Module logo

Luật Thống kê 2015

Các câu hỏi-đáp về Luật Thống kê 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành

Những câu hỏi chung:

  • Câu hỏi Hoạt động thống kê là gì?
  • Trả lời Khoản 1 Điều 3 Luật thống kê quy định: "Hoạt động thống kê là điều tra, báo cáo, tổng hợp, phân tích và công bố các thông tin phản ánh bản chất và tính quy luật của các hiện tượng kinh tế - xã hội trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể do tổ chức thống kê nhà nước tiến hành".
  • Câu hỏi Thông tin thống kê là gì?
  • Trả lời Khoản 2 Điều 3 Luật thống kê quy định: "Thông tin thống kê là sản phẩm của hoạt động thống kê, bao gồm số liệu thống kê và bản phân tích các số liệu đó".
Chỉ tiêu thống kê là gì?
  • Câu hỏi Chỉ tiêu thống kê là gì?
  • Trả lời Chỉ tiêu thống kê (quy định tại khoản 3, Điều 3 Luật thống kê) là tiêu chí mà biểu hiện bằng số của nó phản ánh quy mô, tốc độ phát triển, cơ cấu, quan hệ tỷ lệ của hiện tượng kinh tế - xã hội trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể.
  • Câu hỏi Hệ thống chỉ tiêu thống kê là gì? Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia là gì
  • Trả lời Khoản 4 Điều 3 Luật thống kê quy định: "Hệ thống chỉ tiêu thống kê là tập hợp những chỉ tiêu thống kê do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành". Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/02/2004 quy định: Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia là tập hợp những chỉ tiêu thống kê phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước để thu thập thông tin thống kê, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được ban hành bao gồm danh mục chỉ tiêu, các phân tổ chủ yếu, kỳ hạn báo cáo và phân công thực hiện.
  • Câu hỏi Thống kê có vai trò như thế nào?
  • Trả lời Thống kê là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, có vai trò cung cấp các thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân.
  • Câu hỏi Vì sao phải ban hành Luật thống kê?
  • Trả lời
    Luật thống kê được ban hành vì các lý do sau: 1. Xuất phát từ vai trò của thống kê, là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, liên quan đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, mọi tổ chức, cá nhân. 2. Pháp lệnh kế toán và thống kê ban hành năm 1988, sau 15 năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế bất cập biểu hiện cụ thể ở một số khía cạnh sau đây: - Do sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường, đầu mối thu thập thông tin thống kê tăng gấp bội về số lượng, đa dạng về loại hình sở hữu, quy mô, ngành nghề kinh doanh, hình thức và trình độ hạch toán, đòi hỏi pháp luật phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm bao quát được các đối tượng cung cấp thông tin. - Trong thực tiễn việc thu thập thông tin thống kê hiện nay đã xuất hiện tình trạng trùng lặp, chồng chéo, không những gây tốn kém, nặng nề cho cơ sở mà còn gây nhiễu thông tin; việc cung cấp thông tin từ kênh bộ, ngành sang kênh tập trung của Nhà nước còn rất hạn chế; vai trò điều phối của hệ thống thống kê tập trung chưa được quy định cụ thể; việc công bố thông tin còn tình trạng vừa trùng lặp, vừa không thống nhất. Do đó, cần có cơ chế chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thống kê. - Pháp lệnh kế toán và thống kê chưa quy định cụ thể về công bố và sử dụng thông tin. Vì vậy, cần có quy định để vừa bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật thông tin thống kê về từng tổ chức, cá nhân, vừa công khai kịp thời, bình đẳng cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin tổng hợp, đồng thời có sự phân công, phân cấp trong việc công bố thông tin. - Nhiều quy định của Pháp lệnh kế toán và thống kê đã hạn chế tính đặc thù của 2 hoạt động kế toán và thống kê: từ tên gọi đến nội dung, đối tượng phản ánh, mục tiêu... 3. Việc nghiên cứu, chọn lọc và tiếp thu những chuẩn mực chung của thống kê trong khu vực và trên thế giới cần được quy định thành nguyên tắc để số liệu thống kê nước ta bảo đảm được tính so sánh quốc tế, phù hợp với tiến trình hội nhập chung. 4. Để phù hợp và đồng bộ với các Luật và Pháp lệnh mới được ban hành trong những năm gần đây.
  • Câu hỏi Phạm vi điều chỉnh của Luật thống kê là gì
  • Trả lời Phạm vi điều chỉnh của Luật thống kê gồm những vấn đề sau đây: - Luật thống kê quy định về hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê và hệ thống tổ chức thống kê nhà nước. - Tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước được tiến hành các cuộc điều tra thống kê phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh trong phạm vi chức năng, lĩnh vực hoạt động; nếu điều tra thống kê ngoài phạm vi chức năng, lĩnh vực hoạt động, phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đó.
  • Câu hỏi Đối tượng áp dụng Luật thống kê gồm những tổ chức và cá nhân nào?
  • Trả lời Đối tượng áp dụng được quy định trong Luật thống kê bao gồm:
    1. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin thống kê. 
    2. Tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê.
    3. Tổ chức thống kê, người làm công tác thống kê.
  • Câu hỏi Khi nào người dân là đối tượng áp dụng Luật thống kê? Người dân phải làm gì
    khi thi hành Luật thống kê?
  • Trả lời
    Người dân là đối tượng áp dụng Luật thống kê trên hai danh nghĩa:
    1. Là đối tượng có nghĩa vụ cung cấp thông tin thống kê khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn để điều tra thống kê (Ví dụ: Chủ hộ hoặc các thành viên trong hộ có nhiệm vụ cung cấp những thông tin về mình, về gia đình mình trong các cuộc Tổng điều tra dân số; Điều tra biến động dân số; Điều tra lao động, việc làm; Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; Điều tra mức sống dân cư; Điều tra y tế; Điều tra về trẻ em; và các cuộc điều tra khác). Trong các cuộc điều tra thống kê, người dân phải trả lời các câu hỏi trong phiếu điều tra thống kê cho điều tra viên thống kê hoặc ghi và gửi phiếu điều tra cho cơ quan thực hiện điều tra thống kê; việc cung cấp thông tin thống kê của người dân phải trung thực, đầy đủ và bảo đảm đúng thời gian đã được quy định, không được từ chối hoặc cản trở việc thực hiện điều tra thống kê của Nhà nước. Người dân được giữ bí mật thông tin khi đã cung cấp và có quyền khiếu nại, tố cáo nếu thông tin cung cấp cho điều tra viên bị tiết lộ.
    2. Là đối tượng sử dụng thông tin thống kê. Người dân có quyền được thông tin về những chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội mà pháp luật quy định được phép công khai. Khi sử dụng thông tin thống kê thì người dân phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về sử dụng thông tin thống kê như khi trích dẫn và sử dụng phải trung thực và ghi rõ nguồn gốc thông tin.
  • Câu hỏi Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm gì khi thi hành Luật thống kê?
  • Trả lời
    Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm:
    - Tổ chức thực hiện công tác thống kê phục vụ yêu cầu quản lý của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị;
    - Thực hiện các cuộc điều tra và chế độ báo cáo thống kê hiện hành của Nhà nước;
    - Gửi báo cáo tài chính cho Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở của đơn vị.
  • Câu hỏi Những tổ chức, cá nhân nào là đối tượng cung cấp thông tin thống kê?
  • Trả lời

    Điều 2 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/02/2004 quy định tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin thống kê bao gồm:
    - Cơ quan nhà nước các cấp (bao gồm cả ba hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp);
    - Đơn vị sự nghiệp;
    - Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp;
    - Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
    - Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc);
    - Hợp tác xã; - Tổ hợp tác, hộ hoặc cơ sở kinh doanh cá thể;
    - Hộ gia đình và cá nhân;
    - Tổ chức khác của Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài;
    - Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các cơ quan tổ chức và cá nhân được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
  • Câu hỏi Các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp quy định trong Luật thống kê được hiểu
    như thế nào?
  • Trả lời Các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp quy định trong Luật thống kê (khoản 1, Điều 2) là các chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, không phân biệt hạch toán độc lập hay phụ thuộc. Những đơn vị này là đối tượng phải cung cấp thông tin thống kê thông qua các cuộc điều tra thống kê của Nhà nước.
  • Câu hỏi Quyền và nghĩa vụ của đối tượng cung cấp thông tin thống kê?
  • Trả lời
    1. Tổ chức, cá nhân là đối tượng cung cấp thông tin thống kê có quyền:
    - Được thông báo quyết định, mục đích, yêu cầu, thời hạn của cuộc điều tra thống kê;
    - Được phổ biến và hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo quy định của Nhà nước;
    - Được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp theo quy định của pháp luật;
    - Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện chế độ báo cáo thống kê và điều tra thống kê (như ban hành chế độ báo cáo thống kê, quyết định điều tra thống kê sai thẩm quyền, ép buộc khai man, báo cáo thông tin thống kê sai sự thật, tiết lộ các thông tin thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể khi chưa được sự đồng ý của mình,...).
    2. Tổ chức, cá nhân là đối tượng cung cấp thông tin thống kê có nghĩa vụ:
    - Tuân thủ các cuộc điều tra thống kê của nhà nước qua việc trả lời các câu hỏi trong phiếu điều tra cho điều tra viên thống kê hoặc ghi và gửi phiếu điều tra cho cơ quan thực hiện điều tra thống kê; tạo điều kiện cho cán bộ điều tra hoàn thành nhiệm vụ.
    - Cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ và đúng hạn theo yêu cầu của cuộc điều tra thống kê;
    - Thực hiện chế độ báo cáo thống kê cơ sở, chế độ báo cáo thống kê tổng hợp;
    - Các cơ quan là đối tượng thực hiện chế độ báo cáo thống kê tổng hợp có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan thuộc hệ thống tổ chức thống kê tập trung truy cập cơ sở dữ liệu thống kê ban đầu.
  • Câu hỏi Nguyên tắc bảo đảm tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời được thể hiện như thế nào trong Luật thống kê?
  • Trả lời Đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong các nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê, liên quan đến tất cả các đối tượng áp dụng Luật, liên quan đến tất cả các hoạt động thống kê, từ điều tra thống kê, thực hiện chế độ báo cáo thống kê cơ sở, chế độ báo cáo thống kê tổng hợp, đến phân tích và công bố thông tin thống kê.
    1. Đối tượng cung cấp thông tin thống kê:
    - Đối tượng thực hiện điều tra thống kê phải trả lời trực tiếp hoặc gián tiếp các câu hỏi trong bảng hỏi điều tra thống kê một cách đầy đủ, trung thực và chính xác (Nghiêm cấm việc khai man thông tin). Việc cung cấp thông tin phải bảo đảm đúng hạn theo quy định của phương án điều tra.
    - Đối tượng thực hiện chế độ báo cáo thống kê cơ sở phải ghi chép, thu thập, tổng hợp số liệu, lập và nộp báo cáo thống kê cơ sở trung thực, chính xác, đầy đủ và kịp thời trên cơ sở các chứng từ và sổ ghi chép số liệu ban đầu theo đúng quy định của chế độ báo cáo thống kê cơ sở.
    - Đối tượng thực hiện chế độ báo cáo thống kê tổng hợp phải tổ chức thu thập, tổng hợp số liệu, lập và nộp báo cáo thống kê tổng hợp trung thực, chính xác, đầy đủ và kịp thời trên cơ sở số liệu của các cuộc điều tra thống kê, báo cáo tài chính, báo cáo thống kê cơ sở và các nguồn thông tin khác; tính toán và tổng hợp các chỉ tiêu đúng nội dung và phương pháp theo quy định của chế độ báo cáo thống kê tổng hợp. Báo cáo thống kê được lập phải mang tính khách quan, không bị gò ép theo tư tưởng thành tích hay ý muốn chủ quan của một tổ chức hay cá nhân nào.
    2. Tổ chức và người làm công tác thống kê:
    Điều tra viên trong khi tiến hành điều tra thống kê phải ghi chép trung thực, chính xác, đầy đủ các thông tin mà đối tượng cung cấp. Việc thu thập thông tin thống kê của điều tra viên phải khách quan, không được "gò ép" đối tượng điều tra trả lời theo ý của mình hoặc ép buộc khai man thông tin. Việc hoàn thiện phiếu điều tra của điều tra viên phải tiến hành đúng thời gian quy định trong phương án điều tra. Điều 15 Luật thống kê quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan tiến hành điều tra thống kê như sau:
    - Chỉ đạo, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện phương án điều tra thống kê;
    - Tổ chức tổng hợp, phân tích, công bố kết quả điều tra thống kê;
    - Chịu trách nhiệm về tính khách quan và chính xác của thông tin điều tra, giữ bí mật thông tin theo quy định của Luật thống kê.
     3. Tổ chức và cá nhân sử dụng thông tin thống kê:
    - Tổ chức, cá nhân thuộc các cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành phải tạo điều kiện cho việc thu thập, tổng hợp thông tin; không được ép buộc tổ chức và cá nhân làm công tác thống kê tổng hợp, công bố thông tin theo ý muốn chủ quan.
    - Tổ chức, cá nhân khác: Việc trích dẫn, sử dụng thông tin thống kê phải trung thực và ghi rõ nguồn gốc
  • Câu hỏi Trong thống kê có tính đến sai số, vậy tính chính xác của thông tin thống kê
    được hiểu như thế nào?
  • Trả lời Trong thống kê có 2 loại sai số:
    1. Sai số chọn mẫu là sai số tất yếu theo lý thuyết xác suất thống kê;
    2. Sai số phi chọn mẫu là những sai sót chủ quan trong quá trình điều tra thống kê.
    Tính chính xác của thông tin đòi hỏi mọi đối tượng phải trung thực, khách quan trong hoạt động thống kê từ cung cấp thông tin đến xử lý, tổng hợp, báo cáo, công bố, sử dụng thông tin. Tuy nhiên, sai số phải quy định giới hạn cho phép, có thể chấp nhận được.
  • Câu hỏi Luật thống kê quy định những hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê?
  • Trả lời Điều 6 Luật thống kê quy định các hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê:
    1. Không thực hiện hoặc cản trở việc thực hiện chế độ báo cáo, điều tra thống kê;
    2. Khai man thông tin; báo cáo, công bố thông tin thống kê sai sự thật; ép buộc người khác khai man thông tin, báo cáo, công bố thông tin thống kê sai sự thật;
    3. Tiết lộ thông tin thống kê thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ thông tin thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân khi chưa được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đó;
    4. Quyết định điều tra, ban hành chế độ báo cáo thống kê trái quy định của pháp luật;
    5. Các hành vi khác vi phạm pháp luật về thống kê.
  • Câu hỏi Có những hình thức chủ yếu nào để thu thập thông tin thống kê?
  • Trả lời Điều 10 Luật thống kê quy định có hai hình thức chủ yếu để thu thập thông tin thống kê:
    - Điều tra thống kê;
    - Báo cáo thống kê.
    Báo cáo thống kê bao gồm báo cáo thống kê cơ sở và báo cáo thống kê tổng hợp.
  • Câu hỏi Điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia được tiến hành trong các trường hợp nào?
  • Trả lời Điều 9 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/02/2004 quy định các cuộc điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia được tiến hành trong các trường hợp sau:
    1. Điều tra thống kê đột xuất khi có thiên tai, địch hoạ, dịch bệnh hoặc các trường hợp đột xuất khác.
    2. Điều tra thống kê để thu thập thông tin về các chỉ tiêu phục vụ yêu cầu quản lý của bộ, ngành thuộc lĩnh vực phụ trách nhưng chưa có trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
    3. Điều tra thống kê của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm thu thập thông tin thống kê có tính chất đặc thù phục vụ yêu cầu quản lý của địa phương mà những thông tin đó chưa có trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
  • Câu hỏi Phương án điều tra thống kê bao gồm những nội dung gì?
  • Trả lời Phương án điều tra thống kê bao gồm các quy định và hướng dẫn về:
    - Mục đích, yêu cầu;
    - Phạm vi, đối tượng, đơn vị;
    - Nội dung, phương pháp điều tra;
    - Thời điểm, thời gian điều tra;
    - Cơ quan tiến hành điều tra và lực lượng thực hiện điều tra;
    - Tổng hợp, phân tích, công bố kết quả điều tra;
    - Kinh phí và các điều kiện vật chất khác bảo đảm thực hiện;
    - Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
  • Câu hỏi Người thực hiện điều tra thống kê có quyền và nghĩa vụ gì?
  • Trả lời Điều 15 Luật thống kê quy định quyền và nghĩa vụ của người thực hiện điều tra thống kê như sau:
    - Được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra thống kê; được hưởng các chế độ đã quy định trong điều tra của nhà nước;
    - Thực hiện điều tra theo đúng phương án điều tra thống kê;
    - Phải chịu trách nhiệm về tính khách quan và chính xác của thông tin điều tra, giữ bí mật thông tin theo quy định của Luật thống kê.
  • Câu hỏi Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có quyền và nghĩa vụ gì
  • Trả lời Điều 13 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/02/2004 quy định tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có quyền và nghĩa vụ sau đây:
    - Không được từ chối hoặc cản trở việc thực hiện điều tra thống kê của Nhà nước;
    - Cung cấp thông tin thống kê trung thực, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của điều tra viên thống kê;
    - Trong trường hợp điều tra theo phương pháp gián tiếp, tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê phải ghi trung thực, đầy đủ theo yêu cầu của phiếu điều tra và gửi đúng hạn cho cơ quan tiến hành điều tra thống kê;
    - Được thông báo về quyết định, mục đích, yêu cầu, thời hạn của cuộc điều tra thống kê;
    - Được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp theo quy định của pháp luật;
    - Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về điều tra thống kê.
  • Câu hỏi Hệ thống tổ chức thống kê nhà nước bao gồm những cơ quan nào?
  • Trả lời Hệ thống tổ chức thống kê nhà nước bao gồm:
    - Hệ thống tổ chức thống kê tập trung;
    - Tổ chức thống kê thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - Tổ chức thống kê thuộc hệ thống Toà án, Viện kiểm sát.
  • Câu hỏi Vị trí và chức năng của Tổng cục Thống kê được quy định như thế nào?
  • Trả lời
    Điều 1 Nghị định số 101/2003/NĐ-CP ngày 03/9/2003 quy định vị trí và chức năng của Tổng cục Thống kê như sau: Tổng cục Thống kê là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về thống kê; tổ chức thực hiện hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Tổng cục Thống kê quản lý theo quy định của pháp luật.
  • Câu hỏi Thống kê xã, phường, thị trấn được tổ chức như thế nào và có trách nhiệm gì?
  • Trả lời Theo Điều 22 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/02/2004 quy định thống kê xã, phường, thị trấn được tổ chức và có trách nhiệm như sau:
    1. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức công tác thống kê và bố trí người có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác thống kê theo chức danh quy định hiện hành về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
    2. Công tác thống kê xã, phường, thị trấn chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Thống kê cấp huyện.
    3. Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn làm công tác thống kê có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn: - Tổ chức thực hiện công tác thống kê phục vụ yêu cầu quản lý của xã, phường, thị trấn; - Thực hiện các cuộc điều tra và chế độ báo cáo thống kê của Nhà nước.
    4. Cán bộ, công chức làm công tác thống kê xã, phường, thị trấn được bố trí trong phạm vi số lượng cán bộ, công chức xã, phường theo quy định và được hưởng chế độ, quyền lợi như các chức danh chuyên môn tại xã, phường, thị trấn theo quy định hiện hành.
  • Câu hỏi Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thống kê sẽ bị xử lý như thế nào?
  • Trả lời
    Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thống kê thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 93/1999/NĐ-CP ngày 07/9/1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê và Thông tư số 04/1999/TT-TCTK ngày 19/10/1999 hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Có hai hình thức xử lý vi phạm hành chính về thống kê là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tuy nhiên, Nghị định số 93/1999/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê sẽ được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới cho phù hợp với Luật thống kê và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây