Tình hình Kinh tế - Xã hội TP Hải Phòng tháng 7, 7 tháng năm 2023

Thứ sáu - 28/07/2023 09:13
IIP tăng 10,59% CPI tăng 0.84% so với tháng trước là những tin chính trong báo cáo tháng 7

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 7, 7 THÁNG NĂM 2023

THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

          

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Hoạt động tài chính, ngân hàng

1.1 Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 7 năm 2023 ước đạt 7.556,9 tỷ đồng, bằng 95,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 2.747,4 tỷ đồng, bằng 123,85% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.719,8 tỷ đồng, bằng 83,35% so với cùng kỳ năm trước. Ước 7 tháng/2023 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 52.680,8 tỷ đồng, đạt 45,24% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 84,04% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 17.671,6 tỷ đồng, đạt 41,58% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 78,07% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 33.550,7 tỷ đồng, đạt 48% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố và bằng 86,78% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính 7 tháng/2023, trong số thu nội địa: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đạt 923,9 tỷ đồng, bằng 90,97% so với cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương đạt 529,9 tỷ đồng, bằng 77,68%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.052,2 tỷ đồng, bằng 94,11%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 4.708,5 tỷ đồng, bằng 90,29%; lệ phí trước bạ đạt 602 tỷ đồng, bằng 78,45%; thuế thu nhập cá nhân đạt 2.369,1 tỷ đồng bằng 95,77%;...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 7 năm 2023 ước đạt 2.649,6 tỷ đồng, bằng 156,97% so với cùng kỳ năm trước. Ước 7 tháng/2023 tổng chi ngân sách địa phương đạt 17.393 tỷ đồng, đạt 43,97% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 140,74% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Tổng chi đầu tư phát triển đạt 10.179,1 tỷ đồng, đạt 46,24% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 187,05% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 7.035,5 tỷ đồng, đạt 48,43% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 108,62% so với cùng kỳ năm trước.

1.2. Ngân hàng

* Công tác huy động vốn

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/7/2023 đạt 309.023 tỷ đồng, tăng 11,82% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo loại tiền: Huy động bằng VND ước đạt 295.072 tỷ đồng, tăng 12,83% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 95,49%; ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 13.951 tỷ đồng, bằng 94,08% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 4,51%.

Theo hình thức huy động: Huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 189.689 tỷ đồng, tăng 15,95% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 61,38%; tiền gửi thanh toán ước đạt 114.295 tỷ đồng, tăng 6,92% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 36,99%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 5.039 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,63%.

* Công tác tín dụng

Tổng dư nợ cho vay đến 31/7/2023 ước đạt 191.356 tỷ đồng, tăng 9,33% so với cùng kỳ năm trước. 

Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND ước đạt 184.830 tỷ đồng, tăng 10,98% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 96,59%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 6.526 tỷ đồng, bằng 76,93% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 3,41%.

Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 101.610 tỷ đồng, tăng 13,71% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 53,1%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 89.746 tỷ đồng, tăng 4,76% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 46,9%. 

2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Giá một số các mặt hàng thực phẩm tăng; giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là nhũng nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 0,84% so với tháng trước; tăng 2,82% so với tháng 12/2022 và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước. 

Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 2,88% của 7 tháng năm 2022.

So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 7/2023 tăng 0,84% (khu vực thành thị tăng 1,03 %; khu vực nông thôn tăng 0,59%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 09 nhóm có chỉ số giá tăng, 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7/2023 tăng 3,13%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá.

So với tháng 12/2022, CPI tháng 7/2023 tăng 2,82%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm hàng tăng giá.

Trong các nhóm tăng giá: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có chỉ số tăng cao nhất với 11,1% (góp phần làm CPI chung tăng 1,75 điểm phần trăm). Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch có chỉ số giá tăng 4,13% do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao. Nhóm ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,13% do giá thực phẩm tăng. 

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước.

Một số nguyên nhân làm tăng CPI 7 tháng năm 2023

- Giá nhà cho thuê tăng 22,82% do nhu cầu thuê nhà tăng sau Tết Nguyên đán;

- Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 6,61% do giá sắt, thép, xi măng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm;

- Giá dịch vụ giáo dục tăng 7,45% do các trường khu vực ngoài công lập điều chỉnh tăng học phí.

- Giá thực phẩm tăng đã làm cho giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 6,47 %, góp phần làm CPI chung tăng 0,56 điểm phần trăm.

- Dịch vụ du lịch tăng 10,4% so với cùng kỳ, làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm do nhu cầu du lịch trong nước và ngoài nước của người dân tăng.

Một số nguyên nhân làm giảm CPI 7 tháng năm 2023

- Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh 20 đợt, làm cho giá nhiên liệu giảm 17,09% tác động CPI chung giảm 0,55 điểm phần trăm. Trong đó, giá xăng giảm 17,78%, giá dầu diezel giảm 16,72%.

- Giá gas trong nước từ đầu năm đến nay giảm 9,99% theo giá gas thế giới, tác động làm CPI giảm 0,1 điểm phần trăm.

- Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 2,54% do giá các thiết bị điện thoại mẫu cũ giảm, tác động làm CPI chung giảm 0,09 điểm phần trăm.

* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ:

- Giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tháng 7/2023 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 5,05% so với tháng 12/2022 và tăng 5,74% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân tháng 7/2023 dao động ở mức 5,658 triệu đồng/chỉ.

- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2023 tăng 0,62% so với tháng trước, giảm 1,67% so với tháng 12/2022 và tăng 1,33% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 7/2023 dao động ở mức 23.839 đồng/USD, tăng  147,14 đồng/USD. Bình quân 7 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 2,68% so với cùng kỳ.

3. Đầu tư

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2023 tiếp tục được tập trung đẩy mạnh thực hiện. Các cấp, các ngành phối hợp cùng các địa phương chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là dự án trọng điểm được quan tâm đầu tư, đôn đốc tiến độ. 

Vốn đầu tư ước tính tháng 7/2023 đạt 1.921,1 tỷ đồng, tăng 65,68% (tương ứng tăng 761,6 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Chia ra: vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 1.344,3 tỷ đồng, tăng 80,12%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 480,1 tỷ đồng, tăng 40,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 96,7 tỷ đồng, tăng 36,77% so với cùng kỳ năm 2022. 

Tổng số vốn đầu tư thực hiện 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7.922,8 tỷ đồng, tăng 46,14% (tương ứng với 2.501,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Chia ra: vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 5.892,3 tỷ đồng, tăng 57,32% (tương ứng khoảng 2.146,8 tỷ đồng); vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 1.652,3 tỷ đồng, tăng 21,44% (tương ứng khoảng 291,8 tỷ đồng); vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 378,2 tỷ đồng, tăng 19,91% (tương ứng khoảng 62,8 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022.

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Tính đến 20/7/2023 Hải Phòng có 883 dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 26.197,46 triệu USD.

Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến 20/7/2023 đạt 2.031,38 triệu USD, trong đó:

Cấp mới 53 dự án với số vốn cấp mới là 458,28 triệu USD. Cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 390,17 triệu USD, (chiếm 85,14%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 68,11 triệu USD (chiếm 14,86%).  

Điều chỉnh tăng vốn đầu tư 29 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 1.568,87 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, 23 dự án, vốn đầu tư tăng 1.560,38 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 06 dự án, vốn đầu tư tăng là 8,49 triệu USD. 

Thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 09 lượt, số vốn đầu tư đăng ký: 4,23 triệu USD (ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế).

Tính từ đầu năm đến 20/7/2023 có 16 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động, trong đó có 14 dự án nằm ngoài KCN và 2 dự án nằm trong KCN.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào công tác gieo trồng và chăm sóc cây hàng năm vụ Mùa, đảm bảo thực hiện trong khung thời vụ tốt nhất. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh triển khai thực hiện nhằm chủ động phòng ngừa và đảm bảo kế hoạch sản xuất đã đề ra.

4.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt

Thành phố thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Mùa theo hướng linh hoạt, sáng tạo nhằm đảm bảo điều tiết nguồn nước, thời vụ, cơ cấu giống, bảo vệ thực vật và phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Đối với sản xuất lúa, các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để lựa chọn hình thức gieo mạ. Ưu tiên làm mạ dầy xúc, mạ nền cứng, tăng cường áp dụng mạ khay, cấy máy, gieo mạ tập trung thành vùng để quản lý, chăm sóc và phòng trừ rầy được tốt hơn. Diện tích làm đất trên địa bàn thành phố dước đạt 28.353 ha, diện tích mạ đã gieo ước đạt 2.776,8 ha, diện tích lúa đã cấy ước đạt 11.586 ha, bằng 40,22% so với vụ Mùa năm trước.

Diện tích gieo trồng cây hàng năm khác ước đạt 2.519,6 ha, bằng 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tập trung vào các cây trồng chủ lực trong vụ Mùa như: Diện tích cây ngô ước đạt 85 ha, rau muống ước đạt 485,7 ha, cây dưa lấy quả ước đạt 220 ha, cây gia vị ước đạt 185 ha,…

Trên cây trồng vụ Mùa, các đối tượng sinh vật gây hại mức độ thấp, trên cây lúa có 114 ha nhiễm ốc bươu vàng; cây hàng năm khác có 7,7 ha phát hiện các sinh vật gây hại. Các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác điều tiết nguồn nước và bảo vệ thực vật, đảm bảo đủ nước cho gieo cấy, chăm sóc cây trồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại, chủ động phòng tránh những diễn biến bất thường của thời tiết nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả gieo trồng.

* Chăn nuôi

Ước tính tháng 7 năm 2023, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: Tổng đàn trâu ước đạt 4,11 nghìn con, giảm 1,08% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 7,47 nghìn con, giảm 7,89%.

Tổng đàn lợn hiện có ước đạt 140,43 nghìn con, giảm 4,68% so với cùng kỳ năm trước. Giá lợn hơi xuất chuồng trung bình đạt 60,87 nghìn đồng/kg, tăng 12,29% so với tháng trước.

Chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tiếp tục có xu hướng giảm, chủ yếu do đàn vịt toàn thành giảm mạnh. Tổng đàn gia cầm ước đạt 8.317,85 nghìn con, giảm 1,74% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước đạt 6.548,21 nghìn con, tăng 1,19%. 

4.2. Lâm nghiệp

Tháng 7 năm 2023, sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn thành phố ước đạt 91,8 m3, bằng 123,55% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 3.436,7 ste, bằng 110,46%. 

Diện tích rừng trên toàn thành phố chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, các sản phẩm gỗ, củi chủ yếu là thu từ cây trồng phân tán nên ngày càng có xu hướng giảm. Ước tính 7 tháng năm 2023, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 812,3 m3, bằng 99,65% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 20.606,7 ste, bằng 96,82%. 

4.3. Thủy sản

Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 7 năm 2023 ước đạt 15.744,9 tấn, tăng 2,10% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 115.331,3 tấn, tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước.

* Nuôi trồng

Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 7 năm 2023 ước đạt 6.561,7 ha, tăng 1,18% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 10.207,4 ha, tăng 1,07%.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 7 năm 2023 ước đạt 5.524,2 tấn, tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng năm 2023 sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 45.088,7 tấn, tăng 3,22%, chia ra: cá các loại đạt 28.281,2 tấn, tăng 3,32%; tôm các loại đạt 3.996,0 tấn, tăng 3,90%; thủy sản khác đạt 12.811,5 tấn, tăng 2,79%.

Khu vực nuôi nước ngọt thu hoạch cá rô phi, cá chép, trắm cỏ… đạt kích cỡ xuất bán phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; chuẩn bị đầy đủ vật tư, chăm sóc đàn thủy sản nuôi trong điều kiện thời tiết nắng nóng, diễn biến phức tạp. Khu vực nuôi nhuyễn thể, lồng bè tích cực thu hoạch các đối tượng cá song, cá vược, cá giò, ngao, hàu… phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và khách du lịch; thực hiện đóng mới, bổ sung trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu nuôi trồng thủy sản lồng bè theo quy định, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị để ứng phó với các hiện tượng thời tiết. 

Khu vực sản xuất - dịch vụ giống chủ động cung ứng con giống phục vụ nhu cầu thả nuôi của người dân. Sản lượng giống sản xuất trong 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.141,8 triệu con giống các loại, bằng 99,64% so với cùng kỳ năm trước. 

* Khai thác 

Sản lượng khai thác thủy sản tháng 7 năm 2023 ước đạt 10.220,7 tấn, tăng 1,55% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác của toàn thành phố ước đạt 70.242,6 tấn, tăng 0,96% so với cùng kỳ năm trước.

Các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết, chủ động và có phương án đảm bảo an toàn sản xuất theo quy định.

5. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 7 có dấu hiệu chững lại khi ước tính chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 6,69% so với tháng trước, đây là kết quả thấp nhất so 5 năm gần đây. Nguyên nhân trong bối cảnh khó khăn chung kinh tế thế giới, sức cầu yếu, đơn hàng giảm dẫn đến hơn một nửa các ngành công nghiệp cấp 4 của thành phố dự kiến giảm sản lượng sản xuất hoặc tăng thấp so cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các ngành kinh tế cấp 1 đều tăng trưởng dương: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,01%, đóng góp 10,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,07%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 19,28%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 2,29%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

 Trong 7 tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 68,95%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 55,34%; đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 92,82%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 74,87%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 47,95%;... Ngược lại một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất pin và ắc quy giảm 60,41%; sản xuất hóa chất cơ bản giảm 38,84%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 40,83%; sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 24,91%; lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp giảm 40,4%; sản xuất sắt thép gang giảm 26,55%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 20,78%; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 27,54%; sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp giảm 36,12%;...

* Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7/2023 ước giảm 7,23% so với tháng trước và giảm 6,85% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn 7 tháng đầu năm 2023 chỉ số tiêu thụ tăng 5,53%. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất thiết bị truyền thông tăng 35,92%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 36,36%; sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 36,89%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 35,01%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 21,3%; sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 29,33%; sản xuất săm lốp cao su tăng 14,65%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 17,6%; .... 

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 58,12%; sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 45,73%; sản xuất giày dép giảm 24,12%; may trang phục giảm 19,19%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 38,35%; sản xuất giường tủ, bàn ghế giảm 28,77%; sản xuất xe có động cơ giảm 18,21%; sản xuất sắt thép gang giảm 33,86%;...

* Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/7/2023 dự kiến tăng 1,73% so với tháng trước và tăng 21,24% so với cùng thời điểm năm trước, Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng rất cao so cùng kỳ: sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 135,26%; sản xuất gỗ các loại tăng 239,15%; sản xuất xe có động cơ tăng 124,83%. Tiếp theo là một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như sản xuất giày dép tăng 63,36%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 42,37%; sản xuất săm lốp cao su tăng 62,54%; sản xuất dây cáp điện tăng 42%;...

Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: sản xuất bia và mạch nha giảm 98,42%; sản xuất mô tơ máy phát giảm 86,07%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 49,81%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 38,61%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 40,64%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 46,39%;....

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm 2023: cấu kiện cầu bằng sắt thép sản xuất đạt 24,6 nghìn tấn, tăng 260,5%; giấy và bìa khác sản xuất đạt 6,2 nghìn tấn, tăng 55,34%; bút chì đen, bút chì màu và các loại bút chì khác sản xuất đạt 231,4 triệu cái tăng 60,21%; bê tông tươi sản xuất đạt 524,7 nghìn m3, tăng 25,52%; modul camera sản xuất đạt 102,4 triệu cái, tăng 40,23%; các thiết bị ngoại vi của máy vi tính sản xuất đạt 9,91 triệu cái, tăng 154,5% so với cùng kỳ;…

Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ: thuốc lá có đầu lọc sản xuất đạt 45,7 triệu bao giảm 40,83% so với cùng kỳ; các loại ắc quy điện sản xuất đạt 87 nghìn Kwh, giảm 60,41%; máy cắt cỏ sản xuất đạt 1.002,2 nghìn cái, giảm 36,12%; sổ sách, vở thếp sản xuất đạt 20,9 nghìn tấn, giảm 23,6%; các loại nến cây sản xuất đạt 46,08 triệu cây, giảm 34,72%; giày dép các loại sản xuất đạt 27,3 triệu đôi, giảm 20,83%; quần áo các loại sản xuất đạt 94,9 triệu cái, giảm 14,96%;...

* Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2023 dự kiến tăng 2,34% so với tháng 6/2023 và giảm 7,42% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,32%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,65%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,73%. Tại thời điểm trên, trong các ngành kinh tế cấp I chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng tăng 15,38% so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,65%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,97%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước.

6. Thương mại, dịch vụ

Tháng 7, các hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố tiếp tục mức tăng trưởng ổn định. Với ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, cùng với thời điểm du lịch biển vào mùa vụ kinh doanh cao điểm đã tác động làm tăng doanh thu nhiều ngành hàng như: điện lạnh, may mặc, đồ uống, thực phẩm, hải sản, hàng lưu niệm,...

 Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7/2023 ước đạt 16.824 tỷ đồng, tăng 2,30% so với tháng trước, tăng 13,55% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 7 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 112.800,6 tỷ đồng, tăng 13,56% so với cùng kỳ năm trước. 

- Hoạt động bán lẻ:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 7 năm 2023 ước đạt 13.740,6 tỷ đồng, tăng 1,45% so với tháng trước, tăng 15,08% so với cùng kỳ. Trong đó hầu hết các nhóm ngành đều tăng so với tháng trước, cụ thể: doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 1,87%; hàng may mặc tăng 1,43%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 0,30%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 6,42%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 1,28%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 2,85%; phương tiện đi lại khác tăng 1,67%; xăng dầu các loại tăng 1,87%; nhiên liệu khác tăng 1,83%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 0,63%; hàng hóa khác tăng 1,56%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 1,55%.

Doanh thu hoạt động bán lẻ tháng 7 năm 2023 có xu hướng tăng so với tháng trước ở hầu hết các ngành. Tháng này là tháng cao điểm của mùa hè, một số ngành hàng tiếp tục có ước tính tăng cao như: lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình, hàng điện tử, điện lạnh, hàng may mặc, vật phẩm văn hóa giáo dục, xăng dầu, nhiên liệu... Nguồn cung cầu về hàng hóa và giá cả ổn định. 

Doanh thu hoạt động bán lẻ 7 tháng năm 2023 ước đạt 93.588,6 tỷ đồng, tăng 14,01% so với cùng kỳ, tăng ở hầu hết các ngành hàng. Trong đó, doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 14,13%; hàng may mặc tăng 14,06%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,86%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 14,24%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,93%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 14,06%; phương tiện đi lại khác tăng 13,97%; xăng dầu các loại tăng 14,20%; nhiên liệu khác tăng 14,14%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 13,21%; hàng hóa khác tăng 13,95%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 14,14%.

Hoạt động thương mại bán lẻ 7 tháng đầu năm 2023 sôi động hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay các hoạt động ăn uống, du lịch, vui chơi giải trí của các tổ chức, cá nhân, gia đình, học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ hè tăng cao nên doanh thu một số ngành hàng tăng cao như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu, xăng dầu…

- Hoạt động dịch vụ:  

Hoạt động du lịch, dịch vụ trong tháng tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ. Doanh thu các ngành dịch vụ ước tính tháng 7 và 7 tháng năm 2023 như sau:

- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 7 năm 2023 ước đạt 261,7 tỷ đồng, tăng 6,41% so với tháng trước và tăng 13,75% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, doanh thu lưu trú đạt 1.315,5 tỷ đồng, tăng 12,99% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 7 năm 2023 ước đạt 1.853,5 tỷ đồng, tăng 10,09% so với tháng trước và tăng 9,97% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, doanh thu ăn uống đạt 11.568,4 tỷ đồng, tăng 13,82% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 7 năm 2023 ước đạt 52,3 tỷ đồng, tăng 67,73% so với tháng trước, tăng 31,27% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng/2023, dịch vụ du lịch lữ hành đạt 165,2 tỷ đồng, tăng 68,08% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu dịch vụ khác tháng 7 năm 2023 ước đạt 915,9 tỷ đồng, giảm 2,69% so với tháng trước, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng/2023, dịch vụ khác ước đạt 6.163,0 tỷ đồng, tăng 5,87% so với cùng kỳ năm trước.

7. Hoạt động lưu trú và lữ hành

Tổng lượt khách tháng 7/2023 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 1,06 triệu lượt, tăng 6,63% so với tháng trước và tăng 9,16% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 90,97 nghìn lượt, tăng 2,55% so với tháng trước và giảm 8,89% so với cùng tháng năm trước. 

Cộng dồn 7 tháng/2023, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 4,71 triệu lượt, tăng 14,13% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt gần 584,1 nghìn lượt, tăng 94,84% so với cùng kỳ năm trước. 

Đối với hoạt động lữ hành, tháng 7 lượt khách lữ hành của các cơ sở trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 19,98 nghìn lượt, tăng 94,55% so với tháng trước, và tăng 4,83% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2023, lượt khách du lịch do các cơ sở lữ hành trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 56,32 nghìn lượt tăng 20,52% so với cùng kỳ. 

Nhìn chung 7 tháng đầu năm 2023, các hoạt động lưu trú, ăn uống, lữ hành đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt hoạt động của các nhà hàng, quán ăn vẫn rất sôi động nhất là vào các dịp nghỉ lễ và các ngày cuối tuần. Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng tích cực hưởng ứng phong trào “Đường tàu - Đường hoa” do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phát động, tạo điểm nhấn cho các khu ga, hai bên đường sắt… Do vậy cùng với công việc vận chuyển hành khách, hàng hóa thì ga Hải Phòng chính là một trong những địa điểm check-in Hải Phòng nổi tiếng được nhiều bạn trẻ ghé đến tại thành phố. Ngoài ra vào cuối tuần tại phố đi bộ Thế Lữ còn tổ chức các chương trình sự kiện nghệ thuật ngoài trời với các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia. Các cửa hàng dịch vụ ăn uống phong phú góp phần thu hút các bạn trẻ trong và ngoài thành phố đến thưởng thức. 

8. Giao thông vận tải

Theo kết quả điều tra hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố, nhìn chung năng lực vận chuyển và chất lượng hoạt động vận tải 7 tháng đầu năm 2023 tiếp tục được duy trì ở mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát dự kiến tháng 7 đạt 9,64 nghìn tỷ đồng, tăng 14,66% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 67,78 nghìn tỷ đồng, tăng 16,42% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả hoạt động vận tải 7 tháng năm 2023 cho thấy sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng. Chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân cũng như vận chuyển hàng hóa, tiết kiệm chi phí xã hội. Cụ thể, hoạt động từng loại hình như sau:

8.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hóa vận chuyển trong tháng 7 ước tính đạt 23,74 triệu tấn, tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 7,37% so với tháng cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 9.635,8 triệu tấn.km, tăng 0,78% so với tháng trước và tăng 1,41% so với tháng cùng kỳ năm trước; doanh thu ước tính đạt 4,66 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 0,7% so tháng trước và tăng 10,97% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Ước tính cộng dồn 07 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 165,7 triệu tấn, tăng 6,84%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 67.794,5 triệu tấn.km, tăng 2,80%; doanh thu ước đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,81% so với 7 tháng đầu năm 2022.

8.2. Vận tải hành khách

Trong tháng 7, doanh thu ước tính đạt 316 tỷ đồng, tăng 0,5% so tháng trước và tăng 43,08% so với tháng cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 5,98 triệu lượt người, tương ứng tăng 0,68% so tháng trước và tăng 38,7% so với tháng cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 252,8 triệu lượt người.km, tương ứng tăng 0,53% so tháng trước và tăng 48,53% so với tháng cùng kỳ năm trước. 

Ước tính lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, số lượt hành khách vận chuyển đạt 39,6 triệu lượt người, tăng 90,51%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 1.725,3 triệu lượt người.km, tăng 104,57%; doanh thu ước đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 92,87% so với 7 tháng cùng kỳ năm trước. 

8.3. Hoạt động hỗ trợ vận tải

Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải (cảng, bốc xếp, đại lý vận tải...) tháng 7 ước tính đạt 4,64 nghìn tỷ đồng, tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 17% so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu cộng dồn trong 7 tháng đầu năm ước tính 33 nghìn tỷ đồng, tăng 19,37% so 7 tháng cùng kỳ năm trước. 

8.4. Sân bay Cát Bi

Tháng 7 năm 2023, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 26,5 tỷ đồng, giảm 2,48% so với tháng trước; giảm 30,78% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 7 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 181,13 tỷ đồng, tăng 5,46% so với cùng kỳ.

Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 7 năm 2023 ước đạt 1.500 chuyến, giảm 2,22% so với tháng trước, giảm 33,83% so với cùng tháng năm trước. Tháng 7 có 60 chuyến bay ngoài nước. Cộng dồn 7 tháng đầu năm, số lần máy bay hạ, cất cánh ước đạt 10.397 chuyến, giảm 3,62% so với cùng kỳ.

Tổng số hành khách tháng 7 năm 2023 ước đạt 238,5 nghìn lượt người, giảm 10,86% so với tháng trước, giảm 38,79% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 7 tháng đầu năm, tổng số hành khách vận chuyển ước đạt hơn 1.662,22 nghìn lượt người, giảm 3,08% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hàng hóa tháng 7 năm 2023 ước đạt 1.230 tấn, giảm 6,75% so với tháng trước, tăng 0,9% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 7 tháng đầu năm, tổng số hàng hóa ước đạt 9.353 tấn, tăng 45,46% so với cùng kỳ.

9. Hàng hoá thông qua cảng 

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tháng 7 năm 2023 ước đạt 13,5 triệu TTQ, tăng 6,33% so với tháng trước và giảm 4,17% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: 

- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước tháng 7 năm 2023 đạt 4,6 triệu TTQ, tăng 4,91% so với tháng trước, giảm 6,73% so với cùng kỳ năm trước.

- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 8,9 triệu TTQ, tăng 7,09% so với tháng trước, giảm 2,78% so với cùng kỳ năm 2022.

Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố 7 tháng đầu năm 2023 đạt 82,9 triệu TTQ, giảm 3,18% so với cùng kỳ năm 2022 trong đó: khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước đạt 29,4 triệu TTQ, giảm 13,27% so với cùng kỳ; các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 53,5 triệu TTQ, tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước.

 * Doanh thu cảng biển 7 tháng đầu năm 2023 đạt 3.758,1 tỷ đồng, giảm 3,81% so với cùng kỳ năm 2022.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

Trong tháng 7/2023, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

* Công tác Lao động, việc làm

Tháng 7 năm 2023, Sàn giao dịch việc làm dự kiến tổ chức 05 phiên giao dịch với sự tham gia tuyển dụng của trên 90 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng khoảng 13.580 lao động, cung lao động tại Sản khoảng 12.500 lượt người; uớc cấp mới 170 giấy phép lao động, cấp lại 12 giấy phép lao động, gia hạn 70 giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp 01 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tiếp nhận Thỏa ước lao động tập thể của 20 doanh nghiệp; thực hiện thẩm định 21 hồ sơ nội quy lao động và ra thông báo thực hiện Nội quy lao động cho 09 doanh nghiệp. Trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công, không xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết người (cùng kỳ năm 2022 thành phố không xảy ra đình công, xảy ra 01 vụ tai nạn lao động làm chết 01 người). 

Trong 7 tháng đầu năm 2023, ước tổ chức 29 phiên giao dịch việc làm (đến thời điểm báo cáo đã tổ chức 25 phiên), đăng kí bảo hiểm thất nghiệp ước là 14.420 người, đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 13.910 người (tăng 42,71% so với cùng kỳ năm 2022), với kinh phí khoảng 326,1 tỷ đồng. Qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 14.420 người (tăng 30,66% so với cùng kỳ năm 2022).

Ước cấp mới 1.960 giấy phép lao động, cấp lại 122 giấy phép lao động, gia hạn 470 giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp 16 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đã thực hiện thẩm định 158 hồ sơ nội quy lao động và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 64 doanh nghiệp; đã tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của 135 doanh nghiệp. Từ đầu năm đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố xảy ra 03 cuộc đình công, ngừng việc tập thể với khoảng 282 lao động tham gia; xảy ra 06 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 07 người (giảm 01 vụ tai nạn lao động so với cùng kỳ năm 2022).

* Công tác Giáo dục nghề nghiệp

Tháng 7 năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố nội dung triển khai thực hiện Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố tại Công văn số 3103/SLĐTBXH-GDNN ngày 23/6/2023; đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố một số hoạt động giáo dục nghề nghiệp của trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải Phòng, trường cao đẳng Kinh tế Hải Phòng sau sáp nhập tại Công văn số 3053/SLĐTBXH-GDNN ngày 22/6/2023; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố báo cáo kết quả công tác tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm 2023 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tại Công văn số 3270/SLĐTBXH-GDNN ngày 04/7/2023.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, tập trung tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố triển khai Kế hoạch số 53/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện các Quyết định về sắp xếp cơ sở Giáo dục nghề nghiệp công lập thành phố quản lý của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; tham mưu và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố triển khai nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2023. Tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023.  

Ước thực hiện đến hết 7 tháng năm 2023: Mạng lưới cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (17 trường cao đẳng, 09 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp) và 25 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên quận, huyện và 11 doanh nghiệp). Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ước đạt 25.100 học sinh, sinh viên, học viên, đạt 47,5% kế hoạch năm và bằng 99,8% so với cùng kỳ năm 2022.

* Công tác người có công

Tháng 7 năm 2023, giải quyết chế độ chính sách đối với 750 trường hợp, gồm: trợ cấp mai táng phí đối với 447 người; chế độ thờ cúng liệt sĩ: 223 Quyết định; Quyết định về việc hưởng thêm chế độ thương binh đồng thời là người hưởng chế độ mất sức lao động; thương binh đồng thời là bệnh binh: 64; Quyết định trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân người có công với cách mạng từ trần: 13; Quyết định giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với gia đình liệt sĩ báo tử lần đầu: 01; Quyết định về việc trợ cấp một lần đối với đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng Bà Mẹ được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng: 02. Tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 349 trường hợp. Triển khai tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước đến người có công theo Quyết định số 715/QĐ-CTN của Chủ tịch nước và Công văn số 2392/LĐTBXH-NCC ngày 27/6/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, thực hiện quy trình trình thành phố ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định đối tượng, mức, hình thức quà tặng nhân dịp các ngày Lễ, Tết hằng năm. Phối hợp với Sở Xây dựng và các quận huyện triển khai thực hiện hỗ trợ xây mới 287 nhà, sửa chữa 183 nhà cho người có công có khó khăn về nhà ở, với kinh phí 15.140 triệu đồng; Triển khai các hoạt động của Ban quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thành phố.

* Công tác giảm nghèo - Bảo trợ xã hội

Tháng 7/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 2835/SLĐTBXH-BTXH báo cáo về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2024-2025. Đề xuất nội dung bổ sung đối tượng người khuyết tật là thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết sau tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy tại cuộc họp sáng ngày 04/7/2023 tại Công văn số 3503/SLĐTBXH-BTXH ngày 14/7/2023. Phối hợp tổ chức Lễ Khánh thành Dự án "Nâng cấp, sửa chữa nhà ở cho đối tượng người già cô đơn, không nơi nương tựa tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ xã hội" do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tài trợ tại Văn bản số 3227/SLĐTBXH-BTXH. Tổng số lượt người lang thang tập trung trong tháng là 28 lượt người lang thang (giảm 9 lượt so với cùng kỳ).

Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng số đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là 763 người (tăng 29 người, bằng 103,95% so với cùng kỳ). Tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố đạt 190 lượt người. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thẩm định 418 hộ nghèo có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 52/2019/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố.

* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Tháng 7 năm 2023, đã tổ chức tiếp nhận cai nghiện ma túy tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy cho 119 người; Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 39 người. Điều trị Methadone toàn thành phố (18 cơ sở) cho 3.905 người, trong đó ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đang quản lý 06 cơ sở điều trị cho 1.166 người. Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã tiến hành rà soát, nắm tình hình, kiểm tra 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ: nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, massage ... trên địa bàn thành phố. 

Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy cho 1.380 lượt người, bằng 111,7% so với cùng kỳ năm trước (1.380/1.235). Điều trị Methadone toàn thành phố (18 cơ sở) cho 3.905 người, trong đó 06 cơ sở thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội điều trị cho 1.350 người, bằng 99,9% so với cùng kỳ năm trước. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 207 người, bằng 138% so với cùng kỳ năm trước (207/150), có 237 hồ sơ được lập đưa người nghiện có nơi cư trú ổn định đi cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện, trong đó 168 người đã được đưa vào các cơ sở cai nghiện đạt 39,34% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 (168/427). Đoàn kiểm tra 178 thành phố đã tiến hành kiểm tra 47 cơ sở kinh doanh dịch vụ: nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, massage, trong đó: 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ trong kế hoạch đã được phê duyệt và tiến hành kiểm tra đột xuất 32 cơ sở kinh doanh dịch vụ. 

2. Giáo dục - Đào tạo

Trong tháng 7/2023, thành phố đã tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023. Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế và đảm bảo an toàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2023 - 2024; triển khai các quy trình mua sắm trang thiết bị dạy học cho các đơn vị trường học; hướng dẫn các cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; triển khai các phần mềm hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; phần mềm kiểm tra, đánh giá học sinh thay thế hồ sơ giấy.

Phát triển nguồn học liệu điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 

* Công tác y tế dự phòng

*Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh truyền nhiễm khác

Trong tháng 7/2023, dịch covid-19 tại Hải Phòng cơ bản được kiểm soát, số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng giảm nhiều trong thời gian gần đây; thành phố tiếp tục có các chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch; chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch trên địa bàn không để xảy ra nguy cơ bùng dịch.

Chủ động giám sát các dịch bệnh lạ, bất thường như: bệnh đậu mùa Khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em để có biện pháp can thiệp kịp thời; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa hè không để dịch bùng phát như: bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp, viêm màng não.

Đẩy mạnh công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng để từng bước nâng cao số lượng và chất lượng các kênh giám sát tại các tuyến từ xã/phường, quận/huyện đến tuyến thành phố; dự trù, chuẩn bị các cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện, hóa chất sinh phẩm để đảm báo công tác phòng, chống dịch

Công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì thực hiện tại 100% xã, phường, thị trấn, đảm bảo chất lượng, an toàn, tổ chức tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe và quản lý đối tượng trong diện tiêm chủng; thực hiện tốt việc cung cấp vắc xin, dụng cụ và đảm bảo chất lượng, an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm, không xảy ra tai biến; công tác giám sát các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện đúng theo quy định, không có tai biến xảy ra trong và sau tiêm chủng, kết quả tiêm chủng đạt được.

* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong 7/2023, thực hiện Quyết định số 95/QĐ-ATTP ngày 28/6/2023 về việc bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ tổ chức khóa An cư Kết hạ năm 2023 cho các tăng, ni tại Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố, Đoàn công tác ATTP của Chi cục đã tiến hành làm việc, hướng dẫn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố.

Trong tháng, chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 41 cơ sở, hoàn thiện 72 Hồ sơ tự công bố sản phẩm. Không có vụ ngộ độc thực phẩm.

* Công tác phòng chống HIV/AIDS

Số người nhiễm HIV đang còn sống đến thời điểm báo cáo là 6.340 trường hợp; số người nhiễm HIV lũy tích là 11.768 người; lũy tích số người chuyển sang AIDS là 6.372 người, lũy tích số người chết do AIDS là 5.428 người.

Đến thời điểm báo cáo có 18 cơ sở điều trị Methadone, điều trị 3.878 người, đạt 85 % chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì 95%. Ngành Y tế điều trị cho 2.741 bệnh nhân đạt 70%.

4. Văn hóa - Thể thao 

Trong tháng 7/2023, thành phố tổ chức tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; thực hiện  tốt công tác quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kinh doanh dịch vụ văn hóa, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên địa bàn, công tác quản lý.

Triển khai việc tổ chức, phối hợp tổ chức Lễ hội trình diễn các di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, quốc tế của thành phố: Liên hoan di sản văn hoá phi vật thể thế giới Ca trù Hải Phòng mở rộng năm 2023; Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, Lễ hội Vật đình Vĩnh Khê, Lễ hội Xa Mã đình Hoàng Châu, huyện Cát Hải…

Hướng dẫn các địa phương tổ chức lễ hội, công tác quản lý nhà nước về lễ hội, các di tích, các di sản văn hoá di vật được UNESCO ghi danh thể trên địa bàn và hướng dẫn giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác tổ chức lễ hội, trong việc thực hành di sản văn hoá phi vật thể, báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện quy chế phối phối hợp về công tác Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Công tác thể dục, thể thao: Tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn thành phố. Tiếp tục triển khai xây dựng 03 Nghị quyết về thể thao gồm: Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn hiện nay; Nghị quyết quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao trên địa bàn thành phố Hải Phòng ngoài đối tượng quy định tại Thông tư 86/2020/TT-BTC ngày 26/10/2020 của Bộ Tài chính; Nghị quyết quy định chế độ khuyến khích đối với huấn luyện viên, vận động viên thành phố Hải Phòng lập thành tích tại các giải thể thao cấp quốc gia.

5. Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/6/2023 đến ngày 14/7/2023, toàn thành phố xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đường bộ và 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 03 người chết, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tai nạn giao thông giảm 01 vụ (tương ứng giảm 33,33%); số người chết tăng 01 người (tương ứng tăng 50%) và số số người bị thương giảm 01 người (tương ứng giảm 100%). Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.  

Trong 7 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông đường bộ và 03 vụ tai nạn giao thông đường sắt. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 36 người và bị thương 07 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 02 vụ (tương ứng giảm 5,56%); số người chết tăng 03 người (tương ứng tăng 9,09%); số người bị thương tăng 02 người (tương ứng tăng 40%).

6. Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/6/2023 đến ngày 14/7/2023, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 13 vụ cháy, không gây thiệt hại về người; giá trị thiệt hại về tài sản đang trong quá trình xác minh.

 Trong 7 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 47 vụ cháy, số người chết là 05 người và bị thương 01 người; nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao tại một số nhà dân và cơ quan, doanh nghiệp; các vụ cháy đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.

CỤC THỐNG KÊ TP HẢI PHÒNG

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây