Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tháng 12/2017
Thứ sáu - 29/12/2017 15:32
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 năm 2017 ước đạt 9.657,53 tỷ đồng, tăng 4,08% so với tháng trước và tăng 17,51% so với cùng kỳ năm trước
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI NĂM 2017
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI NĂM 2017
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Năm 2017, thành phố Hải Phòng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tín dụng tăng trưởng mạnh; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đang phát huy hiệu quả. Sự đổi mới phương pháp, sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đưa thành phố Hải Phòng bước vào thời kỳ mới, có sự phát triển mạnh, đột phá, tương xứng với tiềm năng và vị thế của thành phố.
Bên cạnh những thuận lợi, thành phố tiếp tục đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường tài chính, tiền tệ biến đổi khó lường, xung đột vũ trang còn xảy ra tại nhiều khu vực. Tiềm năng, lợi thế lớn của thành phố chưa được khai thác, phát huy hiệu quả, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đột phá mạnh mẽ của thành phố.
Với định hướng chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, đoàn kết thống nhất cao của các cấp, ngành, địa phương, kinh tế - xã hội thành phố đã đạt được kết quả cao nổi bật, toàn diện trên mọi lĩnh vực, đưa thành phố trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả năm 2017 đạt được như sau:
I. Phát triển kinh tế
1. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng cao, chỉ số phát triển sản xuất (PTSX) công nghiệp(1) ước tháng 12 năm 2017 tăng 25,83% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2017, chỉ số PTSX công nghiệp tăng 21,58% so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch năm 2017 (kế hoạch tăng 17,5% - 18,5%), đưa Hải Phòng đứng hàng đầu cả nước về tăng trưởng công nghiệp, trong đó: ngành khai khoáng giảm 3,83%; ngành chế biến, chế tạo tăng cao 25,74%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,07%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,73%.
Trong 46 nhóm ngành kinh tế cấp 4 có 30 ngành có chỉ số sản xuất năm 2017 tăng so với 2016, trong đó: ngành may trang phục có mức tăng cao nhất, đạt 166,49%; sản xuất phân bón tăng 90,50%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 83,28%; sản xuất săm lốp cao su tăng 71,21%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng (máy in) tăng 51,17%...
Có 16 ngành có chỉ số sản xuất giảm, trong đó: giảm mạnh nhất là ngành in ấn với 25,89%; tiếp theo, ngành sản xuất thức ăn gia súc giảm 25,43%; ngành sản xuất mô tơ máy phát điện giảm 25,21%; ngành thoát nước và xử lý nước thải giảm 21,24%; ngành đóng tàu giảm 18,45%...
Tình hình sản xuất của một số doanh nghiệp có đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng của công nghiệp thành phố:
- Công ty TNHH LG Display Hải Phòng có tổng vốn đầu tư 1,59 tỷ USD, sản xuất các loại màn hình OLED, màn hình OLED TV khánh thành 04/12/2017 đã đóng góp lớn vào tốc độ tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố những tháng cuối năm 2017. Nhà máy H1 đi vào sản xuất thu hút hơn 3700 lao động, sản lượng tháng 11/2017 đạt khoảng gần 90 nghìn màn hình Oled TV, 400 nghìn màn hình Oled điện thoại, doanh thu đạt 1600 tỷ đồng.
- Công ty TNHH LG Electronics trong tháng 11/2017 tiếp tục sản xuất ổn định, doanh thu sản xuất công nghiệp tháng 11 đạt hơn 4.800 tỷ đổng, sản phẩm tivi đạt ở mức cao so tháng trước do từ năm 2018 sẽ ngừng sản xuất sản phẩm này, hiện nay công ty đang tập trung sản xuất hết nguyên liệu tồn kho. Dự kiến tháng 12 sản xuất giảm nhẹ so với tháng trước.
- Công ty TNHH may Regina Miracle: Dự kiến tháng 12 đạt 6,5 triệu sản phẩm, cả năm sản lượng đạt 50,1 triệu sản phẩm, tăng 3 lần so với cùng kỳ. Năm 2017 doanh thu 12 tháng đạt gần 5 nghìn tỷ, chiếm 70% doanh thu toàn ngành. Để đáp ứng tốt nhu cầu cho các đơn hàng, tháng 12 công ty đã tuyển thêm 500 lao động, đưa số lao động của công ty lên 19,5 nghìn lao động.
Năm 2017 bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất ổn định, tăng trưởng tốt, một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của ngành và của chỉ số PTSX công nghiệp thành phố, cụ thể:
- Sản xuất xi măng: dự kiến sản lượng năm 2017 giảm 6,57% so với năm trước, trong đó sản xuất của công ty xi măng Chinfon giảm 282 nghìn tấn, công ty xi măng Hải Phòng giảm 70 nghìn tấn. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất xi măng giảm do: cạnh tranh trên thị trường nội địa gay gắt, sự tham gia của nhiều nhà máy mới với mức giá thấp; thời tiết bất lợi, mưa nhiều, mưa lũ năm 2017 được đánh giá lớn và kéo dài nhất trong 20 năm gần đây, dẫn tới nhu cầu toàn ngành xây dựng giảm; cạnh tranh trên thị trường thế giới khốc liệt do Trung Quốc tập trung xuất khẩu khi lượng cung vượt cầu hàng trăm triệu tấn; xi măng, clinker xuất khẩu thuộc diện không được khấu trừ VAT đầu vào và chịu thuế xuất khẩu 5% theo nghị định 100/2016/NĐ-CP và 122/2016/NĐ-CP của Chính Phủ.
- Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng: năm 2017 sản lượng điện phát ra thấp hơn so với cùng kỳ, giảm gần 500 triệu Kwh. Nguyên nhân do trong năm lượng mưa quá nhiều, các công ty thủy điện xả lũ ồ ạt, được ưu tiên phát cao, vì vậy, các công ty nhiệt điện phải giảm phát. Công ty có 4 tổ máy nhưng chỉ phát luân phiên từ 2-3 tổ, còn các tổ khác được đưa vào phát dự phòng.
- Ngành công nghiệp đóng tàu những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do nhu cầu vận tải đường biển thế giới và trong nước suy giảm mạnh, nguồn lực của ngành trong nước còn nhiều hạn chế. Năm 2017 giá trị sản xuất của ngành đóng tàu thành phố giảm 20% so với năm trước, trong đó công ty đóng tàu Hồng Hà giảm 37%, công ty đóng tàu Bến Kiền giảm 20%.
* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2017 tăng 33,1% so với cùng kỳ năm trước trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ: sản xuất trang phục tăng 273,3%; sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động tăng 64,4%; sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác tăng 51,6%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao tăng 45,4%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng tăng 42,53%...
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng một con số: sản xuất bia tăng 0,3%; sản xuất hóa chất khác tăng 1%; sản xuất phân bón tăng 6,7%; sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 9,3%...
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản giảm 43,8%; sản xuất xi măng giảm 16,1%; sản xuất các sản phẩm khác từ giấy và bìa giảm 11,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản giảm 10,5%; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác giảm 9%...
* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/11/2017 tăng 33,5% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất thiết bị truyền thông tăng 502,5%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tăng 349,9%; sản xuất giày dép tăng 331,7%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 161%; sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động tăng 123,4%; sản xuất sắt thép gang tăng 75,6%;...
Một số ngành có chỉ số tồn kho so cùng kỳ giảm như: sản xuất cấu kiện kim loại giảm 84,7%; sản xuất đồ điện dân dụng giảm 59,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 55,8%; sản xuất đồ gỗ xây dựng giảm 50,2%; sản xuất phân bón và hợp chất nito giảm 27,7%...
* Một số sản phẩm công nghiệp ước năm 2017 so với năm trước: quần áo các loại đạt 105 triệu cái tăng 1,61 lần; phân bón đạt 253 nghìn tấn tăng 90%; màn hình khác đạt 7.466 nghìn cái tăng 82%; máy giặt đạt 1.385 nghìn cái tăng 119%; lốp ô tô đạt 2.750 nghìn cái tăng 71%; gang, thỏi, thép, thanh que sắt các loại 1.386 nghìn tấn tăng 14,5%; xi măng Portland đen 5.229 nghìn tấn giảm 6,5%; điện sản xuất 5.950 triệu Kwh giảm 7,6%...
* Xu hướng kinh doanh
Quý IV/2017 khảo sát trên 172 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, cho thấy có 51,16% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 17,44% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 31,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I/2018 so với quý IV/2017: có 37,79% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 25% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 37,21% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
2. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ước tính cả năm 2017 (theo giá so sánh 2010) đạt 14.364,7 tỷ đồng, tăng 2,07% so với năm 2016, bằng 100,63% kế hoạch năm 2017, trong đó:
- Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2017 ước đạt 10.257,2 tỷ đồng, bằng 101,84% so kế hoạch năm và bằng 100,19% so cùng kỳ: Trong đó giá trị trồng trọt ước thực hiện 4.841,2 tỷ đồng, bằng 99,67% so với kế hoạch năm và bằng 99,31% so với năm 2016; giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 5.030,4 tỷ đồng, bằng 105,15% so với kế hoạch năm và bằng 100,95% so với năm trước; giá trị dịch vụ ước đạt 385,6 tỷ đồng bằng 89,47% kế hoạch năm và bằng 101,47% so năm trước.
- Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2017 ước đạt 41,3 tỷ đồng, bằng 101,98% kế hoạch năm và bằng 110,18% so với năm trước.
- Giá trị sản xuất ngành thủy sản năm 2017 ước đạt 4.066,3 tỷ đồng, bằng 97,7% so kế hoạch năm và bằng 107,05% so năm trước, trong đó: giá trị nuôi trồng và dịch vụ ước đạt 2.127,5 đồng, bằng 104,43% so với kế hoạch năm và bằng 119,53% so với năm 2016; giá trị sản xuất khai thác ước đạt 1.938,8 tỷ đồng, bằng 91,24% so với kế hoạch năm và bằng 96,05% so với cùng kỳ.
2.1. Nông nghiệp
* Trồng trọt
Tình đến ngày 15 tháng 12 năm 2017 tổng diện tích gieo trồng các loại cây cả năm thực hiện 100.212,3 ha, bằng 98,30% so năm trước, giảm 1.729,2 ha; diện tích cây hàng năm 93.247,8 ha bằng 98,18% so với năm trước, giảm 1.729,7 ha, trong đó: diện tích lúa cả năm 72.243,1 ha, bằng 97,54% so với năm trước, giảm 1.822,6 ha; năng suất lúa cả năm ước sơ bộ đạt 60,75 tạ/ha, bằng 96,34% so năm trước.
Sản lượng lương thực quy thóc toàn thành phố cả năm 2017 ước đạt 444.143,8 tấn, bằng 93,93% so năm trước; trong đó: Sản lượng lúa cả năm ước đạt 438.842,2 tấn, do diện tích gieo trồng và năng suất lúa đều giảm nên sản lượng lúa cả năm 2017 giảm 28.143,4 tấn, bằng 93,97% so với sản lượng lúa cả năm 2016.
Năng suất cây ngô ước đạt 50,57 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với năm trước; sản lượng ngô cả năm 2017 ước đạt 5.301,6 tấn, giảm 560,7 tấn so với cả năm 2016.
Năng suất nhóm cây rau các loại ước đạt 223,42 tạ/ha, bằng 101,27% so năm trước, nhìn chung năng suất cây rau lấy lá, rau lấy quả và rau lấy củ trong nhóm đều tăng nhẹ. Sản lượng rau các loại ước đạt 319.343,3 tấn, tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước. So với năm 2016, năm 2017 một số loại rau có sản lượng tăng cao như: sản lượng rau muống tăng 3.700 tấn; cải xanh các loại tăng 1.800 tấn, rau súp lơ tăng 900 tấn, rau các loại khác tăng 3.200 tấn.
- Sản xuất vụ Đông 2017-2018
Đến nay, diện tích các cây trồng vụ đông ước gieo trồng 7.450 ha, bằng 95,90% so thực hiện năm trước. Cây vụ Đông sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó: cây ngô 401,0 ha, bằng 87,38%; khoai lang 379,4 ha bằng 87,93%; rau các loại 4.787,0 ha bằng 92,23%; khoai tây 502,1 ha bằng 83,20%; cây gia vị Ớt cay 381,2 ha, bằng 102,64% so với thực hiện năm 2016.
- Sản xuất vụ Xuân 2018
Tiến độ sản xuất tính đến ngày 15/12/2017 đã cày lật đất khoảng 12.000 ha, các địa phương đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ xuân: chuẩn bị đồng ruộng (vệ sinh đồng ruộng, cày lất đất để ải…); đảm bảo đủ số lượng và chất lượng vật tư phục vụ sản xuất vụ Đông - Xuân (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…).
* Chăn nuôi
Tổng số đàn trâu tháng 12/2017 ước thực hiện là 5,33 ngàn con bằng 95,04% so cùng kỳ năm trước; đàn bò ước thực hiện 13,5 ngàn con bằng 101,01% so cùng kỳ năm trước; tổng đàn lợn ước thực hiện 446 ngàn con bằng 93,04% so cùng kỳ năm trước; tổng đàn gia cầm 7,85 triệu con bằng 102,63%, trong đó: đàn gà 6,22 triệu con bằng 102,22% so với cùng kỳ năm trước.
Với công tác thú y được đảm bảo, không có dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi. Ở những tháng cuối năm giá thực phẩm có phần tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng; giá giống lợn cũng tăng theo một phần do nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi; riêng giá giống gia cầm ổn định và có xu hướng giảm ở thời gian tới do người chăn nuôi đã vào đàn để kịp tiêu thụ trong dịp tết nguyên đán cũng như phục vụ cho những dịp lễ hội đầu năm...
2.2. Sản xuất lâm nghiệp
Tổng số gỗ khai thác tháng 12 ước đạt 302 m3, bằng 97,42%; năm 2017 ước đạt 3.200 m3 bằng 101,91% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác từ rừng trồng là chủ yếu. Khối lượng củi khai thác tháng 12 ước đạt 5.700 ste, bằng 103,92% so cùng kỳ năm trước; 12 tháng ước đạt 65.500 ste bằng 103,97% so năm 2016.
Trong tháng 12 không xảy ra cháy rừng, không có phá rừng trái phép; tính đến nay năm 2017 xảy ra 10 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy khoảng 23,25 ha, chủ yếu cháy thực bì, không làm giảm diện tích rừng; có 04 vụ phá rừng trái phép (trong đó có 01 vụ phá rừng phòng hộ chắn sóng thi công 01 trụ cầu; 01 vụ chặt phá rừng phòng hộ ven biển…).
Diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh cả năm sơ bộ đạt 1.550 ha, bằng 100,0% so cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ sơ bộ đạt 18.705,4 ha, bằng bằng 100% so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích rừng trồng mới tập trung năm 2017 sơ bộ đạt 403 ha bằng 52,8% kế hoạch năm và bằng 100% so với năm trước, rừng trồng mới được trồng chủ yếu rừng phòng hộ ven biển, ven sông và rừng đồi núi…
Số cây lâm nghiệp trồng phân tán cả năm 2017 sơ bộ đạt 208 nghìn cây bằng 100% kế hoạch năm và chỉ bằng 54,03% so với năm trước, trong đó: trồng cây tạo cảnh quan khu vực công cộng các xã nông thôn mới do ngân sách thành phố hỗ trợ 69,5 ngàn cây, huy động tổ chức cá nhân và hộ gia đình trồng cây cải tạo vườn tạp, vườn đồi, các cơ sở sản xuất kinh doanh 139,0 ngàn cây với chủ yếu là cây ăn quả, cây dược liệu, cây lấy gỗ, cây bóng mát…
2.3. Sản xuất thủy sản
* Nuôi trồng thủy sản
Diện tích nuôi thả thủy sản cả năm thực hiện 12.757,7 ha bằng 108,59% so với năm trước. Trong đó: diện tích nuôi cá các loại 7.912,6 ha bằng 97,97% so với cùng kỳ năm trước, diện tích nuôi tôm các loại 3.338,2 ha bằng 105,99% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: diện tích nuôi tôm sú 2.360,7 ha tăng 8,73%; diện tích nuôi thả thủy sản khác 1.507 ha, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 12/2017 ước thực hiện 5.036,3 tấn, bằng 94,49% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng cả năm 2017 thực hiện 61.752 tấn, tăng 24,92% so với cùng kỳ, sản lượng nuôi thủy sản năm 2017 tăng cao so với cùng kỳ, do năng suất bình quân chung và sản lượng cá tôm nuôi khu vực nước ngọt, nước lợ đều tăng, tăng chủ yếu là do sản lượng thủy sản khác (ngao nước mặn) cho năng suất và sản lượng cao.
* Khai thác thủy sản
Khai thác thủy sản trên biển theo mô hình tổ, đội đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn; hạn chế được những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, sự cố kỹ thuật; hạn chế việc tàu nước ngoài tấn công, bắt giữ, tịch thu tài sản. Ước tính sản lượng khai thác tháng 12 đạt 12.079,9 tấn bằng 105,85% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng khai thác thủy sản cả năm 2017 đạt 79.920,6 tấn bằng 109,55% so với cùng kỳ năm trước.
3. Đầu tư xây dựng
Dự tính vốn đầu tư thực hiện năm 2017 trên địa bàn thành phố đạt 69.371 tỷ đồng, tăng 23,04% so với năm 2016. Chia ra:
- Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện đạt 16.315 tỷ đồng, tăng 21,91% so với cùng kỳ, trong đó: Vốn Trung ương quản lý là 7.663 tỷ đồng, giảm 2,51% so với cùng kỳ; vốn địa phương quản lý là 8.652 tỷ đồng, tăng 56,68% so với cùng kỳ;
- Vốn ngoài nhà nước thực hiện là 34.711,6 tỷ đồng, tăng 31,75% so với cùng kỳ;
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện là 18.344,4 tỷ đồng, tăng 10,16% so với cùng kỳ.
Tình hình đầu tư trên địa bàn Hải Phòng năm 2017 có nhiều khởi sắc, góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố. Trong tổng vốn đầu tư phát triển, khu vực ngoài nhà nước có sức tăng đầu tư mạnh mẽ nhất, uớc năm 2017 tăng 31,75% so với năm 2016. Đây chính là thành quả của chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố. Các nhà đầu tư đến từ các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, tập đoàn Flamingo,… Các dự án điển hình do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư: Dự án khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên với tổng mức đầu tư dự kiến 19.000 tỷ đồng; Dự án Bệnh viện quốc tế Vinmec Hải Phòng với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng; Dự án khu đô thị phức hợp Vinhomes River side Hải Phòng với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư Dự án xây dựng khu cảng hàng hóa, bến tàu du lịch, ga cáp treo, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch, khu dịch vụ hậu cần du lịch (giai đoạn 1) trên đảo Cát Bà. Bên cạnh đó là dự án công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Quán Toan đến Cầu Nghìn (Hải Phòng) với tổng mức đầu tư 2.815 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tasco làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng khách sạn 5 sao Hilton với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng; Dự án khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Tràng Cát với tổng mức đầu tư 6.300 tỷ đồng; Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến do công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 7.661 tỷ đồng)... Nhìn chung các dự án được chủ đầu tư và nhà thầu tích cực triển khai thực hiện góp phần đẩy nhanh tiến độ của các dự án và kéo vốn đầu tư phát triển khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng cao so với cùng kỳ.
Bên cạnh khu vực ngoài nhà nước có mức tăng cao so với cùng kỳ, vốn đầu tư phát triển khu vực nhà nước cũng đạt mức tăng cao (+21,91%). Trong đó, nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý có mức tăng cao nhất trong vài năm trở lại đây, ước năm 2017 tăng 56,68% so với năm 2016. Điển hình là Dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm với kế hoạch đầu tư trong năm 2017 là 3.131 tỷ đồng (ngân sách 1.821 tỷ đồng); Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng; dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn; dự án Xây dựng công viên cây xanh từ bến xe Tam Bạc đến chân cầu đường bộ Tam Bạc (giai đoạn 2);…
Nguồn vốn Trung ương quản lý ước năm 2017 giảm 2,51% so với năm 2016, nguyên nhân chủ yếu do dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện đã hoàn thiện đưa vào sử dụng nên khối lượng giảm nhiều so với cùng kỳ.
Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có những đóng góp quan trọng trong thực hiện vốn đầu tư phát triển. Ước năm 2017 nguồn vốn FDI tăng 10,16% so với cùng kỳ, tuy vậy mức độ thu hút vốn FDI chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số dự án lớn ước thực hiện năm 2017: Dự án LG Display Hải Phòng (dự án chuỗi dây chuyền sản xuất các sản phẩm màn hình công nghệ cao) ước thực hiện 495 triệu USD; Dự án công ty Regina Miracle Internatinonal Việt Nam 109 triệu USD; Dự án mở rộng khu công nghiệp Đình vũ 42 triệu USD... Bên cạnh đó, các dự án FDI lớn nhất từ trước đến nay đầu tư vào Hải Phòng đã đi vào hoạt động và tiếp tục đầu tư như: Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe ô tô Bridgestone Corporation đầu tư giai đoạn 2; Dự án LGE sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao.
Tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm đến thời điểm hiện nay trên địa bàn:
- Dự án cầu Hàn, cầu Đăng là hai dự án xây dựng hai cây cầu bê tông cốt thép thay thế cầu phao nối liền huyện Tiên Lãng với huyện Vĩnh Bảo. Dự án được khởi công vào 1/5/2017 với tổng đầu tư hơn 340 tỷ đồng, hiện tại khối lượng thi công đạt 95%, đảm bảo tiến độ đề ra. Ngày 17/12 hoàn thiện bê tông mặt cầu, ngày 27/12 kiểm định thử tải và dự kiến 31/12 sẽ hoàn thành.
- Dự án xây dựng Nút giao thông khác mức Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ sử dụng nguồn từ ngân sách thành phố được khởi công chính thức vào ngày 3/3/2017. Sau 10 tháng thi công khẩn trương, ngày 4/12/2017 dự án đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
- Ngày 25/11/2017 tập đoàn Flamingo làm chủ đầu tư đã khởi công tổ hợp nghỉ dưỡng 5 sao Flamingo Cát Bà Beach Resort tại bãi biển Cát Cò 2, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải với tổng đầu tư 3.000 tỷ đồng.
* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 14/12/2017, Hải Phòng có 524 dự án còn hiệu lực:
Tổng vốn đầu tư : 14.505,21 triệu USD
Vốn điều lệ : 4.337,38 “
Việt Nam góp : 212,19 “
Nước ngoài góp : 4.125,19 “
Từ ngày 21/11/2017 đến 14/12/2017 có 09 dự án cấp mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 47,65 triệu USD, trong đó lớn nhất là DỰ ÁN SẢN XUẤT ĐIỆN KHÍ WOLONG (VIỆT NAM) với vốn đầu tư 30 triệu USD của nhà đầu tư Hồng Kông. Có 02 dự án/doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng 67,85 triệu USD.
Từ đầu năm đến 14/12/2017: Toàn thành phố có 58 dự án cấp mới với số vốn 215,21 triệu USD. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu với 19 dự án đăng ký mới cùng số vốn đăng ký là 69,85 triệu USD, chiếm 32,46%; tiếp theo là dòng vốn đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản với 10 dự án, tổng vốn đạt 62,59 triệu USD, chiếm 29,06%; đứng thứ 3 là Hồng Kong với 09 dự án, vốn đầu tư là 34,84 triệu USD, chiếm 16,19%. Có 36 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 643,25 triệu USD.
Cũng từ đầu năm đến 14/12/2017 có 16 dự án chấm đứt hoạt động.
Ước thực hiện vốn đầu tư: 41,1%.
4. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Năm 2017 hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn thành phố tiếp tục ổn định và phát triển. Các đơn vị đẩy mạnh sản xuất, thu gom, dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho dịp tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó, thị trường hàng điện tử, điện máy cũng có chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng kéo doanh thu của các mặt hàng điện máy tháng 12/2017 tăng mạnh so tháng trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 năm 2017 ước đạt 9.657,53 tỷ đồng, tăng 4,08% so với tháng trước và tăng 17,51% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn năm 2017 ước đạt 103.594,02 tỷ đồng, tăng 14,48% so với cùng kỳ.
* Chia theo khu vực kinh tế
- Khu vực kinh tế nhà nước đạt 273,45 tỷ đồng, tăng 0,65% so với tháng trước, tăng 9,78% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn năm 2017, khu vực kinh tế nhà nước ước đạt gần 2.904,72tỷ đồng, tăng 10,05% so với cùng kỳ;
- Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 8.888,37 tỷ đồng, tăng 4,10% so với tháng trước và tăng 17,82% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn cả năm 2017, khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 95.438,94 tỷ đồng, tăng 13,81% so với cùng kỳ;
- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 495,71 tỷ đồng, tăng 5,62% so với tháng trước, tăng 16,45% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn năm 2017, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5.250,36 tỷ đồng, tăng 11,91% so với cùng kỳ.
* Chia theo ngành hoạt động
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 12 năm 2017 ước đạt 6.955,41 tỷ đồng, tăng 5,20% so với tháng trước, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn năm 2017 ước đạt gần 77.457,60 tỷ đồng, tăng 13,77% so với cùng kỳ năm trước;
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 12 năm 2017 ước tính tăng ở hầu hết các ngành hàng, cụ thể: lương thực, thực phẩm tăng 5,64%; hàng may mặc tăng 11,58%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,36%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 6,52%; xăng dầu tăng 5,67%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 2,72%...
Tính chung cả năm 2017 so với năm 2016, doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 13,77%. Một số nhóm ngành hàng có mức tăng trưởng cao như: lương thực, thực phẩm tăng 15,63%; hàng may mặc tăng 14,28%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,00%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 14,26%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 14,353%; xăng dầu tăng 20,48%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 12,42%...
- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 12 năm 2017 ước đạt 117,99 tỷ đồng, giảm 2,16% so với tháng trước và tăng 16,86% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn năm 2017 ước đạt 1.354,75 tỷ đồng, tăng 11,39% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 12/2017 ước đạt 1.385,95 tỷ đồng, tăng 2,57% so với tháng trước và tăng 20,20% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn năm 2017 ước đạt 14.159,34 tỷ đồng, tăng 18,85% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống chủ yếu tăng ở ngành dịch vụ ăn uống; nguyên nhân do thời điểm cuối năm nhu cầu cưới hỏi, liên hoan…tăng. Doanh thu lưu trú giảm 2,16% so với tháng trước, chủ yếu giảm ở khối lượng khách nội địa tại khu vực Cát Bà và Đồ Sơn do hết mùa du lịch biển. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, doanh thu lưu trú 12 tháng năm 2017 vẫn tăng 11,39%.
- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 12 năm 2017 ước đạt 17,69 tỷ đồng, tăng 1,61% so với tháng trước, tăng 6,74% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn năm 2017 ước đạt gần 191,38 tỷ đồng, tăng 20,52% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu lữ hành tăng nhẹ so với tháng 11 do các hãng hàng không và các công ty lữ hành cung cấp các tua du lịch với mức giá hấp dẫn nhằm kích cầu du lịch.
- Doanh thu dịch vụ khác tháng 12 năm 2017 ước đạt 1.180,47 tỷ đồng, tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 19,53% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn năm 2017 ước đạt 10.430,95 tỷ đồng, tăng 14,40% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 12 doanh thu các ngành dịch vụ tăng mạnh do thời điểm cuối năm một số dịch vụ về nhà ở, sửa chữa nhà, cắt uốn tóc, làm đẹp tăng. Cụ thể: dịch vụ bất động sản tăng 4,04%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 2,7%; dịch vụ sửa chữa máy tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 3,57%...
5. Hoạt động lưu trú và lữ hành
Tổng lượt khách tháng 12 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 516,25 ngàn lượt, giảm 1,46% so với tháng trước và tăng 6,72% so với cùng tháng năm 2016; trong đó khách quốc tế ước đạt 69,5 ngàn lượt, giảm 1,29% so với tháng trước và tăng 7,84% so với cùng tháng năm trước.
Tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ năm 2017 ước đạt 6.707 ngàn lượt, tăng 12,45% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với hoạt động lữ hành, lượt khách lữ hành tháng 12 năm 2017 ước đạt 9,4 ngàn lượt tăng 3,37% so với tháng trước, tăng 5,48% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn năm 2017, lượng khách tour ước tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2016.
6. Vận tải hàng hóa và hành khách
6.1. Vận tải hàng hoá
Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 12 năm 2017 ước đạt 14,6 triệu tấn, tăng 6,39% so với tháng trước và tăng 15,95% so với cùng tháng năm trước. Ước năm 2017 khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 153,9 triệu tấn, tăng 14,57% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 12 năm 2017 đạt 8.412,9 triệu tấn.km, tăng 8,97% so với tháng trước và tăng 22,64% so với cùng tháng năm trước. Ước tính năm 2017 khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 85.226,5 triệu tấn.km, tăng 14,58% so với cùng kỳ.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển, luân chuyển tháng 12 tăng do tác động của cả 3 tuyến đường bộ, đường biển viễn dương và đường thủy nội địa.
6.2. Vận tải hành khách
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 12 năm 2017 đạt 5,0 triệu lượt, tăng 4,52% so với tháng trước, tăng 20,71% so với cùng tháng năm trước. Ước tính năm 2017 khối lượng hành khách vận chuyển đạt 54,4 triệu lượt, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 12 năm 2017 đạt 196,4 triệu Hk.km, tăng 4,84% so với tháng trước và tăng 19,88% so với cùng tháng năm trước. Ước tính năm 2017 khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 2.150,7 triệu Hk.km, tăng 13,75% so với cùng kỳ năm trước.
6.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải phát triển ổn định, cụ thể doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 12 năm 2017 ước đạt 2.241,1 tỷ đồng, tăng 8,11% so với tháng trước và tăng 20,3% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 12 tháng năm 2017 doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 22.885,5 tỷ đồng, tăng 13,71% so với cùng kỳ năm trước.
6.4. Sân bay Cát Bi
Tháng 12 năm 2017 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 16,8 tỷ đồng, tăng 5,3% so với tháng 11 năm 2017; tăng 17,35% so với cùng tháng năm 2016; cả năm 2017 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 197,5 tỷ đồng, tăng 42,65% so với cùng kỳ năm trước.
Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 12 năm 2017 ước đạt 1050 chuyến, tăng 4,58% so với tháng 11 năm 2017, giảm 8,22% so với cùng tháng năm 2016; ước tính 12 tháng số lần máy bay hạ, cất cánh đạt 13,7 ngàn chuyến, tăng 10,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chuyến bay ngoài nước tháng 12 ước đạt 90 chuyến, với khoảng 12 ngàn lượt hành khách thông qua.
Tổng số hành khách tháng 12 năm 2017 ước đạt 172 ngàn lượt người, tăng 5,53% so với tháng 11 năm 2017, tăng 11,55% so với cùng tháng năm 2016; ước tính 12 tháng tổng số hành khách đạt 2.057,8 ngàn lượt, tăng 15,46% so với cùng kỳ năm trước.
6.5. Ga Hải Phòng
Tổng doanh thu tháng 12 năm 2017 Ga Hải Phòng ước đạt 13,5 tỷ đồng, tăng 10,91% so với tháng 11 năm 2017, giảm 1,25% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 12 tháng năm 2017 tổng doanh thu của Ga Hải Phòng đạt 121,7 tỷ đồng, tăng 19,96% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số hành khách vận chuyển tháng 12 năm 2017 ước đạt 50 ngàn lượt người, tăng 19,93% so với tháng trước, giảm 10,58% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 12 tháng số hành khách đạt 590,9 ngàn lượt người, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng số hàng hóa vận chuyển tháng 12 năm 2017 ước đạt 143 ngàn tấn, tăng 7,92% so với tháng 11 năm 2017, tăng 34,12% so với cùng tháng năm trước; ước tính 12 tháng hàng hóa vận chuyển đạt 1.258,7 ngàn tấn, tăng 44,62% so với cùng kỳ năm 2016.
7. Hàng hoá thông qua cảng
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 12 năm 2017 ước đạt 8,885 triệu TTQ, tăng 3,27% so với tháng trước và tăng 11,24% so với cùng kỳ năm trước; năm 2017 sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 92,05 triệu tấn tăng 16,67% so với cùng kỳ.
Ngày 04/12/2017, thành phố đã khánh thành công trình cầu vượt và nút giao thông khác mức Nguyễn Bỉnh Khiêm, đây là nút giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong lưu thông hàng hóa qua cảng Hải Phòng; khi đưa công trình vào sử dụng vừa rút ngắn được thời gian vận chuyển vừa giảm được chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp. Mặt khác từ tháng 12/2017, Cục Hải quan Hải Phòng đã chính thức triển khai Hệ thống quản lý Hải quan tự động tại Cảng biển Hải Phòng. Hệ thống này giúp doanh nghiệp kinh doanh cảng được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, khoa học và minh bạch; các hãng tàu và đại lý hãng tàu, nhờ việc giải phóng hàng hóa nhanh chóng nên thời gian quay vòng sử dụng vỏ container được rút ngắn, hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng khai thác, nâng cao hiệu quả kinh doanh vận tải quốc tế. Dự báo trong thời gian tới lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố sẽ tăng lên đáng kể.
* Doanh thu cảng biển tháng 12 năm 2017 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 395,9 tỷ đồng, tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước; cả năm 2017 ước đạt 4.621,55 triệu đồng; tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước.
8. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hải Phòng tháng 12 năm 2017 giảm 0,14% so với tháng trước, tăng 3,35% so với tháng 12/2016. CPI bình quân cả năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,36%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm chỉ số giá tăng với mức tăng như sau: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,36%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,32%; nhóm giao thông tăng 0,55%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%. Có 2 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,41%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,65%. Chỉ số giá của 04 nhóm hàng còn lại là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục ổn định.
CPI bình quân năm 2017 tăng được xác định do một số nguyên nhân chủ yếu:
- Giá dịch vụ y tế tăng đợt 2 theo Thông tư của Bộ Y tế và Bộ Tài chính; các bệnh viện đa khoa điều chỉnh tăng giá viện phí, trong đó: giá dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 7,37%, khám chữa bệnh nội trú tăng 11,71% làm cho chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 42,39%, đóng góp vào CPI cả năm tăng 2,53%.
- Thực hiện lộ trình, các trường Đại học, trường phổ thông ngoài công lập, trường Cao đẳng tăng học phí làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 6,29%, đóng góp vào CPI chung cả năm tăng 0,37%.
- Nhóm giao thông 12 tháng tăng 5,56% so với bình quân cùng kỳ năm trước đóng góp vào CPI chung cả năm tăng 0,39%, tác động chính bởi giá xăng, dầu diezen tăng 15,34%.
- Nhóm lương thực 12 tháng tăng 5,99% đóng góp vào CPI chung cả năm tăng 0,17%, trong đó: giá gạo tăng 7,15%, nguyên nhân do ảnh hưởng của tác động mưa bão, sản lượng thóc thu hoạch vụ mùa giảm nên giá gạo tăng.
- Trong 12 tháng năm 2017 nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,69% đóng góp vào CPI chung cả năm tăng 0,36%, tác động chính bởi giá nước tăng 30,74% do giá nước được điều chỉnh tăng giá từ 10.200 đồng/m3 lên 12.720 đồng/m3 áp dụng từ ngày 01/01/2017. Ngoài ra do ảnh hưởng bởi giá gas thế giới chỉ số giá gas tăng 15,73% so với bình quân cùng kỳ; giá dầu hỏa được điều chỉnh tăng 23,01% so với bình quân cùng kỳ.
- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,88% so với cùng kỳ đóng góp vào CPI chung cả năm tăng 0,06%, tác động chủ yếu bởi chỉ số giá bảo hiểm y tế tăng 4,76% do lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức,… tăng từ 01/7/2017 theo nghị định 47/2017/NĐ-CP từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng và giá dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 12,24% do việc điều chỉnh tăng lệ phí đổ rác (vệ sinh) từ 30.000 đồng/hộ lên 40.000 đồng/hộ áp dụng từ ngày 01/02/2017.
Tuy nhiên trong 12 tháng, vẫn còn có một số yếu tố làm CPI giảm như sau:
Giá thực phẩm năm 2017 giảm 3,67% so với bình quân cùng kỳ, tác động chính bởi giá thịt lợn hơi giảm liên tiếp trong sáu tháng đầu năm (giảm 16,74% so với cùng kỳ).
Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%, trong đó chỉ số giá thiết bị điện thoại giảm 0,25% do một số dòng máy điện thoại giảm giá do nhu cầu tiêu dùng giảm.
9. Bưu chính, viễn thông
* Bưu chính, viễn thông Hải Phòng
Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông Hải Phòng tháng 12 năm 2017 ước đạt 116,4 tỷ đồng, tăng 6,24% so với tháng 11 năm 2017 và tăng 0,71% so với cùng tháng năm 2016. Ước tính 12 tháng doanh thu bưu chính, viễn thông đạt 1.316,5 tỷ đồng, tăng 9,45% so với cùng kỳ năm trước.
Số thuê bao điện thoại phát triển mới tháng 12 năm 2017 ước đạt 1.330 thuê bao, tăng 3,26% so với tháng trước, tăng 0,76% so với cùng tháng năm 2016. Ước tính 12 tháng số thuê bao điện thoại phát triển mới đạt 15.075 thuê bao, tăng 12,35% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số thuê bao di động trả sau phát triển mới, khu vực ngoại thành tháng 12 năm 2017 ước đạt 560 máy, tăng 0,54% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 12 tháng đạt 6.201 thuê bao, tăng 14,03% so với cùng kỳ năm trước.
Số thuê bao Internet phát triển mới tháng 12 năm 2017 ước đạt 6.000 thuê bao, tăng 2,04% so với tháng trước, giảm 8,09% so với cùng tháng năm 2016. Ước tính 12 tháng số thuê bao Interet phát triển mới đạt 68,9 ngàn thuê bao, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
* Chi nhánh Trung tâm viễn thông quân đội Viettel
Tổng doanh thu của Chi nhánh viễn thông quân đội Viettel tháng 12 năm 2017 ước đạt 109,5 tỷ đồng, tăng 3,33% so với tháng trước, tăng 6,34% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 12 tháng năm 2017 tổng doanh thu của Chi nhánh viễn thông quân đội Viettel ước đạt 1.261,0 tỷ đồng, tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước.
Số máy thuê bao điện thoại phát triển mới ước đạt 8.722 thuê bao, tăng 1,18% so với tháng trước, tăng 49,73% so với cùng tháng năm 2016. Ước tính 12 tháng số máy thuê bao điện thoại phát triển mới đạt 90,3 ngàn thuê bao, giảm 69,9% so với cùng kỳ năm trước.
Số thuê bao Intenet phát triển mới tháng 12/2017 ước đạt 2.100 thuê bao, tăng 5,0% so với tháng 11 năm 2017, tăng 75,0% so với cùng tháng năm trước; ước tính 12 tháng số thuê bao Intenet phát triển mới đạt 19,7 ngàn thuê bao, tăng 37,0% so với cùng kỳ năm trước.
10. Tài chính - Ngân hàng
10.1. Tài chính
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước cả năm 2017 đạt 66.863 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ, trong đó: thu nội địa 21.500 tỷ đồng, tăng 26,2% so cùng kỳ; thuế Hải Quan 42.500 tỷ đồng, tăng 5,7% so cùng kỳ.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương 1.960 tỷ đồng, tăng 1,7% so cùng kỳ; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước địa phương 1.100 tỷ đồng, bằng 10,3% so cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 3.134 tỷ đồng; thu từ khu vực cá thể nhỏ và ngoài quốc doanh 3.486 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân 1.310 tỷ đồng, tăng 1,7% so cùng kỳ...
Tổng chi cân đối ngân sách địa phương cả năm 2017 ước tính 20.228,8 tỷ đồng, tăng 25,1% so cùng kỳ, trong đó: chi đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 8.304,7 tỷ đồng, chi thường xuyên ước đạt 8.789 tỷ đồng, tăng 7,3% so cùng kỳ.
10.2. Ngân hàng
* Công tác Tiền tệ - Kho quỹ:
Năm 2017 công tác điều hoà lưu thông tiền mặt thực hiện tốt, đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu tiền mặt cho khách hàng, không để xảy ra trường hợp nào khất hoãn chi, đảm bảo an toàn tài sản. Chất lượng dịch vụ ATM thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu rút tiền mặt 24/7 của người dân.
Tháng 12/2017, ước thực hiện tổng thu là 55.364 tỷ đồng bằng 107,90% so với cùng kỳ năm 2016; tổng chi tiền mặt là 55.122 tỷ đồng, bằng 104,96% so với cùng kỳ năm 2016.
* Công tác huy động vốn:
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/12/2017 đạt 165.376 tỷ đồng, tăng 17,10% so với đầu năm.
Theo loại tiền: chủ yếu là VND đạt 153.918 tỷ đồng bằng 117,12% so với năm 2016, tỷ trọng chiếm 93,1%; ngoại tệ đạt 11.458 tỷ đồng bằng 116,8% so với năm 2016, tỷ trọng chiếm 6,9%.
Theo hình thức huy động: Huy động tiền gửi tiết kiệm đạt 114.836 tỷ đồng, bằng 118,28% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 69,43%; tiền gửi thanh toán đạt 46.055 tỷ đồng, bằng 109,21% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 27,85%; phát hành giấy tờ có giá là 4.485 tỷ đồng.
* Công tác tín dụng:
Tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước thực hiện đến 31/12/2017 đạt 100.258 tỷ đồng, tăng 17,09% so với đầu năm.
Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND đạt 92.193 tỷ đồng, bằng 119,12% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 91,96%; cho vay ngoại tệ (quy VND) ước đạt 8.065 tỷ đồng, bằng 97,96% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 8,04%.
Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: cho vay ngắn hạn đạt 44.983 tỷ đồng bằng 125,30% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 44,87%; cho vay trung, dài hạn đạt 55.275 tỷ đồng, bằng 111,16% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 55,13%.
11. Xuất nhập khẩu hàng hóa
11.1. Xuất khẩu hàng hoá
Kim ngạch xuất khẩu tháng 12 năm 2017 ước đạt 565,1 triệu USD, tăng 0,68% so với tháng trước; trong đó: khu vực kinh tế trong nước ước đạt 157,2 triệu USD, tăng 0,58%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 407,9 triệu USD, tăng 0,97%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12 năm 2017 ước tăng 25,94%, trong đó: khu vực kinh tế trong nước ước tăng 20,96%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước tăng 27,98%.
Tính chung năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6.524,5 triệu USD, tăng 22,96% so với cùng kỳ; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 1.809,5 triệu USD, tăng 116%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.715 triệu USD, tăng 25,84%.
Một số mặt hàng xuất khẩu trong 12 tháng năm 2017 có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản phẩm Plastic đạt 374 triệu USD, tăng 24,28%; hàng dệt may đạt 357,8 triệu USD, tăng 19,15%; giày dép đạt 1.427,8 triệu USD, tăng 14,47%; hàng điện tử đạt 302,9 triệu USD, tăng 26,4%; dây điện và cáp điện đạt 536,2 triệu USD, tăng 23,68%.
11.2. Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch nhập khẩu tháng 12 ước đạt 570,2 triệu USD, tăng 0,38% so với tháng trước; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 210,8 triệu USD, tăng 0,05%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 359,4 triệu USD, tăng 0,58%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 12 năm 2017 tăng 28,08%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 24,25%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,44%.
Tính chung năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 6.597,2 triệu USD, tăng 24,73% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 1.985,8 triệu USD, tăng 21,62%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.611,4 triệu USD, tăng 26,13%.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trong 12 tháng năm 2017 tăng cao hơn so với cùng kỳ: Hóa chất đạt 81,9 triệu USD, tăng 20,45%; phụ liệu hàng may mặc đạt 221,9 triệu USD, tăng 19,14%; phụ liệu giày dép đạt 901,1 triệu USD, tăng 18,94%; Ô tô đạt 10,9 triệu USD, tăng 25,19%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 898,5 triệu USD, tăng 26,58%.
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Lao động- thương binh, xã hội
* Công tác Lao động, việc làm:
Năm 2017, dự kiến giải quyết việc làm được 54.300 lượt lao động, đạt 102,45% kế hoạch năm và bằng 100,56% so với cùng kỳ năm 2016. Sàn giao dịch việc làm thành phố tổ chức được 36 phiên giao dịch việc làm với 1.211 lượt doanh nghiệp tham gia, tổng nhu cầu tuyển dụng là 63.221 lao động, trong đó lao động nữ là 27%. Cung lao động tại sàn đạt 81.185 lượt người, gấp trên 1,28 lần nhu cầu tuyển dụng.
Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 350.749 người. Tỷ lệ động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 30,5% đạt 103,6% kế hoạch, bằng 106% so với năm 2016.
Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp cho 12.200 người tăng 16,28% so với năm 2016; giải quyết cho 12.000 người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, tăng 16,41% so với năm 2016, với tổng số tiền trên 160 tỷ đồng, tăng 48,15% so với năm 2016. Tổng số lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp là 327.800 người, tăng 6,29% so với năm 2016 (308.405 người); tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHTN là 28,5%.
Trên địa bàn, năm 2017 đã xảy ra 08 vụ đình công (giảm 07 vụ so cùng kỳ 2016) với 2.170 lao động tham gia, (giảm 5.200 người so với năm 2016). Xảy ra 13 vụ tai nạn lao động chết người, làm 13 người chết và 03 người bị thương (so với cùng kỳ năm 2016, số vụ tai nạn lao động chết người không tăng nhưng số người chết tăng 02 người).
* Công tác dạy nghề:
Tính đến hết năm 2017, ước tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố là 69 đơn vị. Tổng số tuyển sinh trên toàn thành phố ước đạt 48.500 học sinh - sinh viên, đạt 100% kế hoạch năm, bằng năm 2016, trong đó: ước đào tạo trình độ cao đẳng nghề 5.000 sinh viên, đạt 90,9% kế hoạch năm, bằng 108% so với năm 2016; trình độ trung cấp nghề 3.500 học sinh, đạt 140% kế hoạch năm, bằng 93% so với năm 2016; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên đạt 40.000 học viên, đạt 99% kế hoạch năm, bằng 99% so với năm 2016.
Triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017, có 16 cơ sở đào tạo ước hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.078 học viên là lao động nông thôn, đảm bảo các đối tượng chính sách được thụ hưởng kinh phí hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại theo quy định.
* Công tác người có công
Tổ chức tốt việc thực hiện chính sách, thăm hỏi, tăng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp lễ, tết. Thực hiện tốt chính sách, thăm hỏi, tăng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, Liệt sỹ với tổng số tiền 148 tỷ đồng, trong đó mức tặng quà cho gia đình liệt sỹ, người có công là 2,45 triệu đồng/đối tượng. Thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi thường xuyên hàng tháng cho 32.530 người có công, đảm bảo kịp thời. Hỗ trợ kinh phí làm mới, sửa chữa nhà ở cho 7.498 hộ người có công với tổng kinh phí trên 224,3 tỷ đồng.
* Bảo trợ xã hội
Tặng quà, trợ giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách xã hội với tổng kinh phí trên 64,87 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ. Công tác chăm sóc người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm, triển khai đồng bộ. Tích cực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách. Chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho các đối tượng kịp thời, chính xác, đảm bảo đúng quy định.
* Phòng, chống tệ nạn xã hội.
Năm 2017 tiếp nhận, quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các Cơ sở cai nghiện ma túy cho 3.400 lượt học viên bằng 109,89% so với cùng kỳ năm trước. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 310 người bằng 71,59% so với cùng kỳ năm trước. Điều trị Methadone cho 1.000 người bằng 111,1% so với cùng kỳ năm trước.
2. Công tác Y tế - An toàn vệ sinh thực phẩm
Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh xảy ra; đặc biệt dịch sốt xuất huyết đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước song tại thành phố dịch đã được khống chế và kiểm soát, hạn chế thấp nhất số người mắc, không để xảy ra tử vong. Tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Đảm bảo an toàn tiêm chủng và duy trì đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Phê duyệt Đề án mô hình điểm quản lý thức ăn trên đường phố: "cải thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố giai đoạn 2017 - 2019". Tổ chức hội nghị ký kết Chương trình phối hợp về đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
3. Công tác Văn hóa - Thể thao
Các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố được tổ chức chu đáo, an toàn, ấn tượng, nhất là tổ chức giao lưu văn hóa Nhật Bản và triển lãm hoa Anh Đào tại thành phố năm 2017, kỷ niệm 62 năm Ngày giải phòng Hải Phòng và lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2017. Tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao thành phố lần thứ VIII năm 2017.
Khái quát lại, kinh tế - xã hội thành phố năm 2017 đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 13,64%, cao hơn mức tăng 11,46% của cùng kỳ năm 2016; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của thành phố đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ như: chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, sản lượng hàng qua cảng, thu hút khách du lịch… Các dự án, công trình hạ tầng trọng điểm của Trung ương và thành phố bảo đảm tiến độ; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: giải phóng mặt bằng tại một số dự án chưa đảm bảo tiến độ; kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa đạt kế hoạch; vẫn còn tình trạng thất thu, thất thoát, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại dịch vụ; an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng còn chưa dứt điểm…
Năm 2018, tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới dự báo cao hơn năm 2017. Nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung cao công tác chỉ đạo, điều hành, nghiêm túc quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2018, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tăng cường kỷ cương - thu chi ngân sách.
Hai là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Ba là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, mở rộng không gian đô thị.
Bốn là, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm là, tiếp tục chăm lo đến công tác an sinh, phúc lợi xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự - trị an./.
Nhấn vào download để tải file số liệu - Download
Tác giả: Cục Thống kê Hải Phòng
Bài viết liên quan
-
Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tháng 3 năm 2018
29/03/2018 -
Tình hình KT-XH tháng 6, 6 tháng năm 2018 thành phố Hải Phòng
29/06/2018 -
Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tháng 9 năm 2018
29/09/2018 -
Tổng quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 thành phố Hải Phòng qua góc nhìn thống kê
29/12/2018 -
Số liệu thống kê chủ yếu thành phố Hải Phòng quý I/2019
29/03/2019 -
Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tháng 9, 9 tháng năm 2017
29/09/2017 -
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017
29/06/2017 -
Tình hình kinh tế xã hội tháng 3/2017 thành phố Hải Phòng
29/03/2017 -
Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng năm 2016
29/12/2016 -
Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tháng 7 năm 2016
29/07/2016
Bài viết mới nhất
- Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, 9 tháng năm 2024 thành phố Hải Phòng
- Infographic tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 9, 9 tháng đầu năm 2024 thành phố Hải Phòng
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bão Yagi có thể khiến GDP năm 2024 của Việt Nam giảm 0,15%
- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025