Tình hình KTXH thành phố Hải Phòng tháng 5 năm 2020

Thứ bảy - 01/10/2022 08:30

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 5, 5 THÁNG NĂM 2022

THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

          

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Hoạt động tài chính, ngân hàng

 * Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 5 năm 2022 ước đạt 8.201,4 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa ước đạt 3.000,1 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 5.200 tỷ đồng. Ước 5 tháng/2022 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 44.108,6 tỷ đồng, đạt 41,8% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 116,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 16.157,8 tỷ đồng, đạt 39,4% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 120,1% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 26.754 tỷ đồng, đạt 44,6% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 113,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 5 năm 2022 ước đạt 2.434,8 tỷ đồng; ước 5 tháng/2022 đạt 8.406,3 tỷ đồng, đạt 23,1% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 97,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tổng chi đầu tư phát triển đạt 3.549,7 tỷ đồng, đạt 19,5% và bằng 83,9%; chi thường xuyên đạt 4.463,2 tỷ đồng đạt 32,4% và bằng 108,2% .

* Ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/5/2022 đạt 276.013 tỷ đồng, tăng 11,18% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng dư nợ cho vay đến 31/5/2022 ước đạt 165.014 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước. 

2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Giá xăng bình quân tháng 5/2022 tăng so với tháng trước làm tăng chi phí đầu vào khiến giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo; dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát làm cho nhu cầu đi du lịch, lưu trú tăng là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 3,21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,32% so với tháng 12/2021.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI bình quân tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 5/2022 tăng 0,19% (khu vực thành thị tăng 0,34%; khu vực nông thôn có chỉ số ổn định). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 08 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng tăng, 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5/2022 tăng 3,21%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng và 01 nhóm giảm.

So với tháng 12/2021, CPI tháng 5/2022 tăng 2,32%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá. Nhóm giao thông tháng 5/2022 tăng cao nhất với 11,35% do giá xăng, dầu trong nước qua các lần điều chỉnh giá từ đầu năm đến nay làm cho giá xăng A95 tăng 7.860 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 7.080 đồng/lít và giá dầu diezel tăng 7.980 đồng/lít; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,89% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,23% chủ yếu do thời tiết không thuận lợi khiến giá rau tươi và rau chế biến tăng và nhu cầu ăn uống tăng.

* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ: 

- Chỉ số giá vàng tháng 5/2022 giảm 1,09% so với tháng trước, tăng 5,61% so với tháng 12/2021 và tăng 5,01% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân tháng 5/2022 dao động ở mức 5,55 triệu đồng/chỉ.

- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2022 tăng 0,65% so với tháng trước, tăng 0,91% so với tháng 12/2021 và tăng 0,19% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 5/2022 dao động ở mức 23.196 đồng/USD, tăng 149,08 đồng/USD.

3. Đầu tư

Tổng số vốn đầu tư thực hiện 5 tháng đầu năm 2022 đạt 3.530,5 tỷ đồng, bằng 125,75% (tăng 723 tỷ đồng) so với 5 tháng đầu năm 2021. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 2.474,9 tỷ đồng, bằng 125,71%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 846,6 tỷ đồng, bằng 125,12%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 209 tỷ đồng, bằng 128,9% so với 5 tháng cùng kỳ năm trước.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, tốc độ triển khai các công trình dự án của thành phố đã được khẩn trương thực hiện, vốn đầu tư ước tính 5 tháng năm 2022 đạt 3.530,5 tỷ đồng, bằng 125,75% (tăng 723 tỷ đồng) so với 5 tháng đầu năm 2021. Như vậy, tính đến hết tháng 5 năm 2022 tiến độ thực hiện nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố còn ở mức thấp (ước đạt 19,5% kế hoạch năm 2022). 

Tính từ đầu năm đến 15/5/2022 toàn thành phố có 29 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 493,34 triệu USD và 17 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 319,52 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Từ nửa cuối tháng 4 đến 15/5/2022 có 6 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 138,65 triệu USD. Đáng kể nhất là 2 dự án NHÀ MÁY CÁN THÉP VIỆT Ý TẠI HẢI PHÒNG với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD của nhà đầu tư Nhật Bản và dự án Trung tâm công nghiệp GNP Nam Đình Vũ của nhà đầu tư Hồng Kông với tổng vốn đầu tư 38,5 triệu USD.

Có 06 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động trong đó có 02 dự án trong khu công nghiệp và 04 dự án ngoài khu công nghiệp.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

 * Nông nghiệp

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông xuân năm 2022 toàn thành phố ước đạt 42.823,1 ha, bằng 98,75% so với vụ Đông xuân năm trước. Diện tích gieo trồng cây hàng năm có xu hướng giảm ở các nhóm cây, trong đó cây lúa có mức giảm lớn nhất. 

Diện tích gieo trồng cây lúa ước đạt 28.040,5 ha, bằng 98,59% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, cây lúa chủ yếu đang giai đoạn đòng già - trỗ bông, cây lúa sinh trưởng phát triển khá tốt, diện tích lúa đã trỗ ước đạt 20.000 ha (chiếm trên 70% diện tích gieo cấy). Ước tính năng suất lúa toàn thành phố đạt 70,10 tạ/ha, bằng 99,92% so với vụ Đông xuân năm trước.

Ước tính tháng 5 năm 2022, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: Tổng đàn trâu ước đạt 4,09 nghìn con, giảm 2,20% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 7,95 nghìn con, giảm 14,47%.

Tổng đàn lợn hiện có ước đạt 143,9 nghìn con, tăng 6,14% so với cùng kỳ năm trước. Đàn lợn toàn thành đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thành phố, tuy nhiên hiện nay giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nên các hộ chăn nuôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc tái đàn.

Chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tiếp tục có xu hướng giảm, tổng đàn gia cầm ước đạt 7.996,8 nghìn con, giảm 4,18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước đạt 6.108,5 nghìn con, giảm 4,55%. 

* Lâm nghiệp

Tháng 5 năm 2022, sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn thành phố ước đạt 116,8 m3, bằng 96,68% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 2.686 ste, bằng 93,10%. 

Ước tính 5 tháng năm 2022, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 625,4 m3, bằng 93,53% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 15.480,2 ste, bằng 93,92%. Nhìn chung, sản lượng gỗ, củi tiếp tục có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, số cây lâm nghiệp trồng phân tán 05 tháng năm 2022 ước đạt 93 nghìn cây, bằng 95,09% so với cùng kỳ năm trước.

* Thủy sản

Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 5 năm 2022 ước đạt 16.637,9 tấn, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 82.917,1 tấn, tăng 2,23% so với cùng kỳ năm trước.

* Nuôi trồng

Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 5 năm 2022 ước đạt 6.616,4 ha, giảm 0,83% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 9.253,2 ha, giảm 0,09%.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 5 năm 2022 ước đạt 6.446,6 tấn, tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 5 tháng năm 2022 sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 33.280,7 tấn, tăng 2,52%, chia ra: cá các loại đạt 20.528,0 tấn, tăng 2,49%; tôm các loại đạt 2.653,4 tấn, tăng 1,54%; thủy sản khác đạt 10.099,3 tấn, tăng 2,82%. 

Sản lượng khai thác thủy sản tháng 5 năm 2022 ước đạt 10.191,3 tấn, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản khai thác của toàn thành phố ước đạt 49.636,3 tấn, tăng 2,03% so với cùng kỳ năm trước.

5. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 (IIP) ước tính tăng 0,91% so với tháng trước và tăng 12,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,15% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,89%, ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,42%, duy chỉ có ngành khai khoáng giảm 21,39% so với cùng kỳ.

Tính chung 5 tháng/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,42% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chế biến, chế tạo tăng 11,43%, đóng góp 10,49 điểm phần trăm mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,62%, đóng góp 0,91 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,71%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm mức tăng chung, còn lại ngành khai khoáng giảm 31,07%, đã tác động làm giảm 0,06 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Trong 57 nhóm ngành kinh tế cấp 4, một số ngành có IIP 5 tháng/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sản xuất hàng may sẵn tăng 186,8%; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 133,69%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 111,34%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 74,85%;... Một số ngành có mức tăng khá: sản xuất hóa chất cơ bản tăng 68,2%; sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp tăng 67,65%; sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải tăng 48,25%; sản xuất săm, lốp cao su; đắp và tái chế lốp cao su tăng 31,54%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng tăng 32,62%;... Một số ngành sản xuất giảm: Sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác giảm 44,7%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 30,43%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 25,05%; sản xuất pin và ắc quy giảm 37,64%; đóng tàu và cấu kiện nổi giảm 27,25%;...

* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2022 ước tăng 2,92% so với tháng trước và tăng 6,06% so với cùng kỳ năm trước; 5 tháng/2022 chỉ số tiêu thụ ước tăng 8,24% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng mạnh so cùng kỳ như: sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh tăng 214,18%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 135,06%; sản xuất hàng may sẵn tăng 173,87%; sản xuất săm, lốp cao su; đắp và tái chế lốp cao su tăng 53,84%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 37,44%;...Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng một con số như: sản xuất xi măng, vôi, thạch cao tăng 5,61%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 7,9%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: sản xuất phân bón và hợp chất nito giảm 28,02%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 25,88%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 16,18%; sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác giảm 16,56%;... 

* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/5/2022 dự kiến tăng 5,05% so với tháng trước và tăng 25,28% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 94,9%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 80,99%; sản xuất sắt thép gang tăng 144,19%; ngoài ra các ngành sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng; sản xuất máy móc thiết bị văn phòng có chỉ số tồn kho gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. 

Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tồn kho so với cùng kỳ giảm như: sản xuất bia giảm 74,17%; sản xuất giày dép giảm 79,17%; sản xuất bi, bánh răng hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động giảm 65,56%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 54,8%;...

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng năm 2022 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước: mạch điện tử tích hợp đạt 15,7 triệu chiếc tăng 111,34% so với cùng kỳ; mạch xử lý dữ liệu tự động kỹ thuật số đạt 408,5 nghìn cái tăng 103,89%; thiết bị nhập theo tọa độ x-y: chuột, bút quang, cần điều khiển, bi xoay và màn hình cảm ứng đạt 3,16 triệu cái, tăng 143,7%; máy thu hình (tivi) đạt 406,5 nghìn chiếc tăng 93,96%; xe mô tô; xe thùng sản xuất đạt 26,6 nghìn chiếc tăng 74,85%; Phân bón đạt 1,3 nghìn tấn tăng 68,2%; sổ sách vở đạt 23,2 tấn tăng 66,53%;... Một số sản phẩm tăng giảm so với cùng kỳ: máy hút bụi các loại đạt 409,4 nghìn cái giảm 14,6%; máy giặt đạt 524,4 nghìn chiếc giảm 18%; giấy làm vàng mã đạt 8,4 nghìn tấn, giảm 19,43%; thức ăn cho gia súc đạt 95,4 tấn, giảm 14%; ...

* Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2022 dự kiến tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 12,98% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 6,07%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 10,06%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,97%. Những ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sử dụng lao động tăng  so với cùng kỳ gồm: sản xuất thiết bị điện tăng 91,41%; sản xuất kim loại tăng 43,91%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và các sản phẩm quang học tăng 39,23%; Những ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm: in, sao chép bản ghi các loại giảm 20,18%; sản xuất đồ uống giảm 8,98%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 4,1%; khai khoáng giảm 13,04%;...

6. Thương mại, dịch vụ, vận tải

* Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2022 ước đạt 14.262 tỷ đồng, tăng 1,10% so với tháng trước, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 69.686,5 tỷ đồng, tăng 12,04% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5 năm 2022 ước đạt 11.698,6 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 15,36% so với cùng kỳ năm trước. 

Ước tính 5 tháng năm 2022, tổng doanh thu bán lẻ đạt 57.542,4 tỷ đồng, tăng 15,36% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 12,74%; hàng may mặc tăng 14,91%, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,51%, vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 14,83%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 14,64%, ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 14,75%, phương tiện đi lại khác tăng 14,64%, xăng dầu các loại tăng 20,09%, nhiên liệu khác tăng 17,42%, đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 15,96%, hàng hóa khác tăng 14,42%, doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 12,25%.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 5 năm 2022 ước đạt 163 tỷ đồng, tăng 1,02% so với tháng trước và tăng 53,48% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu lưu trú đạt 709,2 tỷ đồng, tăng 9,43% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 5 năm 2022 ước đạt 1.558,8 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 34,14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu ăn uống đạt 7.454,7 tỷ đồng, tăng 10,61% so với cùng kỳ năm trước. 

- Hoạt động du lịch lữ hành sau thời gian chịu ảnh hưởng mạnh của dịch bệnh Covid-19 trong quý I đã có nhiều khởi sắc từ cuối tháng 3 đến nay, doanh thu tháng 5 ước đạt 13,1 tỷ đồng, giảm 7,7% so với tháng trước và tăng 4,34 lần so cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng/2022, dịch vụ du lịch lữ hành đạt 35,6 tỷ đồng, giảm 23,48% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu dịch vụ khác tháng 5 năm 2022 ước đạt 828,5 tỷ đồng, tăng 5,57% so với tháng trước, tăng 24,83% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 3.944,6 tỷ đồng, tăng 8,39% so với cùng kỳ năm trước.  

* Tổng lượt khách tháng 5/2022 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 612,9 nghìn lượt, tăng 3,95% so với tháng trước và tăng 2,34 lần so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 18,5 nghìn lượt, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 16,4 lần so với cùng tháng năm trước. 

Cộng dồn 5 tháng/2022, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 2.381,4 nghìn lượt, tăng 13,66% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt gần 73,2 nghìn lượt, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. 

* Tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát đạt 8.156,7 tỷ đồng, tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 26,49% so cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm ước đạt 41.612,6 tỷ đồng, tăng 15,89% so với cùng kỳ năm trước.

* Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 5 năm 2022 ước đạt 21,9 triệu tấn, tăng 0,44% so với tháng trước và tăng 25,1% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 5 tháng đầu năm 2022 đạt 111,3 triệu tấn, tăng 13,84% so với cùng kỳ năm trước. 

* Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 5 năm 2022 ước đạt 9.789,1 triệu tấn.km, tăng 2,23% so với tháng trước và tăng 26,57% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 5 tháng đầu năm 2022 đạt 47.281,3 triệu tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. 

* Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 5 năm 2022 ước đạt 3,6 triệu lượt, tăng 20,86% so với tháng trước, tăng 33,64% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 5 tháng đầu năm 2022 đạt 12,4 triệu lượt, giảm 36,56% so với cùng kỳ năm trước. 

* Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 5 năm 2022 đạt 144,6 triệu Hk.km, tăng 18,99% so với tháng trước và tăng 40,52% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 5 tháng đầu năm 2022 đạt 509,7 triệu Hk.km, giảm 36,09% so với cùng kỳ năm trước. 

* Doanh thu dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 5 năm 2022 ước đạt 3.852 tỷ đồng, giảm 0,21% so với tháng trước và tăng 23,32% so với cùng tháng năm trước. Ước 5 tháng năm 2022, doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 19.844,9 tỷ đồng, tăng 14,49% so với cùng kỳ năm trước. 

* Vận tải hàng không

Tháng 5 năm 2022 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 23,6 tỷ đồng, giảm 5,04% so với tháng trước, tăng 2,21 lần so với cùng kỳ. Cộng dồn 5 tháng/2022, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt gần 92 tỷ đồng, tăng 11,58% so với cùng kỳ năm trước.

* Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 5 năm 2022 ước đạt 11.370,9 nghìn TTQ, giảm 0,73% so với tháng trước và tăng 10,94% so với cùng kỳ năm trước. 

Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố 5 tháng/năm 2022 ước đạt 55.178,7 nghìn tấn, tăng 8,77% so với cùng kỳ. Trong đó: Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước đạt 23.754,1 nghìn TTQ, tăng 0,31% so với cùng kỳ; các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 31.424,6 nghìn TTQ , tăng 16,19% so với cùng kỳ năm trước.

7. Một số tình hình văn hóa – xã hội

* Công tác Lao động, việc làm

Trong tháng 5/2022, Sàn giao dịch việc làm tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm, có trên 100 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng trên 20.000 lượt lao động; cung lao động tại Sàn được 10.120 lượt người; tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ước cho 1.820 người, số người có quyết định hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 1.630 người. 

Trong 5 tháng đầu năm 2022, ước tổ chức được 15 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 360 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 75.100 lao động, cung lao động tại Sàn được 33.600 lượt người. 

Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố xảy ra 04 vụ đình công, với số người tham gia khoảng 2.940 người; xảy ra 06 vụ tai nạn lao động làm chết 07 người.

 * Công tác Giáo dục - Đào tạo

Trong tháng 5/2022, thành phố chuẩn bị điều kiện đảm bảo 02 kỳ thi Vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2022-2023 và Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 trên địa bàn thành phố diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có một số điểm mới, đăng ký dự thi trực tuyến với thí sinh lớp 12 thông qua tài khoản là số CCCD/CMND hoặc mã định danh; tổ chức thu thiết bị thu, phát thông tin của những người đang thực hiện nhiệm vụ và lưu giữ, bảo quản các thiết bị này trong suốt thời gian diễn ra buổi thi; bố trí trật tự viên, nhân viên phục vụ là nhân viên hoặc người được ký hợp đồng của trường nơi đặt Điểm thi hoặc nhân viên của các cơ sở giáo dục khác do Sở Giáo dục và Đào tạo điều động.

* Công tác y tế dự phòng

Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19

Trong tháng 5/2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 của thành phố vẫn diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, đời sống an sinh xã hội và tình hình kinh tế chung của toàn thành phố. 

Tính đến ngày 22/5/2022, số ca hồi phục xuất viện là 324.702 ca; đang điều trị là 417 ca; số ca tử vong là 156 ca.

Số cơ sở cách ly y tế: cách ly tại nhà, nơi cư trú là 108 người. Xét nghiệm: tổng tích lũy từ ngày 23/3/2020 đến ngày 22/5/2022 đã lấy 2.980.859 mẫu xét nghiệm; tính trong thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 22/5/2022 đã lấy 2.870.582 mẫu xét nghiệm. Tiêm vắc xin: tổng tích lũy mũi tiêm đến nay: 4.537.108 mũi (người lớn: 4.139.131 mũi; trẻ em từ 12-17 tuổi: 338.455 mũi; trẻ em từ 5-11 tuổi: 59.438 mũi). 

Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác

Tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong toàn thành phố tháng 5 và 5 tháng năm 2022: bệnh sốt xuất huyết trong 5 tháng ghi nhận 05 ca bệnh, số mắc tích lũy 5 tháng đầu năm là 06 ca, tăng 02 ca so với cùng kỳ năm 2021; bệnh tay chân miệng trong tháng 5 ghi nhận 65 ca, số tích lũy 5 tháng đầu năm là 97 ca, giảm 198 ca so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh thủy đậu trong tháng 5 ghi nhận 09 ca mắc, số mắc tích lũy 5 tháng đầu năm là 33 ca mắc, giảm 81 ca so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh quai bị trong tháng 5 ghi nhận 03 ca mắc, số mắc tích lũy trong 5 tháng đầu năm là 08 ca mắc, tăng 02 ca so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh tiêu chảy trong tháng 5 ghi nhận 83 ca mắc, số ca mắc tích lũy trong 5 tháng là 260 ca mắc, giảm 24 ca so với cùng kỳ năm trước. Hội chứng lỵ trong tháng 5 ghi nhận 08 ca mắc, tích lũy 5 tháng là 08 ca mắc, tăng 01 ca so với cùng kỳ năm trước. Cúm trong tháng 5 ghi nhận 135 ca mắc, tích lũy 5 tháng là 504 ca mắc, giảm 204 ca so với cùng kỳ năm trước. Sởi trong tháng 5 không ghi nhận ca bệnh, số mắc tích lũy 5 tháng là 01 ca. Bệnh viêm não vi rút trong tháng 5 không ghi nhận ca, số mắc tích lũy 5 tháng là 02 ca, giảm 08 ca so với cùng kỳ năm trước. Các bênh truyền nhiếm khác được giám sát chặt chẽ, diễn biến ổn định.

Công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì thực hiện tại 100% xã, phường, thị trấn, đảm bảo chất lượng, an toàn, tổ chức tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe và quản lý đối tượng trong diện tiêm chủng; thực hiện tốt việc cung cấp vắc xin, dụng cụ và  đảm bảo chất lượng, an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm, không xảy ra tai biến. Tỷ lệ tiêm chủng các mũi tiêm khác đều tương đương hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.

* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong 5 tháng đầu năm 2022, kiểm tra an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với các bếp ăn tập thể, nhà ăn, căng tin ăn uống và các cơ sở kinh doanh suất ăn sẵn năm 2022 trên địa bàn thành phố. Kiểm tra 193 cơ sở, trong đó có 11 có cở vi phạm với số tiền phạt là 84 triệu đồng. Kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Đại hội Thể Thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Việt Nam (SEA Game 31).

Số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 19 cơ sở. Hồ sơ tự công bố là 05 sản phẩm; cấp giấy công bố sản phẩm: 0 giấy. Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

* Công tác phòng chống HIV/AIDS

Trong 5 tháng đầu năm 2022, lũy tích người nhiễm HIV là 11.559 người; lũy tích số người chuyển sang AIDS là 6.338 người; lũy tích số người chết do AIDS là  5.369 người; số người nhiễm HIV hiện còn sống là 6.190 người. Tính đến thời điểm báo cáo, Ngành y tế đang điều trị 2.766 bệnh nhân; đề án Thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày đã cấp cho 454 bệnh nhân tại 5 cơ sở điều trị.

* Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/4/2022 đến ngày 14/5/2022, toàn thành phố xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 05 người chết, 01 người bị thương. Số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương không tăng, không giảm so với cùng kỳ năm trước. Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.  

Trong 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 29 người và bị thương 04 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 03 vụ với cùng kỳ (tương ứng giảm 8,82%), số người chết bằng cùng kỳ năm ngoái và số người bị thương giảm 03 người (tương ứng giảm 75%).

* Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/4/2022 đến ngày 14/5/2022, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 08 vụ cháy, không gây thiệt hại về người, các vụ cháy gây thiệt hại thảm thực bì rừng ước tính khoảng 0,1 ha, giá trị thiệt hại về tài sản đang trong quá trình xác minh.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 27 vụ cháy, giảm 14 vụ so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 34,15%), làm 01 người chết, không có người bị thương, nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao; một số vụ cháy thảm thực bì rừng gây thiệt hại ước tính là 8,1 ha, các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây