Cục Thống kê thành phố Hải Phòng

http://thongkehaiphong.gov.vn


Định hướng chuyển đổi số ngành Thống kê

Chuyển đổi số đang trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới và đối với tất cả các lĩnh vực. Tại Việt Nam, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Đối với ngành Thống kê, đây là cơ hội lớn để chuyển đổi hoạt động thống kê nhằm nâng cao chất lượng số liệu, nâng cao hiệu quả chi phí của việc sản xuất số liệu và khai thác tối đa các nguồn dữ liệu hiện có.
 
 
dinh huong chuyen doi so nganh thong ke

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Chuyển đổi số trên phạm vi quốc gia và ngành Thống kê

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển đổi số trên phạm vi quốc gia và Ngành. Nổi bật như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; Quyết định số 1776/QĐ-BKHĐT ngày 07/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
 
Theo Cẩm nang chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số”. Chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí và tạo ra các không gian phát triển mới và tạo ra giá trị mới.

Đặc biệt, đối với ngành Thống kê là Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 10/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án nhằm ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin - truyền thông và các phương pháp khoa học dữ liệu để nâng cao chất lượng thông tin thống kê nhà nước, hướng đến hệ thống thông tin thống kê tích hợp và hiện đại trong giai đoạn 2020-2025; đổi mới điều tra thống kê; tích hợp, sử dụng dữ liệu hành chính; thu thập và xử lý dữ liệu lớn; phổ biến thông tin thống kê và chia sẻ dữ liệu, thông tin thống kê theo hướng hiện đại, bảo đảm chất lượng và bảo mật thông tin nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành đất nước dựa trên thông tin thống kê.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê đã thực hiện chuyển đổi số và đạt được một số kết quả ban đầu như sau:

Một là, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành
  • Sử dụng hệ thống quản lý văn bản số và ứng dụng chứng thư số chuyên dùng.
  • Xây dựng, thí điểm hệ thống phần mềm quản lý công việc của Tổng cục Thống kê.
  • Hệ thống họp trực tuyến: Hệ thống trực tuyến kết nối toàn Ngành từ Trung ương tới cấp huyện. Tới thời điểm hiện nay, có 223 điểm cầu (69 điểm cầu cấp tỉnh, các Trung tâm, Trường, Viện và 154 điểm cầu đến cấp huyện).
Hai là, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiệp vụ
  • Đổi mới phương pháp, hình thức điều tra thống kê thông qua sử dụng bảng hỏi điện tử CAPI, Webform thay thế hình thức phiếu giấy và nhập tin thủ công hoặc công nghệ quét (scan). Đến thời điểm hiện nay, có một số cuộc điều tra quy mô lớn đã áp dụng hình thức phiếu điện tử như: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; Điều tra giữa kỳ nông thôn, nông nghiệp năm 2020. Trong 32 cuộc điều tra thống kê thường xuyên, có 23 cuộc điều tra đã ứng dụng phiếu hỏi điện tử (chiếm gần 72%), trong đó 16 cuộc điều tra sử dụng CAPI và 7 cuộc điều tra sử dụng Webform. Trong tổng số 23 cuộc điều tra sử dụng phiếu điện tử, có 13 cuộc điều tra xây dựng mới phần mềm trong năm 2021 (chiếm 56,5%).
  • Đổi mới công tác giám sát, quản lý hoạt động thu thập thông tin thống kê thông qua Trang Web điều hành tác nghiệp, thay thế hình thức giám sát trực tiếp, nhờ vậy, chất lượng thông tin được cải thiện, rút ngắn thời gian thu thập thông tin.
  • Nghiên cứu, thí điểm sử dụng dữ liệu lớn (big data) trong biên soạn các chỉ số giá (giá tiêu dùng, giá bất động sản).
  • Kết nối với cơ sở dữ liệu thuế, khai thác thông tin phục vụ biên soạn thông tin thống kê. Ngoài ra, sử dụng dữ liệu hành chính khác để biên soạn các chỉ tiêu thống kê như: Thông tin về xuất nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan, thông tin về tài chính, ngân hàng.
  • Cập nhật dữ liệu thống kê (danh mục) tự động lên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia thông qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) bằng giao diện lập trình ứng dụng (API) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.
Ba là, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin

Hạ tầng vật lý công nghệ thông tin đang từng bước được nâng cấp phục vụ Tổng điều tra và các cuộc điều tra thường xuyên theo hướng quản lý dữ liệu tập trung; trong đó, phần lớn đầu tư về hạ tầng được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Định hướng chuyển đổi số ngành Thống kê giai đoạn tới

Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trong ngành Thống kê cần có sự quyết tâm, nỗ lực đồng lòng của toàn hệ thống từ trên xuống dưới. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ, từng bước các công tác: Xây dựng thể chế; ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quy trình nghiệp vụ sản xuất và phổ biến thông tin thống kê; củng cố nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, đối với công tác ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới quy trình nghiệp vụ sản xuất và phổ biến thông tin thống kê, cần lưu ý một số nội dung sau:
  1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu (điều tra, dữ liệu hành chính, hồ sơ…) đảm bảo dữ liệu được cập nhật liên tục (realtime); được truyền tải từ cấp thấp nhất đến Trung ương thông qua hệ thống thu thập dữ liệu. Hiện đã có 72% cuộc điều tra ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra. Tuy nhiên, các nền tảng công nghệ xây dựng phiếu điện tử chưa nhất quán, mỗi cuộc điều tra sử dụng một nền tảng khác nhau.
  2. Cải tiến phương pháp, hình thức và nội dung các cuộc điều tra thống kê vừa đảm bảo đáp ứng thông tin, nâng cao hiệu quả (tăng độ chính xác, rút ngắn thời gian, giảm kinh phí); trong đó, ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blokchain) và các phương pháp thu thập thông tin mới. Thực tế, có trên 30 cuộc điều tra hàng năm, tuy nhiên, các quy định chỉ tiêu chưa thống nhất (metadata); thông tin còn chồng chéo. Việc sử dụng dữ liệu hành chính cho công tác thống kê còn hạn chế.
  3. Nghiên cứu, thực hiện mã hóa tự động thông tin theo các danh mục quy định. Hiện nay, việc thực hiện mã hóa tự động thông tin theo danh mục mới chỉ được triển khai trong một số cuộc điều tra với một số loại danh mục đơn giản.
  4. Chuẩn hóa các biến trong các cơ sở dữ liệu và chuẩn hóa dữ liệu đặc tả giữa các cuộc điều tra để đảm bảo thực hiện kết nối dữ liệu giữa các cuộc điều tra (có thể tham khảo mô hình dữ liệu của IPUM thực hiện hài hòa hóa dữ liệu từ các cuộc điều tra và các quốc gia thành một cơ sở dữ liệu). Hiện nay, việc chuẩn hóa các biến và dữ liệu của các cuộc điều tra còn thực hiện riêng lẻ, do vậy chưa thể kết nối được các cơ sở dữ liệu.
  1. Quản lý dữ liệu tập trung, sử dụng phân tán.
  2. Tư liệu hóa dữ liệu, nguồn dữ liệu và các phương pháp thu thập, tổng hợp (ví dụ với dữ liệu cần có giải thích về các biến số - code book).
  3. Sử dụng dữ liệu lớn trong công tác thống kê. Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang thực hiện thử nghiệm và sử dụng để tham khảo cho việc biên soạn các chỉ tiêu thống kê.
  4. Đẩy mạnh công tác biên soạn báo cáo dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu và các ứng dụng tự động trong biên soạn báo cáo khung và phổ biến thông tin này một cách rộng rãi, trong đó hỗ trợ trình bày dữ liệu tích hợp với bản đồ địa lý (GIS). Tổng cục Thống kê hiện đang áp dụng các phần mềm thống kê trong biên soạn các chỉ tiêu lĩnh vực thống kê dân số và xã hội, nhưng chưa thực hiện được biên soạn báo cáo khung tự động và tích hợp dữ liệu với bản đồ địa lý.
  5. Xây dựng trung tâm dữ liệu thống kê quốc gia, quản lý và kết nối dữ liệu thống kê với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
Để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, ngành Thống kê cần chú trọng một số giải pháp như: Phát triển hạ tầng đảm bảo thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả, ổn định và linh hoạt, đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống, tuyệt đối bảo mật thông tin; Nghiên cứu ứng dụng khoa học dữ liệu và các công nghệ tiên tiến, hiện đại; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đổi mới, phát triển công nghệ, nội dung thông tin để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dùng tin./.

Tác giả bài viết: (Nguồn: Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng CNTT - TCTK)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây