Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2024 thành phố Hải Phòng

Thứ hai - 29/01/2024 08:58

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 01 NĂM 2024
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Hoạt động tài chính, ngân hàng

1.1 Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 01 năm 2024 ước đạt 10.763,8 tỷ đồng, đạt 10,08% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 142,05% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 5.706,5 tỷ đồng, đạt 12,68% Dự toán Hội đồng nhân dân và bằng 170,99% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.973,2 tỷ đồng, đạt 8,29% Dự toán Hội đồng nhân dân và bằng 117,41% so với cùng kỳ năm trước. 

Ước tính tháng 01/2024, trong số thu nội địa: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 319 tỷ đồng, bằng 87,85% so với cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 926,2 tỷ đồng, bằng 157,84%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 960,2 tỷ đồng, bằng 104,27%; lệ phí trước bạ đạt 96 tỷ đồng, bằng 104,78%; thuế thu nhập cá nhân đạt 424,1 tỷ đồng, bằng 82,29%;...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 01 năm 2024 ước đạt 1.422,9 tỷ đồng, đạt 3,58% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 55,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển trong chi cân đối ngân sách địa phương đạt 180,6 tỷ đồng, đạt 0,95% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 12,64% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 1.158,3 tỷ đồng, đạt 7,2% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 103,86% so với cùng kỳ năm trước. 

1.2 Ngân hàng

* Công tác huy động vốn

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/01/2024 đạt 331.674 tỷ đồng, bằng 113,37% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo loại tiền: Huy động bằng VND ước đạt 318.594 tỷ đồng, bằng 117,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 96,06%; ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 13.080 tỷ đồng, bằng 63,08% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 3,94%.

Theo hình thức huy động: Huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 197.657 tỷ đồng, bằng 111,21% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 59,6%; tiền gửi thanh toán ước đạt 130.357 tỷ đồng, bằng 118,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 39,3%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 3.659 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,1%.

* Công tác tín dụng

Tổng dư nợ cho vay đến 31/01/2024 ước đạt 208.023 tỷ đồng, bằng 114,34% so với cùng kỳ năm trước. 

Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND ước đạt 199.590 tỷ đồng, bằng 113,42% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 95,94%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 8.433 tỷ đồng, bằng 141,71% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 4,06%.

Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 113.595 tỷ đồng, bằng 121,04% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 54,6%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 94.428 tỷ đồng, bằng 107,21% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 45,4%. 

2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hoá, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024, UBND thành phố đã chỉ đạo chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra “sốt” giá cục bộ hoặc tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Tại các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố, nguồn cung hàng hóa dồi dào, bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố.

Tháng 01/2024, giá gạo cùng một số một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng giá; giá xăng, dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân làm cho Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2024 tăng 0,14% so với tháng trước; tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 01/2024 tăng 0,14%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 07 nhóm có chỉ số giá giảm, 04 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước.

So cùng kỳ năm trước, CPI tháng 01/2024 tăng 3,25%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm hàng tăng giá.

 Trong các nhóm tăng giá:

 - Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 8,69% (làm CPI chung tăng 1,37 điểm phần trăm) do giá dịch vụ nhà ở thuê tăng 12,85%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,98% và giá điện sinh hoạt tăng 7,24%.

  - Giá gạo tăng 23,87% so với cùng kỳ đã làm cho chỉ số giá nhóm lương thực tăng 17,06% (làm CPI chung tăng 0,53 điểm phần trăm).

  - Giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 10,67% do tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo Thông tư 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

  - Giá lương thực, thực phẩm tăng cùng với nhu cầu ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn tăng đã làm cho giá nhóm dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 3,15% so với cùng kỳ (làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm).

* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ:

- Giá và thế giới được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn khi xung đột ở Trung Đông căng thẳng leo thang và tâm lý thị trường vẫn dành nhiều sự kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm được tiến hành. Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới tăng nhanh, giá vàng trong nước tiếp tục đà tăng trong tháng 01/2024, khi giá vàng thế giới trên ngưỡng 2.029,6 USD/ounce. Chỉ số giá vàng tháng 01/2024 tăng 2,66% so với tháng trước, tăng 18,07% so với cùng kỳ năm trước. Giá vàng bình quân tháng 01/2024 dao động ở mức 6,404 triệu đồng/chỉ.

-  Tỷ giá USD tăng trở lại trong bối cảnh đồng USD có xu hướng phục hồi khi chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng lên 103,2 điểm - mức cao nhất trong vòng 1 tháng. Đồng USD đang hướng tới tuần tăng thứ hai liên tiếp nhờ các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ và những cảnh báo về việc Fed khó cắt giảm lãi suất sớm như kỳ vọng. Theo đó, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 01/2024 tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 3,8% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 01/2024 dao động ở mức 24.601 đồng/USD, tăng 117,18 đồng/USD. 

3. Đầu tư

Bước sang năm 2024, thành phố đề ra mục tiêu giải ngân 100%, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Việc phát huy hiệu quả nguồn vốn ngân sách của thành phố góp phần quan trọng, tạo động lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đáp ứng các yêu cầu về an sinh xã hội. 

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Một ước đạt 854,1 tỷ đồng, tăng 12,93% (tương ứng tăng 97,8 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 669,6 tỷ đồng, tăng 10,86%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 144,4 tỷ đồng, tăng 23,49%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 40,1 tỷ đồng, tăng 13,36% so với cùng kỳ năm 2023. 

Kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2024 được thực hiện theo Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, theo đó nguồn vốn đầu tư công do thành phố quản lý là 19.972,7 tỷ đồng, gồm 755,4 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương và 19.217,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố. 

Trong tổng số 19.217,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố năm 2024, thành phố bố trí 11.791,1 tỷ đồng để thực hiện các nhóm dự án đầu tư công chuyển tiếp từ các năm trước và khởi công mới đã đủ thủ tục đầu tư trong năm 2024; phân cấp cho các quận huyện phân bổ 4.298,1 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 theo thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND các quận huyện; 2.047,6 tỷ đồng vốn đầu tư công cho chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và 1.080,5 tỷ đồng cho các mục tiêu xã hội khác.

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Tính đến 20/01/2024 Hải Phòng có 943 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 30,04 tỷ USD.Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế: 538 dự án, vốn đầu tư 26,4 tỷ USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế: 405 dự án, vốn đầu tư 3,64 tỷ USD.

Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến 20/01/2024 đạt 143,34 triệu USD, trong đó:

Cấp mới 11 dự án với số vốn cấp mới là 139,97 triệu USD. Cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế 07 dự án, đạt 139,38 triệu USD, (chiếm 99,58%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 04 dự án đạt 0,59 triệu USD (chiếm 0,42%).  

Điều chỉnh tăng vốn đầu tư 3 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 3,15 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế 02 dự án, vốn đầu tư tăng 3 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 01 dự án, vốn đầu tư tăng là 0,15 triệu USD. 

Thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 03 lượt, số vốn đầu tư đăng ký: 0,22 triệu USD (ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế).

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Sản xuất nông nghiệp tháng 01/2024 tập trung vào công tác chuẩn bị gieo trồng, chăm sóc cây hàng năm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định không có dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi.

4.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt

- Vụ Đông năm 2024

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông năm 2024 trên địa bàn thành phố ước đạt 6.500,8 ha, bằng 99,31% (giảm 45,1 ha) so với vụ Đông năm trước. Trong đó:

Cây ngô ước đạt 246,2 ha, bằng 95,65% so với cùng kỳ năm trước; cây khoai lang ước đạt 277,3 ha, bằng 83,36% so với cùng kỳ năm trước. Vụ Đông năm trước do ảnh hưởng xấu của thời tiết, sản lượng khoai lang không đạt được như mong đợi, do vậy năm nay diện tích có xu hướng giảm. 

Cây rau các loại đạt 4.579,0 ha, bằng 99,45% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: diện tích nhóm cây rau lấy lá thực hiện 2.171,1 ha, bằng 100,94%; diện tích nhóm cây rau lấy quả đạt 694,6 ha, bằng 95,7%; diện tích nhóm cây rau lấy củ, rễ, thân đạt 709,9 ha, bằng 98,15%. 

Diện tích trồng hoa các loại trong vụ Đông năm nay ước đạt 258,9 ha, bằng 119,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tập trung trồng nhiều nhất ở huyện An Dương với diện tích 89,5 ha. Nhiều giống hoa đa dạng về màu sắc và chủng loại đáp ứng được thị hiếu của người chơi hoa: hoa lan hồ điệp các loại, hoa lay ơn, hoa hồng... Các loại cây cảnh chơi Tết đặc trưng như đào cảnh, quất cảnh đã đem lại thu nhập cao cho các hộ trồng hoa và cây cảnh nên hàng năm diện tích hoa và cây cảnh vẫn được các hộ dân tăng diện tích trồng.

- Vụ Xuân năm 2024

Vụ Xuân năm 2024 toàn thành phố phấn đấu gieo cấy 26.880 ha lúa. Các địa phương đang cày ải, làm thủy lợi nội đồng, tập trung nâng cao công tác phòng trừ sinh vật gây hại và đảm bảo việc gieo cấy đúng khung thời vụ.

Đến nay, diện tích mạ Xuân đã gieo ước gần 250 ha, diện tích lúa Xuân sớm đã cấy trên 20 ha, chủ yếu tập trung ở các vùng chân trũng và giống lúa có thời gian sinh trưởng dài ngày tại huyện An Lão. 

* Chăn nuôi

Ước tháng 01/2024, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố ổn định, không có dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi.

Tổng đàn trâu ước đạt 4,21 nghìn con, giảm 6,67% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 7,22 nghìn con, giảm 1,53% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng đàn lợn ước đạt 145,01 nghìn con, tăng 6,98% so với cùng kỳ; chủ yếu ở khu vực các hộ chăn nuôi quy mô lớn và nuôi gia công cho các doanh nghiệp nên đảm bảo được quy mô cũng như đầu ra của sản phẩm; phần lớn số lượng trong tổng đàn này để chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024.

Chăn nuôi gia cầm có xu hướng tăng nhẹ do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vào đàn để đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên Đán. Tổng đàn gia cầm ước đạt 8.357 nghìn con, tăng 1,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà đạt 6.835 nghìn con, tăng 2,53%. 

Thời điểm hiện tại nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi đầu ra dồi dào, giá các sản phẩm chăn nuôi đầu ra giữ được ổn định.

4.2. Lâm nghiệp

Ước tháng 01/2024, sản lượng gỗ khai thác đạt 123,1 m3, bằng 95,28% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 3.818,3 ste, bằng 95,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ, củi chủ yếu được khai thác và thu nhặt từ cây lâm nghiệp trồng phân tán. Sản lượng gỗ, củi khai thác thu từ rừng trồng tập trung hạn chế do trên địa bàn thành phố không có diện tích rừng trồng với mục đích sản xuất lấy gỗ.

Công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và chặt phá rừng được các cấp, ngành phối hợp, chủ động tăng cường các hoạt động điều tra và xử lý kịp thời, các trường hợp vi phạm. 

4.3. Thủy sản

Tháng 01/2024, sản xuất thủy sản trên địa bàn thành phố vẫn duy trì được mức tăng khá và ổn định mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường và giá vật tư đầu vào của sản xuất tăng cao. Ước tính tháng 01/2024, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 16.173,1 tấn, bằng 101,96% so với cùng kỳ năm trước.

* Nuôi trồng

Diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng ước đạt 6,9 nghìn ha, bằng 101,69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thủy sản các loại khác đạt 159,7 ha, bằng 95,68% (diện tích giảm chủ yếu là khu vực nuôi ngao do thực hiện chủ trương giải tỏa và quy hoạch lại các bãi triền nuôi ngao ven biển các khu vực nuôi ngao nước lợ). 

Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch tháng 1/2024 ước đạt 6.880,1 tấn, bằng 102,25% so cùng kỳ năm trước. Chia ra: cá các loại đạt 5.101,9 tấn, bằng 102,29%; tôm các loại đạt 547,5 tấn (trong đó tôm thẻ chân trắng đạt 465,6 tấn), bằng 101,28%; thủy sản khác đạt 1.230,7 tấn, bằng 102,52%.

Thời tiết tháng 1/2024 diễn biến thất thường, các cơ sở nuôi trồng thủy sản cần chủ động các biện pháp phòng tránh rét, chăm sóc tích cực đàn thủy sản nuôi. Thu hoạch sớm các sản phẩm đạt kích cỡ thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét nhằm tránh thiệt hại về sản lượng. Khu vực thả nuôi sớm tôm thẻ chân trắng đã đạt kích cỡ thu hoạch đã tiến hành thu tôm lớn đảm bảo sản lượng phục vụ nhu cầu thực phẩm cho dịp Tết Giáp Thìn năm 2024. 

* Khai thác 

Sản lượng khai thác thủy sản tháng 01/2024 ước đạt 9.293 tấn, bằng 101,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá các loại đạt 5.519,5 tấn, bằng 102,06%; tôm các loại đạt 664,1 tấn, bằng 101,82%; thủy sản các loại khác đạt 3.109,4 tấn, bằng 101,18%. 

Vụ cá Bắc đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường ở Bắc Bộ trong tháng 01/2024 vịnh Bắc Bộ nhiệt độ nước biển giảm, kéo dài làm ảnh hưởng tới sản xuất khai thác của ngư dân nhất là khối tàu khai thác vùng khơi. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ hải sản vẫn đảm bảo, giá các mặt hàng hải sản ổn định nên ngư dân vẫn hăng say bám biển. 

5. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2024 ước tính tăng cao ở so với cùng kỳ năm trước  với mức tăng 38,98%, chủ yếu do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không trùng vào tháng Một như năm 2023 và cũng là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Một số ngành sản xuất trọng điểm, có tỷ trọng đóng góp lớn vào mức tăng chung như: sản xuất sản phẩm điện tử; sản xuất xe có động cơ; đóng tàu và cấu kiện nổi...

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Một ước giảm 13,81% so với tháng 12/2023 và tăng 38,98% so với cùng kỳ. Trong đó, các ngành kinh tế cấp 1 đều có tăng trưởng dương so với cùng kỳ: ngành khai khoáng tăng 42,03%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 37,65%, đóng góp 31,27 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 105,66%, đóng góp 7,61 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 1,75%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép các loại tăng 300%; đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 286,26%; sản xuất đồ gỗ xây dựng tăng 182,41%; sản xuất máy chuyên dụng tăng 143,43%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 129,41%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn tăng 112,28%; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 111,77%; sản xuất giày dép tăng 45,48%;...

Ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh giảm 65,59%; sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động giảm 45,62%; sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh giảm 17,93%; sản xuất săm, lốp cao su giảm 4,11%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 3,73%;...

* Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2024 ước giảm 19,23% so với tháng 12/2023 và tăng 33,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép tăng 313,84%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 162,85%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 142,75%; sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 128,32%; sản xuất bia tăng 94,53%; sản xuất xi măng, vôi và thạch cao tăng 81,58%;...

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: sản xuất mô tơ, máy phát điện giảm 73,59%; sản xuất plastic và cao su tổng hợp giảm 66,97%; sản xuất thuốc lá giảm 47,04%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 16,57%; sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác giảm 11%; may trang phục giảm 10,52%;...

* Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/01/2024 dự kiến tăng 5,43% so với tháng 12/2023 và tăng 20,50% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 205,98%; sản xuất săm, lốp cao su tăng 185,03%; sản xuất đồ gỗ xây dựng tăng 144,66%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 107,42%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 104,38%; may trang phục tăng 75,26%;...

Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: sản xuất sản phẩm từ plastic giảm 97,51%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 67,53%; sản xuất các sản phẩm khác từ cao su giảm 62,93%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản giảm 38,50%;...

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 01 năm 2024 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản phẩm gỗ ốp lát sản xuất đạt 4.708,1 m3, tăng 638,19%; gỗ lạng sản xuất đạt 2.412,5 m3, tăng 300%; tàu hải quân sản xuất đạt giá trị 144,4 tỷ đồng, tăng 609,03% so với cùng kỳ; giấy và bìa nhăn sản xuất đạt 3.000 tấn, tăng 303,77%; bia đóng chai sản xuất đạt 137,2 nghìn lít, tăng 260,53%; điện sản xuất đạt 599,5 triệu Kwh, tăng 136,03%;...

Một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ: cao su cứng và các sản phẩm bằng cao su cứng sản xuất đạt 1.503,2 tấn, giảm 28,93%; kính nổi và kính đã mài hoặc đánh bóng bề mặt sản xuất đạt 90 nghìn tấn, giảm 17,93%; phân khoáng hoặc phân hóa học chứa 3 nguyên tố NPK sản xuất đạt 15.432,9 tấn, giảm 9%; lốp hơi mới bằng cao su sản xuất đạt 211,1 nghìn cái, giảm 4,11%;...

* Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2024 dự kiến giảm 1,55% so với tháng 12/2023 và giảm 2,74% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,07%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 9,12%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,76%.

Tại thời điểm trên, trong các ngành kinh tế cấp I chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng tăng 52,63% so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,86%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,39%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,71%.

6. Thương mại, dịch vụ

Tháng 01/2024 nhu cầu về hoạt động thương mại, vận tải của người dân tăng cao trong khi nhu cầu về hoạt động lưu trú, lữ hành có xu hướng giảm. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, các nhà cung cấp tại thị trường thành phố Hải Phòng đảm bảo đáp ứng nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn thành phố. Nguồn hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán không chỉ dồi dào về số lượng mà còn phong phú về chủng loại, để người dân mua sắm, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.

6.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01 năm 2024 ước đạt 18.162,8 tỷ đồng, tăng 1,92% so với tháng trước, tăng 13,84% so với cùng kỳ năm trước. 

- Hoạt động bán lẻ: Doanh thu tháng 01 ước đạt 15.269,3 tỷ đồng, tăng 3,15% so với tháng trước, tăng 14,35% so với cùng kỳ. Trong đó hầu hết các nhóm ngành đều tăng so với tháng trước, cụ thể: doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 5,10%; hàng may mặc tăng 2,56%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 1,46%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 0,64%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 1,81%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 1,48%; phương tiện đi lại khác tăng 1,15%; xăng dầu các loại tăng 5,21%; nhiên liệu khác tăng 2,17%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 5,95%; hàng hóa khác tăng 1,37%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 1,86%.

Tháng 01 năm 2024 là tháng cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên tình hình hoạt động bán lẻ hàng hóa sôi động so với tháng trước. Không khí mua sắm dần trở nên nhộn nhịp, nhất là các mặt hàng thời trang, gia dụng, điện máy, hóa mỹ phẩm. Hàng may mặc thu hút nhiều khách hàng, do thời tiết năm nay tương đối thuận lợi và nhu cầu mặc đẹp có xu hướng tăng vào dịp lễ hội cuối năm và năm mới. Thị trường hoa, cây cảnh Tết đã bắt đầu tấp nập, sắc xuân tràn ngập phố phường.

Đến nay, các doanh nghiệp, các siêu thị, trung tâm thương mại đã gần như hoàn tất việc chuẩn bị hàng hóa Tết, kế hoạch về lượng hàng cho Tết đã thống nhất với các nhà cung cấp lớn, bên cạnh đó là việc bảo đảm giá cả ổn định cùng các chương trình khuyến mãi mạnh, giảm sâu cho dịp Tết cũng đã được triển khai cho dịp Tết năm nay. Đây sẽ là các chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm với nhiều hình thức đa dạng, bao gồm toàn bộ các mặt hàng từ thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống cho đến gia dụng, thời trang... các siêu thị sẽ chú trọng hơn vào các mặt hàng thiết yếu và hàng Tết, giỏ quà Tết với các mức giảm giá chiết khấu.

- Hoạt động dịch vụ 

Trong bối cảnh kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn, hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác của Hải Phòng tiếp tục đạt được những kết quả đáng kể. Ngay từ những ngày đầu tháng 01/2024, có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí chào mừng Tết Giáp Thìn nhằm quảng bá về hình ảnh thành phố và con người Hải Phòng như: chương trình “Hải Phòng - chào năm mới 2024” cùng nhiều hoạt động nghệ thuật diễn ra tại dải trung tâm thành phố… 

Doanh thu hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí của thành phố tháng 01/2024 ước tính như sau:

Doanh thu dịch vụ lưu trú: ước đạt 144,5 tỷ đồng, giảm 9,56% so với tháng trước và tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh thu dịch vụ ăn uống: ước đạt 1.882,8 tỷ đồng, giảm 1,48% so với tháng trước và tăng 12,59% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh thu du lịch lữ hành: ước đạt 7,5 tỷ đồng, giảm 18,00% so với tháng trước và tăng 4,90% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh thu dịch vụ khác: ước đạt 858,7 tỷ đồng, giảm 8,47% so với tháng trước và tăng 8,36% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhìn chung các hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác trong tháng vẫn ổn định. Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động các ngành dịch vụ cũng còn gặp không ít khó khăn do thời gian qua các lực lượng chức năng đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, kiên quyết xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn cũng lảm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu ăn uống của các nhà hàng, quán ăn. Đối với thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý và nguồn vốn.

Thành phố Hải Phòng luôn quan tâm, phát triển văn hóa xứng tầm với phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần cho Nhân dân thành phố, chú trọng tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tạo không khí phấn khởi, vui tươi phục vụ Nhân dân và du khách đến với Hải Phòng trong năm mới. Đây cũng là dịp quảng bá về vùng đất, con người Hải Phòng, về những thành tựu, kết quả quan trọng mà Đảng, chính quyền, quân và dân thành thành phố đã đạt được, động viên khích lệ tinh thần Nhân dân quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2024.

6.2. Hoạt động lưu trú và lữ hành

Tổng lượt khách tháng 01/2024 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 499,6 nghìn lượt, giảm 6,65% so với tháng trước và tăng 9,57% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đạt 72,3 nghìn lượt, giảm 5,02% so với tháng trước và tăng 0,45% so với cùng kỳ năm trước. 

Đối với hoạt động du lịch lữ hành trong tháng 01/2024 số lượt khách du lịch theo tour ước đạt 2,2 nghìn lượt khách, giảm 27,52% so với tháng trước và tăng 8,16% so với cùng kỳ năm trước, 

Năm 2024, mục tiêu hướng đến của du lịch Hải Phòng tiếp tục là thị trường khách nội địa, bên cạnh đó vẫn phát triển thu hút thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống; tập trung phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm gia tăng giá trị trải nghiệm với chi phí hợp lý. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ những tháng đầu năm 2024, ngành Du lịch Hải Phòng tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng một số sản phẩm du lịch như sản phẩm du lịch thể thao (đặc biệt là Golf), du lịch MICE (sự kiện, hội thảo triển lãm…); kết nối với sản phẩm du lịch du thuyền nhằm mở rộng không gian phát triển, thu hút nhóm du khách có khả năng chi trả cao. Bên cạnh đó ngành tiếp tục phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa, ẩm thực và kiến trúc đô thị của sản phẩm "Hải Phòng City tour"; duy trì sản phẩm Foodtour gắn với City tour; nghiên cứu quảng bá sản phẩm du lịch gắn với lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Phòng.

Để giới thiệu tài nguyên du lịch đến với du khách trong và ngoài nước, Sở Du lịch Hải Phòng tiếp tục truyền thông, quảng bá nâng cao giá trị thương hiệu du lịch biển đảo gắn với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trên các nền tảng số và thông qua phát động, tổ chức các cuộc thi ảnh đẹp, check in du lịch Hải Phòng. Cùng với phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh truyền thông quảng bá, ngành Du lịch Hải Phòng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch cho lực lượng lao động, từ đó gia tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cho du lịch Hải Phòng.

6.3. Hoạt động vận tải

Năm 2024, đã có những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi dần của nhu cầu thị trường và mức tăng giá dịch vụ vận tải trong những tháng cuối năm 2023 đến đầu năm 2024. Theo kết quả điều tra tháng 01/2024, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát dự kiến đạt 11.103,8 tỷ đồng, tăng 13,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu hoạt động vận tải đường bộ đạt 3.423,1 tỷ đồng, tăng 16,44%; vận tải đường biển đạt 2.113,0 tỷ đồng, tăng 11,99% so cùng kỳ năm trước. Hoạt động từng loại hình vận tải trong tháng 01 năm 2024 cụ thể như sau:

6.3.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hóa vận chuyển trong tháng ước đạt 27,2 triệu tấn, tăng 14,35%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 11.556,5 triệu tấn.km, tăng 15,41%; doanh thu ước đạt 5.335,5 tỷ đồng, tăng 14,75% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hoá vận chuyển và luân chuyển tháng 01 tăng so với tháng trước bởi nhu cầu vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu để phục vụ Tết Nguyên đán tăng mạnh do đó các công ty vận tải nhận được nhiều đơn hàng hơn.

6.3.2. Vận tải hành khách

Doanh thu ước tính đạt 312,7 tỷ đồng, tăng 12,92%; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 5,9 triệu lượt hành khách.km, tăng 12,71% so với tháng cùng kỳ năm trước. 

Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 01 năm 2024 đạt gần 262,6 triệu Hk.km, tăng 14,11% so cùng tháng năm trước. 

6.3.3.Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải

Hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải tiếp tục là mũi nhọn trong hoạt động vận tải của thành phố trong năm 2024 với điều kiện hạ tầng giao thông kết nối và cảng biển. Doanh thu hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải (cảng, bốc xếp, đại lý vận tải,..) trong tháng 01 ước đạt 5.431,6 tỷ đồng, tăng 12,79% so với tháng cùng kỳ năm trước. 

6.3.4. Vận tải hàng không

Tháng 01 năm 2024, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 20,85 tỷ đồng, giảm 4,79% so với tháng trước; giảm 19,62% so với cùng tháng năm trước. 

Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 01 năm 2024 ước đạt 960 chuyến, giảm 13,36% so với tháng trước, giảm 44,06% so với cùng tháng năm trước. 

Tổng số hành khách tháng 01 năm 2024 ước đạt 176 ngàn lượt người, giảm 9,49% so với tháng trước, giảm 31,32% so với cùng tháng năm trước. 

Tổng số hàng hóa tháng 01 năm 2024 ước đạt 1.230 tấn, giảm 3,15% so với tháng trước, giảm 6,96% so với cùng tháng năm trước.

 6.4. Hàng hoá thông qua cảng

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tháng 01 năm 2024 ước đạt 11,39 triệu TTQ, tăng 8,15% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể: 

- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước tháng 01 năm 2024 đạt 4,33 triệu TTQ, tăng 29,44% so với cùng kỳ năm trước.

- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 7,06 triệu TTQ, giảm 1,76% so với cùng kỳ năm 2023.

* Doanh thu cảng biển tháng 01 năm 2024 ước đạt 480,7 tỷ đồng, tăng 6,92% so với cùng kỳ năm 2023.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

Trong tháng 01/2024, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh… cho nhân dân trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

* Công tác Lao động, việc làm

Trong 01 tháng đầu năm 2024, ước tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm, với 70 lượt doanh nghiệp tham gia, nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.620 lượt lao động; Cung lao động tại Sàn được 5.010 lượt người, đáp ứng được khoảng 89,15 nhu cầu tuyển dụng; Đăng kí bảo hiểm thất nghiệp khoảng 1.230 người (tăng 58,3% so với cùng kỳ năm 2023). Đã giải quyết bảo hiểm thất nghiệp 1.460 người (tăng 32,13% so với cùng kỳ năm 2023). Qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.230 lao động (tăng 58,3% so với cùng kỳ năm 2023).

Uớc cấp mới 250 giấy phép lao động, cấp lại 10 giấy phép lao động, gia hạn 30 giấy phép lao động, miễn cấp 5 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể  cho 05 doanh nghiệp; thực hiện thẩm định 04 hồ sơ nội quy lao động. Tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố chưa xảy ra đình công, tai nạn lao động làm chết người.

* Công tác Giáo dục nghề nghiệp

Tháng 01/2024, báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 năm 2023 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Báo cáo công tác tuyển sinh, kết quả tốt nghiệp, giải quyết việc làm năm 2023, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024; Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về nội dung liên kết đào tạo trình độ sơ cấp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Sao Đỏ tại Hải Phòng; Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

* Công tác người có công

 Trong tháng 01/2024, quyết định, đề nghị thực hiện chính sách đối với 308 trường hợp, gồm: trợ cấp mai táng phí đối với 145 trường hợp; chế độ thờ cúng liệt sĩ: 126 trường hợp; Quyết định về việc hưởng thêm chế độ thương binh đồng thời là người hưởng chế độ mất sức lao động; thương binh đồng thời là bệnh binh: 24 trường hợp; Quyết định trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân người có công với cách mạng từ trần: 04 trường hợp; Quyết định về việc trợ cấp một lần đối với đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng Bà Mẹ được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh Hùng: 08 trường hợp; Quyết định giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với gia đình liệt sĩ báo tử lần đầu: 01 trường hợp.  Tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 200 trường hợp. Công nhận, đề nghị công nhận, tiếp nhận đối với 23 người có công.

* Công tác giảm nghèo - Bảo trợ xã hội

Tháng 01/2024, công tác tập trung người lang thang hoạt động hiệu quả, tập trung được 30 lượt người lang thang (bằng 75% so với cùng kỳ). Tính đến ngày 10/01/2023, số lượng các đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội tổng số là 763 người bằng 99,70 % so với năm trước). 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận huyện triển khai Kế hoạch số 01/KH-SLĐTBXH ngày 10/01/2024 thăm tặng quà các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Chuẩn bị Hồ sơ Nghị quyết về Chính sách hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người từ 60-69 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội; tổng hợp báo cáo nhanh số liệu thăm, tặng quà Tết Nguyên đán năm 2024 từ nguồn ngân sách cấp huyện, nguồn xã hội hóa. 

* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Tháng  01/2024,  tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy cho 159 người. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 21 người.  Điều trị Methadone toàn thành phố(18 cơ sở) cho 3.783 người, trong đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý 06 cơ sở điều trị cho 1.175 người.  Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã tiến hành rà soát nắm tình hình các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố; đồng thời theo đề xuất của thành viên Đoàn kiểm tra, Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 02 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện Kiến Thụy.  

2. Giáo dục - Đào tạo

Trong tháng 01/2024, Ngành GDĐT tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 15/01/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị giáo dục tổ chức các chuyên đề dạy học phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Đẩy mạnh giáo dục toàn diện với các hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục chính trị tư tưởng, khởi nghiệp. Thành lập và xây dựng kế hoạch tập luyện các đội tuyển dự thi Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Lựa chọn 04 sản phẩm dự thi Vòng thi quốc gia cuộc thi “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức Đoàn, Hội Đội trong trường phổ thông nhằm giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Đặc biệt chú trọng tăng cường công tác quản lý hoạt động của tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tại các trường tư thục. Chỉ đạo các nhà trường sơ kết học kì I và tổ chức sơ kết học kì I giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học toàn thành phố. Đánh giá kết quả giáo dục học kì I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 

* Công tác y tế dự phòng

Trong tháng 01/2024, triển khai và chỉ đạo các quận/huyện thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đau   mắt đỏ và bệnh theo mùa. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện các trường hợp mắc, SXHD, Tay chân miệng, Viêm não Nhật Bản, Thủy đậu... xử lý ổ dịch ngay từ các trường hợp đầu tiên không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Tập trung cao cho các chương trình tiêm chủng mở rộng, mục tiêu y tế, HIV/AIDS, quy chuẩn kỹ thuật nước sạch địa phương tại Hải Phòng. Chủ động, tăng cường giám sát tích cực phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác.

* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong tháng 01/2024, thực hiện Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 05/01/2024 của UBND thành phố về việc kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đợt Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; đồng thời thực hiên các quyết đinh bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ đón tiếp Đoàn đại biểu Trung ương về dự, trao thưởng tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng thành phố năm 2024. 

Trong tháng báo cáo không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào trên địa bàn thành phố.

* Công tác khám chữa bệnh

Tập trung giám sát, kiểm tra đôn đốc các bệnh viện thực hiện đúng quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật bệnh viện mà Bộ Y tế đã ban hành. Chỉ đạo tăng cường chất lượng công tác khám bệnh, chẩn đoán, kê đơn điều trị đúng và thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện tại các cơ sở y tế. Đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến và Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh triển khai nhiều kỹ thuật mới trong ngành.

* Công tác phòng chống HIV/AIDS

Tại thời điểm báo cáo, số người nhiễm HIV đang còn sống là 6.392 trường hợp; Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 5.448 trường hợp. Hiện tại điều trị ARV cho 5.476 người; điều trị PreP cho 1.421 người.

Tổng số cơ sở điều trị Methadone 17 cơ sở tổng số bệnh nhân điều trị 3.831 người, đạt 83% chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì 95%. Ngành Y tế điều trị Methadone cho 2.682 (70%) người.

4. Văn hóa - Thể thao 

Trong tháng 01/2024, thành phố tổ chức thành công Chương trình nghệ thuật “Hải Phòng Chào năm mới 2024” tại Quảng trường Nhà hát thành phố, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng đêm 31/12/2023. Thực hiện chương trình nghệ thuật vở Chèo “Hồ Xuân Hương” – Sân khấu truyền hình Hải Phòng tháng 01/2024 tại Nhà hát Tháng Tám, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng. Triển khai kế hoạch biểu diễn các vở trong Đề án Sân khấu truyền hình phục vụ nhân dân nội ngoại thành, vùng sâu vùng xa và các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Vận động viên Hải Phòng tham gia Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu Giải Vô địch Bắn súng Châu Á năm 2024 tại Indonesia giành 01 Huy chương vàng. Cử 13 huấn luyện viên, vận động viên tập trung tập huấn Đội tuyển, Đội tuyển trẻ quốc gia năm 2024 các môn Cầu lông, Bơi, Cử tạ, Đấu kiếm, Pencak Silat. Cử cán bộ tham gia Đoàn cán bộ của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam tham gia khảo sát cơ sở huấn luyện tại Quảng Tây, Trung Quốc; tham gia Ban chấp hành Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nhiệm kỳ VI (2024-2029).

5. Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/01/2024, toàn thành phố xảy ra 83 vụ tai nạn giao thông đường bộ và 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt và 01 vụ tai nạn giao thông đường thủy; làm 28 người chết và 70 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tai nạn giao thông tăng 81 vụ; số người chết tăng 24 người và số người bị thương tăng 70 người. Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.  

6. Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/01/2024, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 24 vụ cháy, không có người chết và người bị thương; các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản; nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao tại một số nhà dân và cơ quan, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.

 

Tác giả bài viết: CỤC THỐNG KÊ TP HẢI PHÒNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây