. Hàng hoá thông qua cảng 
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 02 năm 2020 ước đạt 8.223,76 nghìn TTQ, giảm 13,32% so với tháng trước và tăng 9,93% so với cùng kỳ năm trước. Do tháng 02/2020 là tháng sau Tết nên các chủ hàng vẫn còn nghỉ, hàng hóa chưa nhiều, đặc biệt năm nay hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tại một số cảng tàu chủ yếu của Trung Quốc lượng hàng tháng 02 giảm nhiều.
- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước đạt 3.116,5 nghìn TTQ, tăng 3% so với tháng trước, tăng 33,33% so với cùng tháng năm trước, trong đó: 
+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 3.111,5 nghìn TTQ, tăng 3,05% so với tháng trước, tăng 33,67% so với cùng tháng năm trước.
+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước địa phương ước đạt 5 nghìn TTQ, giảm 22,01% so với tháng trước, giảm 48,34% so với cùng tháng năm trước. 
- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 5.107,26 triệu TTQ, giảm 20,96% so với tháng trước, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Cộng dồn 02 tháng đầu năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 17.711,5 nghìn TTQ, tăng 6,25% so với cùng kỳ.
 * Doanh thu cảng biển tháng 02 năm 2020 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 426,4 tỷ đồng, tăng 3,22% so với tháng trước, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Cộng dồn 02 tháng/2020 doanh thu cảng biển ước đạt 839,6 tỷ đồng, giảm 1,37% so với cùng kỳ năm 2019.
8. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hải Phòng tháng 02 năm 2020 giảm 0,05% so với tháng trước, tăng 5,77% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số CPI bình quân 02 tháng đầu năm 2020 tăng 5,98% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 4 nhóm có chỉ số giá tháng 02/2020 giảm so với tháng trước với mức giảm như sau: nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,41%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,32%;  nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,17%; nhóm giao thông giảm 2,21%. 05 nhóm có chỉ số giá tăng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,40%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,45%. 02 nhóm còn lại là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số giá không thay đổi so với tháng trước. 
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 02 năm 2020 giảm 0,03% so với tháng trước, giá gạo và các loại ngũ cốc khác như khoai lang, ngô đều giảm giá. Chỉ số giá thực phẩm tăng 0,64% so với tháng trước, chủ yếu do giá rau tươi, khô và chế biến tăng cao trong những ngày sau Tết Nguyên đán và do thời tiết mưa rét nhiều, các loại rau chậm phát triển... Trong khi đó, chỉ số giá nhóm thịt gia súc tươi sống giảm 2,64%, trong đó giá thịt lợn giảm 2,71%. Giá thịt lợn sau một thời gian tăng mạnh đã bắt đầu giảm giá do các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi đã cùng chung tay với Chính quyền trong việc bình ổn giá. Giá thịt gia cầm cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp virus Corona (Covid-19), các hàng quán, các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học... tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất. Ngoài ra, thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại cũng khiến giá gà giảm.
Chỉ số nhóm giao thông giảm 2,21% so với tháng trước chủ yếu do xăng dầu được điều chỉnh giảm giá 02 lần vào ngày 30/01 và ngày 14/02. Cụ thể, tổng mức giảm giá của xăng RON95-IV là 1.530 đồng/lít, xăng E5-RON 92 là 1.340 đồng/lít, dầu diesel 0,05S-II là 1.370 đồng/lít. Tính theo giá bình quân thì chỉ số giá xăng dầu diesel tháng 02 giảm 5,46% so với tháng trước. Hiện tại, giá xăng E5-RON 92 có giá là 18.500 đồng/lít, xăng RON95-IV có giá là 19.480 đồng/lít, giá dầu diesel 0,05S-II hiện có giá là 15.170 đồng/lít.
* Chỉ số giá vàng 99,99% và Đô la Mỹ: 
- Chỉ số giá vàng tháng 02/2020 tăng 2,93% so với tháng trước, tăng 20,23% so với cùng tháng năm 2019, tăng 6,73% so với tháng 12/2019. Giá vàng bình quân tháng 02/2020 dao động ở mức 4,457 triệu đồng/chỉ, tăng 127.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2019 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 0,26% so với cùng tháng năm 2019, tăng 0,33% so với tháng 12/2019. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 02/2020 dao động ở mức 23.307 đồng/USD, tăng 76 đồng/USD.
9. Hoạt động tài chính, ngân hàng 
9.1. Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 02 năm 2020 ước đạt 6.250,9 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 2.075,9 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.000 tỷ đồng. Ước 02 tháng/2020 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 12.721 tỷ đồng, bằng 92,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 4.936,8 tỷ đồng, bằng 120,9%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 7.609,3 tỷ đồng, bằng 78,6%.
Ước tính 02 tháng/2020, trong số thu nội địa: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đạt 335,8 tỷ đồng, bằng 116,9% so với cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương đạt 158,3 tỷ đồng, bằng 84,4%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 872,2 tỷ đồng, bằng 96,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 1.689,6 tỷ đồng, đạt 228,7%...
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 02 năm 2020 ước đạt 613,8 tỷ đồng; ước 02 tháng/2020 đạt 1.533,6 tỷ đồng, bằng 95,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi thường xuyên đạt 1.529,7 tỷ đồng.
9.2. Ngân hàng
* Công tác huy động vốn:
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến hết tháng 02 năm 2020 đạt 211.811 tỷ đồng, tăng 14,02% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100,51% so với năm 2019.
Theo loại tiền: huy động bằng VND ước đạt 200.450 tỷ đồng, tăng 14,64% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 94,64%; ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 11.361 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 5,36%. 
Theo hình thức huy động: huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 145.623 tỷ đồng, tăng 8,45% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 68,75%; tiền gửi thanh toán ước đạt 60.935 tỷ đồng, tăng 26,55% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 28,77%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 5.253 tỷ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 2,48%.
* Công tác tín dụng:
Tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 02 năm 2020 ước đạt 129.786 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100,55% so với năm 2019.
Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: cho vay bằng VND ước đạt 121.934 tỷ đồng, tăng 14,29% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 93,95%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 7.852 tỷ đồng, tăng 21,55% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 6,05%.
Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 56.937 tỷ đồng, tăng 17,04% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 43,87%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 72.849 tỷ đồng, tăng 12,94% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 56,13%. 
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

* Công tác Lao động, việc làm
Sàn giao dịch việc làm tháng 02 năm 2020 không tổ chức phiên giao dịch việc làm do diễn biến ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 gây ra, tuy nhiên đã tiếp nhận được nhu cầu tuyển dụng của 16 doanh nghiệp với số lượng tuyển dụng là 320 lao động. Ước cấp mới 50 giấy phép lao động, cấp lại 20 giấy phép lao động, miễn cấp 10 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể được 10 doanh nghiệp; hướng dẫn, thẩm định và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 08 doanh nghiệp. 
Trong 02 tháng đầu năm 2020, thành phố đã tổ chức được 02 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 55 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng 2.064 lượt lao động. Cung lao động tại sàn đạt 3.221 lượt người, gấp trên 1,56 lần nhu cầu tuyển dụng. Số lượng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong 02 tháng đầu năm  là 1.461 người (tăng 0,55% so với cùng kỳ năm 2019), thành phố đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 1.810 người (tăng 0,72% so với cùng kỳ), với kinh phí gần 33 tỷ đồng (tăng 13,37% so với cùng kỳ); hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể được 20 doanh nghiệp (bằng 133% so với cùng kỳ); hướng dẫn, thẩm định và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 18 doanh nghiệp, (bằng 163% so với cùng kỳ). 
Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công; xảy ra 01 vụ tai nạn lao động làm 01 người chết.
* Công tác giáo dục nghề nghiệp
Tháng 02 năm 2020, triển khai các thủ tục chuẩn bị cho công tác tổ chức kỳ thi tay nghề thành phố năm 2020. Bên cạnh đó, thành phố tiến hành xây dựng Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Hải Phòng năm 2020.
* Công tác người có công
Tháng 02 năm 2020, quyết định, đề nghị thực hiện chính sách đối với 111 trường hợp; tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 385 trường hợp.
* Công tác giảm nghèo - bảo trợ xã hội
Tháng 02/2020, tiếp nhận 07 đối tượng người già cô đơn không nơi nương tựa vào nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội, tập trung được 23 lượt người lang thang trên địa bàn thành phố. Tính đến ngày 14/02/2020, số lượng các đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội là 756 người (bằng 103,56% so với cùng kỳ); tập trung được 48 lượt người lang thang trên địa bàn (giảm 67 lượt người so với cùng kỳ năm 2019).
* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Trong 02 tháng đầu năm 2020, thành phố đã tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện cho 1.550 lượt người (bằng 94,56% so với cùng kỳ năm 2019), cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 30 người (bằng 103,4% so với cùng kỳ năm 2019). 
Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố và Đội kiểm tra liên ngành 178 quận, huyện đã tăng cường phối hợp thực hiện kiểm tra liên ngành, kết quả đã tiến hành kiểm tra 45 buổi tại 162 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn...
2. Giáo dục - Đào tạo
Trong tháng 02/2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã ra văn bản đồng ý với đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh nghỉ học, đồng thời đề nghị các trường chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong việc theo dõi tình hình dịch bệnh để kịp thời đề xuất, báo cáo UBND thành phố.
Thành phố yêu cầu 100% các đơn vị, nhà trường phối hợp với các cơ sở y tế tại địa phương chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên có mặt tại trường để thực hiện các biện pháp khử khuẩn và tập huấn về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 
* Công tác y tế dự phòng
Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19
Trước diễn biến về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona (Covid-19) gây ra, sáng ngày 31/01, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus Corona mới từ Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC); 15h30 ngày 01/02, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Trên địa bàn thành phố hiện không có trường hợp nào nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra.
Thành phố luôn chủ động tuyên truyển, tổ chức hướng dẫn trực tuyến các biện pháp phòng ngừa, điều trị, giám sát dịch tễ để ứng phó kịp thời trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đồng thời giao Trung tâm cấp cứu 115 thường trực công tác vận chuyển các trường hợp nghi mắc theo đúng quy trình, đảm bảo nghiêm công tác khử trùng, khử khuẩn, giao Khoa Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Trẻ em tiếp nhận, cách ly, điều trị, giám sát các ca nghi mắc Covid-19 theo từng cấp độ. Đảm bảo công suất giường bệnh, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh thường quy tại các tuyến.
Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác
Không triển khai tiêm vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng trong tháng 01/2020 do phòng chống dịch Covid-19, hiện đang nghiên cứu cho kế hoạch tháng 02/2020. Tình hình một số bệnh truyền nhiễm như sau: Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 13 ca mắc, bệnh tay chân miệng ghi nhận 51 ca, bệnh thủy đậu ghi nhận 17 ca, bệnh quai bị ghi nhận 02 ca, bệnh tiêu chảy ghi nhận 76 ca, nghi sởi ghi nhận 06 ca...
* Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm
Tích cực phổ biến các biện pháp phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp, đặc biệt lưu ý các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Kiểm tra đột xuất việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại Căng tin Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp 2 vào ngày 07/02 (khu cách ly tập trung để phóng chống lây nhiễm dịch Covid-19).
Phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố về an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra tại 48 cơ sở, kết quả có 39 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 81,25%), nhắc nhở 09 cơ sở chưa đạt yêu cầu.
Ngoài ra, thành phố chú trọng giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm các lễ hội, sự kiện của thành phố (giám sát an toàn thực phẩm tại Hội nghị tiếp xúc các đồng chí lãnh đạo nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chương trình kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam).
* Công tác phòng chống HIV/AIDS
Tính đến 31/01, lũy tích người nhiễm HIV là 11.196 người, số người chuyển sang AIDS là 6.310 người, số người chết do AIDS là 5.302 người, và số người nhiễm HIV hiện còn sống là 5.894 người. So với cùng kỳ năm 2019, số người nhiễm HIV giảm 03 trường hợp và số người tử vong giảm 04 trường hợp.
Cũng tính đến tháng 01/2020, trên địa bàn toàn thành phố có tổng số bệnh nhân điều trị Methadone là 3.900 người, số bệnh nhân đạt liều duy trì là 3.651 người. Trong thời gian tới, thành phố tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS, hướng tới thực hiện Kế hoạch 90-90-90 và chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo đúng cam kết, lộ trình đã đề ra.
4. Văn hóa - Thể thao
* Công tác văn hóa
Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động tại các di tích, cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar... nơi tập trung đông người đồng thời tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống đại dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra.
Tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Hát về Đảng quang vinh” nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; công diễn tác phẩm kịch nói “Di sản mùa xuân” - số thứ 3 Đề án sân khấu truyền hình Hải Phòng.
Đặc biệt vào sáng ngày 02/02/2020, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố long trọng tổ chức gặp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020) và trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 03/02/2020. Tối ngày 03/02, tổ chức chương trình cầu truyền hình “Ánh sáng niềm tin” kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (chương trình được chính thức diễn ra tại 4 điểm cầu: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Long và Côn Đảo).
* Công tác thể thao
Xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức Tháng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân thành phố Hải Phòng năm 2020; kế hoạch phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo tổ chức Giải Vô địch Vật tự do năm 2020. 
5. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Từ ngày 15/01/2020 đến ngày 14/02/2020, toàn thành phố xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 05 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông và số người chết là tương đương. Không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng và tình trạng ùn tắc kéo dài, bảo đảm thông suốt giao thông trên địa bàn thành phố. 
Tính từ đầu năm 2020 đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 09 vụ tai nạn giao thông đường bộ. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 09 người và bị thương 01 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 02 vụ (tương ứng giảm 18,18%), số người chết giảm 01 người (tương ứng giảm 10%) và số người bị thương giảm 03 người (tương ứng giảm 75,00%). Nhìn chung trên địa bàn thành phố không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu do sự bất cẩn khi tham gia giao thông của người dân.
6. Công tác phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/01/2020 đến ngày 14/02/2020 trên địa bàn thành phố Hải Phòng xảy ra 08 vụ cháy, làm 02 người bị thương. Các vụ cháy đang trong quá trình xác minh làm rõ nguyên nhân và thống kê giá trị thiệt hại về tài sản. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy giảm 01 vụ, số người bị thương tăng 02 người. 
Tính chung từ đầu năm 2020, toàn thành phố đã xảy ra 12 vụ cháy (bằng 66,67% so với cùng kỳ năm 2019), làm 03 người bị thương, giá trị thiệt hại về tài sản đang trong quá trình xác định. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các đơn vị, cơ sở trên toàn thành phố./.

Tác giả: Cục Thống kê Hải Phòng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây