Hải Phòng: Đảm bảo nguồn lực chi đầu tư phát triển

Thứ ba - 26/09/2023 11:19
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, nguy cơ lạm phát, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế tiêu dùng, khó khăn trong công tác thu ngân sách... Thành phố Hải Phòng đã thực hiện nhiều giải pháp để cân đối đảm bảo đủ nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết thúc năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố Hải Phòng đạt hơn 106.600 tỷ đồng, là năm đầu tiên thành phố vượt mức thu ngân sách 100 nghìn tỷ đồng, nằm trong tốp đầu của cả nước. Bước sang năm 2023 để tăng cường cho đầu tư phát triển, Thành phố quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước hàng năm tăng so với dự toán Trung ương giao, trong đó giao tăng các khoản thu nội địa, bao gồm cả các khoản cân đối chi đầu tư như: Thu tiền sử dụng đất; phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển... qua đó tăng thêm nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
 
Hải Phòng: Đảm bảo nguồn lực chi đầu tư phát triển
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh 
nhấn nút phát lệnh chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân
 
Thành phố thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng nâng tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã trên địa bàn... Nhờ đó, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển tiếp tục được tăng cường, tỷ trọng chi đầu tư trên tổng chi ngân sách địa phương tăng liên tục qua các năm và dần tiệm cận mục tiêu Nghị quyết, Kế hoạch đề ra.

Trong bối cảnh xung đột địa chính trị giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ khiến cho khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, nguy cơ lạm phát, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế - xã hội cũng như tác động không nhỏ đến công tác thu ngân sách. Thành phố điều hành chi ngân sách một cách chủ động, linh hoạt, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, nhiệm vụ chi, như các khoản chi lương; chi thường xuyên; chi chế độ an sinh xã hội, các Chương trình, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố; khởi công, khánh thành các dự án lớn, trọng điểm...

Đặc biệt, Thành phố triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, trong đó có cơ chế quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước bao gồm: Hạn mức dư nợ vay, bổ sung có mục tiêu từ số tăng thu ngân sách Trung ương, chính sách phí, lệ phí trên địa bàn Thành phố; cơ chế sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư góp phần bổ sung, tận dụng các nguồn lực để đáp ứng các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp cân đối đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các cơ chế chính sách thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng thu hút đầu tư để thúc đẩy hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hải Phòng cũng có nhiều giải pháp để triển khai tốt nhiệm vụ quản lý chi ngân sách tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển, cụ thể:

Thành phố ban hành các Nghị quyết liên quan lĩnh vực tài chính ngân sách, trong đó phân định rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ điều tiết các khoản thu giữa các cấp ngân sách, góp phần hoàn thiện phân cấp ngân sách Nhà nước phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Nhà nước và năng lực quản lý, đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp ngân sách; Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương, tăng cường tính chủ động gắn với nhiệm vụ, chế độ chi ngân sách, đảm bảo sử dụng hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí nguồn lực ngân sách Nhà nước.
 
Hải Phòng: Đảm bảo nguồn lực chi đầu tư phát triển 1
Phối cảnh cầu Nguyễn Trãi, thành phố Hải Phòng
dự kiến sắp được khởi công với vốn đầu tư trên 5,3 nghìn tỷ đồng
 
Cùng với đó, Thành phố tiếp tục đổi mới phương pháp xây dựng kế hoạch và giao dự toán thu, chi ngân sách hàng năm theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng đảm bảo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan, trong đó thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách theo mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố năm 5 năm 2021 - 2025 và tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố. Nâng tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với sắp xếp, đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tinh giản biên chế, thực hiện cải cách tiền lương, ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, các công trình thực hiện chủ đề năm của Thành phố.

Với việc linh hoạt trong điều hành ngân sách, đảm bảo tốt nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố đã giải ngân ước đạt 8 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023, đây là kết quả tích cực khi so sánh với cùng kỳ năm 2022. Thành phố tiếp tục khởi công, khánh thành nhiều công trình, dự án lớn, trọng điểm trong các lĩnh vực giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thành phố. Đó cũng là một trong các lí do chính giúp Thành phố đạt mức tăng trưởng cao tốp đầu cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023./.

Tác giả bài viết: Minh Châu

Nguồn tin: https://consosukien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây