Tình hình KT-XH TP Hải Phòng tháng 1 năm 2023

Thứ hai - 30/01/2023 11:21

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 01 NĂM 2023

THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Hoạt động tài chính, ngân hàng

1.1 Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 01 năm 2023 ước đạt 8.595,7 tỷ đồng, bằng 86,1% so với cùng kỳ năm trước, bằng 7,4% so với dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó: 

+ Thu nội địa ước đạt 4.326,1 tỷ đồng, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước; bằng 10,2% so với dự toán HĐND thành phố giao;

+ Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 4.269,2 tỷ đồng, bằng 75,4% so với cùng kỳ năm trước; bằng 6,1% so với dự toán HĐND thành phố giao.

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 01 năm 2023 ước đạt 2.599,4 tỷ đồng, bằng 150,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tổng chi đầu tư phát triển ước đạt 1.333,5 tỷ đồng; chi thường xuyên ước đạt 1.265,4 tỷ đồng, bằng 106% so với cùng kỳ năm trước.

1.2 Ngân hàng

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng điều hành công tác tín dụng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp;…

* Công tác huy động vốn

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/01/2023 đạt 287.573 tỷ đồng, tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo loại tiền: Huy động bằng VND ước đạt 273.420 tỷ đồng, tăng 9,14% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 94,73%; ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 14.153 tỷ đồng, bằng 86,62% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 5,27%.

Theo hình thức huy động: Huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 171.998 tỷ đồng, tăng 11,24% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 60,16%; tiền gửi thanh toán ước đạt 111.011 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 38,26%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 4.564 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,59%.

* Công tác tín dụng

Tổng dư nợ cho vay đến 31/01/2023 ước đạt 182.398 tỷ đồng, tăng 18,69% so với cùng kỳ năm trước. 

Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND ước đạt 173.897 tỷ đồng, tăng 19,77% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 96,16%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 8.501 tỷ đồng, tăng 0,26% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 3,84%.

Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 96.138 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,96%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 86.260 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,04%. 

2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, nhà phân phối cũng như một số cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố đã dự trữ hàng hoá thiết yếu, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết. Nguồn cung các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm tại các chợ dân sinh và hệ thống siêu thị dồi dào, đa dạng, tăng từ 10-30% và không có đột biến về giá cả.. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh có nhiều chương trình khuyến mại kéo dài đến Tết Nguyên đán nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp.

Các mặt hàng như gạo, thịt lợn, thịt gà đã có xu hướng tăng nhẹ, cùng với đó là giá dịch vụ nhà cho thuê tăng là nguyên nhân chủ chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 0,98% so với tháng trước; tăng 4,94% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 01/2023 tăng 0,98% (khu vực thành thị tăng 1,17%; khu vực nông thôn tăng 0,74%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính không có nhóm mặt hàng nào có chỉ số giá giảm.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 01/2023 tăng 4,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá và 01 nhóm giảm giá.

* Chỉ số giá vàng 99,99% và Đô la Mỹ: 

- Giá vàng trong nước thường có xu hướng tăng vào dịp cuối năm, thêm vào đó giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới. Theo đó, chỉ số giá vàng tháng 01/2023 tăng 0,71% so với tháng trước, tăng 2,24% so với tháng cùng kỳ. Giá vàng bình quân tháng 01/2023 dao động ở mức 5,42 triệu đồng/chỉ.

-  Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 01/2023 giảm 2,24% so với tháng trước, tăng  3,44% so với cùng kỳ. Đồng USD tiếp tục suy giảm do lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, mở đường cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất.

3. Đầu tư

Kế hoạch vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách thành phố năm 2023 được dự toán tại Nghị quyết số 79/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 và Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 4338/QĐ-UBND ngày 16/12/2022 về việc giao kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn được giao là 20.977 tỷ đồng (không bao gồm các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương). Triển khai thực hiện kế hoạch vốn được giao, thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung cân đối các nguồn vốn theo kế hoạch đầu tư công năm 2023 để kịp thời giải ngân cho các dự án. Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu, lập dự toán.... và đẩy nhanh tiến độ các dự án ngay từ tháng đầu năm.

 Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 01/2023 ước tính đạt 724 tỷ đồng, tăng 0,58% (tương ứng tăng 4,16 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố 576 tỷ đồng, tăng 0,41%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 112 tỷ đồng, tăng 1,41%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 36 tỷ đồng, tăng 0,7%. 

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Tính đến 15/01/2023 Hải Phòng có 851 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 24.577,74 triệu USD.

Tính đến 31 tháng 12 năm 2022, toàn thành phố có 89 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 1.121,81 triệu USD và 42 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 932,12 triệu USD. Năm 2022 có 5 dự án điều chỉnh giảm vốn, 32 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động. 

Trong 15 ngày đầu năm 2023, có 3 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư là 64,50 triệu USD. Trong đó cấp mới trong KCN, KTT là 4,50 triệu USD và ngoài KCN, KKT là 60 triệu USD. 

Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 2 dự án, với số vốn tăng là 2,5 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Không có dự án bị thu hồi/ chấm dứt hoạt động.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào việc gieo trồng, chăm sóc cây hoa màu và thu hoạch cây vụ Đông, gieo cấy lúa vụ Xuân. Tình hình nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển ổn định. Bên cạnh đó, thực hiện công tác chuẩn bị và chăm sóc cây giống phục vụ dịp Tết trồng cây Xuân Quý Mão 2023. 

4.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt

- Sản xuất vụ Đông 2022 - 2023 

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông trên địa bàn thành phố ước đạt 6.545,1 ha, bằng 96,88%, tương ứng giảm 211 ha so với vụ Đông năm trước. Diện tích một số cây trồng chính cụ thể như sau: 

Cây ngô: Diện tích gieo trồng ước đạt 257,4 ha, bằng 87,04% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều giống ngô mới được đưa vào sản xuất cho năng suất cao nhưng chưa thực sự là thế mạnh để bà con nông dân đầu tư mở rộng diện tích trồng vì thị trường tiêu thụ còn gặp khó khăn.

Cây khoai lang: Diện tích gieo trồng ước đạt 332,2 ha, bằng 100,26% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiêu thụ khoai lang tươi có những tín hiệu tích cực, giá thành ổn định và có xu hướng tăng nên diện tích trồng cây khoai lang được mở rộng.

Cây rau các loại: Diện tích nhóm rau các loại ước đạt 4.582,1 ha, bằng 95,03% so với vụ Đông năm trước. Trong đó: Diện tích nhóm cây rau lấy lá đạt 2.145,5 ha, bằng 95,58%; diện tích nhóm cây rau lấy quả đạt 727 ha, bằng 98%; diện tích nhóm cây rau lấy củ, rễ, thân đạt 720 ha, bằng 100,28% so với cùng kỳ năm trước. 

Diện tích hoa các loại vụ Đông năm nay ước đạt 214,1 ha bằng 109,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tập trung trồng nhiều nhất ở huyện An Dương với diện tích 66,5 ha. Nhiều giống hoa đa dạng về màu sắc và chủng loại đáp ứng được thị hiếu của người chơi hoa như: Hoa Lily (Lily Sarbone, Lily Belladonna...), hoa lay ơn, hoa hồng..., cây cảnh như đào, quất cảnh đem lại thu nhập cao cho các hộ nên hàng năm hoa và cây cảnh vẫn được các hộ dân tăng diện tích gieo trồng.

- Sản xuất vụ Xuân 2023

Ngay sau khi kết thúc thu hoạch lúa vụ Mùa năm 2022, bà con nông dân đã chủ động thực hiện cày lật đất, phơi ải chuẩn bị mặt bằng gieo cấy lúa vụ Xuân năm 2023. Kế hoạch diện tích gieo cấy lúa vụ Xuân năm 2023 toàn thành phố là 27.680 ha; đến nay, diện tích mạ Xuân đã gieo ước gần 700 ha, diện tích lúa xuân sớm đã cấy trên 200 ha, chủ yếu tập trung ở các vùng chân trũng và giống lúa có thời gian sinh trưởng dài ngày tại các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão.

* Chăn nuôi

Ước tính tháng 01 năm 2023, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: Tổng đàn trâu ước đạt 4.124 con, giảm 8,01% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 7.477 con, giảm 6%.

Tổng đàn lợn ước đạt 155,57 nghìn con, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi lợn có xu hướng giảm chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do giá bán sản phẩm không đủ bù đắp chi phí chăn nuôi.

Đàn gia cầm có xu hướng tăng nhẹ do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vào đàn để đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Tổng đàn gia cầm ước đạt 8.648,65 nghìn con, tăng 1,67%, trong đó đàn gà ước đạt 6.749,03 nghìn con, tăng 3,87% so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Lâm nghiệp

Tháng 01 năm 2023, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 129,2 m3, giảm 3,52% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 4.015,0 ste, giảm 3,26%. Sản lượng gỗ, củi chủ yếu được khai thác và thu nhặt từ cây lâm nghiệp trồng phân tán.

Thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp; chủ động phối hợp giữa các lực lượng: Công an, Quân đội, Kiểm lâm trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn.

4.3. Thủy sản

Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 01 năm 2023 ước đạt 16.804,8 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. 

* Nuôi trồng

Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 01 năm 2023 ước đạt 7.217,7 ha, giảm 0,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích nuôi cá các loại đạt  4.808 ha, tăng 0,1%; tôm các loại đạt 2.015,8 ha, giảm 0,35%; thủy sản khác đạt 393,9 ha, giảm 4,88%. Như vậy, bước sang năm 2023 thực hiện chủ trương giải tỏa và quy hoạch lại các bãi triền nuôi ngao ven biển các khu vực nuôi ngao nước lợ đã có sự biến động giảm diện tích nuôi trồng.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 01 năm 2023 ước đạt 6.728,9 tấn, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: cá các loại đạt 4.987,8 tấn, tăng 3,49%; tôm các loại đạt 540,6 tấn, tăng 3,13%; thủy sản khác đạt 1.200,5 tấn, tăng 2,52% với chủ lực là sản lượng ngao nước mặn.

* Khai thác 

Sản lượng khai thác thủy sản tháng 01 năm 2023 ước đạt 10.075,9 tấn, tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khai thác biển chiếm đa số với sản lượng ước đạt 9.675,2 tấn, chiếm trên 96% tổng sản lượng khai thác, tăng 1,34% so cùng kỳ năm trước.

Vụ cá Bắc đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường ở Bắc bộ trong tháng 01/2023, nhiệt độ nước biển giảm, kéo dài làm ảnh hưởng tới sản xuất khai thác của ngư dân. Tuy nhiên hiện nay thị trường tiêu thụ hải sản vẫn đảm bảo, giá mặt hàng hải sản tương đối ổn định nên mỗi chuyến đi biển vẫn đảm bảo lợi nhuận cho ngư dân. Các địa phương khuyến cáo ngư dân thường xuyên theo dõi thời tiết, chủ động và có phương án đảm bảo an toàn sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

5. Sản xuất công nghiệp

Tháng đầu năm 2023, cùng với hoạt động chăm lo Tết cho người lao động, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tập trung hoàn thành những đơn hàng còn dở dang đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm mới. Mặc dù số ngày thực tế sản xuất kinh doanh ít hơn khá nhiều so cùng thời điểm năm 2022 nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn đạt mức tăng 2,39% so cùng kỳ, trong đó một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng cao như: sản xuất máy vi tính; chế biến thuỷ sản; sản xuất điện thoại và linh kiện; sản xuất lốp xe…

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Một ước giảm 25,12% so với tháng trước và tăng 2,39% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,2%, đóng góp 5,11 điểm phần trăm vào mức tăng chung; các ngành còn lại đều có tăng trưởng âm: ngành cung cấp nước, xử lý rác thải giảm 4,36% tác động làm giảm 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành khai khoáng giảm 35,05% tác động làm giảm 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 36,25%, tác động làm giảm 2,61 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong tháng Một năm nay, một số ngành công nghiệp cấp 4 có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sản xuất hàng may sẵn tăng 116,2%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 65,12%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tăng 42,61%; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 125,7%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 51,79%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 113,16%; đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 55,53%;...Một số ngành có mức tăng khá hoặc tăng một con số: sản xuất giày dép tăng 14,43%; sản xuất săm lốp cao su tăng 19,42%; sản xuất xi măng, vôi và thạch cao tăng 18,77%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao tăng 25,27%... Tuy nhiên ở chiều ngược lại một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép giảm 80,09%; sản xuất pin và ắc quy giảm 31,35%; sản xuất sắt, thép, gang giảm 25,83%; sản xuất xe có động cơ giảm 14,64%; khai thác đá, cát, sỏi đất sét giảm 35,05%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 40,16%;...

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 01 tháng năm 2023 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Bia hơi sản xuất đạt 357 nghìn lít, tăng 411,46%; bê tông trộn sẵn đạt 121,9 nghìn m3, tăng 112,4%; các loại tàu khác sản xuất đạt 182,7 tỷ đồng tăng 166,4%; đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật đạt 3,6 triệu con, tăng 113,1%; modun camera trên 21 triệu cái, tăng 83,76%; các thiết bị linh kiện điện tử sản xuất đạt 658 nghìn cái, tăng 31,6%. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ: máy in offset sản xuất đạt 86 nghìn chiếc, giảm 46,21%; bia đóng chai sản xuất đạt 110 nghìn lít, giảm 40,54%; đồ gỗ ốp, lát tự nhiên đạt 2,3 nghìn m3, giảm 65,41%; nước mắm (trừ sản phẩm nước mắm cô đặc quy chuẩn 160 đạm) đạt 261,3 nghìn lít, giảm 56,18%;...

  * Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 01/2023 giảm 14,59% so với tháng 12/2022 và tăng 15,90% so với cùng kỳ, trong đó có một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng rất cao như: chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 193,7%; sản xuất hàng may sẵn tăng 135,2%; sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 71,64%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 101,7%; sản xuất xi măng, vôi và thạch cao tăng 44,48%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 90,06%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 60,56%;...

Một số ngành có mức tăng khá như: sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao tăng 29,18%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 21,16%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 9,69%;…

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: chế biến gỗ giảm 56,73%; sản xuất sắt, thép, gang giảm 45,72%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia giảm 43,85%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 42,35%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu giảm 45,76%;...

* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/01/2023 giảm 0,35% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất thiết bị truyền thông tăng 136,47%; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng tăng 349%; sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 361,7%; may trang phục tăng 112,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 92,54%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 59,22%;...

Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: sản xuất bia và mạch nha giảm 87,04%; sản xuất các sản phẩm điện tử dân dụng giảm 97,33%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng thạch cao giảm 61,22%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 34,2%; sản xuất giày dép giảm 65,79%;...

* Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2023 dự kiến tăng 0,84% so với tháng 12/2022 và tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 35,23%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 14,38%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,35%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong ngành khai khoáng giảm 40% so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,99%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,27%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,23%.

Những ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ gồm: sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 153,9%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 111,49%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 44,92%; ...Những ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm: dệt giảm 75,77%; khai khoáng giảm 40%; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 14,72%; sản xuất kim loại giảm 16,73%; sản xuất thiết bị điện giảm 19,84%;…

6. Thương mại, dịch vụ

Tháng Một là thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nên các hoạt động mua sắm trên địa bàn diễn ra sôi động, nhộn nhịp, nhu cầu về các dịch vụ phục vụ cá nhân, gia đình tăng cao. Năm nay có nhiều ngành hàng tăng sức mua, các doanh nghiệp, nhà cung cấp tại thị trường thành phố Hải Phòng đảm bảo đáp ứng nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trước, trong và sau Tết. Các nhà hàng, khu mua sắm thực phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại như Aeon Mall, Co.op Mart, Vinmart,… không khí mua sắm trong những ngày cận Tết có xu hướng ngày càng nhộn nhịp.

6.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01 năm 2023 ước đạt 16.047,1 tỷ đồng, tăng 1,78% so với tháng trước, tăng 14,77% so với cùng kỳ năm trước. 

- Hoạt động bán lẻ: doanh thu tháng 01/2023 ước đạt 13.344,8 tỷ đồng, tăng 3,03% so với tháng trước, tăng 13,93% so với cùng kỳ. Trong đó, các nhóm ngành hàng đều có ước tính doanh thu tăng so với tháng trước, cụ thể: ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 7,35%, hàng may mặc tăng 1,33%, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 0,06%, vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 0,4%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 0,45%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 0,34%, phương tiện đi lại khác tăng 0,13%, xăng dầu các loại tăng 5,91%, nhiên liệu khác tăng 1,35%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 5,47%; hàng hóa khác tăng 0,88%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 1,06%.

Ước tính doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2023 tăng 13,93% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 13,52%, hàng may mặc tăng 14,12%, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 14%, vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 13,1%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,2%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 14,42%, phương tiện đi lại khác tăng 14,19%, xăng dầu các loại tăng 14,09%, nhiên liệu khác tăng 14,29%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 14,96%; hàng hóa khác tăng 13,03%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 14,94%.

Nhìn chung, hoạt động thương mại tháng 01 năm 2023 có xu hướng tích cực, tập trung vào hầu hết các mặt hàng đặc trưng phục vụ nhu cầu đón Tết của người dân như ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình, phương tiện đi lại và xăng dầu, nhiên liệu, thị trường hoa và cây cảnh tăng mạnh, nhu cầu vàng bạc đá quý cũng có xu hướng tăng do nhu cầu mua sắm cả trước và sau Tết. Nguồn cung về hàng hóa luôn được đảm bảo, dồi dào và phong phú, giá cả ổn định đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của thị trường.

- Hoạt động dịch vụ 

Tháng 01 năm 2023 diễn ra rất nhiều hoạt động nhằm quảng bá về hình ảnh thành phố và con người Hải Phòng cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí chào mừng Tết Quý Mão sau hơn 01 năm xảy ra dịch Covid-19. Doanh thu hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí của thành phố tháng 01 ước tính như sau:

- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 01 năm 2023 ước đạt 140,1 tỷ đồng, tăng 2,51% so với tháng trước và tăng 8,86% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 01 năm 2023 ước đạt 1.711,3 tỷ đồng, giảm 5,39% so với tháng trước và tăng 27,02% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 01 năm 2023 ước đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 18,15% so với tháng trước và tăng 11,89 lần so với cùng kỳ năm trước.

 - Doanh thu dịch vụ khác tháng 01 năm 2023 ước đạt 843,7 tỷ đồng, giảm     7,86% so với tháng trước và tăng 6,47% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhìn chung, doanh thu các ngành hàng dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác đều tăng so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do cùng kỳ năm trước dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí của thành phố.

6.2. Hoạt động lưu trú và lữ hành

Hoạt động lưu trú và lữ hành tháng 01 năm 2023 đã ổn định và hồi phục so với cùng kỳ sau dịch Covid-19.

Tổng lượt khách tháng 01 năm 2023 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 403,8 nghìn lượt, giảm 15,73% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng tháng năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 50,1 nghìn lượt, giảm 33,54% so với tháng trước, tăng 4,89 lần so với cùng kỳ.

Đối với hoạt động lữ hành, trong tháng 01/2023, số lượt khách du lịch theo tour ước đạt 1,36 nghìn lượt khách, giảm 18,44% so với tháng trước và tăng 5,82 lần so với cùng kỳ năm trước. 

6.3. Hoạt động vận tải

Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát dự kiến tháng 01 năm 2023 đạt 9.790,4 tỷ đồng, giảm 5,67% so với tháng trước, tăng 4,21% so với cùng kỳ.

6.3.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 01 năm 2023 ước đạt 23,6 triệu tấn, giảm 4,92% so với tháng trước và giảm 6,25% so với cùng tháng năm trước. 

Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 01 năm 2023 ước đạt 10.089,2 triệu tấn.km, giảm 5,3% so với tháng trước và giảm 4,02% so với cùng tháng năm trước.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển tháng 01/2023 giảm so với tháng trước do các doanh nghiệp vận tải nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày nên lượng hàng chu chuyển giảm.

6.3.2. Vận tải hành khách

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 01 năm 2023 ước đạt 5,3 triệu lượt, tăng 12,98% so với tháng trước, tăng 2,89 lần so với cùng tháng năm trước. 

Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 01 năm 2023 đạt 229,9 triệu Hk.km, tăng 16,22% so với tháng trước và tăng 3,06 lần so với cùng tháng năm trước. 

Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển tháng 01/2023 tăng so với tháng trước do vào dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại bằng xe taxi, ô tô khách tăng cao.

6.3.3.Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải

Doanh thu dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 01 năm 2023 ước đạt 4.834,8 tỷ đồng, giảm 7,54% so với tháng trước và tăng 9,03% so với cùng tháng năm trước. 

6.3.4. Vận tải hàng không

Tháng 01 năm 2023 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 26,7 tỷ đồng, tăng 10,35% so với tháng trước; tăng 3,19 lần so với cùng tháng năm trước. 

Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 01 năm 2023 ước đạt 1.350 chuyến, giảm 2,39% so với tháng trước, tăng 80,0% so với cùng tháng năm trước. Trong đó chuyến bay ngoài nước tháng 01 ước đạt 50 chuyến.

Tổng số hành khách tháng 01 năm 2023 ước đạt 248 nghìn lượt người, tăng 12,15% so với tháng trước, tăng 2,89 lần so với cùng tháng năm trước. 

Tổng số hàng hóa tháng 01 năm 2023 ước đạt 1,0 nghìn tấn, giảm 16,63% so với tháng trước, tăng 31,8% so với cùng tháng năm trước. Hàng hóa đến và đi hiện nay đa dạng nhiều chủng loại như hải sản, hàng thực phẩm, bánh kẹo, quần áo và hàng tiêu dùng khác.

6.4. Hàng hoá thông qua cảng

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 01 năm 2023 ước đạt 11,889 triệu TTQ, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: 

- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước đạt 4,192 triệu TTQ, giảm 18,84% so với cùng kỳ. 

- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 7,697 triệu TTQ, tăng 11,67% so với cùng kỳ năm 2022.

* Doanh thu cảng biển tháng 01 năm 2023 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 532 tỷ đồng, giảm 2,32% so với cùng kỳ năm 2022. 

 II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

Trong không khí Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân; các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo nhân dân được đón Tết trong an toàn, phấn khởi.

1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

* Công tác Lao động, việc làm

Trong tháng 01/2023, tổ chức 03 phiên giao dịch việc làm với 50 lượt doanh nghiệp tham gia, nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.960 lượt lao động; cung lao động tại Sàn được 3.000 lượt người; đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là 960 người. Đã giải quyết bảo hiểm thất nghiệp 1.130 người. Qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 960 lao động. Hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể cho 07 doanh nghiệp; hiện thẩm định 17 hồ sơ nội quy lao động và ra thông báo thực hiện nội quy lao động cho 03 doanh nghiệp. Ước cấp mới 200 giấy phép lao động, cấp lại 10 giấy phép lao động, gia hạn 20 giấy phép lao động, miễn cấp 02 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn thành phố không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể; xảy ra 01 vụ tai nạn lao động làm chết 01 người.

 * Công tác Giáo dục nghề nghiệp

Trong tháng 01/2023, báo cáo đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp theo quy định; báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình "Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2027"; hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP của Chính phủ về học phí đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023; báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2022. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về liên kết, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng. 

* Công tác giảm nghèo - Bảo trợ xã hội

Trong tháng 01/2023, tiếp nhận 95 đối tượng vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội, tập trung được 40 lượt người lang thang; số lượng các đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội tổng số là 765 người, bằng 100,24% so với năm trước. Phối hợp triển khai kế hoạch thăm tặng quà Tết Quý Mão năm 2023 cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tập trung và tặng quà chúc thọ người cao tuổi năm 2023. Tổng hợp số liệu trợ giúp các đối tượng nhân dịp Tết Quý Mão năm 2023; tổng hợp Báo cáo số liệu bảo trợ xã hội năm 2022.

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Trong tháng 01/2023, tổ chức cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 67 lượt người. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 20 người. Điều trị thay thế bằng Methadone toàn thành phố (18 cơ sở) cho 3.950 người, trong đó 06 cơ sở thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội điều trị cho 1.224 người. Đoàn kiểm tra 178 thành phố tập trung rà soát, nắm tình hình các cơ sở kinh doanh dịch vụ theo Quyết định số 26968/QĐ-LĐTBXH ngày 14/12/2022 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023.

2. Giáo dục - Đào tạo

Trong tháng 01/2023, UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch 300/KH-UBND thực hiện Chương trình "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiểu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030" trên địa bàn thành phố Hải Phòng, hướng đến mục tiêu xây dựng thế hệ trẻ Hải Phòng có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có trí thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và kỹ năng hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số hóa. Kế hoạch đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 phấn đấu trên 90% cán bộ đoàn, hội, đội, đoàn viên, hội viên và 80% thanh niên, thiếu niên được tuyên truyền và tích cực thực hiện Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; được học tập các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương mới của Đảng, của Đoàn thông qua các nền tảng số của Đoàn; đoàn viên kết nạp mới được học lý luận chính trị trên Cổng thông tin điện tử, ứng dụng di động "Thanh niên Việt Nam"; được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh trên không gian mạng; tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin mạng…; đến năm 2030, đạt 100% các chỉ tiêu tương ứng.

3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm 

* Công tác y tế dự phòng

* Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19

Trong tháng 01/2023, thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; kế hoạch đảm bảo y tế. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi bổ sung, mũi nhắc lại và vắc xin cho các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn, hiệu quả; áp dụng linh hoạt công tác phòng chống dịch, từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không lơ là trong công tác chữa trị và cách ly những trường hợp mắc mới.

*Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác

Tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong toàn thành phố ước tháng 01/2023, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 746 ca; bệnh thủy đậu ghi nhận 09 ca; bệnh chân tay chân miệng ghi nhận 24 ca; bệnh quai bị ghi nhận 03 ca; bệnh tiêu chảy ghi nhận 72 ca; hội chứng lỵ ghi nhận 11 ca; cúm ghi nhận 207 ca; sởi không ghi nhận ca bệnh; bệnh liên cầu lợn ở người không ghi nhận ca bệnh; bệnh viêm não vi rút không ghi nhận ca bệnh. 

* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-ATTP ngày 25/11/2022 của Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về việc việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPCN), bao bì chứa đựng thực phẩm (BBCĐ), phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến (PGTP) năm 2022, 02 đoàn của Chi cục tiến hành kiểm tra 54 cơ sở, tỉ lệ đạt 87,2%. Xử lý vi phạm 01 cơ sở: Công ty TNHH xuất nhập khẩu quốc tế Tú Linh, số tiền 15,3 triệu đồng. 

Thực hiện Quyết định số 4403/QĐ-UBND ngày 21/12/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đợt Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Kết quả kiểm tra: 47 cơ sở, tỉ lệ đạt 87,2%, không xử lý vi phạm.

* Công tác phòng chống HIV/AIDS

Ước tính đến tháng 01 năm 2023, lũy tích số người nhiễm HIV là 11.680 người, lũy tích số người chuyển sang AIDS là 6.364 người, lũy tích số người chết do AIDS là 5.405 người, số người HIV hiện còn sống là 6.275 người. Diễn biến dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng đặc biệt nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), chiếm tỷ lệ cao nhất (34,4%) trong số nhiễm HIV mới được xét nghiệm. Hình thái lây nhiễm qua đường tình dục chiếm tỷ lệ cao hơn đường máu (72%), nam giới chiếm tỷ lệ đa số 73,9%. Độ tuổi chủ yếu từ 25 - 49 tuổi (65%).

Ước tính đến thời điểm báo cáo, tổng số cơ sở điều trị Methadone 18 cơ sở tổng số bệnh nhân điều trị  3.950 người, đạt 85,8% chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì 95%; Ngành Y tế điều trị Methadone cho 2.774 người (70%). Đề án Thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày đã cấp cho 801 bệnh nhân tại 08 cơ sở điều trị. 

4. Văn hóa - Thể thao 

Trong tháng 01/2023, thành phố dự kiến tổ chức Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2023 trong 03 ngày: 26, 27, 28 tháng 02 năm 2023 (tức ngày mùng 7, 8, 9 tháng 02 năm Quý Mão). Khai mạc Lễ hội vào hồi 20h00 ngày 27 tháng 02 năm 2023 (tức ngày 08 tháng 02 năm Quý Mão), tại các điểm khu di tích Nữ tướng Lê Chân, bao gồm: Tượng đài Nữ tướng Lê Chân; Di tích lịch sử - văn hóa Đền Nghè; công trình kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình An Biên. Lễ hội được tổ chức nhằm phát huy các nét đẹp văn hóa, nghi lễ truyền thống về thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân - Người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa, thành phố Hải Phòng ngày nay. Qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tuyên truyền, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; đồng thời tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đền Nghè, đình An Biên, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội truyền thống, lễ hội du xuân của Nhân dân và du khách.

5. Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/01/2023, toàn thành phố xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đường bộ; làm 04 người chết, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tai nạn giao thông giảm 03 vụ (tương ứng giảm 42,86%), số người chết giảm 02 người (tương ứng giảm 33,33%) và số người bị thương không tăng, không giảm. Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. 

6. Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/01/2023, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 07 vụ cháy, không có người chết và người bị thương, giá trị thiệt hại về tài sản đang trong quá trình xác minh, nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao; các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.

CỤC THỐNG KÊ TP HẢI PHÒNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây