Cảng biển Hải Phòng: Hướng đến sự phát triển đồng bộ, bền vững

Thứ năm - 12/10/2023 17:13
(HPĐT)- Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 16 Đảng bộ thành phố, từ 129,2 triệu tấn hàng hóa thông qua năm 2019, đến năm 2022, lượng hàng qua cảng biển Hải Phòng đạt 168 triệu tấn. Với chỉ tiêu 300 triệu tấn vào năm 2025, lượng hàng qua cảng năm 2022 tương ứng với 56% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và đang bám sát kế hoạch. Tuy vậy, để đạt được con số 300 triệu tấn vào năm 2025 như chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ các ngành, các cấp cùng các doanh nghiệp liên quan
Sức bứt phá mạnh mẽ từ hệ thống cảng biển
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố đánh dấu sự khởi sắc đáng kể của cảng biển Hải Phòng, khi từ các doanh nghiệp (DN) cảng đến những vấn đề sau cảng hoặc trước cảng đều được thành phố và các cơ quan giải quyết, tạo điều kiện tối đa cho DN. Đồng chí Đồng Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, giai đoạn qua, Tổng công ty phối hợp với các ngành của Hải Phòng giải quyết nhiều vướng mắc liên quan đến các cơ chế nạo vét luồng hàng hải trên địa bàn Hải Phòng, nên phần lớn các dự án liên quan đến nạo vét luồng được thực hiện bảo đảm đúng quy định, đạt chuẩn tắc về độ sâu luồng tàu. Đây là cơ sở để các tàu biển đến với các cảng thuận lợi hơn. Đánh giá về luồng tàu vào cảng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng (Cục Hàng hải Việt Nam) Nguyễn Anh Vũ cho rằng, từ việc luồng tàu vào dần đạt chuẩn tắc, lượng tàu biển đến cảng luôn duy trì đón tàu ở mức khoảng từ 17-19 nghìn lượt tàu mỗi năm; cùng với đó là nhiều tàu đến cảng trên đường thủy nội địa. Cũng theo ông Vũ, đường cho tàu vào cảng thuận lợi, đường sau cảng phục vụ đưa/đón hàng hóa cũng được đổi mới, giảm ùn tắc đến mức tối đa nhờ sự quan tâm, giải quyết vướng mắc của thành phố. Cùng với đó là lực lượng hoa tiêu ngày đêm dẫn tàu vào cảng an toàn…
 
Đổi mới đáng chú ý khi các DN cảng phần lớn có sự phát triển ấn tượng. Giai đoạn từ năm 2020 đến giữa năm 2023 chứng kiến sự bứt phá về đầu tư của các DN cảng, trong đó cảng Nam Đình Vũ (Tập đoàn Gemadept) hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 2; nhiều DN cảng đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số, công nghệ thông tin, tiếp xúc khách hàng. Các cảng đồng thời xây dựng văn hóa DN gắn với các chương trình về ứng xử với khách hàng. Hạ tầng ổn định, năng lực tốt, có tiềm năng phát triển của khối cảng biển Hải Phòng giai đoạn vừa qua là tiền đề để hàng loạt tuyến dịch vụ hàng hải ra đời. Chỉ tính riêng giai đoạn này, các DN cảng có tới gần 20 tuyến dịch vụ hàng hải thuộc Nội Á và xuyên Thái Bình Dương; đồng thời tiếp đón thêm nhiều khách hàng mới, ký kết hợp tác, chuẩn bị đưa thêm các tuyến dịch vụ hàng hải mới vào hoạt động. Ngoài ra, nhiều DN mới được các DN cảng và đối tác thành lập nhằm phát triển chuỗi logistics.
 
Cho dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hàng loạt chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, nhưng các DN cảng chủ động các phương án đón tàu, làm việc với các đối tác từ xa.
 
Đồng chí Nguyễn Tường Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng chia sẻ, có những thời điểm dịch bệnh COVID-19 khiến DN lao đao, nhất là về lực lượng công nhân xếp dỡ. Tuy nhiên, Cảng chủ động giải pháp về xếp dỡ, bố trí lực lượng hợp lý, nên lượng hàng qua cảng năm 2020, 2021 ổn định. Trong đó, riêng năm 2021, lần đầu, Chi nhánh Tân Vũ đạt 1 triệu teu container thông qua khi chưa hết 11 tháng. Các năm 2021, 2022 Cảng Hải Phòng xếp dỡ đạt mức tăng trưởng kỷ lục đối với mặt hàng là ô tô đến từ tàu RORO.
 
Còn theo đại diện Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), cũng chỉ mới đầu tháng 11-2022, cảng cũng đón teu container thứ 1 triệu và đến năm 2022 đạt công suất thiết kế.
 
Đến năm 2025, Hải Phòng tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ từ khối cảng biển khi bến số 3,4,5,6 tại Lạch Huyện đi vào hoạt động. Nếu các bến này đầy tải (khoảng 2,5 triệu teu container), sẽ tương ứng với khoảng 60-65 triệu tấn hàng hóa; cộng với những bến sau Lạch Huyện có mức tăng trưởng từ 10 đến 20%, con số 300 triệu tấn vào năm 2025 theo chỉ tiêu Nghị quyết 16 Đảng bộ thành phố là có thể đạt được, song sẽ còn nhiều việc phải làm vì những diễn biến thất thường của thị trường vận tải biển cũng như năng lực, mối quan hệ của các DN cảng với đối tác, khách hàng. 
 
Nỗ lực hơn nữa để vươn tới mục tiêu 300 triệu tấn
Đồng chí Phạm Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cảng Hải Phòng thông tin: Nếu như các loại hàng hóa vận chuyển tuyến nội Á hoặc nội địa ổn định thì trên một số tuyến quốc tế hiện có một số chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina, nên tình hình vận tải hàng hóa từ quốc tế đến Hải Phòng nói chung và đến Cảng Hải Phòng nói riêng có một số giai đoạn không như kỳ vọng. Năm 2023 này, Cảng Hải Phòng cố gắng hết sức đạt mức cao nhất về sản lượng, đồng thời mở rộng tiếp thị, quan hệ đối tác, nâng cao khả năng xếp dỡ tại một số đơn vị từ 60 moves/giờ lên 62 moves/giờ. Còn theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, vận tải biển quốc tế bị ảnh hưởng nên nhiều khả năng lượng hàng hóa qua các cảng biển của Việt Nam giảm khoảng 8% trong năm 2023 này. Có thể thấy ảnh hưởng chung đó có tác động lớn đến Hải Phòng vì theo Cục hàng hải Việt Nam, lượng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng chiếm 27% tổng lượng hàng hóa qua cảng biển của cả nước hằng năm. Phải rất nhiều nỗ lực hơn nữa, các DN cảng mới đạt được sự phát triển tương ứng khoảng 10-20%/năm.
 
Để các DN cảng phát triển ổn định, tiến tới tăng sản lượng, các DN cảng cần chủ động trong quá trình đầu tư, liên kết phát triển sản xuất- kinh doanh, sự hỗ trợ của thành phố là rất cần thiết. Thành phố từng hỗ trợ các DN cảng bằng việc xây dựng những tuyến đường, xây dựng nút giao thông kết nối rộng khắp để giúp DN cảng trong hoạt động xếp dỡ, đón nhận hàng hóa. Thành phố cũng hỗ trợ nhiều DN cảng mở rộng kho bãi, mở rộng cảng, hỗ trợ về giao thông sau cảng và phối hợp trong các dự án nạo vét luồng vào cảng… Tuy nhiên, còn những quy hoạch cần tiếp tục hoàn thiện, đó là xây dựng và hình thành các trung tâm logistics có tầm, phối hợp mở đường đối với các DN cảng khó khăn về đường ra vào trong quá trình vận tải đường bộ, xếp dỡ hàng hóa. Bên cạnh đó, không chỉ vì chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội, thành phố cần quy hoạch và phát triển những tuyến đường ven sông, kết nối với các bến cảng, bến thủy nội địa và có cơ chế về mặt bằng sạch cho các DN làm cảng nội địa. Cơ chế này cũng là “chìa khóa” giúp các DN cảng biển mở rộng hệ thống kho bãi, hậu cần sau cảng, bởi nếu cảng đầy tải, sẽ rất khó khăn trong việc tiếp nhận thêm hàng hóa. Cùng với đó, thành phố cũng cần nghiên cứu, phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải phát triển hệ thống cảng cạn gắn với các hành lang giao thông, trong đó ưu tiên kết nối với khu vực Nam Đồ Sơn sau này và các trục giao thông phía Bắc vừa được Chính phủ quy hoạch cảng cạn… Đó sẽ là điều kiện để Hải Phòng trở thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Cảng biển – logistics tiếp tục là một trong ba trụ cột kinh tế theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đã được Nghị quyết 45- NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra./.

Tác giả bài viết: Mai Lâm

Nguồn tin: https://baohaiphong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây