Thúc đẩy tăng trưởng GRDP: Gỡ “điểm nghẽn”, kiến tạo động lực mới (kỳ 2)

Thứ ba - 31/10/2023 10:56
(HPĐT)- Tuy đạt kết quả tích cực, song tăng trưởng GRDP sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố đạt thấp hơn mục tiêu đề ra. Bởi vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết, Hải Phòng phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cần tập trung khai thông một số “điểm nghẽn”.
Giai đoạn 2021-2022, hai khu vực kinh tế chủ lực của thành phố tăng thấp hơn so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố đề ra, tác động không nhỏ đến tăng trưởng GRDP.
Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Jasan Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng) vận hành máy dệt sản xuất hàng dệt kim phục vụ xuất khẩu.
Ảnh: Duy Thính  
 
Hai khu vực kinh tế chủ lực tăng trưởng thấp
Theo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ của Thành uỷ, hai khu vực kinh tế chủ lực của thành phố giai đoạn 2021- 2022 đều tăng trưởng thấp hơn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 16 đề ra: Công nghiệp- xây dựng tăng 17,96%/năm (chỉ tiêu giai đoạn 2020-2025 đạt 19,2%/năm); dịch vụ tăng 7,11%/năm (giai đoạn 2020-2025 đạt 8,8%/năm).
 
Qua phân tích cụ thể số liệu thống kê, Cục trưởng Cục Thống kê Lê Gia Phong nhận định, ngành công nghiệp vẫn đóng vai trò là động lực chủ lực trong tăng trưởng kinh tế thành phố, với tỷ trọng giá trị tăng thêm chiếm 51% tổng giá trị tăng thêm của toàn thành phố- lớn nhất trong các khu vực kinh tế. Tuy nhiên, nhìn lại giai đoạn 2021- 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 19,1%/năm, thấp hơn 2,9 điểm % so với giai đoạn trước dịch (2016-2019). Giá trị tăng thêm bình quân ngành xây dựng giai đoạn 2021-2022 đạt 7,3%/năm, thấp hơn 6,2 điểm % so với giai đoạn 2016-2019. Đối với khu vực dịch vụ, giá trị tăng thêm của giai đoạn 2021-2022 cũng chỉ đạt bình quân 7,1%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2016-2019 đến 3,9 điểm %... Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết đề ra ở mức cao nhất có thể, một trong 3 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố; cung cấp lực lượng lao động có tay nghề và nhà ở xã hội/nhà ở công nhân... Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ đang từng bước phục hồi, đóng góp tích cực cho tăng trưởng, thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển những lĩnh vực là thế mạnh, ưu thế cạnh tranh chiến lược của thành phố như cảng biển, logistics và du lịch.
  
Theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn quy hoạch thành phố thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong phát triển công nghiệp, có thể nói việc phát triển các khu, cụm công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp lớn, hiện đại, thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao quy mô lớn là động lực chính để thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh của thành phố. Tuy nhiên vẫn có một số hạn chế như: Chưa tạo ra được “hiệu ứng phát triển” lan tỏa đến các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp (KCN); công tác đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp (CCN) còn nhiều khó khăn, vướng mắc, làm chậm tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng đáp ứng doanh nghiệp; hạ tầng kỹ thuật - xã hội ngoài hàng rào KCN, CCN chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển…Bởi vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần khắc phục được những hạn chế này.
 
Giải bài toán về nguồn lực đầu tư
Một thách thức đang hiện hữu trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội thành phố hiện nay là nguồn lực đầu tư. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 2 năm 2021-2022 và 6 tháng năm 2023 của thành phố mới đạt 409,39 nghìn tỷ đồng, bằng 34,12% mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố. Để hoàn thành chỉ tiêu này, giai đoạn 2023-2025, tổng vốn đầu tư thực hiện cần đạt 872,4 nghìn tỷ đồng, tương đương bình quân mỗi năm 290,8 nghìn tỷ đồng, là thực tế rất khó khăn. Trong khi thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đến năm 2022 thực hiện 109.226 tỷ đồng (không tính số thu chuyển nguồn, kết dư ngân sách năm trước chuyển sang, đạt 75,3% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; trong đó thu nội địa thực hiện 38.236 tỷ đồng). Dự kiến, thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 128.000 tỷ đồng/145.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 50.000 tỷ đồng (chỉ tiêu Nghị quyết là 65.000 tỷ đồng vào năm 2025).
 
Theo đề xuất của ngành Kế hoạch và Đầu tư, để khơi thông nguồn lực, trước hết cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công- nguồn vốn “mồi” thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng để thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác. Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách thành phố, cân đối kịp thời các nguồn vốn để giải ngân cho các dự án. Đẩy nhanh hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các dự án trọng điểm; tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách nhà nước, nhất là các dự án có tác động lớn để phát triển kinh tế- xã hội thành phố và từng địa phương…
 
Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ chỉ rõ những hạn chế trong phát triển kinh tế của thành phố, trong đó có các hạn chế liên quan đến phát triển hai khu vực kinh tế chủ lực nêu trên. Đó là tổng diện tích đất công nghiệp sẵn sàng để triển khai các dự án đầu tư còn ít, không đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn. Nhà ở và các công trình xã hội thiết yếu phục vụ người lao động các khu công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế. Dịch vụ du lịch phát triển chưa bền vững, còn mang tính chất mùa vụ; các dự án trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ triển khai chậm, nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch chưa được khai thác tương xứng. 
 
Các chuyên gia tư vấn quy hoạch khuyến nghị thành phố một số giải pháp huy động vốn đầu tư. Trong đó, đối với nguồn vốn từ ngân sách, cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy thực hiện tốt các dự án giao thông đối ngoại. Trên cơ sở được phân cấp, phân quyền, thực hiện tốt các chính sách tạo nguồn vốn đầu tư cho ngân sách thành phố, nhất là các quy định tại Nghị quyết 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; khai thác tốt kênh tạo nguồn vốn đầu tư từ tài nguyên, nhất là tài nguyên đất. Đối với vốn từ khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung tạo dựng, khai thác tối đa các mối quan hệ kinh tế sẵn có với các đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện; nghiên cứu khả năng hợp tác, mở rộng quan hệ với những đối tác tiềm năng khác, các tập đoàn đa quốc gia, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các địa phương nước ngoài…; thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư và thương mại; đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế, tăng cường mối liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đối với vốn từ khu vực trong nước, khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước tham gia đầu tư phát triển kinh tế- xã hội thành phố; chú trọng xây dựng đội ngũ các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam đối với các lĩnh vực kinh tế trụ cột của thành phố, nhất là công nghiệp hiện đại, kinh tế số và một số ngành kinh tế biển; triển khai các giải pháp tăng cường nội lực, làm nền tảng cho thu hút ngoại lực.
 
Thành phố cũng cần tiếp tục duy trì thứ hạng cao về môi trường kinh doanh và các chỉ tiêu về cải cách thể chế khác; thực hiện tốt việc xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư theo hình thức hợp tác công tư , nhất là đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng; thực hiện tái cơ cấu đầu tư, xây dựng hồ sơ các dự án có tiềm năng thu hút vốn theo hình thức PPP làm cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”…
 
------------------------
 
Kỳ cuối: Hóa giải thách thức, kiên định mục tiêu
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây