Tình hình KTXH TP Hải Phòng Quý I năm 2023

Thứ tư - 29/03/2023 19:45

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 3, QUÝ I NĂM 2023

THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

           

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Về tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý I năm 2023 ước tăng 9,65% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 9,51% của quý I năm 2022; xếp thứ ba cả nước và thứ nhất Vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,49%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,09%, đóng góp 5,71 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 10,21% đóng góp 3,56 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,59%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

2. Hoạt động tài chính, ngân hàng

2.1 Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 3/2023 ước đạt 8.258 tỷ đồng, bằng 84,16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 2.691,1 tỷ đồng, bằng 87,35% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 5.567 tỷ đồng, bằng 100,53% so với cùng kỳ năm trước. Ước 3 tháng/2023 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 23.977,9 tỷ đồng, đạt 20,59% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 90,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 8.187,7 tỷ đồng, đạt 19,27% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 86,03% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 14.504,6 tỷ đồng, đạt 20,75% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố và bằng 91,56% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 3/2023 ước đạt 2.181 tỷ đồng, bằng 113,02% so với cùng kỳ năm trước. Ước 3 tháng/2023 tổng chi ngân sách địa phương đạt 6.162,3 tỷ đồng, đạt 15,58% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 145,76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển trong chi cân đối ngân sách địa phương đạt 3.235,6 tỷ đồng, đạt 15,66% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 288,96% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 2.740,9 tỷ đồng, đạt 18,87% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 105,94% so với cùng kỳ năm trước. 

2.2 Ngân hàng

* Công tác huy động vốn

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/3/2023 đạt 299.842 tỷ đồng, tăng 10,99% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo loại tiền: Huy động bằng VND ước đạt 279.000 tỷ đồng, tăng 8,92% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 93,05%; ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 20.842 tỷ đồng, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 6,95%.

Theo hình thức huy động: Huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 182.154 tỷ đồng, tăng 16,35% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 60,75%; tiền gửi thanh toán ước đạt 112.930 tỷ đồng, tăng 4,91% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 37,66%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 4.758 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,59%.

* Công tác tín dụng

Tổng dư nợ cho vay đến 31/3/2023 ước đạt 183.525 tỷ đồng, tăng 14,39% so với cùng kỳ năm trước. 

Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND ước đạt 177.522 tỷ đồng, tăng 16,75% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 96,73%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 6.003 tỷ đồng, giảm 28,41% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 3,27%.

Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 94.673 tỷ đồng, tăng 14,91% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 51,59%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 88.852 tỷ đồng, tăng 13,83% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 48,41%. 

3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Ba tháng đầu năm 2023, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, dưới sự chỉ đạo của thành phố, các ngành, các cấp vẫn triển khai thực hiện các giải pháp để ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường hàng hóa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của người dân thành phố. 

Giá xăng dầu giảm theo giá nhiên liệu thế giới; giá thực phẩm giảm là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,01% so với tháng trước; tăng 1,69% so với tháng 12/2022 và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung quý I/2023, CPI tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 2,21% của quý I/2022.

So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 3/2023 giảm 0,01% (khu vực thành thị tăng 0,17%; khu vực nông thôn giảm 0,25%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 05 nhóm có chỉ số giá giảm, 05 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3/2023 tăng 3,13%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá.

So với tháng 12/2022, CPI tháng 3/2023 tăng 1,69%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm hàng tăng giá và 02 nhóm giảm giá.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm 2023 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước.

* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ:

- Giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tháng 3/2023 giảm 0,89% so với tháng trước, tăng 1,5% so với tháng 12/2022 và giảm 2,64% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân tháng 3/2023 dao động ở mức 5,47 triệu đồng/chỉ.

- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2023 tăng 0,42% so với tháng trước, giảm 1,5% so với tháng 12/2022 và tăng 3,8% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 3/2023 dao động ở mức 23.878 đồng/USD, tăng 0,97 đồng/USD. Bình quân 3 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,75%.

4. Đầu tư 

 Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2023 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ngay trong quý 1/2023, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh triển khai xây dựng nhiều dự án, công trình trọng điểm phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước. 

Tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý quý I/2023 đạt 2.080,2 tỷ đồng, bằng 130,92% (tăng 411,3 tỷ đồng) so với quý I/2022. Chia ra: vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 1.667,4 tỷ đồng, bằng 134,29%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyệt ước đạt 321,9 tỷ đồng, bằng 118,74%; vốn đầu tư ngân sách cấp xã ước đạt 90,9 tỷ đồng, bằng 119,33% so quý I/2022. Mặc dù tốc độ thực hiện các công trình, dự án lớn trong 3 tháng đầu năm 2023 chậm hơn so với các tháng trong năm do yếu tố mùa vụ vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhưng với tốc độ tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2022 là tín hiệu khả quan trong kế hoạch thực hiện vốn đầu tư công của thành phố trong năm 2023. 

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Tính đến 15/3/2023 Hải Phòng có 860 dự án còn hiệu lực:

Tổng vốn đầu tư  :   24.874,84  triệu USD

Vốn điều lệ          :     8.021,58  triệu USD  

Việt Nam góp      :        108,45  triệu USD  

Nước ngoài góp   :     7.913,13  triệu USD

Từ đầu năm đến 15/3/2023, toàn thành phố có 17 dự án cấp mới đến từ 05 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 114,87 triệu USD. Trong đó: cấp mới trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế (KCN, KKT) đạt 53,43 triệu USD (chiếm 46,51%); cấp mới ngoài KCN, KKT đạt 61,44 triệu USD (chiếm 53,49%).

Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 9 dự án, với số vốn tăng là 262,78 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 26 dự án, vốn đầu tư đạt 377,65 triệu USD.

Từ nửa cuối tháng 2 đến 15/3/2023 có 11 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 42,74 triệu USD. Các dự án chủ yếu có vốn đầu tư nhỏ.

Cũng từ đầu năm đến 15/3/2023, có 06 chấm dứt hoạt động dự án. Trong đó có 02 dự án trong KCN và 04 dự án ngoài KCN.

5. Hoạt động của doanh nghiệp

Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng tích cực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch năm 2023. Thành phố Hải Phòng cũng cam kết tiếp tục đồng hành, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

5.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Dự kiến trong tháng 3 năm 2023, toàn thành phố có 350 doanh nghiệp (DN) thành lập mới (tăng 7,03% so với cùng kỳ năm 2022), với tổng số vốn đăng ký ước đạt 2.120,8 tỷ đồng (giảm 10,25%), vốn đăng ký bình quân một DN ước đạt 6,06 tỷ đồng. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới trong tháng là 225 cơ sở. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 205 đơn vị.

Tính chung quý I năm 2023, toàn thành phố có 844 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký ước đạt 4.695,3 tỷ đồng, tăng 16,41% về số DN và giảm 37,99% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 5,56 tỷ đồng. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 471 cơ sở. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 1.146 đơn vị.

5.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 184 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Có 60% số DN đánh giá tổng thể chung về tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2023 so với quý IV/2022 là tình hình tốt lên và giữ ổn định (15% DN đánh giá tốt lên và 45% DN đánh giá giữ ổn định), có 40% số DN cho rằng khó khăn hơn. 

Tình hình sản xuất kinh doanh Q2/2023 so với Q1/2023 được 81,66% số doanh nghiệp đánh giá giữ sản xuất ổn định và tốt hơn (43,33% DN đánh giá tốt lên, 38,33% DN đánh giá giữ ổn định); có 18,33% số doanh nghiệp cho rằng khó khăn hơn.

Chỉ số cân bằng về tình hình sản xuất kinh doanh Q1/2023 so với Q4/2022 là (-25%) điều này cho thấy tình hình trong Quý I/2023 còn nhiều khó khăn thách thức. Chỉ số cân bằng quý II/2023 so với quý I/2023 là 25% cho thấy xu hướng đến quý II sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Trong quý I năm 2023, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, cây trồng sinh trưởng phát triển thuận lợi. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và quản lý vật tư nông nghiệp được chủ động triển khai thực hiện trên toàn thành phố. 

6.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt

- Sản xuất vụ Đông

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông trên địa bàn thành phố ước đạt 6.545,9 ha, bằng 96,89% so với vụ Đông năm trước. Tình hình sâu bệnh gây hại trên các cây trồng giảm, năng suất nhóm cây lương thực, cây lấy củ, cây ưa lạnh giữ được sự ổn định và tăng so với cùng kỳ năm trước. 

Năng suất cây ngô ước đạt 54,94 tạ/ha, bằng 100,97%; cây khoai lang ước đạt 123,37 tạ/ha, bằng 101,31%; khoai tây ước đạt 205,24 tạ/ha, bằng 101,8%; nhóm cây rau các loại ước đạt 242,05 tạ/ha, bằng 101,39% so với cùng kỳ năm trước.     

- Sản xuất vụ Xuân

Tính đến ngày 15/3/2023, trên địa bàn thành phố đã cơ bản gieo cấy xong diện tích lúa, các loại cây trồng khác trong vụ Xuân tiếp tục được mở rộng diện tích sản xuất.

Ước tính diện tích cây vụ Xuân đã gieo trồng đạt 33.716,7 ha, bằng 93,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích cây lúa ước đạt 27.680,0 ha, bằng 98,71%; các loại cây cây hàng năm khác ước đạt 6.036,7 ha, bằng 75,21% (rau các loại ước đạt 2.950,4 ha, bằng 72,04%; cây khoai lang ước đạt 167 ha, bằng 59,26%; cây thuốc lào ước đạt 1.757,0 ha, bằng 92,66%...).

* Chăn nuôi

Ước tính tháng 3 năm 2023, số lượng đầu con gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: Tổng đàn trâu ước đạt 4,27 nghìn con, giảm 1,02% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 7,42 nghìn con, giảm 4,69%. 

Chăn nuôi lợn hiện gặp nhiều khó khăn trong công tác tái đàn do giá xuất bán sản phẩm lợn không ổn định và chi phí thức ăn chăn nuôi tăng. Tổng đàn lợn toàn thành ước đạt 134,48 nghìn con, giảm 8,89% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng đàn gia cầm ước đạt 7.822,53 nghìn con, giảm 2,87%, trong đó đàn gà ước đạt 6.224,9 nghìn con, tăng 1,80% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn chủ yếu giảm ở đàn vịt do những tháng trước giá vịt giảm sâu, giá bán sản phẩm không bù được chi phí sản xuất nên nhiều hộ chăn nuôi tạm ngừng hoặc giảm quy mô nuôi.

* Tình hình chăn nuôi quý I năm 2023:

Chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn thành phố hiện có xu hướng giảm dần do hình thức chăn nuôi chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình, bên cạnh đó diện tích đồng cỏ chăn nuôi tự nhiên ngày càng bị thu hẹp do chuyển sang trồng các loại cây lâu năm, cây công nghiệp và xây dựng các khu công nghiệp… làm giảm nguồn thức ăn của đàn trâu bò. Chăn nuôi lợn gặp khó khăn khi giá lợn hơi và giá thức ăn biến động ngược chiều, dẫn tới nguy cơ giảm đàn.

Chăn nuôi gia cầm hiện không xuất hiện những ổ dịch bệnh lớn, những điểm dịch nhỏ lẻ được phòng trừ và theo dõi triệt để, không gây ảnh hưởng đến sản xuất chung của ngành. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I/2023 ước đạt 161,1 tấn, bằng 98,17%; thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 223,0 tấn, bằng 95,83%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 8.300,1 tấn, bằng 101,15%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 16,94 nghìn tấn, bằng 100,32% so với cùng kỳ năm trước.

6.2. Lâm nghiệp

Tháng 3 năm 2023, sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn thành phố ước đạt 131,8 m3, tăng 9,20%; sản lượng củi khai thác ước đạt 2.538,1 ste, tăng 14,44% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính quý I/2023, sản lượng gỗ khai thác đạt 385 m3, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 9.615 ste, tăng 0,01%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 30,8 nghìn cây, giảm 5,52%. Thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

6.3. Thủy sản

 Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 3 năm 2023 ước đạt 16.622,0 tấn, tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 48.657,1 tấn, giảm 1,37% so với cùng kỳ năm trước.

* Nuôi trồng 

Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 3 năm 2023 ước đạt 6.819,7 ha, tăng 0,78% so cùng kỳ năm trước. Trong quý I năm 2023, diện tích nuôi thủy sản ước đạt 8.392,0 ha, tăng 0,91%. 

Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 3 năm 2023 ước đạt 6.146, 6.459,4 tấn, tăng 3,75% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 21.081,6 tấn, tăng 2,90%, chia ra: cá các loại đạt 13.422,9 tấn, tăng 3,34%; tôm các loại đạt 1.692,1 tấn, tăng 3,56%; thủy sản khác đạt 5.966,6 tấn, tăng 1,76%. 

* Khai thác 

Sản lượng khai thác thủy sản tháng 3 năm 2023 ước đạt 10.162,6 tấn, giảm 1,78% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính quý I năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác của toàn thành phố ước đạt 27.575,5 tấn, giảm 4,41% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 16.435,4 tấn, giảm 4,25%; tôm các loại đạt 2.344,4 tấn, tăng 16,19%; thủy sản khác đạt 8.795,7 tấn, giảm 9%.

7. Sản xuất công nghiệp

Những tháng đầu năm 2023, ngành công nghiệp thành phố phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ thị trường trong nước và quốc tế như sụt giảm đơn hàng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, lượng tồn kho tăng cao ...Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Dự kiến chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp quý 1/2023 đạt mức tăng khá, tăng 13,12% so cùng kỳ, đây là kết quả tích cực tạo đà cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong những tháng tiếp theo của năm 2023.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2023 ước tính tăng 15,41% so với tháng Hai và tăng 15,97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 17,24% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 17,54% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải nước thải tăng 20,77%; duy nhất ngành sản xuất và phân phối điện vẫn giảm so với cùng kỳ là 13,2%.

Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố 3 tháng/2023 dự kiến tăng 13,12%  so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,84%, đóng góp 14,4 điểm phần trăm, ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,42%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung, ngành khai khoáng tăng 15,85%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng chung, riêng ngành sản xuất, phân phối điện giảm 18,54%, tác động làm giảm 1,33 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong 3 tháng năm nay, nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 95,26%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 64,68%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 50,82%; sản xuất săm, lốp cao su, đắp và tái chế lốp cao su tăng 51,54%; gia công cơ khí tăng 41,27%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 37,21%;...

Một số ngành có mức tăng khá: sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tăng 24,35%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,42%; sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 19,27%; khai thác đá, cát, sỏi tăng 15,85%; dịch vụ liên quan đến in tăng 14,55%;...

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất hóa chất cơ bản giảm 38,54%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 23,48%; sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 63,81%; lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp giảm 52,63%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 24,96%; sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp giảm 26,85%;...

 Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 3 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: cấu kiện cầu bằng sắt thép sản xuất đạt 10,1 nghìn tấn tăng 123,6% so với cùng kỳ; giấy và bìa khác sản xuất đạt 2,9 nghìn tấn tăng 103,7% so với cùng kỳ; bút chì đen, bút chì màu và các loại bút chì khác sản xuất đạt 100,7 triệu cái tăng 88,47%; bê tông tươi sản xuất đạt 285,6 nghìn m3 tăng 95,89%; modul camera sản xuất đạt 56,1 triệu cái tăng 83,3% so với cùng kỳ; các thiết bị ngoại vi của máy vi tính sản xuất đạt 3,7 triệu cái tăng 81,44% so với cùng kỳ;…

Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ: sổ sách, vở thếp sản xuất đạt 6,45 nghìn tấn giảm 49,82% so với cùng kỳ; các loại nến cây sản xuất đạt 13,7 triệu cây giảm 46,57% so với cùng kỳ; giày dép các loại sản xuất đạt 33,2 triệu đôi giảm 24,68%; thuốc lá có đầu lọc sản xuất đạt 22,3 triệu bao giảm 23,48% so với cùng kỳ; máy cắt cỏ sản xuất đạt 559 nghìn cái giảm 26,85%; điện sản xuất đạt 1328,5 triệu Kwh giảm 22,52% so với cùng kỳ;...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 năm 2023 ước tăng 31,42% so với tháng trước và tăng 14,99% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn 3 tháng đầu năm 2023 chỉ số tiêu thụ tăng 11,08% so với cùng kỳ

 Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất thiết bị truyền thông tăng 72,39%; sản xuất hàng may sẵn tăng 28,11%; chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 62,74%; sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 47,86%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 8,96%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 26,24%;...

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 65,10%; sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 48,86%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 21,79%; sản xuất xe có động cơ giảm 37,95%;...

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2023 ước giảm 0,32% so với tháng trước và tăng 44,74% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 224,41%; sản xuất xe có động cơ tăng 195,35%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 157,1%; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng tăng 29,69%; sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác tăng 56,48%; sản xuất cấu kiện kim loại tăng 87,07%;...

Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: sản xuất bia và mạch nha giảm 29,86%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 61,22%; sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 93,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 68,16%; sản xuất sắt thép gang giảm 23,23%;...

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2023 dự kiến tăng 0,48% so với tháng trước và giảm 3,83% so với cùng kỳ, trong đó: lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 1,33%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 3,12%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,21%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong ngành khai khoáng giảm 19,12% so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,88%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,88%.

Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ gồm: sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 84,75%...; ngoài ra một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng nhẹ như: xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác tăng 10,34%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 4,94%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 1,09%;...

8. Thương mại, dịch vụ

Quý I năm 2023, nhu cầu của người dân tăng cao trở lại tại các ngành hàng khi nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường đưa ra các phương thức kích cầu mua sắm trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán nên doanh thu bán lẻ trên địa bàn thành phố luôn đạt mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm, các hoạt động dịch vụ, vận tải đã đi vào ổn định và thường xuyên duy trì mức tăng trưởng khá cả về doanh thu và sản lượng.

8.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2023 ước đạt 15.845,6 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước, tăng 13,68% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính quý I/2023 ước đạt 47.346,1 tỷ đồng, tăng 13,77% so với cùng kỳ năm trước, bằng 24,17% so với kế hoạch (kế hoạch năm 2023 đạt 195.855 tỷ đồng). 

- Hoạt động bán lẻ:

Hoạt động bán lẻ tháng 03/2023 có xu hướng sôi động hơn so với tháng trước, hoạt động bán lẻ tiếp tục đi vào quỹ đạo hoạt động bình thường trở lại, nguồn cung cầu về hàng hóa và giá cả ổn định.

Doanh thu tháng 03 ước đạt 13.235,7 tỷ đồng, tăng 1,46% so với tháng trước, tăng 14,42% so với cùng kỳ. Trong đó hầu hết các nhóm ngành đều tăng so với tháng trước, cụ thể: doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 1,12%; hàng may mặc tăng 4,41%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 2,25%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 1,05%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 1,00%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 1,93%; xăng dầu các loại tăng 0,03%; nhiên liệu khác tăng 1,69%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 1,41%; hàng hóa khác tăng 1,18%.

Doanh thu hoạt động bán lẻ quý I/2023 ước tăng 13,95% so với cùng kỳ, tăng ở hầu hết các ngành hàng. Trong đó, doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 13,77%; hàng may mặc tăng 14,65%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,46%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 14,82%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 14,17%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 14,01%; phương tiện đi lại khác tăng 14,54%; xăng dầu các loại tăng 14,81%; nhiên liệu khác tăng 13,21%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 11,56%; hàng hóa khác tăng 14,11%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 14,63%.

- Hoạt động dịch vụ: 

Tính đến thời điểm hiện tại các hoạt động lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác trên địa bàn thành phố diễn ra khá sôi động và nhộn nhịp. Doanh thu hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí của thành phố trong tháng 3 năm 2023 tăng cao hơn so với tháng trước, cụ thể như sau:

- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 3 năm 2023 ước đạt 152,5 tỷ đồng, tăng 6,75% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, doanh thu lưu trú ước đạt 425,4 tỷ đồng, tăng 10,55% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 3 năm 2023 ước đạt 1.602,1 tỷ đồng, tăng 9,04% so với tháng trước và tăng 12,70% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, doanh thu ăn uống đạt 4.743,6 tỷ đồng, tăng 14,72% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 3 năm 2023 ước đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 13,59% so với tháng trước và tăng 40,82% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 3 tháng đầu năm, doanh thu du lịch lữ hành đạt 26,3 tỷ đồng, tăng 3,22 lần so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu các ngành dịch vụ khác tháng 3 năm 2023 ước đạt 845,1 tỷ đồng, tăng 0,87% so với tháng trước và tăng 5,89% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.517,4 tỷ đồng, tăng 9,04% so với cùng kỳ năm trước. 

8.2. Hoạt động lưu trú và lữ hành

Hoạt động du lịch Hải Phòng đang khởi sắc nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo ra nhiều sản phẩm, hình ảnh hấp dẫn, thu hút du khách, kích thích tăng trưởng, hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch. Thành phố Hải Phòng đã thường xuyên cập nhật thông tin trên các website: dulichhaiphong.gov.vn; sodulich.haiphong.gov.vn và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube để quảng bá, thu hút được sự quan tâm theo dõi của đông đảo khách du lịch và người dân…

Tổng lượt khách tháng 3/2023 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 473,5 nghìn lượt, tăng 1,25% so với tháng trước và tăng 1,68% so với cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế ước đạt 77,7 nghìn lượt, tăng 0,82% so với tháng trước và tăng 4,22 lần so với cùng kỳ. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 1.387,1 nghìn lượt, tăng 17,86% với cùng kỳ, trong đó: khách quốc tế ước đạt hơn 226,7 nghìn lượt, tăng 6,2 lần so với cùng kỳ.

Đối với hoạt động lữ hành, lượt khách lữ hành tháng 3/2023 ước đạt 2,72 nghìn lượt, tăng 8,96% so với cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng lượt khách du lịch theo tour ước đạt 7,27 nghìn lượt, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.

8.3 Giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông

Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát dự kiến tháng 3 năm 2023 đạt 9.787,5 tỷ đồng, tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 22,32% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý I năm 2023 đạt 29.325,8 tỷ đồng, tăng 15,78% so với cùng quý năm trước.

8.3.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 3 năm 2023 ước đạt 23,7 triệu tấn, tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 11,61% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý I năm 2023 đạt 71,2 triệu tấn, tăng 5,36% so với cùng quý năm trước. 

Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 3 năm 2023 ước đạt 9.734,6 triệu tấn.km, tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 10,26% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý I năm 2023 đạt 29.468,2 triệu tấn, tăng 5,56% so với cùng quý năm trước. 

Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển tháng 3 và quý I tăng do nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa… tăng nên các doanh nghiệp vận tải nhận được nhiều đơn hàng.

8.3.2. Vận tải hành khách

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 3 năm 2023 ước đạt 5,5 triệu lượt, tăng 0,56% so với tháng trước, tăng 156,76% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý I năm 2023 đạt 16,3 triệu lượt, tăng 178,18% so với cùng quý năm trước. 

Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 3 năm 2023 đạt 247,2 triệu Hk.km, tăng 0,68% so với tháng trước và tăng 177,06% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý I năm 2023 đạt 722,9 triệu Hk.km, tăng 196,73% so với cùng quý năm trước. 

Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển tháng 3 và quý I tăng do sau một thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, vận tải hành khách từng bước được phục hồi, nhu cầu khách đi lại tăng so với tháng trước và quý cùng kỳ.

8.3.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải

Doanh thu dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3 năm 2023 ước đạt 4.825,7 tỷ đồng, tăng 0,01% so với tháng trước và tăng 25,32% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý I năm 2023 doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 14.466,2 tỷ đồng, tăng 19,23% so với cùng quý năm trước.

8.3.4. Vận tải đường sắt

Tổng doanh thu tháng 3 năm 2023 của Ga Hải Phòng ước đạt 4,3 tỷ đồng, tăng 9,05% so với cùng kỳ. Cộng dồn 3 tháng năm 2023, tổng doanh thu của Ga Hải Phòng ước đạt 9,7 tỷ đồng, giảm 7,74% so với cùng kỳ năm trước.

8.3.5. Vận tải hàng không

Tháng 3 năm 2023, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 25,2 tỷ đồng, giảm 3,54% so với tháng trước, tăng 53,08% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 77,3 tỷ đồng, tăng 77,4% so với cùng kỳ.

Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 3 năm 2023 ước đạt 1.410 chuyến, tăng 1,29% so với tháng trước, tăng 43,73% so với cùng tháng năm trước, trong đó có 60 chuyến bay ngoài nước. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, số lần máy bay hạ, cất cánh ước đạt 4.518 chuyến, tăng 55,9% so với cùng kỳ.

Tổng số hành khách tháng 3 năm 2023 ước đạt 209 nghìn lượt người, giảm 5,09% so với tháng trước, tăng 32,27% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, tổng số hành khách vận chuyển ước đạt 685,5 nghìn lượt người, tăng 71,56% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hàng hóa tháng 3 năm 2023 ước đạt 1.103 tấn, giảm 17,13% so với tháng trước, tăng 32,1% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, tổng số hàng hóa ước đạt 3.756 tấn, tăng 68,88% so với cùng kỳ.

8.3.6. Bưu chính viễn thông

Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông Hải Phòng tháng 3 năm 2023 ước đạt 127,8 tỷ đồng, tăng 21,34% so với tháng trước, giảm 14% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 3 tháng/2023, tổng doanh thu bưu chính, viễn thông Hải Phòng ước đạt gần 340,4 tỷ đồng, giảm 11,55% so với cùng kỳ năm trước.

Số thuê bao điện thoại phát triển mới tháng 3 năm 2023 ước đạt 330 thuê bao, giảm 21,05% so với tháng trước, giảm 7,04% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 3 tháng/2023, số thuê bao điện thoại phát triển mới ước đạt 1.602 thuê bao, tăng 58,61% so với cùng kỳ năm trước. 

Số thuê bao Internet phát triển mới tháng 3 năm 2023 ước đạt 2.000 thuê bao, giảm 11,23% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 3 tháng/2023, số Internet phát triển mới ước đạt 5.517 thuê bao, giảm 25,21% so với cùng kỳ năm trước. 

9. Hàng hoá thông qua cảng

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tháng 3 năm 2023 ước đạt 12,538 triệu TTQ, tăng 22,41% so với tháng trước và tăng 5,74% so với cùng kỳ năm trước. 

Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố 3 tháng đầu năm 2023 đạt 33,314 triệu TTQ, giảm 0,83% so với cùng kỳ năm 2022. 

* Doanh thu cảng biển 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1.500,76 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

Trong tháng 3/2023, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

* Công tác Lao động, việc làm

Trong tháng 3/2023, tổ chức 03 phiên giao dịch việc làm với 50 lượt doanh nghiệp tham gia, nhu cầu tuyển dụng khoảng 4.370 lượt lao động; cung lao động tại Sàn được 3.180 lượt người. Ước cấp mới 250 giấy phép lao động, cấp lại 20 giấy phép lao động, gia hạn 65 giấy phép lao động, miễn cấp 02 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Thực hiện thẩm định 16 hồ sơ nội quy lao động và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 05 doanh nghiệp; tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của 16 doanh nghiệp. Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố xảy ra 01 cuộc đình công, số lao động ngừng việc tập thể là 90 người; không xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết người.

Trong quý I năm 2023, Sàn giao dịch việc làm ước tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 150 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 8.840 lao động, cung lao động tại Sàn được 8.820 lượt người, gần đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ước là 3.270 người, đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp 3.170 người, với kinh phí gần 79,90 tỷ đồng. Qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.270 lao động. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 46%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH là 48,9%. Ước cấp mới 827 giấy phép lao động, cấp lại 53 giấy phép lao động, gia hạn 170 giấy phép lao động, xác nhận 05 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Thực hiện thẩm định 40 hồ sơ nội quy lao động và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 10 doanh nghiệp, đã tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của 32 doanh nghiệp. Trong quý báo cáo, trên địa bàn thành phố xảy ra 01 cuộc đình công, số lao động ngừng việc tập thể là 90 người; xảy ra 04 vụ tai nạn lao động làm chết 04 người.

* Công tác Giáo dục nghề nghiệp

Trong tháng 3/2023, tham mưu và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố triển khai nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2023 tại Công văn số 831/SLĐTBXH-GDNN ngày 28/02/2023 về việc triển khai tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023; Công văn số 815/SLĐTBXH-GDNN ngày 27/02/2023 về việc đề nghị báo cáo đề xuất nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2023. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp báo cáo tình hình thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo yêu cầu của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp tại Công văn số 346/TCGDNN-KHTC ngày 02/3/2023.

Trong quý I/2023, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhan dân thành phố tại Kế hoạch số 277/KH-UBND về việc đón, tiếp xúc, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về địa phương năm 2023. Tập trung tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố triển khai Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 21/02/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện các Quyết định về sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thành phố quản lý của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Báo cáo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp việc thực hiện quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2022. Đến thời điểm báo cáo, thành phố có 40 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 25 cơ sở hoạt động GDNN; tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ước đạt 9.400 học viên, đạt 17,8% kế hoạch năm và bằng 101,07% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 86,1%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ 3 tháng trở lên là 37,2%.

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Trong tháng 3/2023, tổ chức cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 65 lượt người. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 18 người. Điều trị thay thế bằng Methadone toàn thành phố (18 cơ sở) cho 3.910 người, trong đó 06 cơ sở thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, điều trị cho 1.212 người. Đoàn kiểm tra 178 thành phố đã tiến hành kiểm tra 04 buổi tại 07 cơ sở kinh doanh dịch vụ: nhà nghỉ, karaoke, massage; phối hợp với quận, huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trên 100 người. 

Trong quý I/2023, tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 1.012 lượt người, bằng 107,89% so với cùng kỳ năm trước. Điều trị Methadone toàn thành phố cho 3.910 người, trong đó 06 cơ sở thuộc ngành Lao động - Thương bình và Xã hội điều trị cho 1.266 người, 104,2% so với cùng kỳ năm trước. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 50 người, bằng 156,25% so với cùng kỳ năm trước. 

2. Giáo dục - Đào tạo

Trong tháng 3/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tham mưu văn bản trình UBND thành phố phương án triển khai Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Chương trình "Hỗ Trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030"; tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; tham mưu UBND thành phố tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 01 năm thực hiện công tác thí điểm công nhận quận, huyện học tập, thành phố học tập. Ban hành Phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023- 2024; Ban hành cấu trúc đề thi kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố cấp THCS năm học 2023-2024 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024. 

Thường xuyên tổ chức kiểm tra đánh giá, tư vấn, giám sát các đơn vị thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về công tác tổ chức quản lý, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục. Chất lượng giáo dục thành phố Hải Phòng ngày càng được nâng cao, có uy tín đối với phụ huynh; được Bộ GD&ĐT đánh giá cao về chất lượng thực hiện chương trình giáo dục.

3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 

* Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19

Trong tháng 3/2023, Dịch COVID -19 tại thành phố Hải Phòng đã cơ bản được kiểm soát. Số ca mắc trong cộng đồng giảm nhiều trong thời gian gần đây (số ca mắc trung bình từ 21,18 ca/ngày (tháng 9/2022-12/2022) giảm xuống còn 1,72 ca/ngày (tháng 01/2023 - 3/2023). Tuy nhiên dịch COVID -19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành, vì vậy các ngành trên địa bàn thành phố cần thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

*Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác

Trong quý I/2023, tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong toàn thành phố có diễn biến như sau: bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 95 ca; bệnh thủy đậu ghi nhận 27 ca; bệnh chân tay chân miệng ghi nhận 66 ca; bệnh tiêu chảy ghi nhận 212 ca; sởi không ghi nhận ca bệnh; bệnh liên cầu lợn ở người không ghi nhận ca bệnh; bệnh viêm não vi rút không ghi nhận ca bệnh.

* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong tháng 3/2023, Thực hiện Quyết định số 4403/QĐ-UBND ngày 21/12/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đợt Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Kết quả kiểm tra: có 41 cơ sở đạt/47 cơ sở kiểm tra, tỉ lệ đạt 87,2%, số cơ sở xử lý vi phạm: 0 cơ sở. Thực hiện Quyết định số 23/QĐ-ATTP ngày 16/2/2023 về việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với các bếp ăn tập thể, nhà ăn, căng tin ăn uống và các cơ sở kinh doanh suất ăn sẵn năm 2023 trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Đến thời điểm hiện tại chưa kết thúc đợt kiểm tra (đã thực hiện kiểm tra 74 cơ sở, đã mời về xử phạt 02 cơ sở với số tiền: 16 triệu đồng) 

* Công tác phòng chống HIV/AIDS

Ước tính đến tháng 3/2023, lũy tích số người nhiễm HIV là 11.726 người, lũy tích số người chuyển sang AIDS là 6.370 người, lũy tích số người chết do AIDS là 5.415 người, số người HIV hiện còn sống là 6.311 người. Diễn biến dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng đặc biệt nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Ước tính đến thời điểm báo cáo, tổng số cơ sở điều trị Methadone 18 cơ sở tổng số bệnh nhân điều trị 3.910 người, đạt 85% chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì 95%; Ngành Y tế điều trị Methadone cho 2.737 người (70%). Thực hiện Công văn số 412/BYT- AIDS ngày 31/01/2023 của Bộ Y tế về việc dừng triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện; Công văn số 69/AIDS-DP ngày 01/02/2023 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS về việc hướng dẫn chuyển tiếp người bệnh được cấp thuốc nhiều ngày sang uống thuốc Methadone hằng ngày.

4. Văn hóa - Thể thao 

Trong tháng 3/2023, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt tuyên truyền, cổ động trực quan, các động văn hóa, văn nghệ, chiếu phim, trưng bày, triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, nổi bật là các chương trình nghệ thuật đón Tết Dương lịch "Hải Phòng chào năm mới 2023", tết Nguyên đán “Hải Phòng Mừng xuân Quý Mão - 2023” ; chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) tại Quảng trường Nhà hát thành phố. Phối hợp với các đơn vị liên quan lập danh sách báo cáo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố tiếp xúc và tặng quà Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân ưu tú nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

5. Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/02/2023 đến ngày 14/3/2023, toàn thành phố xảy ra 08 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 07 người chết, làm 02 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tai nạn giao thông tăng 02 vụ (tương ứng tăng 33,33%); số người chết tăng 02 người (tương ứng tăng 40%) và số người bị thương không tăng, không giảm. Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.  

Trong quý I/2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đường bộ. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 18 người và bị thương 03 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương không tăng, không giảm.

6. Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/02/2023 đến ngày 14/3/2023, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 04 vụ cháy, làm 02 người chết và không có người bị thương; giá trị thiệt hại về tài sản đang trong quá trình xác minh.

Trong quý I/2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 16 vụ cháy, số người chết là 02 người, không có người bị thương; nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao tại một số nhà dân và cơ quan, doanh nghiệp; các vụ cháy đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.

                                                   CỤC THỐNG KÊ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây