Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3, quý I năm 2020 thành phố Hải Phòng

Thứ sáu - 27/03/2020 16:25
Tình hình kinh tế trong nước năm 2019 đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước sang năm 2020 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong đó các ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất
Thành phố Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quý I năm 2020 chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 cùng những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết đã gây ra nhiều khó khăn đối với ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng sự đoàn kết, thống nhất của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân, công tác phòng chống dịch bệnh của thành phố được kiểm soát tốt; tăng trưởng kinh tế quý I năm 2020 đạt mức khá, khu vực công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định tiếp tục đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả quý I năm 2020 đạt được như sau:
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Về tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính quý I/2020 tăng 14,90% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 15,05% của quý I/2019, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 0,44% (kế hoạch tăng 1,91%); đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 23,97% (kế hoạch tăng 24,12%), đóng góp 11,28 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,65% (kế hoạch tăng 9,89%), đóng góp 2,86 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
2. Sản xuất công nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song chỉ số phát triển sản xuất (PTSX) toàn ngành công nghiệp thành phố (IIP) tháng 3/2020 dự kiến tăng 18,14% so với tháng trước và tăng 17,34% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2020, IIP đạt mức tăng 22,77% so với quý I/2019, chủ yếu do thành phố đã tạo thuận lợi cho việc phát triển những ngành công nghiệp chế tạo mới, trong đó điển hình là sản xuất ô tô, điện thoại thông minh (cùng kỳ năm 2019 chưa đi vào sản xuất).

* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 3/2020 tăng 14,65% so với tháng trước và giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2020 chỉ số tiêu thụ ước giảm 12,2%, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so cùng kỳ: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 39,7%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 22,4%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 18,5%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 18,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 12,7%...
* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tại thời điểm 31/3/2020 giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 30,76% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất trang phục tăng 778,48%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 279,73%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao tăng 56,98%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 402,83%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 30,29%;…
         * Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp ước tại thời điểm 31/3/2020 tăng 2,05% so với tháng trước và tăng 2,0% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 8,9%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,3%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,4%. 
* Một số sản phẩm công nghiệp ước quý I năm 2020 so cùng kỳ: quần áo các loại đạt 31,128 triệu cái, giảm 6,31%; phân bón đạt 51,738 nghìn tấn, giảm 8,05%; màn hình khác đạt 3.053 nghìn cái, tăng 20,77%; máy giặt đạt 344,65 nghìn cái, giảm 22,72%; lốp hơi mới bằng cao su đạt 480,09 nghìn cái, giảm 23,49%; sắt thép các loại đạt 313,79 nghìn tấn, tăng 0,85%; xi măng Portland đen đạt 950,85 nghìn tấn, giảm 10,44%; điện sản xuất đạt 1.995,3 triệu Kwh, tăng 19,82%.
3. Hoạt động của doanh nghiệp
3.1 Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, việc bảo đảm sản xuất kinh doanh đang là nhiệm vụ được chính quyền và các doanh nghiệp quan tâm, đẩy mạnh song song với nhiệm vụ phòng chống dịch.
Trong tháng 3/2020, toàn thành phố có 326 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.375,1 tỷ đồng, tăng 5,16% về số DN và tăng 3,93% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một DN đạt 4,2 tỷ đồng, giảm 1,17% so với cùng kỳ. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới trong tháng là 140 cơ sở, tăng 45,83% so với cùng kỳ.
3.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 177 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, có tới 59,89% số DN đánh giá tổng thể chung về tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 so với quý IV/2019 là khó khăn hơn; chỉ có 40,11% số DN cho rằng tình hình tốt lên và giữ ổn định (10,17% DN đánh giá tốt lên và 29,94% DN đánh giá giữ ổn định). Trong đó, khu vực DN ngoài nhà nước nhận định khó khăn nhất, với 62,50% số DN cho rằng khó khăn hơn; tỷ lệ này ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN nhà nước cho kết quả lần lượt là 57,35% và 53,85%.  
4. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
4.1 Nông nghiệp

* Trồng trọt
 Kết thúc thu hoạch diện tích cây rau màu vụ Đông 2019, bà con nông dân đã chủ động làm đất, chuẩn bị mặt bằng để triển khai sản xuất vụ Xuân năm 2020. Tính đến trung tuần tháng 3 toàn thành phố cơ bản gieo trồng xong diện tích các loại cây hàng năm; diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Xuân ước đạt 38.929,6 ha, bằng 97,16% so với vụ Xuân năm trước.
Tính đến ngày 15 tháng 3 năm 2020, các loại cây rau  màu vụ Đông xuân đã và đang cho thu hoạch. Năng suất cây ngô ước đạt 53,4 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.
* Chăn nuôi
- Tình hình chăn nuôi tháng 3 năm 2020:
         Tổng đàn trâu hiện có trên địa bàn ước đạt 4.671 con, giảm 4,32% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 10.849 con, giảm 11,27% so cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi đàn trâu, bò tương đối ổn định, không xuất hiện dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc.
Tổng đàn lợn hiện có ước đạt 124.654 con, bằng 34,38% so cùng kỳ năm trước. Đến nay đàn lợn đang được phục hồi dần nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thành phố. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi xảy ra vẫn còn hiện hữu nên công tác tái đàn cần có kế hoạch cụ thể, khoa học tránh tái đàn ồ ạt dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh: Tính đến ngày 15/3/2020, đã qua 17 ngày không phát sinh gia cầm ốm, chết, tiêu hủy do bệnh cúm gia cầm (cúm A/H5N6) trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên các cấp, ngành vẫn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tổ chức tiêm phòng vắc xin để phòng bệnh cúm gia cầm; khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi. Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ động vật tại các điểm giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y các trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
4.2. Lâm nghiệp
Ngành lâm nghiệp thành phố với đặc thù chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng không có rừng trồng sản xuất nên sản lượng gỗ, củi chủ yếu được khai thác, thu nhặt từ cây lâm nghiệp trồng phân tán nên luôn có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Ước tính tháng 3/2020, sản lượng gỗ khai thác đạt 170 m3, giảm 5,56% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 2.790 ste, giảm 5,42%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 37 nghìn cây, giảm 3,9%. Ước tính 3 tháng đầu năm 2020, sản lượng gỗ khai thác đạt 485 m3, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 11.660 ste, giảm 2,03%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 66 nghìn cây, giảm 2,94%.
4.3. Thủy sản
Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 3 năm 2020, ước đạt 15.505,5 tấn; tăng 7,08% (+1.025,3 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 3 tháng đầu năm 2020, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 44.039 tấn, tăng 4,83% (+2.029,4 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
5. Đầu tư xây dựng
Quý I năm 2020, ước tính vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn là 30.662,9 tỷ đồng, tăng 2,74% so với cùng kỳ. Chia ra:
- Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện là 1.685,5 tỷ đồng, giảm 12,53% so với cùng kỳ trong đó: Vốn Trung ương quản lý là 391,3 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ; vốn địa phương quản lý là 1.294,2 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ;
- Vốn ngoài nhà nước thực hiện là 20.213,5 tỷ đồng, tăng 8,25% so với cùng kỳ;
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện là 8.763,9 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ.
* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tính đến 15/3/2020 Hải Phòng có 716 dự án còn hiệu lực:
Tổng vốn đầu tư  :   17.992,25  triệu USD
Vốn điều lệ          :     6.417,86  triệu USD     
Việt Nam góp      :        243,02  triệu USD     
Nước ngoài góp   :     6.174,84  triệu USD
Từ đầu năm đến 15/3/2020, toàn thành phố có 18 dự án cấp mới đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 68,15 triệu USD, bằng 37,9% so với cùng kỳ năm trước. 
6. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 năm 2020 ước đạt 10.330,1 tỷ đồng, giảm 5,39% so với tháng trước và tăng 0,16% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn quý I năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 33.490,2 tỷ đồng, tăng 7,16% so với cùng kỳ năm trước. 
* Doanh thu chia theo ngành hoạt động

7. Hoạt động lưu trú và lữ hành    
Tổng lượt khách tháng 3/2020 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 347,5 nghìn lượt, giảm 26,61% so với tháng trước và giảm 41,53% so với cùng tháng năm 2019; trong đó khách quốc tế ước đạt 38,6 nghìn lượt, giảm 29,5% so với tháng trước và giảm 44,72% so với cùng kỳ. Quý I năm 2020, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ đạt 1.394,2 nghìn lượt, giảm 14,94% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 160,8 nghìn lượt, giảm 21,68% so với cùng kỳ.
8. Vận tải hàng hóa và hành khách
8.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 3 năm 2020 ước đạt 15,8 triệu tấn, giảm 8,13% so với tháng trước và giảm 2,61% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý I năm 2020 đạt 51,7 triệu tấn, tăng 8,85% so với cùng quý năm trước. 
Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 3 năm 2020 ước đạt 7.869,4 triệu tấn.km, giảm 3,16% so với tháng trước và giảm 6,39% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý I năm 2020 đạt 24.833,9 triệu tấn, tăng 4,95% so với cùng kỳ năm trước.
8.2. Vận tải hành khách
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 3 năm 2020 ước đạt 4,8 triệu lượt, giảm 7,27% so với tháng trước, giảm 13,47% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý I năm 2020 đạt 15,98 triệu lượt, giảm 2,93% so với cùng quý năm trước. 
Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 3 năm 2020 đạt 192,1 triệu Hk.km, giảm 9,85% so với tháng trước và giảm 14,41% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý I năm 2020 đạt 655,9 triệu Hk.km, giảm 2,99% so với cùng quý năm trước. 
8.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3 năm 2020 ước đạt 2.415,9 tỷ đồng, giảm 7,79% so với tháng trước và giảm 0,87% so với cùng tháng năm trước. Ước tính quý I năm 2020 doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 7.821 tỷ đồng, tăng 7,71% so với cùng kỳ năm trước.
8.4. Ga Hải Phòng
Tổng doanh thu tháng 3 năm 2020 Ga Hải Phòng ước đạt 8,3 tỷ đồng, giảm 3,63% so với tháng trước, giảm 50,36% so với cùng tháng năm trước. Quý I/2020, tổng doanh thu của Ga Hải Phòng ước đạt 29,1 tỷ đồng, giảm 22,19% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số hành khách vận chuyển tháng 3 năm 2020 ước đạt 24 ngàn lượt người, giảm 8,55% so với tháng trước, giảm 39,90% so với cùng tháng năm trước. Quý I/2020, tổng số hành khách vận chuyển ước đạt 93,25 ngàn lượt người, giảm 21,73% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số hàng hóa vận chuyển tháng 3 năm 2020 ước đạt 97 ngàn tấn, giảm 4,25% so với tháng trước, giảm 26,44% so với cùng tháng năm trước. Quý I/2020, tổng số hàng hóa vận chuyển ước đạt 292,78 ngàn tấn, giảm 8,89% so với cùng kỳ năm trước.
8.5. Sân bay Cát Bi
Tháng 3 năm 2020 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 19,3 tỷ đồng, giảm 22,74% so với tháng trước; giảm 18,63% so với cùng tháng năm trước. Quý I/2020, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 71,23 tỷ đồng, giảm 1,59% so với cùng kỳ năm trước, do các chuyến bay đi Trung Quốc bị hủy từ ngày 01/02/2020, các chuyến bay đi Hàn Quốc bị hủy từ ngày 01/3/2020, các chuyến bay nội địa đi thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng bị giảm tần suất do ảnh hưởng lan rộng của dịch Covid-19.
9. Hàng hoá thông qua cảng
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 3 năm 2020 ước đạt 7.718,7 nghìn TTQ, tăng 4,1% so với tháng trước và giảm 17,25% so với cùng kỳ năm trước. 
* Doanh thu cảng biển tháng 3 năm 2020 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 395,8 tỷ đồng, tăng 3,64% so với tháng trước, giảm 14,15% so với cùng kỳ. Quý I/2020, doanh thu cảng biển ước đạt 1.190,7 tỷ đồng, giảm 9,25% so với cùng kỳ năm trước.
10. Bưu chính viễn thông
* Bưu chính, viễn thông Hải Phòng
Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông Hải Phòng tháng 3 năm 2020 ước đạt 133,31 tỷ đồng, tăng 5,06% so với tháng trước, tăng 5,28% so với cùng tháng năm trước. Quý I/2020, tổng doanh thu bưu chính, viễn thông Hải Phòng ước đạt 370,5 tỷ đồng, tăng 5,54% so với cùng kỳ năm trước.
Số thuê bao điện thoại phát triển mới tháng 3 năm 2020 ước đạt 460 thuê bao, tăng 6,73% so với tháng trước, giảm 57,68% so với cùng tháng năm trước. Trong tổng số thuê bao di động trả sau phát triển mới, khu vực ngoại thành tháng 3 năm 2020 ước đạt 192 máy, tăng 5,49% so với tháng trước, giảm 60,41% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2020, số thuê bao điện thoại phát triển mới ước đạt 1.391 thuê bao, giảm 49,01% so với cùng kỳ năm trước.
Số thuê bao Internet phát triển mới tháng 3 năm 2020 ước đạt 2.500 thuê bao, tăng 7,71% so với tháng trước, tăng 14,31% so với cùng tháng năm trước. Quý I/2020, số thuê bao Internet phát triển mới ước đạt 8.162 thuê bao, tăng 19,28% so với cùng kỳ năm trước.
11. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hải Phòng tháng 3 năm 2020 giảm 0,77% so với tháng trước, tăng 5,07% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,22% so với tháng 12/2019. CPI bình quân quý I năm 2020 tăng 5,67% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính làm giảm CPI tháng 3/2020 so với tháng trước là do chỉ số giá xăng dầu diesel giảm 9,81% làm cho CPI chung giảm 0,32%; chỉ số giá thực phẩm giảm 1,37% làm cho CPI chung giảm 0,32%; chỉ số giá gas giảm 5,73% làm cho CPI chung giảm 0,06%; ... Bên cạnh đó cũng có yếu tố làm tăng CPI tháng 3 là chỉ số giá lương thực tăng 1,95% làm cho CPI chung tăng 0,07%; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,46% làm cho CPI chung tăng 0,03%...
Một số nguyên nhân cơ bản tác động tăng CPI trong quý I/2020: 
- Do thời gian qua lợn bị lây lan dịch bệnh tả lợn châu Phi phải tiêu hủy nhiều khiến nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá lợn hơi tăng mạnh. Tính chung trong quý I năm nay, giá thịt lợn tăng 60,68% so với cùng kỳ góp phần làm CPI chung quý I/2020 của nhóm thực phẩm tăng 13,11%.
- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,98% đóng góp vào CPI quý I/2020 tăng 0,35%, do giá điện sinh hoạt quý I tăng 8,71% so với cùng kỳ. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý I/2020 tăng 5,44% so với cùng kỳ do nhu cầu xây dựng tăng cùng với việc tăng giá do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
* Chỉ số giá vàng 99,99% và Đô la Mỹ: 
- Chỉ số giá vàng tháng 3/2020 tăng 1,41% so với tháng trước, tăng 22,06% so với cùng tháng năm 2019, tăng 8,24% so với tháng 12/2019. Giá vàng bình quân tháng 3/2020 dao động ở mức 4,520 triệu đồng/chỉ, tăng 63.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2020 tăng 0,04% so với tháng trước, tăng 0,26% so với cùng tháng năm 2019, tăng 0,36% so với tháng 12/2019. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 3/2020 dao động ở mức 23.315 đồng/USD, tăng 8 đồng/USD.
12. Hoạt động tài chính, ngân hàng 
12.1. Tài chính

12.2. Ngân hàng
* Công tác huy động vốn:
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến hết tháng 3 năm 2020 đạt 216.320 tỷ đồng, tăng 13,66% so với cùng kỳ năm trước, bằng 102,65% so với năm 2019.
* Công tác tín dụng:
Tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 3 năm 2020 ước đạt 130.599 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, bằng 101,18% so với năm 2019.
13. Xuất nhập khẩu hàng hóa
13.1. Xuất khẩu hàng hoá

Kim ngạch xuất khẩu ước tháng 3 năm 2020 ước đạt 1.346,0 triệu USD, tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 15,03% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 1.196,5 triệu USD, tăng 3,8% so với tháng trước, tăng  15,93% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.051,1 triệu USD, tăng 15,62% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 3.479,9 triệu USD, tăng 16,05% so với cùng kỳ.
13.2. Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 năm 2020 ước đạt 1.431,9 triệu USD, tăng 4,79% so với tháng trước, giảm 2,44% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 1.154,5 triệu USD, tăng 5,45% so với tháng trước, tăng 7,81% so với cùng. Tính chung quý I/2020, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4.262,9 triệu USD, giảm 0,66% so với cùng kỳ.
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

* Công tác Lao động, việc làm
Tháng 3 năm 2020, sàn giao dịch việc làm không tổ chức phiên giao dịch việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên đã tiếp nhận được nhu cầu tuyển dụng của 18 doanh nghiệp với số lượng tuyển dụng là 317 lao động. Ước cấp mới 45 giấy phép lao động, cấp lại 52 giấy phép lao động, miễn cấp 20 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể và ra thông báo thực hiện nội quy lao động được 07 doanh nghiệp; hướng dẫn, thẩm định và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 19 doanh nghiệp. 
* Công tác dạy nghề 
Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tại thời điểm báo cáo là 70 đơn vị (gồm 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 11 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Trong quý I/2020, công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp ước đạt khoảng 10.000 sinh viên, người lao động, đạt 19,4% kế hoạch năm và bằng 101% so với cùng kỳ năm 2019. 
* Công tác người có công
Trong quý I năm 2020, thành phố đã tiến hành giải quyết chế độ chính sách cho 727 trường hợp, gồm: trợ cấp một lần cho 529 người, trợ cấp hàng tháng: 28 người, trợ cấp thờ cúng liệt sĩ: 160 trường hợp, xác nhận miễn giảm tiền sử dụng đất theo Quyết định số 118/QĐ-TTg cho 10 trường hợp. Bên cạnh đó, tiếp nhận và thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 921 trường hợp; công nhận, đề nghị công nhận cho 107 người có công.
* Công tác giảm nghèo - Bảo trợ xã hội
Tháng 3/2020, thành phố tiếp nhận 02 đối tượng vào các Trung tâm bảo trợ xã hội, tập trung được 33 lượt người lang thang. Thẩm định danh sách hộ nghèo thực hiện Nghị quyết số 52/2019/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo năm 2020 (đợt 1). Triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 53/2019/NQ-HĐND về việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và một số chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025.
* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Trong quý I năm 2020, thành phố đã tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 1.703 lượt người (bằng 97,48% so với cùng kỳ, bằng 53,21% so với kế hoạch năm 2020), cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 60 người (bằng 15,38% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả đã tiến hành kiểm tra 58 buổi tại 204 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke...
2. Giáo dục - Đào tạo
Tháng 3/2020, thành phố đã ban hành văn bản về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị trường học.
3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 
* Công tác y tế dự phòng
Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 đã có tác động đến tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sáng ngày 12/3/2020 HĐND thành phố khóa XV đã tiến hành kỳ họp bất thường để thông qua một số nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 và ổn định tình hình kinh tế - xã hội thành phố.
Tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố không có trường hợp nào nhiễm virus gây bệnh Covid-19; các trường hợp nghi nhiễm hiện đang được cách ly, giám sát y tế chặt chẽ theo đúng hướng dẫn và quy định.
* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm và các trung tâm y tế quận/huyện đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời tích cực tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thành phố đã tăng cường kiểm tra đột xuất việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại căng tin Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp 2, Trường Quân sự Hải Phòng và Ban chỉ huy quân sự quận Kiến An (khu cách ly tập trung để phòng lây nhiễm dịch bệnh).
4. Văn hóa - Thể thao
Trong quý I năm 2020, thành phố đã triển khai thực hiện tốt các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; tuyên truyền, hướng dẫn dẫn và kiểm tra các địa phương, các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao trong việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
5. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Công an các đơn vị trên toàn thành phố đã xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng, bố trí cán bộ chiến sĩ trực chốt, phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội và an toàn giao thông trên địa bàn.
6. Công tác phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/02/2020 đến ngày 14/3/2020, thành phố Hải Phòng đã xảy ra 05 vụ cháy, trong đó có 03 vụ cháy nhà dân, làm 02 người bị thương. Các vụ cháy đang trong quá trình xác minh, điều tra và thống kê giá trị thiệt hại về tài sản. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy giảm 02 vụ và số người bị thương tăng 02 người.
Cộng dồn từ đầu năm, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 17 vụ cháy, bằng 68% so với cùng kỳ năm 2019, làm 05 người bị thương, một số vụ cháy thảm thực bì rừng và các vụ cháy nhỏ tại nhà dân không gây thiệt hại đáng kể, các vụ cháy khác đang trong quá trình xác định và thống kê giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường tuyên truyền và đẩy mạnh các biện pháp phòng chống cháy, nổ; tích cực phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ trên địa bàn.

Khái quát lại, kinh tế - xã hội thành phố quý I năm 2020 giữ được đà tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 14,90% là mức tăng cao so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước; tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững bên cạnh sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Quý II/2020 và các quý tiếp theo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục tập trung cao công tác chỉ đạo, điều hành, nghiêm túc quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:  
Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, có nhiều chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên vật liệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thuế, lãi suất... 
Hai là, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động mọi tình huống ứng phó trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ba là, quyết liệt phòng chống dịch bệnh bên cạnh công tác an sinh, phúc lợi xã hội, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội./.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hải Phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây