Tình hình kinh tế - xã hội TP Hải Phòng năm 2022

Thứ tư - 28/12/2022 10:45

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

 

Năm 2022, kinh tế - xã hội thành phố diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo. Xung đột vũ trang tại Ukraine kéo dài làm gián đoạn nguồn cung lương thực, đẩy giá năng lượng, dịch vụ, hàng hóa thiết yếu tăng cao; áp lực lạm phát, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm. Ở trong nước tuy phải đối mặt với những thách thức trong nước cũng như môi trường kinh tế toàn cầu bất lợi nhưng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Đối với thành phố Hải Phòng, ngay từ đầu năm bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương, Thành phố đã chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành, địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội thành phố phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tăng trưởng kinh tế thành phố đạt mức khá cao, gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước, thuộc tốp đầu các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao. Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng trưởng khá so với cùng kỳ như sản xuất công nghiệp, hàng qua cảng, thu ngân sách, thu hút FDI, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đặc biệt ngành du lịch, dịch vụ có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh; các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, có hiệu quả; tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu chưa bám sát kế hoạch năm; giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra; tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công tại một số dự án đã được thành phố thu hút đầu tư và triển khai xây dựng còn chậm... Kết quả năm 2022 đạt được như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2022 ước tăng 12,32% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch năm 2022 tăng từ 13%), đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng Sông Hồng.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng 1,21% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung toàn thành phố.

Khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 15,56% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 8,39 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Trong đó ngành công nghiệp tăng 16,30% so với cùng kỳ, đóng góp 7,96 điểm phần trăm mức tăng chung; ngành xây dựng tăng 8,40% so với cùng kỳ, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Khu vực dịch vụ ước tăng 9,06% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 3,32 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 9,57% so với cùng kỳ, đóng góp 0,57 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Cơ cấu nền kinh tế năm 2022 chuyển dịch đúng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 3,61%; công nghiệp - xây dựng chiếm 53,68%; thương mại - dịch vụ chiếm 36,98%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 5,73%. 

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong năm 2022, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, cây trồng sinh trưởng phát triển thuận lợi, không có diện tích bị thiệt hại ảnh hưởng đến năng suất. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và quản lý vật tư nông nghiệp được chú trọng triển khai thực hiện trên địa bàn.

a) Nông nghiệp 

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn thành phố năm 2022 ước đạt 77.154,1 ha, bằng 98,84% so với năm 2021. Diện tích canh tác cây trồng tiếp tục có xu hướng giảm do sự dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp, việc thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng hạn chế sức sản xuất trong dân và nhu cầu mở rộng diện tích gieo trồng. 

Diện tích trồng lúa cả năm 2022 ước đạt 56.847,9 ha, bằng 98,52% so với năm trước. Năng suất lúa cả năm 2022 toàn thành phố ước đạt 64,33 tạ/ha, bằng 100,14% so với năm trước.

Ước tính diện tích gieo trồng một số cây hàng năm khác cả năm 2022 so với cùng kỳ năm trước như sau: Cây ngô đạt 981,8 ha, bằng 89,67%; cây thuốc lào đạt 1.896,1 ha, bằng 101,82%; nhóm cây đậu, đỗ các loại đạt 271,8 ha, bằng 106,3%; hoa các loại đạt 674,9 ha, bằng 108,41%.

Diện tích cây lâu năm trên địa bàn thành phố năm 2022 ước đạt 8.388,8 ha, bằng 101,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Cơ cấu các nhóm cây trồng lâu năm tiếp tục giữ được sự ổn định so với năm trước, trong đó: diện tích nhóm cây ăn quả đạt 6.750,7 ha, chiếm 82% tổng diện tích cây lâu năm; diện tích cây lâu năm khác đạt 1.236,6 ha, chiếm 13,5%; diện tích cây lấy quả chứa dầu đạt 243,6 ha, chiếm 3%...

Tính đến thời điểm ngày 15/12/2022, tiến độ gieo trồng cây vụ Đông trên địa bàn thành phố ước đạt 5.846,8 ha, bằng 86,54% so với vụ Đông năm 2021. Trong đó: cây ngô đạt 265 ha, khoai lang đạt 257 ha, ớt đạt 363 ha, khoai tây đạt 380 ha... 

Ước tính tháng 12 năm 2022, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: Tổng đàn trâu hiện có trên địa bàn đạt 4.175 con, giảm 5,88% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò đạt 7.595 con, giảm 5,89%; tổng đàn lợn toàn thành ước đạt 153.584 con, giảm 3,44%; tổng đàn gia cầm ước đạt 8.732,95 nghìn con, tăng 0,91% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước đạt 6.808,40 nghìn con, tăng 4,16%.

Sản lượng xuất chuồng thịt lợn hơi cả năm 2022 ước đạt 30,02 nghìn tấn, tăng 20,54% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 721,54 tấn, giảm 3,65%; sản lượng bò hơi xuất chuồng ước đạt 1.020,29 tấn, giảm 9,57%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 67,62 nghìn tấn, giảm 0,73%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt gần 304,55 triệu quả, giảm 3,23% so với cùng kỳ năm trước.

b) Lâm nghiệp

Ước tính tháng 12 năm 2022, sản lượng gỗ khai thác đạt 120,5 m3, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 3.983,1 ste, tăng 15,81%. Tính chung cả năm 2022, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1.290,6 m3, giảm 0,72% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 38.852,2 ste, giảm 2,72%.

c) Thủy sản

Tính chung cả năm 2022, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 192.421,2 tấn, tăng 2,08% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2022 ước đạt 11.683,9 ha, tăng 1,46% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 76.766,6 tấn, tăng 1,79%, chia ra: cá các loại đạt 53.132,2 tấn, tăng 2,30%; tôm các loại đạt 6.882,5 tấn, tăng 1,69%; thủy sản khác đạt 16.751,9 tấn, tăng 0,21%. 

Sản lượng thủy sản khai thác của toàn thành phố ước cả năm 2022 đạt 115.654,6 tấn, tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước.

3. Sản xuất công nghiệp

Công nghiệp thành phố Hải Phòng năm 2022 gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ tình hình lạm phát, dịch bệnh, địa chính trị trên thế giới. một số ngành sản xuất có chỉ số sản xuất giảm do thiếu nhỡ linh kiện sản xuất; bị đối tác hủy đơn hàng; thị trường xuất khẩu sụt giảm; giá cả chi phí đầu vào chưa có dấu hiệu hạ nhiệt… Những tháng cuối năm sản xuất công nghiệp trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực và đạt mức tăng khá nhờ ngành công nghiệp sản xuất điện tử tăng trưởng mạnh mẽ và có những đóng góp nổi bật.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2022 ước tính tăng 9,51% so với tháng 11 và tăng 23,98% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,6%, đóng góp 14,87 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,35%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung; hai ngành có chỉ số giảm là ngành khai khoáng giảm 20,3% và ngành sản xuất, phân phối điện giảm 4,67%, tác động làm giảm tương ứng 0,04 và 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

 Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước cả năm 2022 tăng 21,85% so với cùng kỳ năm trước. 

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tại thời điểm 31/12/2022 tăng 5,12% so với tháng trước và tăng 31,95% so với cùng thời điểm năm trước.

Số lao động làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp ước tại thời điểm 01/12/2022 tăng 1,03% so với tháng trước và tăng 4,06% so với cùng kỳ, trong đó: lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,92%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 19,73%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,37%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 2022 ước tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Kính nổi và kính đã mài tăng 3,08 lần; modun camera tăng 2,1 lần; tivi tăng 66,87%; điện cực kim loại cơ bản (nam châm điện) tăng 63,02%; mạch điện tử tích hợp sản xuất tăng 38,86%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa tăng 26,7%; lốp mới bằng cao su sản xuất tăng 46,38%; máy in offset tăng 37,18%; xe mô tô tăng 51,3%; bê tông tươi tăng 84,13%;… Một số sản phẩm ước giảm so với cùng kỳ: phân bón bằng 73,2% (-26,8%); ắc quy điện các loại giảm 30,19%; bia đóng chai giảm 30,51%; máy giặt loại không quá 10 kg giảm 16,95%;...

4. Thương mại và dịch vụ

Năm 2022, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn có nhiều khởi sắc, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Các chương trình kết nối cung cầu, khuyến mãi tiêu dùng được đẩy mạnh; Thành phố chủ động chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm kích cầu du lịch, tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch và hình ảnh thành phố; tận dụng triệt để cơ hội mở cửa lại du lịch để thu hút khách du lịch,... góp phần tạo đà cho ngành thương mại và dịch vụ phục hồi với những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

* Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước cả năm 2022 đạt 175.598,8 tỷ đồng, tăng 13,94% so với cùng kỳ năm trước, bằng 101,52% kế hoạch (kế hoạch năm 2022 đạt 172.970 tỷ đồng).

Xét theo ngành hoạt động: Năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 143.452,2 tỷ đồng, tăng 13,41% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 1.815,4 tỷ đồng, tăng 51,47%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 19.880,6 tỷ đồng, tăng 14,26%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 176,9 tỷ đồng, tăng 3,8 lần; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 10.273,7 tỷ đồng, tăng 14,40% so với cùng kỳ năm 2021.

* Dịch vụ vận tải

Năm 2022, vận chuyển hàng hóa ước đạt 273,7 triệu tấn, tăng 13,47% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hàng hóa ước đạt 116.156,9 triệu tấn, tăng 8,74% so với cùng kỳ năm trước. 

Vận chuyển hành khách năm 2022 ước đạt 43,3 triệu lượt, tăng 31,63% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách ước đạt 1.790,2 triệu lượt, tăng 32,28% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hoá vận chuyển và luân chuyển năm 2022 tăng so với cùng kỳ, do các hoạt động sản xuất kinh doanh đã đi vào hoạt động ổn định sau đợt dịch năm 2021, đầu năm 2022, và đã có các bước tăng trưởng nhất định nên nguồn hàng chu chuyển dồi dào. Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển năm 2022 tăng so với cùng kỳ, do không còn bị tác động nhiều bởi tình hình dịch bệnh nên nhu cầu khách đi lại tăng cao trở lại. 

* Hoạt động du lịch

Năm 2022, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt hơn 7 triệu lượt, tăng 88,30% so với cùng kỳ năm 2021.

* Sản lượng hàng qua cảng: Năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 168 triệu tấn, tăng 11,85% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu cảng biển năm 2022 ước đạt 6.607,2 tỷ đồng, tăng 13,45% so với cùng kỳ.

5. Tài chính và ngân hàng 

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2022 ước đạt 107.132,6 tỷ đồng, tăng 11,8% so cùng kỳ năm trước và đạt 101,4% dự toán HĐND thành phố giao.

Trong đó: Thu ngân sách nhà nước địa phương ước đạt 39.822,6 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 87,2% dự toán HĐND, chỉ tính riêng các khoản thu nội địa ước đạt 36.781,5 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ và đạt 89,7% dự toán HĐND; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 67.310 tỷ đồng, tăng 16,3% so cùng kỳ và đạt 112,2% dự toán HĐND.

Tổng chi ngân sách địa phương năm 2022 ước đạt 31.685,7 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; bằng 87,3% dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó: Tổng chi đầu tư phát triển ước đạt 13.730,8 tỷ đồng, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm trước; bằng 75,6% so dự toán HĐND; chi thường xuyên ước đạt 13.610,7 tỷ đồng, bằng 105,9 so với cùng kỳ năm trước; bằng 98,8% dự toán HĐND thành phố giao.

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/12/2022 đạt 279.771 tỷ đồng, tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ cho vay đến 31/12/2022 ước đạt 178.128 tỷ đồng, tăng 19,49% so với cùng kỳ năm trước.

6. Đầu tư xây dựng

Năm 2022, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đều tăng ở cả 3 khu vực (Nhà nước; Ngoài nhà nước và Đầu tư trực tiếp nước ngoài), song bị tác động bởi dịch bệnh, biến động về kinh tế cũng như chính trị trên thế giới đã ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư của các dự án, doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trên địa bàn thành phố chưa hoàn thành mục tiêu đề ra. 

Dự tính tổng vốn đầu tư thực hiện năm 2022 trên địa bàn thành phố đạt 180.621,7 tỷ đồng, tăng 12,04% so với cùng kỳ năm trước. Vốn khu vực Nhà nước trên địa bàn ước đạt 23.309,2 tỷ đồng, tăng 19,66% so với cùng kỳ. Khu vực ngoài nhà nước ước đạt 97.148,1 tỷ đồng, tăng 6,36% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài ước cả năm 2022 đạt 60.164,4 tỷ đồng, tăng 19,38% so với năm 2021

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Tính đến 15/12/2022, Hải Phòng có 852 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư  24.568,86 triệu USD. Từ đầu năm đến 15/12/2022, toàn thành phố có 88 dự án cấp mới đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 1.121,4 triệu USD, tăng 220,95 so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 40 dự án, với số vốn tăng là 910,12 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổng cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 128 dự án với số vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh đạt 2.031,53 triệu USD.

Từ đầu năm đến 15/12/2022, có 30 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động trong đó có 29 dự án chấm dứt hoạt động và 01 dự án tạm ngừng hoạt động. 

7. Chỉ số giá

Năm 2022, dưới sự chỉ đạo sát sao của thành phố, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để ổn định giá cả thị trường. Các mặt hàng chủ yếu chưa có biến động nhiều về giá.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hải Phòng tháng 12 năm 2022 giảm 0,11% so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 06 nhóm hàng có chỉ số giá tháng 12/2022 giảm so với tháng trước và 03 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng tăng. 

So với tháng 12/2021, CPI tháng 12/2022 tăng 3,84%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá và 01 nhóm hàng giảm giá. 

CPI bình quân năm 2022 tăng 3,47% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 0,92% so với tháng trước, tăng 2,42% so với tháng 12/2021. Giá vàng bình quân tháng 12/2022 dao động ở mức 5,39 triệu đồng/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2022 giảm 2,52% so với tháng trước, tăng  5,47% so với tháng 12/2021. 

8. Một số vấn đề xã hội

Năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố được kiểm soát, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, triển khai kịp thời, hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể thao được chú trọng triển khai đã phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của thành phố và đời sống tinh thần của nhân dân.

a) Dân số và lao động

Dân số trung bình năm 2022 của thành phố Hải Phòng ước đạt 2.090,8 nghìn người, tăng 18,4 nghìn người, tương đương tăng 0,89% so với năm 2021. Phân theo giới tính: dân số nam 1.036,7 nghìn người, chiếm 49,58%; dân số nữ 1.054,1 nghìn người, chiếm 50,42%.

b) Lao động việc làm

Năm 2022, ước giải quyết việc làm được 56.990 lượt lao động, vượt 0,51% kế hoạch năm và bằng 101,54% so với cùng kỳ năm 2021. Sàn giao dịch việc làm ước tổ chức được 54 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 1.120 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 210.450 lượt lao động, cung lao động tại Sàn được 113.450 lượt người.

c) Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Trong năm 2022, tiếp nhận 95 đối tượng vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội. Tính đến 14/12/2022, tổng số đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là 761 người (bằng 102,47% số đối tượng so với cùng kỳ năm 2021). Tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố đạt 382 lượt người (tăng 27 lượt người so với cùng kỳ năm 2021); thẩm định danh sách hộ nghèo có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở gửi Sở Xây dựng tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt 1.002 hộ nghèo đủ điều kiện xây mới, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết 52/2019/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố (858 hộ xây mới, 144 hộ sửa chữa); dự kiến số tiền hỗ trợ là 27.900 triệu đồng. 

Trong năm 2022, tổ chức cai nghiện ma túy tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 2.500 lượt người, bằng 123,03% so với cùng kỳ năm trước và bằng 100% kế hoạch năm 2022. Số đang quản lý trong các Cơ sở cai nghiện ma túy là 831 người. Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 266 người bằng 109,91% so với cùng kỳ năm trước. 

d) Giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao

Công tác giáo dục: Trong năm 2022, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, đội ngũ trí thức liên tục tăng về cả số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, trình độ dưới chuẩn các cấp học chiếm 3,92%. Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên biết ứng dụng Tin học, Ngoại ngữ vào quản lý, giảng dạy còn thấp. Tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng về tin học và ngoại ngữ theo các chương trình khác nhau phục vụ đối tượng: cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 

Công tác y tế dự phòng: Năm 2022, thành phố đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; kế hoạch đảm bảo y tế, phòng chống dịch bệnh cho Sea Games; kế hoạch đảm bảo an toàn y tế phục vụ Lễ hội Hoa phượng đỏ; kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, mùa hè; kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID-19 mùa xuân; lễ ký cam kết tiến độ triển khai tiêm vắc xin; hướng dẫn an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế; kịp thời cung cấp văn bản, hướng dẫn của Ban chỉ đạo thành phố về công tác phòng chống dịch cho các Sở ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong năm 2022, thành phố thực hiện 16 đoàn kiểm tra; trong đó, 13 đoàn kiểm tra chuyên ngành kiểm tra các cơ sở thuộc lĩnh vực của ngành y tế: nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước đá dùng liền; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; cơ sở cung cấp  xuất ăn sẵn, bếp ăn tập thể; 03 đoàn kiểm tra liên ngành dịp: Tết Nguyên đán, tháng hành động, Tết Trung thu. Kết quả kiểm tra: 293/369 cơ sở, tỷ lệ đạt 79,4%; số cơ sở vi phạm bị xử lý 17 cơ sở, với số tiền phạt 270,375 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu: không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP, thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn; không đảm bảo vệ sinh khu vực chế biến.

* Công tác phòng chống HIV/AIDS: Ước tính đến tháng 12 năm 2022, lũy tích số người nhiễm HIV là 11.663 người, lũy tích số người chuyển sang AIDS là 6.361 người, lũy tích số người chết do AIDS là 5.401 người, số người HIV hiện còn sống là 6.262 người. Số liệu dịch phát hiện năm 2022 đều giảm về chỉ số: số nhiễm HIV, chuyển AIDS và tử vong tương đương so với cùng kỳ. 

Tính đến tháng 12/2022 tổng số cơ sở điều trị Methadone: 18 cơ sở, tổng số bệnh nhân điều trị là 3.980 người, đạt 85,6% chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì 95%; ngành Y tế điều trị Methadone cho 2788 người (70%).

* Công tác văn hóa - thể thao: Trong tháng 12/2022, Hội đồng Nghệ thuật thành phố thẩm định chương trình nghệ thuật “Thanh âm sóng biển” do Đoàn Ca múa Hải Phòng thực hiện tham gia Liên hoan Âm nhạc ASEAN-2022. Chương trình nghệ thuật gồm 2 phần, phần 1 “Sóng Bạch Đằng” với các tiết mục: “Bạch Đằng Giang Ký sử”, “Dệt non sông, dệt tình người”, “Trai làng chài”, hòa tấu nhạc cụ dân tộc. 

e) Tai nạn giao thông

Trong năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 62 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 02 vụ tai nạn giao thông đường sắt, 01 vụ tai nạn giao thông đường thủy. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 51 người và bị thương 22 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 11 vụ với cùng kỳ (tương ứng giảm 15,07%), số người chết giảm 07 người (tương ứng giảm 12,5%) và số người bị thương giảm 14 người (tương ứng giảm 38,89%).  

g) Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 81 vụ cháy, giảm 1,22% so với cùng kỳ năm 2021, làm 03 người chết, 03 người bị thương, nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao; một số vụ cháy thảm thực bì rừng gây thiệt hại ước tính là 8,1 ha./.

CỤC THỐNG KÊ HẢI PHÒNG

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây