Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 7, 7 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng

Thứ hai - 29/07/2024 16:12

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 7, 7 THÁNG NĂM 2024
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
         
 

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Hoạt động tài chính, ngân hàng
1.1 Tài chính
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 7/2024 ước đạt 8.062,6 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 2.472 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 5.590,5 tỷ đồng. Ước 7 tháng/2024 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 68.875,4 tỷ đồng, đạt 64,51% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 131,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 32.334,3 tỷ đồng, đạt 71,85% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 181,58% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 35.597 tỷ đồng, đạt 59,33% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố và bằng 107,38% so với cùng kỳ năm trước. 
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 7/2024 ước đạt 3.403,5 tỷ đồng. Ước 7 tháng/2024, tổng chi ngân sách địa phương đạt 15.885,3 tỷ đồng, đạt 39,94% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 94,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 8.126,5 tỷ đồng, đạt 40,47% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 85,39% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 7.557,6 tỷ đồng, đạt 47,01% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 106,06% so với cùng kỳ năm trước. 
1.2. Ngân hàng
* Công tác huy động vốn
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/7/2024 đạt 343.116 tỷ đồng, tăng 10,61% so với cùng kỳ năm trước. 
Theo loại tiền: Huy động bằng VND ước đạt 324.113 tỷ đồng, tăng 9,67% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 94,46%; ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 19.003 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 5,54%.
* Công tác tín dụng
Tổng dư nợ cho vay đến 31/7/2024 ước đạt 226.044 tỷ đồng, tăng 20,22% so với cùng kỳ năm trước. 
2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; nhu cầu tiêu thụ điện cao vào mùa hè là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 2,20% so với tháng 12/2023 và tăng 3,49% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,36% so với cùng kỳ.
So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 7/2024 tăng 0,69% (khu vực thành thị tăng 0,72%; khu vực nông thôn tăng 0,65%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 09 nhóm có chỉ số giá tăng, 01 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước. 
So với tháng 12/2023, CPI tháng 7/2024 tăng 2,20%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm hàng tăng giá và 01 nhóm giảm giá.
So cùng kỳ năm trước, CPI tháng 07/2024 tăng 3,49%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 3,36% so với cùng kỳ.
Một số nguyên nhân làm tăng CPI 7 tháng đầu năm 2024
- Giá dịch vụ y tế tăng 7,59% so với cùng kỳ năm trước do giá khám chữa bệnh được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
- Giá bảo hiểm y tế tăng 21,25% do điều chỉnh theo tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2024; giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới đã làm cho giá đồ trang sức tăng 25,61%. Những yếu tố này tác động làm chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,45% (tác động CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm) so với cùng kỳ.
- Nhóm nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu thuê nhà ở tăng và nhu cầu tiêu thụ điện, nước tăng vào dịp lễ, Tết và vào mùa hè. Trong đó, giá nhà ở thuê tăng 5,38%; giá điện sinh hoạt tăng 7,54%; nước sinh hoạt tăng 4,37%.
- Giá các mặt hàng lương thực tăng 16,01% so với cùng kỳ (làm CPI chung tăng 0,5 điểm phần trăm) do giá gạo tăng 22,95%; giá bột mỳ và ngũ cốc khác tăng 5,45%. Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 2,81%, trong đó thịt lợn tăng 5,75%; thịt quay, giò, chả tăng 5,37%.
Một số nguyên nhân làm giảm CPI 7 tháng đầu năm năm 2024
- Giá bưu chính, viễn thông giảm 3,72% so với cùng kỳ do giá một số loại thiết bị điện thoại model cũ giảm giá, làm CPI chung giảm 0,13 điểm phần trăm.
- Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thuộc nhóm đồ dùng và thiết bị gia đình thấp trong khi hàng tồn kho tại các đại lý, cửa hàng điện máy cao. Do đó, các đại lý và cửa hàng đã giảm giá kích cầu tiêu thụ, theo đó giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,49% (tác động làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm).
* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ:
- Chỉ số giá vàng tháng 7/2024 tăng 1,04% so với tháng trước, tăng 22,75 so với tháng 12/2023 và tăng 35,33% so với cùng kỳ. Bình quân 7 tháng đầu năm 2024, giá vàng trong nước tăng 27,69% so với cùng kỳ năm trước.
- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2024 giảm 0,03% so với tháng trước, tăng 3,96% so với tháng 12/2023 và tăng 6,77% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 7/2024 dao động ở mức 25.454 đồng/USD, giảm 7,42 đồng/USD. Bình quân 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 5,679% so với cùng kỳ.
3. Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước được các cấp, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện, đảm bảo kế hoạch đã đề ra. Tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 40,66% so với kế hoạch năm và giảm 1,29% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2024 ước đạt 1.757,6 tỷ đồng, giảm 12,18% so với cùng kỳ năm 2023. Chia ra: vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 1.166,6 tỷ đồng, giảm 16,87%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 493,1 tỷ đồng, giảm 1,46%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 97,9 tỷ đồng, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm 2023. 
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 8.120,8 tỷ đồng, giảm 1,29% so với cùng kỳ năm 2023. Chia ra: vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 5.908,7 tỷ đồng, giảm 3,29%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 1.817,8 tỷ đồng, tăng 4,59%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 394,3 tỷ đồng, tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, nhiều dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố được đẩy mạnh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra, đóng góp tích cực vào tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn thành phố như: Dự án Cầu Bến Rừng đã hoàn thành, ngày 17/7/2024 cầu Bến Rừng kết nối Hải Phòng - Quảng Ninh chính thức thông xe; dự án Xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố; dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Đường tỉnh 354 huyện Tiên Lãng đến Quốc lộ 10 huyện Vĩnh Bảo; dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Hóa và đoạn tuyến qua Hải Phòng của tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, các công trình xây dựng xã nông thôn kiểu mới, các dự án xây dựng, sửa chữa trường học, trụ sở UBND, nhà văn hóa, đường đô thị, liên xã, liên thôn,…
Tuy nhiên theo số liệu báo cáo, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương 7 tháng/2024 giảm 1,29% so với cùng kỳ,  nguyên nhân do một số dự án hiện vẫn còn gặp khó khăn trong công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng như Dự án cầu Lại Xuân, Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Hóa; một số dự án lớn đã vào giai đoạn hoàn thành nên mức độ ước thực hiện thấp hơn so cùng kỳ như: dự án Cầu Bến Rừng, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Chính trị - Hành chính; dự án đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5, dự án đường Đỗ Mười;…
* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 20/7/2024 Hải Phòng có 975 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 30,65 tỷ USD. Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến 20/7/2024 đạt 1.373,17 triệu USD, trong đó: 
Cấp mới 68 dự án với số vốn cấp mới là 402,63 triệu USD. Cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế 39 dự án, đạt 350,97 triệu USD, (chiếm 87,17%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 29 dự án đạt 51,66 triệu USD (chiếm 12,83%). 
Điều chỉnh tăng vốn đầu tư 38 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 564,69 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế 28 dự án, vốn đầu tư tăng 509,87 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 10 dự án, vốn đầu tư tăng là 54,82 triệu USD. 
Thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 22 lượt, số vốn đầu tư đăng ký: 405,85 triệu USD. Trong khu công nghiệp, khu kinh tế: 03 lượt, vốn đầu tư đăng ký 1,28 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế: 19 lượt, đăng ký 404,57 triệu USD. Từ đầu năm đến 20/7/2024, có 25 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động, trong đó có 10 dự án nằm trong khu công nghiệp, 15 dự án ngoài khu công nghiệp.
4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào công tác gieo trồng và chăm sóc cây hàng năm vụ Mùa, đảm bảo thực hiện trong khung thời vụ tốt nhất. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh triển khai thực hiện nhằm chủ động phòng ngừa và đảm bảo kế hoạch sản xuất đã đề ra.
4.1. Nông nghiệp
* Trồng trọt
Thành phố tiến hành sản xuất cây trồng vụ Mùa một cách linh hoạt; sáng tạo; áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp theo từng khu vực, điền kiện của từng địa phương.
Tính đến trung tuần tháng 7, diện tích làm đất trên địa bàn thành phố ước đạt 27.620 ha; diện tích mạ đã gieo ước đạt 2.560,2 ha; diện tích lúa đã cấy ước đạt 8.342 ha, bằng 29,64% so với vụ Mùa năm trước.
Diện tích gieo trồng cây hàng năm khác ước đạt 2.674,8 ha, bằng 46,16% so với vụ Mùa năm trước. Trong đó, tập trung vào gieo trồng các cây trồng chủ lực trong vụ Mùa như: cây ngô đạt 96,4 ha; cây khoai lang đạt 42,5 ha; rau muống đạt 565,4 ha; cây dưa lấy quả đạt 220,5 ha; cây gia vị đạt 192,6 ha; …
* Chăn nuôi
Ước tính tháng 7/2024, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: Tổng đàn trâu ước đạt 4.166 con, giảm 1,98%; đàn bò ước đạt 7.071 con, giảm 2,02% so với cùng kỳ.
Tổng đàn lợn ước đạt 144,9 nghìn con, tăng 0,16% so cùng kỳ năm trước. Tổng đàn gia cầm ước đạt 8.457,8 nghìn con, tăng 0,14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà đạt 7.048,2 nghìn con, tăng 3,19%. 
Giá lợn giống giảm 1,16% so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch bệnh; giá giống gia cầm vẫn giữ mức ổn định, giá gà ta giống tăng 2,84% so với tháng trước. Giá thức ăn chăn nuôi tháng 7/2024 giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng mức giảm không đáng kể; các chi phí sản xuất đầu vào cho ngành chăn nuôi: thuốc phòng chữa bệnh, chi phí điện,... tăng cao do thời tiết nắng nóng.
Giá lợn hơi xuất chuồng trung bình đạt 67,16 nghìn đồng/kg, giảm nhẹ so với tháng trước nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. 
* Tình hình dịch bệnh: 
Tính đến 16h ngày 24/7/2024, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 33 hộ của 06 xã thuộc huyện Kiến Thụy, An Dương và Thủy Nguyên; số lợn tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh là 548 con (19 con lợn nái , 03 con lợn đực giống, 500 con lợn nuôi thịt và 26 con lợn con), trọng lượng lợn tiêu hủy 21.802 kg. 
4.2. Lâm nghiệp
Nhìn chung, sản xuất ngành lâm nghiệp toàn thành phố vẫn giữ mức ổn định, các sản phẩm lâm nghiệp: củi, gỗ,... tiếp tục có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 7/2024, sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn thành phố ước đạt 85,9 m3, bằng 93,57% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 3.233,9 ste, bằng 94,09%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 19,8 nghìn cây, bằng 98,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 7 tháng/2024, sản lượng gỗ khai thác đạt 813,5 m3, bằng 100,12% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 20.378,9 ste, bằng 99,89%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 132,4 nghìn cây, bằng 100,53% so với cùng kỳ năm trước.
4.3. Thủy sản
Sản xuất thủy sản trên địa bàn thành phố 7 tháng năm 2024 duy trì được mức tăng khá và ổn định mặc dù ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường và giá vật tư đầu vào của sản xuất tăng khá.
Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 7 năm 2024, ước đạt 16.012,5 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 117.368 tấn, tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước. 
* Nuôi trồng
Diện tích nuôi thủy sản tháng 7/2024, ước đạt 6.666 ha, tăng 2,46% so với cùng kỳ năm trước. Ước 7 tháng/2024 đạt 10.378,7 ha, tăng 2,23% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá các loại đạt 6.869,6 ha, tăng 4,83%; tôm các loại đạt 3.182,6 ha, tăng 0,49%; thủy sản khác đạt 426,5 ha, giảm 4,99%. 
Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch tháng 7/2024 ước đạt 5.667 tấn, tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 7 tháng/2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch đạt 46.185,2 tấn, tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá các loại đạt 40.642,5 tấn, tăng 43,71%; tôm các loại đạt 4.124,8 tấn, tăng 3,22%; thủy sản khác đạt 1.417,9 tấn, bằng 11,07% (do diện tích nuôi ngao ở huyện Kiến Thụy được thu hồi để phục vụ dự án của thành phố).
* Khai thác 
Thời điểm tháng 7 trong năm đang là mùa khai thác chính vụ cá Nam; với ngư trường khai thác chính của tàu cá Hải Phòng và Vinh Bắc Vịnh Bắc Bộ, khu vực phía Nam, Bắc và Tây Bắc đảo Bạch Long Vĩ, các đối tượng khai thác là mực, cá nổi nhỏ (nục, bạc má,…) và một số loại cá đáy (cá bơn, cá hồng…); các tàu ra khơi đi khai thác nhiều, cho sản lượng tăng khá.
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 7/2024 ước đạt 10.345,5 tấn, tăng 1,22% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 7 tháng/2024, sản lượng thủy sản khai thác đạt 71.182,8 tấn, tăng 1,34% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: các các loại đạt 43.857,1 tấn, tăng 1,68%; tôm các loại đạt 5.549,4 tấn, tăng 0,78%; thủy sản khác đạt 21.776,3 tấn, tăng 0,81%.  
5. Sản xuất công nghiệp
Bảy tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 15,01% so với cùng kỳ năm trước , đây là mức tăng cao nhất của kỳ 7 tháng trong 3 năm gần đây (năm 2022 tăng 12,48%; năm 2023 tăng 11,06%), trong đó một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì mức tăng cao từ đầu năm như sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; sản xuất xe có động cơ; sản xuất đồ chơi; sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp; sản xuất giấy và bìa nhăn, bao bì từ giấy... 
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7/2024 ước tính giảm 8,13% so với tháng 6/2024 và tăng 13,76% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 17,61%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,60%, đóng góp 14,68 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 4,87%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 1,72%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung. 
Trong 7 tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 105,22%; sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp tăng 69,50%; sản xuất giấy và bìa nhăn, bao bì từ giấy tăng 62,64%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 58,12%; sản xuất xe có động cơ tăng 43,21%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 24,05%; sản xuất thuốc lá tăng 15,28%;...
Ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh giảm 61,83%; sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động giảm 45,71%; chế biến và bảo quản thủy sản giảm 35,26%; sản xuất săm, lốp cao su giảm 25,24%; khai thác đá, cát giảm 17,61%;...
* Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7/2024 ước giảm 3,03% so với tháng 6/2024 và tăng 11,81% so với cùng kỳ năm trước, cộng dồn 7 tháng đầu năm chỉ số tiêu thụ tăng 11,46% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 207,59%; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép tăng 91,12%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 53,83%; sản xuất xe có động cơ tăng 52,51%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 38,40%;...
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh giảm 62,43%; chế biến và bảo quản thủy sản giảm 39,58%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 27,76%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 12,62%; may trang phục giảm 7,16%;...
* Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/7/2024 dự kiến tăng 4,61% so với tháng trước và tăng 2,71% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng tăng 149,11%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 100,48%; sản xuất dây cáp, dây điện tăng 63,94%; sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 39,85%; ...
Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: sản xuất các cấu kiện kim loại giảm 80,29%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 52,52%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 45,27%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 36%; sản xuất săm lốp cao su, đắp và tái chế lốp cao su giảm 26,32%;...
* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng đầu năm 2024 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: máy tính xách tay sản xuất đạt 397,6 nghìn cái, tăng 123,64% so với cùng kỳ; thiết bị ngoại vi của máy vi tính sản xuất đạt 20,3 triệu sản phẩm, tăng 104,44%; tủ lạnh sản xuất đạt 412.711 chiếc, tăng 87,41%; máy cắt cỏ sản xuất đạt 1,7 triệu cái, tăng 69,50%; màn hình oled tivi sản xuất đạt 1,7 triệu chiếc, tăng 67,47%; xi măng Portland đen sản xuất đạt 2,8 triệu tấn, tăng 6,61%;...
Một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ: tổ máy phát điện khác sản xuất đạt 266 bộ, giảm 59,33%; máy chơi game sản xuất đạt 441.807 chiếc, giảm 36,02%; xe mô tô sản xuất đạt 25.983 chiếc, giảm 26,17%; lốp cao su sản xuất đạt 1.366,3 nghìn chiếc, giảm 25,24%; máy in văn phòng sản xuất đạt 637.497 chiếc, giảm 16,29%;...
* Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2024 dự kiến tăng 2,04% so với cùng thời điểm tháng 6/2024 và tăng 5,39% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,83%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 3,90%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,88%.
Tại thời điểm trên, trong các ngành kinh tế cấp I chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng giảm 19,58% so cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,58%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,8%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,06%.
6. Thương mại, dịch vụ
Tháng 7/2024, các hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn thành phố tiếp tục mức tăng trưởng ổn định, các siêu thị và trung tâm thương mại đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi lớn để kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài đã thu hút lượng lớn du khách đến với thành phố biển Hải Phòng tham quan, nghỉ dưỡng, thúc đẩy mạnh mẽ mức tiêu dùng xã hội trên địa bàn thành phố.
6.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 năm 2024 ước đạt 19.079,7 tỷ đồng, tăng 2,66% so với tháng trước, tăng 13,83% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 127.789,6 tỷ đồng, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu chia theo ngành hoạt động cụ thể như sau:
- Hoạt động bán lẻ:
Doanh thu tháng 7/2024 ước đạt 15.622,0 tỷ đồng, tăng 1,98% so với tháng trước, tăng 14,43% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động bán lẻ tháng 7/2024 ở hầu hết các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ, một số ngành hàng có mức tăng trưởng cao như: lương thực, thực phẩm; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình; vật phẩm, văn hóa, giáo dục; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi); hàng hóa khác. Do tình hình sản xuất ổn định, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Bên cạnh đó các trung tâm thương mại, siêu thị và các cửa hàng bán lẻ tiếp tục triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng; cùng với đó là sự tăng trưởng khởi sắc của hoạt động du lịch, lưu trú, góp phần đẩy doanh thu hoạt động bán lẻ trong tháng 7 tăng lên.
Doanh thu hoạt động bán lẻ 7 tháng năm 2024 ước đạt 106.357,1 tỷ đồng, tăng 13,75% so với cùng kỳ và tăng ở hầu hết các ngành hàng. Hoạt động thương mại bán lẻ 7 tháng đầu năm 2024 sôi động hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Các hoạt động ăn uống, du lịch, vui chơi giải trí của các tổ chức, cá nhân, gia đình, học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ hè tăng cao, dẫn đến một số ngành hàng có doanh thu tăng như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc…
- Hoạt động dịch vụ:  
Hoạt động du lịch, dịch vụ trong tháng tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ. Nhìn chung 7 tháng đầu năm 2024, các hoạt động lưu trú, ăn uống, lữ hành đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt, hoạt động của các nhà hàng, quán ăn vẫn rất sôi động nhất là vào các dịp nghỉ lễ và các ngày cuối tuần. 
Doanh thu các ngành dịch vụ ước tính tháng 7 và 7 tháng năm 2024 như sau:
- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 7 năm 2024 ước đạt 320,2 tỷ đồng, tăng 13,04% so với tháng trước và tăng 22,64% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng/2024, doanh thu lưu trú đạt 1.532,8 tỷ đồng, tăng 16,57% so với cùng kỳ năm trước. 
- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 7 năm 2024 ước đạt 2.095,4 tỷ đồng, tăng 7,65% so với tháng trước và tăng 12,47% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng/2024, doanh thu ăn uống đạt 13.269,1 tỷ đồng, tăng 14,61% so với cùng kỳ năm trước. 
- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 7 năm 2024 ước đạt 59,0 tỷ đồng, tăng 61,35% so với tháng trước, và tăng 12,71% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng/2024, dịch vụ du lịch lữ hành đạt 183,8 tỷ đồng, tăng 11,20% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu dịch vụ khác tháng 7 năm 2024 ước đạt 983,0 tỷ đồng, giảm 1,59% so với tháng trước, tăng 5,45% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng/2024, dịch vụ khác ước đạt 6.446,8 tỷ đồng, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước.
6.2. Hoạt động lưu trú và lữ hành    
Tổng lượt khách tháng 7 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 1,25 triệu lượt, tăng 4,95% so với tháng trước và tăng 18,02% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 92,24 nghìn lượt, tăng 2,02% so với tháng trước và tăng 1,30% so với cùng tháng năm trước. 
Cộng dồn 7 tháng/2024, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ đạt 5,54 triệu lượt, tăng 17,07% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt gần 594,8 nghìn lượt, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước. 
Đối với hoạt động lữ hành, tháng 7 lượt khách lữ hành của các cơ sở trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 22,85 nghìn lượt, tăng 89,28% so với tháng trước, và tăng 14,36% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2024, lượt khách du lịch do các cơ sở lữ hành trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 63,73 nghìn lượt tăng 13,17% so với cùng kỳ. 
6.3. Giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông
Hoạt động vận tải trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực cả về vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa do nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa tăng. 
Ước tính tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát tháng 7 năm 2024 đạt 11.034,4 tỷ đồng, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực trong hoạt động vận tải đều có mức tăng trưởng cao về doanh thu so với cùng kỳ năm trước
6.3.1. Vận tải hàng hoá
Khối lượng hàng hóa vận chuyển trong tháng 7 ước tính đạt 26,4 triệu tấn, tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 9,77% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính 11.568,2 triệu tấn.km, tăng 0,37% so với tháng trước và tăng 13,69% so cùng kỳ năm trước; doanh thu ước tính đạt 5.271,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,54% so tháng trước và tăng 13,10% so cùng kỳ năm trước. 
Ước tính cộng dồn 07 tháng, doanh thu ước đạt 36.563,5 tỷ đồng, tăng 12,49%; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 184,0 triệu tấn, tăng 10,90%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 78.329,6 triệu tấn.km, tăng 14,63% so với cùng kỳ năm trước.
6.3.2. Vận tải hành khách    
Trong tháng 7/2024, doanh thu ước tính đạt 389,8 tỷ đồng, tăng 0,05% so tháng trước và tăng 23,23% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 7,5 triệu lượt hành khách, tương ứng tăng 0,10% so tháng trước và tăng 25,02% so cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 321 triệu lượt hành khách.km, tương ứng tăng tăng 26,93% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 7 tiếp tục là tháng cao điểm trong mùa du lịch hè, với thời tiết nắng nóng kéo dài và nền nhiệt độ cao nên lượng du khách đến với các điểm du lịch biển của Hải Phòng tăng cao, thúc đẩy phát triển các hoạt động vận tải hành khách.
Ước tính lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu ước đạt 2.614,6 tỷ đồng, tăng 24,59%; số lượt hành khách vận chuyển đạt 49,7 triệu lượt hành khách, tăng 25,76%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 2.187,9 triệu lượt hành khách.km, tăng 26,80% so với cùng kỳ năm trước. 
6.3.3. Hoạt động hỗ trợ vận tải
Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải (cảng, bốc xếp, đại lý vận tải...) tháng 7 ước đạt 36.563,5 tỷ đồng, tăng 12,49% so cùng kỳ năm trước. 
Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng trưởng cao do lượng hàng hóa dồi dào hơn so với năm trước, hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics tăng đơn hàng và giá cước dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistics, môi giới, hỗ trợ tăng (do giá nguyên vật liệu tăng, chi phí nhân công tăng, giá cho thuê tàu tăng và nhu cầu thị trường tăng).
Doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước tính đạt 162,8 tỷ đồng, tăng 14,09% so với cùng kỳ năm trước.
6.3.4. Vận tải đường sắt
Tổng doanh thu tháng 7 năm 2024 của Ga Hải Phòng ước đạt 9,09 tỷ đồng, giảm 21,01% so với cùng kỳ. Cộng dồn 7 tháng đầu năm tổng doanh thu của Ga Hải Phòng ước đạt 81,14 tỷ đồng, tăng 49,54% so với cùng kỳ năm trước.
6.3.5. Vận tải hàng không
Tháng 7 năm 2024, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 20,4 tỷ đồng, giảm 10,01% so với tháng trước; giảm 25,85% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 7 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 145,41 tỷ đồng, giảm 20,16% so với cùng kỳ.
Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 7 năm 2024 ước đạt 1.156 chuyến, giảm 0,17% so với tháng trước, giảm 22,1% so với cùng tháng năm trước. Ước tháng 7 có 56 chuyến bay ngoài nước. Công dồn 7 tháng đầu năm, số lần máy bay hạ, cất cánh ước đạt 7.629 chuyến, giảm 26,51% so với cùng kỳ.
Tổng số hành khách tháng 7 năm 2024 ước đạt 200 nghìn lượt người, giảm 5,04% so với tháng trước, giảm 26,32% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 7 tháng đầu năm, tổng số hành khách vận chuyển ước đạt 1.308,27 nghìn lượt người, giảm 22,82% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số hàng hóa tháng 7 năm 2024 ước đạt 1.020 tấn, tăng 1,8% so với tháng trước, giảm 7,86% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 7 tháng, tổng số hàng hóa ước đạt 7.821 tấn, giảm 15,27% so với cùng kỳ.
6.4. Hàng hoá thông qua cảng 
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tháng 7 năm 2024 ước đạt 14,989 triệu TTQ, tăng 7,11% so với tháng trước và tăng 12,65% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: 
- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước tháng 7 năm 2024 đạt 4,537 triệu TTQ, tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước.
- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 10,452 triệu TTQ, tăng 10,33% so với tháng trước, tăng 16,53% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố 7 tháng đầu năm 2024 đạt 92,103 triệu TTQ, tăng 11,33% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước đạt 30,57 triệu TTQ, tăng 5,09% so với cùng kỳ; Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 61,53 triệu TTQ, tăng 14,72% so với cùng kỳ năm trước.
* Doanh thu cảng biển 7 tháng đầu năm 2024 đạt 4.524,5 tỷ đồng, tăng 17,94% so với cùng kỳ năm 2023.
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
Trong tháng 7/2024, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội
* Công tác Lao động, việc làm
Tháng 7 năm 2024, Sàn giao dịch việc làm ước tổ chức 06 phiên, với sự tham gia tuyển dụng của khoảng 100 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 8.550 lao động, cung lao động tại Sàn được 12.500 lượt người; tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ước cho 2.250 người, tăng 14,35% so với cùng kỳ (năm 2023 là 2.055 người), số người có quyết định hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp ước được 2.440 người, giảm 7,41% so với cùng kỳ (năm 2023 là 2.635 người). Ước cấp mới 450 giấy phép lao động, cấp lại 120 giấy phép lao động, gia hạn 220 giấy phép lao động, xác nhận 40 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Trong 7 tháng năm 2024, Ước tổ chức 38 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia tuyển dụng của 670 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 92.840 lao động, cung lao động tại Sàn được 59.270 lượt người. Số người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 12.580 người, giảm 12,79% so với cùng kỳ (năm 2023 là 14.425 người); số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 11.640 người, giảm 14,03% so với cùng kỳ (năm 2023 là 13.540 người) với số tiền 316,5 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2023 (324,29 tỷ đồng); qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 12.580 người. Ước cấp mới 2.390 giấy phép lao động, cấp lại 205 giấy phép lao động, gia hạn 680 giấy phép lao động, xác nhận 65 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Từ đầu năm đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể (cùng kỳ năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 03 cuộc đình công, ngừng việc tập thể với khoảng 282 lao động tham gia ); trên địa bàn thành phố xảy ra 12 vụ tai nạn lao động chết người làm 12 người chết (tăng 06 vụ và 05 người chết so với cùng kỳ năm 2023).
* Công tác Giáo dục nghề nghiệp
Tháng 7 năm 2024, thực hiện các bước xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Công tác chuẩn bị tổ chức tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024.Tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp thành phố Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Trong 7 tháng năm 2024, rà soát nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách khác năm 2024, người lao động phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, phục vụ hoạt động kinh tế ban đêm trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố để xây dựng kế hoạch đào tạo năm 2024; Cấp 02 Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động GDNN (Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Xi măng, Trung tâm GDNN Sao Đỏ); Hướng dẫn tổ chức Đại hội Hội Dạy nghề và Việc làm Hải Phòng; Hướng dẫn Trường Cao đẳng FPT Polytechnic việc liên kết đào tạo tại Hải Phòng. 
Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (16 trường cao đẳng, 09 trường trung cấp, 14 trung tâm GDNN) và 25 cơ sở hoạt động GDNN giáo dục nghề nghiệp (14 trung tâm GDNN và GDTX quận, huyện và 11 doanh nghiệp); Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ước đạt 25.150 học viên, đạt 46,5% kế hoạch năm và bằng 100,2% so với cùng kỳ năm 2023. 
* Công tác người có công
Tháng 7 năm 2024, giải quyết chế độ chính sách đối với 649 trường hợp, gồm: trợ cấp mai táng phí đối với 323 trường hợp; Quyết định về việc thờ cúng liệt sĩ: 275 trường hợp; Quyết định về việc hưởng thêm chế độ thương binh đồng thời là người hưởng chế độ mất sức lao động; thương binh đồng thời là bệnh binh: 9 trường hợp; Quyết định phục hồi chế độ thương binh: 03 trường hợp; Quyết định trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân người có công với cách mạng từ trần: 22 trường hợp; Trình Uỷ ban nhân dân thành phố đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận liệt sĩ theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP đối với 15 trường hợp. Tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với đối với 702 trường hợp. Kết quả xác nhận, công nhận người có công, quyết định cho hưởng chế độ: 78 trường hợp: Người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH: 15 trường hợp và Công nhận liệt sĩ: 63 trường hợp. 
Trong 7 tháng  năm 2024, giải quyết chế độ chính sách đối với 2.588 trường hợp. Tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 12.454 trường hợp. Kết quả xác nhận, công nhận người có công, quyết định cho hưởng chế độ: 128 trường hợp. Thẩm định danh sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công và thân nhân liệt sĩ theo đề nghị của 13/14 quận huyện (đợt 10) đối với 433 trường hợp. Xây dựng và thực hiện Kế hoạch Điều dưỡng người có công với cách mạng năm 2024: đến nay, toàn toàn phố thực hiện điều dưỡng đối với 5.168 người, với tổng kinh phí 12.822,436 triệu đồng; trong đó điều dưỡng tập trung đối với 1.764 người tại 11 quận, huyện, với kinh phí 6.297,400 triệu đồng, điều dưỡng tại gia đình đối với 3.404 người tại 11 quận, huyện, với kinh phí 6.297,400 triệu đồng.
* Công tác giảm nghèo - Bảo trợ xã hội
Tháng 7 năm 2024, xây dựng văn bản chỉ đạo của UBND thành phố về việc thực hiện các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo mức chuẩn TGXH quy định tại Nghị định 76/2024/NĐ-CP; Công văn triển khai nhiệm vụ ưu tiên nguồn lực, thực hiện mục tiêu xóa nghèo năm 2024.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, thẩm định 224 hộ nghèo trên địa bàn thành phố Hải Phòng gửi Sở Xây dựng để thực hiện Nghị quyết số 52/2019/NQ-HĐND năm 2024, Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022. Tính đến thời điểm báo cáo, tổng số đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là 757 người (bằng 98,95%  so với cùng kỳ). Tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố đạt 219 lượt người (tăng 29 lượt người so với cùng kỳ). 
* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháng 7 năm 2024, đã tổ chức tiếp nhận cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 218 người. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 34 người. Điều trị Methadone toàn thành phố (15 cơ sở) cho 3.487 người, trong đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý 05 cơ sở điều trị cho 1.009 người. Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã tập trung rà soát, nắm tình hình và kiểm tra 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố. 
Trong 7 tháng  năm 2024, tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 2.177 lượt người, bằng 157,75% so với cùng kỳ năm trước. Điều trị Methadone toàn thành phố (15 cơ sở) cho 3.487 người, trong đó 05 cơ sở thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội điều trị cho 1.223 người, bằng 91,33% so với cùng kỳ năm trước. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 133 người, bằng 79,2% so với cùng kỳ năm trước. Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã tiến hành rà soát nắm tình hình, kiểm tra 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố, trong đó có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ trong kế hoạch đã được phê duyệt  và kiểm tra đột xuất 14 cơ sở kinh doanh dịch vụ.
2. Giáo dục - Đào tạo
Trong tháng 7/2024, thành phố tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục ở cả giáo dục đại trà và mũi nhọn; đạt nhiều thành tích xuất sắc. Tổ chức thành công kỳ thi Tốt nghiệp THPT, chấm thi minh bạch, đúng quy chế. Kết quả điểm trung bình các bài thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 xếp hạng 6/63 tỉnh thành trên toàn quốc. Học sinh Hải Phòng tham dự thi Olympic quốc tế đạt kết quả cao: đạt 01 Huy chương Vàng Olympic môn Sinh học, 01 Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á, 01 Huy chương Đồng Olympic Vật lý Châu Á, 01 Huy chương Đồng Olympic môn Toán quốc tế. 
Trong tháng, thành phố thực hiện xét điểm chuẩn Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025; xét đặc cách tốt nghiệp và xét tốt nghiệp THPT năm 2024. Xây dựng cấu trúc đề thi Học sinh giỏi bảng A và chọn đội tuyển dự thi quốc gia từ năm học 2024-2025; cấu trúc và đề minh họa kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố lớp 12 từ năm học 2024-2025; cấu trúc đề học sinh giỏi thành phố lớp 9 THCS và đề thi vào lớp 10 THPT, THPT Chuyên từ năm học 2024-2025.
Tiếp tục, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao chuẩn bị công tác tổ chức Hội khoẻ Phù đổng toàn quốc lần thứ X. Tổ chức sát hạch và chọn đội tuyển các môn dự Hội khoẻ Phù đổng khu vực. Chuẩn bị các điều kiện tổ chức khai mạc Hội khỏe Phù đổng toàn quốc lần thứ X và tổ chức thi đấu 15 môn tại địa điểm trên toàn thành phố.
3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 
*Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm
Trong tháng 7/2024, thành phố tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành công tác y tế dự phòng, các bệnh lưu hành và bệnh truyền nhiễm mới nổi. Điển hình, trong kỳ báo cáo ghi nhận 2.458 ca sốt xuất huyết, tăng 2.105 ca so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 2.714 ca (năm 2023 ghi nhận 97 ca). 
Thường xuyên cập nhật các thông tin về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi được ghi nhận gần đây, có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phối hợp với các đơn vị y tế khác xử lý ổ dịch không để bùng phát tại cộng đồng. Tăng cường công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa hè: Sốt xuất huyết, viêm não vi rút, cúm mùa...vv. Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại 2 quận Lê Chân và Hải An.
* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong tháng 7/2024, kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liên do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì. 
Chỉ đạo các Phòng Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các hoạt động, sự kiện trên địa bàn; đặc biệt mùa hè nắng nóng nguy cơ ngộ độc thực phẩm; bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ các kỳ thi trên địa bàn thành phố. Thực hiện giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sự kiện trên địa bàn thành phố như: Bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Đoàn làm việc của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an tại Hải Phòng…
* Công tác khám chữa bệnh
Tổ chức tập huấn trực tuyến Hướng dẫn xử trí một số cấp cứu thường gặp khi người dân tham gia hoạt động ngoài trời; kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác mã hóa bệnh tật trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Số cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh BHYT:
BHXH thành phố ký hợp đồng với 56 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó:
- Tuyến tỉnh: 13 cơ sở khám chữa bệnh (9 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 03 bệnh viện Bộ ngành, 01 Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố).
- Tuyến Huyện: 43 cơ sở:
+ 19 cơ sở công lập gồm: 01 BV bộ ngành, 02 phòng khám đa khoa thuộc bộ ngành, 16 trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa quận, huyện.
+ 24 cơ sở ngoài công lập: 8 bệnh viện đa khoa, 01 bệnh viện chuyên khoa, 15 phòng khám đa khoa.
- Bệnh viện đa khoa quận/huyện đã ký cho 120 Trạm y tế xã khám chữa bệnh BHYT.
* Công tác phòng chống HIV/AIDS
Trong tháng báo cáo, ghi nhận 16 ca nhiễm HIV mới; Số người nhiễm HIV đang còn sống đến thời điểm báo cáo là 6.446 trường hợp; Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 5.466 trường hợp. Hiện tại điều trị ARV cho 5.489 người; điều trị PreP cho 1.382 người. 
Tổng số cơ sở điều trị Methadone 16 cơ sở tổng số bệnh nhân, điều trị 3.494 người, đạt 87% chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì 95%. Ngành Y tế điều trị cho 2.501 bệnh nhân đạt 72%. Cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho 1.071 bệnh nhân tại 13 cơ sở điều trị.
4. Văn hóa - Thể thao 
Trong tháng 7/2024, thành phố tiếp tục thực hiện các chương trình, vở diễn khấu truyền hình Hải Phòng theo định kỳ 01 số/tháng bằng hình thức truyền hình trực tiếp tại Nhà hát thành phố và Rạp Sông Cấm.
Thành phố chuẩn bị tốt công tác Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc tại lần thứ X năm 2024 diễn ra tại thành phố Hải Phòng. Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 dự kiến quy tụ khoảng 8.700 vận động viên tham gia 15 nội dung thi đấu tại 19 địa điểm (Sân vận động, Trung tâm văn hoá thể thao các quận, huyện trên địa bàn thành phố) với khoảng 20.000 người tham dự. Lễ khai mạc tổ chức vào lúc 20h00 ngày 28/7 tại Sân vận động Lạch Tray; tại Lễ khai mạc có khoảng 1.000 diễn viên, 4.000 Vận động viên tham gia diễu hành.
5. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Từ ngày 15/6/2024 đến ngày 14/7/2024, toàn thành phố xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông đường bộ; 01 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm 18 người chết và 25 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông giảm 10 vụ (tương ứng giảm 22,73%), số người chết giảm 10 người (tương ứng giảm 35,71%) và số người bị thương giảm 05 người (tương ứng giảm 16,67%). Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.  
Trong 7 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 325 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 04 vụ tai nạn giao thông đường sắt và 02 vụ tai nạn giao thông đường thủy. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 146 người và bị thương 232 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 49 vụ (tương ứng tăng 17,38%); số người chết giảm 08 người (tương ứng giảm 5,19%) và số người bị thương tăng 47 người (tương ứng tăng 25,41%).
6. Công tác phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/6/2024 đến ngày 14/7/2024, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 20 vụ cháy, tăng 07 vụ so với cùng kỳ năm trước; không gây thiệt hại về người; 
Trong 7 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 141 vụ cháy, tăng 94 vụ so với cùng kỳ năm trước; số người chết là 04 người, giảm 01 người so với cùng kỳ năm trước và bị thương 01 người, bằng cùng kỳ năm trước; nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao tại một số nhà dân và cơ quan, doanh nghiệp; một số vụ cháy thảm thực bì rừng; các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.
 

Tác giả: CỤC THỐNG KÊ TP HẢI PHÒNG

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây