Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tháng 01/2020

Thứ tư - 29/01/2020 17:03
Tết Nguyên đán năm 2020 nằm trong cuối tháng 01 dương lịch, do vậy tháng 01 là tháng cao điểm cho hoạt động mua sắm hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 năm 2020 ước đạt 12.348,6 tỷ đồng
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số phát triển sản xuất (PTSX) công nghiệp (IIP) tháng 01/2020 ước giảm 10,86% so với tháng trước và tăng 20,15% so với cùng kỳ năm trước do tháng 01 năm nay có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn. 
 Trong các ngành công nghiệp cấp I, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 20,49%, đóng góp lớn nhất với 17,34 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,4%, đóng góp 2,64 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,15%, đóng góp tăng 0,3 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 28,07%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung.
  Trong 52 nhóm ngành cấp 4 có 20 ngành có chỉ số PTSX công nghiệp tăng, trong đó: sản xuất thiết bị truyền thông tiếp tục là ngành có mức tăng cao nhất, tăng 86,31%; ngành sản xuất pin và ắc quy tăng 85,11%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện với mức tăng 67,95%;... 
Có 32 ngành cấp 4 giảm, trong đó: ngành sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng giảm 55,8%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng giảm 33,87%; sản xuất phân bón giảm 30,58%;...
Tháng 01/2020 là tháng trùng với dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, cùng với các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân cho kỳ nghỉ Tết; một số doanh nghiệp tranh thủ duy tu, bảo dưỡng, máy móc do thời điểm này là lúc thấp điểm tiêu thụ. Các doanh nghiệp gia công, sản xuất theo đơn đặt hàng khẩn trương hoàn thiện các đơn đặt hàng năm cũ đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020.
Do đặc thù của từng ngành sản xuất và lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu dịp Tết của người dân khác nhau nên mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp đều có kế hoạch sản xuất cho tháng đầu năm.
Sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ có hiệu lực từ 01/01/2020, việc kiểm soát, xử phạt những hành vi vi phạm an toàn giao thông do sử dụng rượu bia được thắt chặt đã tác động mạnh đến sản lượng tiêu thụ bia của các doanh nghiệp sản xuất bia trên địa bàn, doanh thu tiêu thụ trong tháng 01/2020 sụt giảm mạnh, giảm 25,05% so với cùng kỳ. Dự báo sản lượng tiêu thụ bia trong năm 2020 giảm đáng kể so với năm 2019.
Tết Nguyên đán 2020 tác động tích cực tới ngành sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm. Sức tiêu thụ gia súc, gia cầm của người dân đang tăng dần, người chăn nuôi cũng đẩy mạnh “vỗ béo” vật nuôi để kịp cung ứng đủ nhu cầu thị trường tăng mạnh trong dịp Tết cổ truyền dân tộc nên lượng sản xuất, tiêu thụ đều tăng nhẹ so với trước. 
Tháng 01/2020, nhu cầu về sử dụng điện tăng mạnh, ngành sản xuất và phân phối điện đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt các hoạt động chính trị xã hội và sinh hoạt của nhân dân, duy trì tăng trưởng ở mức 18,4% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, giày dép, linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng xe ô tô... chủ yếu gia công, sản xuất theo đơn đặt hàng, là những ngành có số lượng lao động nhiều, dự báo sau Tết thường có biến động nhẹ do lao động tranh thủ nghỉ về quê ăn Tết cùng gia đình chưa quay trở lại làm việc, một số ít chuyển sang doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp đã chủ động đẩy tiến độ thực hiện các đơn hàng trong tháng 12/2019 để đảm bảo thời gian giao hàng cho các đối tác đồng thời quan tâm cải thiện đời sống, chăm lo trong dịp Tết giúp doanh nghiệp "giữ chân" người lao động, giảm hiện tượng công nhân tự ý bỏ việc, nhảy việc.
Đối với các doanh nghiệp ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong tháng Tết, bên cạnh việc sản xuất ít ngày thì đây là thời gian thấp điểm tiêu thụ, dự kiến sản xuất tháng 01/2020 của các ngành sản xuất xi măng, sản xuất bê tông đều giảm hơn 20%; sản xuất sắt thép giảm 11,7% so với tháng 12/2019. Các doanh nghiệp đều chủ động giảm sản xuất, tranh thủ thời gian này để bảo dưỡng, sửa chữa máy móc chuẩn bị sẵn sàng cho một năm mới sản xuất hiệu quả, an toàn.
Một số ngành dự kiến sản xuất tháng 01/2020 giảm nhiều so cùng kỳ do sản xuất ít ngày còn do giảm đơn hàng, tiêu thụ kém như sản xuất lốp xe, sản xuất thuốc lá, sản xuất bê tông...
Nhìn chung, tháng 01/2020 mặc dù có kỳ nghỉ Tết dài từ 6-10 ngày (năm 2019 ngày nghỉ Tết chủ yếu vào tháng 2) nhưng sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn vẫn đạt được tốc độ tăng khá, tăng 20,15% so cùng kỳ. Đây là tín hiệu tốt cho tăng trưởng công nghiệp thành phố trong năm 2020.
 * Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2020 giảm 9,3% so với tháng trước và giảm 12,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh so cùng kỳ: sản xuất thuốc lá giảm 30,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 39,3%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 54,66%...
* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/01/2019 ước tăng 1,45% so với tháng trước và tăng 24,57% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất phân bón tăng 77,84%; sản xuất trang phục tăng 365,12%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 238,66%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao tăng 112,9%…
Một số ngành có chỉ số tồn kho so với cùng kỳ giảm như: sản xuất săm, lốp cao su, đắp và tái chế lốp cao su giảm 73,75%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng (trừ máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính) giảm 89,3%; sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động giảm 61%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản giảm 17,91%....
* Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/01/2020 tăng 1,57% so với tháng trước và tăng 18,67% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 9,4%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,9%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 29,4%. 
Chia theo ngành cấp I: ngành khai khoáng tăng 3,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,7%; ngành cung cấp nước, quản lý, xử lý nước rác thải, nước thải tăng 1,1%. 
Trong 52 ngành cấp 4, một số ngành chỉ số sử dụng lao động tăng cao: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 24,3%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 36%, sản xuất trang phục tăng 14,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 5%.
Một số ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so cùng kỳ như: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 55,9%; sản xuất đồ uống giảm 8,5%; sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 9%, sản xuất kim loại giảm 3,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 15,7%.
* Một số sản phẩm công nghiệp ước 01 tháng năm 2019 so cùng kỳ: quần áo các loại đạt 11,346 triệu cái, tăng 3,57%; phân bón đạt 14,4 nghìn tấn, giảm 30,58%; màn hình khác đạt 1,013 triệu cái, tăng 15,16%; máy giặt đạt 116,29 nghìn cái, giảm 21,65%; lốp hơi mới bằng cao su đạt 145,18 nghìn cái, giảm 41,16%; sắt, thép các loại đạt 113,29 nghìn tấn, giảm 39,71%; xi măng Portland đen đạt 305,72 nghìn tấn, tăng 2,07%; điện sản xuất đạt 578,03 triệu Kwh, tăng 20,6%.
2. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
 2.1. Nông nghiệp

 * Trồng trọt
          - Sản xuất vụ Đông 2019-2020 
Vụ Đông năm 2019 được dự báo có nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, thời tiết khá thuận lợi cho việc gieo trồng các cây rau ưa ấm. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông toàn thành đạt 7.137,1 ha, bằng 95,81%, giảm 312,1 ha so với vụ Đông năm trước. Diện tích cây vụ Đông giảm là do chuyển dịch về cơ cấu lao động từ lao động nông nghiệp chuyển sang lao động công nghiệp, dịch vụ; hiệu quả kinh tế mang lại từ sản xuất cây vụ Đông không cao nên nhiều hộ nông dân bỏ ruộng không gieo trồng...
Trong tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông diện tích trồng cây ngô ước đạt 345,4 ha, bằng 113,17% (+40,2 ha) so với vụ Đông năm trước (diện tích cây ngô tăng do điều kiện thuận lợi trong thời vụ sản xuất và thời tiết ổn định không bị mưa trong thời gian làm đất gieo trồng). Diện tích cây lấy củ có chất bột tiếp tục có xu hướng giảm do sản phẩm sau thu hoạch khó bảo quản và người nông dân không tìm được đầu ra cho sản phẩm; tổng diện tích gieo trồng của nhóm cây lấy củ có chất bột ước đạt 726 ha, bằng 77,55% (-210,2 ha), trong đó: cây khoai lang ước đạt 294,2 ha, giảm 94,5 ha; cây khoai tây ước đạt 420,8 ha, giảm 126,7 ha... 
Nhóm cây rau các loại: là cây trồng chủ lực với nhiều loại cây ưa lạnh phù hợp gieo trồng trong vụ Đông, tổng diện tích cây rau các loại đạt 5.272,4 ha, bằng 93,51% (-366,2 ha) so với vụ Đông năm trước. Diện tích rau màu các loại giảm chủ yếu là do thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp; chưa có các hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng như khâu chế biến bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ; bên cạnh đó giá bán sản phẩm rẻ, không ổn định dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp nên các hộ trồng màu bỏ đất không canh tác, hoặc có canh tác sản suất nhưng diện tích xu hướng giảm dần theo các năm.
Nhóm hoa, cây cảnh có diện tích sản xuất tăng đáng kể trong vụ Đông năm nay. Diện tích trồng hoa các loại trong vụ ước đạt 141,6 ha, bằng 103,68% so với vụ Đông năm trước. Trong đó tập trung trồng nhiều nhất ở huyện An Dương với diện tích 63,2 ha, chiếm tỷ trọng 45% trên tổng diện tích nhóm hoa, cây cảnh. Nhằm đáp ứng nhu cầu chơi hoa trong dịp Tết Nguyên đán, ngay từ đầu vụ tại những vùng có truyền thống nghề trồng hoa bà con nông dân đã tập trung mở rộng diện tích sản xuất với nhiều giống hoa, đa dạng về màu sắc và chủng loại nhằm đáp ứng thị hiếu của người chơi hoa: hoa Lily, hoa lay ơn, hoa hồng và một số giống hoa lan cũng được đưa vào sản xuất hàng hóa,.... Nghề trồng hoa hiện đã đem lại thu nhập khá cao cho các hộ dân nên hàng năm diện tích sản xuất hoa các loại vẫn tiếp tục được mở rộng về quy mô. 
- Sản xuất vụ Xuân 2020
Sản xuất vụ Xuân năm 2020 được dự báo thời tiết phức tạp, khó lường, nguy cơ tiềm ẩn một số dịch hại có thể phát sinh gây hại mạnh trong vụ như: chuột, bệnh đạo ôn,... trên cây lúa; giá thành vật tư đầu vào cao, trong khi đầu ra một số mặt hàng nông sản vẫn còn bấp bênh nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư tái sản xuất cũng như sức cạnh tranh trên thị trường,... 
Tính đến thời điểm 15/01/2020, diện tích mạ đã gieo ước tính đạt 383 ha (mạ xuân sớm đạt 142 ha, mạ xuân muộn đạt 241 ha). Thời tiết ấm áp và có đan xen mưa nhỏ tạo thuận lợi cho sự phát triển của mạ, trên những diện tích mạ đã gieo cơ bản sinh trưởng và phát triển tốt, tuy nhiên vẫn còn một số diện tích mạ trên địa bàn thành phố có biểu hiện rải rác của trứng và sâu đục thân hai chấm trưởng thành.
 * Chăn nuôi 
          Thời tiết năm nay được dự báo là mùa đông ấm, nền nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm khá thuận lợi cho ngành chăn nuôi, tuy nhiên đã xuất hiện hiện tượng sương mù, mưa nhỏ và cả những cơn mưa nặng hạt làm độ ẩm không khí cao nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. 
        Ước tính tháng 01 năm 2020, tình hình chăn nuôi toàn thành đạt được như sau: chăn nuôi gia súc tiếp tục giảm so với cùng kỳ, trong tháng không phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc trâu, bò; đàn trâu đạt 4,81 nghìn con, giảm 3,66% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò đạt 11,16 nghìn con, giảm 9,66%. 
Tổng đàn lợn toàn thành ước đạt 159,23 nghìn con, bằng 38,81% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn giảm mạnh do hậu quả của dịch tả lợn Châu Phi diễn ra từ quí II năm 2019. Hiện nay việc tái đàn còn gặp nhiều tiềm ẩn và rủi ro nhưng giá lợn hơi tương đối cao, nguồn cung khan hiếm cũng là yếu tố thúc đẩy người chăn nuôi tiếp tục duy trì và tái đàn sản xuất, vì vậy tổng đàn tháng 01/2020 tăng 33,2% (+39,8 nghìn con) so với tháng trước. 
Chăn nuôi gia cầm phát triển khá mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm của thị trường trong giai đoạn hiện nay và dịp Tết Nguyên đán, tổng đàn gia cầm tháng 1/2020 ước đạt 9,3 triệu con, tăng 10,33% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước đạt 7,17 triệu con, tăng 8,84%. 
Giá lợn giống tăng mạnh hiện nay giá bình quân tại mức 126,6 nghìn đồng/kg lợn giống, tăng 6,6% so tháng trước; giá thức ăn chăn nuôi trong tháng ổn định so với những tháng trước đây. Giá sản phẩm chăn nuôi trên thị trường hiện nay đảm bảo cho ngành chăn nuôi có lợi nhuận; giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện đạt mức bình quân 84,5 nghìn đồng/kg, tăng 10,1% so với tháng trước; giá thịt hơi gia cầm cũng tăng khá mạnh do thời điểm hiện tại nguồn cung thịt lợn trong nước khan hiếm, giá lợn hơi tăng đã kéo theo giá thịt hơi gia cầm tăng.
    * Tình hình dịch bệnh: tính đến thời điểm hiện nay, đã qua hơn 30 ngày của năm 2020 trên địa bàn thành phố không phát hiện lợn ốm, chết và tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tình hình dịch bệnh cơ bản đã được khống chế; công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc tiếp tục được các ban, ngành chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương tổ chức triển khai, hướng dẫn phun hóa chất khử trùng tiêu độc, sử dụng vôi bột tiêu độc tại ổ dịch, vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm... theo quy định. 
        2.2. Lâm nghiệp
  Ước tính tháng 01/2020, sản lượng gỗ khai thác đạt 165 m3, bằng 97,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 4.875 ste, bằng 98,5% (sản lượng gỗ, củi chủ yếu được khai thác và thu nhặt từ cây lâm nghiệp trồng phân tán nên không tập trung và hạn chế).
Công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo do vậy trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng nào lớn, chỉ xảy ra 02 đám cháy nhỏ ở huyện Kiến An và Thủy Nguyên với diện tích không đáng kể 0,045 ha, chủ yếu là cháy thảm thực bì.
Hiện nay, các địa phương tích cực khảo sát địa điểm trồng và kiểm tra cây giống lâm nghiệp, cây bóng mát, cây ăn quả đảm bảo đủ chất lượng phục vụ Tết trồng cây xuân Canh Tý 2020.
 2.3. Thủy sản
Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 01/2020 ước đạt 15.786,3 tấn, tăng 5,52% (+826,1 tấn) so với cùng kỳ năm trước. 
* Nuôi trồng 
Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 01/2020 ước đạt 7.811,4 ha, tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 4.946,8 ha, tăng 6,94%; tôm các loại đạt 2.235,9 ha, tăng 1,38%; thủy sản khác đạt 628,7 ha, tăng 82,18%. 
Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 01/2020 ước đạt 7.672,9 tấn, tăng 3,8% so cùng kỳ, chia ra: cá các loại đạt 5.004,4 tấn, tăng 3,14%; tôm các loại đạt 874,9 tấn, giảm 0,54%; thủy sản khác đạt 1.793,6 tấn, tăng 8,02%. 
Trong tháng có khả năng xuất hiện 3-4 đợt không khí lạnh ở Bắc Bộ, tuy nhiên nhiệt độ dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-2ºC vì vậy không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh rét, tích cực chăm sóc đàn thủy sản nuôi thương phẩm và thu hoạch sản phẩm đạt kích cỡ thương phẩm như cá nước ngọt truyền thống, cá trắm đen, cá vược, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, ngao,… để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Các diện tích nuôi đã thu hoạch xong chuẩn bị cải tạo ao đầm, sửa chữa hệ thống bờ ao, hệ thống cấp thoát nước… Đối với các diện tích nuôi tôm thẻ vụ đông, hiện đang thu hoạch, kích cỡ đạt 40 - 60 con/kg và đảm bảo sản lượng cung ứng trong dịp Tết cuối năm.
Các trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt tập trung lưu giữ, chăm sóc đàn cá bố mẹ qua đông, chuẩn bị cho vụ sản xuất 2020; các cơ sở có đầu tư hệ thống nâng nhiệt chủ động nhập tôm, cua bố mẹ về ương dưỡng. Sản xuất giống tháng 01/2020 ước đạt 257 triệu con, tăng 12,5% so cùng kỳ năm trước.
* Khai thác 
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 01/2020 ước đạt 8.113,4 tấn, tăng 7,21% so cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 4.807 tấn, tăng 13,88%; tôm các loại đạt 1.081,1 tấn, tăng 9,13%; thủy sản khác đạt 2.225,3 tấn, giảm 5,55%. Trong đó khai thác biển ước đạt 7.750,3 tấn, chiếm 95,52% tổng sản lượng khai thác, tăng 7,49% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm tàu khai thác đạt hiệu quả chủ yếu là các tàu làm nghề lưới kéo, vó mực hoạt động tại vùng khơi và vùng lộng, sản lượng khai thác của các tàu có công suất lớn hơn 400CV đã vượt trội so các năm trước, bên cạnh đó do thị trường thực phẩm trong nước thiếu hụt do ảnh hượng của dịch tả lợn Châu Phi nên sản phẩm thủy sản có sức tiêu thụ tốt, giá cả ổn định đảm bảo cho các chuyến đi biển các đội tàu có lợi nhuận khá cao.
Vụ cá Bắc đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường ở Bắc bộ trong tháng 01/2020 thường có mưa; vịnh Bắc Bộ nhiệt độ nước biển giảm, kéo dài làm ảnh hưởng tới sản xuất khai thác của ngư dân nhất là khối tàu khai thác vùng khơi. Tuy nhiên mặt tích cực hiện nay là thị trường tiêu thụ hải sản vẫn đảm bảo, giá mặt hàng hải sản tương đối cao; giá nhiên liệu cho hoạt động khai thác giữ ở mức tương đối ổn định. 
 3. Đầu tư xây dựng

Ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 01 năm 2020 thực hiện đạt hơn 531,6 tỷ đồng, tăng hơn so với cùng kỳ là 2,14%. Mặc dù các dự án năm 2020 chưa có phân bổ vốn nhưng những dự án trọng điểm vẫn tiếp tục ngày đêm thi công đảm bảo tiến độ. Đóng góp khoảng 80% vào tổng vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý là nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố. Dự kiến tháng 01/2020 nguồn vốn này thực hiện bị giảm đi so với tháng trước và so với cùng kỳ do một số dự án với tổng mức đầu tư lớn đã được khánh thành và đưa vào hoạt động như dự án cầu Hoàng Văn Thụ; dự án xây dựng tuyến đường đôi tại huyện Vĩnh Bảo với tổng đầu tư gần 1.300 tỷ đồng nâng cấp đường nối từ cầu Lạng Am đến cầu Nhân Mục, cầu sông Hóa;…

Nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu và nguồn vốn ODA vẫn giảm hơn so với cùng kỳ. Chưa có quyết định phân bổ vốn trung ương và vốn ODA năm 2020 nhưng dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng (giai đoạn 1) vẫn thực hiện tuy nhiên giá trị không nhiều. 
Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện dự tính thực hiện trong tháng 01 đạt hơn 49,7 tỷ đồng, tăng 8,39% so với cùng kỳ. Một loạt các tuyến đường liên thôn, liên phường, các công trình giáo dục, trụ sở xã phường được nâng cấp, xây dựng ở các quận huyện trong chương trình nông thôn mới.
Tình hình thực hiện một số dự án lớn đến thời điểm hiện nay:
- Dự án công trình cầu Hoàng Văn Thụ sau 33 tháng thi công đã được khánh thành vào ngày 15/10/2019 với tổng đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Đối với các gói thầu xây lắp công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc sông Cấm một số gói thầu vẫn tiếp tục thực hiện với khối lượng giảm đi nhiều.
- Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng với tổng mức đầu tư 5.342 tỷ đồng bao gồm vốn vay ưu đãi ODA là 3.414 tỷ đồng và vốn đối ứng của thành phố là 1.928 tỷ đồng với thời gian thực hiện dự án là 2011-2020. Dự án đã gia hạn tiến độ 02 lần. Đến nay các gói thầu xây lắp tuyến đường trục đạt tiến độ trung bình 90% khối lượng hợp đồng, trong khi đó thời gian còn lại của dự án chỉ còn 2 tháng và công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thực hiện của dự án. Mặt khác các nhà thầu cần phải nhanh chóng huy động thêm đầy đủ nhân lực, thiết bị để triển khai thi công các mũi.
- Dự án đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường chợ Con với tổng mức đầu tư là 1.1405,4 tỷ đồng gồm 2 công trình: công trình nút giao Nguyễn Văn Linh (bao gồm cầu vượt và vòng xuyến nút giao) đã được khánh thành vào 10/5/2019 với phần nút giao khối lượng thực hiện hơn 510 tỷ đồng. Hợp phần đường trục (chiều dài 1.590,87m) của dự án cũng được khởi công cùng ngày, dự kiến hoàn thành vào năm 2020, hợp phần này đang thực hiện giải phóng mặt bằng, nhà thầu đang thi công cầu qua Hồ Sen, đã thi công xong 40/40 cọc khoan nhồi trụ cầu, hoàn thành 5/8 trụ cầu. 
- Ngày 2/9/2018 thành phố đã khởi công dự án xây dựng nút giao thông Nam cầu Bính với tổng mức đầu tư 1.483 tỷ đồng. Đây là nút giao đầu tiên tại Hải Phòng được thiết kế xây dựng với 3 tầng: tầng hầm, tầng mặt và cầu vượt. Công tác giải phóng mặt bằng của dự án còn tương đối chậm. Từ ngày khởi công đến nay, nhà thầu đã thi công các hạng mục: hầm chui, cầu vượt các nhánh. Tổng khối lượng lũy kế đạt khoảng 62,1%. Thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt để dự án được thực hiện đảm bảo tiến độ.
- Dự án đầu tư xây dựng cầu sông Hóa là cầu bê tông có chiều dài 254m, đường vuốt dốc hai đầu cầu 625,9m, nền đường rộng 12, với tổng đầu tư gần 185 tỷ đồng từ ngân sách thành phố (ngân sách Hải Phòng 182 tỷ đồng) đã được khởi công vào ngày 09/5/2019, đến thời điểm hiện tại dự án thực hiện được khoảng trên 60% tổng giá trị đầu tư, dự án đánh dấu sự kết nối giữa thành phố Hải Phòng với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình, cải thiện điều kiện sống của nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng của hai địa phương.
-  Dự án cải tạo các tuyến đường giao thông đô thị và các tuyến tỉnh lộ. Có 109 tuyến đường được cải tạo, sửa chữa với tổng kinh phí khoảng 512 tỷ đồng được thực hiện từ 18/10 đến hết 31/12/2019. Hiện tại bộ mặt đô thị thành phố đã thay đổi nhiều, vỉa hè tại phố chính được mở rộng, lát gạch, tạo bề mặt thông thoáng, khang trang giúp giảm thiểu nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông, đảm bảo điều kiện giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và vệ sinh môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.
* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 15/01/2020 Hải Phòng có 704 dự án còn hiệu lực:
Tổng vốn đầu tư      :  17.811,31 triệu USD
Vốn điều lệ              :    6.324,59 triệu USD
Vốn Việt Nam góp  :     243,00 triệu USD
Nước ngoài góp       :    6.081,59 triệu USD
Tính đến 31 tháng 12 năm 2019, toàn thành phố có 93 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 640,56 triệu USD và 60 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 699,01 triệu USD. 
Năm 2019 có 5 dự án điều chỉnh giảm vốn, 14 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động. 
15 ngày đầu năm 2020, có 4 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư là 20,93 triệu USD. Trong đó cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế là 19,9 triệu USD và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế là 1,03 triệu USD. 
Điều chỉnh tăng vốn có 01 dự án với số vốn đầu tư điều chỉnh tăng 4,69 triệu USD, không có dự án bị thu hồi/ chấm dứt hoạt động.
4. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tết Nguyên đán năm 2020 nằm trong cuối tháng 01 dương lịch, do vậy tháng 01 là tháng cao điểm cho hoạt động mua sắm hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 năm 2020 ước đạt 12.348,6 tỷ đồng, tăng 2,27% so với tháng trước và tăng 13,59% so với cùng kỳ năm trước. 
* Doanh thu chia theo ngành hoạt động

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01 năm 2020 ước đạt 9.805,5 tỷ đồng, tăng 5,96% so với tháng trước, tăng 14,25% so với cùng kỳ năm trước. 

Hầu hết các ngành hàng đều có ước tính doanh thu trong tháng 01/2020 tăng cao so với tháng trước, cụ thể là ngành hàng lương thực thực phẩm tăng 7,29%; ngành may mặc tăng 6,01%; ngành đồ dùng trang thiết bị gia đình tăng 7,38%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 2,98%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 4,75%; ô tô con tăng 1,94%; phương tiện đi lại tăng 2,66%; xăng dầu các loại tăng 6,07%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 5,12%; mặc dù giá vàng đang tăng cao nhưng không làm hạ nhiệt nhu cầu mua sắm vàng bạc, đá quý phục vụ nhu cầu dự trữ và trang sức trong dịp Tết. Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội thành phố tiếp tục ổn định và phát triển, nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao, các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ đều có nhiều chương trình khuyến mại, xả toàn bộ hàng hóa để kích cầu thị trường. Những mặt hàng có xu hướng tăng cao đặc biệt phải kể đến là hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đá quý, kim loại quý,.. đang trong thời điểm tăng cao nhất trong năm. Riêng nhu cầu xây dựng, hoàn thiện các công trình trong tháng này có xu hướng chậm lại.
Doanh thu tháng 01 năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 14,25%. Một số nhóm ngành hàng có mức tăng trưởng cao như: lương thực, thực phẩm tăng 14,19%; hàng may mặc tăng 16,55%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 10,80%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 13,34%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 11,11%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 19,05%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 17,66%; xăng dầu tăng 17,66%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 17,65%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 17,65%...
Lương thực, thực phẩm và hàng may mặc là các mặt hàng thiết yếu, có lượng tiêu thụ lớn và thường xuyên nên nhóm ngành hàng này có doanh thu tương đối ổn định và tăng cao trong dịp này. Ngành hàng may mặc ước tính doanh thu tăng cao trong tháng 01 do năm nay mùa đông đến muộn và dự kiến trong Tết nhiệt độ giảm thấp nên nhu cầu quần áo rét tăng cao. Cùng với nhu cầu mua sắm các trang thiết bị gia đình tăng thì nhu cầu mua sắm đá quý, kim loại quý và sản phẩm trong tháng này cũng tăng cao phục vụ nhu cầu tích lũy và nhu cầu về đồ trang sức. 
- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 01 năm 2020 ước đạt 119,5 tỷ đồng, giảm 11,31% so với tháng trước và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. 
- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 01 năm 2020 ước đạt 1.720,6 tỷ đồng, giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 12,59% so với cùng kỳ năm trước. 
- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 01 năm 2020 ước đạt 15,3 tỷ đồng, giảm 10,55% so với tháng trước và tăng 6,16% so với cùng kỳ năm trước.
Do Tết Nguyên đán rơi trọn vào tháng 01 dương lịch nên doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành giảm, người dân tập trung giải quyết các công việc còn tồn đọng trong năm. 
- Doanh thu dịch vụ khác tháng 01 năm 2020 ước đạt 687,7 tỷ đồng, giảm  20,88% so với tháng trước, tăng 9,09% so với cùng kỳ năm trước;
Là tháng Tết nên một số nhóm ngành dịch vụ có doanh thu tháng 01/2020 giảm hơn so với tháng trước như: dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 25,43%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 25,48%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 19,95%. Bên cạnh đó một số nhóm ngành vẫn đạt doanh thu cao như nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 2,68% do nhu cầu về làm đẹp, sửa chữa đồ dùng cá nhân và gia đình càng những ngày gần Tết càng tăng lên. 
5. Hoạt động lưu trú và lữ hành    
Tổng lượt khách tháng 01/2020 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 582,69 nghìn lượt, giảm 12,99% so với tháng trước và tăng 10,67% so với cùng tháng năm 2019; trong đó khách quốc tế đạt 72,86 nghìn lượt, giảm 10,0% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng tháng năm trước.
Đối với hoạt động lữ hành, lượt khách lữ hành tháng 01/2020 đạt 9,12 nghìn lượt, giảm 17,81% so với tháng trước và tăng 17,13% so với cùng tháng năm trước. 
6. Vận tải hàng hóa và hành khách
6.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 01 năm 2020 ước đạt 18,76 triệu tấn, tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 17,71% so với cùng tháng năm trước. 
Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 01 năm 2020 ước đạt 9.091,7 triệu tấn.km, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 14,99% so với cùng tháng năm trước.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển tháng 01 tăng so với tháng trước, tác động chủ yếu bởi khối vận tải hàng hóa đường bộ do việc vận chuyển hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.
6.2. Vận tải hành khách
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 01 năm 2020 ước đạt 6,1 triệu lượt, tăng 2,77% so với tháng trước, tăng 12,77% so với cùng tháng năm trước. 
Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 01 năm 2020 đạt 251,4 triệu Hk.km, tăng 2,98% so với tháng trước và tăng 12,24% so với cùng tháng năm trước. 
Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển tăng so với tháng trước tác động chủ yếu bởi lượng hành khách đường bộ, do trong tháng có dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày nên nhu cầu khách đi lại bằng xe khách, taxi tăng cao.
6.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 01 năm 2020 ước đạt 2.784,2 tỷ đồng, tăng 0,61% so với tháng trước và tăng 13,39% so với cùng tháng năm trước. 
6.4. Sân bay Cát Bi
Tháng 01 năm 2020 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 32,0 tỷ đồng, tăng 2,32% so với tháng trước; tăng 24,06% so với cùng tháng năm trước. 
Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 01 năm 2020 ước đạt 1.650 chuyến, tăng 1,10% so với tháng trước, tăng 21,32% so với cùng tháng năm trước. Trong đó chuyến bay ngoài nước tháng 12 ước đạt 140 chuyến, với ước tính gần 17 nghìn lượt hành khách thông qua, tăng 1,45% so với tháng trước, tăng 20,69% so với cùng tháng năm trước. 
Tổng số hành khách tháng 01 năm 2020 ước đạt 224 nghìn lượt người, tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 5,21% so cùng tháng năm trước. 
Tổng số hàng hóa tháng 01 năm 2020 ước đạt 1,85 nghìn tấn, tăng 1,59% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng tháng năm trước. Hàng hóa đến và đi hiện nay đa dạng nhiều chủng loại như hải sản, hàng thực phẩm, bánh kẹo, quần áo và hàng tiêu dùng khác.
7. Hàng hoá thông qua cảng 
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 01 năm 2020 ước đạt 9.699,17 nghìn TTQ, giảm 27,51% so với tháng trước và tăng 5,55% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 01 năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm 2019 do Tết Nguyên đán năm nay rơi trọn trong tháng 01 nên các hoạt động nhập hàng phục vụ Tết diễn ra nhộn nhịp từ tháng 11, 12/2019 đến tháng 01/2020 lượng hàng giảm nhiều. Cụ thể: 
- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước đạt 3.129 nghìn TTQ, giảm 16,23% so với tháng trước, giảm 9,29% so với cùng kỳ, trong đó: 
+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 3.122 nghìn TTQ, giảm 16,17% so với tháng trước, giảm 9,16% so với cùng kỳ.
+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước địa phương ước đạt 7 nghìn TTQ, giảm 35,4% so với tháng trước, giảm 44,13% so với cùng kỳ. 
- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 6.570,17 nghìn TTQ, giảm 31,88% so với tháng trước, tăng 14,46% so với cùng kỳ năm 2019.
 * Doanh thu cảng biển tháng 01 năm 2020 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 439,6 tỷ đồng, giảm 15,48% so với tháng trước, giảm 7,42% so với cùng kỳ. 
8. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hải Phòng tháng 01 năm 2020 tăng 1,04% so với tháng trước, tăng 6,19% so với cùng kỳ năm trước.
Tết Nguyên đán 2020 nằm trọn trong tháng 01 dương lịch do vậy tháng 01 cũng là tháng cao điểm cho hoạt động mua sắm hàng hóa, hầu hết các nhóm hàng đều có chỉ số giá tăng. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước với mức tăng như sau: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,14%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,48%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,17%;  nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,01%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,44%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; nhóm giao thông tăng 0,51%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,08% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,05%. 02 nhóm còn lại là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số giá không thay đổi so với tháng trước. 
Nguyên nhân chính làm tăng CPI tháng 01/2020 là do chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 1,68% do vào nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết cao nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều tăng giá làm CPI chung tăng 0,38%; chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 3,92% làm CPI chung tăng 0,40%; chỉ số giá gas và các loại chất đốt khác tăng 10,62% làm CPI chung tăng 0,14%; chỉ số giá xăng, dầu diesel tăng 1,23% làm CPI chung tăng 0,04%; ... Bên cạnh đó cũng có yếu tố làm giảm CPI tháng 01 là chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 1,71% làm cho CPI chung giảm 0,03%...
Chỉ số nhóm giao thông tăng 0,51% so với tháng trước do xăng dầu được điều chỉnh tăng 1,23%. Giá xăng dầu trong tháng được điều chỉnh tăng vào ngày 31/12/2019, đến ngày 15/01/2020 có giảm nhưng mức giảm không đáng kể. Hiện tại, giá xăng E5-RON 92 có giá là 19.840 đồng/lít, xăng RON95-IV có giá là 21.010 đồng/lít, giá dầu diesel 0,05S-II là 16.540 đồng/lít.
* Chỉ số giá vàng 99,99% và Đô la Mỹ: 
- Chỉ số giá vàng tháng 01/2020 tăng 3,69% so với tháng trước, tăng 18,66% so với cùng tháng năm 2019. Giá vàng bình quân tháng 01/2020 dao động ở mức 4,330 triệu đồng/chỉ, tăng 154.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 01/2020 giữ nguyên so với tháng trước, giảm 0,09% so với cùng tháng năm 2019. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 01/2020 dao động ở mức 23.231 đồng/USD.
9. Hoạt động tài chính, ngân hàng 
9.1. Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 01 năm 2020 ước đạt 5.800 tỷ đồng, bằng 100,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 2.800 tỷ đồng, bằng 112,6% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.000 tỷ đồng, bằng 91,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính tháng 01/2020, trong số thu nội địa: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đạt 183,2 tỷ đồng, bằng 125,6% so với cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương đạt 139,2 tỷ đồng, bằng 112,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 575,2 tỷ đồng, bằng 105%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 809,8 tỷ đồng, đạt 150,6%...
 Tổng chi ngân sách địa phương tháng 01 năm 2020 ước đạt 1.012,8 tỷ đồng, bằng 105,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi thường xuyên đạt 1.012,8 tỷ đồng.
9.2. Ngân hàng
* Công tác huy động vốn:
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến hết tháng 01 năm 2020 đạt 211.600 tỷ đồng, tăng 14,97% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100,41% so với năm 2019.
Theo loại tiền: huy động bằng VND ước đạt 198.984 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 94,04%; ngoại tệ ước đạt 12.616 tỷ đồng, tăng 22,89% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 5,96%. 
Theo hình thức huy động: huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 142.084 tỷ đồng, tăng 9,15% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 67,15%; tiền gửi thanh toán ước đạt 64.734 tỷ đồng, tăng 28,02% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 30,59%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 4.782 tỷ đồng, tăng 44,21% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 2,26%.
* Công tác tín dụng:
Tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 01 năm 2020 ước đạt 129.565 tỷ đồng, tăng 13,82% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100,39% so với năm 2019.
Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: cho vay bằng VND ước đạt 122.050 tỷ đồng, tăng 13,22% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 94,2%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 7.515 tỷ đồng, tăng 24,42% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 5,8%.
Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 56.840 tỷ đồng, tăng 15,69% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 43,87%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 72.725 tỷ đồng, tăng 12,39% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 56,13%. 
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội
* Công tác lao động, việc làm

Tháng 01 năm 2020, sàn giao dịch việc làm thành phố tổ chức 02 phiên giao dịch việc làm, với 55 lượt doanh nghiệp tham gia, nhu cầu tuyển dụng là 2.064 lượt lao động; cung lao động tại sàn đạt 3.221 lượt người, gấp trên 1,56 lần nhu cầu tuyển dụng. Số lượng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là 712 người (giảm 36,71% so với cùng kỳ); tiến hành tư vấn, giới thiệu việc làm cho 564 lao động (giảm 42,44% so với cùng kỳ)
Bên cạnh đó, thành phố đã hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể cho 10 doanh nghiệp, hướng dẫn, thẩm định và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 08 doanh nghiệp. Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công; xảy ra 01 vụ tai nạn làm 01 người chết.
* Công tác người có công
Trong tháng 01/2020, giải quyết chế độ chính sách đối với 379 trường hợp, trong đó: trợ cấp một lần: 262 người, trợ cấp hàng tháng: 13 người, chế độ thờ cúng Liệt sĩ: 98 trường hợp và xác nhận miễn giảm tiền sử dụng đất theo Quyết định số 118/QĐ-TTg cho 06 trường hợp.
Triển khai thăm, tặng quà cho người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên địa bàn thành phố.
* Công tác giảm nghèo - bảo trợ xã hội
Tháng 01/2020, tiếp nhận 01 đối tượng vào các Trung tâm bảo trợ xã hội, tập trung được 25 lượt người lang thang. Tính đến ngày 15/01/2020, số lượng các đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội tổng số là 745 người bằng 102,7% so với năm 2019. Thực hiện thăm, tặng quà Tết Canh Tý năm 2020 cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tập trung và tặng quà chúc thọ người cao tuổi năm 2020.
Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt kết quả kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019: Tỷ lệ hộ nghèo là 0,72% tương ứng với 4.348 hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo là 2,14% tương ứng với 12.971 hộ cận nghèo.
* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Trong tháng 01/2019 tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy cho 1.461 lượt người; cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 17 người; kết hợp cùng Công an xét nghiệm ma tuý với 46 đối tượng bị bắt giữ, kiểm tra 30 buổi tại 112 cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke... 
2. Giáo dục – Đào tạo
Các trường học hoàn thành kế hoạch học kỳ I, triển khai thực hiện nhiệm vụ học kỳ II năm học 2019 – 2020.
Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm GDNN&GDTX và các đơn vị trực thuộc khai xuân vào ngày 30/01/2020 (ngày Mùng 06 Tháng Giêng năm Canh Tý) sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. 
3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 
* Công tác y tế dự phòng

Ngành Y tế tập trung nâng cao chất lượng khám sàng lọc, xử trí phản ứng sau tiêm phòng vắc xin ComBE Five đảm bảo an toàn trong tiêm chủng. Các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố chủ động, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, đặc biệt trong dịp Tết và các lễ hội Xuân 2020. 
Diễn biến một số bệnh truyền nhiễm trong tháng 12/2019: 107 ca sốt xuất huyết; 72 ca tay chân miệng; 22 ca thủy đậu; 05 ca quai bị; 125 ca tiêu chảy; 02 ca sởi...
* Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm
Trong tháng 01/2020, thành phố đã tiến hành kiểm tra về chất lượng an toàn thực phẩm với 44 cơ sở, trong đó có 12 cơ sở sản xuất và 32 cơ sở kinh doanh; lấy 35 mẫu kiểm nghiệm hiện đang kiểm tra kết quả.
4. Văn hóa - Thể thao
Thành phố đã chuẩn bị tốt các hoạt động đón Xuân Canh Tý - 2020, kỷ niệm 90 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; chú trọng công tác quản lý và tổ chức lễ hội; công tác thanh tra, kiểm tra tại các điểm di tích, các dịch vụ văn hoá, thể thao trước, trong và sau Tết Nguyên Đán; công tác tuyên truyền, cổ động trực quan và tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao trong dịp nghỉ Tết. 
Bên cạnh đó, thành phố tích cực chỉ đạo nhiều đổi mới trong trang trí trực quan, ánh sáng và tuyên truyền trên địa bàn để chào đón Tết Âm lịch 2020; chỉnh trang làm đẹp mỹ quan thành phố tại các tuyến đường kiểu mẫu và dải trung tâm thành phố. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được chuẩn bị tổ chức với nhiều hoạt động phong phú. Năm nay thời tiết thuận lợi, các địa phương chuẩn bị khá tốt các hoạt động lễ hội, quản lý di tích, phục vụ nhân dân du xuân, vãn cảnh, dâng hương trong dịp tết; tuyên tuyền tới người dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường cảnh quan và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng Tết, các hoạt động diễn ra tuyệt đối an toàn.
5. Tình hình trật tự an toàn giao thông, công tác phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/01/2020 toàn thành phố xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 04 người và bị thương 01 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 02 vụ, số người chết giảm 01 người và số người bị thương giảm 02 người. Không có trường hợp tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn khi tham gia giao thông của người dân.
Cùng khoảng thời gian từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/01/2020 trên địa bàn thành phố xảy ra 04 vụ cháy, trong đó có 02 vụ cháy nhà dân cùng 02 vụ tại doanh nghiệp, làm 01 người bị thương. Giá trị thiệt hại về tài sản đang trong quá trình xác minh thiệt hại. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy giảm 07 vụ, công tác phòng cháy chữa cháy tiếp tục được tăng cường, chú trọng./. 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hải Phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây