Chỉ số về mức độ chênh lệch giàu nghèo (hệ số GINI) TP Hải Phòng giai đoạn 2016-2020

Thứ bảy - 01/10/2022 08:30
Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế thành phố Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, GRDP bình quân tăng 13,94%/năm, gấp 1,3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV của thành phố đề ra (10,5%/năm), gấp 1,97 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm) và gấp 2,06 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm). Tuy nhiên, năm 2020, diễn biến dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung, trong đó có Hải Phòng. Điều đó phần nào đã ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của người lao động, dẫn đến có sự thay đổi trong chênh lệch thu nhập các tầng lớp dân cư.

Thực trạng bất bình đẳng thu nhập của thành phố Hải Phòng

Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số GINI) của cả nước biến động không nhiều, giảm từ 0,430 năm 2016 xuống 0,375 năm 2020; Vùng Đồng bằng sông Hồng giảm từ 0,407 xuống 0,375 nằm trong ngưỡng an toàn và hiệu quả, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng cao.

Qua bảng số liệu hệ số GINI giai đoạn 2016-2020 cho thấy, bất bình đẳng thu nhập của Hải Phòng có sự thay đổi lớn giảm từ 0,398 năm 2016 xuống 0,268 năm 2020, cho thấy người dân của thành phố Hải Phòng bình đẳng và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển về trình độ học vấn, kỹ năng làm việc thông qua giáo dục. Hệ số GINI năm 2020 cả nước, vùng đồng bằng Sông Hồng và thành phố Hải Phòng tương ứng: 0,375, 0,327 và 0,268. Như vậy, bất bình đẳng về thu nhập của người dân Hải Phòng luôn luôn thấp hơn cả nước và Vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Các vùng miền, tỉnh/thành phố có sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, trình độ văn hóa, trình độ sản xuất, kết cấu hạ tầng và trình độ dân trí, lợi thế so sánh…, Những đặc điểm đó dẫn đến sự phát triển của các vùng miền, tỉnh/thành phố có sự khác biệt làm cho sự chênh lệch về thu nhập cũng như bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư cũng có sự khác nhau rõ rệt. Hệ số GINI của cả nước, vùng đồng bằng Sông Hồng và của thành phố Hải Phòng có xu hướng giảm dần qua các năm, khoảng cách bất bình đẳng ngày càng được thu hẹp. Vùng Đồng bằng sông Hồng và thành phố Hải Phòng hệ số GINI có tốc độ giảm mạnh và thấp hơn so với cả nước và các tỉnh/thành khác.

Từ biểu đồ 1 cho thấy hệ số GINI tại các vùng kinh tế có những biến động tăng giảm ở các năm khác nhau, nhưng đều có xu hướng giảm dần. So cả nước và các khu vực khác, hệ số GINI của thành phố Hải Phòng có tốc độ giảm mạnh nhất so với khu vực, khoảng cách về bất bình đẳng thu nhập của thành phố Hải Phòng ngày càng được thu hẹp. Điều đó cho thấy, trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng có bước tiến vượt bậc, công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh, người dân được hưởng thụ mức cao hơn bình quân chung của cả nước.

Xem xét trên mức thu nhập của các nhóm: Mức độ bất bình đẳng thu nhập còn được thể hiện ở chênh lệch giữa thu nhập của nhóm 1 và nhóm 5. Thu nhập 20% của nhóm người có thu nhập thấp nhất và 20% của nhóm người có thu nhập cao nhất đều tăng trong giai đoạn 2016-2020.

Từ bảng 2 cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng tăng qua các năm, trong đó thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2020 cao gấp gần 1,2 lần so với năm 2016, tuy nhiên lại giảm 6,7% so với năm 2019.

Thu nhập bình quân đầu người nhóm thu nhập thấp nhất của người dân Hải Phòng năm 2019 là 2.404 nghìn đồng, tăng bình quân 1,6% giai đoạn 2016-2019; nhóm thu nhập cao nhất năm 2019 là 12.152 nghìn đồng, tăng bình quân 4,0%. Tốc độ tăng trưởng về thu nhập của nhóm thu nhập thấp chậm hơn nhóm thu nhập cao, làm cho khoảng cách giàu nghèo càng tăng trong giai đoạn 2016-2019.

Năm 2016 thu nhập của nhóm cao nhất gấp 7,8 lần nhóm thu nhập thấp, đến năm 2019 đã gấp 8,4 lần. Tuy nhiên, đến năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội tới các đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách nên nhóm thu nhập thấp tăng 13,9% trong giai đoạn 2016-2020, nhưng ở nhóm thu nhập cao nhất lại giảm -3,4%, điều này đã kéo theo sự chênh lệch thu nhập giữa 2 nhóm nghèo nhất và giàu nhất chỉ còn 3,9 lần, cho thấy khoảng cách thu nhập giữa các nhóm ngày càng gần, bất bình đẳng thu nhập giai đoạn này có xu hướng giảm.

So sánh thu nhập năm 2020 và năm 2016 cho thấy, nhóm 1 có mức tăng nhanh nhất so với các nhóm còn lại. Tốc độ tăng ở nhóm 1 cao hơn ở nhóm 5 (tương ứng 1,74 lần nhóm 1 và 0,87 lần ở nhóm 5) đã khiến cho khoảng cách thu nhập của người dân của Hải Phòng ngày càng được thu hẹp. Tuy nhiên nếu so sánh chênh lệch số tuyệt đối về thu nhập giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất cũng đang là một thách thức của mục tiêu phát triển theo hướng đảm bảo công bằng xã hội.

Tỷ lệ nghèo

 

Số liệu bảng 3 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Hải Phòng giảm nhanh qua các năm. Năm 2016 toàn thành phố có 2,81% số hộ nghèo, tương ứng với 15.525 hộ, đến năm 2020 giảm xuống còn 0,2% hộ nghèo, tương ứng 1.268 hộ. Khu vực thành thị có tỷ lệ nghèo giảm nhiều hơn khu vực nông thôn, chúng tỏ bất bình đẳng thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị là khá lớn.

Ảnh hưởng của dịch bệnh đến cơ hội việc làm của người lao động hiện nay

Năm 2020 đại dịch Covid -19 đã tác động đến kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh đó, kinh tế Thành phố vẫn duy trì ổn định và phát triển, được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế

-xã hội của cả nước. Tuy nhiên, không nằm ngoài ảnh hưởng chung, đại dịch cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố, nhiều ngành, lĩnh vực đã phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, có mức tăng trưởng âm so cùng kỳ.

Để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, DN đã phải áp dụng nhiều giải pháp như: Điều chỉnh nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí hoạt động SXKD, thay đổi phương thức cũng như chiến lược SXKD... những giải pháp này phần nào tác động tích cực đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động… đây là những giải pháp tiêu cực nhưng DN buộc phải áp dụng để duy trì sự tồn tại trong thời kỳ dịch bệnh này, nhiều DN đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô SXKD hoặc tạm ngừng hoạt động.

Do tác động của dịch Covid-19, trong năm 2020 có tới 74,4% số DN phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động. Giải pháp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên có 41% DN lựa chọn, cao nhất trong các giải pháp về lao động; có 25,37% DN áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; 22,18% DN cho lao động nghỉ không lương và 21,03% DN giảm lương lao động.

Theo quy mô, DN có quy mô nhỏ và vừa có tỷ lệ áp dụng các giải pháp về lao động nhiều nhất, lên tới gần 81,8%, trong khi tỷ lệ này ở nhóm DN quy mô lớn là 76,3%, quy mô siêu nhỏ là thấp nhất với 66,6%. Cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên là giải pháp được DN ở tất cả các nhóm ưu tiên lựa chọn, trong đó các DN quy mô vừa và lớn áp dụng giải pháp này lên tới trên 51%.

Tiếp theo là giải pháp cắt giảm lao động được các DN quy mô nhỏ và vừa áp dụng nhiều nhất so với các nhóm DN còn lại, lần lượt là 27,05% và 25,31%. Giải pháp cho lao động nghỉ không lương và giảm lương cũng được một bộ phận DN áp dụng và tỷ lệ áp dụng giữa các nhóm DN chênh lệch không nhiều.

Nền kinh tế bị đình trệ kéo theo nhu cầu về lao động của các DN sụt giảm đã dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động ở tất cả các khu vực doanh nghiệp. Tỷ lệ DN cho lao động nghỉ việc nhiều nhất là khối DN ngoài nhà nước với tỷ lệ lên tới 25,9%; khu vực DN FDI với 21,3% và khu vực DN nhà nước với 21,05%. Lao động làm việc trong khu vực DN FDI có mức lương ổn định nhất so với các khu vực DN còn lại, chỉ 11,9% DN FDI áp dụng giải pháp cho lao động nghỉ không lương và 7,7% DN áp dụng giải pháp giảm lương nhân viên; trong khi tỷ lệ DN cho lao động nghỉ không lương và giảm lương khu vực DN Nhà nước lần lượt là 19,3% và 29,82%; khu vực DN ngoài nhà nước lần lượt là 23,3% và 22,7%.

Theo khu vực kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (số lượng DN ít) có tỷ lệ DN áp dụng giải pháp cắt giảm lao động và cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên cao nhất, với tỷ lệ lần lượt là 32,4% và 48,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ DN áp dụng hai giải pháp trên ở mức 26,4% và 43,6%; khu vực dịch vụ ở mức 24,5% và 39%.

Có thể thấy, các giải pháp điều chỉnh nguồn nhân lực của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong mùa dịch khiến cho thu nhập của mỗi lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khuyến nghị nhằm hạn chế bất bình đẳng thu nhập tại Hải Phòng trong giai đoạn 2021-2025

Bất bình đẳng thu nhập sẽ dẫn đến bất bình đẳng xã hội, gây ra các vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp tăng, tỷ lệ tội phạm tăng, năng suất lao động bình quân giảm, do đó, đây là vấn đề giải quyết của quốc gia nói chung và của thành phố Hải Phòng nói riêng. Trong bối cảnh các tỉnh, thành phố phải xử lý những hậu quả của đại dịch Covid-19, Thành phố cần có những biện pháp để khắc phục những khó khăn hiện nay, giảm bớt thiệt hại về thu nhập cho người lao động.

Về phía chính quyền thành phố: Đã ban hành nhiều chính sách giúp ngăn ngừa, kiểm soát bệnh dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, đưa ra các gói hỗ trợ để giúp người lao động có thêm thu nhập trong giai đoạn nghỉ việc, giãn việc do dịch Covid-19. Tuy nhiên, để các chính sách này phát huy được hiệu quả, cần có sự kết phối hợp chặt chẽ từ các Bộ, ngành, các địa phương nhằm thúc đẩy nhanh các thủ tục hướng dẫn, cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm các gói hỗ trợ được triển khai kịp thời, hiệu quả và đúng đối tượng.

Về phía các doanh nghiệp: Cần phải nghiên cứu đổi mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh; tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào, nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài các thị trường tiêu thụ truyền thống; sử dụng công nghệ thông tin để đa dạng hóa từ kinh doanh trực tiếp đến kinh doanh trực tuyến; tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng.

Về phía người lao động: Cần nỗ lực nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tự trang bị các kỹ năng mềm để đảm bảo khả năng thích nghi với sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động. Người lao động cũng nên hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Trong quá trình thực hiện triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ, người lao động cần thực hiện nghiêm túc, khai báo trung thực theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; đảm bảo các gói hỗ trợ đến được đúng đủ và đủ đối tượng.

Trong dài hạn, Thành phố cần thực hiện giảm bất bình đẳng thu nhập qua việc giúp người dân ở các khu vực tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục và y tế. Đặc biệt quan tâm đến những địa phương có khó khăn về điều kiện tự nhiên, hạ tầng cơ sở, trình độ dân trí, trình độ sản xuất,…

Theo đó, Thành phố cần có chính sách ưu tiên, đầu tư cho giáo dục ở khu vực khó khăn; cần có chính sách hỗ trợ về tài chính cho hộ gia đình nghèo, giảm bớt các chi phí cho giáo dục để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cho lao động nghèo, thực hiện cải cách giáo dục nhằm cân bằng cơ hội và phát triển kỹ năng cho người lao động là vô cùng quan trọng.

Thành phố cần xây dựng được chiến lược đầu tư nguồn lực con người, khuyến khích tạo việc làm, khuyến khích hình thành một tầng lớp trung lưu rộng lớn trong xã hội; thiết kế hệ thống thuế sao cho không triệt tiêu động lực làm giàu của những người giàu; tăng đầu tư công vào những địa phương kém phát triển; đồng thời, nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công cũng như cải thiện chất lượng dịch vụ công, để các kết quả đầu tư đến với người dân, đặc biệt là nhóm người dân nghèo.

Về chính sách hỗ trợ y tế: Thành phố tiếp tục thực hiện chính sách mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo và học sinh, sinh viên; hỗ trợ cho khám, chữa bệnh cho các địa phương kinh tế còn khó khăn. Đồng thời, tăng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng y tế, đây cũng là cơ chế chính sách cần thiết, quan trọng trong nâng cao chất lượng sống và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Để giải quyết bất bình đẳng thu nhập của địa phương, Thành phố cần xây dựng được một chiến lược tăng trưởng kinh tế mới cùng các chính sách phân phối thu nhập phù hợp, tập trung cải cách thể chế pháp luật, thị trường cạnh tranh, công bằng và mở, tạo “sân chơi” bình đẳng cho cả các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ; đồng thời đặt ra vấn đề bình đẳng, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư dựa trên cơ sở phát triển các loại hình kinh tế, khuyến khích người dân làm giàu và thực hiện phân phối thu nhập theo sự đóng góp của các nguồn lực./.

Phạm Thị Lý

Trưởng phòng Phòng Thống kê Xã hội, Cục Thống kê TP Hải Phòng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây