Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 8, 8 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 8, 8 THÁNG NĂM 2024
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Hoạt động tài chính, ngân hàng
1.1 Tài chính
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 8/2024 ước đạt 9.417,9 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 3.785,4 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 5.632,5 tỷ đồng. Ước 8 tháng/2024 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 79.319,2 tỷ đồng, đạt 74,30% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 134,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 36.745,7 tỷ đồng, đạt 81,66% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 184,96% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 41.629,3 tỷ đồng, đạt 69,38% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố và bằng 110,88% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 8/2024 ước đạt 2.779,9 tỷ đồng. Ước 8 tháng/2024, tổng chi ngân sách địa phương đạt 17.511,1 tỷ đồng, đạt 44,03% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 93,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tổng chi đầu tư phát triển ước đạt 8.227,5 tỷ đồng, đạt 40,97% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 79,91% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 9.075,2 tỷ đồng, đạt 56,45% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 109,51% so với cùng kỳ năm trước.
1.2. Ngân hàng
* Công tác huy động vốn
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/8/2024 đạt 348.228 tỷ đồng, tăng 11,13% so với cùng kỳ năm trước.
* Công tác tín dụng
Tổng dư nợ cho vay đến 31/8/2024 ước đạt 229.768 tỷ đồng, tăng 20,91% so với cùng kỳ năm trước.
2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới; nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt giảm là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2024 giảm 0,07% so với tháng trước; tăng 2,14% so với tháng 12/2023 và tăng 2,77% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ.
So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 8/2024 giảm 0,07% (khu vực thành thị giảm 0,07%; khu vực nông thôn giảm 0,06%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 6 nhóm có chỉ số giá giảm, 5 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước.
So với tháng 12/2023, CPI tháng 8/2024 tăng 2,14%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm hàng tăng giá và 1 nhóm giảm giá.
So cùng kỳ năm trước, CPI tháng 8/2024 tăng 2,77%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 8 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm hàng giảm giá.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2024 tăng 3,29% so với cùng kỳ.
Một số nguyên nhân làm tăng CPI 8 tháng đầu năm 2024
- Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 8 tháng năm 2024 tăng 3,75% so với cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 1,38 điểm phần trăm.
- Nhóm nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu thuê nhà ở tăng và nhu cầu tiêu thụ điện, nước tăng tăng vào dịp lễ, Tết và vào mùa hè. Trong đó, giá nhà ở thuê tăng 4,89%; giá điện sinh hoạt tăng 7,07%; nước sinh hoạt tăng 4,55%.
- Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,61% so với cùng kỳ năm trước do giá khám chữa bệnh được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
Một số nguyên nhân làm giảm CPI 8 tháng đầu năm năm 2024
- Giá bưu chính, viễn thông giảm 3,59% so với cùng kỳ do giá một số loại thiết bị điện thoại model cũ giảm giá, làm CPI chung giảm 0,13 điểm phần trăm.
- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,31%, do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thuộc nhóm đồ dùng và thiết bị gia đình thấp trong khi lượng hàng tồn kho tại các đại lý, cửa hàng điện máy cao. Do đó, các đại lý và cửa hàng đã giảm giá kích cầu tiêu dùng.
* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ:
- Chỉ số giá vàng tháng 8/2024 tăng 1,28% so với tháng trước, tăng 24,32% so với tháng 12/2023 và tăng 35,93% so với cùng kỳ. Bình quân 8 tháng đầu năm 2024, giá vàng trong nước tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước.
- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2024 giảm 0,53% so với tháng trước, tăng 3,41% so với tháng 12/2023 và tăng 5,66% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 8/2024 dao động ở mức 25.318 đồng/USD, giảm 136 đồng/USD. Bình quân 8 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 5,67% so với cùng kỳ.
3. Đầu tư
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được các cấp, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8/2024 ước tăng 8,96% so với tháng trước; tính chung 8 tháng năm 2024 ước đạt 49,81% so với kế hoạch năm và giảm 4,45% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8/2024 ước đạt 1.869,5 tỷ đồng, giảm 14,44% so với cùng kỳ năm 2023. Chia ra: vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 1.148,6 tỷ đồng, giảm 23,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 607,6 tỷ đồng, tăng 5,47%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 113,3 tỷ đồng, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 9.948,5 tỷ đồng, giảm 4,45% so với cùng kỳ năm 2023. Chia ra: vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 7.026,1 tỷ đồng, giảm 7,64%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 2.418,6 tỷ đồng, tăng 4,52%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 503,8 tỷ đồng, tăng 2,66% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố được đẩy mạnh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra như: Dự án Cầu Bến Rừng đã hoàn thành; dự án Xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố; dự án đầu tư xây dựng công trình trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm, các công trình xây dựng xã nông thôn kiểu mới, xây dựng, sửa chữa trường học, trụ sở UBND, nhà văn hóa, đường đô thị, liên xã, liên thôn,…
* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 20/8/2024 Hải Phòng có 976 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 30,9 tỷ USD. Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến 20/8/2024 đạt 1.700,54 triệu USD, trong đó:
Cấp mới 75 dự án với số vốn cấp mới là 423,37 triệu USD. Cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế 43 dự án, đạt 370,66 triệu USD, (chiếm 87,55%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 32 dự án đạt 52,71 triệu USD (chiếm 12,45%).
Điều chỉnh tăng vốn đầu tư 50 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 857,08 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế 39 dự án, vốn đầu tư tăng 802,14 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 11 dự án, vốn đầu tư tăng là 54,93 triệu USD.
Thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 23 lượt, số vốn đầu tư đăng ký: 420,09 triệu USD. Trong khu công nghiệp, khu kinh tế: 04 lượt, vốn đầu tư đăng ký 15,52 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế: 19 lượt, đăng ký 404,57 triệu USD.
Từ đầu năm đến 20/8/2024, có 30 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động, trong đó có 10 dự án nằm trong khu công nghiệp, 20 dự án ngoài khu công nghiệp.
4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 8/2024, thời vụ gieo cấy lúa vụ Mùa đã kết thúc, thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng. Tổng đàn vật nuôi có xu hướng ổn định; công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng triển khai và thực hiện có hiệu quả. Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản được duy trì và phát triển ổn định.
4.1. Nông nghiệp
* Trồng trọt
Tiến độ sản xuất vụ Mùa
Tính đến trung tuần tháng 8/2024, diện tích gieo cấy lúa vụ Mùa ước đạt 28.045,6 ha, bằng 99,63% so với vụ Mùa năm trước, các trà lúa sinh trưởng phát triển, thuận lợi, đang trong giai đoạn bén rễ hồi xanh đến đẻ nhánh rộ.
Các loại cây rau màu chủ lực của vụ Mùa tiếp tục mở rộng diện tích; một số vùng sản xuất rau, củ, quả tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được triển khai trên địa bàn thành phố. Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm khác ước đạt như sau: Cây ngô đạt 172,5 ha, bằng 64,46% so với cùng kỳ năm trước; rau muống đạt 655,3 ha, bằng 89,53%; cải xanh đạt 310,5 ha, bằng 40,94%; dưa lấy quả các loại đạt 247,2 ha, bằng 77,11; hoa các loại 180,6 ha…
Trên cây lúa tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại ước 942 ha, giảm 2,87 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ốc bươu vàng nhiễm 735 ha; rầy lưng trắng nhiễm 5 ha; sâu đục thân hai chấm nhiễm 47,5 ha... Trên cây rau màu một số sinh vật gây hại phát sinh: sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô; ruồi đục quả trên cây mướp, bầu bí; dòi đục lá, bệnh sương mai gây hại trên cây đậu, đỗ; bọ nhảy trên cây rau họ thập tự.... Tổng diện tích nhiễm ước 105 ha, cao hơn 53 ha so cùng kỳ năm trước.
* Chăn nuôi
Ước tính tháng 8 năm 2024, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: Tổng đàn trâu đạt 4.168 con, giảm 1,04% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò đạt 7.068 con, giảm 1,63%.
Tổng đàn lợn hiện có trên địa bàn thành phố ước đạt 146.682 con, tăng 1,12% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn gia cầm ước đạt 8.556,8 nghìn con, tăng 1,46% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà đạt 7.038,9 nghìn con, tăng 2,86%.
Thời điểm đầu tháng 8 giá lợn giống giảm 1,26% so với tháng trước; giá gà ta giống tăng 1,31%. Chi phí thức ăn chăn nuôi trong tháng giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm trước; các chi phí thuốc phòng chữa bệnh, điện... tăng cao do thời tiết nắng nóng.
Giá sản phẩm chăn nuôi lợn đã hồi phục về mức người chăn nuôi có lợi nhuận, trong tháng giá lợn hơi xuất chuồng trung bình đạt 66,12 nghìn đồng/kg; giá sản phẩm chăn nuôi gia cầm giữ ổn định.
* Tình hình dịch bệnh:
Tính đến ngày 15/8/2024, bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố đã xảy ra tại 33 hộ, 11 thôn, 06 xã thuộc huyện An Dương, Kiến Thụy và Thủy Nguyên; số lợn tiêu hủy bắt buộc do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi 575 con (28 con lợn nái, 04 con lợn đực giống, 511 con lợn thịt và 32 con lợn con), trọng lượng lợn tiêu hủy 23.497kg. Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh và nhiều ngày không phát hiện ổ dịch mới.
4.2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng 8 năm 2024 nhìn chung ổn định. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 75,1 m3, bằng 99,34% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác 3.243,9 ste, bằng 99,51%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 22,5 nghìn cây, bằng 96,57% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 8 tháng/2024, sản lượng gỗ khai thác đạt 888,6 m3, bằng 100,05% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 23.622,8 ste, bằng 98,98%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 154,9 nghìn cây, bằng 99,94% so với cùng kỳ.
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn được các cấp ngành quan tâm do vậy trong tháng toàn thành không xảy ra vụ cháy rừng và chặt phá rừng trái phép.
4.3. Thủy sản
Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 8 năm 2024 ước đạt 16.388,1 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 8 tháng/2024, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 133.756,1 tấn, tăng 1,86% so với cùng kỳ năm trước.
* Nuôi trồng
Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 8/2024 ước đạt 6.700,6 ha, tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Ước 8 tháng/2024, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 10.480,7 ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 8/2024 ước đạt 5.917,3 tấn, tăng 4,78% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 8 tháng/2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 52.102,5 tấn, tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá các loại đạt 45.697,6 tấn, tăng 40,71%; tôm các loại đạt 4.780,6 tấn, tăng 3,39%; thủy sản khác đạt 1.624,3 tấn, bằng 11,91%.
* Khai thác
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 8/2024 ước đạt 10.470,8 tấn, tăng 1,26% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 8 tháng/2024, sản lượng thủy sản khai thác đạt 81.653,6 tấn, tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá các loại đạt 51.376,5 tấn, tăng 1,56%; tôm các loại đạt 6.148,5 tấn, tăng 0,82%; thủy sản khác đạt 24.128,6 tấn, tăng 0,97%.
5. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng Tám tăng 17,24% so với tháng trước và tăng 11,93% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 15,14% so với cùng kỳ năm trước , trong đó một số ngành công nghiệp tiếp tục có những kết quả nổi bật, đóng góp tích cực vào mức tăng chung như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất xe có động cơ; sản xuất thiết bị điện...
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2024 ước tính tăng 17,24% so với tháng 7/2024 và tăng 11,93% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 29,39%, làm giảm 0,06 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,88%, đóng góp 15,07 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 1,58%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,19%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong 8 tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 127,04%; sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp tăng 90,30%; sản xuất giấy và bìa nhăn, bao bì từ giấy tăng 68,91%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 53,79%; sản xuất xe có động cơ tăng 53,60%; sản xuất dao kéo, dụng cụ cầm tay và đồ kim loại thông dụng tăng 52,75%;...
Ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: chế biến và bảo quản rau quả giảm 63,49%; sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh giảm 61,82% so với cùng kỳ; sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động giảm 38,21%; sản xuất săm, lốp cao su giảm 26,26%; khai thác đá, cát giảm 29,39%;...
* Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2024 ước tăng 8,14% so với tháng 7/2024 và tăng 0,64% so với cùng kỳ năm trước, cộng dồn 8 tháng đầu năm chỉ số tiêu thụ tăng 10,95% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 177,38%; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép tăng 59,55%; sản xuất xe có động cơ tăng 51,66%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 49,99%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 32,23%;...
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh giảm 61,99%; chế biến và bảo quản thủy sản giảm 37,85%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 20,17%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 11,20%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 10,71%; may trang phục giảm 5,35%;...
* Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/8/2024 dự kiến tăng 11,58% so với tháng trước và tăng 3,86% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng tăng 154,73%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 142,85%; sản xuất đồ gỗ xây dựng tăng 50,51%; sản xuất dây cáp, dây điện tăng 43,67%; sản xuất sản phẩm hóa chất khác tăng 43,60%;...
Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: sản xuất plastic và cao su tổng hợp giảm 96,74%; sản xuất các cấu kiện kim loại giảm 79,21%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 61,34%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản giảm 41,65%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 39,93%;...
* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng đầu năm 2024 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: thiết bị ngoại vi của máy vi tính sản xuất đạt 24,9 triệu sản phẩm, tăng 139,38% so với cùng kỳ; máy tính xách tay sản xuất đạt 541,3 nghìn cái, tăng 117,37%; máy cắt cỏ sản xuất đạt 2,2 triệu cái, tăng 90,30%; tủ lạnh sản xuất đạt 466.130 chiếc, tăng 71,97%; màn hình oled tivi sản xuất đạt 2,1 triệu chiếc, tăng 61,42%;;…
Một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ: tổ máy phát điện khác sản xuất đạt 357 bộ, giảm 55,32%; lốp cao su sản xuất đạt 1.524,6 nghìn chiếc, giảm 26,26%; máy chơi game sản xuất đạt 566.530 chiếc, giảm 25,39%; máy in văn phòng sản xuất đạt 773,9 nghìn chiếc giảm 9,74%;...
* Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2024 dự kiến tăng 1,65% so với cùng thời điểm tháng 7/2024 và tăng 7,41% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó lao động ở cả ba khu vực doanh nghiệp đều tăng: khu vực nhà nước tăng 0,71%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 2,05%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,70%.
Tại thời điểm trên, trong các ngành kinh tế cấp I chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng giảm 54,84% so cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,72%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,84%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,77%.
6. Thương mại, dịch vụ
Tháng 8/2024 là thời điểm dịp lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch) diễn ra theo truyền thống của người Việt nên nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, vật phẩm tâm linh tăng cao. Ngoài ra, việc chuẩn bị cho năm học mới cũng tác động làm tăng doanh thu một số ngành như: may mặc, vật phẩm văn hóa, giáo dục, dịch vụ vận tải hàng hóa… Tuy nhiên, do tâm lí của nhiều người dân hạn chế đi lại, đi chơi, du lịch trong tháng này nên nhu cầu về thăm quan, du lịch, ăn uống ngoài gia đình giảm so với tháng trước.
6.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 năm 2024 ước đạt 19.189,0 tỷ đồng, tăng 1,21% so với tháng trước, tăng 14,03% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 146.859,2 tỷ đồng, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu chia theo ngành hoạt động cụ thể như sau:
- Hoạt động bán lẻ:
Doanh thu tháng 8/2024 ước đạt 15.715,1 tỷ đồng, tăng 1,65% so với tháng trước, tăng 14,01% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động bán lẻ tháng 8 năm 2024 có xu hướng tăng so với tháng trước ở hầu hết các ngành hàng; một số ngành hàng có mức tăng trưởng cao như: lương thực, thực phẩm tăng cao do trong tháng này có ngày rằm tháng Bảy âm lịch (Tết Vu Lan), nhu cầu về các hoạt động mua sắm các loại thực phẩm, rau xanh, hoa quả tươi, vàng mã... rất sôi động, sức mua hiện tăng 15-20% so với năm trước; doanh thu ngành hàng may mặc tăng do tháng này tiếp tục là tháng cao điểm trong mùa du lịch biển, học sinh được nghỉ hè nên nhu cầu ăn uống, đi lại, mua sắm quần áo hè của người tiêu dùng tăng, thêm vào đó là các nhãn hàng liên tục có các chương trình giảm giá nhằm kích cầu. Doanh thu ngành hàng vật phẩm, văn hóa, giáo dục tiếp tục tăng do tính chất mùa vụ, để chuẩn bị cho năm học mới nhu cầu mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh tăng cao. Nhóm ngành hàng nhiên liệu, năng lượng có xu hướng tăng chậm hơn so với tháng trước do giá giảm, việc giá xăng dầu giảm giúp giá cả một số loại hàng hóa, dịch vụ giảm theo…
Doanh thu hoạt động bán lẻ 8 tháng năm 2024 ước đạt 121.910,5 tỷ đồng, tăng 13,63% so với cùng kỳ và tăng ở hầu hết các ngành hàng. Hoạt động thương mại bán lẻ 8 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng ổn định, không có biến động lớn và sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023. Các hoạt động ăn uống, du lịch, vui chơi giải trí của các tổ chức, cá nhân, gia đình, học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ hè tăng cao, dẫn đến một số ngành hàng có doanh thu tăng cao như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc…. Nguồn cung các mặt hàng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp. Các hoạt động ăn uống, du lịch, vui chơi giải trí của các tổ chức, cá nhân, gia đình, học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ hè, các dịp nghỉ lễ,… làm một số ngành hàng có doanh thu tăng cao như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu, xăng dầu...
- Hoạt động dịch vụ:
Hoạt động du lịch, dịch vụ trong tháng tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ. Nhìn chung 8 tháng đầu năm 2024, các hoạt động lưu trú, ăn uống, lữ hành đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt, hoạt động của các nhà hàng, quán ăn vẫn rất sôi động nhất là vào các dịp nghỉ lễ và các ngày cuối tuần.
Doanh thu các ngành dịch vụ ước tính tháng 8 và 8 tháng năm 2024 như sau:
+ Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 8 năm 2024 ước đạt 280,5 tỷ đồng, giảm 12,18% so với tháng trước và tăng 24,28% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng/2024, doanh thu lưu trú đạt 1.812,5 tỷ đồng, tăng 17,65% so với cùng kỳ năm trước.
+ Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 8 năm 2024 ước đạt 2.193,5 tỷ đồng, tăng 2,57% so với tháng trước và tăng 13,94% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng/2024, doanh thu ăn uống đạt 15.505,7 tỷ đồng, tăng 14,83% so với cùng kỳ năm trước.
+ Doanh thu du lịch lữ hành tháng 8 năm 2024 ước đạt 41,2 tỷ đồng, giảm 32,65% so với tháng trước, và tăng 12,79% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng/2024, dịch vụ du lịch lữ hành đạt 227,2 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ năm trước.
+ Doanh thu dịch vụ khác tháng 8 năm 2024 ước đạt 958,6 tỷ đồng, giảm 2,27% so với tháng trước và tăng 11,85% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng/2024, dịch vụ khác ước đạt 7.403,2 tỷ đồng tăng 5,21% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với ngành bất động sản thành phố tiếp tục có các dự án nhà ở xã hội đang được hoàn thiện được triển khai. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng lao động từ các khu vực khác được kéo về các khu công nghiệp làm bùng nổ nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở xã hội.
6.2. Hoạt động lưu trú và lữ hành
Tổng lượt khách tháng 8 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 1.028,8 nghìn lượt, giảm 17,26% so với tháng trước và tăng 22,36% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 84,3 nghìn lượt, giảm 9,67% so với tháng trước và tăng 1,99% so với cùng tháng năm trước.
Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ đạt 6.562,4 nghìn lượt, tăng 17,66% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt gần 680,2 nghìn lượt, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với hoạt động lữ hành, tháng 8 lượt khách lữ hành của các cơ sở trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 21,1 nghìn lượt, giảm 11,59% so với tháng trước, và tăng 3,03% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2024, lượt khách du lịch do các cơ sở lữ hành trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 85,8 nghìn lượt tăng 11,75% so với cùng kỳ.
6.3. Giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông
Hoạt động vận tải trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực cả về vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa do nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa tăng.
Ước tính tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát tháng 8 năm 2024 đạt 11.050,9 tỷ đồng, tăng 12,94% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực trong hoạt động vận tải đều có mức tăng trưởng cao về doanh thu so với cùng kỳ năm trước.
6.3.1. Vận tải hàng hoá
Khối lượng hàng hóa vận chuyển trong tháng 8/2024 ước tính đạt đạt 26,6 triệu tấn, tăng 1,15% so với tháng trước và tăng 8,12% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính 11.578,4 triệu tấn.km, tăng 0,20% so với tháng trước và tăng 8,26% so cùng kỳ năm trước; doanh thu ước tính đạt 5.290,7 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,45% so tháng trước và tăng 10,54% so cùng kỳ năm trước. Hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ tiếp tục có đà tăng trưởng khả quan khi nguồn hàng và nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng.
Ước tính cộng dồn 08 tháng, doanh thu ước đạt 41.849,5 tỷ đồng, tăng 12,23%; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 210,7 triệu tấn, tăng 10,53%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 89.894,8 triệu tấn.km, tăng 13,75% so với cùng kỳ năm trước.
6.3.2. Vận tải hành khách
Trong tháng 8/2024, doanh thu ước tính đạt 379,4 tỷ đồng, giảm 2,58% so tháng trước và tăng 16,69% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 7,4 triệu lượt hành khách, tương ứng giảm 1,92% so tháng trước và tăng 18,67% so cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 314,4 triệu lượt hành khách.km, tương ứng tăng tăng 19,27% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 8 tiếp tục là tháng cao điểm trong mùa du lịch hè, tuy nhiên do thời tiết trong tháng mưa nhiều, sang tiết trời lập thu nên lượng hành khách đi du lịch có xu hướng giảm so với các tháng cao điểm của mùa du lịch hè trước đó.
Ước tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, doanh thu ước đạt 2.993,7 tỷ đồng, tăng 23,52%; số lượt hành khách vận chuyển đạt 57,1 triệu lượt hành khách, tăng 24,80%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 2.501,4 triệu lượt hành khách.km, tăng 25,76% so với cùng kỳ năm trước.
6.3.3. Hoạt động hỗ trợ vận tải
Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải (cảng, bốc xếp, đại lý vận tải...) tháng 8 ước đạt 43.021,2 tỷ đồng, tăng 14,14% so cùng kỳ năm trước.
Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng trưởng cao do lượng hàng hóa dồi dào hơn so với năm trước, hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics tăng đơn hàng và giá cước dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistics, môi giới, hỗ trợ tăng (do giá nguyên vật liệu tăng, chi phí nhân công tăng, giá cho thuê tàu tăng và nhu cầu thị trường tăng).
Doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước tính đạt 187,9 tỷ đồng, tăng 14,14% so với cùng kỳ năm trước.
6.3.4. Vận tải đường sắt
Tổng doanh thu tháng 8 năm 2024 của Ga Hải Phòng ước đạt 8,5 tỷ đồng, giảm 7,47% so với cùng kỳ. Cộng dồn 8 tháng đầu năm tổng doanh thu của Ga Hải Phòng ước đạt 89,7 tỷ đồng, tăng 39,52% so với cùng kỳ năm trước.
6.3.5. Vận tải hàng không
Tháng 8 năm 2024, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 24,4 tỷ đồng, giảm 9,22% so với tháng trước; giảm 4,37% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 8 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 176,29 tỷ đồng, giảm 15,1% so với cùng kỳ.
Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 8 năm 2024 ước đạt 1.156 chuyến, giảm 11,82% so với tháng trước, giảm 16,23% so với cùng tháng năm trước. Ước tháng 8 có 56 chuyến bay ngoài nước. Cộng dồn 8 tháng đầu năm, số lần máy bay hạ, cất cánh ước đạt 8.940 chuyến, giảm 23,99% so với cùng kỳ.
Tổng số hành khách tháng 8 năm 2024 ước đạt 202 ngàn lượt người, giảm 18,13% so với tháng trước, giảm 15,83% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 8 tháng đầu năm, tổng số hành khách vận chuyển ước đạt 1.556,99 ngàn lượt người, giảm 19,54% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số hàng hóa tháng 8 năm 2024 ước đạt 1.030 tấn, tăng 1,48% so với tháng trước, giảm 16,46% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 8 tháng, tổng số hàng hóa ước đạt 8.846 tấn, giảm 15,45% so với cùng kỳ.
6.4. Hàng hoá thông qua cảng
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tháng 8 năm 2024 ước đạt 16,196 triệu TTQ, tăng 8,23% so với tháng trước và tăng 12,08% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước tháng 8 năm 2024 đạt 4,96 triệu TTQ, tăng 13,68% so với tháng trước, tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước.
- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 11,236 triệu TTQ, tăng 5,98% so với tháng trước, tăng 18,38% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố 8 tháng đầu năm 2024 đạt 108,276 triệu TTQ, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm 2023 trong đó: Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước đạt 35,361 triệu TTQ tăng 3,85% so với cùng kỳ; Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 72,915 tăng 15,51% so với cùng kỳ năm trước.
* Doanh thu cảng biển 8 tháng đầu năm 2024 đạt 5.139,9 tỷ đồng, tăng 16,63% so với cùng kỳ năm 2023.
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
Trong tháng 8/2024, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội
* Công tác Lao động, việc làm
Tháng 8 năm 2024, Sàn giao dịch việc làm ước tổ chức 03 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm với sự tham gia tuyển dụng của khoảng 40 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 7.350 lao động, cung lao động tại Sàn được 8.800 lượt người; tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ước cho 1.580 người, giảm 28,63% so với cùng kỳ (năm 2023 là 2.214 người), số người có quyết định hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp ước được 2.080 người, giảm 3,53% so với cùng kỳ (năm 2023 là 2.156 người). Ước cấp mới 450 giấy phép lao động, cấp lại 70 giấy phép lao động, gia hạn 220 giấy phép lao động, xác nhận 10 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công, không xảy ra tai nạn lao động làm chết người.
Trong 8 tháng năm 2024, Sàn giao dịch việc làm ước tổ chức được 41 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 720 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 106.110 lao động, cung lao động tại Sàn được 67.660 lượt người. Số người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 13.980 người, giảm 15,98% so với cùng kỳ (năm 2023 là 16.639 người); số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 13.780 người, giảm 12,21% so với cùng kỳ (năm 2023 là 15.696 người) với số tiền 367,4 tỷ đồng, giảm 2,74% so với cùng kỳ năm 2023 (377,76 tỷ đồng); qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 13.980 người. Ước cấp mới 2.840 giấy phép lao động, cấp lại 275 giấy phép lao động, gia hạn 900 giấy phép lao động, xác nhận 75 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Từ đầu năm đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể; trên địa bàn thành phố xảy ra 12 vụ tai nạn lao động chết người làm 12 người chết (tăng 06 vụ và 05 người chết so với cùng kỳ năm 2023).
* Công tác Giáo dục nghề nghiệp
Đến hết tháng 8/2024, trên địa bàn thành phố có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (16 trường cao đẳng, 09 trường trung cấp, 14 trung tâm GDNN) và 25 cơ sở hoạt động GDNN giáo dục nghề nghiệp (14 trung tâm GDNN và GDTX quận, huyện và 11 doanh nghiệp); Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ước đạt 31.200 học viên (trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp ước đạt khoảng 8.300 sinh viên) đạt 57,8% kế hoạch năm và bằng 104% so với cùng kỳ năm 2023.
* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháng 8 năm 2024, đã tổ chức tiếp nhận cai nghiện ma túy tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy cho 152 người. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 20 người. Điều trị Methadone toàn thành phố (15 cơ sở) cho 3.467 người, trong đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý 05 cơ sở điều trị cho 1.001 người. Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã tập trung rà soát, nắm tình hình và kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Trong 8 tháng năm 2024, tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy cho 2.329 lượt người, bằng 156,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều trị Methadone toàn thành phố (15 cơ sở) cho 3.467 người, trong đó 05 cơ sở thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội điều trị cho 1.247 người, bằng 90,69% so với cùng kỳ năm trước. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 187 người, bằng 77,27% so với cùng kỳ năm trước. Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã tiến hành rà soát nắm tình hình, kiểm tra 54 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố, trong đó có 36 cơ sở kinh doanh dịch vụ trong kế hoạch đã được phê duyệt và kiểm tra đột xuất 18 cơ sở kinh doanh dịch vụ. Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 09/8/2024 trên địa bàn thành phố Hải Phòng phát hiện 02 vụ mua bán người với 02 nạn nhân bị mua bán, trong đó 01 nạn nhân người tỉnh ngoài (Lào Cai) và 01 nạn nhân người Hải Phòng.
2. Giáo dục - Đào tạo
Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ X được tổ chức tại Hải Phòng đầu tháng 8 với sự tham dự của gần 10.000 vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ của 63 tỉnh, thành phố thi đấu 15 môn tại 19 địa điểm trên toàn thành phố. Phối hợp tổ chức thành công Lễ khai mạc (ngày 28/7/2024), Lễ bế mạc (ngày 6/8/2024) Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ X. Đoàn Hải Phòng đứng thứ 3 toàn đoàn về điểm số và sở hữu 42 Huy chương Vàng, 70 Huy chương Bạc, 113 Huy chương Đồng.
Tổ chức các hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 với từng bậc học và cấp học (giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học); Hội nghị năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở GDĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức Lễ Khai giảng, tổ chức dạy và học năm học 2024-2025. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình và nhiệm vụ năm học cho các bậc học, cấp học. Triển khai kiểm tra hồ sơ, rà soát kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 đối với các trường THPT trên địa bàn thành phố; kiểm tra công tác chuẩn bị năm học 2024-2025 tại các đơn vị.
3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm
*Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm
Trong tháng 8/2024, thành phố tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành công tác y tế dự phòng, các bệnh lưu hành và bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi. Điển hình, trong kỳ báo cáo ghi nhận 4.307 ca sốt xuất huyết, tăng 1.890 ca so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 4.289 ca (năm 2023 ghi nhận 18 ca).
Thường xuyên cập nhật các thông tin về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi được ghi nhận gần đây, có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phối hợp với các đơn vị y tế khác xử lý ổ dịch không để bùng phát tại cộng đồng. Tăng cường công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa hè: Sốt xuất huyết, viêm não vi rút, cúm mùa...vv. Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại 2 quận Lê Chân và Ngô Quyền.
* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong tháng 8/2024, kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì. Hiện tại kiểm tra được 36 cơ sở, đoàn kiểm tra lấy 02 mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền gửi CDC Hải Phòng thử nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm, kết quả 02/02 mẫu đạt, không xử phạt vi phạm hành chính về ATTP.
Tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại các khu vực lễ hội; đặc biệt đối với thức ăn đường phố; bếp ăn tập thể khu công nghiệp…, hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
* Công tác khám chữa bệnh
Thực hiện giám định y khoa để xem xét công nhận giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân; tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động phòng chống lao năm 2024; thành lập Đoàn kiểm tra sự cố y khoa tại Bệnh viện Phụ sản Tâm Phúc.
Số cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh BHYT:
- Tỷ lệ bao phủ BHYT: Số người tham gia BHYT là 1.960.939 người, đạt tỷ lệ 93,8% dân số toàn thành phố tham gia BHYT.
- BHXH thành phố ký hợp đồng với 56 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó:
- Tuyến tỉnh: 13 cơ sở khám chữa bệnh (9 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 03 bệnh viện Bộ ngành, 01 Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố).
- Tuyến Huyện: 43 cơ sở:
+ 19 cơ sở công lập gồm: 01 BV bộ ngành, 02 phòng khám đa khoa thuộc bộ ngành, 16 trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa quận, huyện.
+ 24 cơ sở ngoài công lập: 8 bệnh viện đa khoa, 01 bệnh viện chuyên khoa, 15 phòng khám đa khoa.
- Bệnh viện đa khoa quận/huyện đã ký cho 120 Trạm y tế xã khám chữa bệnh BHYT.
* Công tác phòng chống HIV/AIDS
Trong tháng báo cáo, ghi nhận 18 ca nhiễm HIV mới; Số người nhiễm HIV đang còn sống đến thời điểm báo cáo là 6.465 trường hợp; Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 5.468 trường hợp. Hiện tại điều trị ARV cho 5.472 người; điều trị PreP cho 1.316 người.
Tổng số cơ sở điều trị Methadone 15 cơ sở tổng số bệnh nhân, điều trị 3.488 người, đạt 87% chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì 95%. Ngành Y tế điều trị cho 2.511 bệnh nhân đạt 72%. Cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho 1.083 bệnh nhân tại 13 cơ sở điều trị.
4. Văn hóa - Thể thao
Trong tháng 8/2024, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện các Chương trình nghệ thuật thuộc Đề án Nghệ thuật đường phố; các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật vào các ngày cuối tuần tại Nhà Kèn vườn hoa Nguyễn Du, thành phố Hải Phòng; các chương trình theo Kế hoạch Sáng đèn Nhà hát thành phố; Các chương trình văn hoá, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ Chính trị trên địa bàn thành phố, biểu diễn phục vụ nhân dân thành phố, công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa nghệ thuật hưởng ứng, chào mừng, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của thành phố và đất nước.
Đặc biệt, chào mừng Kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2024), thành phố đã tổ chức chương trình khởi động các hoạt động tuyến phố đi bộ Quang Trung, phường Phan Bội Châu. Đây là phố đi bộ đầu tiên của quận Hồng Bàng nằm trong kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm và quảng bá văn hóa đặc trưng của quận và thành phố.
5. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Từ ngày 15/7/2024 đến ngày 14/8/2024, toàn thành phố xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 12 người chết và 30 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông giảm 07 vụ (tương ứng giảm 17,95%), số người chết giảm 10 người (tương ứng giảm 45,45%) và số người bị thương giảm 02 người (tương ứng giảm 6,25%). Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 359 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 04 vụ tai nạn giao thông đường sắt và 02 vụ tai nạn giao thông đường thủy. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 160 người và bị thương 262 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 44 vụ (tương ứng tăng 13,71%); số người chết giảm 16 người (tương ứng giảm 9,09%) và số người bị thương tăng 45 người (tương ứng tăng 20,74%).
6. Công tác phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/7/2024 đến ngày 14/8/2024, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 13 vụ cháy, giảm 07 vụ so với cùng kỳ năm trước; không gây thiệt hại về người; các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 154 vụ cháy, tăng 93 vụ so với cùng kỳ năm trước; số người chết là 04 người, giảm 02 người so với cùng kỳ năm trước và bị thương 01 người, bằng cùng kỳ năm trước; nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao tại một số nhà dân và cơ quan, doanh nghiệp; một số vụ cháy thảm thực bì rừng; các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.
Tác giả: CỤC THỐNG KÊ TP HẢI PHÒNG
-
Infographic tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 9, 9 tháng đầu năm 2024 thành phố Hải Phòng
02/10/2024 -
Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, 9 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
08/10/2024 -
Infographic tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 8, 8 tháng đầu năm 2024 thành phố Hải Phòng
04/09/2024 -
Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 7, 7 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
29/07/2024 -
Infographic tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 7, 7 tháng đầu năm 2024 thành phố Hải Phòng
29/07/2024 -
Số liệu thống kê chủ yếu 6 tháng đầu năm 2024 thành phố Hải Phòng
28/06/2024 -
Thông cáo báo chí tình hình Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm 2024 thành phố Hải Phòng
28/06/2024
- Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, 9 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
- Infographic tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 9, 9 tháng đầu năm 2024 thành phố Hải Phòng
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bão Yagi có thể khiến GDP năm 2024 của Việt Nam giảm 0,15%
- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025