Tình hình sản xuất và ước tính năng suất lúa vụ Xuân năm 2021 tại Hải Phòng

Thứ ba - 08/06/2021 09:07
Thực hiện Quyết định số 1500/QĐ-TCTK ngày 18 tháng 10 năm 2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Phương án điều tra năng suất, sản lượng cây lúa; Quyết định số 3916/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc ban hành Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố
Thực hiện Quyết định số 1500/QĐ-TCTK ngày 18 tháng 10 năm 2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Phương án điều tra năng suất, sản lượng cây lúa; Quyết định số 3916/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc ban hành Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố. 
Từ ngày 27/5/2021 đến hết ngày 02/6/2021 Cục Thống kê thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thành phố Hải Phòng tổ chức Đoàn công tác liên ngành, thực hiện thăm đồng để đánh giá tình hình sản xuất và ước tính năng suất, sản lượng lúa vụ Xuân 2021 tại các đơn vị trên địa bàn thành phố; nhằm cung cấp thông tin về sản lượng lúa để đánh giá kết quả sản xuất vụ Xuân, phục vụ tính toán các chỉ tiêu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của thành phố. Đồng thời cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác cho các cấp, các ngành trong việc xây dựng kế hoạch và chỉ đạo sản xuất cây lúa trong các vụ tiếp theo.
 
 
Lãnh đạo liên ngành Thống kê-Nông nghiệp thăm đồng vụ Xuân
Đoàn công tác thành phố tổ chức thăm đồng sau khi các huyện đã tổ chức thăm đồng trên 100% các xã trước thời gian gặt đại trà khoảng 15 ngày để giá tình hình phát triển thực tế của cây lúa, tình hình hạn, úng, sâu bệnh, chuột hại,… đồng thời Đoàn tham khảo kết quả trên một số chân ruộng đã gặt của các hộ nông dân, cán bộ khuyến nông, lãnh đạo UBND các xã và các ngành có liên quan để đảm bảo tính khách quan khi ước tính năng suất lúa vụ xuân năm 2021 của toàn thành phố trước khi báo cáo Tổng cục Thống kê, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân thành phố.
 
Các địa phương sản xuất cây lúa vụ xuân năm 2021 luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành từ hướng dẫn về khung thời vụ, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa tới các giải pháp chỉ đạo sản xuất hiệu quả, góp phần chủ động trong khắc phục những diễn biến bất thường của khí hậu, dịch hại nhằm đảm bảo kế hoạch đề ra. 

Bên cạnh đó, thời tiết vụ xuân năm 2021 có nhiều thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, đầu vụ không bị tác động bởi các đợt rét đậm, rét hại, giai đoạn đứng cái làm đòng, mưa rải rác kết hợp với việc chăm bón kịp thời nên lúa đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao. Diện tích gieo cấy lúa trên toàn thành phố cơ bản tập trung đúng thời vụ đề ra và kết thúc trước 25/5/2021, vì vậy trong thời gian các diện tích lúa trỗ tập trung từ 01/5-10/5/2021 nhiệt độ trung bình tăng, thời gian ánh sáng kéo dài đã tạo thuận lợi cho cây lúa quang hợp, trỗ bông, nâng cao tỷ lệ hạt chắc trên bông lúa. 

Trong những năm gần đây, thành phố luôn có chủ trương đẩy mạnh ứng dụng của khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, BVTV; nhiều mô hình đã được khẳng định trong thực tiễn sản xuất giúp người dân áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế. Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tiếp thu những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tuân thủ theo lịch thời vụ, gieo cấy bằng mạ khay máy cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đúng thời điểm theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Chủ trương tích tụ ruộng đất đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tích tụ đất đai, cải tạo đồng ruộng, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, khắc phục được tình trạng đất lúa không gieo cấy để hoang hóa tại một số địa phương.
 
Chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất đậu tương rau tại huyện Vĩnh Bảo

Ngoài những yếu tố thuận lợi, sản xuất nông nghiệp của thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp đã tác động lớn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như giá cả vật tư sản xuất ngành nông nghiệp. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm dưới tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ tại khu vực nông thôn như: xây dựng các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, phát triển hạ tầng, đất ở,... Nhiều địa phương đất lúa bị chia cắt thành các diện tích nhỏ, manh mún gây khó khăn trong sản xuất. Lực lượng lao động nông nghiệp ở khu vực nông thôn tiếp tục có xu hướng giảm và luôn trong tình trạng thiếu hụt, do dịch chuyển ngành nghề sang hoạt động công nghiệp, dịch vụ,… Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nhiều diện tích canh tác tiếp tục bị bỏ không gieo cấy, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh khu công nghiệp.

Theo kết quả kiểm tra, đánh giá tại các huyện, diện tích sản xuất lúa vụ xuân 2021 đạt trên 28,4 nghìn ha, bằng 98,12% (giảm 545 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa của toàn thành phố được chủ động cơ cấu bởi nhiều bộ giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt: Giống lúa lai với trên 8,6 nghìn ha chiếm 30,2% tổng diện tích gieo cấy (DTGC), giống lúa thơm 4,6 nghìn ha chiếm 16% DTGC, giống BC15 4,5 nghìn ha chiếm 16% DTGC… 
 
Bảng 1: Diện tích lúa vụ Xuân phân theo đơn vị hành chính


Công tác phòng trừ sâu bệnh trong vụ Xuân năm nay được các đơn vị chuẩn bị chu đáo, ngay từ đầu vụ sản xuất việc điều tra, phát hiện, dự báo và diệt trừ sâu bệnh được thực hiện một cách chặt chẽ, thống nhất. Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp dịch hại trên cây trồng (IPM); chủ động làm tốt công tác dự tính, dự báo sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại cây trồng; hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc, đúng đối tượng, đúng thời điểm, đúng liều lượng để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. Tổ chức chiến dịch diệt chuột trong giai đoạn đổ ải và duy trì thường xuyên trong năm với phương châm “tăng cường đánh bắt bằng phương pháp thủ công, kết hợp với các loại thuốc hóa sinh học có hiệu quả cao” để bảo vệ sản xuất. Trong chăm sóc lúa, thành phố tiếp tục nâng cao các ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, sử dụng các các chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, phát triển các loại phân bón thế hệ mới đa chủng đa chức năng thay thế phân đơn giúp nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất để có năng suất, hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp. 

        Theo kết quả tổng hợp từ báo cáo thăm đồng, ước tính năng suất lúa vụ Xuân năm 2021, kết quả về năng suất, sản lượng lúa của các đơn vị và toàn thành phố ước tính như sau:
 
Bảng 2: Ước tính năng suất, sản lượng lúa vụ Xuân năm 2021 
phân theo đơn vị hành chính


Qua kết quả tính toán, năng suất lúa bình quân vụ Xuân năm 2021 toàn thành phố đạt 70,16 tạ/ha bằng 100,68% so cùng kỳ năm trước và đây là mức năng suất bình quân cao nhất từ trước đến nay của toàn thành phố. 
 
 
 
Năng suất lúa bình quân vụ Xuân toàn thành phố 2017-2021

Năng suất cây lúa vụ Xuân năm nay tiếp tục giữ được sự ổn định và tăng so với cùng kỳ năm trước với sự nỗ lực của bà con nông dân cùng các cấp ngành. Với sự chuyển dịch cơ cấu giống và trình độ canh tác nông nghiệp ngày càng được nâng cao đã tạo sự đồng đều về năng suất giữa các đơn vị trên toàn thành phố. Cụ thể: Năng suất lúa bình quân huyện Vĩnh Bảo ước đạt 70,87 tạ/ha, huyện Tiên Lãng 70,60 tạ/ha, huyện Thủy Nguyên 70,51 tạ/ha, huyện Kiến Thụy 70,10 tạ/ha, huyện An Dương 70,10 tạ/ha và huyện An Lão 69,00 tạ/ha....

Với nỗ lực trong đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu trà, giống đã mang lại thành quả trong sản xuất nông nghiệp, một số giống có tiềm năng về năng suất được đưa vào sản xuất với cơ cấu lớn và ổn định trong vụ gồm: nhóm lúa lai đạt năng suất 73,47 tạ/ha, BC15 đạt 73,03 tạ/ha, nhóm lúa thuần đạt 68,42 tạ/ha, .... Các giống còn lại đều đạt từ 64 đến 68 tạ/ha.

Theo kết quả tổng hợp của Cục Thống kê, sản lượng lúa vụ xuân năm 2021 ước đạt 199,5 nghìn tấn, bằng 98,78% (giảm 2,5 nghìn tấn) so với vụ xuân năm trước. Sản lượng lúa của các huyện có diện tích gieo trồng lúa lớn trong vụ xuân năm nay đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước do diện tích lúa giảm, nhưng vẫn duy trì được sự ổn định, trong đó: huyện Vĩnh Bảo đạt sản lượng lớn nhất với 56,9 nghìn tấn chiếm 28,5% tổng sản lượng lúa toàn thành phố (TSL), huyện Tiên Lãng đạt  41 nghìn tấn chiếm 20,5% TSL; huyện Thủy Nguyên đạt sản lượng 32,3 nghìn tấn chiếm 16,2% TSL; huyện Kiến Thụy 25,1 nghìn tấn chiếm 12,6% TSL; huyện An Lão đạt 24,4 nghìn tấn chiếm 12,2% TSL, , huyện An Dương 12 nghìn tấn chiếm 6,0% TSL... 
 
Bảng 3: Ước tính năng suất, sản lượng lúa vụ xuân năm 2021
chia theo nhóm giống lúa


Hiện nay sản xuất lúa đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam nói chung cũng như thành phố Hải Phòng nói riêng. Phát huy những ưu thế về điều kiện đất đai, truyền thống canh tác lâu đời cùng với khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật tiến bộ áp dụng vào thực tế sản xuất, nông dân Hải Phòng đang từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất cây lúa, góp phần tích cực ổn định lương thực và tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Thành phố đã có những cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ kịp thời cho sản xuất, triển khai các vùng sản xuất mô hình “cánh đồng lớn”, mô hình giống lúa mới, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, ký hợp đồng bảo hành năng suất; thiết lập liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, đã góp phần củng cố sản xuất lúa trong vai trò cây trồng chiến lược an ninh lương thực của Việt Nam.

Tác giả: PHÒNG TK KINH TẾ, CỤC THỐNG KÊ HẢI PHÒNG

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây