Quy trình sản xuất thông tin thống kê và đề xuất áp dụng ở Việt Nam

Thứ bảy - 01/10/2022 08:30
Quy trình sản xuất thông tin thống kê là một tập hợp các hoạt động, nhiệm vụ có liên quan, có cấu trúc để chuyển đổi dữ liệu đầu vào thành thông tin thống kê. Quy trình sản xuất thông tin thống kê mô tả, xác định tập hợp các bước thực hiện cần thiết để sản xuất thông tin thống kê chính thức.

Vai trò của quy trình sản xuất thông tin thống kê

Đối với hoạt động thống kê, quy trình sản xuất thông tin thống kê có vai trò rất quan trọng, là một công cụ linh hoạt trong việc chuẩn hóa các hoạt động, thống nhất cơ chế sản xuất thông tin thống kê, điều chỉnh công việc hợp lý để giảm thiểu lỗi công tác quản lý đối với quá trình sản xuất thông tin thống kê, giảm chi phí sản xuất sản phẩm thống kê và cải thiện chất lượng dữ liệu. Quy trình sản xuất thông tin thống kê được ban hành nhằm:

  1. Thống nhất việc sản xuất thông tin thống kê ở tất cả các chuyên ngành, các thời kỳ, các cấp quản lý trong hệ thống thống kê.
  2. Đồng bộ trong việc thực hiện giữa chuyên môn nghiệp vụ với ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê.
  3. Minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê.
  4. Nâng cao chất lượng thông tin và giúp qua trình thực hiện hoạt động thống kê đạt hiệu quả cao.
  5. Dễ so sánh, kiểm soát các quá trình thực hiện nghiệp vụ và xác định được tính hiệu quả của thực tế thực hiện công việc.
  6. Hỗ trợ việc chia sẻ nội bộ và chia sẻ với bên ngoài.

Mô hình sản xuất thông tin thống kê của Liên hợp quốc

Mô hình quy trình sản xuất thông tin thống kê (GSBPM) lần đầu tiên được phát triển năm 2008 do nhóm chuyên gia UNECE, Eurostat, OECD, dựa trên mô hình quy trình sản xuất thông tin thống kê của Thống kê New Zealand. Phiên bản 4.0 của GSBPM đã được phát hành vào tháng 4/2009. Sau đó, đã được cộng đồng thống kê chính thức toàn cầu chấp nhận và tạo thành một trong những nền tảng của thống kê hiện đại.

Phiên bản 5.0 của GSBPM được phát hành tháng 12/2013 và nâng cấp năm 2018 đã cải thiện tính nhất quán với Mô hình thông tin thống kê (GSIM) và Mô hình hoạt động của cơ quan thống kê (GAMSO). Những thay đổi chính ở phiên bản 5.0 như sau:

  • Giai đoạn 8 (Lưu trữ) đã bị xóa và được tích hợp vào quy trình quản lý dữ liệu và siêu dữ liệu, để phản ánh quan điểm rằng việc lưu trữ có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong quy trình sản xuất thông tin thống kê.
  • Bổ sung một quy trình con mới:“Xây dựng hoặc tăng cường các thành phần phổ biến thông tin” vào giai đoạn “Xây dựng” để phản ánh tầm quan trọng, tính đa dạng ngày càng tăng của phổ biến thông tin.
  • Một số quy trình con đã được đặt tên lại để rõ ràng hơn.
  • Cập nhật và mở rộng các mô tả của các quy trình con để ít thiên về điều tra hơn, để ghi nhận việc sử dụng ngày càng tăng các nguồn dữ liệu không từ điều tra (dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn, v.v.).

Phiên bản 5.1 hiện tại của GSBPM, phát hành tháng 01/2019, đã tương đối hoàn thiện, nhưng cũng có thể cần cập nhật trong tương lai do sự phát triển của sản xuất thông tin thống kê. Về cấu trúc, phiên bản 5.1 gồm ba cấp độ:

  • Cấp độ 0: Quy trình sản xuất thông tin thống kê
  • Cấp độ 1: Tám giai đoạn của quy trình sản xuất thông tin thống kê
  • Cấp độ 2: Các quy trình con trong từng giai đoạn (44 quy trình con)

Quy trình bao trùm: Bao trùm lên toàn bộ 8 giai đoạn của GSBPM là các quy trình các công việc hỗ trợ liên quan. Các quy trình bao quát này bao gồm: Quản lý chất lượng; quản lý siêu dữ liệu; quản lý dữ liệu thống kê; quản lý dữ liệu về thực hiện quy trình (paradata); quản lý kiến thức; quản lý nhà cung cấp.

So với phiên bản 5.0 thì phiên bản 5.1 có một số thay đổi chính như sau:

  • Một vài quy trình con được đặt tên lại để cải thiện sự rõ ràng;
  • Giải quyết sự trùng lặp ở quy trình bao trùm của GSBPM 5.0 và GAMSO;
  • Sửa đổi các mô tả và một số quy trình con để hiểu chung hơn, tránh hiểu thiên về chỉ cho điều tra thống kê, và bổ sung các hoạt động liên quan đến nguồn cung cấp dữ liệu phi thống kê khi cần thiết;
  • Nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của việc tích hợp dữ liệu thống kê với dữ liệu không gian địa lý, các mô tả đã được mở rộng bao gồm các nhiệm vụ cần thiết để sử dụng dữ liệu không gian địa lý;
  • Thuật ngữ đã được sửa đổi để cải thiện sự nhất quán với GAMSO và GSIM;
  • Các ví dụ được cập nhật và mở rộng làm rõ ràng hơn.

Thực trạng quy trình sản xuất thông tin thống kê ở Việt Nam

Quy trình sản xuất thông tin thống kê cấp cao được ban hành theo Quyết định số 945/QĐ-TCTK gồm 7 bước: (1) Xác định nhu cầu thông tin, (2) Chuẩn bị thu thập thông tin, (3) Thu thập thông tin, (4) Xử lý thông tin, (5) Phân tích thông tin, (6) Phổ biến thông tin và (7) Lưu trữ thông tin. Căn cứ vào quy trình sản xuất thông tin thống kê cấp cao, Tổng cục Thống kê đã áp dụng quy trình này trong việc thực hiện các cuộc điều tra, tổng điều tra và quy định cụ thể trong các phương án điều tra giúp nâng cao chất lượng thông tin thu thập như: Phương án Điều tra doanh nghiệp năm 20191; Phương án Khảo sát mức sống dân cư năm 20192; Phương án Tổng điều tra dân số và nhà ở...Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn có một số hạn chế, bất cập sau:

  • Chưa ban hành các quy trình chi tiết và giải thích các bước trong quy trình nên tiến hành công việc giữa các chuyên ngành không giống nhau, gây ra sự không thống nhất về dữ liệu, việc chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ chưa được tiến hành một cách chặt chẽ, có sự không tương thích và không nhất quán.
  • Việc xây dựng và sử dụng dữ liệu đặc tả chưa được chú trọng, gây cản trở việc chuẩn hóa, đồng bộ hóa toàn hệ thống.
  • Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quá trình sản xuất thông tin thống kê mà cụ thể là áp dụng vào các khâu của quy trình cấp cao chưa đồng bộ, mỗi khâu của mỗi công việc ứng dụng theo một cách khác nhau, một số khâu thực hiện hoàn toàn thủ công.
  • Ngoài ra, quy trình sản xuất thông tin thống kê phải luôn được đánh giá, kiểm định để cải tiến, nâng cấp phù hợp với sự phát triển cũng như điều kiện của từng giai đoạn. Việc xây dựng và triển khai thực hiện quy trình sản xuất thông tin thống kê được thực hiện dưới sự chỉ đạo, giám sát và phải được kiểm định định kỳ để kịp thời bổ sung, chỉnh sửa khi có bất cập. Quy trình sản xuất thông tin thống kê cấp cao của Tổng cục Thống kê được xây dựng dựa trên Mô hình sản xuất thông tin thống kê của Liên hợp quốc phiên bản 4.0 – Quy trình này đã được cập nhật bằng phiên bản 5.1.

Xuất phát từ vai trò quan trọng và hạn chế, bất cập trong việc triển khai quy trình sản xuất thông tin thống kê cũng như đòi hỏi phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mới, thì cần thiết phải ban hành quy trình sản xuất thông tin thống kê phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam. 

Hướng xây dựng Quy trình sản xuất thông tin thống kê

Trong phạm vi bài viết, tác giả đề xuất hướng xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất thông tin thống kê ở Việt Nam với một số điểm chính như sau:

Về nguyên tắc xây dựng và áp dụng: Quy trình sản xuất thông tin thống kê được xây dựng phải: (1) Rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu, hiểu thống nhất; (2) Đầy đủ, đúng thứ tự các bước thực hiện; (3) Đạt hiệu lực, hiệu quả cao nhất; (4) Kết quả của cả quy trình cấp dưới phải là kết quả của bước thực hiện trong một quy trình; (5) Bảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Về cách thức ban hành: Quy trình sản xuất thông tin thống kê nên bao gồm 2 loại: Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung và Quy trình sản xuất thông tin thống kê riêng biệt áp dụng đối với mỗi hình thức thu thập thông tin thống kê (Quy trình sản xuất thông tin thống kê thông qua điều tra thống kê, quy trình sản xuất thông tin thống kê từ chế độ báo cáo thống kê, quy trình sản xuất thông tin thống kê thông qua việc khai thác, sử dụng dữ liệu từ hồ sơ hành chính cho mục đích thống kê). Trong đó, quy trình sản xuất thông tin thống kê chung là cơ sở để xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất thông tin thống kê riêng biệt.

Quy trình sản xuất thông tin thống kê được ban hành độc lập với các quy trình khác áp dụng trong hoạt động thống kê như: Quy trình quản lý chất lượng, quản lý siêu dữ liệu, quản lý dữ liệu thống kê, quản lý dữ liệu về thực hiện quy trình (paradata), quản lý kiến thức, quản lý nhà cung cấp.

Về phạm vi áp dụng: Quy trình sản xuất thông tin thống kê nên được áp dụng trong hệ thống thống kê nhà nước (bao gồm hệ thống thống kê tập trung và thống kê bộ, ngành)./.

Nguyễn Đình Khuyến

Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ PPCĐ và quản lý chất lượng Thống kê - TCTK

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây