Sự cần thiết triển khai Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Thứ hai - 25/03/2024 07:37
Con người vừa mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì vậy phát triển con người luôn được chú trọng và đề cập trong các nghị quyết của Đảng và các chính sách của Nhà nước.
Việc cung cấp các thông tin đầy đủ, kịp thời và đáng tin cậy về quy mô dân số, tình trạng nhà ở và một số các đặc trưng cơ bản khác ở phạm vi quốc gia và ở các cấp hành chính nhỏ hơn có giá trị đặc biệt quan trọng phục vụ cho việc quản lý, quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các chính sách quan trọng như sáp nhập, chia tách tỉnh, huyện, xã; phân bổ ngân sách; quy hoạch, nhà ở... đều cần thông tin về dân số và nhà ở và một số đặc trưng cơ bản.

Mặc dù hiện nay, Việt Nam đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Cơ sở dữ liệu này hiện đang giao cho Bộ Công an quản lý). Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần triển khai điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ vì một số lý do sau:

Trước hết, Điều tra dân số nói chung và Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ nói riêng nhằm thu thập thông tin về con người trong đời sống kinh tế - xã hội thực tế của một khu vực địa lý, một quốc gia theo các tiêu chí được thừa nhận và áp dụng trên toàn thế giới. Các tiêu chí này không hoàn toàn thống nhất với quy định của cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Cụ thể, để xác định một người sẽ được tính vào dân số của một địa bàn hành chính nào đó, Điều tra dân số dựa trên khái niệm “nhân khẩu thực tế thường trú”. Nhân khẩu thực tế thường trú là những người đã cư trú ổn định trên địa bàn từ 6 tháng trở lên hoặc chưa đủ 6 tháng nhưng có ý định cư trú ổn định lâu dài tại địa bàn, không phân biệt họ có hay không có các giấy tờ đảm bảo cư trú cần thiết như: Sổ hộ khẩu, giấy đăng ký tạm trú,…

Trong khi đó, để được ghi nhận vào cơ sở dữ liệu dân cư của một địa phương nào đó trong cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, công dân cần phải thực hiện các thủ tục đăng ký hộ khẩu, đăng ký tạm trú theo đúng quy định. Nếu vì một lý do nào đó, công dân không thực hiện các thủ tục theo quy định thì họ sẽ không được tính là dân số của địa phương họ đang thực tế thường trú.

Ví dụ, nhiều người dân đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh A, nhưng sau đó, họ chuyển đến tỉnh B sinh sống và làm việc ổn định, thường xuyên. Như vậy, Điều tra dân số ghi nhận là họ là dân số của tỉnh B không phân biệt họ đã hay chưa có hộ khẩu thường trú, đã đăng ký tạm trú hay chưa đăng ký tạm trú ở tỉnh B. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia có thể vẫn ghi nhận những người này ở tỉnh A do họ chưa có giấy tờ đăng ký ở tỉnh B. Điều này dẫn đến sự khác biệt về số liệu dân số quản lý trên giấy tờ nhân thân khác với số liệu dân số trên thực tế tại một địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý và phân bổ nguồn lực thực tế tại địa phương.

Bên cạnh đó, điều tra dân số không chỉ thu thập thông tin về dân số mà còn thu thập các thông tin về nhà ở của các hộ dân cư cùng với một số chỉ tiêu thống kê quan trọng khác để đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân như: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi chưa được đăng ký khai sinh, trình độ học vấn của dân số, tỷ lệ người dân tộc biết chữ phổ thông, tỷ suất di cư thuần của dân số; tỷ suất sinh, tỷ suất chết, các đặc điểm nhà ở của hộ dân cư… Những chỉ tiêu thống kê này hiện chưa thể tính toán được từ nguồn cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Ngoài ra, các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin cá nhân, trong khi các thông tin thu thập từ Điều tra dân số là thông tin về cá nhân sống trong một hộ dân cư. Trên thực tế, đặc trưng của mỗi cá nhân bị tác động rất nhiều bởi đặc trưng của hộ, những người sống cùng trong hộ và các điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của họ. Các nghiên cứu, phân tích và chính sách phần nhiều phải dựa vào hộ dân cư, mà thông tin về hộ và các đặc điểm của hộ thì chưa có được từ cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Trên tất cả, các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang tính pháp lý, bảo mật và riêng tư. Hiện nay, cơ chế chia sẻ để khai thác nguồn dữ liệu này phục vụ công tác thống kê còn đang thiếu, vì vậy khả năng tiếp cận nguồn thông tin này phục vụ các hoạt động nghiên cứu và phân tích của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước còn gặp nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ vẫn nằm trong chương trình Đều tra Thống kê Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành (theo Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2023). Thực hiện chương trình Điều tra thống kê quốc gia, ngày 14 tháng 7 năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 629/QĐ-TCTK ban hành Phương án Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Cuộc điều tra này được thực hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm tất cả các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (ngoại trừ 4 huyện đảo nhỏ là: Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Hoàng Sa, và Trường Sa). Mục đích của cuộc điều tra là:

Một là, thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2026 - 2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Cần nhấn mạnh rằng thông tin từ Cuộc điều tra này là nguồn dữ liệu quan trọng để báo cáo mục tiêu phát triển bền vững (SDG), có tới 107 trong số 232 chỉ tiêu của mục tiêu phát triển bền vững yêu cầu dữ liệu dân số để tính toán. Gần 20 chỉ tiêu SDG có thể được tính toán trực tiếp và đầy đủ chỉ từ dữ liệu Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024.

Hai là, cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2020 - 2024; cập nhật kho dữ liệu dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê quản lý phục vụ nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở giữa hai kỳ tổng điều tra trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.

Ba là, do quy mô mẫu đủ lớn nên kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 sẽ được sử dụng để tiến hành các phân tích chuyên sâu về sự chuyển dịch nhân khẩu học ở Việt Nam, xu hướng già hóa dân số, vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh, tình trạng sử dụng nhà ở và điều kiện sống của người dân.

Một điểm mới trong Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024 là sẽ thu thập thông tin về người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Mặc dù trên thực tế, số liệu thống kê về người nước ngoài ở Việt Nam đã được nhiều bộ, ngành quản lý và báo cáo, tuy nhiên hiện nay, các số liệu này còn rời rạc và thiếu đồng bộ và chưa được sử dụng để phục vụ hiệu quả công tác quản lý. Việc thu thập thông tin về nhóm người này sẽ là cơ sở để biên soạn các chỉ tiêu thống kê giúp Việt Nam bước đầu có được nguồn số liệu đáng tin cây để đánh giá quy mô, đặc điểm kinh tế - xã hội và các đặc trưng nhân khẩu học về người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam. Từ đó có những chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển bền vững.

Ngoài ra, trong cuộc điều tra này, Tổng cục Thống kê cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu tận dụng những số liệu có thể tính toán dựa trên cơ sở dữ liệu dân cư để đối chiếu, so sánh với kết quả thu thập thông tin tại địa bàn trong cuộc điều tra nhằm hoàn chỉnh các nghiên cứu và phương pháp luận, tiến tới khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê.

Cuộc điều tra sẽ được thực hiện từ ngày 01/4/2024 đến hết ngày 30/4/2024 tại khoảng gần 40 nghìn địa bàn trong tổng số hơn 200 nghìn địa bàn trên phạm vi cả nước. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ về cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng cho một cuộc điều tra quốc gia quy mô lớn, phạm vi rộng, mức độ tin cậy cao như Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 01/4/2024./.
Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Vụ trưởng
Nguyễn Văn Hưng – Thống kê viên chính
Vụ Thống kê Dân số và Lao động - TCTK
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây