Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tháng 8/2019

Thứ năm - 29/08/2019 11:13
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8 năm 2019 ước đạt 8.683,02 tỷ đồng, tăng 4,82% so với tháng trước, tăng 16,75% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 67.033,64 tỷ đồng
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 8, 8 THÁNG NĂM 2019
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số phát triển sản xuất (PTSX) công nghiệp (IIP) tháng 8/2019 ước tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 25,64% so với cùng kỳ. Dự tính 8 tháng/2019, IIP tiếp tục đà tăng trưởng cao, tăng 23,77% so với cùng kỳ (8 tháng/2017 tăng 20,1%; 8 tháng/2018 tăng 24,55%), trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 25,23%, đóng góp 21,98 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,99%, đóng góp 1,58 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,55%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,97%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
 
image

Trong 51 nhóm ngành kinh tế cấp 4 có 33 ngành có chỉ số PTSX công nghiệp tăng, trong đó: ngành sản xuất mô tơ, máy phát điện tiếp tục là ngành có mức tăng cao nhất, tăng 238,85%; tiếp theo ngành sản xuất thiết bị truyền thông tăng 95,74%; ngành sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép đứng thứ 3 với mức tăng 79,47%...
Có 18 ngành kinh tế cấp 4 giảm, trong đó: ngành sản xuất đồ chơi giảm 66,26%; sản xuất thuốc lá giảm 21,95%; sản xuất bia giảm 23,19%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng giảm 32,68%;...

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp - IIP (%)

 

Ước tính tháng 8/2019 so với tháng trước

Ước tính tháng 8/2019 so với cùng kỳ

Cộng dồn 8 tháng 2019 so với cùng kỳ

Toàn ngành công nghiệp

101,90

125,64

123,77

Khai khoáng

101,04

   90,87

   104,97

Công nghiệp chế biến, chế tạo

104,23

   125,51

   125,23

Sản xuất và phân phối điện

  75,42

   134,29

   110,99

Cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải

  98,68

   104,76

   109,55


Tình hình sản xuất của một số doanh nghiệp có đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng toàn ngành công nghiệp thành phố trong tháng 8 và 8 tháng/2019:  
Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện VinFast: Hai dòng xe Suv và Sedan đã được sản xuất và được bàn giao đến những khách hàng đầu tiên, đảm bảo đúng tiến độ đã cam kết. Trong tháng 7/2019 nhà máy đã đưa vào sản xuất 2 dòng xe máy điện mẫu mới VK City và VK Sport, đây là dòng sản phẩm mới hướng tới đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên. Với các chính sách khuyến mại kích cầu đang được thực hiện nên dự kiến tháng 8 sản lượng sản xuất và tiêu thụ xe máy điện sẽ tăng cao.
Chi nhánh công ty TNHH GE Hải Phòng tháng 7 tiếp tục sản xuất khối lượng lớn máy phát điện tuabin gió và các linh kiện hệ thống điều khiển điện. Dự kiến tháng 8/2019 sản xuất và tiêu thụ giảm so tháng trước nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ.
Ba doanh nghiệp thuộc tập đoàn LG trong 8 tháng/2019 sản lượng sản xuất tiếp tục ổn định, doanh thu tăng 46,7% so với cùng kỳ, thu hút và tạo việc làm cho hơn 16,4 nghìn lao động, trong đó công ty TNHH LG Electronics từ tháng 7/2019 đã đưa 03 dây chuyền sản xuất điện thoại và 01 chuyền bản mạch được chuyển dịch từ Hàn Quốc sang nhà máy tại Hải Phòng vào sản xuất chính thức, chủ yếu sản xuất các sản phẩm ở phân khúc tầm trung; công ty TNHH LG Display Hải Phòng dự kiến sản xuất sản phẩm màn hình điện thoại bắt đầu tăng trở lại...
Sản xuất xi măng 8 tháng/2019 ghi nhận tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, tăng 5,03% so với cùng kỳ (8 tháng/2017 giảm 1,75%; 8 tháng/2018 giảm 9,75%), tuy nhiên chỉ số tiêu thụ chỉ tăng 2,93% so cùng kỳ do xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Sản xuất sắt thép 8 tháng/2019 dự kiến tăng 1,82%, tuy nhiên tháng 8/2019 ước giảm 13,4% so với cùng kỳ do các đại lý đã tập trung mua hàng từ tháng 7, thời tiết mưa nhiều nên nhu cầu sắt thép cho xây dựng giảm nên các doanh nghiệp chủ động giảm sản xuất, tranh thủ sửa chữa bảo dưỡng máy móc, tạo khoảng thời gian nghỉ ngơi cho công nhân; ngoài ra, do giá phôi nguyên liệu thị trường ở mức thấp, sản xuất không hiệu quả nên hoạt động cầm chừng…
Ngành đóng tàu 8 tháng/2019 ước tăng 33,86% so với cùng kỳ do một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, đã ký được các hợp đồng lớn và đi vào thực hiện từ quý III/2019, dự kiến trong những tháng cuối năm sản xuất tiếp tục tăng cao.
Ngoài ra sản xuất công nghiệp thành phố trong 8 tháng/2019 còn có sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp FDI đang sản xuất ổn định và còn tiếp tục đầu tư mở rộng, tăng công suất như công ty TNHH Kyocera (đang đầu tư xây dựng nhà xưởng C), công ty TNHH Rorze Roboteck (đang đầu tư giai đoạn 2), công ty TNHH LS Vina (bổ sung thêm lò nấu đồng), công ty TNHH may Regina (đang triển khai đầu tư xây dựng nhà máy D, E)… các doanh nghiệp công nghiệp truyền thống trong nước như sản xuất sản phẩm từ plastic, sản xuất nước mắm, may mặc tích cực mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng, nâng cao chất lượng... đã đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng toàn ngành như: sản xuất máy văn phòng tăng 15,03%; sản xuất dây và cáp điện tăng 20,35%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 5,99%; chế biến thủy sản tăng 8,1%; may mặc tăng 16,01%...
Bên cạnh đó, sản xuất tháng 8 và 8 tháng/2019 có một số ngành sản xuất giảm so cùng kỳ, cụ thể:
Ngành sản xuất phân bón dự kiến 8 tháng/2019 giảm 20,67% so với cùng kỳ, chủ yếu do khó khăn trong khâu tiêu thụ, sản lượng xuất khẩu giảm mạnh mặc dù giá đã được điều chỉnh giảm theo giá thế giới. 
Ngành sản xuất thuốc lá 8 tháng/2019 ước giảm 21,95% so với cùng kỳ do giá bán thuốc lá tăng nên sức mua giảm.
Sản xuất bia 8 tháng/2019 ước giảm 23,19% so với cùng kỳ do giảm sản lượng tiêu thụ bia hơi và nhu cầu tiêu dùng của người dân có xu hướng chuyển từ sử dụng bia hơi sang sử dụng bia chai.
 Ngoài ra một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng/2019 tiếp tục sụt giảm như sản xuất bê tông giảm 32,68% so với cùng kỳ; sản xuất đồ chơi giảm 66,26%…, một số doanh nghiệp công nghiệp hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn, không có đơn hàng, công nhân không có việc làm, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống người lao động…
 * Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2019 giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 5,18% so với cùng kỳ năm trước, cộng dồn 8 tháng năm 2019 chỉ số tiêu thụ tăng 3,2% trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so cùng kỳ: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản tăng 9,02%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 29,1%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 54,8%, sản xuất môtơ, máy phát tăng 214,7% ...
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ: sản xuất thiết bị truyền thông giảm 51,6%; sản xuất bia giảm 23,2%; sản xuất phân bón giảm 37,9%; sản xuất săm lốp cao su giảm 11,9%;
* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/8/2019 tăng 6,28% so với tháng trước và tăng 9,98% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 35,45%; sản xuất phân bón tăng 378,23%; sản xuất thuốc lá tăng 266,36%; sản xuất xi măng tăng 34,74%;...
Một số ngành có chỉ số tồn kho so với cùng kỳ giảm như: sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 2,51%; sản xuất trang phục giảm 46,85%; sản xuất săm lốp cao su giảm 26,57%.
* Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/8/2019 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 10,3%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 13,3%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,6%. 
Chia theo ngành cấp I: ngành khai khoáng tăng 6,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,5%; ngành cung cấp nước, quản lý, xử lý nước rác thải, nước thải tăng 1,0%. 
Trong 51 ngành cấp 4, một số ngành chỉ số sử dụng lao động tăng cao: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38,9%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 100,5%, sản xuất trang phục tăng 13,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 4,5%; sản xuất thuốc hóa dược tăng 6,2%.
Một số ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so cùng kỳ như: sản xuất đồ uống giảm 19,8%; sản xuất kim loại giảm 6,8%; sửa chữa máy móc giảm 7,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 14%.
* Một số sản phẩm công nghiệp ước 8 tháng năm 2019 so cùng kỳ: quần áo các loại đạt 96,27 triệu cái, tăng 7,35%; phân bón đạt 124,03 nghìn tấn, giảm 20,67%; màn hình khác đạt 7.428,55 nghìn cái, tăng 35%; máy giặt đạt 1.025 nghìn cái, tăng 20,33%; lốp hơi mới bằng cao su đạt 1.646,76 nghìn cái, giảm 10,31%; sắt, thép các loại đạt 958,63 nghìn tấn, tăng 5,59%; xi măng Portland đen đạt 3.272 nghìn tấn, tăng 5,03%; điện sản xuất đạt 4.982,02 triệu Kwh, tăng 10,49%.
2. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
 2.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt
Sản xuất vụ mùa năm 2019 được dự báo gặp nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài và tiềm ẩn mưa bão ngay từ đầu vụ, gây ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng của các loại cây trồng. Tính đến trung tuần tháng 8, tổng diện tích gieo trồng vụ mùa ước đạt 38.450 ha, bằng 95,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: lúa đạt 33.925 ha, bằng 96,72%; diện tích cây rau, màu đạt 4.525 ha (ngô đạt 200 ha, ớt cay đạt 250 ha, rau các loại đạt 3.680 ha, đậu các loại đạt 62 ha,...).
Đến nay các trà lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt, đang trong giai đoạn đẻ nhánh bắt đầu phân hóa đòng. Các địa phương lựa chọn giống lúa ngắn ngày là chủ lực; cơ cấu hợp lý giữa giống lúa chất lượng, giống lúa kháng sâu bệnh đặc biệt là bệnh bạc lá, hạn chế tối đa sử dụng giống nhiễm bạc lá; mở rộng tỷ lệ trà lúa mùa sớm để tạo quỹ đất phát triển vụ Đông có giá trị kinh tế cao và thuận lợi cho việc quản lý sâu bệnh gây hại.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây màu có hiệu quả kinh tế như: rau quả, ngô, cây dược liệu... Các loại cây rau màu chủ lực trong vụ mùa tiếp tục được mở rộng diện tích trên những chân ruộng chuyên màu của các huyện, một số vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang được triển khai trên địa bàn thành phố như: dưa đạt 247 ha tại Tiên Lãng, đậu đỗ đạt 16 ha, ngô đạt 273 ha tại Vĩnh Bảo, rau chuyên canh 27 ha tại An Lão, Kiến Thụy,...
* Chăn nuôi
Ước tính tháng 8 năm 2019, số lượng đầu con gia súc, gia cầm toàn thành phố hiện có như sau: đàn trâu đạt 4.566 con, bằng 88,97% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò đạt 11.623 con, bằng 91,9%; tổng đàn gia cầm đạt 8.574,8 nghìn con, bằng 111,10%, trong đó : đàn gà đạt 6.542,1 nghìn con, bằng 107,03%. Đàn lợn tiếp tục giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, đàn lợn đạt 85.609 con, bằng 20,42% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 17h ngày 25/8/2019, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 18.925 hộ thuộc 13 huyện, quận: Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, Cát Hải, Dương Kinh, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Hồng Bàng và Lê Chân. Số lợn tiêu hủy đạt 180.413 con (31.364 con lợn nái, 433 con lợn đực giống, 95.708 con lợn thịt, 52.908 con lợn con); trọng lượng 9.606,4 tấn; giá trị thiệt hại của người sản xuất khoảng 368,8 tỷ đồng. Trong thời gian tới đàn lợn thành phố sẽ tiếp tục giảm do người chăn nuôi không thể tái đàn trong thời gian dịch bệnh còn tiếp diễn, bên cạnh đó một số hộ chăn nuôi quy mô lớn cũng tạm thời ngừng tái đàn hoặc giảm quy mô nuôi so với trước đây. 
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng 8 tiếp tục ổn định, không có dịch bệnh xảy ra; chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh và có tốc độ tăng nhanh nhằm đáp ứng xu hướng thay thế nguồn thực phẩm do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, bên cạnh đó các hộ chăn nuôi lợn không được tái đàn sau tiêu hủy cũng chuyển đổi mô hình sang nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng… để tận dụng chuồng trại và tạo thu nhập cho gia đình.
Giá lợn hơi có xu hướng tăng do khan hiếm nguồn cung thị trường bởi ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, giá thịt hơi gia cầm và trứng gia cầm vẫn ổn định đảm bảo cho người chăn nuôi yên tâm đầu tư sản xuất.
2.2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn duy trì mức ổn định. Ước tính tháng 8 năm 2019, sản lượng gỗ khai thác đạt 102 m3, giảm 19,19% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 4.105 ste, giảm 8,79%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 24,5 nghìn cây, giảm 5,77%. Ước tính 8 tháng/2019, sản lượng gỗ khai thác đạt 1.195,5 m3, giảm 18,28% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 31.230 ste, giảm 5,82%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 185 nghìn cây, giảm 3,65%; diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 28,4 ha (chủ yếu là rừng ngập mặn tại huyện Tiên Lãng).
Trong tháng trên địa bàn thành phố không có vụ cháy rừng, chặt phá rừng trái phép xảy ra. 
2.3. Thủy sản
Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 8 năm 2019 ước đạt 13.022,1 tấn, tăng 4,43% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 8 tháng năm 2019, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 113.237 tấn, tăng 5,25% so với cùng kỳ năm trước.
* Nuôi trồng 
Diện tích nuôi trồng thủy sản 8 tháng/2019 ước đạt 12.472,1 ha, giảm 0,56% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 8.217,2 ha, giảm 0,06%, tôm các loại đạt 2.827 ha, giảm 4,77%; thủy sản khác đạt 1.427,9 ha, tăng 5,69%. Diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố đang có xu hướng giảm do thu hồi mặt bằng cho 1 số dự án, bên cạnh đó thời tiết năm nay có nhiều diễn biến bất thường về nền nhiệt độ và giông bão nên ảnh hưởng tới mức độ đầu tư mở rộng xuống giống sản xuất nuôi trồng thủy sản. 
Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch tháng 8/2019 ước đạt 4.658,6 tấn, tăng 4,05% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 3.311,3 tấn, tăng 4,08%; tôm các loại đạt 345,3 tấn, giảm 14,4%; thủy sản khác đạt 1.002 tấn, tằng 12,28%. Tính chung 8 tháng/2019 sản lượng thủy sản nuôi trồng khai thác ước đạt 47.173,9 tấn, tăng 6,23% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 30.268,8 tấn, tăng 4,91%; tôm các loại đạt 3.887,5 tấn, giảm 11,47%; thủy sản khác đạt 13.017,6 tấn, tăng 16,61%. Sản lượng nuôi trồng tăng chủ yếu tại các khu vực nuôi trồng nước lợ và nước ngọt, năng suất cao của một số loại chủ lực như cá vược, trắm đen, rô phi... Tuy nhiên, trong vụ sản xuất tôm thẻ chân trắng vừa qua do ảnh hưởng của thời tiết và môi trường nên sản lượng tôm thẻ chỉ đạt 3,5 nghìn tấn giảm 3,3% so cùng kỳ bởi bệnh đốm trắng. 
Khu vực nuôi nước ngọt, nước lợ, nước mặn (lồng bè, giàn bè, nhuyễn thể bãi triều) tiếp tục thu hoạch sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách du lịch, địa phương và các tỉnh thành lân cận. Khu vực nuôi nước lợ đã tiến hành cải tạo ao đầm cho vụ nuôi mới, với những diện tích nuôi tôm chân trắng thu hoạch xong; thả bù giống tôm sú, cua biển, cá biển…. Các cơ sở sản xuất giống nước mặn, lợ tiếp tục sinh sản đối tượng tôm sú, cua biển, cá bống bớp, tôm rảo, nhuyễn thể... phục vụ nhu cầu thả nuôi trong thị trường thành phố và dịch vụ cho các tỉnh thành lân cận, sản lượng sản xuất 8 tháng/2019 ước đạt 1.638,8 triệu con giống các loại, tăng 3,78% so với cùng kỳ.
* Khai thác 
Sản lượng thủy sản khai thác tháng 8/2019 ước đạt 8.363,5 tấn, tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại 4.755,7 tấn, tăng 2,23%; tôm các loại đạt 835,9 tấn, tăng 3,91%; thủy sản khác đạt 2.771,9 tấn, tăng 9,27%. Ước tính 8 tháng/2019 sản lượng thủy sản khai thác đạt 66.063,2 tấn, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 36.922,6 tấn, tăng 6,16%; tôm các loại đạt 5.699,7 tấn, tăng 1,8%; thủy sản khác đạt 23.440,9 tấn, tăng 2,8%. Sản lượng thủy sản khai thác của thành phố chủ yếu từ khai thác biển với tỷ trọng chiếm hơn 95% trong tổng số sản lượng khai thác. 
Nghề khai thác biển hiện nay đang vào vụ chính nhưng tình hình thời tiết trên biển năm nay có nhiều diễn biến phức tạp do mưa bão, các ngành chức năng tích cực khuyến cáo ngư dân phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết, dự báo ngư trường nguồn lợi để có kế hoạch sản xuất an toàn và hiệu quả, tuân thủ nghiêm túc các quy định an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển, thường xuyên liên lạc với bờ, với các cơ quan chức năng về phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. 
3. Đầu tư xây dựng
Dự tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương tháng 8/2019 là 1.121,1 tỷ đồng, giảm 11,75% so cùng kỳ. Chia ra:
- Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước 904,2 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 21,51%;
- Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước 161 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ 88,95%;
- Vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước 55,9 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ 68,79%;
Dự tính vốn đầu tư thực hiện 8 tháng/2019 là 5.245,6 tỷ đồng, giảm 0,07% so cùng kỳ. Chia ra:
 - Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước 4.279,2 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 8,87%;
    - Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước 738,7 tỷ đồng, tăng so cùng kỳ 79,86%;
    - Vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước 227,7 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ 59,32%.
Tháng 8/2019 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục giảm sâu. Hiện nay, thành phố đang tập trung cao nhiều nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ngoài một số dự án đảm bảo về tiến độ còn những dự án chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng chưa đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ rất thấp (23,9%) và thấp hơn bình quân chung cả nước. Trong thời gian qua do việc sắp xếp và tổ chức lại các Ban quản lý dự án kéo dài cũng phần nào ảnh hưởng tới việc giải ngân vốn ngân sách và ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện của các dự án. Trong đó có những dự án giá trị thực hiện trong năm 2019 được bố trí hàng nghìn tỷ đồng nhưng việc giải ngân chậm trễ làm cho công tác giải phóng mặt bằng bị chậm, phía nhà thầu không có mặt bằng để thi công.
Đóng góp hơn 80% vào tổng vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý là nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố. Dự kiến tháng 8/2019 nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố tiếp tục giảm, giảm 21,51% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu và nguồn vốn ODA trong tháng 7 và tháng 8 không có vốn giải ngân. Điều này có nghĩa dự án được thực hiện bằng nguồn này trong tháng 7 và tháng 8 không triển khai thực hiện. Ước 8 tháng/2019 nguồn vốn ODA giảm 75,81% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện trong tháng 7 và ước tháng 8 vẫn tăng đều, tăng 102,98% và 88,95% so với cùng kỳ, Một loạt các tuyến đường liên thôn, liên phường, các công trình giáo dục, trụ sở xã phường được nâng cấp, xây dựng ở các quận, huyện trong chương trình nông thôn mới.
* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 15/8/2019 Hải Phòng có 670 dự án còn hiệu lực:
Tổng vốn đầu tư    :    17.497,98 triệu USD
Vốn điều lệ            :   6.047,84 triệu USD
Vốn Việt Nam góp :     243,22 triệu USD
Nước ngoài góp      :  5.804,62 triệu USD
Tính từ đầu năm đến 15/8/2019 toàn thành phố có 59 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 454,36 triệu USD và 32 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 179,54 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 
Từ nửa cuối tháng 7 đến 15/8/2019 có 7 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 41,65 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn có 5 dự án với số vốn tăng là 23,92 triệu USD. Đối với dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đa số chủ yếu là các dự án nhỏ, vốn đăng ký và điều chỉnh không lớn. 
Có 11 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động trong đó 5 dự án do hết thời hạn dự án, 1 dự án thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do vi phạm pháp luật về đầu tư, 5 dự án nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động dự án trước thời hạn.
4. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 năm 2019 ước đạt 11.239,04 tỷ đồng, tăng 1,86% so với tháng trước và tăng 17,34% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 85.778,33 tỷ đồng, tăng 14,72% so với cùng kỳ năm trước. 
* Doanh thu chia theo ngành hoạt động

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ

 

 Ước tháng 8/2019 (Triệu đồng)

 Cộng dồn 8 tháng 2019 (Triệu đồng)

Ước tháng 8/2019 so với tháng trước (%)

Ước tháng 8/2019 so với tháng cùng kỳ năm trước (%)

Cộng dồn 8 tháng 2019 so với cùng kỳ năm trước (%)

Tổng số

11.239,04

85.778,33

101,86

117,34

114,72

Bán lẻ hàng hóa

8.683,02

67.033,64

104,82

116,75

114,72

Dịch vụ lưu trú

186,28

1.223,70

97,00

122,38

117,10

Dịch vụ ăn uống

1.601,4

11.889,91

91,71

122,64

117,20

Du lịch lữ hành

18,38

141,61

81,90

107,29

105,42

Dịch vụ khác

749,96

5.489,47

95,02

112,67

109,44



- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8 năm 2019 ước đạt 8.683,02 tỷ đồng, tăng 4,82% so với tháng trước, tăng 16,75% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 67.033,64 tỷ đồng, tăng 14,72% so với cùng kỳ năm trước;
Các ngành hàng có ước tính doanh thu tháng 8/2019 tăng so với tháng trước là ngành hàng lương thực thực phẩm tăng 5,67%; hàng may mặc tăng 1,58%; ngành đồ dùng trang thiết bị gia đình tăng 7,44%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 6,89%; phương tiện đi lại tăng 10,45%, xăng dầu các loại tăng 0,17%.... Lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng hàng ngày, giá cả của các mặt hàng này tăng cao do ảnh hưởng của mưa bão nhiều đồng thời trong tháng có ngày lễ Vu lan (ngày 15/7 âm lịch) nên doanh thu của ngành hàng này trong tháng 8/2019 ước tăng cao so với tháng trước. Tháng 8 bước vào mùa tựu trường mới nên nhu cầu về các vật phẩm giáo dục tăng cao, ước tính doanh thu ngành hàng này tăng 0,44% so với tháng 7/2019. Thời tiết nắng nóng, oi bức nhiều làm tăng nhu cầu tiêu dùng các thiết bị làm mát nên doanh thu nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình ước tính tăng 7,44%, chủ yếu ở mặt hàng đồ điện như quạt điện, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh....
Cộng dồn 8 tháng/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 14,72% so với cùng kỳ năm 2018. Các nhóm ngành hàng có doanh thu tăng khá cao so với cùng kỳ là nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,15%; hàng may mặc tăng 14,24%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 14,78%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,13%; nhiên liệu khác tăng 12,29%; ...
- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 8 năm 2019 ước đạt 186,28 tỷ đồng, giảm 3% so với tháng trước và tăng 22,38% so với cùng kỳ năm trước; 8 tháng/2019 ước đạt 1.223,7 tỷ đồng, tăng 17,10% so với cùng kỳ năm trước. 
- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 8 năm 2019 ước đạt 1.601,4 tỷ đồng, giảm 8,29% so với tháng trước và tăng 22,64% so với cùng kỳ năm trước; 8 tháng/2019 ước đạt 11.889,9 tỷ đồng, tăng 17,20% so với cùng kỳ năm trước. 
- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 8 năm 2019 ước đạt 18,4 tỷ đồng, giảm 18,10% so với tháng trước, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm trước; 8 tháng/2019 ước đạt 141,6 tỷ đồng, tăng 5,42% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 8/2019 là thời điểm tháng 7 âm lịch, người dân tập trung cúng lễ Vu lan nên một số hoạt động du lịch, ăn uống ngoài gia đình giảm hơn so với tháng 7/2019.
- Doanh thu dịch vụ khác tháng 8 năm 2019 ước đạt 749,96 tỷ đồng, giảm 4,98% so với tháng trước, tăng 12,67% so với cùng kỳ năm trước; 8 tháng/2019 ước đạt 5.489,47 tỷ đồng, tăng 9,44% so với cùng kỳ năm trước;
Tháng 8, một hoạt động dịch vụ có xu hướng tăng hơn so với tháng trước như: dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 1,75%, dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 9,21%... Do quan niệm tâm linh nên người dân ít có hoạt động mua, bán nhà đất trong tháng 7 âm lịch nên dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 7,59%. Ngoài ra, dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 6,73%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 23,46% so với tháng trước. 
5. Hoạt động lưu trú và lữ hành    
Tổng lượt khách tháng 8/2019 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 935,5 nghìn lượt, giảm 5,36% so với tháng trước và tăng 20,35% so với cùng tháng năm 2018; trong đó khách quốc tế đạt 100,2 nghìn lượt, giảm 5% so với tháng trước và tăng 34,33% so với cùng tháng năm trước.
Cộng dồn 8 tháng/2019, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 5.910,6 nghìn lượt, tăng 15,01% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó khách quốc tế đạt 657,8 nghìn lượt, tăng 17,77% so với cùng kỳ năm trước. 
Đối với hoạt động lữ hành, lượt khách lữ hành tháng 8 năm 2019 đạt 9,7 nghìn lượt, giảm 11,67% so với tháng trước. Cộng dồn 8 tháng/2019, lượt khách du lịch đạt 76,2 nghìn lượt, tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước. 
Tháng 8/2019 là thời điểm tháng 7 âm lịch nên nhu cầu du lịch của người dân giảm hẳn so với tháng trước.
6. Vận tải hàng hóa và hành khách
6.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 8 năm 2019 ước đạt 17,01 triệu tấn, tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 15,03% so với cùng tháng năm trước; ước tính 8 tháng/2019 đạt 131,2 triệu tấn, tăng 13,95% so với cùng kỳ năm trước. 
Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 8 năm 2019 ước đạt 8.032,7 triệu tấn.km, tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 2,59% so với cùng tháng năm trước; ước tính 8 tháng/2019 đạt 63.807,9 triệu tấn, tăng 2,59% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 8/2019 tăng so với tháng trước do các doanh nghiệp vận tải tiếp tục nhận được nhiều đơn hàng hơn. 
6.2. Vận tải hành khách
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 8 năm 2019 ước đạt 6,03 triệu lượt, giảm 0,24% so với tháng trước, tăng 17,32% so với cùng tháng năm trước; ước tính 8 tháng/2019 đạt 46,2 triệu lượt, tăng 15,27% so với cùng kỳ năm trước. 
Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 8 năm 2019 đạt 235,4 triệu Hk.km, giảm 0,02% so với tháng trước và tăng 10,65% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 8 tháng/2019 đạt 1.842,2 triệu lượt, tăng 12,26% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển tháng 8/2019 giảm so với tháng trước, chủ yếu bởi lượng hành khách ven biển do tháng 8 là tháng cuối trong mùa du lịch biển ở Hải Phòng nên lượng khách đi lại bằng tàu thủy giảm mạnh.
6.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 8 năm 2019 ước đạt 2.545,5 tỷ đồng, tăng 0,29% so với tháng trước và tăng 17,22% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 8 tháng/2019 doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 19.813,9 tỷ đồng, tăng 16,64% so với cùng kỳ năm trước.
6.4. Sân bay Cát Bi
Tháng 8 năm 2019 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 28,8 tỷ đồng, tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 18,85% so với cùng tháng năm 2018; 8 tháng/2019 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 202,6 tỷ đồng, tăng 25,44% so với cùng kỳ năm trước. 
Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 8 năm 2019 ước đạt 1.530 chuyến, tăng 0,13% so với tháng 7/2019, tăng 19,53% so với cùng tháng năm 2018; 8 tháng/2019 số lần máy bay hạ, cất cánh đạt 11.208 chuyến, tăng 15,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chuyến bay ngoài nước tháng 8/2019 ước đạt 120 chuyến, với ước tính trên 17 nghìn lượt hành khách thông qua. 
Tổng số hành khách tháng 8 năm 2019 ước đạt 264 nghìn lượt người, tăng 0,67% so với tháng 7/2019, tăng 19,94% so với cùng tháng năm 2018; 8 tháng/2019 tổng số hành khách ước đạt 1.806,5 nghìn lượt, tăng 11,79% so với cùng kỳ năm trước. 
Tổng số hàng hóa tháng 8 năm 2019 ước đạt 1,6 nghìn tấn, tăng 1,49% so với tháng 7/2019, tăng 23,77% so với cùng tháng năm 2018; 8 tháng/2019 tổng số hàng hóa thông qua đạt 12,9 nghìn tấn, tăng 25,65% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa đến và đi hiện nay đa dạng nhiều chủng loại như hải sản, hàng thực phẩm, bánh kẹo, quần áo và hàng tiêu dùng khác.
Hiện nay đã có 5 hãng mở tới sân bay Cát Bi với 12 đường bay, trong đó có 3 đường bay quốc tế đi Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.
7. Hàng hoá thông qua cảng 
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 8 năm 2019 ước đạt 11.248,8 nghìn TTQ, tăng 1,11% so với tháng trước và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. 
- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước đạt 3.418 nghìn TTQ, tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 6,61% so với cùng kỳ, trong đó: 
+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước Trung ương ước đạt 3.412 nghìn TTQ, tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 6,72% so với cùng kỳ.
+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước địa phương ước đạt 6 nghìn TTQ, tăng 97,24% so với tháng trước, giảm 33,33% so với cùng kỳ. 
- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài Nhà nước ước đạt 7.830,8 nghìn TTQ, tăng 1,45% so với tháng trước và tăng 32,18% so với cùng kỳ năm 2018.
Cộng dồn 8 tháng năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 79.278,1 nghìn TTQ, tăng 13,88% so với cùng kỳ năm 2018.
* Doanh thu cảng biển tháng 8 năm 2019 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 455 tỷ đồng, giảm 0,59% so với cùng kỳ. Cộng dồn 8 tháng/2019, doanh thu khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 3.655 tỷ đồng, tăng 9,87% so với cùng kỳ năm trước. 
8. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hải Phòng tháng 8 năm 2019 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,96% so với tháng 12/2018. CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2019 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước.
 
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm có chỉ số giá tháng 8/2019 tăng so với tháng trước với mức tăng như sau: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,38%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,53%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,40%; nhóm giáo dục tăng 2,97%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%. 03 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,24%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,06%; nhóm giao thông giảm 0,33%. Nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá ổn định. 
Nguyên nhân chính làm tăng CPI tháng 8/2019 là do chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 2,97% do trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng tăng học phí khối trung cấp và khối cao đẳng làm CPI chung tăng 0,21%; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,40% do áp dụng Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng cho người có thẻ bảo hiểm y tế làm cho CPI chung tăng 0,17%; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 2,97% làm cho CPI chung tăng 0,06%... Bên cạnh đó cũng có yếu tố làm giảm CPI tháng 8 là giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 1,07% làm cho CPI chung giảm 0,03%; chỉ số giá thực phẩm giảm 0,32% làm cho CPI chung giảm 0,07%....
* Chỉ số giá vàng 99,99% và Đô la Mỹ: 
- Chỉ số giá vàng tháng 8/2019 tăng 4,41% so với tháng trước, tăng 16,00% so với cùng tháng năm 2018, tăng 15,44% so với tháng 12 năm trước. Giá vàng bình quân tháng 8/2019 dao động ở mức 4,097 triệu đồng/chỉ, tăng 173.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2019 giảm 0,16% so với tháng trước, giảm 0,18% so với cùng tháng năm 2018, giảm 0,36% so với tháng 12 năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 8/2019 dao động ở mức 23.272 đồng/USD, giảm 37 đồng/USD.
9. Hoạt động tài chính, ngân hàng 
9.1. Tài chính
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 8 năm 2019 ước đạt 6.345 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 1.745 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.500 tỷ đồng. Ước 8 tháng/2019 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 57.099,5 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu  nội địa đạt 16.207,7 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 39.703,2 tỷ đồng, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 8 tháng/2019, trong số thu nội địa: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 1.776,3 tỷ đồng, giảm 6,4% so cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.176,2 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 2.997,6 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ năm trước... 
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 8 năm 2019 ước đạt 1.878,3 tỷ đồng; ước 8 tháng/2019 đạt 12.112,2 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển trong chi cân đối ngân sách địa phương đạt 4.962,3 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, chi thường xuyên đạt 6.441 tỷ đồng, tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước.
9.2. Ngân hàng
* Công tác huy động vốn:
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến hết tháng 8 năm 2019 đạt 200.111 tỷ đồng, tăng 12,24% so với cùng kỳ năm trước, tăng 8,59% so với cuối năm 2018.
Theo loại tiền: huy động bằng VND ước đạt 189.091 tỷ đồng, tăng 12,01% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 94,49%; ngoại tệ ước đạt 11.020 tỷ đồng, tăng 16,25% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 5,51%. 
Theo hình thức huy động: huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 138.902 tỷ đồng, tăng 10,48% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 69,41%; tiền gửi thanh toán ước đạt 57.537 tỷ đồng, tăng 19,18% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 28,75%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 3.672 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,84%.
* Công tác tín dụng:
Tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước thực hiện đến hết tháng 8 năm 2019 đạt 122.468 tỷ đồng, tăng 13,07% so với cùng kỳ năm trước, tăng 8,83% so với năm 2018.
Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND đạt 114.985 tỷ đồng, tăng 14,12% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 93,89%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 7.483 tỷ đồng, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 6,11%.
Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 52.539 tỷ đồng, tăng 8,96% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 42,9%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 69.929 tỷ đồng, tăng 16,36% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 57,1%. 
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Lao động - thương binh, xã hội

* Công tác lao động, việc làm
Tháng 8 năm 2019, thành phố đã tổ chức 05 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia tuyển dụng của 170 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 8.253 lượt lao động; ước cấp mới 60 giấy phép lao động, cấp lại 50 giấy phép lao động, miễn cấp 20 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. 
Tính chung 8 tháng đầu năm 2019, sàn giao dịch việc làm thành phố tổ chức được 28 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 874 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 41.861 lượt lao động. Cung lao động tại Sàn đạt 59.035 lượt người, gấp trên 1,41 lần nhu cầu tuyển dụng. Số lượng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2019 là 10.816 người, thành phố đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 10.591 người (tăng 3,45% so với cùng kỳ), với kinh phí 195,59 tỷ đồng (tăng 32,95% so với cùng kỳ); hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể được 96 doanh nghiệp (bằng 104% so với cùng kỳ); hướng dẫn, thẩm định và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 81 doanh nghiệp, (bằng 103% so với cùng kỳ). 
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 06 cuộc đình công với 3.674 người tham gia (tăng 01 cuộc và giảm 203 lao động so với cùng kỳ); xảy ra 09 vụ tai nạn lao động làm chết 09 người (tương đương so với cùng kỳ).
* Công tác dạy nghề 
Tháng 8 năm 2019, thành phố tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp và thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019, ước thực hiện đến ngày 30/8 thẩm định và trình ký hợp đồng với 12/12 đơn vị thụ hưởng kinh phí năm 2019; thành lập Đoàn công tác tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc tại Huế; khai giảng lớp bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghề cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thành phố Hải Phòng năm 2019; tổ chức thẩm định Hồ sơ Dự án nghề trọng điểm.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giáo dục nghề nghiệp, các dự án, chương trình giáo dục nghề năm 2019, đã thực hiện kiểm tra công tác tại 11 cơ sở trên địa bàn. Công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp trên toàn thành phố ước đạt 31.600 lượt học sinh, sinh viên, (đạt 61,6% kế hoạch năm và bằng 107,85% so với cùng kỳ năm 2018); trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp đạt khoảng 3.600 học sinh, sinh viên; chiếm 11,39% tổng số tuyển sinh 8 tháng đầu năm 2019.
* Công tác người có công
Tháng 8 năm 2019, thành phố giải quyết chế độ chính sách đối với 185 trường hợp; tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý cho 57 trường hợp; xác nhận đề nghị công nhận Liệt sĩ theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BQP-BLĐTBXH đối với 40 hồ sơ. Xây dựng kế hoạch tổ chức thăm, tặng quà gia đình người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Cách mạng Tháng Tám 19-8 và Quốc khánh 2-9. 
Trong 8 tháng đầu năm 2019, thành phố đã tiếp nhận và tiến hành giải quyết theo đúng chế độ cho các đối tượng chính sách trên địa bàn như sau: Quyết định trợ cấp mai táng phí và trợ cấp 1 lần cho 1.828 trường hợp; trợ cấp thờ cúng liệt sĩ: 437 người; xác nhận miễn giảm tiền sử dụng đất theo Quyết định 118/QĐ-TTg 36 trường hợp; quyết định về việc thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công và con của họ 07 đối tượng; tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 698 trường hợp; công nhận, đề nghị công nhận 348 người có công.
* Công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội
Tháng 8/2019, tiếp nhận 07 đối tượng vào các Trung tâm bảo trợ xã hội, tập trung được 62 lượt người lang thang trên địa bàn thành phố. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Đề án hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025; thực hiện kiểm tra công tác thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, giảm nghèo tại các đơn vị bảo trợ xã hội và một số quận, huyện.
Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã tiếp nhận 31 đối tượng đưa vào điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, tập trung được 451 lượt người người lang thang trên địa bàn (giảm 90 lượt người, tương ứng giảm 16,6% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng và các chế độ hỗ trợ kinh phí đối với 74.825 người (tăng 3,7% so với cùng kỳ) đảm bảo kịp thời, đầy đủ và đúng chế độ chính sách. 
* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Trong 8 tháng đầu năm 2019, thành phố đã tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện cho 2.419 lượt người (bằng 103,99% so với cùng kỳ, bằng 89,59% so với kế hoạch năm 2019), cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 240 người (bằng 95,23% so với cùng kỳ, bằng 77,42% so với kế hoạch năm 2019). Phối hợp với công an các quận, huyện xét nghiệm tìm chất ma túy 35 đợt cho 160 đối tượng nghi sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời tăng cường chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả đã tiến hành kiểm tra 248 buổi tại 949 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke...
2. Giáo dục - Đào tạo
Tháng 8/2019, các trường học trên địa bàn thành phố tổ chức cho học sinh tựu trường vào ngày 12/8/2019, triển khai thực hiện kế hoạch học kỳ I năm học 2019 - 2020; lựa chọn và cử giáo viên tham gia khoá bồi dưỡng cốt cán của Đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2020; phối hợp với các đơn vị chuẩn bị tổ chức Lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu năm 2019 tại khu di tích Trạng Trình - Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo; 
Trong 8 tháng đầu năm, thành phố tích cực triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; đến nay đã tiến hành đào tạo bồi dưỡng 09 chuyên đề về ứng dụng công nghệ thông tin cho hơn 1000 cán bộ, giáo viên các bậc học, ngành học trong toàn thành phố tại Trung tâm tin học - Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng.
3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 
* Công tác y tế dự phòng
Tháng 8/2019, thành phố tập trung chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, đặc biệt là quận Ngô Quyền, ban hành Chỉ thị phòng chống dịch sốt xuất huyết trên toàn thành phố. Bên cạnh đó, tích cực giám sát tại các cơ sở y tế, thực hiện giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại 08 phường của quận Ngô Quyền và tại một số xã, phường trọng điểm đang có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao hoặc có nguy cơ bùng phát dịch.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo, tổ chức tập huấn, khám sàng lọc, xử trí phản ứng sau tiêm phòng vắc xin ComBE Five nhằm đảm bảo an toàn trong tiêm chủng hàng tháng; kết quả triển khai vắc xin ComBE Five: tiêm được 4.880 trẻ, có 705 trường hợp có phản ứng sau tiêm (chiếm tỷ lệ 14,44%), 08 trẻ có phản ứng sốt cao >39 độ (chiếm 0,11%), 283 trẻ sưng đau tại chỗ (chiếm 40,10%), các trường hợp này đều đã được theo dõi và xử lý ổn định. 
* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong tháng 8/2019, thành phố đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2019; phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát nguồn nước và đảm bảo an toàn thực phẩm trong khẩu phần ăn cho công nhân tại Công ty TNHH Regina Miracle, khu công nghiệp Vsip tại Thủy Nguyên.
Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền trên địa bàn; theo đó, có 61 cơ sở được kiểm tra và kết quả có 01 cơ sở bị xử phạt với số tiền 30 triệu đồng. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm nhằm nâng cao hiệu quả công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. 
* Công tác phòng chống HIV/AIDS
Tính đến tháng 8/2019, lũy tích người nhiễm HIV là 12.424 người, số người chuyển sang AIDS là 6.298 người, số người chết do AIDS là 4.566 người, và số người nhiễm HIV hiện còn sống là 7.858 người. So với cùng kỳ năm 2018, số người nhiễm HIV giảm 21 trường hợp và số người chuyển sang AIDS giảm 06 trường hợp. 
Cũng tính đến tháng 8/2019, trên địa bàn toàn thành phố có 18 cơ sở điều trị Methadone, tổng số bệnh nhân đang điều trị là 3.875 người, số bệnh nhân đạt liều duy trì là 3.697 người, trong đó có 178 trường hợp đang dò liều. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống HIV/AIDS, hướng tới thực hiện Kế hoạch 90-90-90 và chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo đúng cam kết đã đề ra.
4. Văn hóa - Thể thao
* Công tác văn hóa
Trong 8 tháng đầu năm 2019, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức thành công các chương trình biểu diễn nghệ thuật cuối tuần tại Nhà Kèn - Vườn hoa Nguyễn Du; xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Tiếp tục thẩm định, hướng dẫn các đơn vị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ tu bổ tôn tạo di tích theo Nghị quyết 22/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố, xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt quần đảo Cát Bà.
* Công tác thể thao
Tổ chức tốt giải bơi thiếu niên, nhi đồng và bơi cứu đuối phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em thành phố Hải Phòng; giải bóng đá vô địch các câu lạc bộ thành phố Cúp Báo An ninh Hải Phòng lần thứ 18 năm 2019.
Tính đến ngày 15/8, Đoàn vận động viên Hải Phòng đã tham dự 81 giải thể thao quốc gia, quốc tế và khu vực, đạt 342 huy chương các loại.
5. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Từ ngày 15/7/2019 đến ngày 14/8/2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 07 người chết và 10 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giao thông tháng tăng 02 vụ, số người chết không đổi và số người bị thương tăng 02 người. Các vụ tai nạn xảy ra vừa qua chủ yếu do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện cơ giới và kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt, chưa chấp hành đúng luật an toàn giao thông theo quy định. 
Cộng dồn từ đầu năm 2019 đến thời điểm báo cáo, toàn thành phố đã xảy ra 65 vụ tai nạn giao thông, trong đó đường bộ 64 vụ, đường thủy 01 vụ. Các vụ tai nạn giao thông làm 49 người chết và 29 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 02 vụ (giảm 2,99%), số người chết giảm 06 người (giảm 10,91%) và số người bị thương không thay đổi. 
6. Công tác phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/7/2019 đến ngày 14/8/2019, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 05 vụ cháy. Các vụ cháy không gây thiệt hại về người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính là 178,5 triệu đồng. 
Tính chung 8 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 58 vụ cháy, bằng 70,73% so với cùng kỳ năm 2018, làm 01 người chết, 05 người bị thương và giá trị thiệt hại về tài sản ước tính là 121.131,5 triệu đồng. 
Trong thời gian tới, thành phố chủ động đẩy mạnh công tác phòng chống cháy nổ tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân để nâng cao kiến thức, nhận thức, kỹ năng và trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy./.

Tác giả: Cục Thống kê Hải Phòng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây