Lịch sử phát triển

Xuất phát từ yêu cầu của Chính phủ, chính quyền các cấp và để phục vụ quản lý Nhà nước trong giai đoạn mới, ngày 06/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam nằm trong Bộ Quốc dân Kinh tế - tiền thân của ngành Thống kê Việt Nam ngày nay.
Ngày 20/2/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 695/TTg quy định về Tổ chức Cục Thống kê trung ương, các cơ quan Thống kê địa phương và các tổ chức Thống kê các Bộ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cục Thống kê Trung ương và các cơ quan Thống kê ở các địa phương là một hệ thống thông nhất, tập trung.

  Căn cứ vào Điều lệ về tổ chức Cục Thống kê Trung ương và cơ quan Thống kê địa phương ban hành theo Quyết định số 695 -TTg ngày 20/2/1956 của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, sau khi có hướng dẫn của Cục Thống kê Trung ương, Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An trực thuộc Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh và Thanh tra Thống kê huyện trực thuộc Ủy ban hành chính quận.

  Thi hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 18/3/1957 của Ban Bí thư Trung ướng Đảng về việc tăng cường công tác Thống kê và Thông tư số 108/TTg ngày 25/3/1957 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Thống kê xã và Nghị định số 142/TTg ngày 8/4/1957 quy định lại tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan Thống kê các cấp, các ngành, theo đó ngành Thống kê Hải Phòng và Kiến An đều được tổ chức theo mô hình: Cấp tỉnh có Chi cục Thống kê, cấp huyện, thị xã có Phòng Thống kê và cấp xã có Ban Thống kê.
Chi cục Thống kê tỉnh, Phòng Thống kê huyện, Ban Thống kê xã là cơ quan chuyên môn của Ủy ban hành chính địa phương, chịu sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn của cơ quan Thống kê cấp trên.

  Ngày 27/10/1962, Quốc hội khóa II kỳ họp thứ 5 đã thống qua Nghị quyết về việc hợp nhất Hải Phòng và Kiến An và lấy tên là "Thành phố Hải Phòng". Tháng 01/1963, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định hợp nhất 2 tỉnh Kiến An và Hải Phòng thành thành phố Hải Phòng. Chi cục Thống kê 2 tỉnh, thành phố cũng được hợp nhất thành Chi cục Thống kê Hải Phòng trực thuộc Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng.

  Năm 1983, Tổng cục Thống kê ra Quyết định số 295/TCTK đổi tên Chi cục Thống kê Hải Phòng thành Cục Thống kê Hải Phòng.
Về mô hình quản lý: Từ trước năm 1988 ngành Thống kê tổ chức theo mô hình quản lý ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Từ 1988 - 1993 hệ thống thống kê cấp tỉnh, thành phố được giao cho địa phương quản lý. Đến năm 1994, theo Nghị định số 23/CP ngày 13/3/1994 của Chính phủ, ngành Thống kê đã trở lại mô hình quản lý theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện và duy trì cho đến ngày nay.

  Về cơ cấu tổ chức: Trải qua quá trình hình thành cơ cấu tổ chức ngành Thống kê Hải Phòng liên tục được phát triển. Trong thời kỳ mới thành lập, cả 2 Ban Thống kê Hải Phòng và Ban Thống kê Kiến An chỉ có 15 người. Đến năm 1957 ngành Thống kê Hải Phòng được tổ chức theo mô hình cấp thành phố có Chi cục Thống kê, cấp huyện có phòng Thống kê, cấp xã có ban Thống kê.

  Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Thống kê Hải Phòng cũng có sự thay đổi cho phù hợp. Đến nay, cơ cấu tổ chức Cục Thống kê Hải Phòng thực hiện theo mô hình 7 phòng gồm: phòng Thống kê Tông hợp, phòng Thống kê Công nghiệp - Xây dựng, phòng Thống kê Nông nghiệp, phòng Thống kê Dân số - Văn xã, phòng Thống kê Thương mại, phòng Tổ chức - Hành chính, phòng Thanh tra Thống kê và 15 Chi cục thống kê quận huyện trực thuộc Cục Thống kê.

  Quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Thống kê TP Hải Phòng là quá trình gắn liền với việc phục vụ công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Thành phố. Trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, ngành Thống kê Hải Phòng đã từng bước phát triển cả về tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ, lớn dần về số lượng, nâng cao dần về chất lượng và luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Tổng cục Thống kê Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố giao cho.

  Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, ghi nhận kết quả phấn đấu và thành tích đạt được của ngành Thống kê Hải Phòng, nhiều tập thể và cá nhân đã vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Tổng cục Thống kê và UBND Thành phố trao tặng.

1. Huân chương lao động hạng ba: các năm 1962; 1965; 1980; 2011; 2015
2. Huân chương lao động hạng nhì: các năm 1968; 1985
3. Cờ thi đua cấp Bộ: các năm: 1997; 2013; 2014; 2015
4. Cờ luân lưu Hội đồng Bộ trưởng: các năm: 1981; 1982; 1983; 1986
5. Cờ thi đua Chính phủ: các năm: 2011; 2014
6. Bằng khen thủ tướng: các năm 1995; 2011
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây