Kinh tế - xã hội Hải Phòng sau 8 năm thực hiện Cương lĩnh 2011

Thứ năm - 26/09/2019 23:23
Cương lĩnh 2011 là tuyên ngôn chính trị, là ngọn cờ chiến đấu của Đảng ta, có giá trị lý luận và thực tiễn, có vai trò định hướng chiến lược cho sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Vì vậy, việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo Cương lĩnh trong từng giai đoạn, đối với mỗi cấp, ngành, địa phương, đơn vị là hết sức quan trọng.
Gần 10 năm qua, Hải Phòng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo những định hướng của Cương lĩnh 2011, đưa vào Nghị quyết Đại hội XIV, Đại hội XV Đảng bộ thành phố và các chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển thành phố của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Qua đó, Hải Phòng đã dần khẳng định vị thế của một thành phố Cảng biển lớn, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc; một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của cả nước; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị đồng bộ, vững mạnh. Trong gần 10 năm qua, kinh tế Hải Phòng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, nhiều lĩnh vực phát triển đột phá. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Hải Phòng đã vượt qua giai đoạn trầm lắng, trỗi dậy và trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Định hướng phát triền kinh tế là trung tâm


Từ năm 2011 đến nay, Hải Phòng đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tăng trưởng kinh tế tương đối cao, GRDP giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 11,11%/năm. Trong đó, năm 2018 GRDP theo giá so sánh 2010 đạt 154.370 tỷ đồng, tăng 16,25% so với năm 2017, gấp trên 2 lần so với năm 2011. Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong Vùng Đồng bằng Sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội.
 
 

Đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp, ngành giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế thành phố, từng bước đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của cả nước. Công nghiệp thành phố phát triển cả về quy mô, chất lượng và tốc độ. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng nhanh, năm 2018 ước đạt 61,4 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2,6 lần so với năm 2011, tăng trưởng bình quân 14%/năm; ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong GRDP thành phố (năm 2011 chiếm 30,41%, năm 2018 chiếm 36,69%). Trong giá trị tăng thêm công nghiệp, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (năm 2011: 86,11%, năm 2018: 89,80%). Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 13,91%/năm; năm 2018 đứng thứ 2 cả nước về IIP (sau Bắc Ninh).
Giai đoạn 2011-2018, có 89,7% vốn FDI đầu tư vào các ngành công nghiệp thành phố, trong đó có 89,5% vốn FDI đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với nhiều dự án trên dưới 1 tỷ USD của nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó đóng góp chủ lực của tập đoàn LG đầu tư vào 3 dự án: LG Electronic, LG Display, LG Innotek tạo thành tổ hợp công nghệ LG kéo theo hàng chục dự án công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh các dự án FDI đầu tư góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp thành phố, các dự án đầu tư trong nước cũng khẳng định sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp truyền thống như: đóng tàu, sản xuất xi măng, sản xuất phôi thép, thép cán, kết cấu thép; sản xuất và phân phối điện; sản xuất da giày, dệt may; sản xuất, lắp ráp ô tô; gia công lắp ráp linh phụ kiện,... Đặc biệt, năm 2017 thành phố đã thu hút được Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup đầu tư tại đảo Cát Hải với diện tích 335 ha, tổng mức đầu tư trên 70 nghìn tỷ đồng. Sau hơn một năm triển khai đầu tư xây dựng, tháng 11/2018 nhà máy sản xuất xe điện đã chính thức đi vào hoạt động, hứa hẹn tập đoàn Vingroup sẽ tạo nên bước phát triển đột phá cho ngành công nghiệp thành phố trong những năm tới.
Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2018 (%)
  2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
GRDP 11,07 8,12 7,17 8,90 10,18 13,47 14,01 16,25
Nông, lâm nghiệp, thủy sản 5,8 5,84 0,85 0,68 1,83 -0.33 2,15 2,75
Công nghiệp - xây dựng 9,7 8,47 5,23 12,91 14,83 21,06 19,81 26,03
Dịch vụ 12,9 8,16 9,25 7,66 8,39 10,08 10,93 10,08
Thuế sản phẩm 11,2 8,70 8,87 7,07 7,68 9,87 11,95 7,27

Kinh tế dịch vụ phát triển nhanh, ngày càng khẳng định vai trò chủ lực của kinh tế thành phố. Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ (giá so sánh) năm 2018 đạt 68,1 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2011, tăng bình quân 9,67%/năm. Trong khu vực dịch vụ, hoạt động thương mại phát triển khá mạnh và toàn diện, từng bước khẳng định vị trí là trung tâm thương mại lớn của cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 13,52%/năm giai đoạn 2011-2018; năm 2018 đạt 117.734 tỷ đồng, gấp 2,34 lần năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 19,28%/năm, năm 2018 đạt 8.296,1 tỷ USD, gấp 3,5 lần năm 2011. Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 17,84%/năm giai đoạn 2011-2018, năm 2018 đạt 7.940,7 tỷ USD, gấp 3,3 lần năm 2011. Số lượng cơ sở hoạt động thương mại tăng từ 49.815 cơ sở năm 2011 lên 55.088 cơ sở năm 2018, trong đó số DN thương mại tăng khá nhanh từ 3.239 DN năm 2011 lên 5.391 DN năm 2018. Số lượng lao động thương mại tăng từ 102.640 người năm 2011 lên 111.675 người năm 2018.
Bên cạnh đó, Hải Phòng thực sự là một trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước. Hạ tầng cảng biển được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế. Cảng nước sâu Nam Đình Vũ và cảng Container quốc tế Hải Phòng được đưa vào khai thác từ tháng 5/2018 làm giảm tải cho các cảng nằm sâu trong nội địa và tăng năng lực tiếp nhận hàng hóa, đóng góp vào tăng trưởng của ngành vận tải kho bãi. Tổng lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh, đạt 109 triệu tấn vào năm 2018, gấp 2,4 lần năm 2011, tăng bình quân 14,11%/năm. Nhìn chung, dịch vụ vận tải và hỗ trợ vận tải trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, khối lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa tăng trưởng ổn định qua các năm, bình quân tăng 10%/năm; hoạt động vận tải phát triển ở cả 4 loại hình: đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không. Trong những năm qua hệ thống giao thông thành phố được cải thiện, đồng bộ hơn đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành vận tải trên địa bàn .
Ngành du lịch thành phố duy trì mức tăng trưởng ổn định. Công tác quản lý nhà nước, quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng hơn. Chất lượng sản phẩm du lịch được nâng cao. Nổi bật là từ cuối năm 2016, thành phố đã có bước phát triển đột phá trong thu hút đầu tư du lịch, với sự có mặt của hàng loạt các tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, Him Lam, FLC, Xuân Trường, Flamingo,... Năm 2018, tổng khách du lịch đạt 7,8 triệu lượt, tăng 3,5 triệu lượt khách so với năm 2011, tăng bình quân 8,45%/năm, trong đó khách quốc tế là 859 nghìn lượt, tăng 295 nghìn lượt khách so với năm 2011, tăng bình quân 5,8%/năm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến được quan tâm, cơ cấu lại sản phẩm theo lợi thế và nhu cầu thị trường đã thúc đẩy sản xuất của khu vực này. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 theo giá so sánh năm 2010 đạt 6.686 tỷ đồng, giảm 809 tỷ đồng so với năm 2011. Trong những năm gần đây thành phố đã áp dụng một số cơ chế, chính sách mới để thu hút doanh nghiệp đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao; điển hình là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Vĩnh  Bảo, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp thành phố. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp, thủy sản chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, dịch bệnh với mức độ rủi ro lớn, lợi nhuận không cao; diện tích sản xuất liên tục giảm để đáp ứng nhu cầu đô thị hoá, phát triển công nghiệp, dịch vụ; giá vật tư đầu vào sản xuất tăng cao trong khi giá nông, thuỷ sản tăng không tương ứng là những yếu tố làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2011 - 2018 công tác cải cách hành chính được quan tâm, đạt kết quả tích cực, rõ nét, có nhiều điểm đột phá, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Hải Phòng đã đạt kết quả cao trong công tác huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2011-2018 Hải Phòng thu hút được 434 dự án FDI mới và có 192 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn đầu tư, tổng vốn FDI thu hút đạt 8.606,8 triệu USD. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2018 là 478.848 tỷ đồng, tăng  bình quân 18,62%/năm, bằng 46% GRDP của thành phố. Cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước giảm mạnh từ 32,06% năm 2011 xuống còn 14,44% năm 2018, tỷ trọng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và FDI tăng nhanh (Khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 53,21% năm 2011 lên 58,37% năm 2018; khu vực FDI tăng từ 14,73% năm 2011 lên 27,19% năm 2018).
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ 2016-2018, thành phố đã rất chú trọng đến công tác thu ngân sách với nhận thức rõ ràng chỉ có tăng thu ngân sách mới có thể đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố và thu nội địa từ năm 2011 đều tăng, đặc biệt là từ năm 2016 đến nay đã tăng đột phá. Tương ứng: năm 2011 là 50.508,7 tỷ đồng (thu nội địa 7.334,8 tỷ đồng); năm 2016 là 63.874,7 tỷ đồng (thu nội địa 17.030,9 tỷ đồng); năm 2018 là 80.713 tỷ đồng (thu nội địa 24.777 tỷ đồng); giai đoạn 2011-2018 tổng thu ngân sách nhà nước tăng 7,82%/năm, trong đó thu nội địa tăng 19,02%/năm; giai đoạn 2016-2018 tổng thu ngân sách nhà nước tăng 9,9%/năm, trong đó thu nội địa 22,77%/năm.
Trong chi ngân sách, thành phố đã tăng cường quản lý, cơ cấu lại chi theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách tăng từ 18,23% năm 2011 (2.124,5/11.654 tỷ đồng) lên 50,94% (11.589,5/22.749,6 tỷ đồng) năm 2018. Nhờ đó, thành phố giành được thế chủ động trong đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong 03 năm qua đã đầu tư rất lớn từ ngân sách thành phố để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chỉnh trang, phát triển đô thị. 
Với những nỗ lực, bằng cách làm quyết liệt trong những năm gần đây, hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố đã thay đổi căn bản, có diện mạo mới, đồng bộ, hiện đại; đồng nghĩa với sức hấp dẫn đầu tư của Hải Phòng tăng lên, góp phần tạo được một làn sóng đầu tư mạnh nhất từ trước đến nay vào thành phố. 

2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Cùng với tốc độ tăng cao liên tục và khá ổn định của GRDP trong giai đoạn 2011 - 2018, cơ cấu ngành kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng tích cực công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, tỷ trọng GRDP nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 9,07% năm 2011 xuống còn 4,69% năm 2018; nhóm ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 35,45% năm 2011 lên 42,95% năm 2018; nhóm ngành dịch vụ giảm từ 48,6% năm 2011 xuống 46,57% năm 2018.
 

Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2018
 

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy đóng góp vào cơ cấu GRDP hàng năm của thành phố ngày càng giảm, nhưng giá trị ngành đem lại năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng bình quân đạt 2,42% trong giai đoạn 2011 - 2018. Cơ cấu nội bộ nhóm ngành nông lâm thủy sản chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 70,97% năm 2011 xuống còn 62,72% năm 2018; lâm nghiệp tăng tương ứng từ 0,29% lên 0,35%; thủy sản tăng từ 28,74% lên 36,93% trong giá trị tăng thêm nông lâm thủy sản. Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển hướng tập trung vào những sản phẩm có giá trị cao hơn như sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm sạch. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực theo hướng tăng chất lượng, năng suất. Chăn nuôi chuyển mạnh sang phương thức tập trung theo quy mô trang trại, gia trại. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao xuất hiện, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp gia tăng. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao hiệu quả, thu nhập người dân nông thôn. Thành phố đã áp dụng một số cơ chế, chính sách mới, thu hút được 08 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 284,81 ha; 15 doanh nghiệp đang khảo sát, xin chủ trương đầu tư với diện tích dự kiến là 1.834,23 ha, vốn đầu tư khoảng 8.412,8 tỷ đồng. Tiêu biểu là dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Vineco của Tập đoàn Vingoup; dự án nông nghiệp công nghệ cao của Công ty CP Châu Giang; Dự án chế biến rau củ quả của Tập đoàn Lavifood.  
Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch rõ nét, tích cực, sử dụng hiệu quả hơn năng lượng, lao động. Cơ cấu ngành công nghiệp đã dịch chuyển theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng. Tính từ năm 2011 đến nay tỷ trọng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều chiếm trên 30% GRDP toàn thành phố, cụ thể tăng từ 30,93% năm 2011 lên 31,91% năm 2018; bên cạnh đó tỷ trọng ngành khai khoáng giảm từ 0,43% năm 2011 xuống còn 0,25% năm 2018. Đặc biệt việc thành phố thu hút được nhiều dự án công nghiệp công nghệ cao dần khẳng định vị trí của thành phố trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là nhân tố chủ đạo trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thành phố cũng như thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo đúng định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, phát triển các ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
Cơ cấu ngành công nghiệp theo thành phần kinh tế giai đoạn 2011-2018 chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước và ngoài nhà nước, tăng tỷ trọng kinh tế FDI. Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 17,3% năm 2011 xuống còn 8,79% năm 2018; khu vực kinh tế ngoài nhà nước giảm từ 31,92% năm 2011 xuống còn 23,96% vào năm 2018; kết quả của thu hút vốn FDI mang lại là giá trị sản xuất công nghiệp khu vực FDI tăng từ 48,61% năm 2011 lên 67,25% năm 2018.
Cơ cấu nội bộ ngành dịch vụ không có sự chuyển dịch đáng kể khi các lĩnh vực thương mại và vận tải, kho bãi vẫn giữ vai trò chủ đạo trong ngành dịch vụ, với tỷ trọng vào năm 2018 lần lượt là 18,1% và 39,52%, và có mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2018 cao nhất, lần lượt là 11,53%/năm và 12,25%/năm. Khu vực dịch vụ vẫn khẳng định vai trò quan trọng trong kinh tế thành phố. giá trị tăng thêm ngành dịch vụ (giá so sánh) năm 2018 đạt 68,1 nghìn tỷ đồng, gấp 1,3 lần năm 2015, tăng bình quân 9,67%/năm. Thành phố đã chú trọng phát triển các ngành dịch vụ có thế mạnh, như dịch vụ cảng biển (đã khánh thành Cảng Quốc tế Lạch Huyện, cảng Nam Đình Vũ); logistics (hình thành trung tâm logistics khu vực Đình Vũ – Cát Hải); thương mại (có thêm trung tâm thương mại lớn như Vincom Lê Thánh Tông, Vincom Plaza Khu đô thị Vinhomes Imperia, Nguyễn Kim, đầu tư Aeon Mall); dịch vụ hàng không (khánh thành cảng hàng không quốc tế Cát Bi); du lịch với hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, như Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đảo Cát Bà (Sungroup), Đảo Vũ Yên, Hòn Dấu, …, các khách sạn 5 sao Vinpearl Hotel Imperia đã khánh thành và đang triển khai như: Hilton, Nikko, Pullman, MGallery Cát Bà. 
Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao động thành phố Hải Phòng theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng, trong khi lao động ngành nông nghiệp ngày càng giảm. Cơ cấu lao động ngành nông nghiệp giảm mạnh từ 28,71% năm 2012 xuống còn 20,80% vào năm 2018; trong khi đó cơ cấu lao động ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 29,27% năm 2012 lên 39,40% năm 2018.
Cơ cấu kinh tế theo thành phần cũng chuyển dịch tích cực, phù hợp với xu thế đổi mới phát triển theo hướng nhiều thành phần. Thành phần kinh tế Nhà nước giữ mức ổn định (26,84% năm 2011 và 24,30% năm 2018) khẳng định vai trò then chốt, định hướng và điều tiết mọi sự phát triển của thành phố. Kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất và giảm mạnh từ 52,19% năm 2011 xuống còn 44,56% năm 2018; trong đó: kinh tế tư nhân tăng từ 25,01% lên 34,07%, kinh tế cá thể giảm mạnh từ 26% xuống còn 9,89%. Kinh tế khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhất nhưng tăng nhanh từ 14,42% năm 2011 lên 25,15% năm 2018, phản ánh thành quả của việc mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thành phố trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế thành phố có sự chuyển dịch tích cực theo hướng mở cửa, hội nhập vào kinh tế toàn cầu, thể hiện ở tỷ lệ xuất khẩu/GRDP ngày càng tăng, nghĩa là hệ số mở cửa ngày càng lớn, từ 50,45% năm 2011 lên 96,32% năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2018 đạt 36,12 tỷ USD, tăng bình quân 19,28%/năm.

3.  Định hướng phát triển nhiều thành phần kinh tế

Trong các năm gần đây, Hải Phòng đang là một điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt đang trong tốp đầu các địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư. Sự phát triển bứt phá mạnh mẽ này của Hải Phòng có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, năm 2018 chiếm 74,21% trong GRDP thành phố. Trong giai đoạn 2011-2018 khu vực doanh nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, tại thời điểm 31/12/2018 trên địa bàn thành phố có 16.090 doanh nghiệp và hợp tác xã (gấp 2 lần so với năm 2011), tạo việc làm cho 474.833 lao động, đóng góp 13.938 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Trong khu vực doanh nghiệp tỷ trọng đóng góp trong GRDP thành phố tăng ở cả 3 loại hình: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 
(1) Trong khu vực kinh tế nhà nước, Khối doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm dần về số lượng và lao động giảm từ 134 doanh nghiệp, trong đó có 61 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước năm 2011 xuống còn 100 doanh nghiệp năm 2018, trong đó có 35 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tổng số vốn năm 2011 của doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn là 89.384 tỷ đồng, năm 2018 là 68.275 tỷ đồng, giảm 23,62%. Tổng số lao động trong doanh nghiệp nhà nước năm 2011 là 55.149 người, chiếm 5,23% tổng lao động thành phố, chiếm 17,14% tổng lao động khu vực doanh nghiệp; năm 2018 là 30.826 người, chiếm 2,78% tổng lao động thành phố, chiếm 6,55% tổng lao động khu vực doanh nghiệp. Thu nhập bình quân năm 2011 là 5,39 triệu đồng/người/tháng; năm 2018 là 10,34 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2011 là 39.755 tỷ đồng, năm 2018 là 45.629 tỷ đồng, tăng 14,77%. 
Đóng góp vào GRDP toàn thành phố năm 2011 là 11,85%, năm 2018 là 8,64%. Tỷ trọng đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước vào tổng thu nội địa thành phố và trong tổng thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp có xu hướng giảm rõ rệt: năm 2011 là 1.861/7.334,8 tỷ đồng (=25,3%) tổng thu nội địa, chiếm tỷ trọng 41,1% tổng thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp; năm 2018 là 3.155/24.777 tỷ đồng (=12,7%) tổng thu nội địa; chiếm tỷ trọng 28% tổng thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp. 
Như vậy, sau gần 10 năm thực hiện định hướng của Cương lĩnh, doanh nghiệp nhà nước ở Hải Phòng đã được đổi mới, sắp xếp, cấu trúc lại và bước đầu phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chấm dứt tình trạng bù lỗ của ngân sách Nhà nước. Việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tăng hiệu quả hoạt động, tăng cơ hội phát triển các doanh nghiệp. 
(2) Khu vực kinh tế tập thể có đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố; góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế; giải quyết việc làm; bảo đảm an sinh xã hội; ổn định chính trị ở cơ sở, nhất là địa bàn nông thôn. Tuy nhiên, kinh tế tập thể ở Hải Phòng vẫn trong giai đoạn yếu kém, quy mô của khu vực kinh tế tập thể quá nhỏ so với khu vực kinh tế khác. 
Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã năm 2011 là 342, năm 2018 là 272. Tổng nguồn vốn năm 2011 là 2.192,4  tỷ đồng, năm 2018 là 3.800,5 tỷ đồng. Tổng số lao động năm 2011 là 9.434 người, chiếm 0,9% tổng lao động thành phố; năm 2018 là 4.201 người, chiếm 0,38% tổng lao động thành phố, giảm 55,57%. Thu nhập bình quân năm 2011 là 1,51 triệu đồng/người/tháng, năm 2018 là 5,2 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu năm 2011 là 2.644 tỷ đồng, năm 2018 là 3.074,7 tỷ đồng, tăng 16,29%. 
Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GRDP của thành phố liên tục giảm, năm 2011 là 1,18 %, năm 2014 là 1,42%, năm 2018 là 0,6%. Tỷ trọng đóng góp vào tổng thu nội địa thành phố và trong tổng thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp của khu vực kinh tế tập thể luôn ở mức rất thấp: năm 2011 là 10,2/7.334,8 tỷ đồng (=0,14%) tổng thu nội địa, chiếm 0,23% tổng thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp; năm 2018 là 27,6 /24.777 tỷ đồng (=0,11%) tổng thu nội địa; chiếm 0,25% tổng thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp.
Như vậy, thực tiễn của Hải Phòng cho thấy vai trò thực tế của thành phần kinh tế kinh tế tập thể còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu “cùng với kinh tế nhà nước là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” như định hướng của Cương lĩnh 2011. Do đó, rất cần đánh giá đầy đủ, sát thực tiễn về thành phần kinh tế này.
(3) Khu vực kinh tế tư nhân ở Hải Phòng có bước phát triển mạnh mẽ, đã và đang trở thành động lực quan trọng của kinh tế thành phố. Trong đó, nổi bật là doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Hải Phòng đã có bước phát triển mạnh, tăng nhanh về số lượng, tăng cường về quy mô đầu tư, mở rộng lĩnh vực hoạt động, nâng cao trình độ công nghệ, cải thiện chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút được lượng lớn lao động, tăng dần qua các năm, chất lượng lao động tăng cao.  
Số doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh năm 2011 là 7.196 doanh nghiệp, năm 2018 là 15.217 doanh nghiệp, tăng 111,46%. Tổng nguồn vốn của doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh năm 2011 là 127.951 tỷ đồng, năm 2018 là 379.717 tỷ đồng, tăng 196,77%. Tổng số lao động năm 2011 là 195.724 người, chiếm 18,57% tổng lao động thành phố, chiếm 60,82% tổng lao động khu vực doanh nghiệp; năm 2018 là 244.962 người, chiếm 22,06% tổng lao động thành phố, chiếm 52,05% tổng lao động khu vực doanh nghiệp. Thu nhập bình quân năm 2011 là 3,06 triệu đồng/người/tháng; năm 2018 là 6,22 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2011 là 172.548 tỷ đồng, năm 2018 là 523.370 tỷ đồng, tăng 203,32%.
Tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố năm 2011 là 25,01%, năm 2018 lên 34,07%. Tỷ trọng đóng góp vào tổng thu nội địa thành phố có xu hướng tăng, đặc biệt tỷ trọng trong tổng thu nội địa và tổng thu từ khu vực doanh nghiệp tăng rõ rệt: năm 2011 là 1.262/7.334,8 tỷ đồng (=17,2%) thu nội địa, chiếm 27,9% thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp; năm 2018 là 4.103/24.777 tỷ đồng (=16,5%) thu nội địa; chiếm 36,4% thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp.
Như vậy, có thể khẳng định, trong gần 10 năm qua, khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn Hải Phòng có sự phát triển mạnh mẽ nhất trong các thành phần kinh tế. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã tham gia vào các lĩnh vực trọng yếu của thành phố như công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo công nghệ cao; kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có cả lĩnh vực hàng không; cảng biển; nông nghiệp; công nghệ cao; du lịch; y tế; giáo dục và đào tạo, ... Lực lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh hùng mạnh có mặt tại Hải Phòng trong những năm gần đây đã đem đến một nguồn lực đầu tư rất lớn cho thành phố. 
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có đóng góp lớn nhất trong tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (năm 2011 chiếm 28,65%, năm 2018 tăng lên 37,40%). Khẳng định hiệu quả của các chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhờ đó doanh nghiệp ngoài nhà nước liên tục phát triển đến nay cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp cao nhất ở hầu hết các chỉ tiêu. Năm 2017 doanh thu thuần đạt 396.357 tỷ đồng, chiếm 60,45% tổng doanh thu thuần của toàn khu vực doanh nghiệp, nộp ngân sách đạt 7.611 tỷ đồng, lao động đạt 243,13 nghìn người.
(4) Thành phần kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hải Phòng đã có những bước tăng trưởng đột phá, là điển hình của cả nước, đóng góp  quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 
Đến hết năm 2011, số dự án FDI còn hiệu lực là 318 dự án với tổng vốn đầu tư 5.176,29 triệu USD; đến hết năm 2018, số dự án FDI còn hiệu lực là 622 dự án với tổng vốn đầu tư 16.960,04 triệu USD, tăng 276,4% về vốn. Số doanh nghiệp FDI năm 2011 là 219, năm 2018 là 501, tăng 128,77%.
Từ chỗ các dự án FDI chủ yếu đến từ Châu Á, đến nay đã có 38 quốc gia, vùng lãnh thổ có nhà đầu tư đến Hải Phòng (tính cho tất cả các ngành, lĩnh vực), trong đó đã thu hút được nhiều dự án tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia, thuộc nhóm 500 công ty có thương hiệu hàng đầu thế giới đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, như: GE, Bridgestone, Chevron, LGE, LGD, Idemitsu, Kyocera, Nippro Pharma, Fuji Xerox;…
Tổng nguồn vốn năm 2011 là 47.843 tỷ đồng, năm 2018 là 237.164 tỷ đồng, tăng 395,71%. Tổng số lao động năm 2011 là 70.948 người, chiếm 6,73% tổng lao động thành phố, chiếm 22,05% tổng lao động khu vực doanh nghiệp; năm 2018 là 194.844 người, chiếm 17,55% tổng lao động thành phố, chiếm 41,4% tổng lao động khu vực doanh nghiệp. Thu nhập bình quân năm 2011 là 4,49 triệu đồng/người/tháng, năm 2018 là 8,71 triệu đồng/người/tháng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 là 1.335 nghìn USD, năm 2018 là 6.052,2 nghìn USD.
Tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp FDI vào GRDP thành phố tăng mạnh, năm 2011 là 14,42%, năm 2018 là 25,15%. Tỷ trọng đóng góp vào tổng thu nội địa thành phố và tổng thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng khá rõ: năm 2011 là 1.277/7.334,8 tỷ đồng (=17,4%) tổng thu nội địa, chiếm 28,2% tổng thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp; năm 2018 là 3.967/24.777 tỷ đồng (=16%) tổng thu nội địa; chiếm 35,3% tổng thu nội địa từ khu vực doanh nghiệp.
Thành phố đã có những điều chỉnh, đổi mới về chính sách thu hút đầu tư FDI. Từ năm 2013, thành phố đã có Quyết định và năm 2019 tiếp tục điều chỉnh, ban hành Quyết định “Danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện và không chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng”, với 159 dự án thuộc 9 lĩnh vực được khuyến khích đầu tư, 17 dự án có điều kiện đầu tư; 20 dự án không chấp thuận đầu tư án; đồng thời cũng quy định các địa điểm khu công nghiệp, cụm công nghiệp khuyến khích đầu tư tương ứng với từng dự án.
Như vậy, Hải Phòng đã thực hiện rất tốt định hướng khuyến khích kinh tế đầu tư nước ngoài phát triển. Doanh nghiệp FDI cùng với doanh nghiệp tư nhân đang đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng kinh tế thành phố. Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng có những kinh nghiệm thiết thực trong giải quyết mối quan hệ giữa thu hút và lựa chọn đầu tư từ nước ngoài.
Đối với doanh nghiệp nhà nước, trong quá trình tái cấu trúc cần chú trọng nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, xem con người (cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước) là nhân tố quyết định thành công. Đồng thời cần nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về vai trò của thành phần kinh tế nhà nước, trong đó vai trò chủ đạo, điều tiết kinh tế vĩ mô thuộc về các nguồn lực khác của kinh tế nhà nước, còn doanh nghiệp nhà nước chỉ nên duy trì hoạt động ở một số lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không muốn làm, không thể làm để thực hiện được các mục tiêu chính trị, xã hội.
Tóm lại, trong phát triển các thành phần kinh tế, Hải Phòng đã đi đúng định hướng của Cương lĩnh 2011. Tiềm lực kinh tế nhà nước được tăng cường, phát huy đúng vai trò chủ đạo trong điều tiết, dẫn dắt nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước cơ bản được cấu trúc lại, nâng cao hiệu quả hoạt động. Kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân có sự phát triển mạnh mẽ, giữ vai trò động lực quan trọng của kinh tế thành phố. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh. Kinh tế tập thể có đóng góp nhất định trong giải quyết việc làm, bải đảm an sinh xã hội. 
Tuy nhiên quá trình phát triển các thành phần kinh tế của Hải Phòng đã cho thấy một số vấn đề như sau:
- Cần khẳng định phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là tất yếu, phù hợp với quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong thời kỳ quá độ ở nước ta. Đây là định hướng cần kiên trì, kiên định thực hiện.
- Cần tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Đồng thời, cần phát huy mạnh hơn vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo điều kiện, tạo môi trường, hạ tầng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế khác của kinh tế nhà nước. Khi phát triển, đến lượt mình, các thành phần kinh tế khác đóng góp cho ngân sách, cũng là tăng cường sức mạnh cho kinh tế nhà nước. Do đó, cần nhận thức sâu sắc và bổ sung, phát triển nhận thức về mối quan hệ biện chứng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN ở nước ta. Đồng thời, cần nhận diện rõ hơn và thực thi đầy đủ hơn định hướng “bình đẳng, cùng phát triển lâu dài của các thành phần kinh tế” của Cương lĩnh 2011. 
- Cần mạnh dạn hơn nữa trong đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò và khả năng của thành phần kinh tế tư nhân. Vì thực tế Hải Phòng cũng đã cho thấy, tư nhân hoàn toàn có đủ nguồn lực, năng lực đầu tư vào các lĩnh vực mà trước đây chỉ có thể doanh nghiệp nhà nước mới đảm nhiệm được (cảng biển, công nghiệp chế tạo, điện, nước, hạ tầng giao thông, thông tin, ...); kinh tế tư nhân ngày càng mạnh, chiếm tỷ trọng giá trị ngày càng cao trong kinh tế thành phố, góp phần đắc lực tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, nổi bật là tăng cường nguồn lực ngân sách thành phố, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước
 - Sự suy giảm của kinh tế tập thể của Hải Phòng cho thấy việc thực hiện định hướng “kinh tế tập thể không ngừng củng cố và lớn mạnh” và việc xác định vai trò của kinh tế tập thể - cùng với kinh tế nhà nước - “là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” đang gặp khó khăn, vướng mắc. Vì vậy cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn về vấn đề này, nhất là trong xây dựng và thực hiện chính sách đặc biệt để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển hiệu quả.
- Định hướng “kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển” cần có điều chỉnh, bổ sung, phát triển theo hướng có chọn lọc để bảo đảm huy động nguồn lực rộng rãi cho phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng đồng thời bảo đảm tính độc lập, tự chủ của kinh tế đất nước.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đều được quan tâm, chỉ đạo và đạt được kết quả quan trọng
1.1. Chính sách người có công


Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, phát thanh, truyền hình đã phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố và nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, chương trình nghệ thuật có quy mô lớn, chất lượng cao, chào mừng các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước và thành phố. Lễ hội Hoa Phượng Đỏ được tổ chức hàng năm từ năm 2012 gắn với Kỷ niệm Ngày Hải Phòng giải phóng đã trở thành Lễ hội văn hóa du lịch đặc trưng thường niên của thành phố.
Những năm gần đây thành phố luôn thực hiện chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách đối với người và gia đình có công với nước, các đối tượng yếu thế trong xã hội với phương châm “đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế”. Nổi bật, trong 03 năm qua, chính sách an sinh xã hội đã được quan tâm đặc biệt; mức quà tặng các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo tăng 10 lần so với bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2015 (22 tỷ đồng/năm), trong khi quy mô kinh tế thành phố tăng 2,36 lần (năm 2011 GRDP giá hiện hành đạt 82.678 tỷ đồng, năm 2018 đạt 195.519 tỷ đồng). Bên cạnh đó, thành phố đã có những chính sách riêng để xóa nghèo bền vững như thực hiện xã hội hóa công tác xóa nghèo, giúp người có công, người nghèo, người yếu thế được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở , bảo hiểm y tế, … 
Chính sách với gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công, hộ nghèo được thành phố đặc biệt quan tâm, đi trước một bước so với tăng trưởng kinh tế, vừa thể hiện đạo lý tốt đẹp của xã hội đồng thời góp phần quan trọng ổn định xã hội, nền tảng cho sự phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn thành phố đến năm 2018 còn 1,41%, giảm bình quân 0,82%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV. Thành phố đang triển khai chính sách hỗ trợ xi măng, gạch cho hộ gia đình có công với cách mạng khó khăn về nhà ở để cải tạo, xây lại nhà và chủ trương sẽ áp dụng tương tự đối với hộ nghèo, cận nghèo.

1.2. Giáo dục - đào tạo

Công tác giáo dục - đào tạo của thành phố phát triển khá toàn diện, chất lượng được nâng lên. Quy mô giáo dục tiếp tục ổn định, vững chắc cả về cơ cấu, loại hình trường lớp. Đặc biệt, thành phố có cơ chế, chính sách mạnh nhằm khuyến khích học sinh giỏi; giáo viên giỏi.  Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng lên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo tăng cao; cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư; chất lượng giáo dục được nâng lên, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục bậc mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Trong nhiều năm liền, Hải Phòng đều có học sinh đạt giải quốc tế, luôn là địa phương tốp đầu cả nước về chất lượng học sinh giỏi, là địa phương duy nhất trong cả nước 21 năm liên tục có học sinh đạt huy chương quốc tế
Giáo dục bậc đại học và đào tạo nghề có bước phát triển đáng kể về quy mô, bước đầu đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thành phố, hàng năm thu hút trên 30% sinh viên là người ngoài tỉnh tham gia học tập. Thành lập và tập trung đầu tư xây dựng, phát triển trường Đại học Hải Phòng là trường đại học đa cấp, đa ngành, các trường Đại học: Y Dược, Hàng hải Việt Nam, Dân lập Hải Phòng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng ngành nghề, đa dạng hoá hình thức đào tạo. Chất lượng đào tạo cơ bản đáp ứng yêu cầu với khoảng 70% sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, so với mục tiêu trở thành trung tâm giáo dục của Vùng Duyên hải Bắc Bộ thì giáo dục và đào tạo thành phố còn nhiều hạn chế. Trường Đại học Hải Phòng chưa thể hiện được vai trò phục vụ cho cả Vùng Duyên hải Bắc Bộ, góp phần giảm tải cho Thủ đô Hà Nội; chất lượng đào tạo chưa đạt uy tín cao trên thị trường lao động; chưa thể hiện nét nổi trội, bứt phá so với các tỉnh, thành phố trong khu vực; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo còn nhiều vấn đề cần quan tâm. 

1.3. Y tế

Y tế Hải Phòng từng bước hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm y tế vùng Duyên hải Bắc bộ. Mạng lưới khám chữa bệnh được mở rộng, củng cố và phát triển; Các bệnh viện, trung tâm y tế được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; một số bệnh viện chuyên khoa hạng 1 đóng vai trò bệnh viện tuyến cuối của khu vực như Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp,  Bệnh viện Trẻ em, Bệnh viện Phụ sản; đầu tư mới một số bệnh viện ngoài nhà nước có quy mô lớn như Bệnh viện Đa khoa quốc tế, Bệnh viện quốc tế Green, Bện viện Vimec. Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hải Phòng quy mô 1000 giường bệnh với tổng mức đầu tư là 1.284.170 triệu đồng đã cơ bản hoàn thành. Bệnh viện Việt - Tiệp được tập trung đầu tư xây dựng, đã làm chủ được nhiều kỹ thuật công nghệ y học cao ngang tầm các trung tâm y tế lớn của cả nước; thành lập 10 trung tâm chuyên khoa sâu, là đơn vị 4 năm dẫn đầu đạt mức điểm cao nhất trong vùng về thực hiện 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện. 
Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên rõ rệt; đã làm chủ được nhiều kỹ thuật công nghệ y học cao ngang tầm các trung tâm y tế lớn trong nước; có nhiều đổi mới trong quản lý và phát triển dịch vụ y tế công, tư. Thành phố đã huy động tốt các nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực y tế; có bước đột phá trong chỉ đạo đổi mới quản lý, đầu tư đối với các bệnh viện từ thành phố đến tuyến huyện; đã chỉ đạo thực hiện tự chủ tại 6 bệnh viện, qua đó đã tiết kiệm chi từ ngân sách thành phố. 
Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, công tác y tế dự phòng, đảm bảo không để bùng phát, lây lan các dịch bệnh nguy hiểm. Tình hình sức khỏe của người dân thành phố đã có bước cải thiện rõ rệt, cơ bản đã đạt, vượt tiến độ thực hiện các chỉ tiêu Thiên niên kỷ và vượt các chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về y tế: tỷ số chết mẹ khi sinh, tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi và dưới 5 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới năm tuổi đều giảm qua các năm; tuổi thọ trung bình của người dân thành phố trong những năm qua đã tăng lên đáng kể, đến năm 2018 tuổi thọ trung bình đạt 77,2.
Tuy nhiên, vai trò là trung tâm y tế vùng chưa thật sự rõ nét. Chất lượng khám, chữa bệnh còn hạn chế. Tình trạng quá tải bệnh viện chưa được giải quyết triệt để. Cơ sở vật chất của một số bệnh viện tuyến huyện, quận và y tế cơ sở xuống cấp. Còn thiếu đội ngũ chuyên gia y tế giỏi đầu ngành.

1.4. Văn hóa - thể thao

Các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa thể thao được quan tâm, chú trọng công tác trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, duy trì tốt công tác quản lý các hoạt động lễ hội. Điểm mới là từ năm 2018, thành phố đã chi mức quà Tết Nguyên đán để động viên, khuyến khích cống hiến đối với nhà giáo, nghệ sĩ, thầy thuốc nhân dân, ưu tú.
Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư khá đồng bộ, phát huy hiệu quả. Thành phố hiện có 01 trung tâm văn hóa thành phố, 11 trung tâm văn hóa thông tin cấp huyện, 223 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn và hơn 700 nhà văn hóa, trung tâm văn hóa làng và 453 thư viện của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Nhiều công trình văn hoá được quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp. 
Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của thành phố được quan tâm đầu tư từ ngân sách Trung ương, thành phố và sự đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân, đạt kết quả tích cực. 
Nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức thành công thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế, tiêu biểu là Lễ hội Hoa Phượng đỏ được tổ chức thường niên từ năm 2012 gắn với Kỷ niệm Ngày Hải Phòng giải phóng. Phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì, xuất hiện các mô hình, cách làm sáng tạo, thiết thực góp phần nâng cao mức hưởng thụ và tham gia bảo tồn, phát huy và sáng tạo các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân.
Thể thao được quan tâm đầu tư đúng định hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa và bước đầu phát triển kinh tế thể thao. Thể thao thành tích cao được quan tâm, phát hiện, đào tạo đội ngũ vận động viên, giữ vững thành tích thi đấu trong tốp 5 các tỉnh, thành phố, ngành dẫn đầu trong cả nước tại các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc; có các vận động viên đoạt huy chương ở các giải thể thao thế giới, châu Á và khu vực Đông Nam Á. Đội bóng đá chuyên nghiệp Hải Phòng thường xuyên thi đấu ở giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.
Tuy nhiên, thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá nhìn chung vẫn ở tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Đầu tư các nguồn lực, cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa, thể thao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập. Hoạt động văn học, nghệ thuật còn những mặt bất cập, còn ít tác phẩm đạt đỉnh cao. Thể dục thể thao thành tích cao có chiều hướng sa sút, khiến Hải Phòng mất dần vị thế trung tâm thể thao mạnh của cả nước. Thể thao quần chúng chưa được quan tâm, chưa tương xứng với vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương. Khu Liên hợp thể thao chậm được đầu tư xây dựng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu.

2. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được tăng cường

Thành phố đã thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng khu vực phòng thủ thành phố vững mạnh, toàn diện về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Đồng thời, luôn chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn. Các hoạt động băng nhóm, tội phạm có tổ chức, các vụ trọng án tại địa bàn thành phố có xu hướng giảm trong 03 năm qua. An ninh chính trị được duy trì ổn định, trị an xã hội thành phố được bảo đảm, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư và thu hút khách du lịch.
Khái quát lại, sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, Hải Phòng đã đạt được những kết quả toàn diện, kinh tế - xã hội thành phố tăng trưởng ở mức cao; một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá, nổi bật; hiệu quả đầu tư công được nâng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố có bước phát triển mạnh mẽ, đô thị trung tâm được chỉnh trang, nâng cấp, không gian đô thị được mở rộng, mở ra tương lai phát triển hiện đại và bền vững cho thành phố; thu ngân sách của thành phố tăng trưởng đột phá, tiềm lực của thành phố được huy động và phát huy, nội lực của thành phố được tăng cường; môi trường đầu tư của thành phố được cải thiện mạnh mẽ, có biến chuyển tích cực, hiệu quả rõ nét, mang dấu ấn của thời kỳ mới, Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có môi trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… đều có tiến bộ, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội được chú trọng, đời sống của người dân thành phố được cải thiện và nâng cao hơn.
Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu, kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như:
- Quy mô GRDP chưa tương xứng với vị thế là thành phố lớn thứ 2 miền Bắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 
- Các yếu tố nội lực tuy đã được phát huy và có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng bỏ sót nguồn thu, thất thu, thất thoát chưa được khắc phục triệt để. 
 - Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tuy có chuyển biến tích cực song chưa tạo được đột phá. Doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn còn hạn chế so với tiềm năng, lợi thế.  
- Kết cấu hạ tầng giao thông còn chưa thực sự đồng bộ, hiện đại, hạn chế kết nối đa phương thức và chưa phát huy đầy đủ lợi thế của cả 5 loại hình vận tải, vẫn dựa chủ yếu vào đường bộ. 
- Chất lượng nguồn nhân lực chậm được cải thiện, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Văn hóa - xã hội còn có mặt hạn chế; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế chưa tương xứng với yêu cầu, chưa huy động được mạnh mẽ các nguồn lực xã hội. 
- Việc quản lý tài nguyên, khoáng sản, vấn đề môi trường, xử lý rác thải còn nhiều bất cập. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm ở một số lĩnh vực, địa bàn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. 
Trước yêu cầu và tốc độ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Hải Phòng cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng những tiềm năng, lợi thế của thành phố để phát triển toàn diện; cần kiên định, quyết liệt, sáng tạo tổ chức thực hiện những định hướng lớn của Cương lĩnh 2011 nhằm đạt những mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, bám sát thực tiễn, nắm bắt diễn biến, và nâng cao năng lực phân tích dự báo chiến lược, nhất là các nhân tố mới xuất hiện, đã và đang tác động đến việc thực hiện một số định hướng của Cương lĩnh 2011 để xác định mục tiêu, chính sách, giải pháp phù hợp với thực tế tình hình./.

Tác giả: Cục Thống kê Hải Phòng

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây