Thông cáo báo chí Tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 thành phố Hải Phòng

Thứ tư - 27/12/2023 16:08
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng thứ 5; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) đứng thứ 9; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục, đứng thứ 2; thu nội địa đạt chỉ tiêu Hội đồng nhân dân giao và vượt cao so với chỉ tiêu Trung ương giao

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Năm 2023, kinh tế - xã hội thành phố diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước đã có bước phục hồi nhờ các giải pháp đồng bộ như ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số… Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu nên các khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động.

Với nỗ lực đạt được cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025, ngay từ tháng đầu năm, Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công gắn với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút tốt nguồn vốn đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Nhờ đó, kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu có sự tăng trưởng cao so cùng kỳ, một số chỉ tiêu tuy tăng thấp hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức cao và vẫn đứng trong tốp đầu của cả nước như chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng thứ 5; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) đứng thứ 9; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục, đứng thứ 2; thu nội địa đạt chỉ tiêu Hội đồng nhân dân giao và vượt cao so với chỉ tiêu Trung ương giao; là điểm sáng của cả nước trong giải ngân vốn đầu tư công; các hoạt động du lịch, dịch vụ phục hồi rõ nét; các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo và phát huy hiệu quả. Kết quả chủ yếu các ngành, lĩnh vực trong năm 2023 như sau:

1. Về tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố năm 2023 ước tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch tăng 12,7%-13%), đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng Sông Hồng. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,11%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,54%, đóng góp 6,39 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 10,02%, đóng góp 3,57 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,83%, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định, giá trị tăng thêm tăng 1,11%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp có xu hướng giảm nhưng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, các giống cây trồng mới cho năng suất và sản lượng cao vào sản xuất làm năng suất cây trồng tăng khá; chăn nuôi không xuất hiện ổ dịch bệnh lớn nhưng sức tái đàn của người dân không cao do giá thức ăn và con giống tăng khá; giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 0,62%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khai thác thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong khu vực này, giá trị tăng thêm tăng 1,84%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng chung;  

Khu vực công nghiệp - xây dựng, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, mặc dù các tháng cuối năm sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 11,82%, đóng góp 5,98 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế với mức tăng 12,34%, đóng góp 5,88 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,32%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. 

Thành phố đã tập trung khởi công, hoàn thiện nhiều dự án, công trình trọng điểm, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà ở xã hội, hoạt động xây dựng của các doanh nghiệp và dân cư duy trì được sự ổn định. Giá trị tăng thêm ngành xây dựng tăng 8,62%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì đà phục hồi tích cực, nhiều giải pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại, các chương trình quảng bá du lịch, kích cầu tiêu dùng được triển khai đã giúp khu vực dịch vụ đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng chung trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 10,02%, đóng góp 3,57 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, trong đó một số ngành đóng góp nhiều vào tốc độ tăng chung: bán buôn, bán lẻ tăng 14,01%, đóng góp 0,78 điểm phần trăm; lưu trú và ăn uống tăng 6,07%, đóng góp 0,1 điểm phẩn trăm; vận tải kho bãi tăng 13,04%, đóng góp 2,11 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,93%, đóng góp 0,18 điểm phần trăm; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 12,96%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm; giáo dục và đào tạo tăng 3,08%, đóng góp 1,86 điểm phần trăm.

Cơ cấu nền kinh tế năm 2023 trên địa bàn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Cụ thể: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 3,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 53,34%; khu vực dịch vụ chiếm 37,76%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,5%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn thành phố tăng trưởng, phát triển ổn định. Cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng so với năm trước. Sản xuất thủy sản duy trì được mức tăng trưởng khá là điểm sáng trong tăng trưởng của ngành.

a) Nông nghiệp

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn thành phố năm 2023 đạt 75.951,4 ha (giảm 1.202,7 ha), bằng 98,44% so với năm 2022. Diện tích canh tác cây trồng có xu hướng giảm trong những năm gần đây chủ yếu do thiếu lao động, hiệu quả kinh tế từ canh tác cây trồng nông nghiệp đem lại không cao, thiếu thị trường tiêu thụ cũng như đầu ra cho sản phẩm, do vậy đã hạn chế sức sản xuất trong dân và nhu cầu mở rộng diện tích gieo trồng.

Diện tích trồng lúa cả năm 2023 thực hiện 55.737 ha, bằng 98,05% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa cả năm đạt 64,52 tạ/ha, bằng 100,29% so với năm trước và sản lượng ước đạt 359,6 nghìn tấn.

Diện tích gieo trồng cây hàng năm khác cả năm 2023 ước đạt 20.214,4 ha, bằng 99,55% so với cùng kỳ năm trước. 

Diện tích cây lâu năm trên địa bàn thành phố năm 2023 đạt 8.416 ha, bằng 100,32% so với cùng kỳ năm trước. 

Cơ cấu các nhóm cây trồng giữ được sự ổn định so với năm trước: diện tích nhóm cây ăn quả đạt 6.745,7 ha, chiếm 80% tổng diện tích; cây lấy quả chứa dầu đạt 251,5 ha, chiếm 3%; nhóm cây gia vị, dược liệu đạt 60,4 ha; cây lâu năm khác đạt 1.248,8 ha, chiếm 15%.

Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2023 ước đạt 30,2 nghìn tấn, giảm 0,29% so với cùng kỳ; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 654,1 tấn, giảm 11,21%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 928,7 tấn, giảm 8,32%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 66,9 nghìn tấn, giảm 1,5%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 274,73 triệu quả, giảm 7,48%.

b) Lâm nghiệp

Ước tính cả năm 2023, sản lượng gỗ khai thác đạt được 1.156,6 m3, bằng 89,61% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 37.054,5 ste bằng 95,54% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 205 nghìn cây, bằng 107,89%.

c) Thủy sản

Diện tích nuôi thủy sản năm 2023 ước đạt 11,69 nghìn ha, tăng 1,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: diện tích nuôi cá các loại đạt 8,08 nghìn ha, chiếm 69,12% cơ cấu, tôm các loại 3,06 nghìn ha, chiếm 26,18%, thủy sản khác đạt 0,55 nghìn ha, chiếm 4,7%.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước cả năm 2023 đạt 79.240,9 tấn, tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 54.865,7 tấn, tăng 3,26%; tôm các loại đạt 7.155,2 tấn, tăng 3,96%, thủy sản khác đạt 17.220 tấn, tăng 2,79%.

Sản lượng khai thác thủy sản cả năm 2023 ước đạt 117.016,4 tấn, tăng 1,18% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 71.702 tấn, tăng 1,23%; tôm các loại đạt 9.232,6 tấn, tăng 0,61%; thủy sản khác đạt 36.081,8 tấn, tăng 1,22%.

3. Sản xuất công nghiệp

Năm 2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục vượt qua khó khăn thách thức và duy trì mức tăng khá so cùng kỳ, dù chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn đứng trong tốp đầu các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn của cả nước. Một số ngành sản xuất trọng điểm đóng góp lớn vào mức tăng chung như: sản xuất sản phẩm điện tử; sản xuất xe có động cơ; đóng tàu và cấu kiện nổi… Tính chung cả năm, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tăng 13,16% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố (IIP) năm 2023 ước tăng 13,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các ngành kinh tế cấp 1 đều có tăng trưởng dương: ngành khai khoáng tăng 33,78%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,40%, đóng góp 12,43 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 7,89%, đóng góp 0,57 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 8,59%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò là trụ đỡ, chiếm quyền số cao nhất (trên 90% giá trị tăng thêm), quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp. Một số ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 87,63%; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 84,04%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 75,12%; sản xuất xe có động cơ tăng 69,73%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 59,55%; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép tăng 53,76%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 40,77%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 37,28%;...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả năm 2023 ước tăng 10,86% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 90,17%; sản xuất xe có động cơ tăng 56,42%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 40,98%; ...

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tại thời điểm 31/12/2023 dự kiến giảm 8,83% so với tháng trước và tăng 6,48% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép tăng 349,76%; sản xuất săm, lốp cao su, đắp và tái chế lốp cao su tăng 219,34%; sản xuất bia tăng 150,40%;...

Số lao động làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp ước tại thời điểm 01/12/2023 tăng 0,64% so với tháng 11/2023 và giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó: lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 27,01%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 9,07%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,93%. 

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 2023 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tập trung vào nhóm các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm điện tử như: tủ lạnh gia đình sản xuất đạt 502,2 nghìn chiếc, tăng 528,97%; thiết bị ngoại vi của máy vi tính (chuột, bút quang, bi xoay) sản xuất đạt 20,8 triệu cái, tăng 252,58%; máy chơi game đạt 1,1 triệu cái, tăng 66,20%; ...

Một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ: các loại ắc quy điện đạt 87,3 nghìn Kwh, giảm 75,13%; thuốc lá có đầu lọc đạt 78,2 triệu bao, giảm 38,61%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa đạt 50,3 nghìn tấn, giảm 31,53%; máy in văn phòng đạt 1,3 triệu chiếc, giảm 25,80%; ...

4. Thương mại, dịch vụ

Năm 2023, khu vực thương mại, dịch vụ là một trong những điểm sáng của kinh tế thành phố trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, nhiều giải pháp nhằm xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch được thành phố tích cực triển khai. Nhờ đó, một số ngành thương mại, dịch vụ trọng điểm đạt mức tăng trưởng vượt mục tiêu kế hoạch đề ra: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 13,34% so với năm 2022; tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 7.949,1 nghìn lượt, tăng 13,56% so với cùng kỳ, doanh thu vận tải hành khách tăng gần 67% so cùng kỳ... 

* Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 198.787 tỷ đồng, tăng 13,63% so với cùng kỳ năm trước, bằng 101,5% kế hoạch năm 2023 (kế hoạch đạt 195.855 tỷ đồng).

Chia theo ngành hoạt động: Doanh thu hoạt động bán lẻ 12 tháng năm 2023 ước đạt 164.453,8 tỷ đồng, tăng 14,24% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 2.273,3 tỷ đồng, tăng 13,80% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 21.194,8 tỷ đồng, tăng 12,99% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ ước đạt 251,1 tỷ đồng, tăng 41,94% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 10.614,0 tỷ đồng, tăng 5,51% so với cùng kỳ.

* Hoạt động du lịch

Tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ cả năm 2023 ước đạt gần 7,95 triệu lượt, tăng 13,56% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế ước đạt 975,8 nghìn lượt, tăng 43,15% so với cùng kỳ. 

* Dịch vụ vận tải

Hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố năm 2023 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa, tiết kiệm chi phí xã hội.

Năm 2023, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 293,9 triệu tấn, tăng 7,46%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 124.825,9 triệu tấn.km, tăng 7,41%; doanh thu ước đạt 57.508,6 tỷ đồng, tăng 9,94% so với năm trước; số lượt hành khách vận chuyển đạt 71,5 triệu lượt hành khách, tăng 64,96%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 3.091,1 triệu lượt hành khách.km, tăng 72,51%; doanh thu ước đạt 3.766,3 tỷ đồng, tăng 66,73% so với năm trước. 

* Sản lượng hàng hóa thông qua cảng 

Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố cả năm 2023 ước đạt 170,08 triệu TTQ, tăng 1,19% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu cảng biển 12 tháng năm 2023 ước đạt 6.700,5 tỷ đồng, tăng 1,11% so với cùng kỳ.

5. Tài chính và ngân hàng

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2023 ước đạt 102.614,5 tỷ đồng, bằng 98,02% so với dự toán Trung ương giao và bằng 88,12% so với dự toán HĐND. Trong đó: thu nội địa ước đạt 42.500 tỷ đồng, bằng 135,66% so với dự toán Trung ương giao và bằng 100% dự toán HĐND; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 58.000 tỷ đồng, bằng 82,98% so với dự toán Trung ương giao và bằng 82,98% so với dự toán HĐND.

Tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 ước đạt 36.897,4 tỷ đồng, bằng 130,51% dự toán Trung ương giao và bằng 93,28% so với dự toán HĐND thành phố giao; chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 34.808,2 tỷ đồng, bằng 129,79% so với dự toán Trung ương giao và bằng 92,88% dự toán HĐND thành phố.

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/12/2023 đạt 322.850 tỷ đồng, tăng 12,88% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng dư nợ cho vay đến 31/12/2023 ước đạt 204.304 tỷ đồng, tăng 12,66% so với cùng kỳ năm trước. 

6. Đầu tư

Để duy trì động lực phục hồi, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, ngay từ những ngày đầu năm Lãnh đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công, gắn với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng. Từ nguồn vốn này, một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực giao thông, công nghiệp, đô thị đã được khởi công, tạo đòn bẩy thu hút các luồng đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư FDI. Nhờ đó, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2023 đạt kết quả khá, dự kiến tăng 11,24% so với cùng kỳ, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn thành phố năm 2023 ước đạt 190.641,7 tỷ đồng, tăng 11,24% so với cùng kỳ, trong đó, khu vực vốn nhà nước có mức tăng cao nhất, tăng 31,36%, chiếm cơ cấu 14,90%; khu vực ngoài nhà nước tăng 8,46%, đây là khu vực có đóng góp nhiều nhất trong mức tăng trưởng chung với cơ cấu chiếm 50,97%; khu vực vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,15% so với cùng kỳ, chiếm cơ cấu 34,13%.  

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện, hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cùng với hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã giúp thành phố đạt kỷ lục về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại, các quốc gia trong khu vực cũng có nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Tính đến ngày 20/12/2023, Hải Phòng xếp thứ hai cả nước với tổng số vốn thu hút là 3,4 tỷ USD, có 933 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỷ USD.  

Cũng từ đầu năm đến 20/12/2023, có 34 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động, trong đó có 7 dự án nằm trong khu công nghiệp, 27 dự án ngoài khu công nghiệp.

7. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Năm 2023, giá cả các mặt hàng hầu hết đều có xu hướng biến động tăng do ảnh hưởng của việc tăng lương cơ sở và giá xăng, dầu. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp đồng bộ để ổn định giá cả thị trường. Trong tháng 12/2023, giá xăng dầu bình quân giảm, nhu cầu tiêu thụ điện giảm là nguyên nhân làm cho Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 giảm 0,26% so với tháng trước; tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. 

Bình quân 12 tháng năm 2023, CPI tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,54% của năm 2022.

Giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh cũ, lập đỉnh mới trong những ngày qua, khi giá vàng thế giới trên ngưỡng 2.000 USD/ounce (tương đương khoảng 58,6 triệu đồng/lượng). Chỉ số giá vàng tháng 12/2023 tăng 4,21% so với tháng trước, tăng 15,82% so với tháng 12/2022. Giá vàng bình quân tháng 12/2023 dao động ở mức 6,24 triệu đồng/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2023 giảm 0,61% so với tháng trước, tăng 0,99% so với tháng 12/2022 và giảm 0,95% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 12/2023 dao động ở mức 24.484 đồng/USD, giảm 150 đồng/USD. Bình quân 12 tháng năm 2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 2,05%.

8. Một số vấn đề xã hội

Trong năm 2023, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

a) Dân số và lao động

Hải Phòng là thành phố có số dân đông thứ bảy cả nước. Dân số trung bình của thành phố năm 2023 đạt 2,105 triệu người, trong đó tỷ lệ dân số nam và nữ khá cân bằng (nam giới chiếm 49,59%, nữ giới 50,41%). Dân số trung bình khu vực thành thị là 960,64 nghìn người, chiếm 45,64%, dân số trung bình khu vực nông thôn là 1.144,38 nghìn người, chiếm 54,36%.       

b) Lao động việc làm

Tình hình lao động việc làm của thành phố Hải Phòng năm 2023 có xu hướng tăng nhẹ về quy mô lực lượng lao động so với năm 2022. Lực lượng lao động 15 tuổi trở lên ước tính năm 2023 là 1.042,9 nghìn người, tăng 0,4% so với năm 2022. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính năm 2023 là 1.019,7 nghìn người, tăng 0,4% so với năm 2022.

c) Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Tổng số đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội năm 2023 là 748 người (bằng 98,29% so với cùng kỳ). Tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố đạt 364 lượt người (giảm 18 lượt người so với cùng kỳ).

Trong năm 2023, tổ chức cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 2.245 lượt người, bằng 89,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100% so với kế hoạch năm. Điều trị Methadone toàn thành phố (17 cơ sở) cho 3.840 người,  bằng 103,4% so với cùng kỳ năm trước), bằng 121,2% so với kế hoạch năm.

d) Giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao

Công tác giáo dục: Năm 2023, Tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Hoàn thành kỳ tuyển dụng giáo viên THPT năm 2023, bổ sung nhân lực đảm bảo triển khai các nhiệm vụ năm học tại các nhà trường. Triển khai hiệu quả các lớp đào tạo, bồi dưỡng năm 2023. Ngành Giáo dục và đào tạo Hải Phòng đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực; 02 dự án giải Nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2022 – 2023; 01 học sinh đạt Á quân đường lên đỉnh Olympia...

Công tác y tế dự phòng: Trong năm 2023, thành phố tập trung phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai các chương trình y tế dân số năm 2023. Triển khai   và chỉ đạo các quận/huyện thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đau   mắt đỏ và bệnh theo mùa. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện các trường hợp mắc, Sốt xuất huyết Dengue (SXHD), Tay chân miệng, Viêm não Nhật Bản, Thủy đậu... 

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực  phẩm. Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế, các Sở, ngành, địa phương đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm, chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm; chú trọng tại các khu du lịch, các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; triển khai các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm và tổ chức ứng phó với ngộ độc thực phẩm hàng loạt khi xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Tại thời điểm báo cáo, số người nhiễm HIV đang còn sống là 6.384 trường hợp; Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 5.446 trường hợp. Hiện tại điều trị ARV cho 5.461 người; điều trị PreP cho 1.383 người.

Công tác văn hóa - thể thao: Chuẩn bị tốt lực lượng huấn luyện viên, vận động viên tham gia các giải thể thao quốc gia, quốc tế và khu vực. Tổ chức Giải Cầu lông vô địch các Câu lạc bộ thành phố năm 2023; đăng cai tổ chức giải Đua thuyền Rowing và Canoeing Vô địch quốc gia năm 2023; đăng cai tổ chức thành công giải chạy VNExpress Marathon vừa diễn ra vào đầu tháng 12/2023 với khoảng 11 nghìn vận động viên tham dự.

e) Tai nạn giao thông

Tính chung 12 tháng năm 2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 183 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 04 vụ tai nạn giao thông đường sắt và 04 vụ tai nạn giao thông đường thủy. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 98 người và bị thương 136 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 126 vụ (tương ứng tăng 198,44%); số người chết tăng 47 người (tương ứng tăng 92,16%); số người bị thương tăng 136 người (tương ứng tăng 518,18%).

g) Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong cả năm 2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 119 vụ cháy, số người chết là 05 người và bị thương 06 người; nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao tại một số nhà dân và cơ quan, doanh nghiệp; một số vụ cháy thảm thực bì rừng gây thiệt hại ước tính là 2,72 ha; các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản./.

 

Tác giả: CTK Hải Phòng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây