Tổng hợp, đánh giá kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020

Thứ năm - 28/01/2021 09:48
Tại thời điểm 1/7/2020, thành phố Hải Phòng có 141 xã, 1.162 thôn (so với năm 2016 giảm 2 xã và giảm 5 thôn) do quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố
I. Tình hình nông thôn Hải Phòng
1. Khái quát chung khu vực nông thôn


Tại thời điểm 1/7/2020, thành phố Hải Phòng có 141 xã, 1.162 thôn (so với năm 2016 giảm 2 xã và giảm 5 thôn) do quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố. Tổng số hộ khu vực nông thôn là 345.489 hộ, tăng 44.645  hộ (+14,84%) so với năm 2016, chủ yếu do xu hướng tách hộ và dòng người di cư từ các tỉnh thành khác vào Hải Phòng sinh sống, định cư. Tổng số nhân khẩu khu vực nông thôn 1.139.761 người, tăng 160.838 người (+16,43%) so với năm 2016. Trong giai đoạn 2011 - 2020, số hộ nông thôn của thành phố tăng 62.662 hộ (+ 22,16%); số nhân khẩu tăng 152.182 người (+15,4%). 
 
Biểu đồ 01. Số hộ và nhân khẩu qua 3 kỳ điều tra
 

 

Về kinh tế nông thôn: Thành phố có 119 hợp tác xã nông nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012 và trên 130 tổ hợp tác (đây là hình thức mới được hình thành từ năm 2016 đến nay) đang hoạt động có hiệu quả; các hợp tác xã và tổ hợp tác cơ bản đáp ứng đ¬ược yêu cầu sản xuất, tiêu thụ nông sản và từng bước hỗ trợ có hiệu quả kinh tế hộ. 

2. Kết cấu hạ tầng nông thôn 

Giai đoạn 2016 – 2020 song hành với sự phát triển về kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, thành phố đã đầu tư phát triển sơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, hiện đại góp phần đưa kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị. 

2.1. Hệ thống điện

Tính đến ngày 01/7/2020, 100% số xã và số thôn có điện lưới quốc gia, hệ thống hạ tầng điện nông thôn luôn được thành phố quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây mới, không còn tình trạng cắt điện luân phiên tại khu vực nông thôn trong những tháng cao điểm về nhu cầu tiêu thụ diện năng. Cùng với chất lượng dịch vụ cung cấp điện ngày càng được cải thiện là điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông thôn, đồng thời góp phần cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của cư dân.

2.2. Hệ thống giao thông

Đến 01/7/2020, có 140 xã có đường ô tô từ Ủy ban nhân dân huyện đến trụ sở Ủy ban nhân xã, chiếm tỷ lệ 99,3%. Xã có đường đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã được nhựa, bê tông hóa đạt 100% tổng số xã. Hệ thống giao thông đến cấp thôn được chú trọng đầu tư và phát triển, có 1.162 thôn có đường ô tô đến Ủy ban nhân dân xã, đạt 100% số thôn.

Thực hiện cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã khoảng 1.996 km, chiếm 35% so với tổng số km đường giao thông các loại đã được đầu tư nâng cấp, trong đó: Có 346 km các tuyến đường huyện, liên huyện được rải nhựa 100% đạt tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng trở lên, chiếm 17,33% tổng số các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã được cải tạo nâng cấp; 1.650 km đường xã, liên xã được rải nhựa 100% hoặc bê tông đạt tiêu chuẩn đường loại A trở lên, chiếm 82,67% tổng số các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã được cải tạo nâng cấp. Các tuyến xe buýt liên tỉnh, liên huyện đã được hình thành, đây là giải pháp di chuyển an toàn và hiệu quả cho người dân nông thôn. Trên toàn khu vực nông thôn hiện có 21 xã đã có điểm dừng xe buýt, chiếm 15% tổng số xã. 

2.3. Hệ thống trường học

Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, hệ thống trường học các cấp ở khu vực nông thôn được xây mới, nâng cấp. Đến năm 2020, toàn thành có 141 xã có trường tiểu học (đạt 100% số xã), số trường tiểu học là 184 trường, tăng 21 trường so với năm 2016; số trường trung học cơ sở là 151 trường, tăng 14 trường so với năm 2016, có 131 xã có trường trung học cơ sở trên địa bàn xã (đạt 98% số xã). Số trường học các cấp tiểu học và trung học cơ sở được xây dựng kiên cố, bán kiên cố đạt tỷ lệ 100%. Đây là những cấp học cơ bản được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phổ cập giáo dục tại nông thôn. 

Bên cạnh việc phát triển hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non ngày càng được quan tâm và mở rộng, năm 2020 tổng số trường mầm non, mẫu giáo khu vực nông thôn có 247 trường, trong đó 100% trường được xây dựng kiên cố, bán kiến cố; có 141 xã có trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn (đạt tỷ lệ 100% xã có trường mẫu giáo, mầm non). 
 
Biểu đồ 02. Số trường mầm non, tiểu học và THCS qua 3 kỳ điều tra
 


2.4. Hệ thống y tế

Hệ thống y tế trên địa bàn nông thôn được đầu tư và phát triển trong những năm gần đây. Trên địa bàn nông thôn có 141 xã có trạm y tế, đạt tỷ lệ 100%, hầu hết cơ sở y tế xã đều được xây dựng khang trang, kiên cố và đảm bảo vệ sinh môi trường. Số xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã là 133 xã, bằng 94,32% tổng số xã. Có 116 trạm y tế xã (chiếm 83,3%) có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân.

Cùng với việc nâng cao chất lượng mạng lưới y tế xã, các cơ sở khám chữa bệnh tư trong nông thôn cũng được tăng cường về cơ sở vật chất và kỹ thuật, có 68 xã có cơ sở khám chữa bệnh ngoài trạm y tế xã bằng 48,2% tổng số xã; 130 xã có cơ sở kinh doanh thuốc tây y trên địa bàn xã, bằng 92,2% tổng số xã đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phục vụ cuộc sống cho người dân. Đến 01/7/2020, có 100 % số thôn có nhân viên y tế, tỷ lệ xã có phòng khám đa khoa tư nhân năm 2020 đạt 44,7%  tăng 21% so với năm 2016.

2.5. Hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao, thông tin liên lạc

Trong 10 năm qua (giai đoạn 2011 – 2020) thành phố đã thực hiện chủ trương nâng cao hạ tầng và chất lượng về văn hóa – thông tin khu vực nông thôn, tu sửa 22 điểm bưu chính, thiết lập mới 23 đài truyền thanh xã, nâng cấp 292 lượt đài truyền thanh xã, 8 đài phát thanh truyền hình cấp huyện và trạm phát lại. Các dịch vụ bưu chính, viễn thông ngày càng tiện ích, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, chất lượng các dịch vụ viễn thông và internet tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 4G đã đạt 100% khu vực dân cư, 100% các xã, huyện đã được triển khai phần mềm quản lý văn bản điều hành.

Năm 2020 có 131 xã có điểm bưu điện văn hóa, đạt tỷ lệ 93% số xã, tăng 22 xã so với năm 2016; 138 xã có nhà văn hóa xã, đạt 97,9% tổng số xã; số thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng bằng 78,8% tổng số thôn, tăng 136 thôn so với năm 2016 và tăng 256 thôn so với năm 2011; hệ thống loa truyền thanh đến cấp xã đạt tỷ lệ 100% số xã trên toàn thành phố; có 1.125 thôn có loa truyền thanh thôn, đạt tỷ lệ 97% tổng số thôn, có 121 xã có sân thể thao (chiếm tỷ lệ 85,8% số xã), 236 thôn có khu thể thao thôn (chiếm 20% tổng số thôn).

2.6. Hệ thống thủy lợi

Toàn thành phố hiện có 545 trạm bơm điện tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại 130 xã (bình quân mỗi xã có 4 trạm bơm nước); 383 cống dưới đê, 3.186 km kênh mương; 850 km kênh sau trạm bơm được kiên cố hóa; 15.510 tuyến kênh nội đồng với tổng chiều dài 4.818,6 km. Các công trình thủy lợi đang phục vụ tưới, tiêu cho trên 100.000 ha diện tích nông nghiệp và thủy sản, cung cấp trên 90 triệu m³ nước thô mỗi năm cho các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn thành phố. Trong 10 năm qua thành phố đã đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 269 trạm bơm điện, 231,9 km kênh được cứng hóa, trong đó: Giai đoạn 2010 -2015: là 191 trạm bơm điện và 109,2 km kênh được cứng hóa; Giai đoạn 2016 – 2019 là 78 Trạm bơm điện và 122,72 km kênh được cứng hóa; nạo vét 4.616 km kênh mương, 02 hồ chứa và công trình thuỷ lợi cung cấp nước ngọt.

2.7. Hệ thống chợ, siêu thị

    Tính đến nay, trên địa bàn khu vực nông thôn của thành phố có 120 xã có chợ đạt 85,11% tổng số xã, tăng 3% so với năm 2016 (năm 2016 đạt 82,1%); xã có chợ hàng ngày là 119 xã, tỷ lệ 84,4%. Hàng hóa, dịch vụ lưu thông qua các chợ có mức tăng trưởng hàng năm đạt khá, tốc độ tăng bình quân trong những năm gần đây cao và tương đối ổn định. Trong công tác quản lý, phần lớn các chợ nông thôn thời gian qua đều do UBND xã quản lý. Tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi thì hiện nay ở nhiều địa phương trong toàn thành vẫn còn chợ tự phát được hình thành do nhu cầu phục vụ tiêu dùng cho một bộ phận dân cư sinh sống trong thôn, xóm. Các chợ này thường chỉ họp vào buổi sáng, diễn ra trong vài giờ, chủ yếu là các hộ nông nghiệp với các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống tự sản xuất và nuôi trồng. Bên cạnh đó, tại các chợ này, vẫn còn tình trạng các hộ tiểu thương không kinh doanh ở các gian hàng trong chợ mà bày hàng hóa lấn chiếm lòng, lề đường làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông và mất đi vẻ đẹp mỹ quan về văn minh thương mại.

2.8. Hệ thống ngân hàng, tín dụng

Chi nhánh ngân hàng/quỹ tín dụng đặt trên đại bàn các xã tuy còn hạn chế, năm 2020, số xã có chi nhánh ngân hàng là 36 xã, tỷ lệ bằng 25,53% tổng số xã. Trong đó: huyện Thủy nguyên có 11 xã, huyện An Dương 8 xã, huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng mỗi đơn vị có 5 xã, huyện Vĩnh Bảo có 4 xã và huyện An Lão là 3 xã. Có 25 xã có quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn (chiếm tỷ lệ 17,73%) với 26 quỹ, trong đó huyện Thủy Nguyên có 7 quỹ, huyện An Dương có 6 quỹ, huyện An lão có 2 quỹ, huyện Kiến Thụy có 4 quỹ, huyện Tiên Lãng có 4 quỹ, huyện Vĩnh Bảo có 2 quỹ tín dụng trên địa bàn. Tính đến thời điểm 01/7/2020 có gần 51 nghìn hộ được vay vốn ưu đãi, chiếm 15% tổng số hộ với tổng số vốn vay ưu đãi các chương trình, dự án trong năm 2019 là 1.255,4 tỷ đồng, bình quân đạt 25 triệu đồng/hộ. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống.

Giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đã triển khai các chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách và hộ dân, cho vay phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai thực hiện những chính sách trên đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nếu như trước đây, chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì hiện nay đã có những ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay trong lĩnh vực này. 

2.9. Hệ thống nước sạch nông thôn

Năm 2020, trên địa bàn khu vực nông thôn có 86 xã có xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 61% số xã), 125 công trình cấp nước đang hoạt động, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nguồn nước máy để ăn uống, sinh hoạt đạt 86,5% (năm 2016 đạt 40,42%). Hệ thống cấp nước máy đã giải quyết được vấn đề nước sạch phục vụ cho ăn uống và sinh hoạt của người dân nông thôn. Trong 10 năm qua đã xây dựng 37 hệ cấp nước tập trung quy mô trung bình và quy mô lớn; trong đó có 11 hệ cấp nước tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01: 2009/BYT. 

Đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ người dân nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% người dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế với tiêu chuẩn cấp nước tính theo đầu người đạt 150l/người/ngày. 

 2.10. Hệ thống bảo vệ môi trường (xử lý nước thải, rác thải)

Toàn thành hiện có 141/141 xã có tổ chức hoặc thuê thu gom rác thải bằng 100% tổng số xã (năm 2011 chiếm 69,9%, năm 2016 chiếm 99,3%); có 1.162 thôn có tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt bằng 100% tổng số thôn; đối với xã có điểm riêng thu gom chai lọ, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã là 66 xã chiếm 47% tổng số xã (tăng 33 xã so với năm 2016).

Năm 2020, lượng rác thải phát sinh được thu gom, xử lý theo đúng quy định đạt 93% (tương ứng với 190.282 tấn). Chất thải của hoạt động công nghiệp được thu gom, xử lý trong giai đoạn 2016 – 2020 đạt 90%, tăng 20% so với giai đoạn 2011 – 2016; Chất thải làng nghề được thu gom, xử lý tại cơ sở đạt 90%, chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 95%. Có 132 xã có hệ thống thoát nước thải tập trung trong các khu dân cư (chiếm tỷ lệ 93,7% số xã); có 1.138 thôn, chiếm 97,8% số thôn đã có hệ thống thoát nước thải.

3. Điều kiện làm việc và bộ máy của lãnh đạo xã 

Tính đến thời điểm 01/7/2020, 100% trụ sở UBND cấp xã được xây dựng kiên cố, khang trang; 100% trụ sở UBND xã có máy vi tính, số máy vi tính đạt 2.468 máy (bình quân mỗi xã có 18 máy); có 77 xã (chiếm tỷ lệ 55% số xã) có máy photocopy. Đội ngũ cán bộ cơ sở được chuẩn hóa, có năng lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội;100% các xã có cán bộ, công chức đạt chuẩn theo quy định.

II. Kinh tế nông thôn và nông, lâm nghiệp và thủy sản

 Theo tính toán sơ bộ kết quả tổng hợp nhanh tại thời điểm 01/7/2020 khu vực nông thôn thành phố có 350.966 hộ trong đó 87.749 hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 25,00%) còn lại là hộ phi nông lâm thủy sản. Cũng tại thời điểm 01/7/2020 toàn thành có 496 hộ sản xuất nông lâm thủy sản đạt tiêu chí trang trại. Từ kết quả tổng hợp nhanh có thể đánh giá hoạt động của hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản và trang trại như sau:

1. Hộ, nhân khẩu khu vực nông thôn

Sau 5 năm tính từ thời điểm 01/7/2016 đến 01/7/2020, xu hướng tách hộ tại khu vực nông thôn vẫn tiếp tục được duy trì, tổng số hộ khu vực nông thôn đã tăng thêm 44.645 hộ (+14,84%) so với năm 2016, tốc độ tăng bình quân là 3,52% tương đương 11.161 hộ mỗi năm; 

Tổng số nhân khẩu nông thôn là 1.139.761 người, tăng 160.829 người so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,04% tương đương 40.207 người. Ngược lại, quy mô nhân khẩu bình quân một hộ nông thôn có xu hướng giảm đáng kể, phản ánh đúng thực trạng tách khẩu tại khu vực nông thôn hiện nay, từ 3,3 khẩu/hộ (năm 2016) đến nay còn 3,2 khẩu/hộ (01/7/2020).

1.1. Cơ cấu ngành nghề của hộ khu vực nông thôn

Cơ cấu ngành nghề của hộ khu vực nông thôn thời gian qua đã có sự thay đổi khá rõ nét theo hướng tích cực. Tỷ trọng hộ thuộc các ngành phi nông, lâm thủy sản như: công nghiệp- xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng, tỷ trọng hộ nông lâm nghiệp thủy sản tiếp tục giảm, phản ánh chuyển dịch cơ cấu ngành sản xuất của hộ tại khu vực nông thôn đúng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế của thành phố trong thời gian qua.

Giai đoạn 5 năm từ 2016-2020, cơ cấu hộ sản xuất các ngành phi nông, lâm, thuỷ sản tăng nhanh, năm 2016 số hộ lĩnh vực nông lâm thủy sản là 90,4 nghìn hộ, đến 2020 còn 87,7 nghìn hộ, giảm 2,7 nghìn hộ. Xét về cơ cấu, năm 2016 chiếm 30,06% và năm 2020 chỉ còn 25,4% tổng số hộ khu vực nông thôn. Xét theo cơ cấu địa phương thì 100% các đơn vị hành chính khu vực nông thôn của thành phố đều có tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hộ nông thôn từ nông lâm thuỷ sản sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, sự chuyển dịch rõ nét nhất xảy ra ở các huyện ven đo có tốc độ đô thị hóa nhanh như An Dương, Kiến Thụy, Thủy Nguyên,…

1.2. Cơ cấu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

Xét tổng thể từ giai đoạn 2016 đến nay nhóm hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản liên tục giảm và có tốc độ giảm khá nhanh. 

Hộ nông nghiệp (bao gồm hộ trồng trọt, chăn nuôi): Tại thời điểm 01/7/2020 toàn thành có 82,7 nghìn hộ, chiếm tỷ trọng 90,98% tổng số nông lâm nghiệp thủy sản, giảm 2,58 điểm % so năm 2011. Trong đó các huyện thuần nông như huyện Vĩnh Bảo giảm nhiều nhất với 1,9 điểm % tương đương với trên 9,7 nghìn hộ; huyện Tiên Lãng giảm 2,3 điểm % giảm tương đương trên 8,9 nghìn hộ; huyện An Dương giảm 1,3 điểm % tương đương giảm trên 6,8 nghìn hộ. Nguyên nhân bởi thời gian qua do các ngành nghề tại nông thôn và các cụm công nghiệp phát triển, các hộ nông nghiệp thuần trước đây đã có nhiều lao động chuyển sang làm tại các cơ sở công nghiệp với mức thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó đối với các hộ sản xuất nông nghiệp có thực lực và tiềm năng đã từng bước tích tụ ruộng đất từ những hộ không hoạt động sản xuất nông nghiệp, tập trung đầu tư theo hướng sản xuất hàng hoá, hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững.

Hộ lâm nghiệp: Số hộ lâm nghiệp của thành phố chiếm tỷ lệ rất nhỏ chỉ bằng 0,02% tổng số hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản và giữ ở mức ổn định so với năm 2011. Số hộ lâm nghiệp ổn định do đặc thù thành phố có chương trình giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng trồng theo niên hạn lâu dài với các hộ.

Hộ thủy sản: Thời điểm 01/7/2020 thành phố có 5,4 nghìn hộ chiếm tỷ trọng 6,04% tổng số hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 0,37 điểm % so với năm 2011. Hiện nay số hộ thủy sản tập trung chủ yếu ở các huyện có lợi thế về nuôi trồng và khai thác biển như: huyện Thủy Nguyên với trên 2,3 nghìn hộ chiếm cơ cấu 42,37%; huyện Tiên Lãng trên 0,9 nghìn hộ chiếm cơ cấu 16,92%; huyện Kiến Thụy trên 0,7 nghìn hộ chiếm 13,52% so tổng số hộ thủy sản toàn thành phố.

 2. Kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tỷ trọng GRDP các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và khu vực kinh tế ngoài nhà nước tiếp tục tăng lên, nhóm nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng ổn định đồng thời có tỷ trọng giảm dần. Năm 2010 GRDP ngành nông lâm thủy sản đạt trên 6,3 nghìn tỷ đồng chiếm 9,05% cơ cấu GRDP toàn thành phố, sau 5 năm (2015) đạt trên 9,8 nghìn tỷ đồng chiếm 7,52% cơ cấu, giảm 1,5 điểm %; đến nay sơ bộ năm 2020 đạt 12,7 nghìn tỷ đồng và cơ cấu chỉ còn chiếm 4,6% tổng GRDP toàn thành giảm tới 2,9 điểm %.

 


 2.1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp đà tăng trưởng

Trong giai đoạn gần đây, dưới tác động của tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất canh tác cho nông nghiệp liên tục giảm, dịch chuyển cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ, tỷ trọng trong đầu tư xã hội giảm, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng ngành nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Từ năm 2010 đến nay, tăng trưởng giá trị sản xuất của nông nghiệp toàn thành phố bình quân mỗi năm tăng 2,1%/năm. GRDP bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt tới 2,84%/năm. 

2.2. Cơ cấu nội bộ ngành nông lâm nghiệp thủy sản và kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực đúng hướng

Cơ cấu giá trị sản xuất (GTSX) năm 2010 toàn ngành đạt trên 12,6 nghìn tỷ đồng với cơ cấu nội bộ nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản là 75,01% - 0,36% và 24,24%; năm 2015 đạt trên 19,3 nghìn tỷ đồng với cơ cấu 66,19% - 0,21% - 33,61% và năm 2020 sơ bộ đạt trên 24,7 nghìn tỷ với cơ cấu tương ứng là 55,95% - 0,17% - 33,61%. 
 


Như vậy sau 10 năm (2010 – 2020), cơ cấu trong nội bộ nhóm ngành nông lâm và thủy sản đã chuyển dịch đúng hướng theo tiềm năng và lợi thế của địa phương với xu hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành thuỷ sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt trong giá trị sản xuất. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giảm 19,45 điểm %, ngành lâm nghiệp giảm 0,19 điểm % và ngành thuỷ sản tăng 19,64 điểm %. 

Trong nội bộ các ngành thuộc nông lâm thủy sản cũng diễn ra các chuyển biến cơ cấu tích cực. 

Đối với ngành nông nghiệp giai đoạn 2010 – 2020, tổng diện tích gieo trồng lúa giảm năm 2020 giảm 22,3 nghìn ha so với năm 2011, bình quân giai đoạn 2010 - 2020 mỗi năm giảm 2,23 nghìn ha. Để ngành trồng trọt phát triển cân đối với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, Thành phố đã thực hiện các chính sách tiếp sức cho nông dân như cung cấp tín dụng, khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng quy hoạch lại đồng ruộng theo hướng quy vùng sản xuất hàng hoá…., đến nay năng suất lúa đạt 6, 42 tấn/ha tăng 7% (tương ứng tăng 4 tạ/ha) so với năm 2010; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt năm 2019 đạt 121,9 triệu đồng/ha, theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra. 

Đối với ngành chăn nuôi, hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại đang thay thế dần mô hình chăn nuôi tận dụng nhỏ lẻ ở gia đình. Phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, phù hợp với lợi thế của từng vùng.... Tổng trọng lượng lợn hơi xuất chuồng ước năm 2020 đạt 22,72 nghìn tấn giảm hơn 3 lần so với năm 2015, giảm hơn 3,5 lần so với năm 2011 do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi; thịt gia cầm ước đạt trên 67,23 nghìn tấn tăng gấp 2,45 lần năm 2015, gấp 3,86 lần năm 2011; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 361,82 triệu quả tăng gấp 1,3 lần năm 2015, gấp 1,53 lần năm 2011.

Đối với ngành thủy sản, nghề khai thác xa bờ phát triển nhanh. Đến nay, tổng số tàu thuyền toàn thành phố có 1.738 phương tiện với tổng công suất 215,84 nghìn CV, công suất bình quân đạt 124,2 CV/phương tiện đây là mức công suất đảm bảo cho năng lực vươn khơi bám biển khai thác dài ngày trên Vịnh Bắc bộ. Hoạt động khai thác đang tiếp tục xu hướng chuyển dần ra xa bờ, sử dụng các phương tiện, máy móc hiện đại như máy tầm ngư, định vị nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó với vị trí địa lý ven biển ngành nuôi trồng thủy sản có nhiều lợi thế, diện tích nuôi trồng thủy sản được trải đều trên các khu vực nước mặn (ven biển) nước lợ và nước ngọt. Với xu hướng sản xuất nuôi trồng đa loài, đa loại hình, đa phương thức và thân thiện với môi trường, tập trung đầu tư vào những sản phẩm có tiềm năng thế mạnh như tôm thẻ, cá vược, thủy sản lồng bè,.... Sản phẩm nuôi trồng, khai thác thủy sản ngày càng gia tăng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn cung cấp nguyên liệu ngành chăn nuôi, ngành chế biến xuất khẩu. 

Đối với ngành sản xuất lâm nghiệp của thành phố chủ yếu là công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, với cơ cấu chiếm dưới 1% toàn ngành nông lâm thủy sản nên nhìn chung ổn định không có đột biến lớn. 

III. Kinh tế trang trại

Kinh tế trang trại phát triển ổn định và đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản.
Theo số liệu điều tra tại thời điểm 01/7/2020 thành phố có 496 trang trại (năm 2020 số lượng trang trại giảm do thực hiện theo Thông tư mới của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn). 

1. Số lượng và loại hình trang trại
1.1. Số lượng trang trại


Theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định tiêu chí kinh tế trang trại có kết quả sản xuất kinh doanh trong năm điều tra năm 2020 toàn thành có 496 trang trại bằng 76,54% giảm 152 trang trại so với năm 2016. Số lượng trang trại giảm nguyên nhân chủ yếu do có sự sửa đổi bổ sung lại tiêu chí trang trại với tiêu chí về giá trị tăng lên. 

Trong tổng số 496 trang trại có 443 chủ trang trại là nam, 53 chủ trang trại là nữ. Chủ trang trại chưa qua đào tạo là 87 người chiếm 17,54%; chủ trang trại đã qua đào tạo chiếm 82,46%, trong đó đào tạo ngắn hạn không có chứng chỉ 284 người chiếm 57,26%; có chứng chỉ và sơ cấp nghề 49 người chiếm 9,88%; trung cấp 42 người chiếm 8,47%; cao đẳng nghề và cao đẳng có 03 người chiếm 0,6%; đại học trở lên 31 người chiếm 6,25%; 

1.2. Trang trại phân theo loại hình sản xuất

Với tổng số 496 trang trại, nhưng ngành sản xuất kinh doanh của trang trại lại bị thu hẹp, không phong phú đa dạng như những năm trước đây, chủ yếu tập trung vào hai ngành sản xuất chính là chăn nuôi và thủy sản, cụ thể: cơ cấu trang trại ngành chăn nuôi chiếm 92,54% với 459 trang trại; trang trại sản xuất ngành thủy sản 6,85% với 34 trang trại; còn lại là trang trại tổng hợp và trồng trọt 0,61% với 03 trang trại. Số lượng trang trại có ký kết hợp đồng kinh tế bán sản phẩm là 327 chiếc (chiếm 65,92% tổng số trang trại), trong đó số trang trại ký hợp đồng trước khi thu hoạch sản phẩm là 316 chiếc. Phương hướng sản xuất chính đối với trang trại chăn nuôi là chăn nuôi lợn, gà, vịt. Trang trại thủy sản có phương hướng sản xuất chính là cá (chủ yếu là cá vược).

Với 459 trang trại sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, chiếm 92,54% cơ cấu (giảm 284 trang trại so với năm 2016) trong đó có 226 trang trại nuôi gia công lên phần lớn đều nuôi gia công được các công ty đầu tư trọn gói: con giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh cũng như sản phẩm đầu ra. Trong nội bộ nhóm trang trại chăn nuôi có 98 trang trại nuôi lợn chiếm 21,35% và 361 trang trại nuôi gia cầm chiếm 78,65% cơ cấu trang trại chăn nuôi.

Trang trại thuỷ sản có số lượng đứng thứ 2 gồm 34 trang trại chiếm 6,85% cơ cấu (bằng 50,0% giảm 34 trang trại so với năm 2016). Hướng sản xuất chính là nuôi trồng các loại thuỷ sản như tôm, cá (chủ yếu là cá vược) kết hợp sản xuất giống thuỷ sản theo hình thức thâm canh, bán thâm canh. Trang trại thuỷ sản nằm chủ yếu ở huyện Thuỷ Nguyên gồm 19 chiếc chiếm 55,88% cơ cấu trang trại thủy sản; còn lại 15 trang trại nằm rải rác ở các quận, huyện như Hải An, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo... Tuy là loại hình trang trại nuôi trồng thuỷ sản những thực tế các chủ trang trại vẫn kết hợp nuôi thêm gia súc gia cầm như bò, lợn, gà, vịt… Số lượng trang trại thủy sản có ký kết hợp đồng trước khi thu hoạch sản phẩm là 13 trang trại chiếm 38,23% số lượng trang trại thủy sản.

Có 01 trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp và 02 trang trại trồng trọt chiếm tỷ trọng rất nhỏ chỉ bằng  0,60% cơ cấu trang trại, với hướng sản xuất đa ngành, có thể vừa trồng cây lâu năm vừa nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi hoặc kinh doanh các ngành nghề, dịch vụ nông lâm thuỷ sản kết hợp, loại hình này thường có quy mô, vốn đầu tư lớn và sử dụng nhiều lao động hơn so với các loại hình trang trại khác.

 2. Về quy mô của trang trại

Diện tích đất các trang trại sử dụng tại thời điểm 1/7/2020 (gồm đất nông, lâm nghiệp, thủy sản) là 691,1 ha giảm 240 ha so với năm 2016. Trong tổng số diện tích đất nông, lâm nghiệp và thủy sản các trang trại đang sử dụng thì đất nuôi trồng thủy sản chiếm diện tích lớn nhất với 434,5 ha (chiếm 62,87% tổng số); đất trồng cây hàng năm 50,5 ha (chiếm 7,31%); cây lâu năm 90,9 ha (chiếm 13,15%). Quy mô diện tích của các trang trại nhìn chung ổn định, diện tích đất sử dụng bình quân 1 trang trại đạt 1,39 ha giảm 0,05 ha/trang trại.

Năm 2016, các trang trại của Hải Phòng sử dụng 2.238 lao động làm việc thường xuyên đến năm 2020 là 1.612 lao động, bình quân 1 trang trại sử dụng 3,25 lao động, trong đó lao động của hộ chủ trang trại 2,1 lao động, lao động thuê mướn 1,15 lao động. Tổng số lao động thuê ngoài thời vụ là 2.890 lao động, bình quân 5,83 lao động/ trang trại tăng 3,9 lần so với năm 2016 (năm 2016 lao động thời vụ đạt 1,49 người/trang trại).

Trình độ của chủ trang trại mặc dù đã có xu hướng được đào tạo chuyên môn hóa nhưng vẫn còn rất hạn chế. Trong tổng số 496 trang trại có 443 chủ trang trại là nam, 53 chủ trang trại là nữ. Chủ trang trại chưa qua đào tạo là 87 người chiếm 17,54%; chủ trang trại đã qua đào tạo chiếm 82,46%, trong đó đào tạo ngắn hạn không có chứng chỉ 284 người chiếm 57,26%; có chứng chỉ và sơ cấp nghề 49 người chiếm 9,88%; trung cấp 42 người chiếm 8,47%; cao đẳng nghề và cao đẳng có 03 người chiếm 0,6%; đại học trở lên 31 người chiếm 6,25%; 

Đối với lao động của trang trại chủ yếu là lao động thời vụ và thuê mướn nên trình độ còn rất hạn chế. Trong tổng số 1.612 lao động thường xuyên, vẫn còn 702 lao động chưa qua đào tạo (chiếm 43,55%); 689 lao động đã qua đào tạo nhưng không có chứng chỉ (chiếm 42,74%); 55 lao động được đào tạo trình độ sơ cấp nghề (chiếm 3,41%); 68 lao động có trình độ trung cấp nghề (chiếm 4,22%); 15 lao động trình độ cao đẳng (chiếm 0,93%) và trình độ đại học trở lên có 63 người (chiếm 5,15%).

3. Kết quả sản xuất kinh doanh của trang trại

Năm 2016 tổng thu từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các trang trại đạt là 1.939,61 tỷ đồng, tăng 689,8 triệu đồng. Trong đó đóng góp cho tổng thu từ loại hình trang trại chăn nuôi là 1.695,75 tỷ đồng chiếm  87,42% cơ cấu; trang trại thủy sản là 165,06 tỷ đồng, chiếm 8,51%; trang trại tổng hợp là 78,8 tỷ đồng chiếm 4,06%. Giá trị sản xuất bình quân một trang trại năm 2016 là 2,99 tỷ giảm 15 triệu đồng giảm 4,77% so với năm 2011. 

Năm 2020 tổng thu từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các trang trại đạt là 2.325,74 tỷ đồng, tăng 386,13 tỷ đồng; bình quân 1 trang trại thu 4,69 tỷ đồng/trang trại bằng 156,82% so với năm 2016. Trong đó đóng góp cho tổng thu từ chăn nuôi là 2.115,41 tỷ đồng chiếm 90,96% cơ cấu; thu từ thủy sản là 192,86 tỷ đồng, chiếm 8,29%; còn lại thu từ trồng trọt là 17,47 tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân 1 trang trại năm 2020 đạt 4,69 tỷ tăng 1,7 tỷ đồng tương ứng tăng 56,65% so với năm 2016. Số lượng trang trại năm 2020 mặc dù giảm 152 trang trại nhưng tổng thu từ nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 19,91% so với năm 2016 cho thấy hiệu quả sản xuất của kinh tế trang trại trong phát triển sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ nông lâm thủy sản bán ra là 2.307,6 tỷ đồng (bằng 1,2 lần so với năm 2016, và bằng 2,18 lần so với năm 2011), tỷ suất hàng hóa đạt 99,22% tăng 0,21% so với năm 2016.

 IV. Đánh giá chung

Trong bất cứ thời đại nào, nông nghiệp - nông dân - nông thôn có vai trò rất quan trọng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ba vấn đề đó có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, tạo thành một chỉnh thể trong chiến lược phát triển mỗi địa phương, mỗi quốc gia trong thời kỳ đổi mới.

 1. Những thành tựu

Xem xét trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong những điều kiện kinh tế và chính trị cụ thể, chúng ta nhận thấy nhịp điệu tăng trưởng, phát triển của khu vực nông nghiệp - nông thôn và đời sống cư dân nông thôn Hải Phòng qua hơn 30 năm đổi mới đã có những sự bứt phá. Đã giải phóng được tiềm năng, sức sản xuất, hướng vào mục tiêu phát triển. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Người nông dân đã thực sự trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, được thụ hưởng thật sự những thành quả của đổi mới mang lại. Nhiều mô hình, cách làm ăn mới được hình thành, phát triển. Nông thôn mới được quan tâm quy hoạch theo hướng hiện đại hóa; hạ tầng kinh tế-xã hội có bước phát triển cơ bản; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực; kinh tế phát triển khá cao, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và chính sách xã hội, an sinh xã hội ngày càng được chăm lo. Đến nay, đã có nhiều hình thức tổ chức sản xuất như mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ, “Công ty gia đình”... ra đời và phát triển có hiệu quả ở nông thôn. Lĩnh vực giáo dục-đào tạo cũng như đời sống văn hóa nông thôn được chăm lo, với hệ thống thông tin truyền thông từng bước hiện đại hóa. Hệ thống nước sạch, vệ sinh môi trường có bước cải thiện. Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn được đổi mới, nâng cao từng bước chất lượng hoạt động.

2. Hạn chế

Trong hơn 10 năm qua bức tranh tổng thể của nông thôn Hải Phòng tuy đã có những đổi mới tích cực nhưng vẫn còn đó những vấn để khó khăn trong sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, một số lĩnh vực phát triển nóng và thiếu tính bền vững. Cụ thể: Kết quả đạt được về chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn năm 2020 tuy có tiến bộ so với năm 2006, 2011 nhưng vẫn còn chậm và có khoảng cách xa so với yêu cầu, từ năm 2011 đến nay, tỷ trọng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản mới giảm được 20%, từ khoảng 80% năm 2011 xuống khoảng 60% vào năm 2020, bình quân mỗi năm giảm được 2%. Mặt khác, mặc dù đã đạt được những tiến bộ so với các năm trước nhưng sự dịch chuyển của cơ cấu nội bộ ngành kinh tế nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản đã có bước chững lại. Điều này dẫn đến khả năng chuyển đổi ngành nghề từ khu vực nông lâm thuỷ sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ còn chậm và không đều giữa các vùng, các địa phương. Cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chuyển biến chưa rõ nét và thiếu bền vững. Đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, tập trung, tích tụ ruộng đất còn khó khăn; kinh tế hộ nhỏ lẻ còn hiện hữu. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, chất lượng và khả năng cạnh tranh một số mặt hàng còn thấp.
 
Kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, nhất là về sinh kế và nâng cao thu nhập người dân; nhiều nơi mới chú trọng đến hạ tầng, ít quan tâm đến sản xuất, kinh doanh. Sự gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nông nghiệp chưa chặt chẽ. Kết quả thực hiện tiêu chí về tổ chức sản xuất ở nông thôn chưa cao. Ô nhiễm môi trường ở một số khu vực nông thôn còn trầm trọng, chậm được giải quyết, nhất là xử lý chất thải. Bản sắc văn hoá truyền thống nông thôn trên một số địa bàn bị mai một. 

3. Phương hướng

Nghị Quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định: “Đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn gắn với việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phù hợp với quá trình đô thị hóa”. Để kinh tế nông thôn nông nghiệp Hải Phòng phát triển hiệu quả, ứng phó thành công trước những biến đổi bất ổn của thị trường toàn cầu và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các cấp Đảng, Chính quyền địa phương cùng các Ngành cần hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để tạo môi trường, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực một cách bình đẳng, minh bạch, như đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học - công nghệ… Đây là giải pháp quan trọng nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian tới. 

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho hình thành có hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản. Tập trung phát triển sản phẩm có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ; đa dạng hóa thị trường, cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổ chức lại sản xuất, cơ chế hóa và hiện đại hóa nền sản xuất lớn, đưa kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, gắn kết sản xuất và tiêu thụ giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực sản xuất cho các vùng chuyên canh lớn. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi tạo khâu đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hoá nông sản;

Rà soát, điều chỉnh hợp lý chiến lược quy hoạch, kế hoạch ngành, cũng như các lĩnh vực sản xuất, các sản phẩm đặc thù nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, mỗi địa phương. Thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp cả trong mục tiêu trung hạn và dài hạn, để có chiến lược bảo tồn và sử dụng đất nông nghiệp hợp lý; đồng thời quy hoạch và tổ chức lại các vùng sản xuất, nuôi trồng thích hợp, sản xuất điều phối theo nhu cầu của thị trường, chú trọng nhu cầu/tín hiệu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, cơ khí hoá nông nghiệp và điện khí hoá nông thôn. Phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản làm cơ sở cho việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn có hiệu quả.

Đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động khu vực nông thôn nhằm đáp ứng định hướng kinh tế số hóa nông nghiệp. Kiện toàn quy hoạch và cải cách đội ngũ cán bộ phục vụ cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế trọng điểm khu vực nông thôn và cụ thể hoá chiến lược phát triển từng loại hình dịch vụ như: dịch vụ nông nghiệp; dịch vụ thương mại; dịch vụ kỹ thuật,… trên toàn diện khu vực nông thôn nông nghiệp của thành phố Hải Phòng./.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê Hải Phòng

Ghi rõ nguồn "Cục Thống kê thành phố Hải Phòng" hoặc "https://thongkehaiphong.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây