Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, 4 tháng năm 2023 thành phố Hải Phòng

Thứ bảy - 29/04/2023 21:31

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 4, 4 THÁNG NĂM 2023

THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

 

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Hoạt động tài chính, ngân hàng

1.1 Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 4/2023 ước đạt 8.382 tỷ đồng, bằng 89,62% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 3.002,5 tỷ đồng, bằng 82,47% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 5.367,7 tỷ đồng, bằng 93,98% so với cùng kỳ năm trước. Ước 4 tháng/2023 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 32.424,9 tỷ đồng, đạt 27,85% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 90,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 11.134,5 tỷ đồng, đạt 26,2% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 84,62% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 19.991,2 tỷ đồng, đạt 28,6% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố và bằng 92,75% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 4/2023 ước đạt 2.866,9 tỷ đồng, bằng 164,41% so với cùng kỳ năm trước. Ước 4 tháng/2023 tổng chi ngân sách địa phương đạt 9.448,4 tỷ đồng, đạt 23,89% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 158,23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển trong chi cân đối ngân sách địa phương đạt 5.397,6 tỷ đồng, đạt 26,13% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 286,21% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 3.772,2 tỷ đồng, đạt 25,97% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 108,08% so với cùng kỳ năm trước.

1.2. Ngân hàng

* Công tác huy động vốn

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 30/4/2023 đạt 301.587 tỷ đồng, tăng 10,32% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo loại tiền: Huy động bằng VND ước đạt 285.367 tỷ đồng, tăng 9,71% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 94,62%; ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 16.220 tỷ đồng, tăng 22,36% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 5,38%.

Theo hình thức huy động: Huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 185.922 tỷ đồng, tăng 16,73% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 61,65%; tiền gửi thanh toán ước đạt 110.580 tỷ đồng, tăng 2,38% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 36,66%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 5.085 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,69%.

* Công tác tín dụng

Tổng dư nợ cho vay đến 30/4/2023 ước đạt 184.937 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND ước đạt 179.654 tỷ đồng, tăng 15,11% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 97,14%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 5.283 tỷ đồng, giảm 35,37% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 2,86%.

Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 97.154 tỷ đồng, tăng 15,25% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 52,53%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 87.783 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 47,47%. 

2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Giá xăng bình quân tháng 4/2023 tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tiếp tục tăng là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 tăng 0,21% so với tháng trước; tăng 1,90% so với tháng 12/2021 và tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung bình quân 4 tháng năm 2023, CPI tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 2,43% của 4 tháng năm 2022.

So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 4/2023 tăng 0,21% (khu vực thành thị tăng 0,37%; khu vực nông thôn có chỉ số không thay đổi). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 04 nhóm có chỉ số giá tăng, 05 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4/2023 tăng 3,62%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá.

So với tháng 12/2022, CPI tháng 4/2023 tăng 1,9%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 08 nhóm hàng tăng giá.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng năm 2023 tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước.

Một số nguyên nhân làm tăng CPI 4 tháng năm 2023

- Giá nhà cho thuê tăng 17,21% do nhu cầu thuê nhà tăng sau Tết Nguyên đán;

- Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,26% do giá sắt, thép, xi măng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm;

- Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng tăng cao làm cho giá gạo 4 tháng đầu năm tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm.

- Giá thực phẩm tăng đã làm cho giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 7,06%, góp phần làm CPI chung tăng 0,61 điểm phần trăm.

- Dịch vụ du lịch tăng 4,35% so với cùng kỳ, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm do nhu cầu du lịch trong nước và ngoài nước của người dân tăng.

Một số nguyên nhân làm giảm CPI 4 tháng năm 2023

- Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh 11 đợt, làm cho giá xăng giảm 11,56%, giá dầu diezel giảm 2,71%, tác động CPI chung giảm 0,35 điểm phần trăm;

- Giá gas trong nước từ đầu năm đến nay giảm 5,76% so với cùng kỳ, tác động làm CPI giảm 0,06 điểm phần trăm;

- Thời tiết thuận lợi nên rau xanh phát triển tốt, nguồn cung ổn định làm cho giá rau tươi, khô và chế biến giảm 3,23% so với cùng kỳ.

* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ:

- Giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tháng 4/2023 tăng 3,02% so với tháng trước, tăng 4,57% so với tháng 12/2022 và tăng 0,3% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân tháng 4/2023 dao động ở mức 5,63 triệu đồng/chỉ.

- Giá USD lao dốc trên thị trường quốc tế khi nhà đầu tư lo ngại về kinh tế Mỹ suy yếu. Điều này cũng giúp giá USD trong nước tiếp tục đi xuống. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2023 giảm 1,82% so với tháng trước, giảm 2,31% so với tháng 12/2022 và tăng 2,75% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 4/2023 dao động ở mức 23.682 đồng/USD, giảm 196,4 đồng/USD. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,5%.

3. Đầu tư

Với những kết quả đạt được trong quý I năm 2023, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tiến độ nhiều hạng mục đầu tư như: Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Chính trị - Hành chính; Dự án cầu Bến Rừng; Dự án tuyến đường bộ ven biển đến ngã 3 Vạn Bún; … Nhiều dự án hoàn thành trong tháng 4/2023. Tuy nhiên, tình hình thực hiện vốn đầu tư vẫn còn một số khó khăn như tiến độ giải phóng mặt bằng và thủ tục về đất đai tại một số dự án vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

- Vốn đầu tư ước tính tháng 4/2023 đạt 1.007,2 tỷ đồng, tăng 52,91% (tương ứng tăng 348,5 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước thực hiện 773,5 tỷ đồng, tăng 75,48%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 187,7 tỷ đồng, tăng 7.93%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 46 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. 

- Tổng số vốn đầu tư thực hiện 4 tháng đầu năm 2023 đạt 3.114,1 tỷ đồng, tăng 38,55% (tương ứng với 866,5 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 2.466,2 tỷ đồng, tăng 46,59% (tương ứng khoảng 783,8 tỷ đồng); vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 511 tỷ đồng, tăng 14,81% (tương ứng khoảng 65,9 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022.

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Tính đến 15/4/2023 Hải Phòng có 856 dự án còn hiệu lực:

Tổng vốn đầu tư: 24.832,5 triệu USD

Tính từ đầu năm đến 15 tháng 4 toàn thành phố có 24 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 197,9 triệu USD và 12 dự án điều chỉnh tăng với số vốn tăng là 301,3 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Từ nửa cuối tháng 3 đến 15/4/2023 có 7 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 83 triệu USD. Các dự án chủ yếu có vốn đầu tư nhỏ. 

Tính từ đầu năm đến 15 tháng 4  có 9 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động, trong đó có 7 dự án nằm ngoài Khu công nghiệp (KCN) và 2 dự án nằm trong KCN.

4. Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào việc chăm sóc cây trồng vụ Xuân. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được chú trọng triển khai và thực hiện hiệu quả trên địa bàn.

4.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt

Tính đến ngày 15 tháng 4 năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây vụ Xuân trên địa bàn thành phố ước đạt 35.462,7 ha, bằng 98,32% so cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng gieo trồng cây vụ Xuân năm nay giảm sâu ở diện tích lúa và cây thuốc lào. Diện tích của một số nhóm cây trồng chính cụ thể như sau:

Diện tích gieo trồng cây lúa ước đạt 27.588,5 ha, bằng 98,39% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cấy lúa giảm do chuyển sang đất xây dựng, trồng rau màu và nuôi trồng thủy sản. Sản xuất lúa được ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, diện tích các chân ruộng đều được làm đất bằng máy đảm bảo tăng độ xốp, độ dày cho tầng đất canh tác. Nhiều bộ giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất như: Giống lúa lai chiếm 28,4%, giống lúa thuần chất lượng chiếm 60,6% và giống nếp các loại chiếm 11% tổng diện tích gieo cấy.

Diện tích các cây trồng hàng năm khác ước đạt 7.874,2 ha, bằng 98,10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số cây trồng có biên độ biến động diện tích lớn như: diện tích cây thuốc lào ước đạt 1.768,5 ha (giảm 128 ha), diện tích cây dưa lấy quả ước đạt 728 ha (tăng 48 ha), diện tích nhóm cây gia vị ước đạt 561 ha (tăng 38 ha).

* Chăn nuôi

Chăn nuôi trâu, bò tiếp tục giảm do xu hướng đô thị hóa nông thôn, diện tích đồng cỏ dành cho chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp. Ước tính tháng 4/2023, tổng đàn trâu ước đạt 4,17 nghìn con, giảm 2,09%; đàn bò ước đạt 7,54 nghìn con, giảm 4,77% so với cùng kỳ.

Tổng đàn lợn hiện có trên địa bàn thành phố ước đạt 134,12 nghìn con, giảm 6,04% so cùng kỳ năm trước. Chi phí chăn nuôi nhất là giá thức ăn cao đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất của người chăn nuôi, đặc biệt là những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ.

Tổng đàn gia cầm ước đạt 7.974,52 nghìn con, tăng 1,76% so với cùng kỳ năm trước. Công tác phòng, chống dịch bệnh được tiến hành hiệu quả, tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi.

4.2. Lâm nghiệp

Tháng 4/2023, sản xuất ngành lâm nghiệp thành phố nhìn chung ổn định. Công tác tuần tra bảo vệ rừng được tăng cường, công tác phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý lâm sản tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. 

Sản lượng gỗ, củi khai thác trong tháng tiếp tục giảm, trong đó sản lượng gỗ ước đạt 118,9 m3, giảm 3,72%; sản lượng củi ước đạt 3.091,3 ste, giảm 2,77% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng năm 2023, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 486,4 m3, giảm 4,36% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 12.359 ste, giảm 3,4%. 

4.3. Thủy sản

Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 4 năm 2023 ước đạt 16.781,0 tấn, giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 65.438,1 tấn, giảm 1,27% so với cùng kỳ năm trước.

* Nuôi trồng

Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 4 năm 2023 ước đạt 6.990,2 ha, tăng 0,62% so với cùng kỳ năm trước; ước tính 4 tháng năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 8.843,0 ha, tăng 0,64%.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 4 năm 2023 ước đạt 6.502,7 tấn, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 4 tháng năm 2023 sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 27.584,3 tấn, tăng 2,80%, chia ra: cá các loại đạt 17.349,4 tấn, tăng 3,18%; tôm các loại đạt 2.283,6 tấn, tăng 3,06%; thủy sản khác đạt 7.951,3 tấn, tăng 1,88%. 

* Khai thác 

Sản lượng khai thác thủy sản tháng 4 năm 2023 ước đạt 10.278,3 tấn, giảm 3,01% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác của toàn thành phố ước đạt 37.853,8 tấn, giảm 4,03% so với cùng kỳ năm trước.

5. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng 4/2023 ước tính giảm 2,38% so với tháng trước chủ yếu do sụt giảm sản xuất một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ do nhu cầu thị trường giảm sâu, không có đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp... Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm năm 2023 sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn là điểm sáng và đạt kết quả tích cực, tăng 13,37% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4/2023 ước tính giảm 2,38% so với tháng trước và tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 1,31% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 15,63% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải nước thải tăng 1,15%; duy nhất ngành sản xuất và phân phối điện vẫn giảm so với cùng kỳ là 10,73%.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,96%, đóng góp 14,41 điểm phần trăm, ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,59%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm, ngành khai khoáng tăng 19,52%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung, ngành có chỉ số giảm là ngành sản xuất, phân phối điện giảm 15,57%, tác động làm giảm 1,12 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong 4 tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp trọng điểm có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 104,86% so với cùng kỳ; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 97,08%; đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 80,49%; sản xuất máy chuyên dụng khác tăng 61,22%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 46,48% so với cùng kỳ; sản xuất săm, lốp cao su, đắp và tái chế lốp cao su tăng 48,34%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 58,02%;...

Ngược lại một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất hóa chất cơ bản giảm 30,79%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 42,19%; sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 48,67%; lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp giảm 37,88%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 17,08%; sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp giảm 26,99%;...

* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2023 ước tăng 8,15% so với tháng trước và tăng 11,64% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn 4 tháng đầu năm 2023 chỉ số tiêu thụ chỉ tăng 6%, trong đó có một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng mạnh như: sản xuất thiết bị truyền thông tăng 56,6%; chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 46,53%; sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 37,42%; sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 48,23%; sản xuất sảm phẩm điện tử dân dụng tăng 29,32%; sản xuất săm lốp cao su tăng 32,45%;...

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: sản xuất xe có động cơ giảm 70,63%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 57,74%; sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 47,85%; sản xuất giày dép giảm 38,26%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 35,61%; sản xuất giường tủ, bàn ghế giảm 27,1%;...

*Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/4/2023 dự kiến tăng 5,13% so với tháng trước và tăng 47,49% so với cùng thời điểm năm trước. Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì trong khi khâu tiêu thụ đang bị chậm lại thì lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp đang ứ đọng và bị đẩy cao lên.  Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 189,43%; sản xuất xe có động cơ tăng 129,1%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 160,87%; sản xuất giày dép tăng 154,84%; sản xuất săm lốp cao su tăng 81,62%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 58,68%;...

Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: sản xuất bia và mạch nha giảm 87,03%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 89,6%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 61,22%; sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 98,27%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 44,82%; sản xuất sắt thép gang giảm 28,36%;...

*Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 4 tháng năm 2023 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước: cấu kiện cầu bằng sắt thép sản xuất đạt 18,3 nghìn tấn tăng 305,79% so với cùng kỳ; giấy và bìa khác sản xuất đạt 4,0 nghìn tấn tăng 97,08% so với cùng kỳ; bút chì đen, bút chì màu và các loại bút chì khác sản xuất đạt 127,4 triệu cái tăng 66,87%; bê tông tươi sản xuất đạt 327,4 nghìn m3 tăng 65,93%; modul camera sản xuất đạt 70,5 triệu cái tăng 70,07% so với cùng kỳ; các thiết bị ngoại vi của máy vi tính sản xuất đạt 5,06 triệu cái tăng 79,29% so với cùng kỳ;… 

Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ: sổ sách, vở thếp sản xuất đạt 11,8 nghìn tấn giảm 38,15% so với cùng kỳ; các loại nến cây sản xuất đạt 22,7 triệu cây giảm 36,79% so với cùng kỳ; giày dép các loại sản xuất đạt 13,3 triệu đôi giảm 21,66%; thuốc lá có đầu lọc sản xuất đạt 23,9 triệu bao giảm 42,19% so với cùng kỳ; máy cắt cỏ sản xuất đạt 727,9 nghìn cái giảm 26,99%; điện sản xuất đạt 1.893,6 triệu Kwh giảm 18,91% so với cùng kỳ;...

*Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2023 dự kiến tăng 0,9% so với tháng trước và giảm 4,42% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,52%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 5,18%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 7,78%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong ngành khai khoáng giảm 17,86% so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,51%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,27%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,54%.

6. Thương mại, dịch vụ

Tháng 4 năm 2023, hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ của thành phố ước có mức tăng khá do chuẩn bị khởi động cho mùa du lịch biển; các hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra trên khắp địa bàn thành phố, nổi bật như chuỗi hoạt động Lễ hội truyền thống huyện Cát Hải Kỷ niệm 64 năm ngày Bác Hồ về thăm Làng cá Cát Hải. Riêng hoạt động vận tải giảm so với tháng trước chủ yếu do giá cước hàng hóa đường biển giảm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 năm 2023 ước đạt 16.114,8 tỷ đồng, tăng 1,56% so với tháng trước, tăng 14,04% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 4 tháng/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 63.483,3 tỷ đồng, tăng 13,88% so với cùng kỳ năm trước. 

- Hoạt động bán lẻ:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 4 năm 2023 ước đạt 13.441,1 tỷ đồng, tăng 1,59% so với tháng trước, tăng 14,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các nhóm ngành hàng đều có ước tính tăng so với tháng trước, cụ thể: doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 0,83%; hàng may mặc tăng 1,23%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 2,35%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 2,13%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 2,10%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 1,40%; xăng dầu các loại tăng 1,47%, nhiên liệu khác tăng 1,93%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 0,62%; hàng hóa khác tăng 1,30%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 1,45%.

Doanh thu hoạt động bán lẻ tháng 4 năm 2023 có xu hướng tăng so với tháng trước ở hầu hết các ngành, đặc biệt một số ngành hàng có ước tính tăng cao chuẩn bị vào vụ hè như: đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình, hàng điện tử, điện lạnh, vật phẩm văn hóa giáo dục, gỗ và vật liệu xây dựng... Để chủ động phục vụ nhu cầu thị trường, các cửa hàng, siêu thị, trung tâm điện máy,... trên địa bàn thành phố đã nhập về nhiều mặt hàng điện lạnh, thiết bị làm mát với kiểu dáng, chủng loại đa dạng, và đã bắt đầu khởi động các chương trình khuyến mãi đối với mặt hàng điện lạnh mặc dù chưa vào giai đoạn nắng nóng cao điểm. Mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn giữ mức tăng ổn định, nguồn cung cầu về hàng hóa và giá cả ổn định.

Doanh thu hoạt động bán lẻ 4 tháng năm 2023 ước tăng 13,99% so với cùng kỳ, tăng ở hầu hết các ngành hàng. Trong đó, doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 13,96%; hàng may mặc tăng 14,31%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,73%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 14,72%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 14,15%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 14,25%; phương tiện đi lại khác tăng 14,41%; xăng dầu các loại tăng 14,31%; nhiên liệu khác tăng 14,06%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 12,13%; hàng hóa khác tăng 14,11%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 14,57%.

- Hoạt động dịch vụ:  

Tháng 4 hoạt động các ngành dịch vụ có nhiều khởi sắc góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh tới các hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ của thành phố, cụ thể:

- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 4 năm 2023 ước đạt 176,5 tỷ đồng, tăng 11,55% so với tháng trước và tăng 9,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh thu lưu trú đạt 607,7 tỷ đồng, tăng 11,27% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 4 năm 2023 ước đạt 1.668,4 tỷ đồng, tăng 1,46% so với tháng trước và tăng 15,78% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh thu ăn uống đạt 6.454,42 tỷ đồng, tăng 15,76% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ tháng 4 ước đạt 24,6 tỷ đồng, tăng 33,68% so với tháng trước và tăng 72,59% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ đạt 59,1 tỷ đồng, tăng hơn 2,63 lần so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu dịch vụ khác tháng 4 năm 2023 ước đạt 834,2 tỷ đồng, giảm 1,27% so với tháng trước và tăng 5,48% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung các ngành dịch vụ khác đều tăng so với cùng kỳ trừ ngành kinh doanh bất động sản; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 3.351,5 tỷ đồng, tăng 8,13% so với cùng kỳ năm trước.  

7. Hoạt động lưu trú và lữ hành

Tổng lượt khách tháng 4/2023 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 540,7 nghìn lượt, tăng 10,83% so với tháng trước và tăng 10,43% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 87,1 nghìn lượt, tăng gần 4,8 lần so với cùng tháng năm trước. 

Cộng dồn 4 tháng/2023, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 1.944,1 nghìn lượt, tăng 23,78% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 324,6 nghìn lượt, tăng 5,9 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Đối với hoạt động lữ hành, lượt khách lữ hành tháng 4/2023 ước đạt 7,7 nghìn lượt, tăng 23,33% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 4 tháng/2023, lượt khách lữ hành ước đạt 18,55 nghìn lượt, tăng 82,09% so với cùng kỳ năm trước.

8. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố trong tháng 4/2023 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, bắt đầu vào mùa du lịch biển nên lượng hành khách đến với các điểm du lịch của Hải Phòng tăng cao, thúc đẩy phát triển các hoạt động vận tải hành khách và dịch vụ du lịch.

Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát dự kiến tháng 04 năm 2023 đạt 9,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 4 tháng đầu năm 2023 đạt 38,95 nghìn tỷ đồng, tăng 16,43% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, hoạt động từng loại hình như sau:

8.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hóa vận chuyển trong tháng 4 ước tính đạt 23,6 triệu tấn, giảm 0,52% so với tháng trước và tăng 8,12% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 9.595 triệu tấn.km, giảm 1,44% so với tháng trước và tăng 0,2% so cùng kỳ năm trước; doanh thu ước tính đạt 4,56 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm 1,81% so tháng trước và tăng 11,43% so cùng kỳ năm trước. 

Vận tải hàng hóa tháng 4/2023 giảm so với tháng 3 do giá cước vận tải biển giảm. Trong bối cảnh lạm phát ở mức cao tại nhiều nước đang ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu của người dân, nhu cầu tiêu dùng của người dân hạ nhiệt sẽ tiếp tục hạn chế các hoạt động thương mại hàng hóa. Thêm vào đó trong thời kỳ đại dịch, lượng tàu đóng mới quá lớn, khi các tàu mới này đi vào sử dụng, công suất vận chuyển dư thừa sẽ tăng cao hơn nữa, đẩy giá cước vận chuyển tiếp tục giảm sâu.

Ước tính 4 tháng đầu năm 2023, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 94,7 triệu tấn, tăng 6,01%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 39.064 triệu tấn.km, tăng 4,2%; doanh thu ước đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,34% so với 4 tháng đầu năm 2022.

8.2. Vận tải hành khách

Trong tháng 4/2023, doanh thu hoạt động vận tải hành khách ước tính đạt 297,24 tỷ đồng, tăng 1,21% so tháng trước và tăng 94,40% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 5,6 triệu lượt người, tương ứng  tăng 1,2% và tăng 90,7%; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 248,6 triệu lượt người.km, tương ứng tăng 0,36% và tăng 104,62% so với cùng kỳ. 

Hoạt động vận tải hành khách trong tháng 4/2023 có mức tăng ấn tượng so với cùng kỳ đã cho thấy ngành du lịch của Hải Phòng đang phục hồi mạnh mẽ sau nhiều năm bị đình trệ bởi dịch bệnh Covid-19. Lượng khách du lịch tăng cao tại điểm du lịch Cát Bà đã thúc đẩy hoạt động vận tải hành khách đường biển tăng cao, doanh thu hoạt động vận tải hành khách đường biển tháng 4 ước đạt 15 tỷ đồng, tăng 26,82% so với tháng 3 và tăng 22,83% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Ước tính 4 tháng đầu năm 2023, số lượt hành khách vận chuyển đạt 22 triệu lượt người, tăng 149% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 972 triệu lượt hk.km, tăng 166,22% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu ước đạt 1,16 nghìn tỷ đồng, tăng 144,5% so với cùng kỳ năm trước. 

8.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải

Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải tháng 4 ước tính đạt 4,75 nghìn tỷ đồng, giảm 1,6% so với tháng trước và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu cộng dồn 4 tháng đầu năm 2023 ước tính 19,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,14% so cùng kỳ năm trước.

8.4. Vận tải hàng không

Tháng 4 năm 2023, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 26,4 tỷ đồng, tăng 3,72% so với tháng trước; tăng 6,32% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 103,8 tỷ đồng, tăng 51,96% so với cùng kỳ.

Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 4 năm 2023 ước đạt 1.460 chuyến, tăng 4,14% so với tháng trước, giảm 8,52% so với cùng tháng năm trước, trong đó, có 60 chuyến bay ngoài nước. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, số lần máy bay hạ, cất cánh ước đạt 5.970 chuyến, tăng 32,84% so với cùng kỳ.

Tổng số hành khách tháng 4 năm 2023 ước đạt 229,0 nghìn lượt người, tăng 4,96% so với tháng trước, giảm 9,97% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, tổng số hành khách vận chuyển ước đạt hơn 923,7 nghìn lượt người, tăng 41,25% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số hàng hóa tháng 4 năm 2023 ước đạt 1.304 tấn, giảm 7,52% so với tháng trước, tăng 24,55% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, tổng số hàng hóa ước đạt 5.367 tấn, tăng 64,08% so với cùng kỳ.

9. Hàng hoá thông qua cảng 

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tháng 4 năm 2023 ước đạt 11,789 triệu TTQ, giảm 4,44% so với tháng trước và giảm 0,86% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: 

- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước tháng 4 năm 2023 đạt 4,842 triệu TTQ, tăng 1,98% so với tháng trước, tăng 0,37% so với cùng kỳ năm trước.

- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 6,947 triệu TTQ, giảm 8,46% so với tháng trước, giảm 1,71% so với cùng kỳ năm 2022.

Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố 4 tháng đầu năm 2023 đạt 44,903 triệu TTQ, giảm 1,28% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước đạt 16,792 triệu TTQ, giảm 10,65% so với cùng kỳ; các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 28,111 triệu TTQ, tăng 5,32% so với cùng kỳ năm trước.

 * Doanh thu cảng biển 4 tháng đầu năm 2023 đạt 2.045,36 tỷ đồng, giảm 2,68% so với cùng kỳ năm 2022.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

Trong tháng 4/2023, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

* Công tác Lao động, việc làm

Tháng 04/2023, Sàn giao dịch việc làm ước tổ chức 05 phiên giao dịch  với sự tham gia tuyển dụng của khoảng 70 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.380 lao động, cung lao động tại Sàn khoảng 10.500 lượt người;  uớc cấp mới 300 giấy phép lao động, cấp lại 20 giấy phép lao động, gia hạn 70 giấy phép lao động, xác nhận 05 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Tiếp nhận Thỏa ước lao động tập thể của 39 doanh nghiệp, thẩm định 41 hồ sơ nội quy lao động và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 10 doanh nghiệp. Trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công, không xảy ra tai nạn lao động làm chết người (cùng kỳ năm 2022, xảy ra 02 vụ đình công với khoảng 2.600 lao động tham gia, xảy ra 01 vụ tai nạn lao động làm chết 01 người).

Trong 4 tháng năm 2023, ước tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 220 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng là 19.400 lượt lao động; cung lao động tại Sàn được 19.870 lượt người, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Đăng kí bảo hiểm thất nghiệp ước là 5.990 người (tăng 30,64% so với cùng kỳ năm 2022), đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp 4.770 người (tăng 33,42% so với cùng kỳ năm 2022), với kinh phí khoảng 117,10 tỷ đồng (tăng 40,47% so với cùng kỳ năm 2022). Qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 5.990 người (tăng 30,64% so với cùng kỳ năm 2022).

Ước cấp mới 1.120 giấy phép lao động, cấp lại 65 giấy phép lao động, gia hạn 230 giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp 10 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Thực hiện thẩm định 81 hồ sơ nội quy lao động và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 20 doanh nghiệp; đã tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của 79 doanh nghiệp.Tiếp nhận và giải quyết 68 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa gồm 27 bộ thiết bị nâng, 41 bộ thiết bị áp lực; tiếp nhận khai báo sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt 92 bộ hồ sơ của 87 đơn vị doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố xảy ra 03 cuộc đình công, ngừng việc tập thể với khoảng 282 lao động tham gia (tăng 01 vụ so với cùng kỳ năm 2022); xảy ra 04 vụ tai nạn lao động làm 04 người chết (bằng so với cùng kỳ năm 2022).

* Công tác Giáo dục nghề nghiệp

Tháng 4/2023, báo cáo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố tình hình thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Công văn số 1389/SLĐTBXH-GDNN ngày 29/3/2023. Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố việc thực hiện Kết luận của tập thể Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố tại Thông báo số 46/TB-VP ngày 02/3/2023 về hiện trạng và đề xuất quản lý quỹ đất đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc diện sáp nhập tại các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Báo cáo số 77/BC-SLĐTBXH ngày 03/4/2023.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Kế hoạch số 277/KH-UBND về việc đón, tiếp xúc, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về địa phương năm 2023; tập trung tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố triển khai Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 21/02/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện các Quyết định về sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thành phố quản lý của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố có 40 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (17 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 13 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp) và 25 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (14 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên quận, huyện và 11 doanh nghiệp). Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ước đạt 12.950 sinh viên, học viên, đạt 24,5% kế hoạch năm và bằng 100% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 86,1%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ 3 tháng trở lên là 37,2%.

2. Giáo dục - Đào tạo

Trong tháng 4/2023, Sở Giáo dục và đào tạo thành phố thực hiện giám sát quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024; tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố cấp THCS năm học 2022-2023. Tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2022-2023. Kết quả có 76 học sinh đạt giải, đứng thứ 4 toàn quốc, trong đó: 05 giải nhất, 28 giải nhì, 23 giải ba và 20 giải khuyến khích.

Tình hình dịch đang có diễn biến phức tạp trở lại, các đơn vị giáo dục kết hợp với Trung tâm y tế địa phương thực hiện hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19; tuyên truyền áp dụng biện pháp 2K và các biện pháp bảo vệ sức khoẻ để học sinh tới trường an toàn.

3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 

* Công tác y tế dự phòng

* Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19

Tháng 4/2023, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19, khuyến khích các cấp, ngành trên địa bàn thành phố cần thực hiện các biện pháp phòng, chống và quản lý, tránh để bùng phát dịch. Tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, số ca mắc trong cộng đồng giảm nhiều trong thời gian gần đây (số ca mắc trung bình từ 21,18 ca/ngày (tháng 9/2022 - 12/2022) giảm xuống còn 1,72 ca/ngày (tháng 01/2023 - 3/2023). Tuy nhiên, dịch Covid-19 có thể sẽ không biến mất hoàn toàn, sớm trở thành bệnh lưu hành, vì vậy các cần thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

*Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác

Ước tính trong tháng 4/2023, tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong toàn thành phố có diễn biến như sau: bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 08 ca; bệnh chân tay miệng ghi nhận 47 ca; bệnh thủy đậu ghi nhận 17 ca; bệnh quai bị ghi nhận 02 ca; bệnh tiêu chảy ghi nhận 44 ca; bệnh lỵ ghi nhận 02 ca; bệnh cúm ghi nhận 202 ca; bệnh sởi không ghi nhận ca bệnh; bệnh viêm não vi rút ghi nhận 01 ca bệnh.

* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong tháng 4/2023, tiếp tục thực hiện Quyết định số 23/QĐ-ATTP ngày 16/02/2023 về việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với các bếp ăn tập thể, nhà ăn, căng tin ăn uống và các cơ sở kinh doanh suất ăn sẵn năm 2023 trên địa bàn thành phố Hải Phòng; từ 15/3  đến ngày 15/4/2023, 02 đoàn kiểm tra của Chi cục đã kiểm tra thêm 116 cơ sở, đã mời về xử phạt 20 cơ sở với số tiền 149 triệu đồng.

Tính đến thời điểm báo cáo, thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, không có ca tử vong do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố. 

* Công tác phòng chống HIV/AIDS

Ước tính đến tháng 4/2023, lũy tích số người nhiễm HIV là 11.729 người, lũy tích số người chuyển sang AIDS là 6.369 người, lũy tích số người chết do AIDS là 5.416 người, số người HIV hiện còn sống là 6.303 người. Diễn biến dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng đặc biệt nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), chiếm tỷ lệ cao nhất (34,4%) trong số nhiễm HIV mới được xét nghiệm. Hình thái lây nhiễm qua đường tình dục chiếm tỷ lệ cao hơn đường máu (72%), nam giới chiếm tỷ lệ đa số 73,9%. Độ tuổi chủ yếu từ 25-49 tuổi (65%).

Ước tính đến thời điểm báo cáo, tổng số cơ sở điều trị Methadone 18 cơ sở tổng số bệnh nhân điều trị  3.923 người, đạt 85% chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì 95%; Ngành Y tế điều trị Methadone cho 2.746 người (70%). Thực hiện Công văn số 412/BYT- AIDS ngày 31/01/2023 của Bộ Y tế về việc dừng triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện; Công văn số 69/AIDS-DP ngày 01/02/2023 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS về việc hướng dẫn chuyển tiếp người bệnh được cấp thuốc nhiều ngày sang uống thuốc Methadone hằng ngày.

4. Văn hóa - Thể thao 

Trong tháng 4/2023, Ngành Văn hóa và Thể thao triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và gia đình phục vụ nhân dân, chào mừng các ngày kỷ niệm của thành phố, các ngày lễ hội lớn trong năm như 30/4, 1/5…Hướng dẫn các địa phương, phối hợp với các sở ngành thực hiện tốt công tác quản lý lễ hội, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố. Phối hợp với Thành Đoàn gắn mã QR về thông tin di tích tịch sử văn hoá cấp quốc gia tại các di tích trên địa bàn các quận, huyện.

Công tác thể dục, thể thao: Tập trung tập luyện chuẩn bị lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao thi đấu giành thành tích tốt nhất tại các giải đấu quốc gia, quốc tế. Đăng cai tổ chức tại hải Phòng giải vô địch Kicboxing trẻ toàn quốc; tổ chức các hoạt động và giải thể thao cấp thành phố; lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước.

5. Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/3/2023 đến ngày 14/4/2023, toàn thành phố xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 06 người chết, làm 02 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tai nạn giao thông và số người chết không tăng, không giảm; và số người bị thương tăng 02 người . Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.  

Trong 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông đường bộ. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 24 người và bị thương 05 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông và số người chết không tăng, không giảm; số người bị thương tăng 02 người (tương ứng tăng 66,67%).

6. Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/3/2023 đến ngày 14/4/2023, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 02 vụ cháy, không có người chết và bị thương 01 người; giá trị thiệt hại về tài sản đang trong quá trình xác minh.

 Trong 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 18 vụ cháy, số người chết là 02 người và bị thương 01 người; nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao tại một số nhà dân và cơ quan, doanh nghiệp; các vụ cháy đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.

CỤC THỐNG KÊ TP HẢI PHÒNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây