TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022 THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Thứ bảy - 01/10/2022 08:30

Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc. Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại bình thường. Nhiều ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: sản xuất công nghiệp, hàng qua cảng, thu ngân sách, thu hút FDI, thu hút khách du lịch bước đầu phục hồi và tăng trưởng; doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, có hiệu quả; tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới làm giá hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao khiến kinh tế Hải Phòng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022 đạt được như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 11,10% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch tăng từ 13% trở lên), thấp hơn mức tăng 13,52% của 6 tháng năm 2021,  đứng thứ 7 cả nước và thứ 3 vùng đồng bằng Sông Hồng. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,67%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,32%, đóng góp 7,27 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 9,05%, đóng góp 3,23 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, mặc dù ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn do thức ăn, con giống, chi phí nguyên vật liệu tăng nhưng vẫn là điểm sáng của khu vực này với giá trị tăng thêm tăng 2,05%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành nông nghiệp giảm 0,11%.

Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 làm cho cuỗi cung ứng bị gián đoạn; giá dầu tăng cao, kéo theo chi phí về sản xuất cũng tăng, ngành công nghiệp 6 tháng năm 2022 giá trị tăng thêm tăng 13,91% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 6,83 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 14,17% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 6,54 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 12,57%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Trong khu vực dịch vụ, ngành thương mại tăng 8,1%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,74%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 9%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,38%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung...

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 9,82% so với cùng kỳ, đóng góp 0,57 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung toàn thành phố.

Cơ cấu kinh tế trên địa bàn 6 tháng năm 2022 tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Cụ thể: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 4,05%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 53,83%; khu vực dịch vụ chiếm 36,49%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,63%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, công tác gieo trồng được thực hiện đảm bảo theo khung thời vụ và kế hoạch đã đề ra. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được chú trọng triển khai thực hiện. 

a) Nông nghiệp 

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông xuân năm 2022 toàn thành phố ước đạt 42.823,1 ha, bằng 98,75% so với vụ Đông xuân năm trước. Diện tích gieo trồng cây hàng năm có xu hướng giảm ở các nhóm cây, trong đó cây lúa có mức giảm lớn nhất. 

Diện tích gieo trồng cây lúa ước đạt 28.040,5 ha, bằng 98,59% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích nhóm cây hàng năm khác vụ Đông xuân năm 2022 ước đạt 14.728,5 ha, bằng 99,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cây ngô ước đạt 733,2 ha (bằng 96,37%), cây thuốc lào ước đạt 1.896,1 ha (bằng 101,82%), rau các loại ước đạt 8.917,1 ha (bằng 99,62%) so với cùng kỳ năm trước. 

Diện tích cây lâu năm trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 8.373,6 ha, bằng 101,88% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, cơ cấu các nhóm cây trồng lâu năm giữ được sự ổn định so với năm trước: diện tích nhóm cây ăn quả ước đạt 6.804,3 ha, chiếm 81% tổng diện tích cây lâu năm; cây lấy quả chứa dầu ước đạt 253,4 ha, chiếm 3%; cây gia vị, dược liệu ước đạt 38 ha... 

Ước tính tháng 6 năm 2022, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: Tổng đàn trâu ước đạt 4,04 nghìn con, giảm 2,39% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 7,89 nghìn con, giảm 14,42%; tổng đàn lợn hiện có ước đạt 142,54 nghìn con, tăng 3,61% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn gia cầm ước đạt 8.076,7 nghìn con, giảm 4,4%, trong đó: đàn gà ước đạt 6.161,9 nghìn con, giảm 3,85% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2022 như sau: Sản lượng trâu ước đạt 436,3 tấn, bằng 102,74%, sản lượng bò ước đạt 553 tấn, bằng 88,03%, sản lượng lợn ước đạt 16,06 nghìn tấn, bằng 143,8%, sản lượng gà ước đạt 25,8 nghìn tấn, bằng 98,37% so với cùng kỳ năm 2021.

b) Lâm nghiệp

Tháng 6 năm 2022, tình hình sản xuất ngành lâm nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn duy trì ở mức ổn định với sản lượng gỗ khai thác ước đạt 115,4 m³, bằng 95,21% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng củi khai thác ước đạt 2.689,8 ste, bằng 94,11%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng gỗ khai thác ước đạt 740,8 m³, bằng 93,80% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi đạt 18.170 ste, bằng 93,96%. 

c) Thủy sản

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 97.834,1 tấn, tăng 2,30% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng năm 2022 ước đạt 9.962,4 ha, tăng 1,21%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 38.326,3 tấn, tăng 2,50%, chia ra: cá các loại đạt 23.432,7 tấn, tăng 2,51%; tôm các loại đạt 3.245,3 tấn, tăng 1,39%; thủy sản khác đạt 11.648,3 tấn, tăng 2,79%. 

Sản lượng khai thác thủy sản toàn thành phố 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 59.507,8 tấn, tăng 2,17% so với cùng kỳ năm trước. 

3. Sản xuất công nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu; xung đột chính trị giữa một vài quốc gia trên thế giới đã làm chi phí nguyên vật liệu sản xuất tăng cao đã ảnh hưởng đến một số ngành sản xuất công nghiệp. Trong bối cảnh đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì sản xuất ổn định và đạt mức tăng trưởng khá.

Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố (IIP) 6 tháng đầu năm nay ước tăng 11,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành chế biến, chế tạo tăng 12,37%, đóng góp 11,58 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,47%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,49%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung; riêng ngành khai khoáng có chỉ số giảm 28,48%, tác động làm giảm 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước 6 tháng đầu năm 2022 tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tại thời điểm 30/6/2022 tăng 2,02% so với tháng trước và tăng 17,94% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ: sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng tăng 196,36%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 142,29%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 78,64%; sản xuất sắt thép gang tăng 83,41%...

Số lao động làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp ước tại thời điểm 01/6/2022 tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 12,42% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 6,02%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 9,76%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,25%. 

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy thu hình (tivi) đạt 597,3 nghìn chiếc, tăng 149,32%; mạch điện tử tích hợp đạt 18.919 nghìn chiếc, tăng 84,79%; camera truyền hình đạt 61,4 triệu cái, tăng 80,79%; sổ sách vở ghi đạt 28,2 nghìn tấn, tăng 65,88%; lốp hơi mới bằng cao su đạt 1.251,5 nghìn cái, tăng 31,78%... Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Các loại ắc quy điện sản xuất đạt 183,7 nghìn Kwh, giảm 39,41%; bia đóng chai đạt 1.813 nghìn lít, giảm 32,04%; máy hút bụi các loại đạt 454,8 nghìn cái, giảm 23,73%; túi khí an toàn đạt 6,5 triệu cái, giảm 22,78%; máy giặt loại không quá 10 kg sản xuất đạt 600,3 nghìn cái, giảm 16,75%; thức ăn cho gia cầm đạt 51.039 tấn, giảm 4,86%;...

4. Thương mại và dịch vụ

Sáu tháng đầu năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại bình thường, các chương trình kết nối cung cầu, khuyến mãi kích cầu tiêu dùng được đẩy mạnh, nhiều hoạt động quảng bá du lịch được tổ chức triển khai cùng với việc đổi mới sản phẩm du lịch nội đô, sự hấp dẫn thương hiệu Đồ Sơn, Cát Bà đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến với Hải Phòng… góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành thương mại, dịch vụ, đặc biệt một số ngành dịch vụ có sự phục hồi mạnh mẽ.

* Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 6 tháng/2022 đạt 84.458,1 tỷ đồng, tăng 12,79% so với cùng kỳ năm trước, bằng 52,59% kế hoạch (kế hoạch năm 2022 đạt 160.608 tỷ đồng).

Xét theo ngành hoạt động: Sáu tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 69.391,9 tỷ đồng, tăng 12,96% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 920,2 tỷ đồng, tăng 19,78% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 9.248,5 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 55,2 tỷ đồng, tăng 18,68% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 4.842,3 tỷ đồng, tăng 10,73% so với cùng kỳ.

* Dịch vụ vận tải

Hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát tuy gặp khó khăn về chi phí xăng dầu tăng, tuy nhiên lượng hàng hoá vận chuyển trong 6 tháng đầu năm khá dồi dào, nhu cầu khách đi lại tăng cao từ tháng 4/2022 nên nhiều đơn vị vận tải đã có mức tăng doanh thu đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. 

Sáu tháng đầu năm 2022, vận chuyển hàng hóa ước đạt 132,8 triệu tấn, tăng 15,06% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hàng hóa ước đạt 56.562,9 triệu tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Vận chuyển hành khách 6 tháng/2022 ước đạt 16,4 triệu lượt, giảm 23,28% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách ước đạt 672 triệu lượt, giảm 23,13% so với cùng kỳ năm trước.

* Hoạt động du lịch

Ngành du lịch là ngành chịu nhiều tác động nhất từ dịch bệnh. Sáu tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 3.014 nghìn lượt, tăng 27,69% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt 117,2 nghìn lượt, tăng 227,08% so với cùng kỳ. 

* Sản lượng hàng qua cảng: Sáu tháng đầu năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 70.794,5 nghìn tấn, tăng 7,87% so với cùng kỳ. Doanh thu cảng biển 6 tháng/2022 ước đạt 3.322,6 tỷ đồng, tăng 9,96% so với cùng kỳ năm trước. 

6. Tài chính và ngân hàng 

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2022 đạt đạt 53.969,7 tỷ đồng, đạt 51,1% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 118,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó: Thu nội địa ước đạt 20.853,3 tỷ đồng, đạt 50,9% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 131,9% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 31.900 tỷ đồng, đạt 53,2% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 111% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng/2022 ước đạt 11.353,2 tỷ đồng, đạt 31,3% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 107,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tổng chi đầu tư phát triển ước đạt 5.465,7 tỷ đồng, đạt 30,1% và bằng 107%; chi thường xuyên ước đạt 5.393 tỷ đồng, đạt 39,1% và bằng 106,8%.

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 30/6/2022 đạt 279.430 tỷ đồng, tăng 11,05% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng dư nợ cho vay đến 30/6/2022 ước đạt 170.506 tỷ đồng, tăng 24,31% so với cùng kỳ năm trước. 

7. Đầu tư xây dựng

Thực hiện đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2022 chưa có nhiều bứt phá. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 dần được đẩy lùi, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải chịu “cơn bão” tăng giá xăng dầu. Ở Việt Nam giá xăng dầu liên tiếp thiết lập những mức tăng kỷ lục, kéo theo giá cả nguyên vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, cát đá… tăng cao đến mức chóng mặt. Điều này tác động rất lớn tới tiến độ thực hiện của các dự án, nhiều chủ đầu tư chọn giải pháp ngưng lại các dự án dự kiến khởi công đợi qua cơn bão giá, các dự án đang thực hiện bị chậm tiến độ thậm chí có nguy cơ ngừng hẳn.

Thực hiện vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội dự kiến 6 tháng đầu năm 2022 đạt 75.368,8 tỷ đồng, tăng 2,56% so với cùng kỳ. Vốn khu vực Nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.330,7 tỷ đồng, tăng 20,94% so với cùng kỳ. Khu vực ngoài nhà nước chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 6 tháng/2022 ước thực hiện đạt 38.459,2 tỷ đồng, giảm 5,59% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài ước 6 tháng/2022 đạt 30.578,9 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ.

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Tính đến 15/6/2022, Hải Phòng có 816 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư  23.600,42 triệu USD. Từ đầu năm đến 15/6/2022, toàn thành phố có 34 dự án cấp mới đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 506,36 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 24 dự án, với số vốn tăng là 468,18 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.Tổng cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 58 dự án, vốn đầu tư đạt 974,54 triệu USD.

Từ đầu năm đến 15/6/2022, có 10 dự án chấm dứt hoạt động dự án và 01 dự án tạm ngừng hoạt động đến hết năm 2022; 02 dự án chuyển thành dự án 100% trong nước.

8. Chỉ số giá

Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,48% so với tháng trước; tăng 2,81% so với tháng 12/2021 và tăng 3,49% so với cùng kỳ năm trước. 

Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 07 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2022 tăng, 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước, 03 nhóm còn lại có chỉ số giá không thay đổi.

So với tháng 12/2021, CPI tháng 6/2022 tăng 2,81%, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm hàng tăng giá. Nhóm giao thông tháng 6/2022 tăng cao nhất với 15,05% do giá xăng, dầu trong nước qua các lần điều chỉnh giá từ đầu năm đến nay làm cho giá xăng A95 tăng 36,87%; giá xăng E5 tăng 33,31% và giá dầu diezel tăng 54,57%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2022 tăng 3,49%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá, trong đó: Nhóm giao thông tháng 6/2022 tăng cao nhất với 23,28%.

Chỉ số giá vàng tháng 6/2022 giảm 1,24% so với tháng trước, tăng 4,3% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân tháng 6/2022 dao động ở mức 5,48 triệu đồng/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2021 và tăng 1,13% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 6/2022 dao động ở mức 23.359 đồng/USD, tăng 163,08 đồng/USD.

9. Một số vấn đề xã hội

Đại dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát so với thời điểm đầu năm 2022, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 

a) Lao động việc làm

Quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2022 là 1.026 nghìn người (bằng 98,65% so với cùng kỳ năm 2021), lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc 6 tháng đầu năm 2022 là 1.008 nghìn người (bằng 99,66% so với cùng kỳ năm 2021). Số lao động giải quyết việc làm tăng 5,74% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu tăng trong ngành công nghiệp - xây dựng (tăng 8,64% so với cùng kỳ), dịch vụ (tăng 16,92% so với cùng kỳ), tuy nhiên ngành nông - lâm - ngư nghiệp giảm 12,43% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, ước giải quyết việc làm được 28.550 lượt lao động, bằng 50,35% kế hoạch năm và bằng 105,74% so với cùng kỳ năm 2021; đăng ký bảo hiểm thất nghiệp khoảng 9.090 người (giảm 4,79% so với cùng kỳ năm 2021).

b) Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã tiếp nhận 95 người vào Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội. Tổng số lượng các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là 738 người (bằng 101,37% so với cùng kỳ năm ngoái). Tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố đạt 160 lượt người (giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội: tổng dư nợ vốn vay học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo đạt 86.662 triệu đồng với 2.792 học sinh, sinh viên được vay vốn; tổng dư nợ hộ nghèo đạt 161.136 triệu đồng với 4.167 hộ nghèo; tổng dư nợ hộ cận nghèo đạt 1.253.611 triệu đồng với 30.327 hộ cận nghèo; tổng dư nợ hộ mới thoát nghèo đạt 524.201 triệu đồng với 12.766 hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ tiền điện cho 8.717 hộ nghèo với tổng số tiền tương đương 2.876 triệu đồng. 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổ chức tiếp nhận, cai nghiện ma túy tập trung cho 1.141 lượt người (bằng 67,92% so với cùng kỳ năm trước); cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 107 người (bằng 125,88% so với cùng kỳ năm trước). 

c) Giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao

Công tác giáo dục: Trong tháng 6/2022, thành phố đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023, công tác tổ chức kỳ thi tại 100% Hội đồng coi thi được triển khai đúng quy định, diễn ra an toàn và nghiêm túc, kỷ luật thi được siết chặt, các trường hợp vi phạm quy chế đều được xử lý nghiêm, các phương án bảo đảm an toàn trong thi cử được thực hiện nghiêm ngặt.

Công tác y tế dự phòng: Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 của thành phố diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, đời sống an sinh xã hội và tình hình kinh tế chung của toàn thành phố. 

Tính đến ngày 25/6/2022, số ca hồi phục xuất viện là 325.208 ca; đang điều trị là 336 ca; số ca tử vong là 156 ca.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong 6 tháng đầu năm 2022, thực hiện 07 đợt kiểm tra, trong đó: 03 đợt kiểm tra định kỳ là Tết Nguyên đán, Bếp ăn tập thể, Tháng hành động an toàn thực phẩm; 04 đợt kiểm tra đột xuất. Kiểm tra được 234 cơ sở, trong đó: số cơ sở đạt là 188 cơ sở, số cơ sở vi phạm là 12 cơ sở; xử lý và phạt tiền 94,3 triệu đồng.

Số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP là 130 cơ sở. Hồ sơ tự công bố là 50 bộ; cấp giấy công bố sản phẩm: 6 giấy. Trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022, không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, lũy tích người nhiễm HIV là 11.589 người; lũy tích số người chuyển sang AIDS là 6.347 người; lũy tích số người chết do AIDS là  5.379 người; số người nhiễm HIV hiện còn sống là 6.210 người.

Tính đến tháng 6/2022, Ngành y tế đang điều trị Methadone cho 2.759 bệnh nhân; đề án Thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày đã cấp cho 454 bệnh nhân tại 05 cơ sở điều trị. 

Công tác văn hóa - thể thao: Thành phố đã tổ chức các Chương trình, Hội nghị theo kế hoạch công tác như: sơ kết công tác văn hóa, gia đình và thể dục thể thao năm 2022; phát động Cuộc thi sáng tác biểu tượng thành phố Hải Phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh; sơ kết công tác triển khai thực hiện chương trình sân khấu truyền hình 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; tổng kết các công tác tổ chức các hoạt động chào mừng các sự kiện trong tháng 5 năm 2022 và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2022. 

d) Tai nạn giao thông

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 31 người và bị thương 04 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 06 vụ với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng giảm 15,38%), số người chết giảm 01 người so với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng giảm 3,13%) và số người bị thương giảm 16 người năm ngoái (tương ứng giảm 80%).

e) Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 32 vụ cháy, giảm 14 vụ so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 30,43%), làm 01 người chết, không có người bị thương, nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao; một số vụ cháy thảm thực bì rừng gây thiệt hại ước tính là 8,1 ha, các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản./.

CỤC THỐNG KÊ TP HẢI PHÒNG

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây