Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2023 thành phố Hải Phòng

Thứ tư - 29/11/2023 08:55

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2023

thành phố Hải Phòng

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Hoạt động tài chính, ngân hàng

1.1 Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 11 năm 2023 ước đạt 11.394,9 tỷ đồng, bằng 123,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 6.438,1 tỷ đồng, bằng 401,05% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.902,4 tỷ đồng, bằng 83,67% so với cùng kỳ năm trước. Ước 11 tháng/2023 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 85.932,2 tỷ đồng, đạt 73,8% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 88,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 32.479,8 tỷ đồng, đạt 76,42% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 101,37% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 51.749,6 tỷ đồng, đạt 74,03% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố và bằng 82,81% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 11 năm 2023 ước đạt 2.556,3 tỷ đồng, bằng 94,98% so với cùng kỳ năm trước. Ước 11 tháng/2023 tổng chi ngân sách địa phương đạt 25.675,9 tỷ đồng, đạt 64,91% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 120,18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Tổng chi đầu tư phát triển đạt 13.583,2 tỷ đồng, đạt 61,7% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 136,14% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 11.469,9 tỷ đồng, đạt 78,96% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 110,27% so với cùng kỳ năm trước. 

1.2. Ngân hàng

* Công tác huy động vốn

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 30/11/2023 đạt 317.317 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. 

* Công tác tín dụng

Tổng dư nợ cho vay đến 30/11/2023 ước đạt 197.395 tỷ đồng, tăng 11,65% so với cùng kỳ năm trước. 

2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Thông tư 22/2023/TT-BYT ban hành ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp; kèm theo Thông tư là phụ lục về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá ngày giường, giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm. Theo đó, giá dịch vụ khám, chữa bệnh, dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm điều chỉnh tăng giá. Đây là những nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 tăng 0,54% so với tháng trước; tăng 4,38% so với tháng 12/2021 và tăng 4,27% so với cùng kỳ năm trước. 

Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,49% của 11 tháng năm 2022.

So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 11/2023 tăng 0,54% (khu vực thành thị tăng 0,57%; khu vực nông thôn tăng 0,50%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 06 nhóm có chỉ số giá tăng, 04 nhóm giá giảm so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 11/2023 tăng 4,27%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá.

So với tháng 12/2022, CPI tháng 11/2023 tăng 4,38%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm hàng tăng giá.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước.

Một số nguyên nhân làm tăng CPI 11 tháng năm 2023

- Giá nhóm lương thực tăng 6,27% do giá gạo trong nước tăng 5,32%, tác động làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm;

- Dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 11,49% do giá nhân công tăng;

- Giá dịch vụ giáo dục tăng 5,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm do một số trường tăng học phí năm học 2023-2024.

- Dịch vụ du lịch tăng 14,45% so với cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm do nhu cầu du lịch trong nước và ngoài nước của người dân tăng.

- Giá thực phẩm tăng cộng với nhu cầu ăn uống tại các nhà hàng quán ăn tăng đã làm cho giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 5,33%, góp phần làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.

- Giá điện sinh hoạt tăng 2,63% do nhu cầu sử dụng tăng và do giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ ngày 04/5/2023.

Một số nguyên nhân làm giảm CPI 11 tháng năm 2023

- Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh 33 đợt, làm cho giá xăng bình quân giảm 12,96% và giá dầu diezel giảm 10,80%, tác động CPI chung giảm 0,37 điểm phần trăm;

- Giá gas trong nước từ đầu năm đến nay giảm 6.67% so với cùng kỳ, tác động làm CPI chung giảm 0,07 điểm phần trăm;

- Giá một số thiết bị đồ dùng trong gia đình giảm 4,58% so với cùng kỳ, tác động làm CPI chung giảm 0,09 điểm phần trăm do nhu cầu tiêu dùng giảm.

* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ:

- Cùng với nhu cầu mua vàng dự trữ của nhiều nền kinh tế lớn, các nhà đầu tư đang tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn khi cuộc xung đột Israel - Palestine leo thang làm sâu sắc thêm tình trạng bất ổn chính trị ở Trung Đông là các yếu tố chính thúc đẩy giá vàng đi lên. Giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh cũ, lập đỉnh mới trong những ngày qua, khi giá vàng thế giới nhảy vọt lên vùng 2.000 USD/ounce (tương đương khoảng 58,6 triệu đồng/lượng). Chỉ số giá vàng tháng 11/2023 tăng 0,63% so với tháng trước, tăng 11,14% so với tháng 12/2022 và tăng 12,16% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân tháng 11/2023 dao động ở mức 5,99 triệu đồng/chỉ.

-  Ngày 02/11/2023, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm. Đây là lần nâng lãi suất thứ 4, đưa lãi suất ở Mỹ lên mức cao nhất 3,75 - 4% kể từ tháng 1-2008. Điều này tiếp tục khiến cho cho đồng USD tiếp tục tăng giá. Theo đó, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2023 tăng 0,01% so với tháng trước, tăng 1,61% so với tháng 12/2022 và giảm 0,95% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 11/2023 dao động ở mức 24.634 đồng/USD, tăng 2,51 đồng/USD. Bình quân 11 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 2,15%.

3. Đầu tư

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nguồn vốn đầu tư công, bám sát các Kế hoạch đã đề ra, Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 81,39% kế hoạch tăng 30,79% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11/2023 ước đạt 2.645,1 tỷ đồng, tăng 4,5% (tương ứng tăng 113,8 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Chia ra: vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 1.694,8 tỷ đồng, tăng 8,08%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 789,8 tỷ đồng, tăng 0,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 160,5 tỷ đồng, giảm 10,66% so với cùng kỳ năm 2022. 

Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 17.705,2 tỷ đồng, tăng 30,79% (tương ứng với 4.167,9 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Chia ra: vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 12.336,1 tỷ đồng, tăng 40,09% (tương ứng khoảng 3.530,1 tỷ đồng); vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 4.435,7 tỷ đồng, tăng 14,52% (tương ứng khoảng 562,4 tỷ đồng); vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 933,4 tỷ đồng, tăng 8,79% (tương ứng khoảng 75,4 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. 

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

 Tính đến 20/11/2023 Hải Phòng có 913 dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 29,42 tỷ USD.

Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến 20/11/2023 đạt 3.260,31 triệu USD, trong đó:

Cấp mới 100 dự án với số vốn cấp mới là 1.321,77 triệu USD. Cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế 62 dự án, đạt 1.245 triệu USD, (chiếm 94,19%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 38 dự án đạt 76,77 triệu USD (chiếm 5,81%).  

Điều chỉnh tăng vốn đầu tư 46 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 1.924,53 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế 35 dự án, vốn đầu tư tăng 1.856 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 11 dự án, vốn đầu tư tăng là 68,1 triệu USD. 

Thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 27 lượt, số vốn đầu tư đăng ký: 14,45 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế 02 lượt nhà đầu tư, vốn đầu tư đăng ký 2,89 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 25 lượt nhà đầu tư, vốn đầu tư đăng ký 11,56 triệu USD.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào thu hoạch cây hàng năm vụ Mùa, gieo trồng, chăm sóc cây vụ Đông trên toàn thành phố. Chăn nuôi gia súc, đàn lợn ổn định, giá xuất bán các sản phẩm thịt hơi giảm so tháng trước. Sản xuất thủy sản duy trì được mức tăng khá và ổn định trước diễn biến thất thường của thời tiết và giá vật tư đầu vào tăng.

4.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt

- Sản xuất vụ Mùa

Tính đến trung tuần tháng 11/2023, diện tích cây trồng vụ mùa cơ bản đã thu hoạch xong, kết quả sơ bộ về diện tích, năng suất, sản lượng của một số cây trồng cụ thể như sau:    

Diện tích gieo trồng cây lúa vụ Mùa đạt 28.148,5 ha, bằng 97,71 % (giảm 658,9 ha) so với vụ Mùa năm trước. Diện tích cây rau các loại đạt 4.043,8 ha, tăng 2,41% so với vụ Mùa năm trước, trong đó: cây rau lấy lá đạt 1.969,8 ha, tăng 3,31%; cây dưa lấy quả đạt 320,6 ha, bằng 96,87%; cây rau lấy quả đạt 516,4 ha, tăng 3,2%. 

Năng suất lúa vụ Mùa ước đạt 59,02 tạ/ha, bằng 100,64% so với vụ Mùa năm trước. Năng suất cây rau các loại đạt 228,12 tạ/ha, bằng 98,88% so với vụ Mùa năm trước, trong đó: nhóm rau lấy là đạt 225,55 tạ/ha, bằng 98,46%; cây dưa lấy quả đạt 285,91 tạ/ha, bằng 100,42%; cây rau lấy quả đạt 236,6 tạ/ha, bằng 98,62%, nhóm rau lấy củ, rễ, thân đạt 212,38 tạ/ha, bằng 6,78%.

Sản lượng lúa vụ Mùa ước đạt 166,1 nghìn tấn, bằng 98,34% (giảm 2,8 nghìn tấn) so với vụ Mùa năm trước. Trong đó: huyện Vĩnh Bảo đạt sản lượng lớn nhất 54,0 nghìn tấn, chiếm 32,5% tổng sản lượng lúa toàn thành phố; huyện Tiên Lãng đạt 38,1 nghìn tấn, chiếm 22,97%; huyện An Lão đạt 19,3 nghìn tấn, chiếm 11,63%; huyện Kiến Thụy đạt 16,7 nghìn tấn, chiếm 10,06%; huyện An Dương đạt 9,4 nghìn tấn, chiếm 5,63%; huyện Thủy Nguyên đạt 25,2 nghìn tấn, chiếm 15,18%. Sản lượng rau các loại toàn thành đạt 92,2 nghìn tấn, bằng 101,26% so với vụ Mùa năm trước.

- Sản xuất vụ Đông 

Thời tiết nắng, hanh khô thuận lợi cho công tác làm đất, lên luống, chuẩn bị mặt bằng gieo trồng cây trồng vụ Đông; diện tích gieo trồng cây vụ Đông ước đạt 3.759,8 ha, bằng 57,44% so với tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm trước. 

Một số vùng trồng cây vụ Đông trọng điểm của thành phố đang tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm đẩy nhanh tiến độ làm đất, chuẩn bị mặt bằng để gieo trồng trong thời gian tới: Vùng trồng dưa chuột xã Tiên Thanh - huyện Tiên Lãng; vùng trồng khoai tây tại xã Bạch Đằng, Quyết Tiến - huyện Tiên Lãng; một số vùng rau tại xã Đại Hà – huyện Kiến Thụy; ...

Trên những diện tích đã gieo trồng, các loại cây vụ Đông sinh trưởng phát triển thuận lợi. Một số sinh vật gây hại chính phát sinh trên đồng ruộng: sâu đục thân; bệnh đốm lá, bọ trĩ; bọ phấn trắng, sâu xanh bướm trắng; bệnh khô đầu lá hành đã được nông dân phòng trừ hiệu quả, không gây ảnh hưởng tới năng suất cây trồng.

* Chăn nuôi 

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng vẫn có xu hướng giảm; ước tháng 11/2023, đàn trâu đạt 4,2 nghìn con, giảm 5,51% so với cùng kỳ năm trước, đàn bò đạt 7,3 nghìn con, giảm 2,72%.

Chăn nuôi lợn tương đối ổn định, tổng đàn lợn ước đạt 151,3 nghìn con, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tăng ở các hộ nuôi quy mô trên 300 con để phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Chăn nuôi gia cầm tăng chủ yếu ở đàn gà, còn đàn vịt và ngan đều giảm do giá sản phẩm xuất bán giảm mạnh, giá thức ăn vẫn ở mức cao khiến các hộ giảm quy mô nuôi, một số hộ bỏ nuôi. Tổng đàn gia cầm ước đạt 8.707,2 nghìn con, tăng 0,75% so với cùng kỳ năm trước; trong đó đàn gà đạt: 6.987,8 nghìn con, tăng 2,5%.

Giá thức ăn chăn nuôi ổn định so với tháng trước, giá vịt giống giảm mạnh do thời tiết chuyển mùa nên nhu cầu chăn nuôi giảm. Giá các sản phẩm chăn nuôi đầu ra giảm so với tháng trước. 

Thời điểm hiện tại toàn thành không có dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, hiện nay dịch tả lợn Châu phi đang bùng phát tại 44/63 tỉnh thành trên cả nước, do vậy nguy cơ tái bùng phát bệnh tại Hải Phòng là rất cao.

4.2. Lâm nghiệp

Ước tính tháng 11/2023, sản lượng gỗ khai thác đạt 68,1 m3, bằng 56,75% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 3.520,6 ste, bằng 89,69%. Ước 11 tháng/2023, tổng sản lượng gỗ khai thác đạt được 1.106,6 m3, bằng 94,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 33.594,6 ste, bằng 96,26% (sản lượng gỗ, củi chủ yếu được khai thác và thu nhặt từ cây lâm nghiệp trồng phân tán nên sản lượng không cao). 

Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng tiếp tục được triển khai duy trì hiệu quả, trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa bàn thành phố. 

4.3. Thủy sản

Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 11/2023 ước đạt 16.672,3 tấn, tăng 2,17% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 11 tháng/2023 tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 179.126,2 tấn, tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. 

* Nuôi trồng

Diện tích nuôi thủy sản tháng 11/2023 ước đạt 6.609 ha, tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước; diện tích nuôi thủy sản 11 tháng/2023 ước đạt 11.956,4 ha, tăng 0,55%. 

Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch trong tháng 11/2023 ước đạt 7.675,4 tấn, tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch 11 tháng/2023 ước đạt 70.975,9 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 48.229,3 tấn, tăng 3,24%, tôm các loại đạt 6.522,4 tấn, tăng 3,91%, thủy sản khác đạt 16.224,2 tấn, tăng 2,81%. 

* Khai thác 

Sản lượng khai thác thủy sản tháng 11/2023 ước đạt 8.996,9 tấn, tăng 1,21% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác thủy sản 11 tháng/2023 ước đạt 108.150,3 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: khai thác biển ước đạt 103.679,5 tấn) , chia ra: cá các loại đạt 66.580,6 tấn, tăng 0,88%; tôm các loại đạt 8.482,9 tấn, tăng 0,62%; thủy sản khác đạt 33.086,8 tấn, tăng 1,67%.

5. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp các tháng cuối năm 2023 trên địa bàn thành phố tiếp tục giữ được sự ổn định, duy trì với mức tăng của tháng sau cao hơn tháng trước. Một số ngành sản xuất trọng điểm có tỷ trọng đóng góp lớn vào mức tăng chung như: sản xuất sản phẩm điện tử; sản xuất xe có động cơ; đóng tàu và cấu kiện nổi. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 13,07% so với cùng kỳ năm trước .

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2023 ước tính tăng 13,52% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,11% so với tháng 10/2023. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các ngành kinh tế cấp 1 đều tăng trưởng dương: ngành khai khoáng tăng 41,41%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,45%, đóng góp 12,56 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 4,68%, đóng góp 0,34 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 8,86%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong 11 tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 85,43%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 81,60%; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 80,37%; sản xuất xe có động cơ tăng 74,59%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 59%; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép tăng 49,68%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 39,86%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 36,87%;...

Ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất pin và ắc quy giảm 72,58%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 42,45%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa và chế phẩm vệ sinh giảm 30,91%; sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp giảm 28,28%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 25,27%; sản xuất hóa chất cơ bản giảm 20,54%;...

* Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2023 ước giảm 8,06% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn 11 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ tăng 7,96%. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 50,68%; sản xuất xe có động cơ tăng 45,70%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 44,91%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 34,33%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 21,32%;...

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 48,53%; sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 29,74%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 25,75%; sản xuất giày dép giảm 23,62%; sản xuất giường tủ, bàn ghế giảm 21,55%; may trang phục giảm 16,47%;...

* Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/11/2023 dự kiến tăng 11,19% so với tháng trước và tăng 36,48% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép tăng 402,61%; sản xuất sắt thép gang tăng 183,62%; sản xuất săm, lốp cao su, đắp và tái chế lốp cao su tăng 126,82%; sản xuất xe có động cơ tăng 107,19%; sản xuất giày dép tăng 75,20%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 43,34%;...

Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 92,92%; sản xuất bia và mạch nha giảm 84,88%; sản xuất mô tơ máy phát giảm 81,21%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 54,36%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản giảm 45,90%;...

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 11 tháng năm 2023 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước chủ yếu tập trung vào nhóm các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm điện tử như: tủ lạnh gia đình sản xuất đạt 458,3 nghìn chiếc, tăng 698,58%; thiết bị ngoại vi của máy vi tính (chuột, bút quang, bi xoay) sản xuất đạt 17,9 triệu cái, tăng 262,20%; máy chơi game đạt 1 triệu cái, tăng 78,81% so với cùng kỳ;...

Một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ: các loại ắc quy điện đạt 87,31 nghìn Kwh, giảm 72,58%; thuốc lá có đầu lọc sản xuất đạt 69 triệu bao, giảm 42,45%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa đạt 46,6 nghìn tấn, giảm 30,91%; máy cắt cỏ đạt 1.581,6 nghìn cái, giảm 28,28%; các loại nến cây đạt 78,4 triệu cây, giảm 18,02%;...

* Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2023 dự kiến tăng 3,40% so với cùng thời điểm tháng 10/2023 và tăng 0,88% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,91%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 11,12%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,19%.

Tại thời điểm trên, trong các ngành kinh tế cấp I chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng tăng 45% so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,89%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,21%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,01%.

6. Thương mại, dịch vụ

Tháng 11 năm 2023, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn nhằm đưa đến cho khách hàng, người tiêu dùng nhiều cơ hội tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp. Hoạt động kích cầu thị trường đã phát huy hiệu quả nên các hoạt động bán buôn, bán lẻ, vận tải giữ mức tăng trưởng khá. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 năm 2023 ước đạt 17.365,8 tỷ đồng, tăng 1,94% so với tháng trước, tăng 13,18% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 11 tháng/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 180.927 tỷ đồng, tăng 13,63% so với cùng kỳ năm trước. 

- Hoạt động bán lẻ

Doanh thu tháng 11/2023 ước đạt 14.362,4 tỷ đồng, tăng 1,95% so với tháng trước, tăng 14,70% so với cùng kỳ. Trong đó hầu hết các nhóm ngành hàng đều có ước tính tăng so với tháng trước; cụ thể: 

Doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 1,11%; hàng may mặc tăng 2,05%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 2,72%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 0,63%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,51%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 2,67%, phương tiện đi lại khác tăng 1,31%; xăng dầu các loại tăng 1,52%; nhiên liệu khác tăng 1,29%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 2,60%; hàng hóa khác tăng 1,02%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 2,72%.

Doanh thu hoạt động bán lẻ 11 tháng năm 2023 ước đạt 149.639,7 tỷ đồng, tăng 14,23% so với cùng kỳ và tăng ở hầu hết các ngành hàng. Trong đó, doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 14,15%; hàng may mặc tăng 14,10%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,31%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 14,13%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 14,55%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 14,31%; phương tiện đi lại khác tăng 14,30%; xăng dầu các loại tăng 14,14%; nhiên liệu khác tăng 14,29%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 14,10%; hàng hóa khác tăng 14,21%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 14,42%.

- Hoạt động dịch vụ 

Ước tính doanh thu một số ngành dịch vụ tháng 11 năm 2023 như sau: 

+ Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 160,6 tỷ đồng, giảm 16,33% so với tháng trước và tăng 16,66% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, doanh thu lưu trú đạt 2.114,6 tỷ đồng, tăng 13,63% so với cùng kỳ năm trước. 

+ Doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.919,0 tỷ đồng, giảm 0,39% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng đầu năm, doanh thu ăn uống đạt 19.301,6 tỷ đồng, tăng 13,23% so với cùng kỳ năm trước. 

+ Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 11,9 tỷ đồng, giảm 3,79% so với tháng trước và tăng 0,67% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng đầu năm, doanh thu lữ hành ước đạt 241,9 tỷ đồng, tăng 44,02% so với cùng kỳ năm trước. 

+ Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 911,9 tỷ đồng, tăng 11,68% so với tháng trước và giảm 2,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 9,98%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 1,08%, hoạt động dịch vụ khác tăng 7,49% so với cùng kỳ.

Tính chung 11 tháng năm 2023, doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 9.629,2 tỷ đồng, tăng 5,32% so với cùng kỳ năm 2022.

7. Hoạt động lưu trú và lữ hành

Tổng lượt khách tháng 11 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 559,5 nghìn lượt, giảm 7,67% so với tháng trước và tăng 15,38% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 75,3 nghìn lượt, giảm 3,42% so với tháng trước và tăng 6,04% so với cùng tháng năm trước. 

Cộng dồn 11 tháng/2023, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 7.410,4 nghìn lượt, tăng 13,66% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 900,3 nghìn lượt, tăng 48,51% so với cùng kỳ năm trước. 

Đối với hoạt động lữ hành, tháng 11 lượt khách lữ hành của các cơ sở trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 3,4 nghìn lượt, tăng 4,49% so với tháng trước. Cộng dồn 11 tháng đầu năm 2023, lượt khách du lịch do các cơ sở lữ hành trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 88,5 nghìn lượt, tăng 15,47% so với cùng kỳ.

8. Giao thông vận tải

Nhìn chung, trong tháng 11 hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì được đà tăng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động vận tải đường bộ và đường biển tăng trưởng khá, lần lượt tăng tương ứng 11,21% và 3,72% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kho bãi và dịch vụ vận tải có chiều hướng tăng chậm lại so với các tháng trước đó, đạt mức tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát dự kiến tháng 11 đạt 10.531,8 tỷ đồng, tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng đạt 108.279,7 tỷ đồng, tăng 13,18% so với 11 tháng cùng kỳ năm trước.

8.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hóa vận chuyển trong tháng 11 ước tính đạt 25,8 triệu tấn, tăng 1,61% so với tháng trước và tăng 6,16% so với tháng cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 11.532,2 triệu tấn.km, tăng 2,17% so với tháng trước và tăng 11,39% so với tháng cùng kỳ năm trước; doanh thu ước tính đạt 5.069,2 tỷ đồng, tương ứng tăng 1,90% so tháng trước và tăng 6,95% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 267,1 triệu tấn, tăng 7,40%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 112.876,0 triệu tấn.km, tăng 6,94%; doanh thu ước đạt 52.247,7 tỷ đồng, tăng 10,18% so với 11 tháng cùng kỳ năm trước.

8.2. Vận tải hành khách

Trong tháng 11, doanh thu ước tính đạt 335,8 tỷ đồng, tăng 0,95% so tháng trước và tăng 41,09% so với tháng cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 6,4 triệu lượt hành khách, tương ứng tăng 1,14% so tháng trước và tăng 41,26% so với tháng cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 276,2 triệu lượt hành khách.km, tương ứng tăng 1,25% so tháng trước và tăng 42,69% so với tháng cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế 11 tháng năm 2023, số lượt hành khách vận chuyển đạt 64,9 triệu lượt hành khách, tăng 67,79%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 2.808,3 triệu lượt hành khách.km, tăng 76,18%; doanh thu ước đạt 3.422,3 tỷ đồng, tăng 69,78% so với 11 tháng cùng kỳ năm trước. 

8.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải

Doanh thu hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải (cảng, bốc xếp, đại lý vận tải,..) trong tháng 11 ước tính đạt 5.103,6 tỷ đồng, tăng 4,20% so với tháng trước và tăng 1,83% so với tháng cùng kỳ năm trước; cộng dồn 11 tháng/2023 ước đạt 52.376,5 tỷ đồng, tăng 13,79% so với 11 tháng cùng kỳ năm trước. 

8.4. Sân bay Cát Bi

Tháng 11 năm 2023, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 18,8 tỷ đồng, giảm 8,93% so với tháng trước, giảm 23,46% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 11 tháng/2023, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 268,68 tỷ đồng, giảm 4,34% so với cùng kỳ.

Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 11 năm 2023 ước đạt 954 chuyến, giảm 7,47% so với tháng trước, giảm 31,47% so với cùng tháng năm trước. Tháng 11 có 54 chuyến bay ngoài nước. Cộng dồn 11 tháng đầu năm, số lần máy bay hạ, cất cánh ước đạt 14.872 chuyến, giảm 13,26% so với cùng kỳ.

Tổng số hành khách tháng 11 năm 2023 ước đạt 169,5 nghìn lượt người, giảm 5,45% so với tháng trước, giảm 25,55% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 11 tháng, tổng số hành khách vận chuyển ước đạt 2.475,29 nghìn lượt người, giảm 9,49% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hàng hóa tháng 11 năm 2023 ước đạt 1.150 tấn, giảm 0,35% so với tháng trước, giảm 3,69% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 11 tháng, tổng số hàng hóa ước đạt 14.007 tấn, tăng 31,31% so với cùng kỳ.

9. Hàng hoá thông qua cảng 

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tháng 11 năm 2023 ước đạt 18,5 triệu TTQ, giảm 1,72% so với tháng trước và tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: 

- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước tháng 11 năm 2023 đạt 5,07 triệu TTQ, tăng 11,29% so với tháng trước, giảm 9,12% so với cùng kỳ năm trước.

- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 13,43 triệu TTQ, giảm 5,88% so với tháng trước, tăng 7,36% so với cùng kỳ năm 2022.

Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố 11 tháng đầu năm 2023 đạt 150,19 triệu TTQ, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước đạt 48,15 triệu TTQ giảm 9,5% so với cùng kỳ; Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 102,04 tăng 6,22% so với cùng kỳ năm trước.

* Doanh thu cảng biển 11 tháng đầu năm 2023 đạt 6.112,8 tỷ đồng, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm 2022.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

Trong tháng 11/2023, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

* Công tác Lao động, việc làm

Tháng 11 năm 2023, Sàn giao dịch việc làm ước tổ chức 05 phiên giao dịch  với sự tham gia tuyển dụng của 60 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng khoảng 8.240 lao động, cung lao động tại Sàn khoảng 9.100 lượt người; ước cấp mới 300 giấy phép lao động, cấp lại 70 giấy phép lao động, gia hạn 250 giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp 05 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đã thực hiện thẩm định 18 hồ sơ nội quy lao động và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 08 doanh nghiệp; đã tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của 18 doanh nghiệp. Trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công, xảy ra 01 vụ tai nạn lao động làm chết 01 người (cùng kỳ năm 2022 không xảy ra vụ đình công nào, không xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết người ).

Trong 11 tháng năm 2023, ước tổ chức 52 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 820 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng là 99.330 lượt lao động; cung lao động tại Sàn được 92.070 lượt người, đáp ứng được 92,69% nhu cầu tuyển dụng. Đăng kí bảo hiểm thất nghiệp ước là 22.560 người (tăng 18,47% so với cùng kỳ năm 2022), đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp 21.630 người (tăng 22,76% so với cùng kỳ năm 2022), với kinh phí khoảng 520,9 tỷ đồng (tăng 31,18% so với cùng kỳ năm 2022). Qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 22.560 người (tăng 18,47% so với cùng kỳ năm 2022).

Đến thời điểm báo cáo trên địa bàn thành phố xảy ra 03 cuộc đình công, ngừng việc tập thể, khoảng 282 lao động tham gia (cùng kỳ năm 2022 xảy ra 03 cuộc đình công, ngừng việc tập thể, khoảng 2.880 lao động tham gia); xảy ra 11 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 11 người (Giảm 02 vụ so với cùng kỳ năm 2022).

* Công tác Giáo dục nghề nghiệp

Tháng 11 năm 2023, xin ý kiến tham gia về Hồ sơ xây dựng hồ sơ Nghị quyết “Về cơ chế, chính sách tăng cường đào tạo nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đến năm 2030” tại Công văn số 5466/SLĐTBXH-GDNN ngày 26/10/2023, Công văn số 5535/SLĐTBXH-GDNN ngày 27/10/2023. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đề xuất nhu cầu xây dựng danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu; tiêu chuẩn cơ sở vật chất trong thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo giai đoạn 2021 - 2025 tại Công văn số 5350/SLĐTBXH-GDNN, ngày 23/10/2023. Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023 tại Quyết định số 3116/QĐ-UBND ngày 05/10/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch và phân bổ kinh phí thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2023 tại Công văn số 5232/SLĐTBXH-GDNN ngày 17/10/2023. 

Trong 11 tháng năm 2023, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Kế hoạch số 277/KH-UBND về việc đón, tiếp xúc, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về địa phương năm 2023. Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân thành phố dự thảo Đề án “Đào tạo nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030” và Nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2030 theo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trên cơ sở Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. 

* Công tác giảm nghèo - Bảo trợ xã hội

Tháng 11 năm 2023, trình Ủy ban nhân dân thành phố về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 53/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố về nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và một số chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025 tại Tờ trình số 106/TTr-SLĐTBXH ngày 06/10/2023. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Cục Thống kê thành phố thực hiện Kế hoạch số 129/KH-SLĐTBXH ngày 29/9/2023 về hoạt động của Tổ Giám sát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố năm 2023; báo cáo sơ bộ kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 gửi Ủy ban nhân dân thành phố, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tại Công văn số 5785/SLĐTBXH-BTXH ngày 09/11/2023. 

Trong 11 tháng năm 2023, tổng số đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là 748 người (bằng 99,07% so với cùng kỳ). Tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố đạt 331 lượt người (giảm 22 lượt người so với cùng kỳ). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thẩm định 418 hộ nghèo có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 52/2019/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố. 

* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

 Tháng 11 năm 2023, đã tổ chức tiếp nhận cai nghiện ma túy tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy cho 142 người. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 33 người. Điều trị Methadone toàn thành phố 17 cơ sở cho 3.840 người, trong đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý 06 cơ sở điều trị cho 1.185 người.  Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã tiến hành rà soát, nắm tình hình, kiểm tra 14 cơ sở kinh doanh dịch vụ: nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, massage trên địa bàn thành phố.

Trong 11 tháng năm 2023, tổ chức cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 1.833 lượt người, bằng 82,23% so với cùng kỳ năm trước (1.833/2.229), bằng 81,85% so với kế hoạch năm (1.833/2.245). Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 338 người, bằng 139,7% so với cùng kỳ năm trước (338/242), bằng 112,7% so với kế hoạch năm (338/300). Điều trị Methadone toàn thành phố (17 cơ sở) cho 3.840 người, trong đó 06 cơ sở thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội điều trị cho 1.477 người, bằng 101,65% so với cùng kỳ năm trước (1.477/1.453), bằng 119,1% so với kế hoạch năm (1.477/1.240). 

2. Giáo dục - Đào tạo

Trong tháng 11/2023, thành phố bám sát chỉ đạo của Bộ giáo dục và Đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ học kỳ I năm học 2023-2024. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức thành công kỳ thi học sinh giỏi bảng B. Tập huấn các đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia; tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11; tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hoàn thành 3/3 nhiệm vụ chuyển đổi số thành phố giao.

3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 

*Công tác y tế dự phòng

Trong tháng 11/2023, thành tập trung phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai các chương trình y tế dân số năm 2023. Triển khai   và chỉ đạo các quận/huyện thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đau   mắt đỏ và bệnh theo mùa. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện các trường hợp mắc, SXHD, Tay chân miệng, Viêm não Nhật Bản, Thủy đậu... xử lý ổ dịch  ngay từ các trường hợp đầu tiên không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Tập trung cao cho các chương trình tiêm chủng mở rộng, mục tiêu y tế, HIV/AIDS, quy chuẩn kỹ thuật nước sạch địa phương tại Hải Phòng. Chủ động, tăng cường giám sát tích cực phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác.

* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong 11/2023, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phầm, thanh kiểm tra trong tháng 11 năm 2023. Quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ATTP trong tháng hành động. Kiểm tra ATTP bếp ăn tập thể. Giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm: Giám sát bảo đảm ATTP  lễ hội và sự kiện thành phố; Giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm sản phẩm thực phẩm trên thị trường và tại cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm.

Thực hiện Quyết định số 156/QĐ-ATTP ngày 09/10/2023 về việc Kiểm  tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh  nước uống đóng chai, nước đá dùng liền đối với hộ kinh doanh. Thực hiện Quyết định số 158/QĐ-ATTP ngày 10/10/2023 về việc Kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các trường học năm 2023 trên địa bàn thành phố. Thực hiện kiểm tra 38 cơ sở và không có cơ sở nào vi phạm.

* Công tác khám chữa bệnh

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các tuyến; đảm bảo y tế cho các sự  kiện chính trị của đất nước, thành phố trong tháng 11 năm 2023. Tổ chức các hội thảo khoa học nhằm cập nhật những kiến thức, quy định mới của Chính phủ, của Bộ Y tế và của thành phố. Thực hiện đúng các quy chế chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế. Thành lập các đoàn Kiểm tra công tác y tế tại các cơ sở y tế công lập năm 2023.

* Công tác phòng chống HIV/AIDS

Trong tháng 11/2023, ghi nhận 14 ca nhiễm HIV mới; Số người nhiễm HIV đang còn sống đến thời điểm báo cáo là 6.375 trường hợp; Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 5.440 trường hợp. Hiện tại điều trị ARV cho 5.461 người; điều trị PreP cho 1.391 người.

Tổng số cơ sở điều trị Methadone 17 cơ sở tổng số bệnh nhân điều trị  3.838 người, đạt 84% chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì  95%. Ngành Y tế điều trị Methadone cho 2684 (70%).

4. Văn hóa - Thể thao 

Trong tháng 11/2023, thành phố tổ chức tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kinh doanh dịch vụ văn hóa, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên địa bàn. Ban hành và triển khai Kế hoạch Tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma tuý năm 2023; Kế hoạch Triển khai thực hiện các tiêu chí về văn hoá trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Tiếp tục thực hiện các Đề án chuyển đổi số: “Số hóa tài liệu di sản văn hóa và tài liệu quý tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hải Phòng”; “Xây dựng bộ tiêu chí về văn hóa số của người Hải Phòng văn minh, lịch sự trên môi trường số”. Hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh và bổ sung Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai các bước xây dựng Tượng đài Kim Đồng, Biểu tượng Hoà bình - Hữu nghị, Biểu tượng Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không tại một số vườn hoa, công viên trên địa bàn thành phố.

5. Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/10/2023 đến ngày 14/11/2023, toàn thành phố xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông đường bộ và 02 vụ tai nạn giao thông đường thủy; làm 22 người chết và 58 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tai nạn giao thông tăng 60 vụ (tương ứng tăng 1000%); số người chết tăng 17 người (tương ứng tăng 340%) và số người bị thương tăng 55 người (tương ứng tăng 1833,33%). Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.  

Trong 11 tháng năm 2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 123 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 04 vụ tai nạn giao thông đường sắt và 02 vụ tai nạn giao thông đường thủy. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 74 người và bị thương 89 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 63 vụ (tương ứng tăng 143,4%); số người chết tăng 29 người (tương ứng tăng 64,44%); số người bị thương tăng 73 người (tương ứng tăng 456,25%).

6. Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/10/2023 đến ngày 14/11/2023, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 17 vụ cháy, không có người chết và làm 01 người bị thương; các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản.

Trong 11 tháng năm 2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 104 vụ cháy, số người chết là 05 người và bị thương 04 người; nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao tại một số nhà dân và cơ quan, doanh nghiệp; một số vụ cháy thảm thực bì rừng gây thiệt hại ước tính là 2,72 ha; các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.

 

 

 

Tác giả bài viết: CỤC THỐNG KÊ TP HẢI PHÒNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây