Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tháng 9/2019

Chủ nhật - 29/09/2019 11:10
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010, ước tính 9 tháng năm 2019 tăng 16,42% so cùng kỳ năm trước (9 tháng/2018 tăng 16,20%), vượt kế hoạch năm (kế hoạch năm 2019 tăng 15,5%)
Thành phố thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm 2019 trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khi tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu tiếp tục suy yếu, căng thẳng thương mại và biến đổi khí hậu tiếp tục là rủi ro đối với hoạt động kinh tế toàn cầu. Tình hình kinh tế trong nước duy trì phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát, tạo đà cho thị trường lao động phát triển, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng được nâng cao. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố có nhiều đổi mới trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành với nhiều cách làm hiệu quả, đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mới, có nhiều đột phá, tăng trưởng cao, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có những đột phá, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, an ninh chính trị ổn định.
Bên cạnh những thuận lợi, kinh tế thành phố Hải Phòng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, dịch bệnh tả lợn Châu Phi lan rộng có diễn biến phức tạp, kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giao thông vận tải, sự liên kết vùng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của một thành phố lớn, hiện đại. 
Từ những kết quả đạt được trong năm 2018, ngay từ những tháng đầu năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố đã tập trung cao công tác chỉ đạo, điều hành để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế  - xã hội năm 2019. Kết quả 9 tháng đầu năm 2019 đạt được như sau:
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế

 

 

Cơ cấu  GRDP (%)

Tốc độ tăng trưởng
so với cùng kỳ
(%)
(Theo giá SS 2010)

Đóng góp vào mức tăng trưởng 9T/2019 (điểm %)

TỔNG SỐ

100,00

16,42

16,42

  - Nông, lâm, nghiệp và thủy sản

4,34

-0,52

-0,02

 - Công nghiệp - Xây dựng

48,41

24,89

12,05

 - Thương mại - Dịch vụ

42,12

9,69

4,02

 - Thuế sản phẩm trừ trợ cấp
 

5,13

6,58

0,37

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010, ước tính 9 tháng năm 2019 tăng 16,42% so cùng kỳ năm trước (9 tháng/2018 tăng 16,20%), vượt kế hoạch năm (kế hoạch năm 2019 tăng 15,5%), đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, cũng là mức tăng trưởng cao so với cả nước và các tỉnh, thành phố lớn, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thành phố. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 0,52% (kế hoạch tăng 1,98%), làm giảm 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 24,89% (kế hoạch tăng 22,11%), đóng góp 12,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 9,69% (kế hoạch tăng 10,9%), đóng góp 4,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi và sự chuyển dịch cơ cấu đất nông nghiệp (đất nông nghiệp ngày càng có xu hướng giảm) làm giá trị tăng thêm của nhóm nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan giảm 4,52% so với cùng kỳ năm trước; ngành thủy sản tiếp tục là ngành có giá trị tăng thêm tăng cao nhất trong khu vực này, tăng 9,21% so với cùng kỳ là do khai thác biển và nuôi thủy sản vùng nước lợ tăng khá. 
Trong khu vực công nghiệp - xây dựng, ngành công nghiệp tăng 24,89% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 12,05 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung, trong đó chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,58%, đóng góp 10,47 điểm phần trăm; với đóng góp chủ lực của một số ngành: ngành sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông, điện tử dân dụng; ngành sản xuất thiết bị điện; sản xuất xi măng và sắt thép... Ngành xây dựng tăng 24%, đóng góp 1,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Trong 9 tháng năm 2019, nhiều dự án, công trình trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược với tương lai phát triển của thành phố tiếp tục tập được tập trung thực hiện không những làm thay đổi diện mạo thành phố mà còn góp phần không nhỏ trong mức tăng trưởng chung toàn thành phố.
Khu vực dịch vụ tăng 9,69% so với cùng kỳ năm trước, là sự đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như: vận tải, kho bãi tăng 12,31%, đóng góp 1,67 điểm phần trăm; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tăng 10,9%, đóng góp 0,93 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,59%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm...
Về cơ cấu kinh tế trên địa bàn: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 4,34%, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,41%; khu vực dịch vụ chiếm 42,12%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,13%. Ước tính 9 tháng năm 2019, các ngành: công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GRDP của toàn thành phố, chứng tỏ cơ cấu kinh tế của Hải Phòng đi đúng hướng và tái cơ cấu kinh tế đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Đây là sự chuyển dịch cơ cấu tích cực phù hợp với yêu cầu thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. 
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số phát triển sản xuất (PTSX) công nghiệp (IIP) tháng 9/2019 ước tăng 2,46% so với tháng trước và tăng 26,39% so với cùng kỳ. IIP quý III/2019 có mức tăng 25,66% so với quý III/2018. Dự tính 9 tháng/2019, IIP tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, tăng 24,03% so với cùng kỳ. Trong các ngành công nghiệp cấp I, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 25,48%, đóng góp 22,31 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,52%, đóng góp 1,51 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 3,56%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
 
Trong 51 nhóm ngành kinh tế cấp 4 có 35 ngành có chỉ số PTSX công nghiệp 9 tháng/2019 tăng so với cùng kỳ, trong đó: ngành sản xuất mô tơ, máy phát điện tiếp tục là ngành có mức tăng cao nhất, tăng 244,06%; tiếp theo ngành sản xuất thiết bị truyền thông tăng 86,88%; ngành sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép đứng thứ 3 với mức tăng 63,64%...
Có 16 ngành kinh tế cấp 4 giảm, trong đó: ngành sản xuất đồ chơi giảm 63,49%; sản xuất thuốc, hóa dược giảm 22,2%; sản xuất bia giảm 19,53%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng giảm 35,74%;...

Tốc độ tăng, giảm chỉ số PTSX của một số ngành chiếm tỷ trọng lớn (%)

 

Ước tính tháng 9/2019 so với tháng trước

Ước tính tháng 9/2019 so với cùng kỳ

Cộng dồn 9 tháng 2019 so với cùng kỳ

Tên ngành công nghiệp

 

 

 

Sản xuất giày dép

11,61

           -1,21

   -3,99

Sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ

-6,8

26,74

-16,73

Sản xuất sản phẩm từ plastic

  -12,63

-11,87

    3,72

Sản xuất xi măng, vôi và thạch cao

  49,67

33,32

    5,43

Sản xuất sắt, thép, gang

46,31

29,71

    5,28

Sản xuất thiết bị truyền thông

17,79

49,93

   86,88

Đóng tàu và cấu kiện nổi

-6,19

51,49

    34,51

Sản xuất, truyền tải và phân phối điện

-26,92

9,43

    10,52


Tình hình sản xuất của một số ngành có đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng toàn ngành công nghiệp thành phố 9 tháng/2019:
Ngành sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông, điện tử dân dụng: 9 tháng/2019 sản xuất công nghiệp thành phố có sự đóng góp lớn của ba doanh nghiệp thuộc tập đoàn LG như sự án sản xuất sản phẩm màn hình điện thoại, ti vi của công ty TNHH LG Display, công ty TNHH LG Electronics và dự án sản xuất sản phẩm modun camera máy điện thoại của công ty TNHH LG Innoteck. Trong 9 tháng/2019, ba doanh nghiệp này đã sản xuất hàng triệu sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, linh kiện viễn thông, điện tử dân dụng, doanh thu tăng 42,3% so cùng kỳ, thu hút và tạo việc làm cho 17 nghìn lao động. Trong những tháng cuối năm 2019 các doanh nghiệp LG với lượng đơn hàng ổn định, tăng trưởng tốt là động lực vững chắc để ngành công nghiệp thành phố đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung đã đề ra.
Ngành sản xuất thiết bị điện với sự đóng góp chủ lực của CN Cty TNHH GE Việt nam tại Hải Phòng trong 9 tháng/2019 tiếp tục sản xuất khối lượng lớn máy phát điện tuabin gió và các linh kiện hệ thống điều khiển điện.
Sản xuất xi măng 9 tháng/2019 tiếp tục duy trì tốc độ tăng, tăng 5,43% so với cùng kỳ, đây là kết quả tích cực so với tốc độ tăng 2 năm gần đây (9 tháng/2017 giảm 6,36%; 9 tháng/2018 giảm 7,82%). Tháng 9/2019 sản xuất xi măng ước tăng cao khi thời tiết thuận lợi hơn cùng với các đơn hàng xuất khẩu mới, tuy nhiên các tháng cuối năm tiêu thụ xi măng của các doanh nghiệp dự kiến tiếp tục gặp khó khăn do cạnh tranh gay gắt, nguồn cung đang vượt cầu. Hiện nay các doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển sang xuất khẩu clinker để đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả, tránh tồn kho.
Sản xuất sắt thép trên địa bàn 9 tháng/2019 dự kiến tăng 5,28%, trong đó tháng 8/2019 là tháng thấp điểm tiêu thụ nên các doanh nghiệp chủ động giảm sản xuất, đại tu máy móc thiết bị, cho công nhân đi nghỉ mát. Sang tháng 9, sản xuất của các doanh nghiệp bắt đầu tăng trở lại cho nhu cầu tiêu thụ những tháng cuối năm.
Sản xuất và phân phối điện: trong 9 tháng/2019, ngành sản xuất và phân phối điện đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt các hoạt động chính trị xã hội và sinh hoạt của nhân dân, duy trì tăng trưởng ở mức 10,52% so với cùng kỳ; trong đó có sự đóng góp chủ yếu của công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng với sản lượng điện sản xuất 9 tháng tăng so cùng kỳ 9,98%, những tháng tiếp theo dự kiến lượng điện sản xuất giảm do vào mùa mưa, nhu cầu tiêu thụ điện giảm.
 Ngành đóng tàu 9 tháng/2019 ước tăng 34,51% so với cùng kỳ do một số doanh nghiệp có kết quả sản xuất tốt, đã ký được các hợp đồng lớn và đi vào thực hiện từ quý III/2019, dự kiến trong những tháng cuối năm sản xuất tiếp tục tăng cao.
Một số ngành sản xuất có chỉ số PTSX 9 tháng/2019 giảm hoặc tốc độ tăng thấp so với cùng kỳ, cụ thể:
Sản xuất trang phục: 9 tháng/2019 các doanh nghiệp may mặc có tốc độ PTSX tăng 13,93% so với cùng kỳ, mặc dù vẫn đạt mức tăng trưởng dương nhưng đóng góp trong tăng trưởng chung toàn ngành giảm đi nhiều, các nhà máy quy mô lớn đi vào sản xuất từ cuối năm 2016 đã ổn định không còn mang tính đột biến. Dự kiến thời gian tới sản lượng sản xuất các sản phẩm may mặc sẽ tăng cao hơn khi các nhà máy được khai thác hết công suất; các doanh nghiệp may mặc quy mô nhỏ hơn hiện tại đơn hàng khá ổn định và có xu hướng tăng so với cùng kỳ.
Ngành sản xuất giày dép: dự kiến 9 tháng/2019 giảm 3,99% so cùng kỳ do một số doanh nghiệp gia công giầy dép lớn gặp khó khăn do nhận nhiều đơn hàng khó, thời gian hoàn thành lâu hơn làm ảnh hưởng đến tăng trưởng sản xuất chung toàn ngành.
Ngành sản xuất phân bón: dự kiến 9 tháng/2019 giảm 16,73% so với cùng kỳ do tình hình tiêu thụ phân bón còn gặp nhiều khó khăn, lượng tiêu thụ thấp nên để giảm tồn kho, các doanh nghiệp phải duy trì chạy thấp tải. Dự tính tháng 9/2019 tình hình xuất khẩu chưa có chiều hướng tích cực do giá phân bón DAP thế giới liên tục sụt giảm mạnh nên rất khó tiêu thụ ở kênh này. Tình hình tiêu thụ trong nước cũng rất khó khăn do cạnh tranh với phân bón Trung Quốc nhập khẩu giá thấp và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến tiêu cực tại khu vực miền Trung và Nam Bộ - khu vực tiêu thụ phân bón chính, nên ảnh hưởng đến kết quả sản xuất. 
Sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm: ngành chăn nuôi những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi lan rộng và có diễn biến phức tạp nên sản lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi gia súc giảm mạnh. Dự kiến từ khoảng giữa quý III đến cuối năm 2019, sản lượng sản xuất các loại sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đều tăng so với trước do việc đẩy mạnh chăn nuôi phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng phục vụ Tết. 
Ngành sản xuất thuốc lá 9 tháng/2019 gặp nhiều khó khăn (giảm 16,47% so với cùng kỳ) do mức tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá. Giá bán tăng, sức mua giảm đã làm sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2018. 
* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2019 giảm 1,6% so với tháng trước và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cộng dồn 9 tháng năm 2019 chỉ số tiêu thụ tăng 2,03%, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so cùng kỳ: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản tăng 8,2%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 14,3%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 43,1%, sản xuất môtơ, máy phát tăng 220,1% ...
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ: sản xuất thiết bị truyền thông giảm 56,9%; sản xuất bia giảm 20,6%; sản xuất phân bón giảm 28,6%; sản xuất săm lốp cao su giảm 11,6%;
* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/9/2019 tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 13,6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 24,89%; sản xuất phân bón tăng 186,33%; sản xuất thuốc lá tăng 137,23%; sản xuất xi măng tăng 35,21%; sản xuất trang phục tăng 92,64%...
Một số ngành có chỉ số tồn kho so với cùng kỳ giảm như: sản xuất săm lốp cao su giảm 28,98%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản giảm 29,23%; sản xuất kim loại giảm 4,78%.
* Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 30/9/2019 tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 6,9% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 10,8%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 15,9%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,6%. 
Chia theo ngành cấp I: ngành khai khoáng tăng 10,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,2%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,6%; ngành cung cấp nước, quản lý, xử lý nước rác thải, nước thải tăng 1,0%. 
Trong 51 ngành cấp 4, một số ngành chỉ số sử dụng lao động tăng cao: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 46,4%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 94,3%, sản xuất trang phục tăng 12,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 2,1%; sản xuất thuốc hóa dược tăng 5,0%.
Một số ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so cùng kỳ như: sản xuất đồ uống giảm 13,1%; sản xuất kim loại giảm 4,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 15,6%.
* Một số sản phẩm công nghiệp ước 9 tháng năm 2019 so cùng kỳ: quần áo các loại đạt 108,7 triệu cái, tăng 8,57%; phân bón đạt 138,31 nghìn tấn, giảm 16,73%; màn hình khác đạt 8.263 nghìn cái, tăng 35,15%; máy giặt đạt 1.119,5 nghìn cái, tăng 18,47%; lốp hơi mới bằng cao su đạt 1.803,41 nghìn cái, giảm 10,48%; sắt, thép các loại đạt 1.111,83 nghìn tấn, tăng 9,21%; xi măng Portland đen đạt 3.653 nghìn tấn, tăng 5,43%; điện sản xuất đạt 5.274,52 triệu Kwh, tăng 9,98%.
Trong quý III/2019 một số sản phẩm công nghiệp tăng cao so với quý II/2019: bia hơi đạt 12,11 triệu lít, tăng 3,1%; máy giặt loại khác đạt 349,8 nghìn cái, tăng 8,05%; thức ăn gia súc đạt 55.759 tấn, tăng 8,5%. Một số sản phẩm công nghiệp giảm so với quý II/2019: sổ sách, vở đạt 3.168 tấn, giảm 62,52%; màn hình khác đạt 2.818 nghìn cái, giảm 3,37%; điện sản xuất đạt 1.455,5 triệu kwh, giảm 32,42%; đá vôi đạt 213,3 nghìn m3, giảm 50,65%; nước mắm đạt 1.663,67 nghìn lít, giảm 7,75%; phân hóa học đạt 35,94 nghìn tấn, giảm 22,02%.
3. Hoạt động của doanh nghiệp
3.1 Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng 9/2019, toàn thành phố có 250 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.137,5 tỷ đồng, tăng 6,38% về số DN và giảm 47,55% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới trong tháng là 143 cơ sở, tăng 45,92% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố có 2.239 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 16.014,7 tỷ đồng, giảm 5,81% về số DN và tăng 11,29% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 7,15 tỷ đồng, tăng 18,18%. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới trong năm là 1.108 cơ sở, giảm 0,81% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến trong tháng 9 năm 2019, thành phố có 15 DN và 27 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tiến hành thủ tục giải thể. Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2019, số DN thực hiện thủ tục giải thể là 144 và đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh là 423 cơ sở.
Về thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố trong tháng 9 năm 2019 đã thực hiện 100 lượt yêu cầu giải trình tình hình hoạt động đối với các DN, thu hồi 50 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tính từ đầu năm, có 1.442 DN được yêu cầu giải trình tình hình hoạt động, 482 DN bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 
3.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 177 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Có 69,49% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2019 so với quý II/2019 tốt lên và giữ ổn định (36,16% DN đánh giá tốt lên và 33,33% DN đánh giá giữ ổn định), có 30,51% cho rằng khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan nhất với 84,61% DN đánh giá tốt lên và giữ ổn định (46,15% tốt lên, 38,46% giữ ổn định); tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và DN ngoài nhà nước cho kết quả lần lượt là 69,12% (42,65% tốt lên; 26,47% giữ ổn định) và 67,71% (30,21% tốt lên và 37,50% giữ ổn định). 
Trong các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh quý III/2019, có 46,33% DN đánh giá khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 42,94% DN cho rằng không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 36,72% DN cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp; 22,03% DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao và 19,77% DN cho rằng lãi suất vay vốn cao là yếu tố quan trọng.
Quý IV/2019 dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan, khởi sắc hơn so với quý III/2019, trong đó tỷ lệ số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, tăng lên tới 54,24%; tỷ lệ DN dự báo ổn định là 32,77% và chỉ có 12,99% DN dự báo khó khăn hơn. Theo hình thức sở hữu, khu vực DN nhà nước có tỷ lệ DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên và giữ ổn định ở quý IV/2019 cao nhất với 92,31% (trong đó dự báo tốt lên là 53,85% và dự báo ổn định là 38,46%), tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 88,54% và 83,82%. Một số ngành dự báo khả quan về khối lượng sản xuất quý IV/2019 tăng lên so với quý III/2019 như: sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học...
4. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
 4.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt
Tính đến tháng 9 năm 2019, tổng diện tích gieo trồng cây nông nghiệp hàng năm và cây lâu năm ước đạt 93.043,8 ha, bằng 96,03% so với cùng kỳ năm 2018. Diện tích canh tác cây trồng có xu hướng giảm trong những năm gần, tập trung tại nhóm cây hàng năm như: lúa, rau màu… là do chuyển đổi đất sang quy hoạch các dự án, khu công nghiệp, hiệu quả kinh tế từ ngành trồng trọt không cao, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm... 
Cây hàng năm
Ước tính năm 2019, diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn thành phố đạt 85.245,2 ha, bằng 95,58%, giảm 3.940,5 ha so với năm 2018.
Trong đó diện tích gieo cấy lúa đạt 64.931,3 ha, giảm 4.408,5 ha, bằng 93,64% so với năm 2018 (vụ Đông xuân đạt 32.604 ha, giảm 1.660,7 ha, bằng 95,15%; vụ mùa đạt 32.327,3, giảm 2.747,8 ha, bằng 92,17%). Diện tích gieo cấy lúa giảm do chuyển đổi từ đất lúa sang quy hoạch các dự án, khu công nghiệp, khu tái định cư 428,9 ha; những chân ruộng trũng chuyển nuôi trồng thủy sản 450,9 ha; chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây rau màu, cây lâu năm 368,8 ha; bỏ không canh tác 3.159,9 ha.
Diện tích gieo trồng cây hàng năm khác đạt 20.313,9 ha, tăng 468 ha, bằng 102,36% so với năm 2018 (vụ Đông xuân đạt 14.911,9 ha, tăng 93,4 ha, bằng 100,63%; vụ mùa đạt 5.402 ha, tăng 374,6 ha, bằng 107,45%), trong đó: cây ngô đạt 891,1 ha, giảm 51,7 ha, bằng 94,51%; thuốc lào đạt 1.999 ha, giảm 114,2 ha, bằng 94,6%; rau các loại đạt 13.444,1 ha, tăng 336,1 ha, bằng 102,56%; nhóm cây đậu/đỗ các loại đạt 156,6 ha, tăng 17,9 ha, bằng 112,94%; hoa các loại đạt 426,7 ha, tăng 111,5 ha, bằng 135,4% so với năm trước.
Tính đến trung tuần tháng 9, các trà lúa vụ mùa sinh trưởng và phát triển khá tốt, đang trong giai đoạn phân hóa đòng - trỗ, diện tích lúa đã trỗ ước đạt 11.280 ha (chiếm cơ cấu 34,9% diện tích gieo cấy). Diện tích lúa nhiễm dịch hại ước đạt 27.493 ha, trong đó: ốc bươu vàng 1.400 ha (phòng trừ 1.000 ha), chuột hại 625 ha (mất trắng 6 ha), bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, diện tích nhiễm 760 ha, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 diện tích nhiễm 14.500 ha (đã chỉ đạo phun trừ 100% diện tích nhiễm), sâu đục thân 2 chấm phát sinh trên diện tích trà mùa sớm khoảng 8.110 ha (đã phun trừ 1.775 ha). Ngoài ra, nông dân đã chủ động phun trừ rầy lưng trắng lứa 5 ước khoảng 5.920 ha để phòng chống bệnh lùn sọc đen. Dịch hại trong thời gian tới: chuột tiếp tục gây hại trên các trà lúa, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn sẽ gây hại gia tăng, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 gây hại giai đoạn làm đòng từ đầu tháng 9/2019, trưởng thành sâu đục thân 2 chấm vũ hóa kéo dài với mật độ cao… Vì vậy, các cấp, các ngành cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, xác định diện tích chỉ đạo phun trừ cho trà lúa trỗ sau 10/9…
 Cây lâu năm
Diện tích cây lâu năm trên địa bàn thành phố 9 tháng/2019 ước đạt 7,8 nghìn ha, bằng 101,2%, tăng 92,8 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng cây lâu năm tăng do chuyển đổi đối tượng cây trồng từ những diện tích đất lúa kém hiệu quả, cùng với đó là việc mở rộng quy mô cây trồng tại những vùng trồng tập trung chuyên canh và cây trồng phân tán trên đất vườn của các hộ dân. 
Diện tích các nhóm cây trồng giữ được sự ổn định so với năm trước: nhóm cây ăn quả đạt 6,4 nghìn ha, chiếm tỷ trọng 82% tổng diện tích cây lâu năm; cây lấy quả chứa dầu đạt 240,3 ha, chiếm 3%; nhóm cây gia vị, dược liệu đạt 123 ha, chiếm 2%; cây lâu năm khác đạt 969,9 ha, chiếm 12,4%. Một số cây trồng được quy hoạch thành vùng trồng tập trung, phát triển mở rộng diện tích. Thời điểm các loại cây ăn quả trong giai đoạn ra hoa, đậu quả thời tiết tương đối ổn dịnh và thuận lợi do vậy hầu hết các cây trồng đều có tỷ lệ đậu quả cao, sản lượng giữ được sự ổn định và có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2018. 
* Chăn nuôi 
Tình hình sản xuất tháng 9
Ước tính tháng 9 năm 2019, số lượng đầu con gia súc, gia cầm toàn thành phố hiện có như sau: đàn trâu đạt 4.541 con, bằng 89,92% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò đạt 11.563 con, bằng 92,25%; đàn gia cầm đạt 8.521,97 nghìn con, bằng 108,74%, trong đó đàn gà đạt 6.642,46 nghìn con, bằng 108,25%; đàn lợn tiếp tục giảm do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả lợn Châu Phi, đàn lợn đạt 91.042 con, bằng 22,03% .     Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nên nguồn cung lợn giống khan hiếm, giá lợn giống tháng 9 tăng 42,8% so với tháng 8 năm 2019. Giá thức ăn chăn nuôi, giá sản phẩm hỗn hợp và đậm đặc đều ổn định. Giá sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì ở mức ổn định đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi, giá lợn hơi phục hồi là do đã triển khai tích cực và đồng bộ giải pháp, trong đó có kiểm soát mạnh khâu tăng đàn. Người chăn nuôi đã loại thải khá nhiều lợn nái và lợn con kém chất lượng mà trước đây đều để nuôi tận dụng.
 Tình hình sản xuất quí III
Thời tiết quý III năm 2019 có nhiều diễn biến bất lợi cho đàn vật nuôi như: nền nhiệt độ ở mức cao, nắng nóng, mưa nhiều, cộng với độ ẩm môi trường cao làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Mặc dù công tác phòng chống dịch bệnh luôn được các cấp, ngành tích cực quan tâm chỉ đạo nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biễn phức tạp. Dịch tả lợn Châu Phi trong quý III tuy đã giảm nhiều so với quý II năm 2019 (quý II sản lượng tiêu hủy 8,54 nghìn tấn; quý III tính đến hết ngày 11/9 sản lượng tiêu hủy 0,15 nghìn tấn, bằng 1,75% so với quý II) nhưng tỷ lệ hộ tái đàn còn rất thấp.
            Dự báo sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm quý III/2019 ước đạt 20,4 nghìn tấn, bằng 65,56% so quí III/2018. Trong đó: sản lượng trâu đạt 0,19 nghìn tấn, bằng 103,75%; sản lượng bò đạt 0,34 nghìn tấn, bằng 106,53%; sản lượng lợn đạt 5,3 nghìn tấn, bằng 28,61%, sản lượng gà đạt 11,22 nghìn tấn, bằng 114,45%. 
    Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 87,5 triệu quả, tăng 18,56% so với quý III/2018, trong đó: sản lượng trứng gà đạt 49,85 triệu quả, tăng 1,4%; trứng vịt đạt 37,52 triệu quả.
Tình hình sản xuất ngành chăn nuôi 9 tháng
Tính đến 17h ngày 24/9/2019, Dịch xảy ra tại 18.950 hộ, 1.225 thôn, 175  xã, phường thuộc 13 huyện, quận: Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, Cát Hải, Dương Kinh, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Hồng Bàng và Lê Chân. Số lợn tiêu hủy 181.304 con (31.405 con lợn nái, 426 con lợn đực giống, 96.487 con lợn thịt, 52.986 con lợn con), chiếm 44,2% tổng đàn trước dịch; trọng lượng 9,63 nghìn tấn. Tổng giá trị thiệt hại người sản xuất do dịch tả lợn Châu Phi là 370,27 tỷ đồng.
    Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, nguồn tiêu thụ thịt lợn hơi trong những tháng xảy ra dịch giảm mạnh, tuy nhiên giá thịt hơi gia cầm thay thế trên thị trường nhìn chung ổn định mặc dù nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
    Ước tính tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia súc, gia cầm 9 tháng đầu năm 2019 đạt 74,3 nghìn tấn, bằng 84,1% so với cùng kỳ, trong đó: thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 0,59 nghìn tấn, tăng 2,1%; thịt bò hơi đạt 1,06 nghìn tấn, tăng 6,2%; thịt lợn đạt 28,98 nghìn tấn, bằng 56,26%; thịt gà đạt 33,7 nghìn tấn, tăng 19,47%; thịt vịt đạt 6,53 nghìn tấn, tăng 42,43%. 
           Sản lượng trứng gia cầm 9 tháng ước đạt 261,94 triệu quả, tăng 13,34% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng trứng vịt đạt 114,58 triệu quả, tăng 41,11%. Sản lượng thịt hơi và trứng gia cầm tăng chủ yếu là do chu kỳ vòng quay sản xuất được được chủ động đẩy nhanh và gối đàn, nhất là đối với các hộ nuôi quy mô lớn.
    Trong giai đoạn hiện nay tình hình chăn nuôi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, đầu vào và đầu ra bấp bênh, nhiều hộ chăn nuôi qui mô lớn (trang trại) đã chọn cách liên kết nuôi gia công cho các doanh nghiệp, vừa mang lại lợi nhuận vừa đảm bảo tính an toàn khi được bao tiêu về sản phẩm và kiểm soát về phòng trừ dịch bệnh đặc biệt là chăn nuôi lợn. Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm qui mô lớn đã có xu hướng chọn lọc đối tượng sản xuất và chuyển từ gà công nghiệp sang gà lông màu, nhằm duy trì sự ổn định về giá thành và chất lượng sản phẩm khi xuất bán. 
4.2. Lâm nghiệp
Ước tính tháng 9 năm 2019, sản lượng gỗ khai thác đạt 105 m3, bằng 82,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 4.120 ste, bằng 91,3% (sản lượng gỗ, củi chủ yếu được khai thác và thu nhặt từ cây lâm nghiệp trồng phân tán nên có xu hướng giảm); diện tích từng trồng mới tập trung đạt 28,4 ha. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 15 nghìn cây bằng 93,8% so với cùng kỳ.  
Ước tính quý III năm 2019, tổng sản lượng gỗ khai thác đạt 317 m3, bằng 82,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 12.438 ste, bằng 92,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý không có vụ cháy và chặt phá rừng trái phép nào xảy ra. 
Ước tính 9 tháng năm 2019, sản lượng gỗ khai thác đạt 1.301,5 m3, bằng 81,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 35.460 ste, bằng 94,1% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 56,8 ha. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 200 nghìn cây, bằng 96,2% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ khoảng 16 nghìn ha.
Công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng luôn được các cấp, ngành tích cực quan tâm chỉ đạo, tính đến 9 tháng/2019 trên địa bàn thành phố xảy ra 04 vụ cháy rừng tại huyện Thủy Nguyên; tổng diện tích cháy là 2,18 ha, tuy nhiên đối tượng thiệt hại chủ yếu là: thảm thực bì (dây leo, cây bụi), keo, bạch đàn, thông… nên mức độ thiệt hại không đáng kể; 02 vụ chặt phá rừng trái phép tại huyện Cát Hải có tổng diện tích 380m2 rừng phòng hộ, rừng trồng, với đối tượng cây trồng là keo; chính quyền địa phương đã kịp thời phát hiện và xử lý đối tượng chặt phá, bắt buộc khắc phục hậu quả bằng hình thức trồng lại rừng. 
4.3. Thủy sản
Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 9 năm 2019 ước đạt 12.994,2 tấn, tăng 4,84% so với cùng kỳ năm trước; quý III/2019 ước đạt 37.393,2 tấn, tăng 8.5% so với cùng kỳ năm trước; ước tính 9 tháng/2019 đạt 124.574,8 tấn, tăng 6,58% so với cùng kỳ năm trước
* Nuôi trồng
Diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố hiện nay có xu hướng chững lại do thành phố thu hồi mặt bằng cho các Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast; Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư đảo Cát Hải; Dự án xây dựng khu cảng hàng hóa, bến tàu du lịch, ga cáp treo, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch, khu dịch vụ hậu cần du lịch... Diện tích nuôi trồng thủy sản 9 tháng/2019 ước đạt 13.197,2 ha, bằng 99,17% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích tăng chủ yếu là diện tích nuôi thủy sản khác còn diện tích nuôi cá, tôm các loại đều giảm, diện tích nuôi cá các loại đạt 8.496,6ha, giảm 1,06%; tôm các loại đạt 3.108,8 ha, giảm 3,96%; thủy sản khác đạt 1.591,8 ha, tăng 7,37%. 
Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 9/2019 ước đạt 4.625,5 tấn, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 3.250,8 tấn, tăng 2,69%; tôm các loại đạt 344,9 tấn, tăng 5,35%; thủy sản khác đạt 1.029,8 tấn, tăng 15,47%. Ước tính quý III/2019 sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch đạt 14.551,8 tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 9.728.5 tấn, giảm 1,37%; tôm các loại đạt 674,3 tấn, tăng 41,48%; thủy sản khác đạt 4.149 tấn, tăng 55,76%. Tính chung 9 tháng/2019 sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch ước đạt 52.131,4 tấn, tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước; chia ra: cá các loại đạt 33.055,4 tấn, tăng 3,26%; tôm các loại đạt 3.902,7 tấn, giảm 3,89%; thủy sản khác đạt 15.173,3 tấn, tăng 25,97%. 
Khu vực nuôi cá lồng bè tiếp tục thu hoạch sản phẩm xuất bán, chủ yếu phục vụ tiêu thụ trong nước; sản lượng thu hoạch 9 tháng ước đạt 881 tấn; khu vực nuôi nước ngọt, lợ hiện đang tích cực thu hoạch các đối tượng cá, tôm, cua biển... đạt kích cỡ yêu cầu; tăng cường chăm sóc đàn thủy sản đã thả nuôi theo các biện pháp kỹ thuật được khuyến cáo; tiến hành thả giống (rô phi, tôm thẻ chân trắng,...) khi thời tiết thuận lợi tại các diện tích ao đầm đã cải tạo xong, thả bù giống tôm sú, cua biển, cá biển ở các đầm nuôi quảng canh cải tiến để thu hoạch sản phẩm phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. 
Các cơ sở sản xuất giống thủy sản chuẩn bị cho giai đoạn nuôi vỗ cá bố mẹ; các trại giống nước mặn lợ tiếp tục cho sinh sản cua biển, tôm sú, tôm rảo phục vụ nhu cầu thả bù của các ao đầm nuôi. Trong 9 đầu năm 2019, sản lượng con giống sản xuất đã xuất bán ước đạt 1,8 tỷ con giống các loại, tăng 5,87% so với cùng kỳ năm trước.
* Khai thác 
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 9/2019 ước đạt 8.368,7 tấn, tăng 4,49% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 4.922,1 tấn, tăng 1,61%, tôm các loại đạt 861,5 tấn, tăng 2,51%; thủy sản khác đạt 2.585,1 tấn, tăng 11,2%. Ước tính quý III/2019, sản lượng khai thác thủy sản đạt 22.841,4 tấn, tăng 6,44%, chia ra: cá các loại đạt 13.217,4 tấn, tăng 5,96%;  tôm các loại đạt 2.278,8 tấn, tăng 3,35%, thủy sản khác đạt 7.345,2 tấn, tăng 8,31%. Cộng dồn 9 tháng/2019 sản lượng khai thác ước đạt 72.443,4 tấn, tăng 5,34% so với cùng kỳ năm 2018, chia ra: cá các loại đạt 40.756,3 tấn, tăng 6,59%; tôm các loại đạt 6.338,4 tấn, tăng 2,73%; thủy sản khai thác khác 25.348,6 tấn, tăng 4,04%.
Hoạt động sản xuất trên biển gặp khó khăn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão, cơn bão số 2 và số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Vịnh Bắc Bộ nên ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt. Sang tháng 9 thời tiết trên biển tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động khai thác thủy sản. Vào những tháng cuối vụ cá Nam, cá tập trung nhiều ở khu vực Tây Bắc và Tây Nam Bạch Long Vỹ với các loài chủ yếu: cá nục, cá bạc má, cá cơm, cá thu, cá ngừ; nghề khai thác có hiệu quả: chụp mực, lưới rê. 
Hiện nay thị trường tiêu thụ hải sản đảm bảo, giá mặt hàng hải sản tương đối cao; giá nhiên liệu cho hoạt động khai thác giữ ở mức tương đối ổn định đã tạo động lực cho ngư dân bám biển. 
5. Đầu tư xây dựng
Dự tính Quý III năm 2019, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn là 47.727,5 tỷ đồng, tăng 59,02% so với cùng kỳ. Chia ra:
- Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện là 4.359,2 tỷ đồng, giảm 9,47% so với cùng kỳ, trong đó: Vốn Trung ương quản lý là 601,7 tỷ đồng, giảm 42,02% so với cùng kỳ; vốn địa phương quản lý là 3.757,5 tỷ đồng, giảm 0,53% so với cùng kỳ;
- Vốn ngoài nhà nước thực hiện là 31.184,3 tỷ đồng, tăng 72,65% so với cùng kỳ;
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện là 12.184 tỷ đồng, tăng 70,71% so với cùng kỳ;
Dự tính 9 tháng năm 2019 vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt hơn 116.517,7 tỷ đồng, tăng 66,54% so với cùng kỳ, bằng 107,64% kế hoạch năm 2019 (kế hoạch năm đạt 108.250 tỷ đồng, tăng 12,25%), trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 8.359,3 tỷ đồng, giảm 7,86%; vốn trái phiếu chính phủ ước đạt 294,7 tỷ đồng, giảm 0,12%; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước ước đạt 244,5 tỷ đồng, tăng 48,51%; vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (tự có) ước đạt 258,1 tỷ đồng, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước 9 tháng đạt 75.171 tỷ đồng, tăng 92,24%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 32.190 tỷ đồng, tăng 52,22%; vốn huy động khác ước đạt 116 triệu đồng.
    Chín tháng đầu năm 2019 nguồn vốn ngân sách do Trung ương quản lý trên địa bàn giảm mạnh do các dự án lớn lấy vốn từ nguồn này như: Đường ô tô Tân vũ Lạch Huyện, Cảng Lạch Huyện... đã hoàn thành hoặc chuẩn bị hoàn thành. Trong khi đó nguồn ngân sách địa phương 9 tháng đầu năm thực hiện chủ yếu vào phần ngân sách nhà nước cấp. Đến tháng 9 thành phố mới có Quyết định số 2089/QĐ-UBND ngày 04/9/2019 về việc bổ sung kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công năm 2019 khi đó tăng thêm chi bổ sung cho năm 2019 là 1.155 tỷ đồng. Do đó, nguồn vốn ngân sách địa phương quản lý còn giảm nhẹ so với cùng kỳ.
    Khu vực Ngoài nhà nước ước 9 tháng/2019 chiếm tỷ trọng cao nhất và có mức tăng vượt bậc so với năm 2018, đạt hơn 75 nghìn tỷ đồng, tăng 92,24%. Có thể nhận thấy rõ sự phát triển vượt bậc, tập trung vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước vào các dự án lớn nhất từ trước tới nay của những tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup... tại Hải Phòng. Một loạt các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khác cũng không ngần ngại rót hàng nghìn tỷ đồng vốn vào Hải Phòng như Tập đoàn BRG với dự án sân golf và khu biệt thự Đồ Sơn hơn 2.100 tỷ đồng; khách sạn 5 sao Hilton hơn 1.000 tỷ đồng; công ty Nhật Hạ với khách sạn 5 sao Pullman 1.600 tỷ đồng… Những công trình này đang được đánh giá là sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị và phát triển kinh tế Hải Phòng.
    Nguồn vốn FDI đổ vào Hải Phòng cũng không ngừng tăng nhanh những năm gần đây (chiếm 27,6% tổng mức đầu tư toàn xã hội). Con số dự án hàng tỷ USD không còn xa lạ với Hải Phòng khi chỉ riêng 3 dự án của Tập đoàn LG đã có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 4 tỷ USD. Cùng với đó là một loạt các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt tại Hải Phòng như Regina Miracle International Việt Nam, Bridgestone, Nippro Pharma, Kyocera, Fuji Xerox, GE,… Trong 9 tháng đầu năm 2019 có dự án sản xuất vật liệu “nam châm đất hiếm” của công ty TNHH Vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam đã bổ sung thêm vốn đầu tư 81 triệu USD.
* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 15/9/2019 Hải Phòng có 675 dự án còn hiệu lực:
Tổng vốn đầu tư    :    17.524,5 triệu USD
Vốn điều lệ            :   6.050,54 triệu USD
Vốn Việt Nam góp :     242,71 triệu USD
Nước ngoài góp      :  5.807,83 triệu USD
Tính từ đầu năm đến 15/9/2019 toàn thành phố có 65 dự án cấp mới đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư 461,18 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 429,61 triệu USD (chiếm 93,15%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 31,57 triệu USD (chiếm 6,85%).
Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 34 dự án, với số vốn tăng là 201,34 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 99 dự án, vốn đầu tư đạt 662,52 triệu USD.
Tính từ nửa cuối tháng 8 đến 15/9/2019 có 06 dự án cấp mới, tuy nhiên tổng vốn đăng ký của hoạt động đầu tư đối với các dự án không lớn.
Cũng từ đầu năm đến 15/9/2019, có 05 dự án hết thời hạn, 06 dự án nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động dự án trước thời hạn và 01 dự án thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do vi phạm quy định pháp luật về đầu tư.
6. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Hoạt động thương mại, dịch vụ 9 tháng năm 2019 tiếp tục phát triển tốt, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất cũng như đời sống của nhân dân. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả tiếp tục được tăng cường, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố, kích thích sức mua của người tiêu dùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 năm 2019 ước đạt 11.506,35 tỷ đồng, tăng 1,97% so với tháng trước và tăng 14,91% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 97.329,87 tỷ đồng, tăng 14,80% so với cùng kỳ năm trước.
* Doanh thu chia theo ngành hoạt động
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 
     

 

 Ước tháng 9/2019 (Triệu đồng)

 Cộng dồn 9 tháng 2019 (Triệu đồng)

Ước tháng 9/2019 so với tháng trước (%)

Ước tháng 9/2019 so với tháng cùng kỳ năm trước (%)

Cộng dồn 9 tháng 2019 so với cùng kỳ năm trước (%)

Tổng số

11.506,35

97.329,87

101,97

114,91

114,80

Bán lẻ hàng hóa

8.841,53

75.870,93

101,88

116,70

114,94

Dịch vụ lưu trú

189,78

1.413,32

101,96

123,45

117,90

Dịch vụ ăn uống

1.654,15

13.545,37

103,21

105,93

115,71

Du lịch lữ hành

19,50

161,73

102,60

118,39

107,25

Dịch vụ khác

801,39

6.338,52

100,47

113,59

110,78


- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 9 năm 2019 ước đạt gần 8.841,53 tỷ đồng, tăng 1,88% so với tháng trước, tăng 16,70% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt gần 75.870,93 tỷ đồng, tăng 14,94% so với cùng kỳ năm trước;
Hết tháng 7 âm lịch, doanh thu của các ngành hàng ước tính đều tăng trở lại. Các ngành hàng có ước tính doanh thu tháng 9/2019 tăng so với tháng trước là ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 1,49%; hàng may mặc tăng 5,16%; ngành đồ dùng trang thiết bị gia đình tăng 2,26%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 2,91%; phương tiện đi lại tăng 1,54%, xăng dầu các loại tăng 0,86%.... Tháng 9 là thời điểm giao mùa nên các cửa hàng quần áo thời trang đều có các chương trình giảm giá, khuyến mãi để thanh lý hết hàng hè, chuyển sang hàng thu đông nên doanh thu ngành hàng may mặc ước tăng cao. Các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ đều triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, sức mua trên thị trường tăng hơn so với tháng trước. Nhu cầu về các vật liệu cho xây dựng tiếp tục ước tăng do nhu cầu xây dựng ngày càng cao, kéo theo doanh thu của ngành hàng gỗ và vật liệu xây dựng ước tăng so với tháng trước. 
Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong quý III/2019 ước đạt 25.804,07 tỷ đồng, tăng 15,39% so với cùng quý năm trước. Cộng dồn 9 tháng/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 14,94% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các nhóm ngành hàng có doanh thu tăng khá cao so với cùng kỳ là nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,88%; hàng may mặc tăng 14,38%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 18,38%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,43%; nhiên liệu khác tăng 11,62%; ...
- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 9 năm 2019 ước đạt 189,78 tỷ đồng, tăng 1,96% so với tháng trước và tăng 23,45% so với cùng kỳ năm trước; quý III/2019 ước đạt 567,94 tỷ đồng, tăng 20,39% so với quý III/2018. Tính chung 9 tháng/2019, doanh thu lưu trú đạt 1.413,32 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. 
- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 9 năm 2019 ước đạt 1.654,15 tỷ đồng, tăng 3,21% so với tháng trước và tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước; quý III/2019 ước đạt 5.003,1 tỷ đồng, tăng 15,46% so với quý III/2018. Tính chung 9 tháng/2019, doanh thu ăn uống đạt 13.545,37 tỷ đồng, tăng 15,71% so với cùng kỳ năm trước. 
- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 9 năm 2019 ước đạt 19,5 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 18,39% so với cùng kỳ năm trước; quý III/2019 ước đạt 60,9 tỷ đồng, tăng 11,43% so với quý III/2018. Tính chung 9 tháng/2019, doanh thu lữ hành đạt 161,73 tỷ đồng, tăng 7,25% so với cùng kỳ năm trước. 
Tháng 9/2019 có kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 02/9, người dân được nghỉ 3 ngày nên nhu cầu du lịch, ăn uống ngoài gia đình có xu hướng tăng nhẹ, tác động làm doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí tăng.
- Doanh thu dịch vụ khác tháng 9 năm 2019 ước đạt 801,39 tỷ đồng, tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 13,59% so với cùng kỳ năm trước; quý III/2019 ước đạt 2.388,3 tỷ đồng, tăng 16,28% so với quý III/2018. Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 6.338,5 tỷ đồng, tăng 10,78% so với cùng kỳ năm trước;
Doanh thu các ngành dịch vụ khác tháng 9/2019 hầu hết đều tăng so với tháng trước, cụ thể: dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 1,44%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 1,93%; dịch vụ nghệ thuật và vui chơi giải trí tăng 13,48%; dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 4,63%. 
Trong 9 tháng đầu năm 2019, thành phố tập trung phát triển du lịch, không ngừng quảng bá xúc tiến tiềm năng du lịch thành phố trên các kênh thông tin. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được đầu tư mạnh mẽ, nhiều khách sạn, nhà hàng có quy mô lớn thu hút được đông đảo du khách. Sự phát triển mạnh mẽ trong kinh doanh du lịch tác động làm doanh thu về dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ khác đều tăng cao hơn so với 9 tháng đầu năm 2018. 
7. Hoạt động lưu trú và lữ hành    
Hoạt động lưu trú và lữ hành trong 9 tháng đầu năm 2019 tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển. Số lượt khách đến với thành phố tiếp tục tăng, với tổng lượt khách tháng 9 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 949,36 nghìn lượt, tăng 1,51% so với tháng trước và tăng 20,16% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế đạt 96,3 nghìn lượt, tăng 1,21% so với tháng trước và tăng 25,32% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 6.859,8 nghìn lượt, tăng 15,69% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 749,1 nghìn lượt, tăng 17,89% so với cùng kỳ năm trước. 
Đối với hoạt động lữ hành, lượt khách lữ hành tháng 9 năm 2019 tăng 13,98% so với tháng trước. Cộng dồn 9 tháng năm 2019, lượt khách lữ hành tăng 6,58% so với cùng kỳ năm 2018. Giá các tour du lịch đều “hạ nhiệt” so với các tháng trước, trung bình giá các tour du lịch trong nước giảm 4,68%, giá các tour du lịch nước ngoài giảm 10,57%. Giá tour giảm khiến nhu cầu đi du lịch của người dân tăng, việc đi lại của người dân thành phố ngày càng thuận tiện, tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi có thêm các đường bay mới. Ngày 10/5/2019, Hãng hàng không Bamboo Airways đã chính thức khai trương 2 đường bay mới từ Cảng hàng không quốc tế Cát Bi - thành phố Hải Phòng đi thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Quy Nhơn - tỉnh Bình Định. Đây là 2 đường bay đầu tiên trong kế hoạch xây dựng mạng lưới kết nối cảng hàng không quốc tế Cát Bi với các sân bay nội địa (Đà Nẵng, Phú Quốc,…) và các sân bay quốc tế (Bangkok, Singapore, Seoul, Siem Reap…) trong thời gian tới của Bamboo Airways.
8. Vận tải hàng hóa và hành khách
8.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 9 năm 2019 ước đạt 17,3 triệu tấn, tăng 0,58% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng tháng năm trước; quý III/2019 ước đạt 51,4 triệu tấn, tăng 15,58% so với quý III/2018. Ước tính 9 tháng/2019, khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 148,7 triệu tấn, tăng 14,22% so với cùng kỳ năm trước. 
Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 9 năm 2019 ước đạt 8.161,6 triệu tấn.km, tăng 0,47% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng tháng năm trước; quý III/2019 ước đạt 24.315,6 triệu tấn, tăng 2,39% so với quý III/2018. Ước tính 9 tháng/2019 khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 72.060,4 triệu tấn.km, tăng 2,76% so với cùng kỳ.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển tháng 9 tăng so với tháng trước, chủ yếu tăng ở khối đường bộ và đường biển do các doanh nghiệp vận tải nhận được nhiều đơn hàng hơn tháng trước.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển, luân chuyển trong quý III và tháng 9 năm nay chủ yếu tăng ở khối đường bộ do giao thông đường bộ ngày càng thuận lợi, lượng hàng hóa bộ chu chuyển tăng cao.
8.2. Vận tải hành khách
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 9 năm 2019 ước đạt 5,9 triệu lượt, tăng 1,03% so với tháng trước, tăng 13,05% so với cùng tháng năm trước. Quý III/2019 ước đạt 17,8 triệu lượt, tăng 13,34% so với quý III năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2019, khối lượng hành khách vận chuyển đạt 51,95 triệu lượt, tăng 14,64% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 9 năm 2019 đạt 236,6 triệu Hk.km, tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 12,38% so với cùng tháng năm trước. Quý III/2019 ước đạt 707,2 triệu lượt tăng 10,36% so với cùng quý năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2019 khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 2.078,6 triệu Hk.km, tăng 12,26% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển tháng 9/2019 tăng so với tháng trước do trong tháng có dịp nghỉ lễ 02/9 nên nhu cầu khách đi lại tăng cao.
Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển trong quý III và tháng 9 năm nay đạt mức tăng trưởng cao do nhu cầu đi lại, du lịch của hành khách tăng vào dịp nghỉ hè và nghỉ lễ 02/9. Ngoài ra, do giao thông và thời tiết thuận lợi nên nhu cầu khách đi du lịch biển Cát Bà quý III và 9 tháng năm nay cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.
8.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9 năm 2019 ước đạt 2.568,8 tỷ đồng, tăng 0,82% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng tháng năm trước. Quý III/2019 ước đạt 7.654,9 tỷ đồng, tăng 16,53% so với quý III/2018. Ước tính 9 tháng/2019 doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 22.385,3 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
8.4. Ga Hải Phòng
Tổng doanh thu tháng 9 năm 2019 Ga Hải Phòng ước đạt 8,0 tỷ đồng, tăng 3,22% so với tháng trước, giảm 23,12% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2019 tổng doanh thu của Ga Hải Phòng đạt 85,94 tỷ đồng, tăng 0,63% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số hành khách vận chuyển tháng 9 năm 2019 ước đạt 42,5 nghìn lượt người, tăng 2,04% so với tháng trước, giảm 4,12% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 9 tháng/2019 số hành khách đạt 374,9 nghìn lượt người, giảm 2,56% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng số hàng hóa vận chuyển tháng 09 năm 2019 ước đạt 75 nghìn tấn, tăng 5,56% so với tháng trước, tăng 31,19% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 9 tháng/2019 hàng hóa vận chuyển đạt 808,7 nghìn tấn, giảm 0,18% so với cùng kỳ năm 2018.
8.5. Sân bay Cát Bi
Tháng 9 năm 2019 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 27,5 tỷ đồng, tăng 10,18% so với tháng trước, tăng 38,11% so với cùng tháng năm 2018. Ước tính 9 tháng/2019 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi đạt 226,3 tỷ đồng, tăng 24,71% so với cùng kỳ năm trước. 
Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 9 năm 2019 ước đạt 1.410 chuyến, tăng 5,22% so với tháng trước, tăng 30,80% so với cùng tháng năm 2018. Ước tính 9 tháng/2019 số lần máy bay hạ, cất cánh đạt 12.428 chuyến, tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chuyến bay ngoài nước tháng 9/2019 ước đạt 110 chuyến, với ước tính trên 15 nghìn lượt hành khách thông qua, tăng 17,02% so với cùng kỳ; 9 tháng/2019 đạt 1.038 chuyến, tăng 29,27% so với cùng kỳ. 
Tổng số hành khách tháng 9 năm 2019 ước đạt 235,5 nghìn lượt người, tăng 12,25% so với tháng trước, tăng 34,49% so với cùng tháng năm 2018. Ước tính 9 tháng/2019 tổng số hành khách ước đạt 1.987,8 nghìn lượt người, tăng 10,98% so với cùng kỳ năm trước. 
Tổng số hàng hóa tháng 9 năm 2019 ước đạt 1.500 tấn, giảm 5,24% so với tháng trước, giảm 4,82% so với cùng tháng năm 2018. Ước tính 9 tháng/2019 tổng số hàng hóa thông qua đạt 14.405 tấn, tăng 21,06% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa đến và đi hiện nay đa dạng nhiều chủng loại như hải sản, hàng thực phẩm, bánh kẹo, quần áo và hàng tiêu dùng khác.
9. Hàng hoá thông qua cảng 
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 9 năm 2019 ước đạt 11.266,3 nghìn TTQ, tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 23,61% so với cùng kỳ năm trước. 
- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước tháng 9/2019 ước đạt 3.421,2 nghìn TTQ, tăng 1,43% so với tháng trước, tăng 5,55% so với cùng kỳ, trong đó: 
+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước Trung ương ước đạt 3.413 nghìn TTQ, tăng 1,55% so với tháng trước, tăng 5,68% so với cùng kỳ.
+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước địa phương ước đạt 8,2 nghìn TTQ, giảm 31,96% so với tháng trước, giảm 30,02% so với cùng kỳ. 
- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài Nhà nước ước đạt 7.845,1 nghìn TTQ, giảm 0,59% so với tháng trước và tăng 33,58% so với cùng kỳ năm 2018.
Cộng dồn 9 tháng năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 90.559,9 nghìn TTQ, tăng 15,03% so với cùng kỳ năm 2018.
* Doanh thu cảng biển tháng 9 năm 2019 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 467,48 tỷ đồng, tăng 2,82% so với cùng kỳ. Cộng dồn 9 tháng/2019, doanh thu khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 4.122,35 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. 
10. Bưu chính, viễn thông
* Bưu chính, viễn thông Hải Phòng
Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông Hải Phòng tháng 9 năm 2019 ước đạt 121,4 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 1,36% so với cùng tháng năm 2018. Ước tính 9 tháng/2019 doanh thu bưu chính, viễn thông đạt 1.083,3 tỷ đồng, tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước.
Số thuê bao điện thoại phát triển mới tháng 9 năm 2019 ước đạt 1.180 thuê bao, tăng 4,33% so với tháng trước, tăng 6,98% so với cùng tháng năm 2018. Ước tính 9 tháng/2019 số thuê bao điện thoại phát triển mới đạt 9.290 thuê bao, giảm 19,93% so với cùng kỳ năm trước. 
Số thuê bao Internet phát triển mới tháng 9 năm 2019 ước đạt 2.300 thuê bao, tăng 5,31% so với tháng trước, giảm 13,99% so với cùng tháng năm 2018. Ước tính 9 tháng/2019 số thuê bao Internet phát triển mới đạt 21.765 thuê bao, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước. 
* Chi nhánh Trung tâm viễn thông quân đội Viettel
Tổng doanh thu của Chi nhánh viễn thông quân đội Viettel tháng 9 năm 2019 ước đạt 125 tỷ đồng, tăng 4,17% so với tháng trước, giảm 0,41% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 9 tháng/2019 tổng doanh thu của Chi nhánh viễn thông quân đội Viettel ước đạt 1.116 tỷ đồng, tăng 9,04% so với cùng kỳ năm trước.
Số máy thuê bao điện thoại phát triển mới ước đạt 4.650 thuê bao, tăng 0,98% so với tháng trước, giảm 46,70% so với cùng tháng năm 2018. Ước tính 9 tháng/2019 số máy thuê bao điện thoại phát triển mới đạt 69.464 thuê bao, tăng 15,55% so với cùng kỳ năm trước. 
Số thuê bao Internet phát triển mới tháng 9 ước đạt hơn 2.050 thuê bao, tăng 1,99% so với tháng trước, giảm 2,38% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 9 tháng/2019 số thuê bao Internet phát triển mới đạt 22.215 thuê bao, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm trước.
11. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hải Phòng tháng 9 năm 2019 tăng 0,14% so với tháng trước, tăng 1,66% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,10% so với tháng 12/2018. CPI quý III/2019 tăng 2,03% so với quý III/2018. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước.
  
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm có chỉ số giá tháng 9/2019 tăng với mức tăng như sau: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,42%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,21%;  nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,34%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%; nhóm giáo dục tăng 0,79% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%. 04 nhóm còn lại có chỉ số giá giảm là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,24%; nhóm giao thông giảm 0,94%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,26%. 
Nguyên nhân chính làm tăng CPI tháng 9/2019 so với tháng trước là do chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,69% làm cho CPI chung tăng 0,16%; chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng 0,79% làm cho CPI chung tăng 0,06%;... Bên cạnh đó cũng có yếu tố làm giảm CPI tháng 9 là giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 2,58% làm cho CPI chung giảm 0,08%; chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 1,16% làm cho CPI chung giảm 0,02%...
Một số nguyên nhân cơ bản làm tăng CPI trong 9 tháng/2019: 
- Thời gian qua lợn bị lây lan dịch bệnh tả lợn Châu Phi nên phải tiêu hủy nhiều khiến nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá lợn hơi tăng mạnh. Tính chung 9 tháng/2019, giá thịt lợn tăng 9,17% so với cùng kỳ góp phần làm nhóm thực phẩm tăng 4,29%.
- Do áp dụng Thông tư số 13/2019/ TT - BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế  áp dụng cho người có thẻ bảo hiểm y tế trên cả nước nên bình quân 9 tháng/2019, chỉ số nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,24% so với cùng kỳ, đóng góp vào CPI 9 tháng tăng 0,30%.
- Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng tăng học phí khối Cao đẳng và khối Trung cấp theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và Trường phổ thông Hermann Gmeiner Hải Phòng tăng học phí năm học 2019-2020 đối với khối trung học cơ sở và trung học phổ thông theo Thông báo số 5577/SOS Việt Nam của Làng trẻ em SOS Việt Nam ngày 14/8/2019 làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục 9 tháng tăng 7,51% so với cùng kỳ, trong đó chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng  8,16% đóng góp vào CPI 9 tháng/2019 tăng 0,53%.
- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng 9 tháng/2019 tăng 1,14% đóng góp vào CPI tăng 0,13% do giá điện được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20/3, bên cạnh đó thời tiết nắng nóng, sản lượng tiêu thụ điện tăng cao làm cho giá điện sinh hoạt bình quân trong 9 tháng tăng 6,24% so với cùng kỳ. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 4,02% so với cùng kỳ do nhu cầu xây dựng tăng cùng với việc tăng giá do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Các yếu tố kiềm chế CPI 9 tháng/2019:
- Giá gạo giảm 2,62% so với cùng kỳ so sản lượng thu hoạch vụ lúa Đông xuân dồi dào, nguồn cung thóc gạo ổn định.
- Nhóm giao thông 9 tháng giảm 1,52% đóng góp vào CPI giảm 0,13% do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm. Trong quý III/2019, giá xăng được điều chỉnh giảm 04 lần với tổng mức giảm là 40 đồng/lít với xăng Ron95-IV, 120 đồng/lít với xăng E5 Ron92-II, 450 đồng/lít với dầu diesel 0,05S-II.
* Chỉ số giá vàng 99,99% và Đô la Mỹ: 
- Chỉ số giá vàng tháng 9/2019 tăng 3,37% so với tháng trước, tăng 21,42% so với cùng tháng năm 2018, tăng 19,33% so với tháng 12 năm trước. Giá vàng bình quân tháng 9/2019 dao động ở mức 4,235 triệu đồng/chỉ, tăng 138.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2019 giảm 0,05% so với tháng trước, giảm 0,30% so với cùng tháng năm 2018, giảm 0,41% so với tháng 12 năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 9/2019 dao động ở mức 23.260 đồng/USD, giảm 12 đồng/USD.
12. Hoạt động tài chính, ngân hàng 
12.1. Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 9 năm 2019 ước đạt 7.658,8 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt 3.008,8 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.500 tỷ đồng. Ước 9 tháng/2019 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 66.042,4 tỷ đồng, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 19.056,9 tỷ đồng, tăng 20,0% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 45.688 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 9 tháng/2019, trong số thu nội địa: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 2.093,4 tỷ đồng, giảm 3,5% so cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.564,9 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 3.439,8 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước... 
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 9 năm 2019 ước đạt 1.894,5 tỷ đồng; ước 9 tháng/2019 đạt 13.483,8 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển trong chi cân đối ngân sách địa phương đạt 5.689,1 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, chi thường xuyên đạt 6.957,2 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ năm trước.
 

Thu, chi ngân sách nhà nước tháng 9, 9 tháng năm 2019

 

Ước tính tháng 9 năm 2019 (Tỷ đồng)

Ước tính 9 tháng năm 2019 (Tỷ đồng)

Ước 9 tháng năm 2019 so với 9 tháng năm 2018 (%)

1.Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

7.658,8

66.042,4

133,1

Thu ngân sách nhà nước địa phương

3.158,8

20.354,3

113,8

Trong đó: Thu nội địa

3.008,8

19.056,9

120,0

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu

4.500,0

45.688,0

144,0

2.Tổng chi ngân sách địa phương

1.894,5

13.483,8

105,4

Trong đó:

     

Chi đầu tư phát triển

850,2

5.689,1

116,8

Chi thường xuyên

902,1

6.957,2

106,0


12.2. Ngân hàng
* Công tác huy động vốn:
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến hết tháng 9 năm 2019 đạt 201.014 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, tăng 9,08% so với cuối năm 2018.
Theo loại tiền: Huy động bằng VND ước đạt 189.960 tỷ đồng, tăng 10,98% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 94,5%; ngoại tệ ước đạt 11.054 tỷ đồng, tăng 21,17% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 5,5%. 
Theo hình thức huy động: Huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 139.490 tỷ đồng, tăng 10,38% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 69,39%; tiền gửi thanh toán ước đạt 57.837 tỷ đồng, tăng 16,57% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 28,77%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 3.687 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,84%.
* Công tác tín dụng:
Tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước thực hiện đến hết tháng 8 năm 2019 đạt 123.919 tỷ đồng, tăng 12,62% so với cùng kỳ năm trước, tăng 10,12% so với năm 2018.
Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND đạt 116.372 tỷ đồng, tăng 13,09%  so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 93,91%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 7.547 tỷ đồng, tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 6,09%.
Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 53.223 tỷ đồng, tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 42,95%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 70.696 tỷ đồng, tăng 16,41% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 57,05%. 
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

* Công tác Lao động, việc làm
Trong thời gian qua, thành phố tích cực tổ chức điều tra cung cầu lao động; kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động các công trình xây dựng, đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động; triển khai kế hoạch sử dụng vốn chương trình mục tiêu về việc làm, kế hoạch giám sát cho vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm năm 2019 trên địa bàn. Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, số lượng việc làm gia tăng. 
Tháng 9 năm 2019, sàn giao dịch việc làm thành phố tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia tuyển dụng của 125 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 9.620 lượt lao động; ước cấp mới 95 giấy phép lao động, cấp lại 56 giấy phép lao động, miễn cấp 15 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hướng dẫn, thẩm định và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 04 doanh nghiệp.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, ước giải quyết được 42.500 lượt lao động, (bằng 77,57% kế hoạch năm và bằng 100,24% so với cùng kỳ năm 2018). Điều tra tình hình lao động, tiền lương tại 100 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho thấy mức tiền lương bình quân đạt 7,3 triệu đồng/tháng (bằng 112% so với cùng kỳ). Tính từ đầu năm, thành phố đã tổ chức 32 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 999 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 51.481 lượt lao động; cung lao động tại sàn đạt 67.635 lượt người, gấp trên 1,31 lần nhu cầu tuyển dụng; đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là 13.507 người, đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 12.355 người, với kinh phí hơn 223 tỷ đồng (tăng 31,31% so với cùng kỳ). Ước tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội là 36,5%, tăng 5,1% so với cùng kỳ).
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 06 cuộc đình công với 3.674 người tham gia (tăng 01 cuộc và giảm 203 lao động so với cùng kỳ); xảy ra 11 vụ tai nạn lao động làm chết 11 người (tăng 02 vụ và 02 người chết so với cùng kỳ).
* Công tác dạy nghề 
Tháng 9 năm 2019, thành phố tiếp tục thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019; triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" trên địa bản thành phố; tiếp tục kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại 02 đơn vị; tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2019 diễn ra từ ngày 08 - 12/9, tại trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, thành phố Huế. 
Trong 9 tháng đầu năm 2019, thành phố đã thực hiện kiểm tra hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại 12 cơ sở trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát các dự án, chương trình giáo dục nghề nghiệp năm 2019, trên cơ sở đó thẩm định hồ sơ để cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho các đơn vị theo đúng quy định.
Tính đến nay, tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố là 70 đơn vị (gồm 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 11 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp trên toàn thành phố ước đạt 35.800 học sinh, sinh viên, người lao động, đạt 70% kế hoạch năm và bằng 108% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp đạt khoảng 5.300 học sinh, sinh viên (bằng 117% so với cùng kỳ). Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 81,8%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ trở lên đạt 33,7%.
* Công tác người có công
Tháng 9 năm 2019, thành phố giải quyết chế độ chính sách đối với 210 trường hợp; tổ chức thăm, tặng quà gia đình người có công nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Cách mạng Tháng Tám 19-8 và Quốc khánh 2-9 cho 184 trường hợp, với tổng kinh phí 935 triệu đồng. 
Tính đến tháng 9 năm 2019, thành phố đã tiếp nhận và tiến hành giải quyết theo đúng chế độ cho các đối tượng chính sách trên địa bàn như sau: Quyết định trợ cấp một lần và trợ cấp mai táng phí cho 1.997 trường hợp; trợ cấp thờ cúng liệt sĩ: 493 người; xác nhận miễn giảm tiền sử dụng đất theo Quyết định 118/QĐ-TTg: 43 trường hợp; quyết định điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với 15.028 người có công và thân nhân liệt sĩ; công nhận, đề nghị công nhận 365 người có công.
 Bên cạnh đó, thành phố tiến hành thẩm định 3.174 hộ gia đình người có công đề nghị hỗ trợ cải thiện điều kiện nhà ở theo Nghị quyết số 32/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố, trên cơ sở đó đưa ra quyết định phù hợp với tiêu chuẩn và điều kiện quy định.  
* Công tác giảm nghèo - Bảo trợ xã hội
Nhằm nâng cao đời sống của người dân thành phố, nhất là đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, tầng lớp dân nghèo, công tác bảo trợ xã hội của thành phố luôn được quan tâm thực hiện kịp thời và hiệu quả. 
Tháng 9/2019, tiếp nhận 05 đối tượng vào các Trung tâm bảo trợ xã hội, tập trung được 26 lượt người lang thang. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Đề án hỗ trợ giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2025; thực hiện kiểm tra công tác thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, giảm nghèo tại các đơn vị bảo trợ xã hội và một số quận, huyện; triển khai Kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019 trên địa bàn thành phố, Kế hoạch tuyên truyền công tác phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, thành phố đã tiếp nhận 36 đối tượng đưa vào điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, tập trung được 477 lượt người lang thang trên địa bàn (giảm 125 lượt người, tương ứng giảm 20,8% so với cùng kỳ); thực hiện chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng và các chế độ hỗ trợ kinh phí đối với 74.825 người (tăng 3,7% so với cùng kỳ) đảm bảo kịp thời, đầy đủ và đúng chế độ.
* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, thành phố đã tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 2.548 lượt người (bằng 102% so với cùng kỳ, bằng 94,37% so với kế hoạch năm), cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 266 người (bằng 91,72% so với cùng kỳ, bằng 85,81% so với kế hoạch năm). 
Phối hợp với công an quận, huyện tiến hành 41 đợt xét nghiệm tìm chất ma túy cho 190 đối tượng bị bắt giữ, kết quả có 56 trường hợp dương tính với ma túy; tăng cường chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả đã tiến hành kiểm tra 278 buổi tại 1.051 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke..., trên cơ sở đó đã lập biên bản chuyển thanh tra chuyên ngành xử phạt 10 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực lao động và lĩnh vực văn hóa với số tiền là 19 triệu đồng.
2. Giáo dục - Đào tạo
Trong 9 tháng đầu năm 2019, các đơn vị thuộc ngành Giáo dục trên địa bàn thành phố tích cực triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, nội dung, phương pháp giảng dạy từng bước được đổi mới ở tất cả các cấp học, ngành học. 
- Triển khai chương trình giáo dục mầm non mới ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non với chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Quy mô mạng lưới trường lớp ngày càng phát triển, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm được triển khai sâu rộng và sáng tạo tại các đơn vị.
- Giáo dục tiểu học được duy trì, ổn định và phát triển theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Tỷ lệ huy động số trẻ trong độ tuổi đi học đạt 100%, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình triểu học đạt 99,9%, tỷ lệ học sinh được học ngoại ngữ trên 93,52%, tỷ lệ học sinh học tin học đạt 56,8%.
- Giáo dục trung học chú trọng giáo dục toàn diện, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, đặc biệt là nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu và vận dụng kiến thức vào thực tế của học sinh. Tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,82%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 97,44%. Giữ vững vị trí top đầu các tỉnh, thành phố về công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, tổ chức thành công Lễ biểu dương học sinh, sinh viên tiêu biểu năm 2019 cho 24 sinh viên thủ khoa đầu ra các trường đại học, 32 học sinh thi đỗ đại học có tổ hợp điểm từ 27 điểm trở lên, 63 học sinh đạt giải quốc gia, khu vực và quốc tế tại Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vào tối ngày 01/9/2019.
3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 
* Công tác y tế dự phòng
Tình hình phòng chống dịch bệnh: Ban hành Kế hoạch số 93 về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2019, Chỉ thị số 17 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố chủ động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện để sẵn sàng khống chế, ngăn chặn các loại dịch bệnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, đẩy mạnh giám sát tại các cơ sở y tế, tính đến nay đã thực hiện 369 lượt giám sát dịch tễ chủ động tại các bệnh viện tuyến thành phố, 27 lượt giám sát vec tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengua tại các quận, huyện. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế với Chi cục Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phát hiện sớm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi để chủ động bao vây, xử lý dịch. 
Diễn biến ước tính một số bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ như sau: 719 ca sốt xuất huyết (tăng 669 ca); 180 ca quai bị (giảm 62 ca); 60 ca bệnh ho gà (tăng 59 ca); 177 ca hội chứng lỵ (giảm 150 ca); 22 ca bệnh viêm não virus (tăng 9 ca) và không phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm.
Ngoài ra, thành phố đã tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch ngày vi chất dinh dưỡng, uống vitamin A đợt I năm cho trẻ em từ 6-36 tháng tuổi đạt tỷ lệ 98,8% và bà mẹ sau sinh đạt tỷ lệ 94%. Công tác khám, chữa bệnh được thực hiện nghiêm túc tại các tuyến điều trị.
* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong 9 tháng đầu năm 2019, thành phố tích cực triển khai kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với các bếp ăn tập thể, nhà ăn, căng tin ăn uống và các cơ sở kinh doanh suất ăn sẵn, kiểm tra dịch vụ ăn uống, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền trên địa bàn.
Các đoàn thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm của thành phố và  quận, huyện đã đẩy mạnh việc kiểm tra việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn,  kết quả kiểm tra như sau: Tổng số cơ sở được kiểm tra là 13.791 cơ sở, tỷ lệ cơ sở đạt yêu cầu là 79,8%. Kết quả xử lý vi phạm: Phạt hành chính đối với 152 cơ sở có vi phạm với số tiền phạt là 554,9 triệu đồng; 85 cơ sở phải khắc phục về nhãn. Công tác an toàn thực phẩm được triển khai hiệu quả, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, giảm 02 vụ so với cùng kỳ.
* Công tác phòng chống HIV/AIDS
Thành phố đẩy mạnh công tác phòng chống HIV/AIDS, hướng tới thực hiện Kế hoạch 90-90-90 và chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo đúng cam kết, lộ trình đã đề ra. Trong 9 tháng đầu năm 2019, đã tổ chức được 1.872 lượt truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, thu hút được 42.355 lượt người tham gia, cấp phát nhiều tờ rơi, sách báo, tăng cường huy động sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tính đến tháng 9/2019, lũy tích người nhiễm HIV là 12.442 người, số người chuyển sang AIDS là 6.305 người, số người chết do AIDS là 4.568 người, và số người nhiễm HIV hiện còn sống là 7.874 người. Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn toàn thành phố có 18 cơ sở điểu trị Methadone, tổng số bệnh nhân điều trị là 3.888 người, đạt 84% chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì là 95%. 
4. Văn hóa - Thể thao
* Công tác văn hóa
Trong 9 tháng đầu năm 2019, thành phố tích cực triển khai hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, thể thao và du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực văn hóa, gia đình và thể thao; Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phong phú, đa dạng thiết thực chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước và thành phố: 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 44 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, 64 năm ngày Giải phóng Hải Phòng, 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 72 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, 74 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 50 năm thực hiện di chúc và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tiếp tục được hoàn thiện, từng bước phát huy vai trò, chức năng hoạt động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa ngày càng phong phú của nhân dân.     * Công tác thể thao
Thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn thành phố tiếp tục phát triển sâu rộng, thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2020. Tính đến nay đã tổ chức thành công 40 giải thể dục thể thao quần chúng, huy động được sự tham gia tích cực của các cá nhân và tập thể trên toàn thành phố.
Tính từ đầu năm, thành phố đã đăng cai tổ chức thành công 05 giải thể thao toàn quốc năm 2019: Vô địch Wushu trẻ, Cờ vua trẻ xuất sắc, vô địch thể dục Aerobic, đua thuyền Rowing và Canoeing vô địch quốc gia, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội bóng đá Tiger Street Football 2019. 
Bên cạnh đó, thể thao thành tích cao tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh tại một số môn thể thao mũi nhọn, Đoàn vận động viên Hải Phòng đã tham gia thi đấu 93 giải thể thao quốc gia, quốc tế, giành được 97 huy chương vàng, 110 huy chương bạc và 183 huy chương đồng, phá 03 kỷ lục.
5. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Từ ngày 15/8/2019 đến ngày 14/9/2019, toàn thành phố xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 05 người và 01 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giao thông tăng 01 vụ, số người chết tăng 01 người và số người bị thương giảm 03 người. Không có trường hợp tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn, chưa tuân thủ đúng quy định của người tham gia giao thông. 
Cộng dồn từ đầu năm, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 70 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 01 vụ tai nạn giao thông đường thủy. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 54 người và bị thương 30 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 01 vụ (tương ứng giảm 1,39%), số người chết giảm 05 người và số người bị thương giảm 03 người.  
6. Công tác phòng chống cháy, nổ
Cùng khoảng thời gian từ ngày 15/8/2019 đến ngày 14/9/2019, thành phố Hải Phòng đã xảy ra 05 vụ cháy. Các vụ cháy không gây thiệt hại về người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính là 2.499 triệu đồng. 
Tính chung 9 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 63 vụ cháy, bằng 68,48% so với cùng kỳ năm 2018, làm 01 người bị chết và 05 người bị thương, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính là 123.630,5 triệu đồng. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy; đồng thời đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về phòng chống cháy nổ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Khái quát lại, kinh tế - xã hội thành phố 9 tháng đầu năm 2019 tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 16,42%, cao nhất từ trước đến nay, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của thành phố đạt mức tăng cao so với cùng kỳ; tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: giải phóng mặt bằng tại một số dự án hạ tầng kỹ thuật của thành phố chưa đảm bảo tiến độ; xuất hiện dịch bệnh nghiêm trọng và tiếp tục bùng phát trong sản xuất nông nghiệp là dịch tả lợn Châu Phi…
Ba tháng cuối năm, kinh tế cả nước và thành phố dự báo có nhiều thuận lợi, bên cạnh đó tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các ngành, địa phương, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc và đồng bộ chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã đề ra trong năm 2019, trong đó tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây: 
Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tích cực tăng thu ngân sách.
Hai là, tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn thành phố.
Ba là, coi trọng công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị xanh, gắn kết chặt chẽ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Bốn là, gắn phát triển kinh tế với tiếp tục chăm lo đến công tác an sinh, phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Năm là, gắn phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng – an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội./.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hải Phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây