Công nghiệp chế biến, chế tạo - Động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Hải Phòng
Một trong các giải pháp được đặt ra, đó là: phấn đấu phát triển mạnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế thành phố với trọng tâm là phát triển công nghiệp công nghệ cao. Điều đó cho thấy, nền sản xuất công nghiệp thành phố luôn đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở vật chất, nguồn lực để thúc đẩy khu vực dịch vụ phát triển hài hòa. Như vậy, từ những mục tiêu đặt ra có thể thấy công nghiệp chế biến chế tạo được xác định là một trong những yếu tố tạo động lực tăng trưởng của giai đoạn tới.
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Vượt qua khó khăn, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế"
Sáu tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện với số lượng nhiều ca mắc ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó Hải Phòng xuất hiện một số ca trong cộng đồng. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Hải Phòng vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 13,52% so với cùng kỳ năm 2020; cao gấp 2,3 lần tăng trưởng của cả nước (cả nước GDP tăng 5,64%), đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng thứ 2 trong các tỉnh, thành phố vùng trọng điểm Bắc Bộ; cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo thành phố và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế".
Để đạt được mức tăng trưởng như trên phải kể đến sự đóng góp lớn của ngành công nghiệp, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước 6 tháng đầu năm 2021 tăng 20,02% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp trên 9,2 điểm % trong mức tăng trưởng chung của thành phố, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò chủ lực với mức tăng 22,8% so với cùng kỳ, đóng góp 9,7 điểm % trong mức tăng trưởng chung (mục tiêu năm 2021 đặt ra giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 19,2%).
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ cũng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của thành phố, ước tính 6 tháng đầu năm 2021 khu vực dịch vụ tăng 8,92%, đóng góp 3,33 điểm % trong mức tăng chung. Tuy nhiên, khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.
Nếu nhìn vào cơ cấu GRDP của thành phố cho thấy cơ cấu kinh tế thành phố 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, trong đó khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 52,48%, đây cũng là khu vực có mức tăng cao nhất, tăng 18,55% so với cùng kỳ (trong đó: cơ cấu ngành công nghiệp chiếm 47,17%; công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 43,7%); tiếp đến khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 37,26%. khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4,6%. Trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng có sự tăng trưởng nhanh hơn khu vực dịch vụ, giá trị tăng thêm của khu vực này tăng nhanh gấp gần 3 lần so khu vực dịch vụ (trong đó giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng nhanh gấp 2,7 lần).
Xét theo cấu trúc của toàn chuỗi giá trị, mọi hoạt động kinh tế đều có mối quan hệ khăng khít, và công nghiệp chế biến, chế tạo là trọng tâm trong mối quan hệ giữa các ngành kinh tế . Các ngành dịch vụ phụ thuộc rất lớn vào quy mô và trình độ phát triển của hoạt động sản xuất; dịch vụ bán buôn, bán lẻ (trong 6 tháng đầu năm 2021 đóng góp 7,8% GRDP) chính là hoạt động mua và bán hàng hóa do các ngành công nghiệp chế biến chế tạo sản xuất ra, và logistics, vận tải, kho bãi cũng không thể phát triển nếu không có hoạt động trao đổi hàng hoá tạo ra bởi các ngành sản xuất này (trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị tăng thêm của nhóm ngành vận tải, kho bãi đóng góp 15,2% GRDP).
Nền kinh tế của Hải Phòng có độ mở lớn, tính chung cho 6 tháng đầu năm 2021, thì độ mở của Hải Phòng là 184%; đối với các doanh nghiệp của Hải Phòng tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu khá mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp này cơ bản là xuất khẩu 100%. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt trên 11.700 triệu USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp chiếm khoảng trên 70%. Do vậy, mức độ ảnh hưởng bởi các thị trường trên thế giới cũng như xu hướng phục hồi của các nền kinh tế, sự gia tăng các dòng vốn đầu tư có tác động thúc đẩy đến kinh tế của Hải Phòng, trong đó có sản xuất công nghiệp.
Công nghiệp chế biến, chế tạo - Động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2021
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm đối mặt với nhiều khó khăn, khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở một số tỉnh, thành phố, trong đó Hải Phòng xuất hiện một số ca trong cộng đồng đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, việc làm của các doanh nghiệp. Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố tháng 6/2021 giảm 5,53% so với tháng trước và tăng 8,18% so với cùng kỳ năm trước.Tuy nhiên, chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp ước 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì tốc độ tang cao, tăng 20,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 13,6%), (mục tiêu năm 2021 đặt ra tăng 17%); đây là mức tăng cao thứ 10 so với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong đó: ngành chế biến, chế tạo tăng 23,38%, đóng góp 21,4 điểm % vào mức tăng chung; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,89%, đóng góp 0,02 điểm %; hai ngành có chỉ số giảm là ngành khai khoáng giảm 10,12% và ngành sản xuất và phân phối điện giảm 12,73%, cùng tác động làm giảm 0,02 và 0,9 điểm % vào mức tăng chung. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng cao nhất, đồng thời có sự đóng góp nhiều nhất vào mức tăng chung của chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp thành phố.
Sự sụt giảm của tháng 6 so với tháng trước, từ các phân tích yếu tố ở trên cho ta thấy có hai góc độ nguyên nhân:
Thứ nhất là sự điều chỉnh kế hoạch, chiến lược sản xuất của doanh nghiệp do điều tiết của thị trường cũng như cung cầu trên thế giới; nền kinh tế của Hải Phòng có độ mở lớn, do vậy các doanh nghiệp phải có sự thay đổi linh hoạt để thích ứng. Nếu sự sụt giảm do dừng sản xuất một loại sản phẩm để thay thế bởi một sản phẩm mới thì không đáng lo ngại, trong ngắn hạn thì mức tăng sẽ giảm, nhưng trong dài hạn sẽ có sự tăng trưởng trở lại.
Thứ hai, nếu ngược lại, sản phẩm hay một ngành sản phẩm phải dừng sản xuất do năng lực của doanh nghiệp yếu, giảm đơn hàng, tiêu thụ khó khăn, không chống chọi lại được mức độ ảnh hưởng của khó khăn thì đây là vấn đề khó hồi phục trong thời gian ngắn.
Do vậy, để cùng đồng hành với các doanh nghiệp, các cấp, ngành của thành phố tiếp tục có những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh trong mọi tình huống.
Xu hướng phục hồi của các nền kinh tế, sự gia tăng các dòng vốn đầu tư và các hiệp định thương mại tự do tác động thúc đẩy phát triển nền kinh tế của Hải Phòng trong thời gian tới.
Kinh tế toàn cầu năm 2021 đều được dự báo sẽ được cải thiện. Với triển vọng này, mặc dù dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như trong nước hết sức phức tạp, nhưng vẫn có những tác động tích cực tới phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài đã không thay đổi kế hoạch đầu tư vào Hải Phòng (trong đó có đầu tư mới và tăng vốn).
Đối với Hải Phòng, động lực tăng trưởng là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu sẽ là động lực dẫn dắt chính; đây là lợi thế lớn và đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng.
Mặt khác, nhờ các chương trình cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ của Hải Phòng, cùng với đó là sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển.
Do vậy, đây vừa là cơ hội lớn cho Hải Phòng, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Cơ hội ở đây là các mặt hàng truyền thống của thành phố có thế mạnh, như dệt may, da giày, thủy sản... tiếp tục có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu nhờ cắt giảm thuế quan và các cơ chế thuận lợi hóa thương mại. Đặc biệt, việc mở cánh cửa vào thị trường EU cho các sản phẩm nông sản có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Hải Phòng.
Bên cạnh đó, việc loại bỏ thuế suất với các mặt hàng nông sản chế biến sẽ khuyến khích công nghiệp thực phẩm đầu tư sản xuất các mặt hàng cho thị trường này, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản theo hướng gia tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến.
Bên cạnh cơ hội đều gắn liền với thách thức, khi ra nhập các thị trường này, mọi thông tin đều được công khai, minh bạch, cạnh tranh, bình đẳng. Thách thức thức lớn và trực diện nhất là sức ép canh tranh sẽ gay gắt hơn. Đòi hỏi các doanh nghiệp, nhà sản xuất trên địa bàn thành phố phải tự nâng cao trình độ công nghệ và quản lý, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Phải đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng giá trị và hàm lượng nội địa.
Những ngày gần đây dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp và có những ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, thì duy trì sản xuất công nghiệp ổn định, giữ được mức tăng trưởng cao sẽ là động lực quan trọng chủ yếu góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Hải Phòng. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế năm 2020, cũng như 6 tháng vừa qua cho chúng ta thấy rõ điều đó, một số tỉnh, thành phố trọng điểm có cơ cấu kinh tế chiếm chủ yếu ở khu vực dịch vụ, trong bối cảnh hiện nay về dịch bệnh thì mức độ chịu ảnh hưởng rất lớn đối với khu vực dịch vụ.
Hải Phòng có lợi thế phát triển hài hòa giữa khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ. Trong đó, công nghiệp có sự đóng góp quan trọng trong tăng trưởng chung của thành phố. Khi nền công nghiệp thành phố phát triển mạnh và bền vững sẽ là tiền đề vững chắc và có nguồn lực mạnh để phát triển thương mại, dịch vụ.
(Khu công nghiệp Nam Đình Vũ - Nguồn Internet)
Một số giải pháp chủ yếu để đạt được mức tăng trưởng năm 2021 như mục tiêu đã đặt ra
- Vấn đề đặt lên hàng đầu, đó là tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả các biện pháp thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội. Kiểm soát chặt không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn thành phố. Triển khai sớm được việc tiêm vắc xin Covid-19 cho Nhân dân thành phố.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với các ngành hàng có đóng góp quan trọng cho xuất khẩu.
- Tập trung cao chỉ đạo quyết liệt cho công tác thu ngân sách nhà nước, đây cũng là một trong các yếu tố góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
- Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực tăng trưởng kinh tế; thu hút đầu tư tạo nguồn lực cho phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm chậm tiến độ, hoặc chưa triển khai thực hiện. Vốn đầu tư là yếu tố quan trọng tạo nên tăng trưởng, một mặt góp phần vào tăng trưởng của hoạt động xây dựng, mặt khác khi các dự án công nghiệp, hạ tầng du lịch, dịch vụ hoàn thành đi vào hoạt động có sản phẩm, có doanh thu thì đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp, dịch vụ.
Do vậy, phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục thu hút đầu tư đối với các dự án FDI, dự án trong nước, đặc biệt là các dự án công nghiệp. Tuy nhiên, đi đôi với thu hút đầu tư phải được triển khai thực hiện và đảm bảo tiến độ. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, có quy mô lớn.
- Ngoài ra, việc đảm bảo tiến độ thực hiện triển khai các Khu, cụm công nghiệp theo nhiệm vụ, giải pháp thứ 2 trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứu XVI sẽ góp phần tăng vốn đầu tư thực hiện và tăng trưởng kinh tế ngay trong năm 2021; đồng thời sẵn sàng có đủ mặt bằng để đón đầu, thu hút các dòng đầu tư nước ngoài mới trong thời gian tới.
- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành không bỏ cuộc trong khó khăn, phải tìm được khả năng kháng cự, sức bật nội lực; đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra các sản phẩm mới; nâng cao chất lượng cũng như đẩy mạnh liên kết sản phẩm du lịch giữa các vùng. Thành phố có chính sách về thuế đối với các doanh nghiệp, tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng cho du lịch; ngân hàng hỗ trợ về vay vốn để phục hồi, giữ lực lượng lao động nòng cốt.
- Đảm bảo công tác an sinh, phúc lợi xã hội, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Tác giả: Lê Gia Phong – Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng
-
Nông thôn, nông nghiệp Hải Phòng sau 10 năm đổi mới
25/09/2021 -
Infographic - Một số chỉ tiêu kinh tế xã hội 9 tháng năm 2021 TP Hải Phòng
29/09/2021 -
Tổng quan kinh tế thế giới 9 tháng và quý III năm 2021
10/10/2021 -
Dịch Covid-19 tác động nặng nề đến tình hình lao động, việc làm cả nước quý III năm 2021
12/10/2021 -
Infographic tình hình kinh tế - xã hội tháng 12, 12 tháng TP Hải Phòng
29/12/2021 -
TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM QUÝ II VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021
06/07/2021 -
(Infographic) - Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tháng 4/2021
29/04/2021 -
Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tháng 4/2021
29/04/2021 -
(Infographic) - Kết quả một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu quý I/2021
29/03/2021 -
Tình hình kinh tế - xã hội TP Hải Phòng tháng 3, 3 tháng năm 2021
29/03/2021
- Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 8, 8 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
- Infographic tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 8, 8 tháng đầu năm 2024 thành phố Hải Phòng
- Chuyển đổi số - Động lực quan trọng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới
- Quyết định 03/2024/QĐ-TTg sửa đổi một số quy định về công nhận nông thôn mới
- DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG, NỀN KINH TẾ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN NHANH NHẤT CHÂU Á