Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng năm 2020

Thứ ba - 29/12/2020 15:42
Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) theo giá so sánh ước đạt 190.768,8 tỷ đồng, tăng 11,22% so với cùng kỳ năm trước, không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 16,5%) và là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2020
Kinh tế - xã hội cả nước năm 2020 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các ngành dịch vụ và du lịch, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng dẫn đến suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia. Kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức sau thời gian chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, Việt Nam đã thực hiện công tác phòng, chống dịch rất hiệu quả, trong đó thành phố Hải Phòng được ghi nhận là một trong những địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch tốt nhất cả nước.

Năm 2020, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế và những thành tựu phát triển kinh tế đạt được trong những năm gần đây, thành phố Hải Phòng phải đối diện với thử thách mới khi phải làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh đi đôi với tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù tăng trưởng ở các ngành, lĩnh vực chậm lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, đoàn kết thống nhất cao của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội thành phố năm 2020 vẫn đạt được những kết quả nổi bật, tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. 


I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế


Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, đã tác động lớn đến sự phát triển nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020, trong đó thành phố Hải Phòng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) theo giá so sánh, năm 2020 ước đạt 190.768,8 tỷ đồng, tăng 11,22% so với cùng kỳ năm trước, không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 16,5%) và là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2020, tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, chỉ đứng sau Bắc Giang (tăng 13,02%).

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,54% của năm 2019. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; dịch cúm gia cầm H5N6; diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nhưng có nhiều tín hiệu tích cực giúp ngành phục hồi tăng trưởng: ứng dụng cơ giới hóa trong trồng trọt giúp tăng năng suất; chăn nuôi lợn đang dần được hồi phục sau dịch tả lợn Châu Phi, chăn nuôi gia cầm phát triển khá; khai thác thủy sản tiếp tục là ngành có mức tăng trưởng khá trong khu vực này, ước tính giá trị tăng thêm của ngành thủy sản tăng 7,33% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,11 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. 

Khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng 16,59% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 25,18% của năm 2019 và không đạt kế hoạch đề ra (24,12%), đóng góp 8,22 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, trong đó giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 16,22%, đóng góp 7,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung. 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng vẫn là ngành chủ lực chính trong phát triển kinh tế thành phố, với giá trị tăng thêm tăng 18,51%, đóng góp 7,25 điểm phần trăm, chủ yếu là đóng góp của các ngành sản xuất thiết bị tự động, sản xuất điện thoại và linh kiện, sản xuất xe máy điện, sản xuất ô tô, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng...; một số ngành công nghiệp truyền thống duy trì được mức tăng trưởng và có sự khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 3,95%, làm giảm 0,14 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. 

Ngành xây dựng năm 2020 tăng 19,16%, thấp hơn mức tăng 20,69% của năm 2019; đóng góp 1,18 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. 

Năm 2020 khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, giá trị tăng thêm khu vực này chỉ tăng 5,64%, thấp hơn mức tăng 10,99% của năm 2019. Trong đó một số ngành có tỷ trọng lớn cũng có mức tăng trưởng giảm so với mức tăng của năm 2019: ngành bán buôn, bán lẻ tăng 9,52%, đóng góp 0,58 điểm phần trăm vào mức tăng chung; vận tải, kho bãi tăng 7,2%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm;

Hoạt động du lịch cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Doanh thu ăn uống, lưu trú, lữ hành và các ngành dịch vụ của thành phố bị giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giá so sánh) ước chỉ đạt 3.539,9 tỷ đồng, giảm 4,92% so với cùng kỳ năm trước (năm 2019 tăng 7,42%), làm giảm 0,11 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Về cơ cấu kinh tế trên địa bàn năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 4,6%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 49,73%; khu vực dịch vụ chiếm 39,51%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,16% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 4,73%; 48,03%; 41,07%; 6,17%).

2. Sản xuất công nghiệp

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra bất ngờ đã tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp thành phố vẫn duy trì ổn định và dự kiến đạt mức tăng khá cao, tăng 14,62% so cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng thuộc tốp cao nhất trong các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn của cả nước, qua đó tiếp tục khẳng định sản xuất công nghiệp là một trong những trụ cột chính, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng chung của kinh tế thành phố.

Hầu hết các ngành công nghiệp (cấp IV) trọng điểm, ngành sản xuất công nghiệp chế tạo mới, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn được thành phố quan tâm phát triển vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao như: sản xuất thiết bị tự động; sản xuất điện thoại và linh kiện, sản xuất xe máy điện, sản xuất ô tô, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng …

Một số ngành công nghiệp truyền thống như: sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất ắc qui, đóng tàu… cũng duy trì được mức tăng so năm trước
Bên cạnh đó, năm 2020 do tác động tiêu cực dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất cùng với khó khăn về thị trường tiêu thụ, có tới 31/54 ngành công nghiệp cấp 4 có tăng trưởng âm so cùng kỳ, trong đó nhiều ngành giảm sâu như ngành khai khoáng, sản xuất lốp xe, sản xuất bê tông, sản xuất linh kiện và phụ tùng xe ô tô, sản xuất mô tơ, máy phát điện, sản xuất hàng may mặc và sản xuất giày dép...

* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 12 tháng/2020 ước giảm 5,48% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tại thời điểm 31/12/2020 tăng 3,57% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng thời điểm năm trước

* Lao động của các doanh nghiệp tại thời điểm 01/12/2020 dự kiến tăng 2,35% so với tháng trước và giảm 4,64% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,5%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 12,2%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,6%.

3. Hoạt động của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn thành phố cho thấy: Có 71,52% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 so với quý III/2020 tốt lên và giữ ổn định (35,47% DN đánh giá tốt lên và 36,05% DN đánh giá giữ ổn định), có 28,48% cho rằng khó khăn hơn. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh quý IV/2020, có 43,02% DN đánh giá khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 41,86% DN cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp; 29,07% số DN cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp và 27,33% số DN cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu làm ảnh hưởng đến khá năng phát triển sản xuất của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng.

4. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản năm 2020 gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và tiêu thụ nông sản. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên năng suất các loại cây trồng đạt khá, lúa các vụ được mùa, được giá; sản lượng các loại cây lâu năm có mức tăng trưởng khá; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; đàn lợn đang dần khôi phục. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

4.1. Nông nghiệp

Tổng diện tích cây hàng năm toàn thành phố năm 2020 đạt 78.715,4 ha, bằng 92,34% (-6.529,8 ha) so với năm 2019. Trong đó: 
Diện tích gieo cấy lúa cả năm 2020 đạt 58.572,1 ha, bằng 90,21% (-6.359,2 ha) so với năm trước (vụ Đông xuân đạt 28.987,1 ha, giảm 3.617 ha, vụ Mùa bằng 29.585 ha, giảm 2.742,2 ha). Năng suất lúa cả năm 2020 toàn thành phố đạt 64,2 tạ/ha, tăng 0,89% so với năm 2019; sản lượng lúa cả năm ước đạt 376.059,7 tấn, giảm 8,99%.

Diện tích gieo trồng cây hàng năm khác cả năm 2020 đạt 20.143,3 tấn, bằng 99,16% (-170,6 tấn) so với năm 2019. Thời tiết năm nay thuân lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, năng suất cây trồng vẫn giữ được mức tăng so với cùng kỳ năm trước; năng suất cây ngô đạt 53,05 tạ/ha, bằng 101,97%; cây thuốc lào đạt 17,68 tạ/ha, bằng 102,91%; cây khoai lang đạt 113,38 tạ/ha, bằng 101,3%, cây rau các loại đạt 235,23 tạ/ha, bằng 101,27%... Sản lượng cây ngô đạt 5.124,3 tấn, bằng 110,53%; cây thuốc lào đạt 3.264,6 tấn, bằng 95,09%; cây khoai lang đạt 7.584 tấn, bằng 89,45%; cây rau các loại đạt 305.581,2 tấn, bằng 97,85%...   

Tổng diện tích trồng cây lâu năm toàn thành phố năm 2020 ước đạt 8.186,1 ha, bằng 104,68% (+366,1 ha) so với năm trước; trong đó: nhóm cây ăn quả đạt 6.698,4 ha, chiếm 81,83% trên tổng diện tích cây lâu năm; cây lấy quả chứa dầu đạt 248,5 ha, chiếm 3%; nhóm cây gia vị, dược liệu đạt 37 ha; cây lâu năm khác đạt 1.103,3 ha, chiếm 13,5%. 

Thời điểm các loại cây ăn quả trong giai đoạn ra hoa, đậu quả thời tiết tương đối ổn dịnh và thuận lợi nên các cây trồng đều có tỷ lệ đậu quả cao, sản lượng giữ được sự ổn định và có xu hướng tăng so với năm trước. Sản lượng cây thanh long đạt 2.358,2 tấn, bằng 100,32% so với cùng kỳ năm trước; cây na đạt 4.701,5 tấn, bằng 126,07%; cây ổi đạt 535,8 tấn, bằng 201,4%; cây mít đạt 1.991,9 tấn, bằng 113,4%, cây táo đạt 2.510,8 tấn, bằng 99,77%... 
Sản xuất vụ Đông 2020-2021: Tính đến thời điểm ngày 15/12/2020, tiến độ gieo trồng cây vụ Đông trên địa bàn thành phố ước đạt 6.251,4 ha, bằng 87,68% so với vụ Đông năm 2019. Trong đó: cây ngô đạt 234 ha, bằng 68,25%; khoai lang đạt 210 ha, bằng 71,95%; ớt đạt 325,7 ha, bằng 74,08%; khoai tây đạt 380,8 ha, bằng 89,87%;... 

Ước tính tháng 12 năm 2020, tổng đàn trâu hiện có trên địa bàn đạt 4.444 con, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò đạt 9.892 con, giảm 9,51%. Chăn nuôi lợn hiện vẫn trên đà phục hồi sau bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tổng đàn lợn ước đạt 141.525 con, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia cầm toàn thành phát triển ổn định, tổng đàn gia cầm ước đạt 9.114,2 nghìn con, tăng 2,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà đạt 6.910,2 nghìn con, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.     

Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 ước đạt 22,72 nghìn tấn, bằng 68,11% so với cùng kỳ; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 692,2 tấn, bằng 94,27%; sản lượng bò hơi xuất chuồng ước đạt 1.104,0 tấn, bằng 93,18%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 67,23 nghìn tấn, tăng 8,68; sản lượng trứng gia cầm ước đạt gần 361,82 triệu quả, bằng 99,88% so với cùng kỳ năm trước.

4.2 Lâm nghiệp

Ước tính tháng 12 năm 2020, sản lượng gỗ khai thác đạt 115 m3, giảm 4.17% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 4.012 ste, giảm 1,06%. Ước tính 12 tháng/2020, sản lượng gỗ khai thác đạt 1.566 m3, giảm 3,41% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 46.670 ste, giảm 1,77%.

Diện tích rừng được trồng mới trong dự án Phục hồi và phát triển rừng ven biển tại quần đảo Cát Bà là 146,71 ha, trong đó: rừng đồi núi 55,89 ha; rừng ngập mặn 90,82 ha. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ ước đạt 13 nghìn ha. Cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 199 nghìn cây, bao gồm cây lấy gỗ, cây phong cảnh, cây bóng mát. 

Trong năm xảy ra 02 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị thiệt hại là 10,3 ha và 01 vụ chặt phá rừng trái phép ở huyện Cát Hải với diện tích bị chặt phá là 0,049 ha. 

4.3. Thủy sản

Năm 2020 tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 180.723,3 tấn, tăng 3,99% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá đạt 112.494 tấn, tăng 11,33%; tôm đạt 16.613,9 tấn, tăng 2,24%; thủy sản khác đạt 51.615,4 tấn, giảm 8,64%.

Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020, ước đạt 12.198,5 ha, giảm 1,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chủ yếu là diện tích nuôi cá đạt 8.505,5 tấn, giảm 1,11%; tôm các loại đạt 2.910,3 ha, giảm 2,76%; thủy sản khác đạt 782,8 ha, giảm 4,56%.  

Năm 2020, sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch ước đạt 71.663,1 tấn, giảm 0,98%. Chia ra: cá đạt 45.559,4 tấn, giảm 0,24%; tôm đạt 7.544,5 tấn, tăng 8,9%; thủy sản khác đạt 18.559,2 tấn, giảm 6,15%.

Sản lượng thủy sản khai thác đạt 109.060,2 tấn, tăng 7,53%. Chia ra: cá đạt 66.934,6 tấn, tăng 20,87%; tôm đạt 9.069,4 tấn, giảm 2,72%; thủy sản khác đạt 33.056,2 tấn, giảm 9,97%.

5. Đầu tư xây dựng

Năm 2020 kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19, nhưng với Hải Phòng, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng sự đoàn kết, thống nhất của các cấp, ngành, địa phương luôn ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư góp phần thay đổi diện mạo thành phố. Dự tính vốn đầu tư thực hiện năm 2020 trên địa bàn thành phố đạt 171.708,7 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn khu vực Nhà nước trên địa bàn ước đạt 18.226,8 tỷ đồng, tăng 3,34% so với cùng kỳ. Khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất (61%) trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, ước năm 2020 đạt 104.916 tỷ đồng, tăng 29,47% so với năm 2019. Vốn đầu tư khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài ước năm 2020 đạt 48.565,9 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ.

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Tính đến 15/12/2020 Hải Phòng có 759 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 19.173,9 triệu USD. Từ đầu năm đến 15/12/2020, toàn thành phố có 75 dự án cấp mới đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 1.060,8 triệu USD, tăng 70,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 26 dự án, với số vốn tăng là 376,07 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Từ đầu năm đến 15/12/2020, có 04 dự án tạm ngừng hoạt động; 19 dự án hết hạn/thu hồi/chấm dứt hoạt động.

5. Thương mại, dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ của thành phố cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid - 19, tuy nhiên, những tháng cuối năm thị trường và đời sống của nhân dân đã dần đi vào ổn định. Hoạt động thương mại và dịch vụ trong tháng cuối năm 2020 có mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu một số ngành dịch vụ tháng 12 năm 2020 ước đạt 13.405,1 tỷ đồng, tăng 1,77% so với tháng trước, tăng 12,13% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn cả năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu một số ngành dịch vụ ước đạt 144.696,6 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, bằng 92,32% kế hoạch.

Xét theo ngành hoạt động: năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 115.209,8 tỷ đồng, tăng 11,95% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 1.731,4 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 17.922,6 tỷ đồng, giảm 3,94% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 156,4 tỷ đồng, giảm 26,85% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 9.676,3 tỷ đồng, tăng 0,62% so với cùng kỳ.

Tổng lượt khách tháng 12/2020 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 542,15 nghìn lượt, giảm 11,61% so với tháng trước và giảm 19,52% so với cùng tháng năm 2019. Cộng dồn cả năm 2020, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 7.515,5 nghìn lượt, giảm 17,21% so với cùng kỳ năm 2019.

Năm 2020, vận chuyển hàng hóa ước đạt 221,1 triệu tấn, tăng 8,44% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hàng hóa ước đạt 106.578,7 triệu tấn.km, tăng 6,93% so với cùng kỳ. Vận chuyển hành khách năm 2020 ước đạt 50,3 triệu lượt, giảm 27,77% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách ước đạt 2.000,4 triệu Hk.km, giảm 28,59% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 20.384,9 triệu USD, tăng 19,52% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 ước đạt 20.366,6 triệu USD, tăng 4,86% so với cùng kỳ.

Năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố đạt 142.870,4 nghìn TTQ, tăng 10,58% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu cảng biển cả năm 2020 ước đạt 5.484,5 tỷ đồng, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm 2019. 

Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông Hải Phòng năm 2020 ước đạt 1.472,05 tỷ đồng, giảm 2,18% so với cùng kỳ năm trước. Số thuê bao điện thoại phát triển mới năm 2020 ước đạt 6.870 thuê bao, giảm 38,08% so với cùng kỳ năm trước. Số thuê bao Internet phát triển năm 2020 ước đạt 32.402 thuê bao, tăng 10,28% so với cùng kỳ năm trước.

6. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 

Giá thực phẩm giảm, giá điện sinh hoạt tháng 12/2020 giảm là một trong những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hải Phòng tháng 12 năm 2020 giảm 0,1% so với tháng trước, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước (tháng 12/2019). Bình quân năm 2020 CPI tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 4 nhóm có chỉ số giá tháng 12/2020 giảm so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất (giảm 0,64%). Có 5 nhóm có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất (tăng 2,31%). 02 nhóm còn lại là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số giá không thay đổi so với tháng trước. 

 Chỉ số giá vàng tháng 12/2020 giảm 0,44% so với tháng trước, tăng 29,54% so với cùng tháng năm 2019. Giá vàng bình quân tháng 12/2020 dao động ở mức 5,41 triệu đồng/chỉ, giảm 24.000 đồng/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2020 giảm 0,16% so với tháng trước, giữ nguyên so với cùng tháng năm 2019. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 12/2020 dao động ở mức 23.231 đồng/USD, giảm 36 đồng/USD.

7. Hoạt động tài chính, ngân hàng 

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2020 ước đạt 84.199,2 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 30.000 tỷ đồng, bằng 111,05% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 50.000 tỷ đồng, bằng 83,89% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2020, ước đạt 23.682,1 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 9.106 tỷ đồng, bằng 72,67% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 12.619 tỷ đồng, bằng 113,73% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/12/2020 đạt 237.289 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng dư nợ cho vay đến 31/12/2020 ước đạt 135.530 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Dân số và lao động


Dân số trung bình năm 2020 của thành phố Hải Phòng ước đạt 2.053,5 nghìn người, tăng 20,2 nghìn người, tương đương tăng 1% so với năm 2019. Trong đó: dân số nam 1.015,7 nghìn người, chiếm 49,46%; dân số nữ 1.037,8 nghìn người, chiếm 50,54%. Dân số thành thị 932,6 nghìn người, chiếm 45,41%; dân số nông thôn 1.120,9 nghìn người, chiếm 54,59%. 

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của thành phố Hải Phòng năm 2020 ước đạt 1.113,3 nghìn người, tăng 0,2% so với năm 2019. Tính chung cả năm 2020, số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ước đạt 1.081,8 nghìn người, giảm 0,81% so với năm 2019, bao gồm 174,2 nghìn người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 16,10% tổng số (giảm 2,24% so với năm 2019); khu vực công nghiệp và xây dựng 329,9 nghìn người, chiếm 30,50% (tăng 1,52%); khu vực dịch vụ 577,7 nghìn người, chiếm 53,40% (giảm 1,67%).

2. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

Năm 2020, thành phố đã giải quyết việc làm cho 55.400 lượt lao động (tăng 0,91% so với năm 2019). Trong đó, ước giải quyết được việc làm trong nước cho 54.650 lượt lao động (bằng 101,02% kế hoạch năm và bằng 102,05% so với cùng kỳ năm 2019); lao động đi làm việc ở nước ngoài là 750 lao động (bằng 57,69% kế hoạch năm và bằng 55,56% so với cùng kỳ năm 2019).

Tỷ lệ lực lượng lao động trên địa bàn thành phố tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020 ước đạt 40,15% (bằng 107,3% kế hoạch, bằng 110,2% so với năm 2019); tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 36,1% (bằng 100% kế hoạch, tăng 3,1% so với năm 2019).

Trong năm 2020, thành phố đã tiếp nhận và tiến hành giải quyết theo đúng chế độ đối với 3.266 đối tượng chính sách trên địa bàn, trong đó: trợ cấp một lần cho 2.520 người; trợ cấp hàng tháng: 126 người; chế độ thờ cúng liệt sĩ: 620 trường hợp; thực hiện tiếp nhận và thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 8.841 trường hợp. Xác nhận, công nhận và đề nghị công nhận người có công, quyết định cho hưởng chế độ đối với 201 trường hợp. Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với Cách mạng đối với 2.436 trường hợp.

3. Giáo dục - Đào tạo

Công tác giáo dục, đào tạo bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên ngành Giáo dục đã kịp thời đưa ra các phương án ứng phó; những chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp để vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên vừa thực hiện kế hoạch năm học. 

Thành phố đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 về Quy hoạch phát triển giáo dục phổ thông và mầm non thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từng bước thực hiện việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, ngành học, công tác nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học được tăng cường và đem lại hiệu quả cao.

Chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố trong năm 2020 được giữ vững, Hải Phòng luôn đứng trong top đầu cả nước, đặc biệt là công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, là địa phương duy nhất trong toàn quốc 24 năm có học sinh đoạt giải quốc tế và 3 năm liền có học sinh đoạt HCV Olympic quốc tế.

4. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm

Năm 2020 trên địa bàn thành phố không phát sinh trường hợp nhiễm virus gây bệnh Covid-19; các trường hợp nghi nhiễm được cách ly, giám sát y tế chặt chẽ theo đúng hướng dẫn và quy định.

Tính đến 15/12/2020 so với tháng trước trên địa bàn thành phố đã phát sinh 26 ca sốt xuất huyết (tăng 10 ca); bệnh Thủy đậu ghi nhận 22 ca (tăng 12 ca); bệnh Quai bị là 06 ca (tăng 02 ca); Bệnh Tiêu chảy ghi nhận 171 ca (tăng 37 ca); hội chứng lỵ ghi nhận 05 ca (giảm 03 ca); bệnh liên cầu lợn ở người không ghi nhận ca mắc; bệnh viêm não virus ghi nhận 12 ca (giảm 04 ca).

Công tác an toàn thực phẩm được bảo đảm, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nào trên địa bàn.

Tính đến 15/12/2020 số người nhiễm HIV là 11.373 người, số người chuyển sang AIDS là 6.315 người, số người chết do AIDS là 5.329 người.

5. Văn hóa - thể thao

Trong năm 2020, đoàn thể thao thành phố tham dự 06 giải thể thao quần chúng toàn quốc năm 2020 với kết quả đạt tổng số 56 huy chương, trong đó 20 HCV, 17 HCB, 19 HCĐ; đối với thể thao thành tích cao, tiếp tục chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng vận động viên, chú trọng duy trì và phát huy các môn thể thao Hải Phòng có thế mạnh. 

6. Tình hình trật tự an toàn giao thông

Thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép, ùn tắc giao thông kéo dài.

Từ ngày 15/11/2020 đến ngày 14/12/2020 trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 04 người và bị thương 01 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 02 vụ, số người chết giảm 01 người và số người bị thương giảm 02 người. 
Cộng dồn từ đầu năm 2020 toàn thành phố đã xảy ra 79 vụ tai nạn giao thông. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 63 người, bị thương 38 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giảm 17 vụ (tương ứng giảm 17,71%), số người chết giảm 15 người (tương ứng giảm 19,23%), và số người bị thương giảm 04 người (tương ứng giảm 9,52%). 

7. Công tác phòng chống cháy, nổ

Trong năm 2020, toàn thành phố đã xảy ra 85 vụ cháy, làm 01 người chết, 05 người bị thương và giá trị thiệt hại về tài sản ước tính là 8.948 triệu đồng và 5,4 ha rừng. 

Các vụ cháy xảy ra đã được cảnh sát phòng cháy chữa cháy cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng kịp thời và hiệu quả, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn, đảm bảo an toàn cho người dân và các cơ quan tổ chức./.

Tác giả: Cục Thống kê thành phố Hải Phòng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây