Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 11, 11 THÁNG NĂM 2024
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Hoạt động tài chính, ngân hàng
1.1 Tài chính
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 11/2024 ước đạt 8.318 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 2.454,4 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 5.863,6 tỷ đồng. Ước 11 tháng/2024 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 105.717 tỷ đồng, đạt 99,02% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 123,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 45.510,8 tỷ đồng, đạt 97,33% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 138,55% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 60.206,2 tỷ đồng, đạt 100,34% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố và bằng 114,42% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 11/2024 ước đạt 5.951 tỷ đồng. Ước 11 tháng/2024 tổng chi ngân sách địa phương đạt 28.554,1 tỷ đồng, đạt 71,8% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 106,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tổng chi đầu tư phát triển đạt 13.631,3 tỷ đồng, đạt 68,91% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 92,94% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 14.157,2 tỷ đồng, đạt 89,13% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 122,21% so với cùng kỳ năm trước.
1.2. Ngân hàng
* Công tác huy động vốn
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 30/11/2024 đạt 353.339 tỷ đồng, tăng 10,39% so với cùng kỳ năm trước.
* Công tác tín dụng
Tổng dư nợ cho vay đến 30/11/2024 ước đạt 243.445 tỷ đồng, tăng 20,51% so với cùng kỳ năm trước.
2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Giá thực phẩm giảm; giá xăng dầu giảm là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 giảm 0,4% so với tháng trước; tăng 2,58% so với tháng 12/2023 và tăng 2,32% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2024, CPI tăng 3,18% so với cùng kỳ.
So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 11/2024 giảm 0,4% (khu vực thành thị giảm 0,33%; khu vực nông thôn giảm 0,5%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm có chỉ số giá giảm, 5 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước.
So cùng kỳ năm trước, CPI tháng 11/2024 tăng 2,32%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 8 nhóm hàng tăng giá.
So với tháng 12/2023, CPI tháng 11/2024 tăng 2,58%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2024 tăng 3,18% so với cùng kỳ.
Một số nguyên nhân làm tăng CPI 11 tháng năm 2024
- Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 11 tháng năm 2024 tăng 4,2% so với cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 1,54 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá các nhóm thành phần:
+ Nhóm lương thực tăng 13,96%, trong đó giá gạo tăng 19,87%, làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm. Giá gạo tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng vào dịp Lễ, Tết và chịu ảnh hưởng của giá gạo xuất khẩu;
+ Nhóm thực phẩm tăng 3,62%, trong đó, thịt lợn tăng 5,97%; rau tươi, khô và chế biến tăng 5,85%;
+ Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,56% do giá thực phẩm tăng và chi phí nhân công tăng.
- Nhóm nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu thuê nhà ở tăng và nhu cầu tiêu thụ điện, nước tăng tăng vào dịp lễ, Tết và vào mùa hè. Trong đó, giá nhà ở thuê và nhà ở chủ sở hữu tính quy đổi tăng 3,63%; giá điện sinh hoạt tăng 6,47%; giá nước sinh hoạt tăng 4,28%.
- Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước do giá khám chữa bệnh được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
Một số nguyên nhân làm giảm CPI 11 tháng năm 2024
- Giá bưu chính, viễn thông giảm 3,12% so với cùng kỳ do giá một số loại thiết bị điện thoại model cũ giảm giá, làm CPI chung giảm 0,11 điểm phần trăm.
- Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thuộc nhóm đồ dùng và thiết bị gia đình thấp trong khi hàng tồn kho tại các đại lý, cửa hàng điện máy cao. Do đó, các đại lý và cửa hàng đã giảm giá kích cầu tiêu thụ, theo đó giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 3,44%.
* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ:
- Chỉ số giá vàng tháng bình quân tháng 11/2024 tăng 3,6% so với tháng trước, tăng 38,89% so với tháng 12/2023 và tăng 44,74% so với cùng kỳ. Bình quân 11 tháng năm 2024, giá vàng trong nước tăng 32,28% so với cùng kỳ năm trước.
- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2024 tăng 1,92% so với tháng trước, tăng 4,05% so với tháng 12/2023 và tăng 3,42% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 11/2024 dao động ở mức 25.477 đồng/USD, tăng 479,3 đồng/USD. Bình quân 11 tháng năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 4,76% so với cùng kỳ.
3. Đầu tư
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước đang được các sở ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh thực hiện. Tính chung 11 tháng năm 2024, nguồn vốn này ước thực hiện đạt 16.842 tỷ đồng, bằng 77,13% kế hoạch năm, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 83,7% kế hoạch năm và tăng 37%).
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11/2024 ước đạt 2.696,1 tỷ đồng, tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2023. Chia ra: vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 1.432,8 tỷ đồng, giảm 15,15%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 1.058,6 tỷ đồng, tăng 31,19%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 204,7 tỷ đồng, tăng 17,21% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 11 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 16.842,1 tỷ đồng, giảm 6,97% so với cùng kỳ năm 2023. Chia ra: vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 10.799,8 tỷ đồng, giảm 14,31%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 5.038,5 tỷ đồng, tăng 10,68%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 1.033,8 tỷ đồng, tăng 5,95% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, từ quý III/2024 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước có xu hướng giảm so với cùng kỳ và giảm ở nguồn vốn ngân sách cấp thành phố; nguyên nhân chủ yếu do vốn ngân sách nhà nước Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu giảm, cùng với đó một số dự án chuyển tiếp từ những năm trước đã vào giai đoạn hoàn thành và một số dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 25/11/2024 Hải Phòng có 1000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 32,47 tỷ USD. Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến 25/11/2024 đạt 3.413,91 triệu USD. Trong đó:
Cấp mới 105 dự án với số vốn cấp mới là 708,63 triệu USD. Cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế 57 dự án, đạt 641,53 triệu USD (chiếm 90,53%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 48 dự án đạt 67,1 triệu USD (chiếm 9,47%).
Điều chỉnh tăng vốn đầu tư 60 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 2.280,99 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế 49 dự án, vốn đầu tư tăng 2.226,06 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 11 dự án, vốn đầu tư tăng là 54,93 triệu USD.
Thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 23 lượt, số vốn đầu tư đăng ký: 424,29 triệu USD. Trong khu công nghiệp, khu kinh tế: 05 lượt, vốn đầu tư đăng ký 21,4 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế: 18 lượt, đăng ký 402,89 triệu USD.
Từ đầu năm đến 25/11/2024, có 32 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động, trong đó có 12 dự án nằm trong khu công nghiệp, 20 dự án ngoài khu công nghiệp.
4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cây vụ Đông trên địa bàn thành phố. Số lượng đầu con gia cầm, đàn lợn tăng nhẹ. Sản xuất thủy sản dần hồi phục và đi vào ổn định sau ảnh hưởng của cơn bão số 3.
4.1. Nông nghiệp
* Trồng trọt
- Sản xuất vụ Mùa
Tính đến trung tuần tháng 11/2024, diện tích cây trồng vụ Mùa đã cơ bản thu hoạch xong, kết quả sơ bộ về diện tích, năng suất, sản lượng của một số cây trồng cụ thể như sau:
Diện tích gieo trồng cây lúa vụ Mùa đạt 28.612,2 ha, bằng 101,65 % (tăng 463,6 ha) so với vụ mùa năm trước. Sản xuất lúa vụ Mùa năm nay ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 đổ bộ vào đúng thời điểm phát triển của cây lúa một số diện tích lúa vùng thấp trũng bị gãy đổ, ngập úng gây thiệt hại hoàn toàn, lúa trong giai đoạn trỗ bông không có khả năng vào hạt, lúa giai đoạn làm đòng bị dập nát... Năng suất lúa vụ Mùa năm 2024, ước tính trên diện tích còn lại cho thu hoạch đạt 37,71 tạ/ha, bằng 63,89% so với vụ Mùa năm trước (năng suất ước tính trên diện tích gieo trồng đạt 29,85 tạ/ha, bằng 50,59%). Sản lượng lúa vụ Mùa ước đạt 85,3 nghìn tấn, bằng 51,42% so với vụ Mùa năm trước, trong đó: huyện Vĩnh Bảo ước đạt 24,6 nghìn tấn, chiếm 28,8% tổng sản lượng, huyện Tiên Lãng ước đạt 17,9 nghìn tấn, chiếm 21%, huyện An Lão ước đạt 14 nghìn tấn, chiếm 16,4%, huyện Kiến Thụy ước đạt 5,9 nghìn tấn, chiếm 7%, huyện An Dương ước đạt 6,05 nghìn tấn, chiếm 7,09%, huyện Thủy Nguyên ước đạt 15,3 nghìn tấn, chiếm 17,9%...
Diện tích đất trồng rau các loại vẫn có xu hướng giảm nhẹ, diện tích nhóm cây rau vụ Mùa đạt 3.974,5 ha, bằng 98,37% so với vụ Mùa năm trước, trong đó: nhóm rau lấy lá đạt 1.961,9 ha, bằng 99,78%; nhóm cây dưa lấy quả đạt 325,4 ha, bằng 101,52%; nhóm rau lấy quả đạt 484,9 ha, bằng 93,9%... Năng suất nhóm cây rau các loại ước đạt 224,05 tạ/ha, bằng 98,19% so cùng kỳ năm trước, trong đó: nhóm rau lấy lá đạt 220,9 tạ/ha, bằng 97,9%; nhóm cây dưa lấy quả đạt 282,14 tạ/ha, bằng 98,67%; nhóm rau lấy quả đạt 230 tạ/ha, bằng 97,23%... Sản lượng rau các loại toàn thành đạt 89,04 nghìn tấn, bằng 96,59% so cùng kỳ năm trước.
- Sản xuất vụ Đông
Từ đầu tháng 11/2024, thời tiết nắng hanh khô thuận lợi cho công tác chuẩn bị mặt bằng gieo trồng cây trồng vụ Đông. Diện tích gieo trồng cây vụ Đông ước đạt 4.520,8 ha, bằng 69,54% so với vụ Đông năm trước.
Trên những diện tích đã gieo trồng cây trồng sinh trưởng phát triển thuận lợi. Một số sinh vật gây hại chính phát sinh trên đồng ruộng: sâu đục thân, bệnh gỉ sắt, bệnh dòi đục lá, nhện đỏ..., cơ bản đã được nông dân phòng trừ hiệu quả.
* Chăn nuôi
Ước tính thời điểm tháng 11/2024, số lượng đàn trâu, đàn bò toàn thành phố hiện có như sau: đàn trâu ước đạt 4.142 con, giảm 2,79% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 7.012 con, giảm 2,45%.
Khắc phục hậu quả sau bão số 3, nhiều hộ chăn nuôi tích cực sửa chữa chuồng trại, gấp rút tái đàn, tăng đàn, chuẩn bị nguồn cung kịp phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên Đán sắp tới. Tổng đàn lợn ước đạt 145,3 nghìn con, tăng 0,08% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn gia cầm ước đạt 8.531,3 nghìn con, tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: đàn gà ước đạt 7.125,7 nghìn con, tăng 1,6%.
Giá thức ăn chăn nuôi nhìn chung vẫn giữ ổn định. Sau bão, nhu cầu về giống vật nuôi tăng cao nhưng giá lợn giống, gà giống chỉ tăng nhẹ so với tháng trước (giá lợn con giống tăng 0,52%; giá gà ta con giống tăng 1,86%).
Giá thịt lợn hơi trong tháng tăng 1,28% so với tháng trước; giá gà thịt giảm 1,92% và có xu hướng tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào, mức tiêu thụ chậm.
4.2. Lâm nghiệp
Ước tính tháng 11/2024, sản lượng gỗ khai thác đạt 68,25 m3, bằng 100,22% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 3.696,2 ste, bằng 104,99% (sản lượng gỗ củi chủ yếu được khai thác và thu nhặt từ cây lâm nghiệp trồng phân tán).
Tính chung 11 tháng/2024, sản lượng gỗ khai thác ước đạt được 1.118,05 m3, bằng 101,03% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 34.331,8 ste, bằng 102,19%.
Trong tháng, thành phố xảy ra 02 vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên với tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 4,7 ha. Tính chung 11 tháng/2024, thành phố xảy ra 12 vụ cháy rừng với tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 13,4 ha.
4.3. Thủy sản
Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 16.398,6 tấn, giảm 1,64% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 11 tháng/2024 sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt 177.607 tấn, giảm 0,85% so với cùng kỳ năm trước.
* Nuôi trồng
Diện tích nuôi thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 5.780,2 ha, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Ước 11/2024 diện tích nuôi thủy sản đạt 10.865,7 ha, giảm 2,17% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch trong tháng 11/2024 ước đạt 7.246 tấn, giảm 5,59% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 11 tháng/2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 70.024,5 tấn, giảm 1,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: cá các loại đạt 61.362,2 tấn, tăng 27,23%; tôm các loại đạt 6.461 tấn, giảm 0,94%; thủy sản khác đạt 2.201,3 tấn, bằng 13,57 so với cùng kỳ năm trước (do thành phố thu hồi lại diện tích nuôi ngao tại huyện Kiến Thuỵ)
* Khai thác
Trong tháng 11 năm 2024, hoạt động sản xuất trên biển tiếp tục bị ảnh hưởng bởi thời tiết bão, gió mùa Đông Bắc. Với ngư trường khai thác chính của tàu cá Hải Phòng là Vịnh Bắc Bộ, khu vực phía Nam, Bắc và Đông đảo Bạch Long Vĩ, các đối tượng khai thác là mực, cá nổi nhỏ và một số loại cá đáy... đội tàu hoạt động quanh khu vực này, khai thác đạt sản lượng tăng khá cao.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng 11/2024 ước đạt 9.152,6 tấn, tăng 1,73% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác 11 tháng/2024 ước đạt 107.582,5 tấn, giảm 0,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: cá các loại đạt 66.521,9 tấn, giảm 0,09%; tôm các loại đạt 8.349,6 tấn, giảm 1,57%; thủy sản khác đạt 32.711 tấn, giảm 1,14% .
5. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tháng 11/2024 tiếp tục xu hướng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2024 tăng 3% so với tháng trước và tăng 16,21% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, sản xuất công nghiệp thành phố hoàn thành mục tiêu đề ra với mức tăng 15,31% so với cùng kỳ năm trước
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11/2024 ước tính tăng 3% so với tháng 10/2024 và tăng 16,21% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 24,08%, tác động làm giảm 0,05 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,11%, đóng góp 15,45 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 1,45%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 1,08%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong 11 tháng năm 2024, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp tăng 94,90%; sản xuất xe có động cơ tăng 93,97%; sản xuất dao kéo, dụng cụ cầm tay và đồ kim loại thông dụng tăng 83,84%; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 75,25%; sản xuất giấy và bìa nhăn, bao bì từ giấy tăng 57,41%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 48,95%;...
Ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: chế biến và bảo quản rau quả giảm 57,47%; sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh giảm 57,27% so với cùng kỳ; sản xuất săm, lốp cao su giảm 31,29%; sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động giảm 27,23%; khai thác đá, cát giảm 24,08%;...
* Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2024 ước giảm 8,30% so với tháng 10/2024 và tăng 4,21% so với cùng kỳ năm trước, cộng dồn 11 tháng năm 2024 chỉ số tiêu thụ tăng 9,32% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 131,53%; sản xuất xe có động cơ tăng 94,51%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 47,66%; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép tăng 37,24%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 24,96%;...
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh giảm 60,19%; chế biến và bảo quản thủy sản giảm 42,07%; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 10,47%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 9,56%; sản xuất bia giảm 3,81%; may trang phục giảm 3,04%;...
* Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/11/2024 dự kiến tăng 14,93% so với tháng trước và tăng 7,77% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng tăng 303,60%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 221,84%; sản xuất xe có động cơ tăng 134,91%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 86,25%; sản xuất bia tăng 79,70%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 51,66%;...
Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh giảm 97,44%; sản xuất săm lốp cao su, đắp và tái chế lốp cao su giảm 81,10%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 77,31%; chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản giảm 61,34%; sản xuất sắt, thép, gang giảm 55,98%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 47,46%; sản xuất cấu kiện kim loại giảm 27,62%...
* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 11 tháng năm 2024 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: thiết bị ngoại vi của máy vi tính (chuột, bút quang, bàn phím,..) sản xuất đạt 36,8 triệu sản phẩm, tăng 116,25% so với cùng kỳ; xe có động cơ chở dưới 10 người sản xuất đạt 75,2 nghìn chiếc, tăng 93,69%; bộ sản phẩm tổ hợp bằng kim loại sản xuất đạt 33,3 triệu sản phẩm, tăng 83,84%; đồng hồ thông minh sản xuất đạt 300.514 cái, tăng 72,28%; màn hình oled tivi sản xuất đạt 2,8 triệu chiếc, tăng 59,74%; tủ lạnh sản xuất đạt 651.135 chiếc, tăng 43,56%;…
Một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ: lốp cao su sản xuất đạt 1.974,6 nghìn chiếc, giảm 31,29%; tổ máy phát điện khác sản xuất đạt 646 bộ, giảm 30,31%; máy chơi game sản xuất đạt 722 nghìn chiếc, giảm 24,13%; bê tông tươi sản xuất đạt 743,3 nghìn m3, giảm 10,12%; thức ăn cho gia súc sản xuất đạt 243,8 nghìn tấn, giảm 5,44%;...
* Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2024 dự kiến giảm 0,12% so với cùng thời điểm tháng 10/2024 và tăng 2,43% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó lao động ở cả ba khu vực doanh nghiệp đều tăng: khu vực nhà nước tăng 0,72%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 5,07%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,72%.
Tại thời điểm trên, trong các ngành kinh tế cấp I chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng giảm 51,72% so cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,55%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,15%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,23%.
6. Thương mại, dịch vụ
Tháng 11 năm 2024 là thời điểm những tháng cuối năm nên nhu cầu tiêu dùng tăng cao, vì vậy các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, đưa đến cho khách hàng, người tiêu dùng nhiều cơ hội tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp, qua đó thúc đẩy, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Do vậy, hoạt động bán buôn, bán lẻ và vận tải tháng 11 đạt mức tăng trưởng khá.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 năm 2024 ước đạt 19.916,3 tỷ đồng, tăng 1,51% so với tháng trước, tăng 14,46% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 205.593,5 tỷ đồng, tăng 13,61% so với cùng kỳ năm trước.
* Hoạt động bán lẻ
- Tháng 11/2024
Doanh thu tháng 11/2024 ước đạt 16.587,5 tỷ đồng, tăng 1,76% so với tháng trước, tăng 15,41% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, doanh thu hoạt động bán lẻ tháng 11 năm 2024 có xu hướng tăng so với tháng trước ở hầu hết các ngành hàng, một số ngành hàng có mức tăng trưởng cao như: hàng may mặc; gỗ và vật liệu xây dựng; đá quý, kim loại quý và sản phẩm… Hàng may mặc do những tháng cuối năm, cùng với các ngành hàng tiêu dùng khác, dệt may tiếp tục có cơ hội tăng trưởng tốt hơn nhờ nhu cầu gia tăng dịp lễ hội, thêm vào đó các nhãn hàng liên tục có các chương trình giảm sâu giá nhằm kích cầu; doanh thu gỗ và vật liệu xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng, sửa chữa tăng vào thời điểm cuối năm.
Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường trong nước, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt.
- Tính chung 11 tháng năm 2024
Doanh thu hoạt động bán lẻ 11 tháng năm 2024 ước đạt 170.959,2 tỷ đồng, tăng 14,24% so với cùng kỳ và tăng ở hầu hết các ngành hàng.
Hoạt động thương mại bán lẻ 11 tháng năm 2024 tiếp tục tăng trưởng ổn định và sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023, các hoạt động ăn uống, du lịch, vui chơi giải trí của các tổ chức, cá nhân, gia đình, học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ hè tăng cao, dẫn đến một số ngành hàng có doanh thu tăng cao như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc…
- Hoạt động dịch vụ
Doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác trên địa bàn thành phố nhìn chung phát triển ổn định; riêng ngành lưu trú, ăn uống và bất động sản vẫn duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Ước tính doanh thu một số ngành dịch vụ như sau:
+ Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 11/2024 ước đạt 179,9 tỷ đồng, giảm 17,07% so với tháng trước và tăng 12,85% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, doanh thu lưu trú đạt 2.386,0 tỷ đồng, tăng 12,90% so với cùng kỳ năm trước.
+ Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 11/2024 ước đạt 2.138,6 tỷ đồng, giảm 3,27% so với tháng trước và tăng 12,48% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, doanh thu ăn uống đạt 21.830,5 tỷ đồng, tăng 13,21% so với cùng kỳ năm trước.
+ Doanh thu du lịch lữ hành tháng 11/2024 ước đạt 12,1 tỷ đồng, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 1,22% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, doanh thu lữ hành ước đạt 266,4 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
+ Doanh thu dịch vụ khác tháng 11/2024 ước đạt 998,2 tỷ đồng, tăng 13,67% so với tháng trước và tăng 4,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 3,41%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 7,14%, hoạt động dịch vụ khác tăng 9,37% so với cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2024, doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 10.151,4 tỷ đồng, tăng 4,91% so với cùng kỳ năm 2023.
7. Hoạt động lưu trú và lữ hành
Tổng lượt khách tháng 11 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 606,0 nghìn lượt, giảm 9,13% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 77,2 nghìn lượt, giảm 3,18% so với tháng trước và tăng 3,44% so với cùng tháng năm trước.
Cộng dồn 11 tháng/2024, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt đạt 8.451,4 nghìn lượt, tăng 13,99% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khách quốc tế ước đạt 909,1 nghìn lượt, tăng 1,05% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với hoạt động lữ hành, tháng 11 lượt khách lữ hành của các cơ sở trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 4,0 nghìn lượt tăng 9,17% so với cùng kỳ. Cộng dồn 11 tháng đầu năm 2024, lượt khách du lịch do các cơ sở lữ hành trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 100,7 nghìn lượt tăng 13,41% so với cùng kỳ.
8. Giao thông vận tải
Hoạt động vận tải trong tháng 11 và 11 tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực cả về vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa do nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa tăng.
Ước tính tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát tháng 11 năm 2024 đạt 11.736,1 tỷ đồng, tăng 11,40% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu các lĩnh vực trong hoạt động vận tải đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 11 tháng năm 2024, doanh thu hoạt động kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải trên địa bàn thành phố đạt 121.899,5 tỷ đồng, tăng 12,57% so với cùng kỳ năm trước.
8.1. Vận tải hàng hoá
Khối lượng hàng hóa vận chuyển trong tháng 11 ước đạt 28,0 triệu tấn, tăng 2,30% so với tháng trước và tăng 8,30% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính 12.416,1 triệu tấn.km, tăng 2,45% so với tháng trước và tăng 7,59% so cùng kỳ năm trước; doanh thu ước tính đạt 5.554,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 2,07% so tháng trước và tăng 9,51% so cùng kỳ năm trước. Hoạt động vận tải hàng hóa tiếp tục có đà tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước khi nguồn hàng và nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng.
Lũy kế 11 tháng/2024, doanh thu ước đạt 57.987,7 tỷ đồng, tăng 10,98%; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 291,7 triệu tấn, tăng 9,20%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 125.185,3 triệu tấn.km, tăng 10,90% so với cùng kỳ năm trước.
8.2. Vận tải hành khách
Tháng 11, doanh thu ước tính đạt 373,5 tỷ đồng, tăng 1,41% so tháng trước và tăng 11,32% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 7,1 triệu lượt hành khách, tương ứng tăng 1,51% so tháng trước và tăng 10,72% so cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 305,1 triệu lượt hành khách.km, tương ứng tăng 1,11% so tháng trước và tăng 10,77% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 11 tháng năm 2024, doanh thu ước đạt 4.095,8 tỷ đồng, tăng 19,69%; số lượt hành khách vận chuyển đạt 78,1 triệu lượt hành khách, tăng 20,42%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 3.406,3 triệu lượt hành khách.km, tăng 21,33% so với cùng kỳ năm trước.
8.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải (cảng, bốc xếp, đại lý vận tải,..) tháng 11 năm 2024 ước tính đạt 5.781,2 tỷ đồng, tăng 4,27% so với tháng trước và tăng 13,26% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ bốc xếp, lưu kho, logistics tăng cao so cùng kỳ do hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng tiếp tục duy trì sự ổn định và phát triển, sản lượng hàng hóa có sự tăng trưởng tốt đã tạo ra nhu cầu lưu thông hàng hóa.
Doanh thu 11 tháng/2024 ước đạt 59.550,4 tỷ đồng, tăng 13,70% so cùng kỳ năm trước. Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng trưởng cao do sản xuất ổn định, lượng hàng hóa dồi dào hơn so với cùng kỳ, hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics tăng đơn hàng và giá cước dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistic, môi giới, hỗ trợ tăng (do giá nguyên vật liệu tăng, chi phí nhân công tăng và nhu cầu thị trường tăng).
8.4. Sân bay Cát Bi
Tháng 11 năm 2024, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 19,0 tỷ đồng, giảm 9,94% so với tháng trước; giảm 1,43% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 11 tháng, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 236,6 tỷ đồng, giảm 12,1% so với cùng kỳ.
Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 11 năm 2024 ước đạt 980 chuyến, giảm 3,64% so với tháng trước, giảm 1,41% so với cùng tháng năm trước. Ước tháng 11 có 80 chuyến bay ngoài nước. Cộng dồn 11 tháng, số lần máy bay hạ, cất cánh ước đạt 11.952 chuyến, giảm 19,85% so với cùng kỳ.
Tổng số hành khách tháng 11 năm 2024 ước đạt 172,0 nghìn lượt người, giảm 2,1% so với tháng trước, giảm 1,42% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 11 tháng, tổng số hành khách vận chuyển ước đạt 2.076,6 nghìn lượt người, giảm 16,28% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số hàng hóa tháng 11 năm 2024 ước đạt 930 tấn, giảm 3,02% so với tháng trước, giảm 16,37% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 11 tháng, tổng số hàng hóa ước đạt 11.405 tấn, giảm 18,35% so với cùng kỳ.
9. Hàng hoá thông qua cảng
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tháng 11/2024 ước đạt 21,63 triệu TTQ, tăng 1,19% so với tháng trước và tăng 14,02% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố 11 tháng đầu năm 2024 đạt 167,39 triệu TTQ, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2023.
* Doanh thu cảng biển 11 tháng đầu năm 2024 đạt 7.195,8 tỷ đồng, tăng 15,84% so với cùng kỳ năm 2023.
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
Trong tháng 11/2024, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội
* Công tác Lao động, việc làm
Sàn giao dịch việc làm tháng 11 năm 2024 ước tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của khoảng 70 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 8.870 lao động, cung lao động tại Sàn được 8.060 lượt người. Ước cấp mới 460 giấy phép lao động, cấp lại 50 giấy phép lao động, gia hạn 250 giấy phép lao động, xác nhận 05 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công, xảy ra 01 vụ tai nạn lao động làm chết 01 người.
Trong 11 tháng đầu 2024, Sàn giao dịch việc làm ước tổ chức được 59 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 1.010 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 143.420 lao động, cung lao động tại Sàn được 106.141 lượt người. Ước cấp mới 4.150 giấy phép lao động, cấp lại 380 giấy phép lao động, gia hạn 1.420 giấy phép lao động, xác nhận 90 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Từ đầu năm đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể; 23 vụ tai nạn lao động chết người làm 23 người chết.
* Công tác Giáo dục nghề nghiệp
Tháng 11 năm 2024, Hoàn thành tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 13/5/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 3473/QĐ-UBND ngày 30/9/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Tổ chức Hội thao thể dục, thể thao, Hội thao giáo dục quốc phòng, an ninh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố năm 2024.
Trong 11 tháng năm 2024, Hoàn thành tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN thành phố năm 2024 và thành lập Đoàn công tác thành phố Hải Phòng tham gia Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024; Phối hợp với Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng tổ chức tư vấn, tuyển sinh đào tạo, đào tạo lại cho người lao động của Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 126/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn thành phố Hải Phòng của năm 2024;
* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháng 11 năm 2024, đã tổ chức tiếp nhận cai nghiện ma túy tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy cho 249 người. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 44 người. Điều trị Methadone toàn thành phố (15 cơ sở) cho 3.369 người, trong đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý 05 cơ sở điều trị cho 962 người. Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã tập trung rà soát, nắm tình hình và kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Trong 11 tháng năm 2024, tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy cho 2.820 lượt người, bằng 153% so với cùng kỳ năm trước. Điều trị Methadone toàn thành phố (15 cơ sở) cho 3.369 người, trong đó 05 cơ sở thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội điều trị cho 962 người, bằng 83% so với cùng kỳ năm trước. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 283 người, bằng 83% so với cùng kỳ năm trước.
2. Giáo dục - Đào tạo
Trong tháng 11/2024, Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai hiệu quả các chuyên đề chuyên môn cấp thành phố nâng cao chất lượng dạy và học; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Phối hợp với Thành Đoàn Hải Phòng và các sở ngành liên quan tổ chức thành công Lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu thành phố năm 2024. Vinh danh 139 học sinh, sinh viên xuất sắc tiểu biểu là các học sinh có giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực; học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và các sinh viên thủ khoa tại các trường đại học.
Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024): tổ chức tiếp xúc với Hội Cựu giáo chức cơ quan; tổ chức Chương trình gặp mặt Kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố; tổ chức thăm gia đình các nhà giáo.
3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm
*Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm
Trong tháng 11/2024, thành phố tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành công tác y tế dự phòng, các bệnh lưu hành và bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi. Điển hình, bệnh sốt xuất huyết lũy tích đến hết ngày 17/11/2024; số ca bệnh: 21.1162 ca (Lê Chân: 8.301 ca; Hải An: 3.030 ca; Ngô Quyền: 4.126 ca).
Thường xuyên cập nhật các thông tin về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi được ghi nhận gần đây, có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phối hợp với các đơn vị y tế khác xử lý ổ dịch không để bùng phát tại cộng đồng. Tăng cường công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa hè: Sốt xuất huyết, viêm não vi rút, cúm mùa. Thành lập tổ báo cáo SXHD; thực hiện báo cáo SXHD trong ngày.
* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong tháng 11/2024, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 34/2024/QĐ-UBND về ban hành Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Kiểm tra đột xuất kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chuyển hồ sơ về Sở Y tế xử phạt cơ sở 37 triệu đồng. Kiểm tra việc đảm bảo ATTP đối với 25 bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn thành phố. Hậu kiểm 05 cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm và thực phẩm bổ sung. Đoàn lấy 06 mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn về thực phẩm (chưa có kết quả kiểm nghiệm).
Thực hiện lấy mẫu giám sát đối với các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn thành phố. Kết quả: 18 mẫu rau củ quả kiểm nghiệm một số chỉ tiêu hóa chất bảo vệ thực vật Metalaxyl, Acetamiprid, Cyhalothrin, Dimethoate, Cypermethrin, Permethrin, Acephate, Chlopyrifos kết quả 100% đạt chỉ tiêu; 04 mẫu thịt chưa qua chế biến kiểm nghiệm các chỉ tiêu dư lượng kháng sinh Chloramphenicol, Tetracycline kết quả 100% mẫu đạt chỉ tiêu.
Trên địa bàn thành phố, trong kỳ báo cáo không có sự cố về vụ ngộ độc thực phẩm.
* Công tác khám chữa bệnh
Triển khai thực hiện Thông tư số 23/2024/TT-BYT ngày 18/10/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.
Thực hiện các quy định, quy trình chuyên môn, quy trình giải quyết, báo cáo sự cố y khoa; thành lập Đoàn thẩm định về đăng ký khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Mắt Hà Nội - Hải Phòng. Thực hiện giám định y khoa đối với bị án theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định.
* Công tác phòng chống HIV/AIDS
Trong tháng ghi nhận 10 ca nhiễm HIV mới; Số người nhiễm HIV đang còn sống đến thời điểm báo cáo là 6.489 trường hợp; Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 5.476 trường hợp. Hiện tại điều trị ARV cho 5.456 người; điều trị PreP cho 1.297 người.
Hiện có 15 cơ sở điều trị Methadone, điều trị 3.390 người, đạt 85 % chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì 95%. Ngành Y tế điều trị cho 2.435 bệnh nhân đạt 72%.
Cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho 1.085 bệnh nhân tại 14 cơ sở điều trị (Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng, Kiến An, Thủy Nguyên, Thủy Triều, Hải An, Thanh Xuân, Hòa Bình, Tiên Lãng, An Lão, An Dương, Vĩnh Bảo). Đồ Sơn 01 cơ sở điều trị chưa cấp thuốc nhiều ngày. Đảm bảo dự trù thuốc Methadone cho tất cả các cơ sở điều trị trên địa bàn thành phố.
4. Văn hóa - Thể thao
Trong tháng 11/2024, thành phố tổ chức tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kinh doanh dịch vụ văn hóa, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên địa bàn, công tác quản lý.
Tiếp tục triển khai hoàn thiện Đề án Đoàn thể thao Hải Phòng tham dự Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố; hoàn thiện nội dung dự thảo Đề án và Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển thể dục, thể thao thành phố Hải Phòng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tiếp tục triển khai Kế hoạch Truyền thông về giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà năm 2024; Kế hoạch hoạt động của Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2024.
Tính đến thời điểm báo cáo, Đoàn vận động viên thành tích cao Hải Phòng đã tham gia thi đấu 143 giải (22 giải Quốc tế, 43 giải Quốc gia, 34 giải trẻ, 44 giải khác), đạt 722 huy chương các loại gồm 215 huy chương vàng, 200 huy chương bạc và 307 huy chương đồng, phá 03 kỷ lục. Tập huấn 06 Huấn luyện viên và 24 vận động viên đội tuyển quốc gia; 02 Huấn luyện viên và 40 vận động viên đội tuyển trẻ quốc gia.
5. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Từ ngày 15/10/2024 đến ngày 14/11/2024, toàn thành phố xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 22 người chết và 23 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông giảm 34 vụ (tương ứng giảm 46,58%), số người chết giảm 05 người (tương ứng giảm 18,52%) và số người bị thương giảm 34 người (tương ứng giảm 59,65%). Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Trong 11 tháng năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 481 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 04 vụ tai nạn giao thông đường sắt và 02 vụ tai nạn giao thông đường thủy. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 212 người và bị thương 362 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 12 vụ (tương ứng giảm 2,4%); số người chết giảm 42 người (tương ứng giảm 16,54%) và số người bị thương tăng 01 người (tương ứng tăng 0,28%).
6. Công tác phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/10/2024 đến ngày 14/11/2024, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 22 vụ cháy, tăng 05 vụ so với cùng kỳ năm trước; không gây thiệt hại về người; các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản.
Trong 11 tháng năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 217 vụ cháy, tăng 112 vụ so với cùng kỳ năm trước; số người chết là 04 người, giảm 04 người so với cùng kỳ năm trước và bị thương 01 người, giảm 03 người so với cùng kỳ năm trước; nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao tại một số nhà dân và cơ quan, doanh nghiệp; một số vụ cháy thảm thực bì rừng; các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.
Tác giả: CỤC THỐNG KÊ TP HẢI PHÒNG
-
Thông cáo báo chí Tình hình kinh tế - Xã hội thành phố Hải Phòng năm 2024
03/01/2025 -
Infographic tình hình Kinh tế - Xã hội năm 2024 thành phố Hải Phòng
03/01/2025 -
Infographic tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
02/12/2024 -
Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
04/11/2024 -
Infographic tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
04/11/2024 -
Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, 9 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
08/10/2024 -
Infographic tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 9, 9 tháng đầu năm 2024 thành phố Hải Phòng
02/10/2024
- Hải Phòng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước
- Dấu ấn tăng trưởng tạo đà bứt phá năm 2025
- Thành phố Hải Phòng: Dấu ấn đậm nét trong phát triển kinh tế -xã hội năm 2024
- Thống kê kết hợp với dữ liệu tạo ra lực lượng sản xuất mới trong thời đại số
- Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải đáp thắc mắc về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025